Giải phẫu so sánh động vật có xương sống

Giải phẫu so sánh động vật có xương sống

Tác giả:
Thể Loại: Y Học - Sức Khỏe
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

Giải phẫu so sánh động vật là môn học nghiên cứu cấu tạo của động vật hiện đang sống và hoá thạch trên những cơ quan cùng nguồn gốc (tương đồng) nhằm chỉ ra những nội dung về sự tiến hoá gắn liền với quan hệ họ hàng. Có thể bổ sung thêm hai phương pháp nghiên cứu giải phẫu so sánh động vật là phương pháp so sánh giải phẫu hình thái, phôi sinh học và phương pháp lịch sử. Chính nhờ hai phương pháp này mà giải phẫu so sánh động vật mới có được những dẫn liệu đáp ứng với mục tiêu môn học.
So sánh cơ quan của hàng loạt động vật cho phép chúng ta rút ra những nét giống nhau và khác nhau giữa các nhóm động vật, tìm ra nguyên nhân của sự giống và khác nhau đó, rồi dùng phương pháp phân tích và tổng hợp để xác định quy luật tiến hoá của động vật.
Sự mô tả về giải phẫu từng phần của cơ quan hay toàn bộ cơ quan trong cơ thể cho phép ta phân tích hay tổng hợp toàn bộ cuộc sống của loài động vật đó. Trên cơ sở giải phẫu mô tả, giải phẫu so sánh tập hợp lại đem so sánh đối tượng này với đối tượng khác và nâng lên thành lí luận. Trong giải phẫu so sánh, khái niệm cơ quan tương đồng là cơ quan cùng nguồn gốc; cơ quan tương tự là cơ quan cùng chức phận. Vị trí và cấu tạo các cơ quan trong cơ thể thể hiện mối tương quan với nhau có tính quy luật.
Những dẫn liệu của giải phẫu so sánh cùng với những dẫn liệu phối sinh học và cổ sinh vật học hợp thành môn khoa học Hình thái tiến hoá (Evolutionary morphology). Nhiệm vụ của môn Hình thái tiến hoá có thể khái lược như sau:
1. Nghiên cứu xác định vị trí cơ quan động vật trong quá trình tiến hoá.
2. Làm sáng tỏ mối quan hệ họ hàng giữa tính đa dạng của giới động vật. 3. Vạch lại con đường tiến hoá của giới động vật trong các giai đoạn lịch sử đã qua.
4. Xây dựng những dạng trung gian mà hiện nay không còn lại.
5. Xác định quy luật chung về quá trình tiến hoá.
Nghiên cứu so sánh các cơ quan động vật đã chỉ ra rằng: quá trình phát triển tiến hoá đã trải qua con đường phân hoá, nghĩa là bắt đầu phân chia một cách liên tục của cơ quan cùng nguồn gốc thành những phần riêng biệt chiếm những vị trí khác nhau, cấu tạo đặc biệt và đảm nhiệm chức năng mới.
Hình thái riêng biệt luôn luôn liên hệ với chức năng riêng biệt. Nhờ đó mà các phần riêng biệt của cơ quan hoàn thành những chức năng đặc biệt. Như vậy, cơ quan từ đơn giản trở nên phức tạp. Nghĩa là, từ phân hoá dẫn đến phức tạp hoá.
Ví dụ:
– Cơ quan tiêu hoá: ở cá miệng tròn chỉ là ống đơn giản với chồi gan, đến thú đã trở thành hệ cơ quan phức tạp: xoang miệng với tuyến nước bọt, hầu liên hệ với cơ quan hô hấp, thực quản, dạ dày, tá tràng với tuyến tiêu hoá: gan, tuyến tuy, ruột non, ruột già, hậu môn.
– Phổi ở lưỡng cư có đuôi chỉ là đôi túi đơn giản đến thú phổi đã trở thành túi xốp có cấu tạo phân nhánh phức tạp gồm phế quản cấp I, II, III cuối cùng là tiểu phế quản thông với các túi mỏng gọi là phế nang.
Song song với quá trình phân hoá cơ quan ở động vật thì có quá trình ngược lại là
một số cơ quan được sáp nhập lại. Trong quá trình phát triển, một số cơ quan dẫn đến mất chức năng sống và phụ thuộc vào cơ quan khác, thể hiện rõ trong sự phân hoá mô. Khi đó phần tế bào tách riêng sẽ mất dần tính chất độc lập của mình và trở thành tổ chức không đồng nhất.
Quá trình tiến hoá không phải là sự tập hợp máy móc những hiện tượng tiến bộ, cũng không phải quá trình phức tạp hoá cơ thể một cách liên tục. Trong quá trình tiến hoá có nhiều bộ phận phát triển, thoái bộ, thậm chí hoàn toàn tiêu giảm để thích nghỉ có lợi cho cơ thể với điều kiện tồn tại đặc biệt.
Sự phức tạp hoá cơ thể và sự đơn giản hoá cơ thể là sự tổng hợp một quá trình
tiến hoá và thoái hoá, là điều kiện cần thiết của sự phát triển tiến hoá. Với quan điểm giải phẫu so sánh cấu tạo liên hệ với chức năng, có thể chia các hệ cơ quan trong cơ thể động vật như sau:
1. Hệ cơ quan bảo vệ, gồm: vỏ da và các sản phẩm của da. 2. Hệ cơ quan vận động, gồm: hệ cơ và hệ xương.
3. Hệ cơ quan trao đổi chất, gồm: hệ tiêu hoá, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và hệ bài tiết.
4. Hệ cơ quan điều khiển thông tin liên lạc, gồm: hệ thần kinh, cơ quan cảm giác và tuyến nội tiết.
5. Hệ cơ quan bài tiết và sinh sản, gồm: hệ bài tiết và hệ sinh dục.
Trong giáo trình Giải phẫu so sánh động vật có xương sống này, chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu đối chiếu, so sánh quá trình tiến hoá của các lớp động vật có xương sống qua từng hệ cơ quan trên. Qua đó sẽ hiểu rõ hơn về quá trình tiến hoá và thích nghỉ của động vật với sự thay đổi của điều kiện môi trường sống.