Truyện viết về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Tác giả lấy bối cảnh thời thực dân Pháp đánh chiếm miền Nam, sự bất lực của triều đình nhà Nguyễn và các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực… để khắc họa hình ảnh nhà thơ yêu nước Tú Chiểu. Đọc “Đuốc lá dừa”, bạn đọc sẽ bị cuốn vô một giai đoạn lịch sử đầy biến động, căm giận sự hèn nhát, bất lực của vua quan triều Nguyễn đối với giặc Pháp nhưng cũng dấy lên lòng tự hào dân tộc qua những con người bình dị, nghèo khổ nhưng giàu lòng yêu nước, sẵn sàng ngã xuống để bảo vệ tổ quốc, trong đó Tú Chiểu là một nhà thơ tuy mù nhưng lại là linh hồn của những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam kỳ.
“Đôi mắt đục lờ của ông như sáng lên hướng về một nơi nào đó rất xa… Dường như phía đó có tiếng đuốc lá dừa cháy bập bùng, tiếng cờ bay phần phật, tiếng reo hò tở mở của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Ngọc Tòng… Những Lục Vân Tiên lẫy lừng lịch sử, của những người dân ấp, dân lân, những ông Tiều, ông Ngư, ông Quán, lớp lớp anh hùng bình thường không tên cầm mác thông, giáo gỗ nườm nượp xông lên, bước chân không đạp bằng đồn giặc… cho cái ngày “bốn phương đều ngợi chữ thăng bình”.
Hoài Anh tên thật là Trần Quốc Tộ, vốn là hậu duệ nhà Trần. Ông sinh năm 1938 tại Bình Lục (Hà Nam). Lên 6 tuổi, cha mẹ chia tay. Cha ông tham gia Việt Minh, dắt ông theo và đổi tên ông thành Trần Trung Phương. Bởi thế, ông có một quá trình tham gia cách mạng từ rất sớm. Ngày tiếp quản thủ đô, ông mới 16 tuổi, công tác tại Sở Văn hóa Hà Nội. Hoài Anh được học chữ Hán và Pháp văn từ nhỏ và tiếp tục nâng cao tri thức bằng con đường tự học. Với tài năng bẩm sinh, bút lực của Hoài Anh thật dồi dào và viết thành công ở nhiều thể loại: thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu, phê bình văn học… Đặc biệt, Hoài Anh có một trí nhớ siêu phàm. Theo nhà văn Triệu Xuân thì vào năm 1981, Hoài Anh viết xong Đuốc lá dừa và trao cho biên tập viên của một nhà xuất bản. Mấy tháng sau, anh này bị mất túi xách, trong đó có bản thảo Đuốc lá dừa. Hoài Anh chết lặng vì không còn bản lưu, đành phải viết lại theo trí nhớ. Chỉ trong hai tuần ông đã tái sinh tiểu thuyết Đuốc lá dừa. Tiểu thuyết này được NXB Măng non rồi NXB Trẻ in và tái bản nhiều lần: 1981, 1994, 1995. NXB Kim Đồng tái bản năm 2002 và được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Văn học thiếu nhi 1982-1983…
Suốt đời nhà văn Hoài Anh sống trong cảnh cô đơn, nghèo khó nhưng lại đầy tiết tháo. Có một người bạn vong niên đã “tổng kết” Hoài Anh là nhà văn có “7 cái không”: không xe cộ (suốt đời đi bộ), không bao giờ ăn mặc bảnh bao, không nhà đất, không huân chương, không chức vụ, không xu nịnh và không bao giờ chung chiếu với những kẻ phi nhân cách.
Chỉ một tuần sau khi vào Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), nhà văn Hoài Anh đã ra đi ở độ tuổi 74 với nhiều chứng bệnh: suy thận, tiểu đường, huyết áp, nhồi máu não… Xin vĩnh biệt nhà văn của kham khổ, nghèo khó nhưng sức viết lại đầy tinh lực và trong sáng như Đuốc lá dừa một thuở…
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn