Đọc sách là một nhu cầu, một cách thưởng thức văn hóa sang trọng và có chiều sâu, một phương thức tốt nhất để làm giàu có vốn tri thức của con người. Việc đọc sách giúp người đọc khám phá ra nhiều điều mới mẻ, thú vị. Người đọc phải suy nghĩ, tưởng tượng, liên hệ, học hỏi, trải nghiệm… và cái đích cuối cùng của việc đọc sách là biết vận dụng những nội dung đã đọc vào cuộc sống.
Trong thời đại ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, việc đọc sách đã có những ảnh hưởng lớn. Chỉ cần truy cập vào máy tính hoặc điện thoại thông minh là người đọc có thể nhanh chóng tìm kiếm thông tin, tài liệu theo ý muốn, thay vì phải đến các thư viện, các nhà sách như trước đây. Sự ra đời của internet đã tạo ra một thiết bị có thể chứa được lượng kiến thức gần như vô tận, lưu trữ được lượng thông tin bằng hàng ngàn, hàng vạn cuốn sách qua nhiều năm. Tuy nhiên, điều này vô hình trung cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm niềm say mê đọc sách của nhiều người. Trong xu thế khẩn trương của nhịp sống mới, nhiều người đã không còn thời gian để đọc sách, việc đọc chỉ dành cho những người chuyên nghiên cứu sách báo, tư liệu để bổ sung thêm kiến thức vào các lĩnh vực chuyên môn cần thiết.
Một khía cạnh khác đáng lo ngại là, thông qua mạng xã hội, các thế lực phản động và các phần tử cơ hội chính trị đã lợi dụng để tuyên truyền, phổ biến những thông tin sai lệch, mập mờ, phiến diện để bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công khai bày tỏ quan điểm đối lập, khơi gợi hận thù chế độ, khai thác tâm lý bức xúc của người dân… Trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật, xuất hiện một số tác phẩm có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm những mặt trái của đời sống xã hội mà không cảm nhận được đầy đủ bản chất, chiều sâu, tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước. Thực tế đó đặt ra yêu cầu bức thiết về việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái và xử lý những thông tin xuyên tạc. Bên cạnh đó, cần quan tâm, định hướng cho độc giả tìm đọc những quyển sách hữu ích, khuyến khích và tạo thói quen đọc sách, rèn luyện kỹ năng đọc và đọc sách một cách có chọn lọc, tỉnh táo trước những thông tin sai lệch, xuyên tạc.
Đáp ứng nhu cầu tuyên truyền và đẩy mạnh văn hóa đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản và phát hành cuốn sách Đọc và Nghĩ của GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, nay là Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. Nội dung kết cấu cuốn sách gồm 2 phần:
– Phần I- Đọc: Là những bút ký ghi chép việc đọc và cảm nhận sau khi đọc gần 80 tác phẩm, sáng tác văn học của hơn 100 tác giả được xuất bản từ cuối năm 2016 đến cuối năm 2020, thể hiện dưới dạng “Nhật ký đọc sách”.
– Phần II- Nghĩ: Tập hợp và tuyển chọn các nghiên cứu, tiểu luận khoa học của tác giả được viết từ năm 2020 đến tháng 6/2021, đúc kết những suy nghĩ, cảm nhận, liên hệ thực tiễn và những đề xuất của tác giả trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.
Cuốn sách là công trình tâm huyết của tác giả, thể hiện chiều sâu tri thức, hy vọng sẽ mang lại nhiều giá trị tham khảo cho bạn đọc yêu sách.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 9 năm 2021
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT