Đợi mặt trời là cuốn truyện kể về ước mơ vươn lên trong cuộc sống của trẻ thơ. Nhân vật trong truyện là những đứa trẻ bất hạnh vì lí do này hay lí do khác đã phải bươn chải tự kiếm sống. Viết về những đứa bé không may mắn nhưng tác giả cũng như muốn nói với chính mình, với những bậc cha mẹ về trách nhiệm của người lớn đối với trẻ nhỏ. Đó chính là một mái ấm, một gia đình. Một gia đình thực sự chính là mái ấm của những đứa trẻ. Nếu không có điều ấy, những em bé sẽ phải chịu nhiều thua thiệt… Và ước mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn, giống như ước vọng thấy Mặt Trời sau những ngày đen tối…
Tác phẩm đoạt giải A – cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 1993 – 1995 của NXB Kim Đồng.
***
Đợi mặt trời là một cuốn sách tuyệt đẹp cho thiếu nhi, là một cuốn sách tràn đầy hy vọng, bao dung, chờ đợi và tin cậy.
Phạm Ngọc Tiến không chỉ là nhà văn, ông còn là một nhà biên kịch phim truyện với nhiều những bộ phim gây được tiếng vang như Ma làng, Chuyện phố phường, Gió làng Kình… bởi thế văn chương của ông trong Đợi mặt trờicó một kết cấu khá chặt chẽ với cốt truyện hấp dẫn, được tạo nên bởi một hệ thống ngôn ngữ mộc mạc, rõ ràng và đầy hình ảnh.
Đợi mặt trời, cái ví von của Phạm Ngọc Tiến quả thực khiến độc giả cảm động. Mỗi người đều cần có một mặt trời của riêng mình. Không chỉ những đứa trẻ lang bạt sống bằng nghề bán báo như Nghĩa choắt, Ngọc phệ, Hiền sầu… mà cả những người như chị Lan, cô giáo Kim Anh… đều cần có mặt trời.
Hình ảnh mặt trời là hình ảnh tỏa sáng, soi chiếu xuyên suốt tác phẩm của Phạm Ngọc Tiến khiến cho câu chuyện dù được viết rất gay cấn, dưới vỏ bọc của một cuộc nằm vùng và vây bắt tội phạm ma túy, vẫn vô vàn những êm ấm và cảm động.
Được sự tin tưởng của thầy Tường, cô Kim Anh, vốn là các đồng chí công an đang tìm cách phá một đường dây ma túy lớn, Nghĩa choắt, Lan và Ngọc phệ đã trở thành những nhân vật “nằm vùng”, theo dõi mọi hoạt động của nhóm buôn bán ma túy Nguyễn Hoát. Có nhiều lý do thôi thúc khiến những đứa trẻ hăng hái với nhiệm vụ được giao, nhưng Phạm Ngọc Tiến bảo rằng, điều quan trọng nhất là được sống hạnh phúc, và đem lại cho chúng niềm tin tưởng ở tương lai.
Ngẫm lại, từ xưa đến nay những tác phẩm văn chương hay điện ảnh Việt Nam về đề tài “vụ án” trong thiếu nhi, như Đội đặc nhiệm nhà C21, Kính vạn hoa… cũng chẳng tác giả nào “dám” để những đứa trẻ của mình tiếp xúc với tội phạm nguy hiểm đến mức ấy. Vậy mà Phạm Ngọc Tiến “liều” thật. Ông gan góc để những đứa trẻ vào vùng nguy hiểm, để từ ấy mà làm bật lên tình thế làm người, cũng như gợi mở về khát vọng hạnh phúc.
Hình ảnh mặt trời mà Phạm Ngọc Tiến xây dựng chính là một hình ảnh biểu tượng đẹp đẽ về gia đình và lòng yêu thương của gia đình mà bất kì đứa trẻ nào cũng khao khát có được. Cuốn sách vì thế mà càng khiến độc giả cảm động và trăn trở.
Câu chuyện được trần thuật bằng một ngôn ngữ sắc sảo, và có phần già dặn hơn rất nhiều so với lứa tuổi thiếu nhi. Nhưng không phải vì vậy mà tác phẩm của Phạm Ngọc Tiến lại thiếu đi chất hóm hỉnh vui tươi và cuốn hút dành cho thiếu nhi, tác phẩm còn đem lại cho những độc giả trẻ một trải nghiệm đặc biệt về những thân phận trẻ em luôn bị cho là bụi đời, lang thang.
Những đứa trẻ như Nghĩa choắt, Ngọc phệ, Hiền sầu dưới ngòi bút của Phạm Ngọc Tiến đã được cất lên tiếng nói tâm sự từ đáy lòng mình, để giãi bày cho căn cớ phải trở thành trẻ lang thang.
Nếu Nghĩa choắt không cha, không mẹ, là đứa trẻ bị bỏ rơi từ nhỏ, phải tự mình bươn chải để kiếm sống, thì Ngọc phệ vốn là đứa trẻ thành phố hẳn hoi, nhưng chỉ vì mẹ mất, bố chán đời dính vào ma túy, không chịu đựng nổi đòn roi và những đợt lên cơn của bố mà phải bỏ nhà đi tự kiếm sống. Trong khi đó, Hiền sầu lại là đứa con gái có hiếu lắm, vì mẹ ốm, muốn đỡ đần gia đình kiếm thêm tiền mua thuốc cho mẹ mà nó phải lang thang ngoài đường bán báo.
Không biết những đứa trẻ lang thang, những nhân vật chính của cuốn sách này có cơ hội được đọc câu chuyện viết về chúng để mà tìm được sự đồng cảm chia sẻ hay không, nhưng chắc chắn rằng những đứa trẻ đọc cuốn sách này sẽ có được những trải nghiệm thật khác lạ với đời sống của mình. Cũng vì vậy, các em sẽ biết trân trọng hơn những gì mình đang có, và biết bao dung hơn với những bạn đồng trang lứa mà đôi khi các em vẫn bắt gặp tiếng rao báo đây, đánh giày đây,… trên đường phố.
Một cuốn sách nhiều gai góc, nhiều nỗi buồn, nhiều mất mát và cũng tái hiện lại rất nhiều những mặt trái xấu xí của xã hội, nhưng nhất định Đợi mặt trời là một cuốn sách tuyệt đẹp cho thiếu nhi, là một cuốn sách tràn đầy hy vọng, bao dung, chờ đợi và tin cậy. Thật như lời Nghĩa choắt đã nói, hay cũng chính là lời tác giả khẳng định “người tử tế thật sự bây giờ thiếu gì”. Và những chuyện tử tế, đẹp đẽ như Đợi mặt trời của Phạm Ngọc Tiến có lẽ cũng nhiều vô cùng giữa đời sống này.
Nhà văn Việt Hà khi nhận xét về giọng văn của Phạm Ngọc Tiến đã nói “Đúng như Phạm Ngọc Tiến từng tâm sự rằng, anh chọn cách viết mộc, thô, đơn giản đến tối thiểu. Chính sự thô nhám, không cầu kì ấy đã tạo ra sự khác biệt, một thứ ngôn ngữ, giọng điệu rất riêng, sống động và chân thực với đời sống”. Và cũng chính vì sự chân thực gần gũi ấy mà dễ lay động trái tim, tâm tư của người đọc.
Duy nhất chỉ có các thành viên của nhóm bán báo “Xa Quê” được phép vào hành nghề trong quán Mặt Trời. Ngoại lệ này bọn trẻ trong cuộc cũng không tài nào hiểu nổi. Thì kệ xác, hơi đâu mà thắc mắc cho mệt, miễn kiếm được tiền là xong. Cũng không phải đứa nào trong nhóm đều được vào. Tiếng là bán báo rong nhưng chúng nó đã được khoanh vùng cả rồi. “Chiến đấu” ở Mặt Trời gồm có Nghĩa choắt, Ngọc phệ, Hùng sứt. Thỉnh thoảng có thêm cái Hiền sầu. Toàn những đứa có “thành tích” nổi bật. Chuyện ấy nói sau.
Quán Mặt Trời là cái đinh gì mà ghê gớm đến vậy? Chưa chắc nó đã được sang trọng, bề thế bằng mấy nhà đặc sản khác. Ừ, thì nó có địa thế thuận lợi thật. Mặt tiền rộng rãi ở phố chính, trung tâm thành phố. Thêm nữa là phòng ốc lịch sự trang hoàng đẹp đẽ, ở tầng thượng gác tư có hẳn phòng khiêu vũ nhạc xập xình, xập xoẹ suốt tối. Ai chứ bọn thằng Nghĩa còn lâu mới mắt tròn, mắt dẹt trước Mặt Trời. Cái thành phố này, hang cùng ngõ hẻm, đường ngang lối tắt chúng nó không lạ. Mấy chục cái nhà hàng, khách sạn, nơi nào nó lại chả đã đặt chân đến rồi. Tóm lại Mặt Trời cũng chỉ là một quán ăn bình thường. Vậy đấy nhưng đố bọn “Xa Mẹ”, bọn “Cố Hương” dám bước chân qua cửa. Thử xem, lại chả bị anh Toàn sẹo bẻ giò làm “tăm xỉa răng” ngay tắp lự. Không nói sai, chính thằng Hùng sứt, ngày còn chưa về “Xa Quê” đã bị anh Toàn “làm thịt”. Cái răng cửa to như hạt ngô Trung Quốc bị sứt hẳn một nửa là dấu tích của trận “làm thịt” ngày xưa. Anh Toàn sẹo người nhỏ nhưng võ nghệ cao cường lắm. Bọn ăn chằng, uống quỵt, quậy phá ở đâu không biết, đến Mặt Trời là im thít không dám ho he. Gọi Toàn sẹo vì trên gò má phải của anh đeo một cái sẹo dài thượt, lua nhua nom như con rết cụ đang bò, hãi lắm. Vào được Mặt Trời, việc kiếm ăn cũng không phải dễ. Bán được tờ báo cũng trầy vẩy. Nhưng thỉnh thoảng chúng nó vớ được khoản khác bù vào. Bẫm bằng mấy việc bán báo. Chuyện ấy cũng nói sau. Bởi vậy dù không hiểu tại sao nhưng bọn thằng Nghĩa vẫn vô cùng biết ơn bác Hoát. Chính ông chủ từ thiện của nhóm bán báo “Xa Quê” cắt cử chúng nó được vào Mặt Trời.
Gọi Nghĩa choắt vì nó nhỏ người. Đã mười ba nhưng nó còi cọc chỉ nhỉnh hơn đứa bé lên mười chút ít. Duy có khuôn mặt là đúng tuổi. Thậm chí già hơn. Dân choai trong làng bụi gọi “Choắt mặt già”, hoặc “Già đau già đớn”. Từ ngày về “Xa Quê” Nghĩa choắt mới thoát tên “Mặt già”. Từ “Xa Quê” đến Mặt Trời rất gần. Chỉ vài lượt khua chân là đến. Mới tám giờ sáng, khách nhậu vẫn vắng nên Nghĩa choắt còn cà rà ngoài cửa. Giờ này đi nhậu, đích thị là mấy cha đánh bạc đêm vừa giải tán. Kẻ thắng đến ăn mừng. Kẻ thua thì giải đen để mong vận đỏ vào canh tới. Đám khách này, một tờ báo ngày cũng chẳng hòng họ mua. Một tốp bọn “Cố Hương” đang quây tròn sát phạt nhau bằng bài “tá lả” bên kia đường. Bọn ấy là nhốn nháo nhất trong làng “báo”. Chúng nó mỗi đứa đều có dấu riêng, chuyên đóng giá rởm vào sách, tạp chí để lừa thiên hạ. Định vù sang tán gẫu một lát song Nghĩa choắt sực nhớ đến lời dặn của bác Hoát ban sáng. Phải rồi, bác Hoắt dặn nó đưa bộ “từ điển” dày cộp được bó cẩn thận cho một ông khách nào đấy. Anh Toàn sẹo sẽ chỉ chỗ. Chắc bộ sách quý lắm nên bác Hoát mới tin tưởng giao cho nó. Thằng Nghĩa là đứa lanh lợi nhất bọn và cũng được tín nhiệm nhất trong hai chục đứa “Xa Quê”. Bác Hoát cũng dặn nó phải cẩn thận không được rời tay kẻo bọn trộm thuổng mất thì nguy. Ban sáng nghe lời dặn này, Nghĩa ta đã cười ruồi. Thì chính nó từng có “thâm niên” trong “nghề” nẫng túi mà lỵ. Tuy bây giờ giải nghệ song đố đứa nào dám vờn mặt Nghĩa choắt. Còn lâu mới học được đại ca món nghề thâm hậu.
Nghĩa choắt ôm khư khư chồng báo và bộ “từ điển” đã để trong túi vải khoác chéo qua người, ngồi ngay sát cửa ra vào. Nó ngáp liền mấy cái. Giá bây giờ được ngủ một cái thì tuyệt cú mèo. Đêm hôm qua nó trằn trọc không ngủ được. Cũng tại đầu giấc, nó mơ được gặp mẹ. Mẹ nó diện lắm, đánh hẳn ô tô đến đón nó. Nó giương to mắt nhìn thật kỹ. Ngày trước lúc mẹ nó bỏ nhà ra đi kiếm ăn, nó mới chỉ bảy tuổi. Tuổi ấy đầu óc vẫn lào phào. Bởi vậy nó chỉ chập chờn nhớ không được kỹ lắm mặt mẹ. Đâu như một khuôn mặt gầy guộc rặt rãnh ngang nhăn nhúm thì phải. Vậy mà bây giờ người đàn bà sang trọng nhường kia lại gọi nó là con. Đúng rồi.
– Cún con của mẹ, lại đây nào!
Một bàn tay trắng hồng múp míp đưa lên vẫy vẫy. Còn tay kia luồn vào xách tay lôi ra một nắm tiền. Ôi, nảy đom đóm vì tiền, nhiều lắm toàn giấy bạc lớn. Nó nghẹt thở. Nước bọt ở đâu tứa ra nhiều thế, sùi cả bọt bóng, phùi ra mép. Nó nuốt đánh ực một cái.
– Nào cún con của mẹ lại đây!
Nó ngần ngừ giây lát rồi lầm lì tiến từng bước một. Cảnh giác vẫn hơn, đi đâu mà vội. Nhỡ người kia lừa nó thì sao. Bỗng nó thấy người đàn bà sang trọng thoắt cái biến đổi khuôn mặt. Đúng rồi, đúng là mẹ nó rồi. Khuôn mặt gầy guộc kẻ rãnh nhăn nhúm. Nó oà lên chạy vội. Nhưng sao thế này, nó tiến sát giơ cả hai tay mà không tài nào chạm được vào mẹ. Cái ô tô trắng trôi chầm chậm lôi theo cả mẹ nó. Chân nó cuồng lên khi cái ô tô xa dần. Trước mặt nó chỉ còn những tờ bạc vương vãi. Nó cúi xuống nhặt một tờ. Chợt có tiếng kêu rất to: “ Ăn cắp! Bắt lấy thằng ăn cắp!”. Hốt quá, nó vứt vội tờ bạc, bỏ chạy. Càng chạy chân càng ríu lại. Một đám người có cả công an rầm rập đuổi theo. Nó sợ quá, thế là xong phim rồi. Có người ngáng chân. Nó vấp ngã đánh oạch. Nó thét lên hãi hùng: “ Mẹ ơi”.
– Kìa, Nghĩa choắt, có gì mà hú hét ghê thế?
Thằng Nghĩa mở mắt thấy nửa cái răng gãy của Hùng sứt nhăn nhở ở giường bên. Thì ra nằm mơ. Kinh quá! Mồ hôi tuôn ra ướt đầm áo. Ngực chình chịch như bị chèn đá. Hoá ra cái chân bự của Ngọc phệ chẹn qua cổ nó từ bao giờ. Đúng là thằng mập Trư Bát Giới. Ngủ chung giường với nó quả là một tai hoạ. Nghĩa choắt không tài nào ngủ được nữa. Không phải vì sợ mà vì một lẽ khác. Nó thèm mẹ!
Nghĩa choắt lại ngáp dài. Nó táp vào góc hè. Không thể cưỡng lại được nữa, gà gật một chút vậy. Không biết nó ngủ được bao lâu. Một chiếc giầy đen bóng lộn gại gại vào đầu gối nó:
– Ê, nhóc! Dậy, dậy!
Thằng Nghĩa choàng tỉnh. Nó sực nhớ đến bộ “từ điển”. Hú vía, vẫn còn. Mắt nó đỏ kè vì dở ngủ, nhìn xiên lên. Một gã thanh niên mặt tum húp:
– Ê, đưa tờ Hà Nội đây để tao so xổ số!
Mới sáng ngày ra chưa kịp mở hàng đã gặp cháo ám. Nghĩa choắt đứng lên định lủi. “Bích” cú đá trúng ngay hông nó. Thằng Nghĩa ngã sấp. Chồng báo toé ra. Tai nó ù như xay lúa vẫn thấy chan chát tràng chửi:
– Mẹ thằng nhõi con. Láo thật!
Đúng lúc ấy anh Toàn sẹo từ cửa phóng ra. Chỉ thấy “uỵch” một cái gã kia đã đổ kềnh như chuối cây bị chém gốc.
– Nhìn kỹ mặt tao nhé! Cút!
Gã kia ngậm tăm lủi ngay. Nghĩa choắt lồm cồm bò dậy. Ê ẩm một bên hông. Anh Toàn sẹo giúp nó nhặt báo rơi.
– Oắt con, vào mà làm việc đi! Chưa sáng đã ngủ.
Mắt anh xoáy vào cái túi vải dày cộm, nói rất khẽ:
– Mang vào phòng số 8, nhớ chưa, nhanh lên.
Phòng số 8 ở gác 2. Đó là phòng ăn đôi nhỏ xíu. Toen hoẻn có mấy mét vuông kê đủ mỗi bộ bàn ăn. Thằng Nghĩa đã nhẵn mặt. Nó biết đám khách vào các buồng ấy, ăn chỉ là một nhẽ, còn thì họ cợt nhả nhau là chính. Người lớn mà lỵ, có nhiều trò riêng lắm. Nó cẩn thận gõ cửa.
– Vào! – Giọng đàn ông rất hách.
Nghĩa choắt rụt rè bước vào:
– Ông ơi, mua cho cháu tờ báo.
– Được!
Nghĩa choắt đảo mắt. Người đàn ông ngồi có một mình. Trên bàn ê hề thức ăn. Ngồi ở phòng đôi lại chỉ có một mình, lạ nhỉ? Người đàn ông giật giọng:
– Đưa tất cả các loại báo đây. Có từ điển tiếng Bồ không?
Đúng rồi. Đúng là người bác Hoát dặn đưa đây rồi. Nó móc bộ “từ điển” ra từ chiếc túi vải bạt, kính cẩn đưa cho người đàn ông lạ. Người kia đút rất nhanh vào chiếc cặp da căng phồng. Thế là xong, thoát được của nợ phải kè kè giữ suốt sáng. Người đàn ông rút mỗi loại báo một tờ thật. Đoạn ông ta móc ví lấy tờ bạc hai chục ngàn búng rất nghệ. Tờ bạc xoẹt thẳng vào tay Nghĩa choắt. Ô, sao tờ giấy mỏng mảnh vậy mà cũng đau ra phết. Nghĩa choắt đang lẩm nhẩm tính tiền để trả lại thì người đàn ông khoát tay:
– Thôi, ra!
Mời các bạn đón đọc Đợi Mặt Trời của tác giả Phạm Ngọc Tiến.