Bạn đọc sẽ biết ngay từ đầu rằng Tara Westover đang kể một câu chuyện có thực, hơn hết lại là câu chuyện cuộc đời cô, nhưng dù ít hay nhiều chúng ta vẫn cảm thấy sao mà nó “như tiểu thuyết”!
Cô bé Tara sống trên núi, đã vậy còn chưa bao giờ được đi học bởi vì bố của Tara – một người quyết liệt bài bác trường công cũng như bất cứ khía cạnh văn minh nào “phản tự nhiên”, phản lại ý Chúa – muốn như thế. Thậm chí cô bé này không có cả giấy khai sinh, nghĩa là trong hệ thống xã hội cô không tồn tại. Tara tồn tại theo “luật” của bố: cô được định nghĩa qua những công việc nhằm sửa soạn cho ngày Tận thế, những lao động khổ ải ở bãi phế liệu, và trên hết là nề nếp khắc kỷ tuyệt đối thể hiện lòng sùng kính Chúa.
Cô gái ấy lớn lên hầu như chỉ trong cảm giác vi phạm và tội lỗi – đi học là tội lỗi, rung động với bạn khác giới là tội lỗi, mặc váy và áo thun ôm sát là tay sai của quỷ Sa-tăng. Bố Tara đã nuôi dạy cô (cũng như các anh chị em khác) ở một “thành trì” kiên cố đến mức cô hầu như không thể quen với những lời khen, với tình cảm ân cần, ưu ái. Tara Westover không hề hư cấu chuỗi kịch tính trong đời mình (đọc tự truyện, chúng ta sẽ thấy tác giả luôn lo ngại việc kể sai, kể sót): từ chuỗi vận nạn của chính cô đến những tai nạn lần lượt xảy ra với các thành viên gia đình, mà hầu như tất cả đều bắt nguồn nơi tính cách, lối sống kì dị của ông bố. Song càng lật mở những trang sách thì tim chúng ta càng thắt lại với câu hỏi: Sao kia, chuyện này là có thật?
Tara Westover đã vượt qua cái có thật ấy, dĩ nhiên chẳng hề theo cách thẳng băng, dễ dàng, để được đi học; và mãi về sau, khi trở thành Tiến sỹ tại Đại học Cambridge lừng danh, cô đã buộc phải chấp nhận tình cảnh đứt lìa mối quan hệ với hầu hết người ruột thịt.
Được học, được giáo dục là niềm vui, niềm hạnh phúc, với một số người đó còn là cứu rỗi. Như Tara. Dẫu giá phải trả cực kỳ đắt đỏ, dai dẳng, thấu xương. Nhưng cô đã chọn để được tự do, để trở nên tốt đẹp hơn, dù bao đơn độc.
***
Câu chuyện này không xoay quanh phái Mặc Môn. Và nó cũng không nói về một đức tin tôn giáo nào khác. Trong câu chuyện có khá nhiều kiểu người, người là tín đồ, người không; rồi thì người tử tế, người không. Tác giả không tán thành bất cứ sự đối chiếu nào, dù là tích cực hay tiêu cực, giữa những kiểu người đó.
Những tên gọi dưới đây (theo thứ tự bảng chữ cái) là hư cấu: Aaron, Audrey, Benjamin, Emily, Erin, Faye, Gene, Judy, Peter, Robert, Robin, Sadie, Shannon, Shawn, Susan, Vanessa.
Một số chú thích được đưa vào cuốn sách này là để những ký ức khác với ký ức của tôi có tiếng nói. Những ghi chú liên quan đến hai câu chuyện – chuyện Luke bị bỏng và chuyện Shawn ngã từ tấm nâng – là quan trọng và cần dẫn giải thêm.
Trong cả hai sự việc nói trên, những chi tiết không nhất quán giữa hai lời kể là khá nhiều và đa dạng. Nói về chuyện Luck bị bỏng. Mọi người có mặt ngày hôm ấy hoặc có nhìn thấy một người nào đó, hoặc không. Bố tôi nhìn thấy Luke, và Luke nhìn thấy bố. Luke nhìn thấy tôi, nhưng tôi không nhìn thấy bố và bố không nhìn thấy tôi. Tôi nhìn thấy Richard và Richard nhìn thấy tôi, nhưng Richard không nhìn thấy bố, và cả bố lẫn Luke đều không nhìn thấy Richard. Điều gì đã tạo lên mâu thuẫn như trò kéo quân vậy? Sau khi tất cả đã quay vòng tròn, khi tiếng nhạc cuối cùng cũng ngừng lại, người duy nhất mà mọi người đều nhất trí rằng đã có mặt ở đó ngày hôm ấy, là Luke.
Chuyện Shawn ngã từ trên tấm nâng xuống thậm chí còn gây bối rối hơn. Tôi không có mặt ở đó, tôi chỉ kể lại những gì được kể cho nghe, nhưng tôi tin rằng đó là sự thật bởi nhiều năm trước tôi đã nghe nhiều người kể như vậy, và bởi vì Tyler cũng nghe kể y như thế. Mười lăm năm sau, anh vẫn nhớ chuyện đó giống hệt tôi đã nhớ. Vậy nên tôi đưa nó vào trang viết. Nhưng một phiên bản khác của chuyện này xuất hiện. Chẳng đợi chờ gì hết, phiên bản ấy khẳng định, máy bay trực thăng được gọi tới ngay tức khắc.
Nếu nói rằng những chi tiết này không quan trọng thì đó là tôi nói dối; rằng dù bạn tin lời kể nào thì “bức tranh toàn cảnh” vẫn không thay đổi. Những chi tiết ấy quan trọng đấy. Bố tôi bảo Luke xuống núi một mình, hay bố đã không làm thế; bố đã để Shawn ngồi dưới nắng với chấn thương nghiêm trọng ở đầu, hay bố không làm thế. Một người bố khác, một con người khác, được sinh ra từ những chi tiết đó.
Về chuyện Shawn ngã, tôi không biết tin vào lời kể nào. Đáng chú ý hơn, tôi không biết nên tin vào phiên bản nào của chuyện Luke bị bỏng, mà tôi có mặt ở đó hẳn hoi. Tôi có thể trở lại thời điểm đó. Luke ở trên cỏ. Tôi nhìn xung quanh. Chẳng có ai khác ở đó, không thấy bóng bố tôi đâu, thậm chí không hề có ý niệm bố tôi đang xốc tới ở bên rìa ký ức của tôi. Bố không ở đó. Nhưng trong ký ức của Luke, bố ở đó, nhẹ nhàng đặt anh vào bồn tắm, cho anh dùng thuốc vi lượng đồng căn để chống sốc.
Điều tôi rút ra từ chuyện này là việc điều chỉnh lại, không phải ký ức của tôi mà cách hiểu của tôi. Tất cả chúng ta đều phức tạp hơn những vai mà chúng ta được phân cho trong những câu chuyện mà người khác kể. Đây là điều đặc biệt đúng trong các gia đình. Khi một trong những người anh của tôi lần đầu tiên đọc lời kể của tôi về cú ngã của Shawn, anh ấy đã viết cho tôi: “Anh không thể tưởng tượng nổi là bố gọi 911. Thà Shawn chết.” Nhưng có thể không. Có lẽ, sau khi biết con trai mình bị vỡ sọ, bố tôi không còn là người mà vốn dĩ chúng tôi nghĩ là ông, và cũng không phải cái người mà nhiều năm sau này chúng tôi coi là ông. Tôi luôn biết rằng bố tôi yêu con cái, yêu mãnh liệt; tôi luôn tin rằng mối thù ghét các bác sĩ ở ông còn mạnh mẽ hơn. Nhưng có thể không. Có lẽ, vào thời điểm đó, thời điểm khủng hoảng thực sự, tình yêu của ông đã chiến thắng cả nỗi sợ hãi lẫn mối thù ghét trong ông.
Có lẽ bi kịch thực sự là, bố tôi có thể sống trong tâm trí chúng tôi, trong tâm trí các anh tôi và tôi, theo cách này, bởi phản ứng của ông vào những thời điểm khác – hàng nghìn sự việc nhỏ nhặt hơn và các khủng hoảng ít nghiêm trọng hơn – đã khiến chúng tôi thấy ông trong vai đó. Tin rằng nếu chúng tôi ngã, bố sẽ không can thiệp. Thà chúng tôi chết.
Tất cả chúng ta đều phức tạp hơn những vai mà ta được phân cho trong các câu chuyện. Không điều gì tiết lộ sự thật đối với tôi hơn việc viết tự truyện này – cố gắng giữ những người tôi yêu mến trên trang sách, để nắm bắt toàn bộ ý nghĩa về họ trong vài từ, việc mà tất nhiên là bất khả thi. Đây là điều tốt nhất tôi có thể làm: kể câu chuyện khác song song với chuyện tôi nhớ được. Về một ngày hè, một đám cháy, mùi thịt cháy, và một người cha giúp con trai mình xuống núi.
Mời các bạn mượn đọc sách Được Học của tác giả Tara Westover.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn