————————————-
Trích sách
“Socrates tin vào tôn giáo và Thành quốc, trên bình diện tinh thần và chân lý – còn họ, họ tin nơi mặt chữ. Các thẩm phán và Ông không đứng trên cùng một sân chơi. Giá mà Ông giải thích rõ rệt hơn, người ta đã có thể thấy ngay rằng Ông không tìm kiếm thần linh mới, không bỏ rơi các vị thần của Athens: Ông chỉ cho các thần ấy một ý nghĩa, chỉ giải thích các vị. Điều bất hạnh là thao tác này lại không vô tội đến thế. Chính trong thế giới của triết gia mà người ta cứu hộ được thần thánh và luật pháp bằng sự hiểu biết, và để bố trí sân chơi của triết học trên mặt đất, đúng là cần phải có những triết gia kiểu Socrates. Nhưng tôn giáo được giải thích, đối với kẻ khác, đấy là tôn giáo bị thủ tiêu, và quan điểm của họ về Ông chính là lời kết tội báng thần. Ông đưa ra những lý lẽ để tuân hành pháp luật, nhưng mà phải có lý do mới tuân thủ đã là điều quá đáng: có lý do này thì sẽ có lý do kia chống lại, còn đâu là sự tôn kính nữa. Điều mà người ta chờ đợi ở Ông chính là điều Ông không thể cho: nhắm mắt tuân hành không có lý do. Socrates, ngược lại, ra trình diện trước các thẩm phán, nhưng để giải thích cho họ Thành quốc là gì. Như thể họ không biết, như thể họ không phải là Thành quốc. Ông không bào chữa cho mình, Ông biện hộ cho chính nghĩa của một thành quốc biết chào đón triết học. Ông đảo ngược vai trò và nói với họ: tôi đâu có bào chữa cho tôi mà cho quý ông đấy. Rốt cuộc thì Thành quốc ở trong Ông, còn họ mới là kẻ thù của luật pháp, chính họ mới là kẻ bị xét xử, còn ông là quan tòa. Một sự lộn đảo không tránh được nơi Triết gia, bởi vì Ông biện chính cho cái vỏ ngoài bằng loại giá trị xuất phát từ bên trong”
(Trích “Socrates thành Athens, tên hành khất và bà đỡ”, Đối thoại Socratic 1, Plato)
Sinh ra ở Athen, ông được hấp thụ một nền giáo dục tuyệt vời từ gia đình, ông tỏ ra nổi bật trên mọi lĩnh vực nghệ thuật và đặc biệt là triết học, ngành học mà ông chuyên tâm theo đuổi từ khi gặp Socrates.
Ông đã từng bị bán làm nô lệ và được giải thoát bởi một người bạn, sau đó, ông đã trở về Athena khoảng năm 387 TCN và sáng lập ra Akademia (tên lấy theo khu vườn nơi ông ở). Đây có thể được coi là trường đại học đầu tiên trong lịch sử nhân loại, nơi dành cho nghiên cứu, giảng dạy khoa học và triết học. Aristoteles đã theo học tại đây khi 20 tuổi và sau này lập ra một trường khác là Lyceum.
Khi Socrates chết vào năm 399 TCN thì Platon mới khoảng 31 tuổi. Trong suốt phiên tòa xử thầy mình, ông ngồi dự ở phòng xử án. Toàn bộ chuỗi biến cố đó dường như đã ăn sâu vào tâm hồn ông thành một kinh nghiệm chấn động, vì ông đánh giá Socrates là người giỏi nhất, minh triết nhất và chính trực nhất trong tất cả mọi người.
Từ đó Platon bắt đầu cho phổ biến một loạt các đối thoại triết học trong đó nhân vật chính luôn luôn là Socrates, căn vặn những kẻ đối thoại của ông về những khái niệm căn bản về đạo đức và chính trị, làm cho họ mắc mâu thuẫn trước những câu hỏi của ông.
Có lẽ Platon có hai động cơ chính để làm việc này. Một là để thách thức và tái khẳng định những lời giáo huấn của Socrates bất chấp chúng đã bị kết án một cách công khai; hai là để phục hồi danh dự người thầy yêu quý của mình, cho mọi người thấy ông không phải là một kẻ hủy hoại giới trẻ mà là một bậc thầy danh giá nhất của họ.
Mời các bạn đón đọc Đối Thoại Socratic 1 của tác giả Plato.