“Maurice Maeterlinck là người làm vườn rất giỏi. Ông dành 20 năm nuôi ong và nghiên cứu về loài ong không khác gì các nhà ong học. Trong cuốn sách Thông thái và số phận, ông mở đầu bằng một câu cũng về loài ong: ‘Loài ong làm việc trong bóng tối mà đức hạnh thì không phô trương’. Kiến thức về ong của ông không thua các nhà nghiên cứu”, dịch giả cho biết.
Đời ong là một tác phẩm thú vị nhưng không dễ đọc. Cuốn sách là sự cộng hưởng giữa tinh thần khoa học, cảm hứng thơ ca và tư duy triết học. Cuốn sách mang đến những phát hiện thú vị, chẳng hạn Maurice Maeterlinck chỉ ra “sự kiên nhẫn của đàn ong còn nhanh cạn hơn sự kiên nhẫn của con người rất nhiều”.
Đôi khi, ông cũng có những trang văn đẹp, nên thơ gợi nên sự đối sánh giữa loài ong và loài người: “Phần lớn các sinh vật sống đều mơ hồ cảm thấy còn có một cái gì đó hết sức không chắc chắn, một cái gì đó tựa như một lớp màng mong manh trong suốt ngăn cách miền chết với miền yêu. Có một quy luật sâu xa của tự nhiên đòi hỏi cái chết của bất kể một sinh vật sống nào vào chính thời điểm nhờ nó một sự sống mới nảy sinh”.
Đời ong là một trong những tác phẩm xuất sắc của Maurice Maeterlinck, ra mắt vào năm 1901 và được đón nhận từ lúc ra đời cho đến nay. Cuốn sách là một khảo luật triết học về đời sống loài ong, nhưng tác phẩm này đã truyền cảm hứng cho nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như ballet, xiếc, thơ, nhạc…
Maurice Polidore Marie Bernhard Maeterlinck (29 tháng 8 năm 1862 – 6 tháng 5 năm 1949) là một nhà viết kịch, nhà thơ, nhà triết học người Bỉ, giải Nobel Văn học năm 1911.
Maurice Maeterlinck sinh tại Ghent trong một gia đình Pháp khá giả, bố làm công chứng, mẹ là con gái một luật sư giàu có. Sau khi tốt nghiệp luật tại Đại học Ghent vào năm 1885, Maeterlinck đi Paris. Năm 1886, ông gia nhập Đoàn Luật sư Ghent, viết thơ, ký, phê bình cho các báo và tạp chí như La Jeune Belgique, La Wallonie… Năm 1886 ông in truyện ngắn đầu tiên Le massacre des innocénts (Cuộc tàn sát những kẻ vô tội); năm 1889 ông xuất bản tập thơ đầu tiên và vở kịch đầu tiên, được nhà phê bình Octave Mirbeau của báo Le Figaro hết lời khen ngợi. Từ đó ông bỏ nghề luật sư. Trong những năm tiếp theo, ông viết hàng loạt vở kịch cổ tích, tượng trưng, kịch rối…
Năm 1895 Maeterlinck cưới vợ là Leblan – diễn viên tham gia đóng các vở kịch của ông và năm 1896 sang Paris sinh sống. Maeterlinck ủng hộ nghệ thuật thuần túy, là một trong những đại diện tiêu biểu của trường phái tượng trưng cả trong thơ ca lẫn sân khấu, trong các tác phẩm của mình mở ra một thế giới đầy màu sắc, mộng ảo chống lại số phận khắc nghiệt. Năm 1909 ông viết xong vở kịch L’Oiseau Bleu (Con chim xanh), một kiệt tác của sân khấu kể về những cuộc phiêu lưu kiếm tìm hạnh phúc qua hình tượng con chim xanh và đã trở thành một điển cố văn học biểu tượng cho hạnh phúc tình yêu cũng như đã được dựng lên trong nhiều phim.
Maurice Maeterlinck được trao giải Nobel năm 1911 nhờ những tác phẩm kịch mang nội dung phong phú, giàu tưởng tượng đầy thi vị. Kịch của ông thể hiện những hệ thống triết lý hình thành một cách trực giác. Mô típ cái chết thường xuyên hiện diện trong tác phẩm của ông ở giai đoạn cuối mang thêm màu sắc của chủ nghĩa thần bí. Maeterlinck được coi là một trong những người khởi đầu của sân khấu kịch phi lí; các vở kịch của ông đến ngày nay vẫn được dàn dựng ở nhiều nước trên thế giới.
Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông xin vào dân quân nhưng không được chấp nhận vì quá tuổi và nhà văn đã thể hiện lòng yêu nước bằng hàng loạt cuộc nói chuyện tuyên truyền ở châu Âu và Mỹ. Năm 1939 Đức quốc xã đe dọa chiếm cả châu Âu, Maeterlinck chạy sang Bồ Đào Nha và khi cảm thấy Bồ Đào Nha cũng sẽ bị chiếm, ông cùng với vợ sang Mỹ. Năm 1947 ông trở về Nice, Pháp.
Ngoài giải Nobel, Maeterlinck được vua Leopold III của Bỉ tặng huân chương Đại thập tự (1920), huân chương Thanh kiếm của Bồ Đào Nha (1939) và được vua Albert I của Bỉ phong tước hiệu Bá tước (1932). Ông mất tại Nice, Pháp.
Tôi không có ý định viết một chuyên luận về nghề nuôi ong hay sách hướng dẫn về việc chăm sóc đàn ong. Tất cả các nước văn minh đã có những cuốn sách chỉ dẫn tuyệt vời, mà cải biên chúng là một việc vô ích: nước Pháp có các cuốn của các tác giả Dadant, Georges de Layens và Bonnier, Bertrand, Hamet, Weber, Clément, cha xứ Collin v.v. Những nước nói tiếng Anh có các tác giả như Langstroth, Bevan, Cook, Cheshire, Cowan, Root và các học trò. Nước Đức có các tác giả Dzierzon, Van Berlepsch, Pollmann Vogel và nhiều tác giả khác.
Nhưng cuốn sách của tôi cũng không phải là một chuyên khảo khoa học về ong mật châu Âu (apis mellifica), ong Italia (ligustica), ong mật Ai cập (fasciata) v.v., không phải là một tập tuyển chọn các quan sát hay nghiên cứu mới. Tôi sẽ hầu như không nói một điều gì mà có lẽ tất cả những ai dẫu chỉ có đôi chút hiểu biết về ong đều đã rõ. Để tránh khiến cuốn sách này trở nên nặng nề một cách không cần thiết, tôi đã để lại cả một loạt những kinh nghiệm và quan sát được tôi tiến hành trong hai mươi năm làm nghề nuôi ong cho một công trình khác dành riêng cho các chuyên gia; những kinh nghiệm và quan sát này khá mang tính chuyên môn, và vì thế chúng chẳng mấy hấp dẫn.