Thằng Nam không ngờ là mình mất cha, và mất nước, cùng một lúc lại mất luôn nhà trường. Nó đi lang thang ngoài đường với ý định tìm cha. Đi từ Cà Mau tới Nam Quan ắt phải gặp. Rồi không suy nghĩ nhiều, nó cắm cổ đi về phía tận cùng đất nước.
Nó qua sông Cửu Long bằng xuồng chèo. Nó đi xuống Cần Thơ đến tìm ông ngoại. Nhà cửa tan hoang, ông bà không còn ở đó. Nó ra sông đi nhờ một chiếc ghe, không cần biết đi đâu. Chủ ghe có vẻ đi trốn cướp . Có lẽ cũng nhận thấy trên nét mặt Nam điều bất hạnh như ông , nên ông cho Nam ăn ngủ dưới ghe suốt đêm.
Sáng sớm, thức dậy thằng Nam thấy cảnh vật lạ lùng. Hai bên bờ đều là cây tràm cây đước mà nó nhận diện được là nhờ bài khoa học tự nhiên. Cây đước là loại cây lạ lùng nhất thế giới. Rễ mọc tủa ra từ khắp nửa thân mình chụp xuống đất như những móng tay sắc, lút trong bùn. Ghe đến nơi đỗ lại. Nhằm bến có nhiều ghe. Nó lại nhảy sang đi nhờ ghe khác.
Nước dưới sông đỏ như màu rượu chát, nó vụt nghĩ. Đây là U Minh, hồ rượu vang là nơi bào chế thuốc lớn nhất của nhân loại bằng lá tràm. Nước tuôn ra biển như một đàn ngựa phóng nước đại lôi cuốn theo những giề lục bình, có giề to bằng cái nhà. Nếu ghe hút vào sẽ bị kẹt không chèo đi được.
Người chủ ghe bảo nó:
– Đây là sông Gành Hào, rắn lội nước ngược đứt đuôi.
Nó đã qua sông Ông Đốc, sông Trèm Trẹm, nhưng không có sông nào nước chảy xiết đến thế. Chỉ có điều lạ là nước đỏ ngầu như pha máu. Không hiểu sao nó có ý định đến mũi Cà Mau . Ôi! vùng đất lạ lùng như mũi tên bắn ra ngoài trùng dương mà thầy Quốc Văn giảng là NGÓN CHÂN CÁI CHƯA KHÔ BÙN VẠN DẶM.
À, đây rồi mũi Cà Mau. Ngày xưa trong tưởng tượng, trên trang sách nhà trường. Bây giờ trên mặt đất.
Nam lội trong bùn. Những cây đước mọc nhô ra trong nước mặn như những anh hùng đứng đầu sóng ngọn gío. Núp sau lưng đước là tràm những dũng sĩ kiên cường.
Đàng sau tràm là rừng mật cật, tàu bay , ô rô, cóc kèn tất cả họp thành làn lũy dày chẳng những ngăn nước mặn mà còn tấn công ra biển cả hung tàn.
Những chú còng gíó đủ màu chạy nhón chân trên mặt bùn như những cánh hoa ngũ sắc di động làm cho bùn lầy trở thành một tấm vải hoa mênh mông lôi cuốn mắt du khách trên mặt biển.
Ôi, ngón chân cái Nam Tiến đã dừng lại đây hơn thế kỷ nay nhưng phù sa đã đắp da thịt cho nó lớn lên hằng ngày và trở thành bước chân vạn dặm của người khổng lồi và sẽ in trên sao Kim sao Hoả.
Nam nằm lăn trong bùn, từ đầu đến chân đắm trong bùn như một chiến sĩ tử thương đang thoi thóp trên chiến trường máu ngửa mặt nhìn Tổ Quốc lần cuối.
Hôm sau Nam vẫn ở đây, gội nắng lội bùn. Đây là Cà Mau. Đây là hạt đất cuối cùng của Tổ Quốc có tên là Cà Mau. Không ai hiểu Cà Mau là nghĩa gì, nhưng ai cũng coi đó là hai tiếng thiêng liêng.
Bây giờ Nam đang ở Bảy Núi. Nam đi tìm Cha. Cha Nam là người đã đánh giặc 20 năm ròng để giữ đất đai này cho Nam. Mà nay Nam đã đánh mất. Nam nhìn nó bị cướp đi mà không giành giật lại được.
Kìa núi Anh Vũ, nọ là núi Dài. Còn đây là núi Sam không xa chợ Châu Đốc là mấy. Đền đài không cao lớn nhưng rất tôn nghiêm.
Trèo lên ngót trăm bậc đá đến sân đền. Một cây sứ già đứng ở bên góc sân. Lá rụng tả tơi. Hoa vàng lạt lẽo như mặt người ốm mới dậy.
Ông Từ hỏi vài câu lấy lệ, chừng như đoán bằng nét mặt cậu bé là loại người nào, ông nói với vẻ tự hào lẫn đau buồn
– Đây là đền linh nên họ chưa dám động tới.
– Cháu đi tìm cha.
– Ở đâu ?
– Cháu không biết.
Ông Từ trỏ ngoài ngõ. Một ông già mặc áo dài chít khăn đóng ngồi bên một cái tráp mây và một que nhang tắt, bảo:
– Ra mà hỏi Từ Mậu Công ấy.
“Đứa Bé Đi Tìm Cha” của Xuân Vũ là một tác phẩm tiểu thuyết xúc động và sâu sắc, mô tả hành trình đầy gian truân của thằng Nam, một đứa trẻ mồ côi cha và mất nhà cửa, quyết tâm đi tìm cha trong bối cảnh đất nước chia cắt và đầy biến động. Cuốn sách không chỉ là câu chuyện về một hành trình địa lý, mà còn là hành trình tinh thần, nơi thằng Nam phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, và cả những phát hiện về bản thân và thế giới xung quanh.
Tóm Tắt: Cuốn tiểu thuyết mở đầu với cảnh thằng Nam, một cậu bé mất cha trong chiến tranh, mất nhà cửa và thậm chí mất cả quê hương, quyết định rời bỏ nơi mình đang sống để đi tìm cha. Dù chỉ là một đứa trẻ, Nam đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn và nguy hiểm khi đi qua các vùng miền của đất nước, từ Cà Mau cho đến Nam Quan. Cuốn sách mô tả chi tiết những trải nghiệm của Nam trên hành trình của mình, từ việc đi nhờ ghe, lội bùn, cho đến cuộc gặp gỡ với những người và những hoàn cảnh khác nhau.
Đánh Giá: Tác phẩm “Đứa Bé Đi Tìm Cha” thể hiện sức mạnh tinh thần phi thường của thằng Nam, một hình tượng đại diện cho sự kiên cường, bền bỉ và không bao giờ từ bỏ hy vọng dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Xuân Vũ đã thành công trong việc dẫn dắt người đọc đi qua một loạt cảm xúc từ tò mò, lo lắng cho đến niềm vui và nỗi buồn sâu sắc.
Ngoài ra, cuốn sách còn phản ánh những tác động của chiến tranh đến cuộc sống của người dân, sự chia cắt gia đình, và mất mát quê hương. Điều này làm cho “Đứa Bé Đi Tìm Cha” không chỉ là một câu chuyện về tình cha con mà còn là một áng văn chứng minh cho sự tàn phá của chiến tranh đối với con người và xã hội.
Qua từng trang sách, người đọc sẽ được chứng kiến sự trưởng thành nhanh chóng của thằng Nam, từ một đứa trẻ ngây thơ trở thành một cậu bé mạnh mẽ, quyết đoán, dám đối mặt với thực tế phũ phàng của cuộc sống. Tác phẩm là một lời nhắc nhở về sức mạnh của tình thân, ý chí con người và khao khát được sống trong hòa bình, tự do.
“Đứa Bé Đi Tìm Cha” không chỉ là một tác phẩm văn học giàu giá trị nghệ thuật mà còn là bài học sâu sắc về tình người, sự kiên trì và niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn.