🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đọc Và Nghĩ
Ebooks
Nhóm Zalo
Chịu trách nhiệm xuất bản
GIÁM ĐỐC - TỔNG BIÊN TẬP
PGS.TS. PHẠM MINH TUẤN
Chịu trách nhiệm nội dung
PHÓ GIÁM ĐỐC - PHÓ TỔNG BIÊN TẬP
ThS. NGUYỄN HOÀI ANH
Biên tập nội dung: TS. VÕ VĂN BÉ
TS. LÊ HỒNG SƠN
ThS. NGUYỄN THỊ HẢI BÌNH
NGUYỄN PHƯƠNG THÙY
TRẦN TRUNG THÀNH
NGUYỄN VIỆT HÀ
Trình bày bìa: ĐƯỜNG HỒNG MAI
Chế bản vi tính: HOÀNG MINH TÁM
Đọc sách mẫu: NGUYỄN PHƯƠNG THÙY
BUI BỘI THU
__________________________________________ Số đăng ký kế hoạch xuất bản: 2025-2022/CXBIPH/11-106/CTQG. Số quyết định xuất bản: 1541-QĐ/NXBCTQG, ngày 09/8/2022. Nộp lưu chiểu: tháng 8 năm 2022.
Mã ISBN: 978-604-57-7939-2.
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Đ ọc sách là một nhu cầu, một cách thưởng thức văn hóa sang trọng
và có chiều sâu, một phương thức tốt nhất để làm giàu có vốn tri thức của con người. Việc đọc sách giúp người đọc khám phá ra nhiều điều mới mẻ, thú vị. Người đọc phải suy nghĩ, tưởng tượng, liên hệ, học hỏi, trải nghiệm... và cái đích cuối cùng của việc đọc sách là biết vận dụng những nội dung đã đọc vào cuộc sống.
Trong thời đại ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, việc đọc sách đã có những ảnh hưởng lớn. Chỉ cần truy cập vào máy tính hoặc điện thoại thông minh là người đọc có thể nhanh chóng tìm kiếm thông tin, tài liệu theo ý muốn, thay vì phải đến các thư viện, các nhà sách như trước đây. Sự ra đời của internet đã tạo ra một thiết bị có thể chứa được lượng kiến thức gần như vô tận, lưu trữ được lượng thông tin bằng hàng ngàn, hàng vạn cuốn sách qua nhiều năm. Tuy nhiên, điều này vô hình trung cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm niềm say mê đọc sách của nhiều người. Trong xu thế khẩn trương của nhịp sống mới, nhiều người đã không còn thời gian để đọc sách, việc đọc chỉ dành cho những người chuyên nghiên cứu sách báo, tư liệu để bổ sung thêm kiến thức vào các lĩnh vực chuyên môn cần thiết.
Một khía cạnh khác đáng lo ngại là, thông qua mạng xã hội, các thế lực phản động và các phần tử cơ hội chính trị đã lợi dụng để tuyên truyền, phổ biến những thông tin sai lệch, mập mờ, phiến diện để bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công khai bày tỏ quan điểm đối lập, khơi gợi hận thù chế độ, khai thác tâm lý bức xúc của người dân... Trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, xuất hiện một số tác phẩm có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm những mặt trái
6 Đọc VÀNghĩ
của đời sống xã hội mà không cảm nhận được đầy đủ bản chất, chiều sâu, tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước. Thực tế đó đặt ra yêu cầu bức thiết về việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái và xử lý những thông tin xuyên tạc. Bên cạnh đó, cần quan tâm, định hướng cho độc giả tìm đọc những quyển sách hữu ích, khuyến khích và tạo thói quen đọc sách, rèn luyện kỹ năng đọc và đọc sách một cách có chọn lọc, tỉnh táo trước những thông tin sai lệch, xuyên tạc.
Đáp ứng nhu cầu tuyên truyền và đẩy mạnh văn hóa đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản và phát hành cuốn sách Đọc và Nghĩ của GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nay là Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. Nội dung kết cấu cuốn sách gồm 2 phần:
- Phần I- Đọc: Là những bút ký ghi chép việc đọc và cảm nhận sau khi đọc gần 80 tác phẩm, sáng tác văn học của hơn 100 tác giả được xuất bản từ cuối năm 2016 đến cuối năm 2020, thể hiện dưới dạng “Nhật ký đọc sách”.
- Phần II- Nghĩ: Tập hợp và tuyển chọn các nghiên cứu, tiểu luận khoa học của tác giả được viết từ năm 2020 đến tháng 6/2021, đúc kết những suy nghĩ, cảm nhận, liên hệ thực tiễn và những đề xuất của tác giả trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.
Cuốn sách là công trình tâm huyết của tác giả, thể hiện chiều sâu tri thức, hy vọng sẽ mang lại nhiều giá trị tham khảo cho bạn đọc yêu sách.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 9 năm 2021
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
Phần I
Đọc
Cảm nhận từ những trang sách (về một số tác phẩm xuất bản từ cuối năm 2016 đến cuối năm 2020)
Từ năm 1959, khi đang học phổ thông, tôi đã mua
cuốn sách văn học đầu tiên: “Kinh nghiệm viết văn”, từ đó có một mong ước sưu tầm cho mình một tủ sách, một “thư viện” nho nhỏ. Đọc trở thành ý thích, sự say mê và nếp quen nghề nghiệp. Dăm ba năm gần đây, từ nếp quen đó và do công việc, tôi cần đọc, được đọc và cả “phải” đọc khá nhiều các loại sách đến từ các kênh khác nhau, chủ yếu là sách vừa mới xuất bản và phát hành. Đọc xong và ghi lại cảm nhận của mình cũng trở thành nếp quen, để nhớ, để làm tư liệu, để thu nhận cho mình, để cố gắng dõi theo sự vận động của sách, của các tác giả, không phải để phê bình đăng báo. Cảm nhận thật, không biết đúng, sai, hay, dở ra sao. Tôi chọn ra đây khoảng gần 80 cảm nhận đó trong số mấy trăm đầu sách đã đọc và ghi chép từ cuối năm 2016 đến cuối năm 2020 dưới dạng “Nhật ký đọc sách”.
Vì khuôn khổ và hướng tới chủ đề chính của cuốn sách, chỉ xin chọn trong nhật ký những cảm nhận về sách sáng tác văn học, còn các loại sách khác như triết học, chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa... hy vọng sẽ dành cho một cuốn sách khác.
Kết của phần I này là ba bài có tính chất nhận xét chung về văn học Việt Nam đương đại sau khi đọc các tác phẩm trên.
Phần I này coi như là cơ sở, hay là cái “cớ” thực tiễn cho phần II của cuốn sách: Nghĩ. Suy nghĩ sau khi đã sống, làm việc và đọc.
10 Đọc VÀNghĩ
Ngày 9/10/2016
- Chủ đất (tiểu thuyết)
- Tác giả: Chu Thị Minh Huệ
- Nhà xuất bản Quân đội nhân dân
Tiểu thuyết tái hiện lịch sử dân tộc Mông ở Hà Giang - vùng Cao nguyên đá nổi tiếng - từ đầu thế kỷ XX đến khoảng những năm 50 của cùng thế kỷ (khoảng thời gian từ 1955 đến 1960), trong đó tập trung tả lại cuộc tranh giành quyền lực, đất đai, vị thế của các dòng họ dân tộc Mông: họ Vương, họ Giàng, họ Vừ... Các cuộc tranh giành được tác giả tái hiện chân thật, có lúc diễn ra rất tàn nhẫn, đẫm máu và tiêu diệt nhau không thương tiếc, đồng thời các chủ đất chia nhau bóc lột dân nghèo... Qua các cuộc tranh giành thế lực đó, nổi lên dòng họ Vương, trở thành Vua Mèo trên vùng Cao nguyên đá, đặc biệt ở Mèo Vạc, Đồng Văn. Vua Mèo đã xây dựng dinh thự đồ sộ, độc đáo của dòng họ mình. (Sau này, dinh thự Vua Mèo đã trở thành một di sản văn hóa hiếm có ở Hà Giang).
Cùng với những cuộc tranh giành quyền lực, đất đai trên, tác giả còn chú ý miêu tả dân tộc Mông và những chủ đất giàu có ở đây vẫn căm thù sự hiện diện của quân Pháp nên đã tổ chức đánh đồn Pháp để bảo vệ vùng đất do mình làm chủ. Mặt khác, cũng từ tư tưởng phải làm chủ đất đai của mình, họ cũng có lúc hợp lực nhau đánh phá bộ đội cách mạng và những người bán hàng mậu dịch của Chính phủ kháng chiến. Có trận đánh diễn ra tàn ác. Tuy vậy, dần dần, sự thực được sáng tỏ, thủ lĩnh người Mông (Vua Mèo và con Vua Mèo) đã từng bước giác ngộ để cuối cùng đi với cách mạng.
11 Phần I: Đọc
Cái mới của tiểu thuyết này, có lẽ, so với một vài tác phẩm trước đây cũng viết về đề tài này là, tác giả - Chu Thị Minh Huệ - tự đứng trong “thế giới người Mông”, tâm trạng, tâm lý, lịch sử người Mông để nhìn nhận lịch sử đặc biệt của dân tộc Mông. Tác giả thể hiện rõ sự am hiểu khá sâu đặc điểm, phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt, ăn ở, quan hệ, tâm lý người Mông. Nhiều trang trong tiểu thuyết viết rất sinh động, khá đặc sắc về mảng hiện thực này. Tác giả đã xây dựng được một số nhân vật khá đậm nét, có cá tính, có diễn biến tâm lý phức tạp để lại ấn tượng sâu cho người đọc như các nhân vật Giàng Thụ Ngự, Vương Sè Ly, thầy Dủn, Páo...
Tác phẩm cho ta hiểu rõ và sâu hơn về lịch sử đặc biệt của dân tộc Mông qua sự kể chuyện, dẫn dắt của một cây bút tự tin về sự am hiểu đối tượng phản ánh, khám phá của mình. Đây là một cuốn tiểu thuyết tốt có những tìm tòi mới rất đáng quý.
Ngày 16/10/2016
- Đầu ngọn sóng (tùy bút)
- Tác giả: Nguyễn Văn Thọ
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
“Đầu ngọn sóng” là tập tùy bút viết về quá trình xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu. Nguyễn Văn Thọ với một tình cảm chân thật đã ngợi ca sự cống hiến, hy sinh, tận tụy, sáng tạo của cán bộ lãnh đạo, kỹ sư, công nhân, lái xe... làm nhiệm vụ xây dựng thủy điện Sơn La, Lai Châu, những công trình lớn và hiện đại của nước ta.
Một số tấm gương sáng được miêu tả khá sinh động, chân thật (không tô hồng, ngoa ngữ) như Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê, Nguyễn Thế Trinh, cán bộ Ban A, Công ty Trường Sơn...
12 Đọc VÀNghĩ
Nguyễn Văn Thọ vốn là người lính thời chống Mỹ nên trong tác phẩm này, thỉnh thoảng anh có liên hệ giữa những chiến công trong lao động hòa bình với cuộc đời người lính ở mặt trận chống Mỹ. Những trang viết đó khá sinh động, tạo nên tính đa dạng của tùy bút. Tác giả cố gắng làm rõ ảnh hưởng, tác dụng lớn lao của thủy điện Sơn La, Lai Châu đối với đất nước nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc nói riêng.
Thời gian làm thủy điện Sơn La, Lai Châu kéo dài khoảng 10 - 20 năm. Tác giả có 4 lần lên Lai Châu. Lần thứ tư đi thực tế 14 ngày. Thời gian trên và những ngày ở Lai Châu chủ yếu thuộc giai đoạn cuối hoàn thành thủy điện Lai Châu. Những trang viết này sinh động, có “hồn”, có “tâm”, có “thực”. Còn một số trang viết do được nghe kể lại đối đoạn như báo cáo tổng hợp, thiếu chất văn. Nghĩ ra, viết từ sự trải nghiệm trực tiếp, sống trong cuộc, trong đời thật sẽ có “chất” hơn nhiều, như những trang viết về chiến tranh, về cuộc sống của người Việt ở nước ngoài cũng của nhà văn Nguyễn Văn Thọ - một người lính thời chống Mỹ, một người Việt nhiều năm lăn lộn ở nước ngoài!
Ngày 19/10/2016
- Đợi đến lượt (tập truyện ngắn)
- Tác giả: Đinh Phương
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Đây là tập truyện ngắn gồm 13 truyện của cây bút trẻ Đinh Phương. Các truyện trong tác phẩm tập trung miêu tả số phận, đường đời của những con người bình thường trong cuộc sống, chủ yếu là những người sống ở thành thị. Có lẽ, Đinh Phương là cây bút trẻ nên cách viết của anh có những nét lạ, cố gắng đi tới những tìm tòi mới bằng việc phân tích, “mổ xẻ” tâm lý, tâm trạng, cả tâm thức
13 Phần I: Đọc
và tiềm thức của nhân vật với những uẩn khúc trong thế giới nội cảm của nhân vật do tác động phức tạp của hoàn cảnh. Trong một số truyện, cái thực và cái ảo xen lẫn nhau.
Tuy vậy, có thể do vốn sống thực chưa nhiều và mới vào nghề văn nên tác giả chưa có những trang viết đạt chất lượng của riêng mình. Có một chút băn khoăn về ý tưởng của tác giả khi viết về hai người lính, một Vũ - bộ đội của ta và một lính Mỹ - Tom.
Đời viết văn còn dài ở phía trước, nghĩ rằng, qua tập truyện này, Đinh Phương là một cây bút trẻ có triển vọng. Hy vọng và chờ đợi.
Ngày 23/10/2016
- Nhật ký đời lính
- Tác giả: Nguyễn Đình Thắng
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
“Nhật ký đời lính” của Nguyễn Đình Thắng - một sinh viên đại học đã nhập ngũ năm 1972 và tham gia các chiến dịch từ năm 1972 đến năm 1975, ở Quảng Trị, Cửa Việt (1972), Chiến dịch giải phóng Huế và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975).
Tập nhật ký phản ánh chân thật, cụ thể, sinh động cuộc đời thực của người lính, những trận đánh khốc liệt, lòng dũng cảm, sự hy sinh của người lính trong những năm chống Mỹ, cứu nước. Có hai đặc điểm riêng của cuốn nhật ký này: Một là, nhật ký của một hạ sĩ quan (cấp B phó) nên đều là những ghi chép rất thật, cụ thể trong phạm vi của một đơn vị nhỏ, không có điều kiện bao quát phạm vi rộng lớn của chiến trường. Hai là, cái đáng chú ý nhất là Nguyễn Đình Thắng kể lại ngay những ngày mình đang sống, những vui buồn, lo toan, cả sự cô đơn, thua thiệt của người lính và kể cả những cái chết oan nghiệt (do B41, vướng mìn của ta...), nhưng qua đó, tác giả vẫn thể hiện rất rõ sự chịu đựng và những phẩm chất cao đẹp
14 Đọc VÀNghĩ
của người lính. Cái mới, cái đáng quý của những cuốn nhật ký người lính là ở đó.
Ngày 25/11/2016
- Truyện ngắn đặc sắc Việt Nam về lịch sử từ 1986 đến nay - Nhiều tác giả
- Nhà xuất bản Phụ nữ
Đây là tập truyện ngắn chọn lọc viết về đề tài lịch sử của 21 tác giả với 26 truyện ngắn được viết từ năm 1986 đến nay (năm 2016). Phần lớn các truyện viết về lịch sử Việt Nam, tuy vậy cũng có truyện ngắn viết về lịch sử Trung Quốc, tất nhiên với sự am hiểu và cách nhìn của nhà văn Việt Nam, như truyện “Lầu hạc vàng” của Lê Đạt, “Người chơi đàn nguyệt ở Hồng Châu” của Đỗ Trung Lai. Về 21 tác giả, đại thể có thể tạm “phân loại” hai thế hệ. Một số có chiều dày sáng tạo về đề tài lịch sử như Hoàng Quốc Hải, Lê Đạt, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Huy Thiệp... còn lại là các tác giả “tương đối trẻ hơn” (khoảng 40-50 tuổi) có tâm huyết, ham mê tìm tòi viết về đề tài lịch sử. Có lẽ, từ đó, không phân biệt rạch ròi được giữa hai “thế hệ” này, có hai cách viết: theo truyền thống và theo cách thể hiện mới, cách nhìn mới. Song, nhìn tổng thể, các truyện ngắn được lựa chọn trong tuyển tập này đều tiêu biểu, như tên của cuốn sách là “đặc sắc”, bởi vì phần lớn đều có chung một hướng tìm tòi mới: dựa vào cứ liệu, tư liệu, sự kiện và cả dã sử về quá khứ, các tác giả đều cố gắng có những phát hiện mới về số phận con người, kể cả những nhân vật lịch sử có thật (Nguyễn Ánh, Hoàng Diệu, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ...), và cả những nhân vật đời thường, hư cấu. Mặt khác, nhiều tác giả đã thể hiện cách nhìn riêng, đánh giá riêng của mình về các sự kiện, nhân vật lịch sử, trong đó đặc biệt chú trọng miêu tả thế giới nội tâm đa chiều, phức tạp của
15 Phần I: Đọc
các nhân vật đó. Cách khai thác như vậy tạo nên những dấu ấn mới, bước tiến mới của các truyện ngắn này, mặc dầu một số nhận định có thể gây tranh luận, tạo ra những ý kiến khác nhau, đồng tình hoặc không đồng tình của người đọc. Phải chăng, đó cũng chính là nét mới trong sáng tác về đề tài lịch sử từ năm 1986 đến nay?
Tuy nhiên, còn một vài nhầm lẫn khi kể lại sự kiện lịch sử có thật (trang 155). Hoàn toàn có thể viết theo cách mới như thủ pháp đồng hiện hay “lắp ghép”, song đặt vào miệng Trang Tử câu: “Những bản Sonata của Beethoven hay đoản khúc của Beatler...”, “Nhìn Hoa hậu Bùi Bích Phương cá chỉ muốn lặn” (trang 68) có gì hơi gượng ép?
Ngày 1/12/2016
- Sương gió bơ vơ (tập bút ký)
- Tác giả: Nguyễn Hồng Tình
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
“Sương gió bơ vơ” là tập bút ký gồm 25 bài độc lập được sắp xếp thành 4 phần (tác giả hay nhà xuất bản ghi là “Chương”), đây là tác phẩm của tác giả, nhà báo Nguyễn Hồng Tình, người đã có nhiều năm sống, gắn bó với vùng đất Tây Nguyên, Đà Lạt và một phần Nam Trung Bộ, nhất là Ninh Thuận.
Tuy là 4 phần, song đọc xong, có thể phân loại tập bút ký này thành ba mảng hiện thực được cảm nhận, phản ánh. Phần lớn nhất là khám phá của tác giả về thiên nhiên của Tây Nguyên như đất, nước, gió, nắng, mưa, suối, cầu... qua đó làm rõ đặc sắc của Tây Nguyên và sự gắn bó kỳ lạ giữa thiên nhiên và con người Tây Nguyên. Phần 2 dành một số bài bút ký cho vùng Ninh Thuận, khắc họa những nét rất riêng có của vùng đất này như miêu tả cuộc sống của người đánh chuột và lịch sử văn hóa Chăm. Phần 3 dành cho
16 Đọc VÀNghĩ
miêu tả một số con người Tây Nguyên như những người nghèo khổ, các nghệ sĩ dân gian gắn bó cả cuộc đời với đất Tây Nguyên. Nét đặc sắc của tập bút ký này thể hiện ở khả năng phát hiện những sự độc đáo hoàn toàn riêng có, đôi khi khác lạ, của thiên nhiên và con người Tây Nguyên qua việc miêu tả sinh động, tinh tế, có cách nhìn riêng của tác giả từ những sự kiện, chi tiết cụ thể tưởng như nhỏ nhặt, vụn vặt, mà trước đây ít có tác giả nào quan sát, phát hiện như cây thông, hạt lúa, hoa dã quỳ, cây cần cù, núi, cái gùi, giọt nước... Mặt khác, tác giả có những cảnh báo mạnh mẽ về sự tàn phá rừng, núi, những nét đặc sắc Tây Nguyên khi cuộc sống đang được công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa.
Tác giả cũng dành một số bút ký cho việc miêu tả, ca ngợi những con người bình thường, số phận éo le nhưng giàu sức sống và tình yêu và cho một số văn nghệ sĩ thực sự thuộc về Tây Nguyên với cuộc sống độc lạ, khác biệt (nhạc sĩ, kiến trúc sư, người dịch sử thi Tây Nguyên...).
Đọc xong, cảm nhận, vui mừng vì đây là tập bút ký có những tìm tòi mới, cách biểu hiện độc đáo, có những bài viết hay. Hơi tiếc một chút, đôi khi viết hơi hoa mỹ. Ít nhiều cường điệu như trang 102, tác giả cảm hoài: “Trước biển núi, con người nhỏ bé lắm, con người ạ, giống loài duy nhất ảo tưởng và kiêu hãnh” hoặc khi viết về nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên: “Anh ta là thi nhân đích thực cuối cùng trên đất nước này chăng?”.
Ngày 7/12/2016
- Số phận không định trước (tự truyện)
- Tác giả: Nguyễn Khắc Phê
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Khác với các tiểu thuyết đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao, được giải thưởng, lần này, cuốn “Số phận không định trước”
17 Phần I: Đọc
là tác phẩm tự truyện của Nguyễn Khắc Phê. Tác giả tái hiện lịch sử dòng họ, gia đình, ông bà, bố mẹ, anh chị em trong gia đình mình trải qua những biến cố dữ dội, đầy thăng trầm của lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX. Phần chính của tự truyện là kể lại các chặng đường đời của chính tác giả thời đi học, thời là cán bộ ngành giao thông công tác nơi tuyến lửa Khu 4 những năm chống Mỹ, cứu nước và quá trình tác giả trở thành nhà văn - đúng với cái tên của tác phẩm “Số phận không định trước”.
Tự truyện đã tái hiện trung thực, chân thành, có minh chứng về những biến động trong gia đình của tác giả từ thời trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, qua cải cách ruộng đất thời chống Pháp, những đau khổ, oan sai mà bố mẹ tác giả gặp phải. Tuy vậy, do cách nhìn trung thực, tác giả kể tả không chỉ cái oan trái mà cả cái được của gia đình mình, qua đó, nhìn nhận lịch sử với thái độ khách quan, chừng mực; phản ánh trung thực diễn trình lịch sử qua số phận gia đình cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm bị chết oan, nhưng sau cải cách được minh oan và đánh giá cao. Những biến động dữ dội của lịch sử đã chi phối số phận các nhân vật trong gia đình tác giả với những sự lựa chọn khác nhau: ông Nguyễn Khắc Dương đi theo đạo, ông Nguyễn Khắc Viện, bà Nguyễn Phương Thảo đi theo cách mạng, tác giả tham gia kháng chiến và trở thành nhà văn.
Nguyễn Khắc Phê dành một phần quan trọng kể lại cuộc đời mình với những mốc chính và cả những “tai nạn nghề nghiệp” khi làm Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương. Về nội dung này, tác giả có cách nhìn trung thực, có những minh chứng cụ thể, không có ý định phủ định hay thanh minh.
Nhớ lại nỗi đau phải chịu đựng trong cải cách ruộng đất làm cho tác giả có cảm giác nặng nề, song ông vẫn tỉnh táo làm rõ sự sửa sai sau cải cách ruộng đất và cho rằng không nên nhìn một chiều phiến diện sự kiện lịch sử đầy phức tạp đó (trang 110).
18 Đọc VÀNghĩ
Nhiều trang trong tự truyện được viết sinh động, giàu chất văn, đồng thời khi đề cập đến những biến cố lịch sử nhạy cảm, phức tạp, tác giả có cách nhìn đúng mực, khách quan mà không né tránh.
Ngày 2/1/2017
- Đi qua chiến tranh
- Tác giả: Vũ Bình Lục
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Tập hồi ký “Đi qua chiến tranh” của Vũ Bình Lục kể về những năm tháng từ năm 1968 đến năm 1971 tác giả nhập ngũ, tham gia chiến đấu và trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Nam Trung Bộ (Khu 5), chủ yếu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, một vùng chiến tranh diễn ra khốc liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Theo hướng viết hồi ký chiến tranh những năm gần đây của những người lính đã đi qua nhiều trận đánh ác liệt, Vũ Bình Lục, trong hồi ký này, đã miêu tả, kể lại trung thực, khách quan, không né tránh và với nhiều cảm xúc về cuộc sống chiến đấu của mình và của đồng đội, đặc biệt của đơn vị đặc công 409 (Quân khu 5).
Đặc điểm nổi bật của cuốn hồi ký này là, tác giả không chỉ tập trung kể lại một số trận đánh ác liệt mà còn tái hiện sinh hoạt đầy gian khổ, hy sinh của người lính trong cuộc sống hằng ngày: hành quân, gùi gạo, đói ăn, bị bom địch, ốm đau, bệnh tật, niềm vui, nỗi buồn... Đặc biệt, bên cạnh những chiến thắng, tác giả có chủ định kể lại cả những thất bại trong một vài trận đánh (ở Dương Huế, ở Tuấn Dưỡng...) và nói rõ chính kiến của mình: miêu tả chiến tranh ở Việt Nam không nên chỉ kể lại các chiến thắng, như vậy là không khách quan. (Quả vậy, nếu chỉ có chiến thắng, chúng ta không phải chiến đấu, hy sinh đến hơn 20 năm). Tác giả còn miêu tả những kiểu hy sinh, những cái chết khác nhau của người lính: có cái chết trên chiến trường, có cái chết trên đường hành quân và
19 Phần I: Đọc
có cả những cái chết oan nghiệt, cay đắng... Những trang miêu tả các “kiểu” chết đó có sức lay động, cảm hóa người đọc để hiểu rõ hơn, thực hơn về chiến tranh.
Cùng với việc hồi ức, nhớ lại các sự kiện, biến cố, con người, Vũ Bình Lục đã tự nâng cao tính trí tuệ của hồi ký bằng việc bình luận, luận bàn, triết lý về các sự kiện, về quá khứ. Một số bình luận, triết luận có sức thuyết phục, làm cho chất hồi ký sâu hơn, sắc hơn. Song, cũng có đôi chỗ chưa thật chuẩn, chẳng hạn như ở trang 23 anh triết lý: “Người Việt Nam thông minh lắm, nhưng mà cũng nhiều khi thông minh một cách ngu xuẩn” - Triết lý này hơi quá đà, còn khi anh đánh giá về Mậu Thân 1968 lại hơi quá sức đối với anh (trang 76). Có lúc anh tự mâu thuẫn khi nghĩ về cuộc chiến ở Việt Nam, song đó là suy nghĩ chân thật của một người đã từng cầm súng, người trong cuộc, người trực tiếp trải nghiệm. Trong hồi ký, khi thiếu cái đó mà chỉ nghe kể lại, hẳn sẽ có những trang thiếu thuyết phục.
Ngày 20/1/2017
- Đi nhiều thành đường
- Tác giả: Cao Duy Thảo
- Nhà xuất bản Đà Nẵng
Cao Duy Thảo là cây bút vững vàng, để lại dấu ấn riêng trong “làng văn” Việt Nam mấy chục năm qua, đặc biệt là truyện ngắn. Hôm nay, đọc anh, chỉ là một tập sách không dày (145 trang) gồm 26 bài viết ngắn, không phải chỉ là tùy bút (ghi ở bìa sách) mà gồm cả hồi ức, kỷ niệm, bình luận và tranh luận về văn học của anh.
Những bài viết theo dạng hồi ức, tác giả nhớ lại những năm tháng hoạt động ở chiến trường Khu 5 thời chống Mỹ, cứu nước,
20 Đọc VÀNghĩ
trong đó nổi bật lên hai loại kỷ niệm: Kỷ niệm đậm sâu về những người bạn chiến đấu ở chiến trường, trong đó có những người đã hy sinh anh dũng và kỷ niệm về hoạt động của anh, của đồng đội, đồng nghiệp trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở chiến trường ác liệt này.
Từ những trải nghiệm của người trong cuộc, trong các bài khác của cuốn sách, Cao Duy Thảo trình bày những cảm nhận, suy nghĩ của mình về văn học từ sau chiến tranh đến nay, trong đó có một số bài dưới dạng phê bình, bình luận về một số tác giả, tác phẩm, về đội ngũ viết văn trẻ, về các cây bút nữ... Đáng chú ý có hai bài mang tính chất tranh luận về văn học hiện nay, về vấn đề vốn sống và sự phản ánh trung thực hiện thực trong các tác phẩm viết về chiến tranh, như bài trả lời thư ngỏ của ông Đ.K “Tiểu thuyết cần tôn trọng sự thật lịch sử”. Bài bình luận đậm chất văn của người sáng tác “Cái tôi của Nguyễn Tuân trong tùy bút” (trang 91) được viết khá công phu và có sự phát hiện.
Tuy chỉ là những bài viết ngắn, đôi chỗ còn ít nhiều đơn giản, song là những cảm nhận chân thật và đúng đắn của một người viết văn từng trải và tâm huyết. Những suy nghĩ của anh về văn học viết về chiến tranh là thỏa đáng, gắn với những kinh nghiệm của chính mình, đúng như anh đã tâm sự: “Viết như cũ không còn thấy hứng thú, mà muốn khác đi chưa chắc vượt nổi chính mình”.
Ngày 22/1/2017
- Mạch Làng
- Tác giả: Văn Lừng
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
“Mạch Làng” là tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn, trong đó tập trung miêu tả sự tác động của kinh tế thị trường, của quá trình
21 Phần I: Đọc
đô thị hóa đã tàn phá truyền thống lịch sử - văn hóa ở làng Việt Xá, và đặc biệt tác giả dành nhiều trang miêu tả sự hoành hành, ức hiếp, cướp đất, hại dân của một bộ phận quan chức kết hợp, cấu kết giữa Trung ương và địa phương (xã, huyện). Ba nhân vật được đặc tả trong tiểu thuyết đều là những kẻ thoái hóa, biến chất, đó là Đào Thiện Lịch vốn là trùm băng cướp Hổ Vằn trở thành giám đốc công ty lớn của Nhà nước; là Vũ Mai Hương, con gái Phó Thủ tướng thường trực, người nhiều mưu mô xảo quyệt để làm giàu, chiếm đất; là Đinh Phú Cường, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Việt Xá, tay sai đắc lực của Đào Thiện Lịch, đồng thời là bồ của Vũ Mai Hương. Tác giả dành nhiều trang miêu tả với thái độ lên án sự tha hóa, ăn chơi trác táng của nhóm người này. Đồng thời, tác giả cũng kể nhiều về số phận đau khổ, éo le của người dân bình thường ở Việt Xá do xã hội biến đổi và do sự ức hiếp của bọn tham quan mới như các nhân vật Liên, Bảo, Ngão, Tý, Thảo, Miên... Tác giả cũng dành nhiều trang khắc họa một số con người tốt, đoàn kết với nhau bàn cách chống lại bọn tham nhũng. Ngoài ra, có những trang miêu tả truyền thống văn hóa của làng Việt Xá - một làng cổ đặc trưng văn hóa Bắc Bộ, văn hóa dân tộc.
Đề tài về nông thôn với những biến động dữ dội của nó thời kinh tế thị trường và sự xuất hiện bọn cường hào mới đã được khá nhiều tác phẩm đề cập, khai thác. Song, với sự am hiểu khá sâu và thái độ phê phán quyết liệt bọn tha hóa, biến chất ở nông thôn của Văn Lừng, tiểu thuyết “Mạch Làng” vẫn có chỗ đứng riêng của mình, bởi vì, như anh tâm sự rất chân thật rằng: “Nếu không viết, không trả nợ đời, tức là ta đã chết, sống chăng chỉ là sống thực vật. Vậy nên lại viết, viết vội vã, gấp rút, chỉ lo đến lúc sức tàn lực kiệt mà vẫn còn mang nợ với đời”. “Mạch Làng”, có lẽ, ra đời từ sự thôi thúc vội vã đó?
22 Đọc VÀNghĩ
Ngày 13/2/2017
- Ma Tiền (tiểu thuyết)
- Tác giả: Hoàng Thế Sinh
- Nhà xuất bản Thanh niên
Tiểu thuyết đề cập một vấn đề thời sự nóng hổi, bức xúc hiện nay: vấn đề cán bộ biến chất, tha hóa ở một thành phố thuộc vùng Tây Bắc nước ta và sức mạnh ma quái của đồng tiền trong nền kinh tế thị trường đang tác động phức tạp đến xã hội Việt Nam. Câu chuyện được kể lại ở thành phố miền núi Mã Sơn, nơi nhiều cán bộ chủ chốt của thành phố, từ Phó Chủ tịch thường trực đến Phó Bí thư Thành ủy, từ giám đốc công ty truyền thông đến một số giám đốc các sở, ban, ngành và doanh nghiệp, hầu hết đều sa vào cuộc sống sa đọa, trụy lạc, hãm hại, thậm chí giết hại nhau, lập phe nhóm để mua quan, bán chức, ăn chơi trác táng, bồ bịch... Một bức tranh đen xám bao trùm cuộc sống ở thành phố Mã Sơn. Tác giả tập trung khắc họa các nhân vật chính đều là những kẻ tha hóa, như Bá Quan, từ một giám đốc sở khoa học và công nghệ đã dùng mọi thủ đoạn, tiền tài, phe nhóm để leo lên chức Phó Chủ tịch thường trực rồi lại tìm mọi cách, kể cả hãm hại đồng nghiệp để cố lên chức Chủ tịch hoặc Bí thư Thành ủy; như Bôn, từ một cán bộ thường tìm mọi cách hại đồng nghiệp để lên chức Phó Giám đốc, rồi Giám đốc; như Phú, Giám đốc doanh nghiệp được coi là chuyên gia giúp các phe nhóm mua quan, bán chức và được gọi là Lã Bất Vi. Tiểu thuyết dành nhiều trường đoạn miêu tả về cuộc sống ăn chơi thác loạn, lập phe nhóm, thực hiện nhiều thủ đoạn thâm độc để thỏa mãn lòng tham tiền và quyền. Ma lực của đồng tiền được tác giả khai thác trong nhiều trang của tiểu thuyết: “Tiền, vàng, ngọc, đôla có thể mua được tất cả. Mua vợ. Mua gái xinh. Mua nhà, mua ôtô, mua máy bay, tàu vũ trụ, mua núi rừng, mua chức tước. Mua được
23 Phần I: Đọc
cả mạng sống của con người nữa... Tiền, vàng... giúp đổi trắng thay đen, biến không thành có, biến có thành không, biến đẹp thành xấu, biến xấu thành đẹp, chẳng khác gì phù thủy...” (trang 83). Trong vô số các nhân vật chỉ có một nhân vật Sềnh, cán bộ hợp đồng công ty truyền thông là con người lương thiện, nhận biết đúng sai, tốt xấu và dằn vặt trước những xấu xa, thấp hèn của các nhân vật lãnh đạo. Không có một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa tốt và xấu, chống thoái hóa, biến chất, vậy kết cục là gì? Đọc dần và đến cuối tác phẩm mới phát hiện ra rằng, tác giả lý giải theo hướng luật nhân quả, luân hồi, ác giả, ác báo. Các nhân vật xấu đều rơi vào thảm họa, mất hết tất cả, gia đình tan nát, trở thành những kẻ ngớ ngẩn, suy sụp...
Ngày 20/3/2017
- Bác sĩ Trưởng khoa (tiểu thuyết - tái bản lần 3)
- Tác giả: Vũ Oanh
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
“Bác sĩ Trưởng khoa” là tiểu thuyết viết về đề tài ngành y, về cuộc đời, số phận, quan hệ của cán bộ, bác sĩ, từ đó, tác giả vốn là một bác sĩ ngoại, muốn phản ánh xã hội và con người Việt Nam chủ yếu trong thời kỳ bắt đầu triển khai thực hiện kinh tế thị trường và đổi mới. Phạm vi phản ánh trong tiểu thuyết là thời kỳ đổi mới, song với sự dẫn dắt của tác giả, qua hồi ức của các nhân vật trong tác phẩm, một bức phác họa về xã hội và con người Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp, cải cách ruộng đất, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và đổi mới, đã hiện ra với nhiều biến động dữ dội, tạo nên những tác động phức tạp, đa chiều đến số phận con người và các gia đình Việt Nam.
Nhân vật chính trong tác phẩm là bác sĩ Trần Tử Khang. Tác giả tập trung miêu tả số phận, đường đời nhân vật này từ khi còn bé, qua những biến động dữ dội thời cải cách ruộng đất, kháng chiến
24 Đọc VÀNghĩ
chống Mỹ, cứu nước với nhiều thử thách khắc nghiệt do xã hội, trong đời tư (tình yêu, gia đình) và do sự phản trắc của đồng nghiệp, Trần Tử Khang vẫn giữ vững phẩm chất cao đẹp của một bác sĩ chân chính và tài năng nghề nghiệp. Đây có thể coi là phần sáng nhất trong tiểu thuyết được tác giả dày công dẫn dắt và xây dựng, vì vậy, hình tượng này có sức thuyết phục. Đồng thời với nhân vật chính này, tác giả xây dựng một loạt các nhân vật khác, phần lớn là các bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện và một số nhân vật cao cấp, song, ở mức độ khác nhau đều được tác giả khai thác mặt tối, cách sống tầm thường, dối trá, đố kỵ, thủ đoạn trong cuộc đời và trong nghề nghiệp, như các nhân vật Ngân Hà, Hoàng Anh, Bùi Cường, Bảo Hiên, Quý Thân, Bảo Long... Có lẽ, tác giả có ý định, qua các nhân vật này, lên án và cảnh báo mặt xấu của một số bác sĩ vừa kém về chuyên môn vừa thiếu đạo đức nghề nghiệp.
Hơi tiếc một chút, trong tiểu thuyết có một số đoạn bình luận dài dòng, không mới, thiếu chất văn như các trang 249 đến 251 và một vài đoạn nhận định có phần phiến diện về chiến tranh (trang 240). Gạt sang một bên những “hạt sạn” đó, “Bác sĩ Trưởng khoa” là một tiểu thuyết thành công về một đề tài còn ít người ham mê, mặc dầu, đó là một mảng hiện thực lớn và chiếm địa vị quan trọng trong đời sống, trong số phận con người.
Ngày 27/4/2017
- Người đàn bà vẽ hoàng hôn
- Tác giả: Trác Diễm
- Nhà xuất bản Hà Nội
Cuốn sách gồm 13 truyện ngắn của tác giả Trác Diễm. Các truyện ngắn này đều hướng về chủ đề tình yêu, hôn nhân, gia đình và tập trung miêu tả, phân tích số phận của người phụ nữ trong
25 Phần I: Đọc
xã hội đương đại. Phần lớn các truyện được viết với tình cảm tốt, có cảm xúc, diễn đạt khá sinh động, dẫn dắt câu chuyện nhuần nhuyễn. Các truyện được viết theo các dạng thức khác nhau, khá đa dạng. Theo hướng cảm hứng lãng mạn, như truyện “Hoàng hôn đã tắt” (trang 30) mô tả mối tình trong sáng của một cô gái với nhà nhiếp ảnh, hay truyện “Bên dòng Châu Nguyên” kể về tình cảm thầm kín mà mãnh liệt của cô gái hướng dẫn viên du lịch với nhà điêu khắc. Khác với hướng khai thác trên, Trác Diễm tìm cách thể hiện hầu như trái ngược khi tác giả tái hiện cuộc sống theo hướng hiện thực như các truyện “Lều Vịt”, “Thằng Cần”. Các truyện này nghiêng hẳn về miêu tả nỗi đau khổ của con người trong đời thường hoặc hậu quả của một tình yêu ngang trái. Tác giả không né tránh sự thực đó, song được viết với một thái độ thông cảm, chia sẻ, nhân hậu (trang 66, 87...). Cùng với hướng viết trên, nhưng với thái độ phê phán những mối tình “hiện đại” qua mạng, chớp nhoáng, ảo tưởng, từ lãng mạn rơi xuống thực tế phũ phàng (Truyện “Như cánh vạc bay”). Có truyện tác giả kể về hai mối tình éo le của hai cặp sinh đôi được viết với cảm xúc bi kịch, buồn đau nhưng thông cảm và thấu hiểu.
Nhìn chung, đây là tập truyện ngắn khá, người viết có thái độ, tình cảm chân thành, đôn hậu, có kỹ năng viết. Nhiều truyện được dẫn dắt, miêu tả sinh động, hợp lý, xong chưa để lại ấn tượng thật sâu đậm trong lòng người đọc. Dễ đọc nhưng có lẽ cũng dễ quên.
Ngày 4/5/2017
- Đêm núm sen (tiểu thuyết)
- Tác giả: Trần Dần
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Thật bất ngờ khi đọc cuốn tiểu thuyết này. Bản thảo cuốn tiểu thuyết của Trần Dần được hoàn thành từ năm 1961. 57 năm qua
26 Đọc VÀNghĩ
vẫn nằm trong ngăn kéo, rồi bị thất lạc, mối mọt gặm nhấm. Và những năm gần đây mới được sưu tầm trong di cảo của tác giả. Một số trang bị mất, rách, mờ, nát...
Cuốn tiểu thuyết được viết theo thể ngụ ngôn, như “Dế Mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài. Có khác chăng ở chỗ, tác giả tự xưng là Kiến Gầy và kể lại câu chuyện, đường đời, số phận của xã hội loài kiến, của thân phận các nhân vật kiến từ thời xa xưa đến thời chiến tranh chống quân xâm lược là lũ kiến Đầu Beo. Nội dung chính của tiểu thuyết tái hiện cuộc chiến đấu của loài kiến kiên cường chống quân xâm lược Đầu Beo với hàng vạn quân hung ác. Vượt qua muôn vàn khó khăn, mất mát, cuộc chiến đấu của loài kiến đã phải trải qua bao thăng trầm mới đi tới cuộc Tổng phản công thắng lợi, giành lại được độc lập cho làng Mận và 19 làng của xã hội loài kiến. Cùng với việc miêu tả cặn kẽ, sinh động cuộc chiến đấu trên, tác giả dành nhiều trang kể về tình yêu trong chiến tranh của những thanh niên lính kiến, đặc biệt là tình yêu của Kiến Gầy và Kiến Sứa cũng như nhiều đôi nam nữ kiến chiến binh khác.
Với vốn sống của một người lính và sức tưởng tượng của tác giả, Trần Dần đã miêu tả thực sự sinh động, chân thật chiến tranh, cuộc sống, số phận, tâm lý, tình cảm đời thường của những người chỉ huy, chiến binh kiến - người. Nhiều trang được viết rất lính như đám cưới giữa Kiến Gầy và Kiến Sứa (trang 257-260), các cuộc đối thoại tếu, đùa và cả tục giữa các chiến binh kiến. Một số nhân vật kiến được khắc họa rõ tính cách như Kiến Gầy, Kiến Sứa, thi sĩ Cồ Bồ Xồ, cô Cốm Chanh, Xinh, lính trinh sát trẻ tuổi Nghệ. Tác giả cố gắng tái hiện chân thật nhu cầu tình cảm của những người lính cận kề với cái chết như Khổng, Choắt, Bướng, Tùng Xòe...
Xen kẽ những trang miêu tả thân phận người lính, các trận đánh được, mất, anh hùng, bi kịch... như là hai mặt tất yếu của
27 Phần I: Đọc
chiến tranh, tác giả dành khá nhiều trang miêu tả tình yêu, tình dục, đặc biệt là quan hệ giữa Kiến Gầy và Kiến Sứa. Nếu vào những năm đầu 60 của thế kỷ XX, những trang này sẽ khó chấp nhận do đặc điểm và hạn chế lịch sử thời đó, nhưng nay đọc lại không có yếu tố gợi dục thô tục, tác giả không có dụng ý miêu tả để gợi dục tầm thường, tuy vẫn có những đoạn miêu tả thô và hơi nhiều về liều lượng (ngôn ngữ lính kiến). Và hình như có một chút “sơ hở” trong khi viết của tác giả, ở chỗ, đôi khi đang viết, miêu tả xã hội loài kiến nhưng tác giả lại chuyển ngòi bút như viết hoàn toàn về xã hội loài người. (Cái không nhất quán này khác với Tô Hoài trong “Dế Mèn phiêu lưu ký”).
Trong tác phẩm, tác giả có những triết lý về chiến tranh, bình luận về cả cái chính nghĩa, cuộc chiến đấu quả cảm, những hy sinh của người lính vì nghĩa lớn và đồng thời nói cả về những mất mát, đau thương, thân phận những con người “be bé” (loài kiến), những người làm nên chiến thắng, nhưng thầm lặng chịu đựng những mất mát, hy sinh, cả “sự lãng quên, phi tang vì con người vô danh, bé nhỏ trong chiến tranh” (trang 182, 185), hoặc tác giả cho rằng “chiến tranh mới chỉ thấy cái mặt hùng ca của trò man rợ này” (trang 32). Ở trang 249, tác giả viết về cuộc đối thoại giữa hai người lính - kiến: “Có thích chiến tranh không? Hồi tôi bằng tuổi chú, tôi lại thích. Mất dạy”. Những ý này, vào năm 1961, 1962 là khó chấp nhận. Song, không nên quên rằng, chính trong tiểu thuyết này, tác giả vẫn có cái nhìn đúng mực về cuộc chiến tranh chính nghĩa, khi khẳng định cái chết, sự hy sinh của người lính trong cuộc chiến tranh đó: “các anh vĩnh viễn bất tử” (trang 318, 321).
Trong tiểu thuyết, tác giả sử dụng ngôn ngữ khá độc đáo, dùng nhiều từ mang dấu ấn riêng, đặc biệt các tính từ chỉ màu sắc, song, đôi khi lại rơi vào sự lạm dụng (như từ “tái mét” được dùng vài chục lần).
28 Đọc VÀNghĩ
Hơi tiếc là lời tựa cho cuốn tiểu thuyết chưa làm rõ được nội dung chính của tác phẩm, tỏ ra ít nhiều phiến diện.
Ngày 22/5/2017
- Thành phố dịu dàng
- Tác giả: Trần Nhuận Minh
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
“Thành phố dịu dàng” là tập thơ của nhà thơ Trần Nhuận Minh gồm 47 bài thơ và một “Thơ tùy bút” với cái tên “Hải Dương - thành phố dịu dàng” và một bài tham luận của tác giả về thơ trình bày tại Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương, tháng 3/2015. Nội dung tập thơ khá đa dạng, biểu hiện cảm xúc, suy tư với những cung bậc khác nhau về cuộc sống đương đại.
Nổi trội hơn cả, so với những tập thơ trước của chính tác giả, trong tập thơ này là những bài thơ triết lý, suy ngẫm về cuộc đời, về số phận con người. Đúng như tâm trạng của nhà thơ, qua sự trải nghiệm cuộc đời, khi bước sang tuổi “cổ lai hy”, tác giả có những suy ngẫm “trăm điều ngổn ngang” (trang 62), “day dứt, lo toan” (trang 20) về những gì đang xảy ra trong cuộc đời mà tác giả nhìn thấy, cảm thấy. Âm hưởng nhiều bài thuộc loại này thường là buồn.
Cũng từ cái tuổi đã nhiều trải nghiệm ấy, xuất hiện trong tập thơ này là những bài thơ hồi tưởng quá khứ, gợi về những ký ức thời đã qua với một tâm trạng đôn hậu, chân thành và nuối tiếc. Thơ tùy bút viết về Hải Dương - thành phố quê hương tác giả - với nhiều hồi ức, kỷ niệm đẹp và hết mực chân tình, gắn bó.
Nổi lên trong tập thơ gây tác động mạnh đối với người đọc là những bài thơ cảm nhận về cuộc sống, con người, số phận, cảnh đời hiện tại với sự day dứt, bức xúc không yên của tác giả vì những
29 Phần I: Đọc
cái xấu xa, đen tối... đang diễn ra trong cuộc sống - từ đó thể hiện trong cảm nhận xót xa của nhà thơ. Một số bài bộc lộ thái độ phê phán và nỗi đau, sự buồn bực của tác giả như một sự “phản biện” dứt khoát.
Từ tâm trạng, cảm nhận trên, trong tập thơ có một số bài được viết với giọng văn “giễu nhại”, song vì quá bức xúc nên có phần cường điệu, thể hiện ở hai bài thơ viết về giáo dục. Ví dụ hình ảnh “một học sinh lớp 12 đâm thầy giáo, Anh chạy theo can và bất ngờ bị đâm thủng ngực; Lúc ấy, trên truyền hình đang có cuộc mít tinh; Ca ngợi nền giáo dục của chúng ta vô cùng ưu việt” (trang 30). Hai cái đó là có thật, xong “ghép lại” vào “Lúc ấy” (tên bài thơ) liệu có nặng nề chăng?
Ngày 23/5/2017
- Ngang trời mây đỏ
- Tác giả: Ngọc Bái
- Nhà xuất bản Dân trí
“Ngang trời mây đỏ” là tiểu thuyết lịch sử miêu tả sự thành lập, hoạt động, đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa và thất bại của Việt Nam Quốc dân Đảng do nhà yêu nước Nguyễn Thái Học lãnh đạo, tổ chức, chỉ huy cùng các bạn chiến đấu của ông vào những năm cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX.
Tác giả Ngọc Bái là người có nhiều năm sống, công tác ở Yên Bái, có nhiều công sức sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân Đảng những năm 1929-1930. Cùng với các tư liệu lịch sử đó, kết hợp với kinh nghiệm viết văn của mình, khả năng chắp nối, liên kết, tưởng tượng các sự kiện, biến cố, tác giả cuốn tiểu thuyết đã miêu tả khá trung thực, có tính lịch sử về quá trình thành lập, hoạt động, khởi nghĩa của Việt Nam
30 Đọc VÀNghĩ
Quốc dân Đảng - khởi nghĩa Yên Bái. Đồng thời với việc tái hiện các sự kiện, biến cố lịch sử đó, tác giả chú ý khắc họa quá trình hình thành, phát triển nhân cách, lòng yêu nước, chí khí kiên cường và sự thông minh của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học. Tác giả dành những trang viết giàu cảm xúc khi miêu tả tình yêu cao đẹp, sự hy sinh lớn lao của hai thanh niên yêu nước: Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang. Tác giả cũng cố gắng khắc họa một số tính cách của các nhân vật lịch sử như Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu... và cả một số phần tử phản bội, làm tay sai cho thực dân Pháp. Qua các sự kiện lịch sử được tái hiện khá chân xác, tác giả cố gắng làm rõ tầm vóc, vị trí lịch sử và cả những hạn chế của khởi nghĩa, khẳng định phẩm chất cao đẹp và lòng yêu nước của Việt Nam Quốc dân Đảng thời Nguyễn Thái Học sáng lập và lãnh đạo; đồng thời, với sự tái hiện lịch sử khách quan, nhà văn làm rõ cả nguyên nhân thất bại không thể tránh khỏi của cuộc khởi nghĩa Yên Bái vào năm 1930.
Tuy vậy, cách viết của Ngọc Bái theo mô thức tư duy truyền thống, nghiêm cẩn, tôn trọng lịch sử, kể tả lại các sự kiện, biến cố, hành động... nên tiểu thuyết chưa đem lại những phát hiện chiều sâu về những vấn đề của đất nước qua sự kiện lịch sử - khởi nghĩa Yên Bái và cuộc đời Nguyễn Thái Học vào thời điểm rất đặc biệt, những năm 20-30 của thế kỷ XX.
Ngày 6/7/2017
- Đừng vô tình chuyện đó
- Tác giả: Phạm Ngọc Chiểu
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
“Đừng vô tình chuyện đó” là tập hợp và chọn lọc 12 truyện ngắn của tác giả Phạm Ngọc Chiểu được viết từ khá lâu, khoảng từ năm 1969 đến năm 1983, kể cả truyện viết trong thời kỳ chiến tranh
31 Phần I: Đọc
như truyện ngắn “Chốc lát đêm quê”. Những năm qua, Phạm Ngọc Chiểu đã có một số tác phẩm được xuất bản và để lại dấu ấn riêng, 12 truyện ngắn này được chọn lọc trong số nhiều tác phẩm đã xuất bản của anh. Tuy viết về các đề tài khác nhau trong một thời gian tương đối dài, song cũng có thể “phân loại” (với ý nghĩa tương đối) các truyện này theo các nhóm có chung một hướng viết.
Trước hết là những truyện viết về cuộc sống và con người trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, như các truyện “Chốc lát đêm quê”, “Trên đỉnh đèo A, hôm ấy”, “Ranh giới”, “Trốn chạy khỏi mình”. Cảm hứng chung của những truyện này là ca ngợi vẻ đẹp của con người, đặc biệt của người phụ nữ, trong chiến tranh, mặc dầu chịu nhiều đau thương, mất mát, vẫn giữ vững được phẩm chất cao đẹp của mình. Riêng truyện “Trốn chạy khỏi mình” có sự phát triển về tâm lý con người trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh để người phụ nữ bị chết oan uổng do người đàn ông “tự trốn chạy” khỏi mình.
Cụm truyện khác dành cho việc miêu tả và ngợi ca người lãnh đạo kiểu mới, xông xáo, dứt khoát, sống có tình, có lý, tác phong công nghiệp, gắn bó với người lao động. Có 3 truyện cùng viết về nhân vật giám đốc kiểu mới, đó là: “Ông ấy là giám đốc”, “Đừng vô tình chuyện đó” và “Một cuộc đối thoại”. Truyện “Phú” khẳng định người công nhân thẳng thắn, bộc trực, làm hết mình vì công việc. 4 truyện trên viết tốt, có tay nghề, có tìm tòi mới.
Cụm thứ ba là những truyện về tình yêu trong chiến tranh và sau chiến tranh. Các truyện này viết trong sáng, có truyện đậm chất trữ tình, lãng mạn, đẹp như truyện “Khúc hát biển ban mai”. Đồng thời, với cách nhìn hiện thực, tác giả đã tái hiện số phận éo le của người phụ nữ trong quan hệ gia đình như “Đằng sau một chữ ký của tôi” hoặc khắc họa khá sinh động số phận người phụ nữ ham mê cống hiến cho xã hội, nhưng cuối đời rơi vào sự cô đơn, buồn tủi (“Người đàn bà ở cùng khu tập thể”).
32 Đọc VÀNghĩ
Riêng truyện “Ranh giới” có tìm tòi, song, đọc xong, người đọc cảm nhận hơi giống với “Người thứ 41” của văn học Xôviết trước đây.
Tác giả là một người viết có nghề, giàu vốn sống và ham muốn phát hiện các vấn đề về số phận con người trong đời thường - cả chiến tranh và hòa bình.
Ngày 20/7/2017
- Những cánh cửa đều mở
- Tác giả: Tiểu Quyên
- Nhà xuất bản Trẻ
“Những cánh cửa đều mở” là tập tản văn của tác giả nữ Tiểu Quyên. Tập tản văn gồm 28 bài viết của tác giả, lấy việc tự bộc lộ suy tư, đặc biệt là cảm xúc của mình về những gì mà tác giả đã sống, đang trải nghiệm. Thế giới nội tâm của người viết hiện lên khá rõ với những cung bậc tình cảm đa dạng và cởi mở.
Phần I với tên chung là “Bay”, chủ yếu là các bài tùy bút của tác giả viết về các miền đất lạ mà tác giả đã đến, là sự khám phá các vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên, phong cảnh và con người ở những nơi ấy. Ngoài ba bài viết về các vùng đất Việt Nam, các bài khác viết về Mianma, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Trung Quốc, Philíppin. Các bài viết nhẹ nhàng, tinh tế với cảm xúc trong sáng, thể hiện tình yêu thiên nhiên và sự nhạy cảm phát hiện các vẻ đẹp khác nhau của các vùng quê, nơi tác giả yêu mến.
Phần II với tên gọi chung là “Mộng và Thực”, gồm 11 bài bộc lộ cảm xúc nội tâm của người viết về quê hương - tình yêu đối với những gì bình dị, giản dị nhất, đối với con người trong đời thường, với động vật, cây cảnh. Những khía cạnh tinh tế của cảm xúc, vừa thực, vừa như mộng được bộc lộ.
33 Phần I: Đọc
Phần III lấy tên chung là “Về quê”. Hình như, tác giả không về quê thực, không có những chuyến đi với thời gian và không gian cụ thể, mà từ cuộc sống ở thành phố, tác giả say sưa tìm thấy, theo dõi những hình ảnh trong ký ức của chính mình về quê hương nông thôn thời thơ ấu... Bằng cách thể hiện có phần đặc biệt đó, những trang viết về quê hương, về các sản phẩm quê hương, đặc biệt về kỷ niệm đẹp tuổi thơ và về mẹ đã hiện lên trong sáng, nhiều sắc màu. Ta nhận thấy trong tập sách có những trang viết bộc lộ cảm xúc đắm đuối của tác giả khi nhớ về quê hương thời thơ ấu.
Tập tản văn có phần khiêm nhường này được viết với một tình cảm trong sáng, chân thành, cởi mở, bộc lộ cái riêng giàu cảm xúc của người viết. Tuy vậy, phải chăng, giọng điệu chung của 28 bài tùy bút này có cái gì đó giống nhau, cùng một gam màu? Liệu nó có đa dạng hơn trong cách thể hiện ở những tác phẩm sau? Chờ đợi!
Ngày 21/8/2017
- Kể xong rồi đi (tiểu thuyết)
- Tác giả: Nguyễn Bình Phương
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Tác giả bắt đầu từ một chuyện rất đời thường: Một viên đại tá (nhưng thực chất chỉ là đại úy) bị ốm nặng, phải nằm viện và khó qua khỏi vì bệnh đã sang thời kỳ cuối, quá nặng. Người nhà viên đại tá phải đưa ông về nhà và bắt đầu lo chuẩn bị tang lễ, mồ mả cho ông. Người kể chuyện trong tiểu thuyết, thân quen với viên đại tá, xưng “tớ” trong truyện chứng kiến những việc xảy ra trong những ngày cuối cùng của viên đại tá. “Tớ” đã tâm sự, kể lại những điều gì đã xảy ra, mắt thấy, tai nghe nhưng không phải với con người
34 Đọc VÀNghĩ
mà với “người bạn thân” của mình là con chó Phốc. Bắt đầu từ câu chuyện ốm đau, chuẩn bị mồ mả, tang lễ cho viên đại tá, tác giả đã “lắp ghép” một cách khéo léo, khá nhuần nhuyễn những mảng hiện thực khác nhau, từ quá khứ đến hiện tại, cả tốt và xấu, cả vui và buồn, nghiêm túc và hài hước, qua đó khắc họa nên những số phận con người, những cảnh đời nhiều góc cạnh phức tạp, éo le. Mảng hiện thực chính trong tác phẩm được tác giả tường thuật, kể lại rất tỉ mỉ, khách quan, có gì lạnh lùng, qua đó khắc họa nên đường đời, nhân cách, tâm lý của những người đang sống - những người ruột thịt, thân thiết, quen biết đại tá. Bên cạnh những cái tốt, cái nhân hậu trước số phận của đại tá, tác giả “lạnh lùng” tô đậm những sự thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm, những toan tính thực dụng, những âm mưu của những người con của đại tá. Cũng từ chuyện chuẩn bị cho sự ra đi của đại tá, bằng biện pháp “đồng hiện”, tác giả đã tái hiện quá khứ làng xã và những nét chấm phá cuộc đời binh nghiệp của nhân vật, kể cả những day dứt trong nội tâm đại tá khi tham gia chiến tranh và số phận của thế hệ những người trong gia đình, quê hương của đại tá.
Trong tiểu thuyết, tiếp tục cách viết trong những tiểu thuyết trước đây của mình, Nguyễn Bình Phương đã có một số đoạn “lắp ghép” cái thực và cái ảo, giữa những người đang sống và những người đã chết (người âm). Thông qua những mảng hiện thực trên, tác giả như có dụng ý cảnh báo về những vấn đề bức xúc trong quan hệ đạo đức giữa con người với nhau trong xã hội hiện đại, kể cả một số dự báo có phần “lạnh lùng”, quyết liệt song ít nhiều nặng nề (trang 70, 166).
Đọc xong, tôi có chút băn khoăn, tại sao tác giả sử dụng hơi nhiều từ tục trong tác phẩm? Để làm gì?
35 Phần I: Đọc
Ngày 28/8/2017
- Mỹ nhân nơi đồng cỏ (tiểu thuyết lịch sử)
- Tác giả: Lê Hoài Nam
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Trong giai đoạn lịch sử thời nhà Lê có một khoảng thời gian không dài (18 - 20 năm) nhưng liên tục có những biến động phức tạp và cho đến nay vẫn còn ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau chưa có kết luận. Đó là giai đoạn sau khi Lê Thái Tông chết (vụ án Lệ Chi Viên), Lê Bang Cơ mới 2, 3 tuổi đã lên ngôi (tức Lê Nhân Tông). Chỉ ở ngôi một thời gian ngắn, Lê Nhân Tông bị anh giết và Lê Tư Thành lên ngôi (Lê Thánh Tông). Nghiên cứu giai đoạn lịch sử ngắn này còn nhiều nhận định, đánh giá ngược nhau đối với một số nhân vật lịch sử như Lê Bang Cơ, con Nguyễn Trãi, đặc biệt về Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh và đối với những biến cố lịch sử dồn dập những năm đó. Đó là “mảnh đất” hiện thực cho sự khám phá lịch sử không chỉ của các nhà khoa học lịch sử mà còn của sáng tạo văn học, nghệ thuật. Những “ẩn số lịch sử” còn nằm trong cả chính sử và dã sử.
Bằng cuốn tiểu thuyết lịch sử này, nhà văn Lê Hoài Nam với sự tìm hiểu khá sâu về giai đoạn trên, tìm kiếm các sự kiện, biến cố, số phận con người còn đang là “điểm mờ” lịch sử để tự tin khám phá, cố gắng làm rõ hiểu biết, nhận định của mình bằng ưu thế của văn học về thực chất giai đoạn lịch sử trên và đặc biệt về số phận, đường đời của một số nhân vật lịch sử (có thật), trong đó, tác giả đặc biệt làm rõ công, tội của Nguyễn Thị Anh trong những năm làm nhiếp chính khi Lê Bang Cơ mới 2, 3 tuổi đã lên ngôi. Tác giả khắc họa thành công tính cách (hay có thể nghĩ ở dạng “đa tính cách”) người phụ nữ, “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” này, trong đó tác giả làm rõ những đóng góp của Nguyễn Thị Anh cho triều đình, đồng thời lại là một
36 Đọc VÀNghĩ
kẻ tàn ác, hãm hại, giết hại những người “nắm được” ý đồ của mình. Trong tiểu thuyết, tác giả đã xây dựng khá sinh động tính cách một số nhân vật lịch sử khác với số phận éo le, bị đầy đọa nhưng là những người có công lớn với nhà Lê như Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Lê Khả... Đối với hai nhân vật Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, tác giả chú trọng phác họa sự phát triển của nhân cách khi họ còn rất trẻ. Đó cũng là một thành công của ngòi bút này.
Có ba nhân tố tạo nên đặc điểm của tiểu thuyết, đó là vừa cố gắng khai thác, tái hiện các sự kiện, biến cố, nhân vật lịch sử giai đoạn trên, vừa nỗ lực khắc họa thế giới nội tâm, diễn biến tâm lý các nhân vật, và vừa sử dụng khả năng tưởng tượng, hư cấu một số nhân vật không chỉ làm sinh động cho câu chuyện lịch sử, mà có ý định “nói nốt” một số vấn đề lịch sử đang còn là “ẩn số”.
Tuy vậy, có một vài điều hơi tiếc. Phải chăng, có một số đoạn hơi vụng khi tác giả dùng đối thoại (khá dài) của các nhân vật để kể lại lịch sử và đôi khi có phần “hiện đại hóa” nhân vật lịch sử, sử dụng một số từ trong đối thoại không phù hợp với thời kỳ lịch sử đã cách chúng ta 6 thế kỷ.
Dưới dạng tiểu thuyết, tác giả có ý kiến riêng về số phận của vợ và con Nguyễn Trãi, khác với một số tư liệu lịch sử. Phải chăng, đó cũng là một cách phát hiện theo tư duy, thế mạnh của người sáng tạo văn học để đưa ra một giả thiết, một tìm tòi lịch sử?
Ngày 2/9/2017
- Những thành phố trôi dạt
- Tác giả: Nguyễn Vĩnh Nguyên
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Cuốn sách “Những thành phố vô hình” của Italo Calvino đã gợi cảm hứng cho Nguyễn Vĩnh Nguyên viết tác phẩm có cấu trúc
37 Phần I: Đọc
và những suy tư khá đặc biệt này. “Những thành phố trôi dạt” bao gồm một chuỗi những chuyện rời của 50 lữ khách đã đến các thành phố khác nhau, từ đó tác giả ghi lại những lời kể, tâm sự, cảm nhận, đánh giá của 50 lữ khách đó làm thành 50 đoạn văn nối tiếp nhau (từ lữ khách 1 đến lữ khách 50). Mỗi cảm nhận trên chỉ dài từ 1 đến 3 trang sách, hầu như không có liên kết với nhau về cốt truyện nhưng đều hướng về cảm nhận, bình giá các thành phố, đô thị hiện đại mà các lữ khách đã đến thăm. Các thành phố được đề cập đến trong cuốn sách này không có địa chỉ, tên, địa điểm cụ thể nào mà mang dạng “phiếm chỉ” có thể có ở nhiều nơi, song đôi khi người đọc có thể nhận biết, đoán biết được tác giả ám chỉ thành phố nào đó cụ thể. Hiện thực được tái hiện trong tác phẩm có khi là có thật, đồng thời có nhiều trang tác giả mô tả “hiện thực tưởng tượng”, “hiện thực ảo” (các trang 51, 63, 103, 110...). Từ cách thể hiện có phần “lạ” trên, song cảm hứng chung của tác giả là phê phán những mặt bất cập, tiêu cực của sự đua nhau mọc lên các thành phố hiện đại - nơi làm cho con người sống tách khỏi tự nhiên, thiên nhiên, sống tù túng, máy móc, bị biến dạng, con người không còn là chính mình, không có nhu cầu vốn có của con người. Con người biến thành ếch (trang 51), thành phố của khỉ đột (trang 110), bị đánh mất quá khứ (trang 115), mất văn hóa (trang 119-122), không có đêm (trang 155) và cả thơ ca cũng bị giết chết (trang 72)... Từ cảm hứng trên, tác giả có ý tưởng bảo vệ môi trường sống trong sạch cho con người, ước ao về những thành phố có môi trường sống gắn quá khứ với hiện tại và một loại thành phố trong mơ, vì tác giả cho rằng, ở thời đương đại này, các thành phố là một “nồi lẩu kiến trúc” (trang 70), “không bản sắc” và “đánh mất quá khứ” (trang 115).
Cảm nhận của tác giả về những mặt tiêu cực của các thành phố hiện đại có cơ sở khách quan, song đôi khi người viết có phần ít
38 Đọc VÀNghĩ
nhiều cường điệu và dùng cách viết, giọng văn giễu nhại nên người đọc có cảm giác nặng nề.
Tuy vậy, việc bảo vệ, giữ gìn môi trường sống trong sạch, “thuận theo tự nhiên” và đáp ứng sự phát triển lành mạnh của con người hiện nay là cần thiết, trong khi đang có hiện tượng đáng lo ngại: sự xuất hiện ồ ạt của các thành phố “nồi lẩu” trong quá trình đô thị hóa.
Ngày 5/10/2017
- Trí khùng (tự truyện)
- Tác giả: Nguyễn Trí
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Thật bất ngờ đối với tôi khi biết tác giả cuốn tự truyện này - Nguyễn Trí - là một người viết có cuộc đời và số phận rất đặc biệt. Là con và em của người bố và người anh làm việc cho chế độ Mỹ - ngụy, sau giải phóng năm 1975, Nguyễn Trí đứng trước và chịu đựng nhiều thách thức nghiệt ngã. Ông làm đủ các nghề để kiếm sống, trải qua nhiều năm tháng dài cơ cực: đồ tể, đào vàng, thợ nề, khai thác đá quý, trầm hương, chạy xe ôm, bán vé số, chặt củi, đốt than... Ông lăn lộn trong xã hội, quan hệ chủ yếu với các tầng lớp “dưới đáy”, kể cả trộm cắp, xã hội đen, đào vàng, gái điếm, bọn trấn lột... Nguyễn Trí cũng đã là người trong “cuộc chơi” đó và đã nếm trải 5 năm trong trại cải tạo vì 2 lần vượt biên, một lần nhận hộ tội cho bạn..., rồi một con trai chết, một con trai đi trại cai nghiện, con gái út bị giết... Cũng có những năm tháng Nguyễn Trí là giáo viên dạy tiếng Anh cho một trường cấp II và có một điều đặc biệt nữa là ông rất ham ghi chép, lặng lẽ tập viết văn, chủ yếu về cuộc đời mình và những người ông từng quen biết. Mấy năm trước, ông đã bắt đầu
39 Phần I: Đọc
viết và có một số truyện ngắn được xuất bản. Năm 2013, tác phẩm “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” của ông được giải thưởng Hội Nhà văn. Cuốn tự truyện này là kết quả mới của ông.
Đặc trưng nổi bật của cuốn tự truyện “Trí khùng” là sự tập trung tái hiện hiện thực đời thường của những con người sống “dưới đáy” xã hội được chính người nhiều năm trong cuộc kể lại một cách chân thật, sinh động như nó vốn có, không tô vẽ, không cường điệu, không “làm văn”. Xuất hiện trong tác phẩm là những nhân vật “bụi bặm”, một mảng hiện thực “dưới đáy xã hội” chưa được các nhà văn khác “đụng chạm” đến, và nếu có, cũng chỉ là người “ngoài cuộc” nhìn vào, còn Nguyễn Trí là người “trong cuộc 100%”. Nhiều số phận cay đắng, cái xấu, cái tốt trộn lẫn nhau, hay nói như tác giả: “Con người ta sống với cả trăm khuôn giả trá chứ không phải chỉ hai mặt tốt và xấu mà thôi đâu” (trang 241). Nhiều số phận được tác giả miêu tả theo hướng này một cách sinh động, chân thật. Các tệ nạn xã hội được vạch trần thẳng thắn, không tô vẽ màu mè, không công thức, khái niệm cũ mèm như một vài người viết đứng ngoài cuộc hay xào xáo các thông tin trên mạng. “Tao sẽ viết vì sao tệ nạn xã hội ngày một phát triển. Phát triển một cách méo mó, thảm hại nhất từ trước tới nay” (trang 67), nhân vật tự truyện dự định như vậy. Cái “dưới đáy” của xã hội, vì vậy được tái hiện như “nhìn thấy” được, làm người đọc giật mình, lo lắng, day dứt với câu hỏi, bao giờ có thể chặn bớt được cảnh những người sống trong xóm ghẻ, những người đào vàng trái phép ngổ ngáo, những kẻ đầu gấu, trộm cắp và cả đĩ điếm? Một số nhân vật được khắc họa khá đậm nét, trong họ trộn lẫn xấu và tốt, tội ác và có cả những giây phút lặng trong cuộc đời, muốn vươn đến sự hướng thiện như các nhân vật Hùng nheo, Duy, Thu, Chấm Bake, Hoài Thu, Thức... Có ba nhân vật vốn là lính giải phóng, sau chiến tranh, do “số phận” đưa đẩy, họ rơi vào những
40 Đọc VÀNghĩ
thử thách nghiệt ngã, đã không đứng vững, song trong họ, cái tốt và cái xấu được tác giả khắc họa rõ nét, miêu tả với thái độ khách quan, không có ý định ám chỉ gì, chỉ cốt làm rõ số phận cụ thể của con người trước cuộc đời đầy sóng gió.
Tuy cuốn tự truyện tập trung kể lại cuộc đời cơ cực, nghiệt ngã và những số phận con người dưới đáy, song, bằng sự trải nghiệm của chính mình, tác giả vẫn cố gắng dẫn tới ý tưởng cho rằng: “Chính cái khổ và cái nghèo sẽ làm nhân cách người ta lớn lên một cách không ngờ, nếu họ biết phục thiện”.
Hơi tiếc rằng, nhược điểm của cuốn tự truyện này là ở chỗ: kể tả nhiều, song để lại điều gì sâu sắc thì chưa nhiều. Hiện thực được miêu tả là “mảnh đất lạ”, song người viết có phần chạy theo sự việc, hành động nhân vật, nên sau những gì cuốn hút vì cái lạ đó, ít đọng lại một cảm nhận sâu hơn, đậm hơn trong lòng người đọc.
Bổ sung thêm: Năm 2018, tôi lại đọc lại tác phẩm mới của Nguyễn Trí “Ăn bay” và “Mạt cưa, Rượu trắng, Đường vàng” (Nhà xuất bản Phụ nữ) nhưng vì bản thảo đã dài, tôi không đưa trang nhật ký đọc hai tác phẩm đó vào cuốn sách này.
Ngày 1/11/2017
- Người Sài Gòn bất đắc dĩ
- Tác giả: Võ Đắc Danh
- Nhà xuất bản Trẻ
Tác phẩm này là sự tuyển chọn nhiều bài đã được đăng tải trên báo, tạp chí và được xuất bản thành sách của nhà báo, nhà văn, biên kịch Võ Đắc Danh. Tác phẩm gồm 47 bút ký, phóng sự viết trong khoảng hơn 10 năm từ năm 2001 đến năm 2013. Đề tài, phạm vi phản ánh của 47 bài viết trên rất đa dạng, song, một cách tương đối, có thể “phân loại” thành các nhóm vấn đề sau:
41 Phần I: Đọc
Một là, khoảng 15 bài viết đầu chủ yếu kể về ký ức, tình cảm, kỷ niệm, sự nhớ thương của tác giả đối với quê hương, gia đình, đặc biệt là những kỷ niệm sâu đậm về những ngày sống gian khổ ở vùng quê nông thôn nghèo khổ nhưng đầy tình người. Tác giả dành nhiều trang kể lại những “đặc sản” của quê hương với một tình cảm thương nhớ diết da, chân thành (rơm rạ, củi, đồng ruộng, khoai lang, bánh ít, cá rô, trái mắm, mùa len trâu...).
Hai là, 5 bài viết về những nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng ở miền Nam mà tác giả quen biết, quý mến, có nhiều kỷ niệm như cuộc đời nhiều gian truân, thăng trầm của Sơn Nam, Lê Vũ Cầu, Út Bạch Lan, Phùng Há. Các trang viết này rất chân tình, sinh động, giàu cảm xúc và sự cảm thông.
Ba là, những bài viết về số phận những con người bình thường có tâm hồn, nhân cách tốt đẹp, đáng trân trọng (như Bà lão bán bánh chuối, Cổ tích trên đỉnh mồ côi) và cả những cuộc đời bất hạnh, chứa nhiều khổ đau, bất công (Gã khùng, Thế giới người điên, Nước mắt người già...).
Bốn là, tác giả dành khoảng 10-11 bài tập trung viết về vấn đề đất đai và số phận con người, đặc biệt là những người nông dân ở Nam Bộ bị mất đất vì nhiều lý do khác nhau, qua đó thể hiện tình cảm đối với nông dân và sự phê phán của tác giả trước những bất công, phi lý và đối với những kẻ chiếm đất của nông dân, kể cả những người đã từng có công với cách mạng và kháng chiến cũng bị rơi vào cảnh nghèo túng, không có đất sống, chịu nhiều cay đắng. Đây là những bút ký, phóng sự viết về sự thật đã xảy ra vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI ở một số vùng nông thôn Nam Bộ. Sự thật cay đắng, bất công trên được miêu tả chân thật, có địa chỉ, tên tuổi thật, không khuếch đại, không kích động. (Xem các bút ký: Sao rồi cậu; Đất lên, tình người xuống; Đất và máu; Đất của mẹ; Đời cố nông;
42 Đọc VÀNghĩ
Dân của ai và đất của ai; Canh bạc ở Đức Hòa; Nước mắt người đi khai hoang; Nơi ấy bây giờ).
Cảm nhận chung, tác giả là một cây bút xông xáo, gắn bó với nông thôn, nông dân Nam Bộ, viết với thái độ thẳng thắn, không né tránh, dành tình cảm cho những số phận chịu nhiều nỗi éo le, thăng trầm, khổ đau.
Tuy vậy, do là bút ký viết về người thật, việc thật, phần lớn đã xảy ra 10, 15 năm trước đây nên ít nhiều giảm tính cập nhật và đến nay, không biết những oan khuất, bất công được tác giả miêu tả cách đây hàng chục năm đã được giải quyết chưa? Nếu chưa, thật là khó lý giải!
Ngày 5/11/2017
- Bèo nước Hậu Giang
- Tác giả: Nguyễn Mỹ Hồng
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Cuốn tiểu thuyết miêu tả, tái hiện hiện thực cuộc sống và số phận con người trong khoảng thời gian 2 - 3 năm sau Hiệp định Giơnevơ (1954) đến khoảng năm 1958 ở một vùng thuộc Rừng U Minh, Hậu Giang, Tây Nam Bộ. Các sự kiện lịch sử thời kỳ đó được tái hiện chân thật, sinh động. Theo Hiệp định Giơnevơ, cán bộ kháng chiến tập kết ra Bắc, chỉ còn một bộ phận được phân công ở lại, chờ thời cơ. Ngô Đình Diệm được đế quốc Mỹ ủng hộ đưa về lập chính phủ, bắt đầu cuộc khủng bố tàn bạo các cơ sở cách mạng và những người kháng chiến. Một bộ phận “cán bộ” vốn theo kháng chiến nhưng bị kỷ luật, từ đó có thù với những người cộng sản, nhân cơ hội trên kết hợp với một số địa chủ đã bị tịch thu ruộng đất trong kháng chiến để thành lập lực lượng quân sự địa phương được
43 Phần I: Đọc
chính quyền Ngô Đình Diệm ủng hộ đã ra sức đàn áp, truy lùng, o ép, giết hại cán bộ “Việt cộng” nằm vùng. Hàng ngàn cán bộ đã bị giết hại. Tác giả đã thành công trong miêu tả đặc điểm này của hiện thực miền Nam thời kỳ đầu (1954-1958) qua việc xây dựng, khắc họa các nhân vật như Lâm Phong, Lâm Quẩn, Phạm Dư... Đồng thời, với sự tìm hiểu công phu, tác giả còn chú ý phác thảo sinh động cái rối loạn của thời kỳ này với sự ra đời của các đảng phái tranh giành nhau quyền lực, các phe đảng chống Diệm như phái Cao Đài Minh Chơn đạo, phái Hòa Hảo. Đây cũng là một thành công của tác giả.
Trong tình hình đen tối và rối ren trên, những người kháng chiến, theo Đảng phải tạm nằm yên, chịu nhiều tổn thất, song, trước sự tàn bạo của kẻ thù, dù có chủ trương không được tiến hành đấu tranh vũ trang, nhưng họ vẫn tìm cách quan hệ với Cao Đài Minh Chơn đạo để hoạt động, vận động quần chúng, tìm cách chia rẽ nội bộ các phe phái và khi bị đặt trong tình thế sống còn, bị khủng bố, giết hại, đã tự tổ chức diệt ác ôn. Trong tiểu thuyết có nhiều trang miêu tả chân thật, sinh động sự kiên cường, thông minh và sự hy sinh của những người cách mạng, tiêu biểu là các nhân vật Hai Nghĩa, Ba Lễ, Mười Mẫn, Sáu Mến, Hòa... Một số nhân vật được tác giả khắc họa rõ nét tính cách người dân Nam Bộ: kiên cường, ngang tàng, nghĩa khí, thủy chung, đầy khí phách anh hùng và sự hy sinh như Hai Nghĩa, Chín Bầu, Mười Mẫn, Sáu Mến... Những trang miêu tả tấm lòng, sự đùm bọc của người dân đối với cách mạng khá sinh động.
Để có tiểu thuyết này, tác giả đã dày công sưu tầm tư liệu giai đoạn 1954-1958 ở vùng quê mình nên đã tái hiện sinh động, trung thực tính phức tạp của thời kỳ lịch sử này ở Nam Bộ và đã minh chứng thành công cho một sự thật lịch sử ở miền Nam. Đó là con đường tất yếu phải tiến đến đấu tranh vũ trang bằng bạo lực cách mạng
44 Đọc VÀNghĩ
ở Nam Bộ nói riêng và ở miền Nam nói chung, điều mà vẫn còn có ý kiến nghi ngờ sự lựa chọn không thể nào khác ấy.
Nguyễn Mỹ Hồng là người viết có vốn sống phong phú, gắn bó và hiểu biết sâu tính cách người dân Nam Bộ. Chỉ có phần hơi tiếc là cách viết của tác giả theo dạng kể tả là chính nên ít nhiều có phần đơn điệu, mộc mạc.
Ngày 19/11/2017
- Những giọt nước mắt muộn mằn
- Tác giả: Mộc Miên
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Cuốn sách “Những giọt nước mắt muộn mằn” bao gồm 16 bài phóng sự xã hội của tác giả nữ Mộc Miên - phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, được tác giả viết trong mấy năm gần đây. Đặc điểm nổi bật của tập phóng sự này là “đi thẳng” vào những vấn đề thời sự, bức xúc của xã hội, phơi bày và lên án không khoan nhượng những cái xấu, cái ác, cái tiêu cực trên hai lĩnh vực.
Một là, các bài phóng sự về “than tặc”, về hàng rởm, hàng nhái, mua bán thuốc tình dục, buôn lậu ở biên giới (các trang từ 7 đến 74). Đó là những vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong xã hội cho đến hôm nay. Để viết được các phóng sự này, nữ phóng viên Mộc Miên đã phải đóng vai thâm nhập trực tiếp vào các vùng buôn lậu, đến phố Hàng Chiếu - nơi mua bán thuốc kích dục và đến cả vùng “than tặc” ở Quảng Ninh. Bằng cách đó, các phóng sự của chị đã phản ánh sinh động, chân thật, có sức thuyết phục về thực trạng trên và tác giả không ngần ngại chỉ ra sự thiếu trách nhiệm và cả sự bất lực của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn các tệ nạn này.
Hai là, các bài phóng sự tập trung viết về vấn đề đất đai ở nông thôn. Nông dân bị mất đất vì di dân làm thủy điện nhưng chủ đầu tư
45 Phần I: Đọc
không giữ lời hứa nên người dân bị dồn vào cuộc sống đầy khó khăn. Rồi việc chiếm đất nông nghiệp, dân không có giấy sử dụng đất, những chủ đầu tư rút ruột công trình để làm giàu... Các phóng sự này đều có địa chỉ cụ thể về thời gian, địa điểm, tên người được viết không né tránh nên có tính xác thực và sự thuyết phục đối với người đọc.
Ngoài hai loạt bài trên, trong cuốn sách còn có hai bài phóng sự về số phận hai người phụ nữ, trong đó có một người đang ở tuổi vị thành niên, đã giết người thân của mình, gây tội ác phải chịu tù tội. Sự ân hận của họ đã muộn, song với cách nhìn nhận của mình, tác giả thể hiện sự thông cảm với các số phận tội lỗi trên.
Các phóng sự trong cuốn sách thể hiện sự can đảm của tác giả đã thâm nhập vào các điểm nóng của xã hội để thu thập tư liệu, nắm bắt các vấn đề cần phản ánh, vì vậy bảo đảm tính xác thực. Thái độ của người viết khách quan, thẳng thắn, không cường điệu. Người đọc mong muốn tác giả viết rõ hơn thực trạng cuộc đấu tranh phức tạp này và có thể lược bỏ một vài bài viết có phần còn đơn giản.
Tại sao còn khá nhiều lỗi chính tả, vi tính? Như là những hạt sạn không đáng có trong một cuốn sách của Hội Nhà văn!
Ngày 21/1/2018
- Thần thoại Hy Lạp
- Tác giả (biên soạn): Thomas Bulfinch
- Nhà xuất bản Kim Đồng
Thần thoại Hy Lạp là di sản văn hóa độc đáo, đồ sộ, vô cùng phong phú của Hy Lạp nói riêng và của châu Âu nói chung ở vào buổi bình minh của lịch sử nhân loại. Cho đến nay, thần thoại Hy Lạp đã được các nước khai thác dưới rất nhiều hình thức, từ truyện chữ
46 Đọc VÀNghĩ
đến truyện tranh, từ sân khấu đến phim ảnh, từ hội họa đến các loại hình nghệ thuật khác... Nói như Thomas Bulfinch (1796-1867) - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng: “Người nào chưa biết thần thoại Hy Lạp là chưa biết đến văn minh châu Âu”. Ở nước ta, thần thoại Hy Lạp đã được đưa vào học ở các trường đại học từ năm 1960. Những năm gần đây, bằng nhiều phương thức khác nhau, từ lịch sử đến văn hóa, văn học, nghệ thuật, thần thoại Hy Lạp đang được giới thiệu ngày càng rộng rãi ở Việt Nam.
Thần thoại Hy Lạp thể hiện vô cùng sinh động “tư duy huyền thoại” và sức tưởng tượng của con người ở thời cổ đại. Qua các câu chuyện của các vị thần, của các nhân vật, thần thoại Hy Lạp đã có ý tưởng lý giải về hầu hết các vấn đề của loài người như: nguồn gốc muôn loài, nguồn gốc loài người, nguồn gốc và các vị thần tiêu biểu cho các lĩnh vực hoạt động, sinh sống của con người như thần mặt trời, thần sắc đẹp, thần chiến tranh, thần kiến trúc, các vị thần nông nghiệp..., tức những người là thủy tổ các lĩnh vực, ngành nghề quan trọng của đời sống con người. Thần thoại Hy Lạp còn cố gắng tái dựng theo kiểu tư duy của người cổ đại về lịch sử Hy Lạp, Italia, về cuộc chiến tranh thành Troy, về các vùng đất, các đảo ở Hy Lạp...
Nhằm góp phần giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa kinh điển của thế giới cổ đại, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho xuất bản bộ truyện tranh “Thần thoại Hy Lạp” được họa sĩ Seo Young người Hàn Quốc vẽ dựa trên cốt truyện do Thomas Bulfinch biên soạn. Bộ truyện tranh gồm 90 câu chuyện về nguồn gốc và sự ra đời của các vị thần, về cuộc chiến thành Troy, về tình yêu và số phận của các vị thần, các bậc anh hùng, mỹ nhân... Đây là bộ truyện tranh, về cơ bản, đã trung thành với nguyên tắc của người biên soạn, trong đó nhấn mạnh đến hệ thống các thần trong thần thoại Hy Lạp. Điểm đặc biệt của bộ truyện, đó là không chỉ ca ngợi các vị thần,
47 Phần I: Đọc
các dũng tướng, các anh hùng mà còn phê phán bản tính độc ác, nham hiểm, ganh ghét, đố kỵ... của một số “vị thần” với một thái độ đúng mực, nhân văn, đồng thời tác giả tôn trọng tư duy huyền thoại, tính truyền thuyết của thần thoại Hy Lạp nói về sức mạnh kỳ diệu của các vị thần và cả sự độc ác, tàn nhẫn của nhiều loài ác quỷ...
Một đặc điểm riêng rất đáng lưu ý của bộ truyện tranh này, đó là tác giả đã đưa vào ba nhân vật gồm người cha và hai con, những người đang sống ở thời hiện đại, để dẫn dắt câu chuyện. Người cha trong vai trò vừa là người kể chuyện vừa là người lý giải về đặc điểm thời cổ đại nhằm giúp các con hiểu về văn minh và lịch sử thời xa xưa qua các câu chuyện giàu sức tưởng tượng của thần thoại Hy Lạp. Những lời giải thích, bình luận ấy cũng giúp định hướng cho người đọc vừa hiểu đặc trưng của quá khứ xa xăm, vừa có thái độ phê phán rõ ràng đối với cái xấu, cái ác. Đó chính là ý định tốt của tác giả nhằm tránh cho độc giả tiếp nhận thụ động, một chiều, hoặc là phê phán máy móc, không hiểu đặc trưng của thần thoại cổ xưa.
Chính vì vậy, “Thần thoại Hy Lạp” không chỉ là tác phẩm dành cho trẻ em mà còn cho cả người lớn muốn tìm hiểu đặc trưng và tư duy của con người từ thời cổ đại ở châu Âu. Đó là một di sản văn hóa lớn của nhân loại.
Do những khác biệt về văn hóa và cách tiếp nhận, phiên bản tiếng Việt lần này đã được Nhà xuất bản Kim Đồng biên tập, chỉnh lý thận trọng để phù hợp với quan niệm, tâm lý và tập quán đọc của độc giả Việt Nam. Nhằm giới thiệu “Thần thoại Hy Lạp”, tác phẩm thần thoại hay nhất trong các thần thoại trên thế giới, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cố gắng không chỉ biên tập lại kênh chữ mà cả kênh hình sao cho phù hợp với sự tiếp nhận của độc giả Việt Nam, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi. Mong rằng, với phiên bản được điều chỉnh nghiêm túc lần này, bộ truyện tranh “Thần thoại Hy Lạp” sẽ
48 Đọc VÀNghĩ
trở thành tác phẩm yêu thích, giúp bạn đọc hiểu và khám phá thêm những góc nhìn mới về nền văn hóa châu Âu nói riêng, và lịch sử nhân loại nói chung.
Ngày 7/3/2018
- Chuyện lính Tây Nam
- Tác giả: Trung Sĩ
- Nhà xuất bản Thanh niên
“Chuyện lính Tây Nam” là hồi ức của Trung Sĩ, tên thật là Xuân Tùng, nguyên Trung sĩ thông tin thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam và quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia từ năm 1978 đến năm 1983.
Là một người “lính trơn” (từ binh nhì đến trung sĩ), lính thông tin ở một đơn vị bộ binh chiến đấu trên đất Campuchia, Trung Sĩ (Xuân Tùng) đã kể lại một cách cụ thể, chi tiết, sinh động, thẳng thắn, không né tránh mọi mặt đời sống của những người lính ở một đơn vị chiến đấu cấp cơ sở, chủ yếu ở đại đội đến trung đoàn. Đặc điểm, chứa đựng trong đó cả ưu điểm và nhược điểm, của tập hồi ký này thể hiện ở những nét chủ yếu sau:
Trước hết, tác giả kể lại tỉ mỉ, chân thực cuộc sống nơi chiến trường với những gian khổ, hy sinh, chết chóc vô cùng to lớn, khó tưởng tượng của những người lính tình nguyện trên chiến trường Campuchia. Hầu hết các mặt đời thường của người lính trong một điều kiện, hoàn cảnh chiến trường khốc liệt, có phần xa lạ trên đất Campuchia được tác giả tái hiện không chút né tránh. Là lính thông tin nên di chuyển nhiều đơn vị, vì vậy là người hoàn toàn trong cuộc, biết nhiều, trải nghiệm nhiều trong chiến đấu và trong sinh hoạt đời thường của lính, nên so với một số hồi ký về chiến tranh được xuất bản
49 Phần I: Đọc
trước đó, hồi ức này có một đặc điểm bao quát là tính chân xác, đa dạng, đa chiều như cuộc sống thực vốn có của người lính được tái hiện không tô vẽ, không tô hồng. Tác giả miêu tả với nhiều suy tư và giàu cảm xúc về những hy sinh cao cả và những cái chết đau thương tột cùng của người lính trong chiến đấu, trong sự gian khổ, thiếu thốn cùng cực, rồi cả những cái chết tức tưởi do gặp bò điên, do bắn nhầm nhau...
Với thái độ vô tư, không lẩn tránh, tác giả hồi ức kể lại các biểu hiện tiêu cực, đôi khi có phần xấu, nhưng có thật, “rất lính” của người lính ở chiến trường như ăn trộm gà, giết bò, lấy vàng (chiến lợi phẩm), quan hệ với phụ nữ (đổi gạo lấy gái), bị thương “mừng hơn cưới vợ” vì được về hậu cứ, trốn đơn vị về quê, đánh nhau, bắn dọa nhau, đấu rượu, lấy đồng hồ của lính Pôn Pốt, chửi, nói bậy... và cả những mâu thuẫn nội tâm thầm kín của người lính (trang 151, 165, 267...). Rất nhiều trang xen kẽ miêu tả đời sống chiến đấu lạc quan, tếu táo, chịu đựng gian khổ, hy sinh là những trang kể chuyện thật trên.
Mình cũng là, từng là “lính trơn” nhiều năm, đọc xong hồi ức, mình cảm nhận rằng, những mặt tiêu cực trên là có thật, tác giả không có ý định bịa đặt, “bôi đen” người lính tình nguyện mà được kể lại một cách thẳng thắn, “vô tư”, mang chút hài hước của chất lính, song vẫn cảm thấy, có lẽ liều lượng hơi nhiều, tạo ấn tượng về mặt tiêu cực nổi cộm trong đời thường của những người lính tình nguyện?
Cùng với việc tái hiện cuộc sống người lính tình nguyện Việt Nam, mảng hiện thực về đời sống đau thương tột cùng của người dân Campuchia cũng được tác giả kể lại chân thật, xúc động. Chẳng hạn như cảnh người dân Campuchia phải ăn thịt người vì đói, làm ta rùng mình, không thể tưởng tượng nổi sự đau thương của một dân tộc do bọn diệt chủng tạo nên.
50 Đọc VÀNghĩ
Cái mạnh của tác giả hồi ức là sự kể chuyện chân thật, song từ đó, đôi chỗ tác giả có vài câu mang “tầm” triết lý lại lộ ra sự chưa thỏa đáng của nó, như ở trang 82, 191.
Ghi chú thêm: Năm 2019 và 2020, tôi có đọc và ghi cảm nhận hai tác phẩm của Trung Sĩ là “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” và “Đội trinh sát và con chó Sara”, nhưng do khuôn khổ có hạn nên tôi không chọn in vào tập sách này.
Ngày 11/3/2018
- Chuyện năm 1968
- Tác giả: Trầm Hương
- Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Trầm Hương là nhà văn, nhà báo nữ đang công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh), người đã có nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau (tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện ký, kịch bản phim truyện, kịch bản phim tài liệu, thơ), trong đó đã có một số truyện về đề tài cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tập truyện ký này tiếp tục dành cho đề tài trên.
Đặc điểm riêng, nổi bật của truyện ký này là tác giả không có ý định tổng kết, nhận định hay miêu tả lại quá trình, diện mạo của Mậu Thân 1968 hay viết theo dạng tiểu thuyết, truyện ngắn có hư cấu, tưởng tượng mà tác giả tập trung kể lại những sự việc, sự kiện thật, con người thật mà người viết đã rất công phu, tâm huyết, kiên nhẫn, dày công sưu tầm, tìm hiểu tư liệu, gặp gỡ, lắng nghe các nhân chứng - người thực trong cuộc để từ đó kể lại một cách chân xác, sinh động, giàu cảm xúc về các sự kiện và con người trong Mậu Thân 1968 - một chiến công hiển hách nhưng vô vàn sự hy sinh, mất mát, tổn thất, bi tráng... Có thể xác định đây là văn xuôi phi hư cấu.
51 Phần I: Đọc
Để tái hiện những sự kiện và nhân vật có thật đó, tác giả đã kết cấu tác phẩm theo những mảng hiện thực chính của sự kiện Mậu Thân 1968.
Những ngày đầu gian khổ, cực kỳ hiểm nguy, song tài trí, sự thông minh của những người chuẩn bị cho trận đánh bằng việc tổ chức các kho vũ khí ở nhiều nơi trong nội đô Sài Gòn nằm sát căn cứ lớn của Mỹ - ngụy. Những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng, song lại hoạt động rất thầm lặng được tác giả miêu tả, tái hiện chân thực, có sức thuyết phục, gây xúc động đối với người đọc.
Những câu chuyện về hoạt động tình báo, điệp báo đã có những đóng góp kỳ lạ cho cuộc chiến đấu, đồng thời cả những hy sinh to lớn trong Mậu Thân 1968.
Những trận đánh quyết liệt vào hang ổ của Mỹ - ngụy, 5 mũi tiến công dũng mãnh của ta, sự hy sinh của hầu hết 88 chiến sĩ biệt động trong cuộc chiến đầu tiên và những tấm gương hy sinh cao cả, bi tráng.
Ở Chương 4, tác giả tái hiện cuộc chiến đấu ở ven đô Sài Gòn, cửa ngõ vào thành phố. Những câu chuyện, con người trong cuộc chiến đấu ở đây có khi chưa được tìm hiểu kỹ, nay được Trầm Hương công phu sưu tầm và tái hiện sự hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng oanh liệt của họ. Chương 5 và Chương 6, tác giả tập trung tái hiện những tấm gương này.
Tác giả đã nhiều năm công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nên trong tập truyện này, chị dành phần lớn cho việc miêu tả sự quả cảm, kiên trung, anh hùng, thủy chung và cả những đau thương, mất mát không thể bù đắp được của những người phụ nữ Nam Bộ trong trận Mậu Thân 1968. Hầu hết các tấm gương gây xúc động người đọc đều là phụ nữ, trong đó có những số phận đầy đau thương, bi kịch. Tác giả tái hiện các số phận này với tình cảm trân trọng,
52 Đọc VÀNghĩ
kính trọng, yêu thương, đồng cảm, rất chân thực và sâu sắc. Có lẽ đó là đặc điểm nổi bật của tập truyện ký này. Bằng cách tái hiện như vậy, tác giả đã làm sống lại quá khứ quả cảm và không ít đau thương, có tác dụng mang lại nhận thức đúng và giáo dục đối với các thế hệ hiện tại và tương lai. Tuy có một số chi tiết có thể cần rà soát lại để bảo đảm tính chân xác, song điều đó khó tránh khỏi và không thể không cảm phục sự công phu và tấm lòng, tâm huyết của tác giả về một đề tài lớn và cực kỳ phong phú này.
Ngày 14/3/2018
- Thương trên bến đợi
- Tác giả: Bảo Thương
- Nhà xuất bản Trẻ
“Thương trên bến đợi” là tập truyện ngắn gồm 9 truyện của tác giả trẻ Bảo Thương. Nhà xuất bản Trẻ có truyền thống và “mát tay” trong việc khuyến khích và phát hiện các cây bút trẻ. Tôi không rõ lắm, không biết Bảo Thương có trong số này không? Có một điều bình thường, song có lẽ hơi khác với các cây bút trẻ khác một chút là, ở 9 truyện ngắn này, Bảo Thương có cái nhìn đôn hậu, chân thành, đồng cảm với cuộc sống của những con người tốt trong xã hội, đặc biệt đối với cuộc đời và số phận của những người phụ nữ ở nông thôn. Trong 9 truyện đã có tới 8 truyện chủ yếu viết về nông thôn. Cảm hứng chung của các truyện ngắn này là miêu tả đời sống nông thôn trong thời kỳ đang biến đổi mạnh và phức tạp của xã hội. Trước những biến đổi đó, có những người tốt, rất tốt, nhưng ít chịu thay đổi, trở lên “cũ”, khó hòa nhập, khó vào cuộc như truyện “Lặng lẽ làng quê” (trang 27). Trong 8 truyện viết về nông thôn có đến 6 truyện ca ngợi những người phụ nữ (người vợ, người mẹ nông dân)
53 Phần I: Đọc
chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh lặng lẽ nhưng luôn giữ tấm lòng nhân hậu đối với chồng, con, trong đó có truyện viết cảm động như “Mẹ tôi”, “Đàn bà hai bến nước”, “Hai thế giới”, “Ngọn lửa ấm đời mẹ”.
Ngoài 8 truyện viết về nông thôn, phải chăng, để “thử sức” sang một mảng hiện thực khác, tác giả có một truyện viết về một doanh nhân ở thành phố. Truyện viết khá sinh động, có kết thúc bất ngờ, nghiêng hẳn sang cảm hứng vốn riêng có của cây bút này, như các truyện viết về nông thôn, tác giả không chú ý miêu tả hoạt động kinh doanh của doanh nhân, mà ca ngợi doanh nhân có tấm lòng tốt giúp đỡ những người nghèo khổ.
Liệu cảm hứng và cách viết riêng ấy có trở thành một đặc trưng trong sáng tác của cây bút này không. Ta chờ đợi, hoặc là đang định hình hoặc là có thể rẽ sang một hướng tìm tòi, thể hiện khác?
Ngày 26/4/2018
- Chim ưng và chàng đan sọt
- Tác giả: Bùi Việt Sỹ
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Ở trang bìa của cuốn sách ghi là “tiểu thuyết” nhưng về phạm vi phản ánh hiện thực và về thể loại, có thể thêm từ “lịch sử” để xác định tác phẩm này thuộc thể loại “tiểu thuyết lịch sử” như vẫn thường hiểu, vì tác giả dành trọn tác phẩm cho việc miêu tả các biến cố lớn trong hai cuộc kháng chiến của quân và dân nhà Trần chống quân xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ XIII và tái hiện lịch sử những năm sau khi chiến thắng quân Nguyên với những biến động phức tạp trong triều đình nhà Trần. Là loại tiểu thuyết lịch sử nên đường dây chính là miêu tả những trận chiến đấu chống quân Nguyên với hình ảnh của những nhân vật lịch sử có thật; đồng thời là tiểu thuyết, tác giả có quyền tưởng tượng, hư cấu thêm trong việc xây
54 Đọc VÀNghĩ
dựng nhân vật, đặc biệt là khi khai thác, miêu tả thế giới nội tâm, diễn biến tâm lý và cá tính một số nhân vật được miêu tả. Từ cách cảm nhận đó, có thể nhận biết các ưu điểm chính của tác phẩm này.
Tác giả có nhiều nỗ lực sưu tầm, tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu lịch sử đời Trần và với một thái độ đúng mực, tình cảm sâu sắc dành cho những chiến công lẫy lừng chống quân Nguyên của dân tộc ta đời nhà Trần, tác giả đã tái hiện khá sinh động, trung thực hai cuộc kháng chiến năm 1285 và năm 1288. Tác giả đã xây dựng với thái độ trân trọng các nhân vật lịch sử nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến và đã thành công khi khắc họa tầm vóc, bản lĩnh, tính cách, tình cảm và cá tính các nhân vật như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái, Nguyễn Chế Nghĩa... Khi miêu tả, tác giả thể hiện sự tôn trọng tình cảm của nhân dân đối với các nhân vật lịch sử trên - những người luôn được dư luận nhân dân trong lịch sử đánh giá có công lớn làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc chống quân xâm lược Mông - Nguyên.
Cùng với cảm hứng chủ đạo trên, ở phần cuối tác phẩm, tác giả có miêu tả triều đình nhà Trần sau chiến thắng quân Nguyên, có biểu hiện thoái hóa, lục đục nội bộ, bọn cơ hội xuất hiện lo làm giàu, trục lợi như Đỗ Khắc Chung, Trần Khánh Dư. Phải chăng, từ miêu tả sự thật lịch sử trong quá khứ đó, tác giả gửi gắm những suy tư của mình đối với ngày hôm nay? (trang 247). Đó cũng là một cảm hứng sáng tạo đối với những người viết về quá khứ - sự gặp gỡ với hiện tại khi tìm ra bài học từ trong quá khứ?
Cố gắng nổi bật của tác giả là xây dựng các nhân vật lịch sử theo góc nhìn, điểm nhìn của người sáng tạo tiểu thuyết lịch sử, đó là dành cho việc tìm tòi để miêu tả thế giới nội tâm, cá tính của nhân vật lịch sử. Ở điểm nhìn này, tác giả có những phát hiện tốt, có chiều sâu các nhân vật Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão và cả nhân vật ít được lịch sử biết đến như An Tư công chúa, Dã Tượng...
55 Phần I: Đọc
Nhìn một cách tổng thể, đây là một tác phẩm tốt.
Có người băn khoăn về nhân vật Trần Khánh Dư. Ý định tạo nên cảm hứng chính khi xây dựng nhân vật này là tác giả muốn khai thác tính phức tạp trong tính cách nhân vật, sự trộn lẫn giữa hay và dở, giữa những chiến công và mặt tối trong tính cách và cả sự biến chất của con người thực (những mặt xấu trong tính cách Trần Khánh Dư như hám gái, có biểu hiện độc ác với người dân). Cách viết này là sự cố gắng trong văn học những năm gần đây, miêu tả tính cách, số phận con người không theo khuynh hướng một chiều, mà có cách phát hiện đa chiều trong tính cách nhân vật. Mặt khác, đọc kỹ, ta cũng cảm nhận, tác giả không có ý định hạ bệ thần tượng hay xuyên tạc nhân cách các nhân vật lịch sử nổi tiếng đã được khẳng định. Chỉ có phần đáng tiếc là, vài trang miêu tả quan hệ tình dục của nhân vật Trần Khánh Dư, mặc dù không có ý định khiêu gợi kích dục, nhưng có phần thô thiển, không có tác dụng làm rõ thêm, sâu thêm tính cách nhân vật này. Có lẽ, vì thế, đoạn văn này không cần thiết với cả người viết và người đọc.
Còn một điều hơi tiếc là, đôi chỗ, khi viết đối thoại giữa các nhân vật lịch sử, tác giả chưa thật cẩn thận nên có biểu hiện “hiện đại hóa” lịch sử (các trang 29, 60, 109, 165...).
Tại sao trong tác phẩm lại vẫn có những câu văn cụt, dùng dấu chấm câu không đúng chỗ? Tác phẩm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản cơ mà?
Ngày 6/6/2018
- Chim cánh cụt biết bay
- Tác giả: Cao Thanh Mai
- Nhà xuất bản Văn học
Cuốn sách “Chim cánh cụt biết bay” bao gồm 13 truyện ngắn của Cao Thanh Mai - nữ tác giả đang sống ở Cần Thơ, vì vậy,
56 Đọc VÀNghĩ
phần lớn các truyện ngắn trong tập sách này đều miêu tả hiện thực đời sống và con người ở đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây Nam Bộ). Trong 13 truyện được in trong tập sách, ngoài hai truyện “Cội nguồn” (trang 124) và “Vũ điệu cái cà ràng” (trang 162) nói về tình cảm với quê hương (cố hương) của những con người xa quê, 11 truyện còn lại đều dành cho việc miêu tả đường đời, số phận, hoàn cảnh éo le, những hy sinh thầm lặng và cả những nỗi đau bi đát của những người phụ nữ bình thường ở các vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long. Có thể phân loại 11 truyện này thành hai nhóm, xét theo cảm hứng và vấn đề chính đặt ra trong tác phẩm, tất nhiên, sự phân chia đó chỉ có ý nghĩa tương đối.
Trước hết là những truyện ngắn ca ngợi những người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, trải qua những mối tình éo le, bị phụ bạc nhưng vẫn kiên cường vượt qua để nuôi con, sống nhân hậu, giàu tình thương như các truyện “Đi biển một mình” (trang 19), “Trôi theo dòng đời” (trang 61), “Người đàn bà ngược nắng” (trang 131).
Nhóm thứ hai là những truyện có cảm hứng phê phán những mặt xấu, ác độc của cuộc sống và con người. Tác giả cho đó chính là nguyên nhân dẫn đến số phận đau đớn của người phụ nữ. Trong các truyện này, mặc dầu thái độ phê phán của tác giả rất mạnh nhưng phản ánh trung thực mặt tối của hiện thực, như các truyện “Đèn nhà bên thì sáng” (trang 19), “Chim cánh cụt biết bay” (trang 5), “Bến lỡ” (trang 149). Theo cảm hứng phê phán trên, trong tập sách có một truyện viết về cán bộ tham nhũng đã dẫn tới không chỉ sự hủy hoại nhân cách của anh ta mà còn làm tan nát cả gia đình không thể cứu vãn (truyện “Bóng hào quang” - trang 78).
Tuy có đôi truyện còn ít nhiều giản đơn, song nhìn chung, các truyện trong tập sách có nội dung tốt, thái độ của người viết đúng mực, cố gắng phát hiện nét đẹp của những người phụ nữ bình thường, dù phải trải qua nhiều đắng cay, oan trái.
57 Phần I: Đọc
Ngày 21/6/2018
- Cung đường mê
- Tác giả: Đặng Lưu San
- Nhà xuất bản Phụ nữ
Cuốn sách “Cung đường mê” gồm 15 truyện ngắn của nhà văn nữ Đặng Lưu San, chọn lọc những truyện đã in trên các báo và tạp chí được viết từ năm 2010 đến năm 2017. Là nhà văn nữ nên phần lớn các truyện ngắn này đều tập trung miêu tả, phân tích số phận, đường đời của người phụ nữ trong xã hội hiện nay, trong đó có một số truyện cố gắng phát hiện vẻ đẹp, lòng nhân hậu, sự gắng gượng vượt qua số phận éo le của mình để vươn lên giành cho mình một cuộc sống, một tình yêu tốt đẹp hơn. Cảm hứng đó thể hiện rõ trong hai truyện ngắn “Nhiễm sắc thể thứ 21” (trang 60) và “Chuyến tàu đêm” (trang 115).
Phần lớn các truyện khác đều đề cập đến số phận nhiều khổ đau của người phụ nữ, về tình trạng ngoại tình, “bồ bịch” đang lan tràn hiện nay trong xã hội, trong đó, người phụ nữ vừa là nạn nhân, vừa là người “bất cần đời”, có khi trở thành người đồng tình... Số truyện theo cảm hứng phê phán này chiếm tỷ lệ lớn trong tập truyện này, tiêu biểu là các chuyện “Cung đường mê” (trang 49), “Góc khuất” (trang 97), “Lẳng lơ” (trang 106).
Trong tập sách còn có những truyện bày tỏ sự thương cảm với số phận những người nghèo khổ, yếu thế, tàn tật với một thái độ chân thành như các truyện “Những con ốc sên” (trang 39), “Vị gà rán” (trang 73). Theo xu hướng tìm tòi mới cách khám phá cuộc sống và thể nghiệm năng lực sáng tạo của mình, trong tập truyện này, tác giả đã kết hợp hai cách viết: xen kẽ những truyện tả thực đời sống hiện tại một cách trần trụi, không né tránh với cách viết
58 Đọc VÀNghĩ
sử dụng các yếu tố có tính “kỳ ảo”. Phải chăng, từ đó đang hé lộ một phong cách riêng của Đặng Lưu San?
Hình tượng văn hóa trong tác phẩm đã chứa đựng một thông điệp có tính quyết liệt về sự đổ vỡ trong quan hệ tình yêu, hôn nhân, gia đình, thế mà đôi khi tác giả vẫn muốn bộc lộ trực tiếp thái độ của mình, ví dụ như nhận định có phần bức xúc thái quá “Người người ngoại tình, nhà nhà bồ bịch” (trang 138)?
Bổ sung thêm: Tháng 5/2021, tôi có đọc tập truyện “Ngôi nhà trên bến Đằng Giang” của Đặng Lưu San do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản, nhưng vì khuôn khổ, ở phần I này, tôi chỉ chọn lọc đến năm 2020 một số nhận xét trong nhật ký đọc của mình.
Ngày 26/6/2018
- Tháng năm sen nở
- Tác giả: Cổ Nguyệt Quang
- Nhà xuất bản Thanh niên
“Tháng năm sen nở” là tiểu thuyết lịch sử tái hiện một thời kỳ lịch sử ở nước ta thế kỷ XIII khi nhà Lý đã suy tàn và nhà Trần tiếm ngôi nhà Lý. Song, tiểu thuyết không có ý định miêu tả cả quá trình đó mà tập trung vào thời gian ngắn với bước ngoặt quyết định: nhà Trần thay nhà Lý với những nhân vật lịch sử có thật trong thời điểm đó như Nguyễn Nộn, Ngoạn Thiềm, Phan Ma Lôi, Trần Thủ Độ...
Mở đầu cuốn tiểu thuyết là câu chuyện tình yêu đẹp giữa Tố Tâm - cô gái đi học ướp chè sen và chàng thanh niên Bùi Hiển - người chèo thuyền trên Hồ Tây. Họ quen biết nhau và yêu nhau trong một mối tình lãng mạn, trong sáng. Tình yêu đang trong lúc nồng nàn nhất, Bùi Hiển bí ẩn ra đi. Chính trong thời gian đó, thực hiện âm mưu của Trần Thủ Độ, nhà Trần vừa tiếm ngôi vua
59 Phần I: Đọc
nhà Lý được ba năm. Để củng cố triều chính nhà Trần, Trần Thủ Độ đã phải dùng mưu kế, thủ đoạn giết hại nhà Lý và những người trong thế lực ủng hộ, trung thành với nhà Lý, trong đó đội quân, lực lượng mạnh nhất do tướng Nguyễn Nộn làm thủ lĩnh. Nguyễn Nộn không ai khác chính là chàng thanh niên chèo thuyền Bùi Hiển. Và cô gái Tố Tâm chuyên hái sen lại chính là công chúa Ngoạn Thiềm, cháu gái của Trần Thủ Độ. Họ là “kẻ thù” của nhau, của hai dòng họ, nhưng họ yêu nhau chân thành, thủy chung. Để làm nội gián cho gia tộc họ Trần, Trần Thủ Độ đã gả công chúa Ngoạn Thiềm cho tướng Nguyễn Nộn. Xung đột xảy ra không phải ở triều đình, ở trận tiền, mà nằm ngay trong thế giới nội tâm của hai nhân vật chính: Ngoạn Thiềm và Nguyễn Nộn. Có lẽ, cảm hứng chính của tác giả khi tái hiện lịch sử là ở đây, ở sự lựa chọn: giữa nghĩa vụ với dòng họ và tình yêu trong Ngoạn Thiềm, giữa ý chí trung quân với nhà Lý và tình yêu trong tướng Nguyễn Nộn.
Cuộc tự đấu tranh, sự dằn vặt, day dứt trong Nguyễn Nộn khi ông cho rằng, họ Trần đã tiếm ngôi nhà Lý, nhưng ông cũng nhận ra sự suy tàn của nhà Lý để đất nước rơi vào hỗn loạn và chứng kiến sự hồi sinh của đất nước khi nhà Trần lên ngôi, Nguyễn Nộn quyết định không gây chiến với nhà Trần, để làm dân khỏi đau khổ, ông đã quyết định đầu hàng nhà Trần. Ngoạn Thiềm đã đi theo quyết định của chồng, trở về quê sống như những người dân bình thường. Vì bị bệnh hiểm nghèo, tướng Nguyễn Nộn đã qua đời, ra đi thầm lặng, thanh thản. Bằng cách khai thác số phận, sự lựa chọn của Nguyễn Nộn, tác giả đã tập trung ca ngợi Nguyễn Nộn đã tỉnh táo nhìn nhận đúng lịch sử (nhà Trần thay thế nhà Lý đã suy tàn) và Nguyễn Nộn luôn sống cương trực, giàu tình nghĩa, thủy chung và ca ngợi phẩm chất của công chúa Ngoạn Thiềm. Ông vượt qua định kiến về việc làm của Trần Thủ Độ, đã đánh giá đúng công và tội của nhân vật lịch sử rất phức tạp này ngay từ khi nhận biết sự thay thế
60 Đọc VÀNghĩ
triều chính từ Lý sang Trần là không thể tránh khỏi, là có lợi cho dân, cho nước.
Từ việc miêu tả “vi mô” (mối tình giữa Ngoạn Thiềm và Nguyễn Nộn), tác giả có dụng ý nghệ thuật và đã thành công khi cố gắng lý giải bước chuyển lịch sử từ triều Lý sang triều Trần trong lịch sử dân tộc ta thế kỷ XIII. Để phát huy thế mạnh của sáng tạo văn học, tác giả không chỉ dừng lại tái hiện lịch sử mà kết hợp khá sinh động với năng lực tưởng tượng, hư cấu để tạo sức hấp dẫn đối với người đọc tiểu thuyết lịch sử.
Chỉ có một điều hơi đáng tiếc là khi viết các đối thoại giữa các nhân vật lịch sử, tác giả chưa chú ý tính lịch sử - cụ thể của nó, vì vậy, có phần hiện đại hóa một số đoạn đối thoại. Phải chăng, đó là những hạt sạn có thể nhặt ra được?
Ngày 10/7/2018
- Phóng sự chọn lọc
- Tác giả: Trần Huy Quang
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Trần Huy Quang có tay nghề vững khi viết phóng sự đề cập trực diện những vấn đề “nóng” của xã hội, nhưng anh viết không nhiều (hoặc đăng tải không nhiều?). Có lẽ vì thế mà tập “Phóng sự chọn lọc” này gồm 15 bài được viết trong thời gian tương đối dài, có lẽ từ năm 1986 đến năm 2007. Những phóng sự chọn lọc này có thể phân loại theo từng nhóm, gắn với vấn đề được tác giả tập trung khai thác.
Những phóng sự viết ngay sau đổi mới 1986, trong đó có hai phóng sự đã được giải thưởng năm 1986, 1988, gây tiếng vang lớn, tạo nên “cơn sốt” trong dư luận thời kỳ đó. Đó là phóng sự “Câu chuyện về ông Vua Lốp” (1986) và “Lời khai của bị can” (1988). Các phóng sự đậm chất báo chí này nhằm kịp thời phê phán những cái
61 Phần I: Đọc
lỗi thời về cơ chế, chính sách trong thời bao cấp đã đẩy những người tốt, người sản xuất, kinh doanh giỏi vào vòng lao lý, oan trái, mất tài sản, thậm chí tù tội... Phóng sự “Nói chuyện với nhà tư sản cũ”, cùng với hai phóng sự gây cơn sốt trên, cũng thuộc chủ đề này.
Những phóng sự, bút ký viết về nông nghiệp, nông thôn, về quê hương có một cảm hứng khác, một cách khai thác, phát hiện riêng. Đó là sự khẳng định của tác giả dành cho những người dám nghĩ, dám làm, sự cống hiến của những người bình thường trong xây dựng thời bình. Các bài viết có chất lượng tốt như “Người lái thuyền trên hồ Vực Mấu” (trang 125), “Làng thanh niên xung phong Quỳnh Lưu” (trang 173) và “Cây cói ở Hải Tân” (trang 87)...
Cùng với hai nhóm trên, trong tập này còn có một số bài viết về ký ức, những kỷ niệm của tác giả về quê hương Quỳnh Lưu. Những bài viết này thể hiện tình yêu chân chất, nhớ thương, tự hào, gắn bó của tác giả với quê hương giàu truyền thống, giàu tình người. Đó là các bài “Bãi sao sa” (trang 209), “Những mảnh ghép tình cờ” (trang 217), “Biển đêm” (trang 145). Những bài bút ký về chống buôn lậu, về mối tình của thi sĩ Hoàng Cầm tạo nên sắc thái đa dạng của tập phóng sự.
Bài viết đầu tiên trong tập sách, nếu tác giả có một cách nhìn toàn diện, sâu hơn sẽ có sức thuyết phục nhiều hơn đối với người đọc “trong cuộc” và làm rõ hơn đối với người đọc “ngoài cuộc”.
Ngày 15/7/2018
- Bóng quỷ
- Tác giả: Hồ Ngọc Vinh
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Cuốn tiểu thuyết “Bóng quỷ” của Hồ Ngọc Vinh miêu tả cuộc sống ở nông thôn miền Bắc từ thời kinh tế quan liêu, tập trung bao
62 Đọc VÀNghĩ
cấp đến thời kỳ đổi mới những năm gần đây, xây dựng nông thôn mới, vừa phản ánh sự biến đổi mạnh mẽ của nông thôn, vừa cố gắng khắc họa cuộc đấu tranh không cân sức giữa những người tốt với những kẻ thoái hóa, biến chất ở nông thôn thời kinh tế thị trường. Nhân vật chính trong tiểu thuyết là Tuyết, một nữ sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, thi trượt đại học, chia tay với một mối tình học trò trong sáng, ở lại quê làm ruộng. Được sự giới thiệu của người cậu, Tuyết được làm việc ở văn phòng xã, rồi lên phụ trách tài chính, kế toán... Sau một thời gian, với sự khôn ngoan, tháo vát, đầy toan tính, lại có quan hệ xác thịt với cán bộ cấp xã, cấp huyện, Tuyết trở thành một chủ tịch xã đầy quyền lực. Từ đó, cùng với phe cánh của mình, Tuyết đã làm giàu bằng các dự án, mua bán đất, tham ô, quan hệ với công ty tư nhân kiếm lời bất chính. Cùng với sự thăng tiến của cô qua 30 năm, xung quanh Tuyết, tác giả xây dựng một số nhân vật cấp xã, cấp huyện, người tốt có, kẻ xấu có, các thế hệ nối tiếp nhau, trong đó, người viết tập trung khắc họa một số nhân vật trong cùng phe cánh với Tuyết tìm cách trục lợi, làm giàu, đồng thời tác giả có chú ý phác họa một số người tốt, có đóng góp xây dựng xã, nhưng rồi họ đều bị vô hiệu hóa. Các nhân vật này tuy chưa được sâu, nhưng miêu tả khá chân thật, không cường điệu.
Sau hai nhiệm kỳ làm chủ tịch xã và trở nên giàu có, nhưng gia đình Tuyết rạn nứt dần: chồng rượu chè, sống buông thả, lập dị, con trai chơi bời, lười biếng, buôn bán đất thua lỗ. Tuyết phải bán hết đất đai, nhà cửa của mình để trả nợ cho con, và khi về già, Tuyết lại trở về cuộc sống nghèo khổ, cô đơn trong tối tăm, mất cả vật chất và tinh thần.
Câu chuyện được kể lại nhằm phê phán một số cán bộ cấp xã, huyện tham nhũng, thoái hóa, biến chất; đồng thời tác giả vẫn thể
63 Phần I: Đọc
hiện một niềm tin, đời sống ở nông thôn vẫn ngày càng tốt hơn, vẫn còn những cán bộ trung thực, tâm huyết, tuy rằng, cuộc đấu tranh chưa được khai thác nhiều, hình như tác giả muốn minh chứng cho luật nhân quả?
Cách viết của tác giả theo cách kể chuyện truyền thống, đôi chỗ hơi vụng về khi khắc họa tính cách, nội tâm nhân vật.
Ngày 25/8/2018
- Kỷ vật của cha
- Tác giả: Võ Văn Trường
- Nhà xuất bản Văn học
Cuốn sách tập hợp 49 bài báo của tác giả Võ Văn Trường - nhà báo quê gốc ở Quảng Nam, hiện công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Nam. Là người viết còn khá trẻ, không trực tiếp trải nghiệm chiến tranh (anh sinh năm 1974) nhưng Võ Văn Trường rất say mê tìm hiểu về quá khứ chiến tranh ở quê hương Quảng Nam - một vùng đất kiên cường, chịu nhiều hy sinh, mất mát, có nhiều anh hùng, liệt sĩ và đặc biệt, nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng nhất. Viết theo thể báo chí, 49 mẩu chuyện trong tập sách này tập trung chủ yếu kể tả lại cuộc sống và con người trên mảnh đất Quảng Nam trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc điểm chung, nổi bật trong cuốn sách này là tất cả các nhân vật, sự kiện, vùng đất đều là người thật, việc thật ở Quảng Nam, trong đó có những người, theo chú dẫn của tác giả, đã mất khi cuốn sách này được xuất bản. Qua các mẩu chuyện được ghi chép chân thật, mộc mạc, tác giả đã khắc họa và ca ngợi những tấm gương quả cảm, kiên cường, hy sinh to lớn của những người dân đất Quảng, mà phần lớn là những người bình thường.
64 Đọc VÀNghĩ
Tác giả cũng mạnh dạn kể về những mất mát, đau thương tột cùng của con người nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời, nối quá khứ chiến tranh với cuộc sống hiện tại, tác giả chú ý ngợi ca những con người đã cống hiến, sống xứng đáng trong chiến tranh vẫn tiếp tục sống có ích, gương mẫu trong thời bình và cả những hậu quả, di hại nặng nề sau chiến tranh như chất độc da cam, những người hy sinh không tìm thấy hài cốt, nỗi đau các gia đình có nhiều người hy sinh...
Hai loại nhân vật có thực được tác giả quan tâm khắc họa là những người lính và sĩ quan quân giải phóng và đặc biệt là những người phụ nữ, người mẹ xứ Quảng. Trong tập sách có những chuyện viết tốt, gây xúc động đối với người đọc.
“Kỷ vật của cha” là loại tác phẩm viết theo thể báo chí, chân thật, mộc mạc, giàu tình cảm, dành cho những người đã hy sinh, cống hiến cho công cuộc đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước, đặc biệt ở xứ Quảng kiên trung, bất khuất. Chỉ hơi tiếc, một số chuyện nếu được viết kỹ hơn, khai thác sâu hơn sẽ có sức nặng nhiều hơn trong tiếp nhận của người đọc.
Ngày 3/9/2018
- Đất quê
- Tác giả: Hồ Văn
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
“Đất quê” là tập truyện ngắn của tác giả Hồ Văn, hiện đang sống và làm việc tại Đồng Tháp. Tập sách gồm 20 truyện ngắn, tất cả đều viết về vùng quê Đồng Tháp của tác giả. Đặc điểm nổi bật của tập truyện này là sự gắn bó, yêu thương, từ đó khám phá và phản ánh chân thật, có sự phát hiện về cuộc sống và số phận
65 Phần I: Đọc
những con người bình thường ở quê hương tác giả. Chính từ sự gắn bó đó, tác giả rất say mê tìm hiểu từ những cái nhỏ nhất của quê hương mình, qua đó tìm ra vẻ đẹp riêng, độc đáo của vùng Đồng Tháp. Hầu hết các truyện ngắn đều bắt đầu từ những cảnh, vật rất nhỏ bé, không ai chú ý tới, nhưng tác giả đã quan sát, tìm hiểu kỹ, miêu tả và phát hiện những vấn đề của cuộc sống. Ta nghe những cái tên cũng cảm thấy rõ đặc điểm này: hoa ớt, hoa phụng, hoa rau muống, hoa khoai lang, con bò khóc, cúm núm, miếu thổ thần, ễnh ương, bụi tre, cồn, con hát bội, tiếng cú, cánh hạc, cây đủng đỉnh... Từ những cảnh, vật chẳng mấy ai chú ý tới, do có sự say mê và khả năng quan sát tinh tế, tỉ mỉ và đào sâu, tác giả đã khắc họa thành công số phận những con người bình thường, chịu nhiều nỗi đau, sự éo le, ngang trái, nhưng vẫn giữ tấm lòng nhân hậu, chân chất tình người. Các nhân vật của tác giả hầu hết là những người nông dân, người tham gia kháng chiến, song sống thầm lặng, chịu đựng, giữ vững phẩm chất tốt đẹp trước những thách thức khắc nghiệt của cuộc đời.
Một số truyện viết khá thành công, có sự phát hiện và cách thể hiện riêng, tỏ ra là tay bút có nghề, có tấm lòng đôn hậu như các truyện “Hoa vô tâm”, “Bông khoai lang tím đỏ”, “Mùa cúm núm thay lông”, “Sông Trăng”...
Xen kẽ việc miêu tả cuộc sống hiện tại (sau chiến tranh), tác giả trở về với quá khứ, tái hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với thái độ đúng mực.
Có một chi tiết hơi gợn trong cảm nhận của người đọc: con bò “động đực” được suy đoán là “bộc lộ tình cảm” với cô bé Ngọc? Nhìn chung, “Đất quê” là tập truyện ngắn khai thác có chiều sâu số phận, tâm lý những người bình thường, từ đó tác giả bộc lộ
66 Đọc VÀNghĩ
cái nhìn nhân hậu đối với thiên nhiên, quê hương và con người trong đời thường. Người viết có nghề, để lại dấu ấn riêng.
Ngày 13/9/2018
- Tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được
- Tác giả: Lê Bùi Thảo Nguyên
- Nhà xuất bản Thế giới
Tác phẩm “Tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được” viết theo dạng ký có truyện của tác giả trẻ Lê Bùi Thảo Nguyên (sinh năm 1991). Tác giả kể về cuộc sống, suy nghĩ, suy tư, dằn vặt của mình đang là một cử nhân gây mê tại hai bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy đã làm việc 3 năm tại bệnh viện, nhưng Thảo Nguyên rất thích đi du lịch và luôn luôn tự dằn vặt trước một vấn đề, một nhu cầu của chính mình: không thể sống theo một khuôn mẫu có sẵn, phổ biến, thông thường cho mọi người mà phải tìm cho riêng mình một khuôn khác, không giống ai, một khuôn mẫu chỉ phù hợp với chính mình. “Cái khuôn mọi người đặt ra cho tôi, xem ra ngày càng không vừa vặn nữa. Có lẽ, tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được, miễn là được chế tác cho riêng mình” (trang 200). Phải chăng, mong ước đó có phần đúng, song nếu tuyệt đối hóa nó, có phần hơi thái quá! Từ nhu cầu đó, mặc dầu làm việc rất có trách nhiệm ở bệnh viện, nhưng tác giả cảm thấy không chịu đựng nổi trước những nỗi đau của con người, đã xin nghỉ việc. Và trong hành trình đi tìm cái khuôn riêng cho mình, tác giả liên tục đi du lịch ở nhiều miền của đất nước, từ Nam đến Bắc và phần lớn là đi một mình với xe máy thuê. Cuối tác phẩm, tác giả quyết định thôi việc ở bệnh viện và bước vào cuộc sống tự do, đi và viết.
67 Phần I: Đọc
Kết cấu tác phẩm khá độc đáo. Toàn bộ tác phẩm có khoảng 50 đoạn văn ngắn, xen kẽ liên tục hai mảng hiện thực: một đoạn viết về công việc ở bệnh viện và một đoạn viết về các chuyến du lịch, cứ thế “cặp díp” nhau cho đến kết thúc tác phẩm. Trong hai nội dung trên, tác giả kể lại chân thành, xúc động về những nỗi đau của người bệnh, những khó khăn, nhọc nhằn, chịu đựng và tình yêu thương của thầy thuốc với bệnh nhân. Một số đoạn văn viết rất cảm động, tạo sự đồng cảm của người đọc, qua đó tác giả thể hiện tình cảm đôn hậu, yêu thương con người (trang 132). Hai mảng hiện thực trên không có sự đối lập, phủ nhận nhau, khi viết về du lịch, tác giả bộc lộ một tình yêu nồng nàn với thiên nhiên, cuộc sống và con người ở các vùng, miền mà tác giả đến - những chuyến du lịch khá ly kỳ và đặc biệt.
Đây là một tác phẩm tốt, viết chân thật, sinh động, dễ tiếp nhận, phù hợp với nhu cầu, tình cảm và tâm lý của lớp trẻ, thế hệ 9x.
Ngày 1/10/2018
- Salan đỏ bãi xanh
- Tác giả: Văn Thành Lê
- Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
Tuy là cây bút trẻ (sinh năm 1986), nhưng Văn Thành Lê đã có hàng chục tập truyện, ký, tiểu thuyết và cả thơ được xuất bản từ năm 2008 đến nay. Tập truyện “Salan đỏ bãi xanh” là sự tiếp nối và phát triển cách viết riêng của tác giả. Cuốn sách gồm 12 truyện ngắn của tác giả. Trong 12 truyện này có tới 11 truyện viết theo loại văn châm biếm, giễu cợt hài hước những mặt tiêu cực của cuộc sống, những thói hư tật xấu của con người trong xã hội hiện nay. Để châm biếm, giễu cợt một cách có hiệu quả, tác giả đã khai thác
68 Đọc VÀNghĩ
một cách thông minh bằng những phát hiện và vạch ra những cái kệch cỡm, dởm đời của một số nhân vật qua các hoạt động, sinh hoạt của họ, từ đó tạo nên tiếng cười châm biếm, lên án những thói hư tật xấu trong những loại người luôn tự ảo tưởng về nhân cách của mình. Những truyện như “Đầu năm đi chùa”, “Hoàng tử tuổi xế chiều”, “Công chúa tuổi hoàng hôn”, “Người mọi quy luật”, “Hạ huyết an toàn” đều đạt hiệu quả nghệ thuật từ cách viết trên. Có truyện đọc xong, người đọc không cười mà suy ngẫm về những cái xấu của con người, tự tìm ra cho mình một nhận biết mới vì sự châm biếm sâu cay của tác giả đối với cái xấu của con người. Có truyện gây ra tiếng cười thích thú, cười về sự hám danh lố bịch, như truyện “Nhà thơ cấp nước”.
Điều đáng quý là, thông qua sự phê phán, “lật tẩy” đó, tác giả vẫn thể hiện tình cảm nhân hậu đối với cuộc sống, với cái tốt đẹp, không tỏ ra ác ý hay bôi đen cuộc sống.
Ngoài 11 truyện trên, trong cuốn sách có 1 truyện viết theo “điểm nhìn” khác, đó là tình yêu của con người với quê hương, vùng đất gắn bó thời thơ ấu của mình. Truyện “Salan đỏ bãi xanh” được viết chân thành, cảm động là kết quả của cách viết trên.
Vì viết theo thể châm biếm nên có đôi chỗ tác giả viết có phần thô, hoặc quá đà, gây cảm giác không đồng tình của người đọc (các trang 59, 60, 85, 170, 172) mặc dầu biết rằng sự “cường điệu” là một thủ pháp vốn cần cho thể loại này. Liệu sự khái quát này có thiếu khách quan và sức thuyết phục không: “Vốn dĩ cuộc đời này là một sân khấu lớn, ai đó từng nói vậy. Bất kỳ ai cũng phải diễn theo cách nào đó” (trang 85)? Vâng, từ lâu “ai đó đã từng nói vậy”, nên tác giả triết lý lại, quả thật chẳng có gì là mới, nếu nói thêm, chắc rằng không trúng.
69 Phần I: Đọc
Ngày 12/10/2018
- Giọt nước giữa dòng sông
- Tác giả: Nguyễn Thanh Phong
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Tác phẩm viết theo thể loại truyện ký. Nhân vật trung tâm là Chính - một doanh nhân thành đạt kể lại cuộc đời mình từ tuổi thơ ấu đến khi thành công trong sự nghiệp kinh doanh. Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thanh Phong đã nghe kể và viết lại thành truyện ký này.
Nhân vật Chính - xưng “tôi” trong tác phẩm - là một cậu bé ngoan, chịu khó học hỏi, được bố mẹ dạy dỗ cả đạo đức và nghề nghiệp (thợ mộc). Chính học giỏi nhưng vì gia đình bị quy oan trong cải cách ruộng đất nên không được đi học cấp III, phải ở nhà làm ruộng, sau đi công nhân, làm thợ mộc. Nhờ chịu khó học tập, làm việc chăm chỉ, gương mẫu, anh có sự tiến bộ rõ rệt, song vẫn bị cán bộ xã “dìm”, không đồng ý cho đi học đại học và vào Đảng. Chính vẫn kiên trì làm việc, phấn đấu, vượt qua khó khăn, gương mẫu làm việc. Song, do bị ghen tị, anh đã bỏ việc nhà nước, ra làm tư, dần dần làm chủ một doanh nghiệp xây dựng, vừa sản xuất vừa kinh doanh bất động sản. Anh làm việc có lương tâm nên được tín nhiệm, biết chọn thời cơ nên công ty của anh phát đạt mạnh mẽ; đồng thời, anh biết dừng lại, không tham vọng, không vi phạm pháp luật nên hoạt động kinh tế của anh tiếp tục đứng vững và phát triển. Tuy vậy, anh vẫn chỉ coi mình như những giọt nước trong dòng sông, sống khiêm nhường, thương yêu con người, lo cho hạnh phúc gia đình, sống thanh thản khi tuổi đã cao.
“Giọt nước giữa dòng sông” là một truyện ký viết chân thật, có thể nhân vật Chính có một nguyên mẫu nào đó có thật, song vượt
70 Đọc VÀNghĩ
lên việc kể lại cuộc đời nguyên mẫu đó, người ta có thể nghĩ tới một hình tượng văn học về một kiểu người mới đang xuất hiện ở nước ta hiện nay: Hình tượng doanh nhân chân chính trong cuộc đời còn nhiều bề bộn, nhất là trên lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp.
Ngày 15/10/2018
- Cố định một đám mây
- Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư
- Nhà xuất bản Đà Nẵng
Tác phẩm “Cố định một đám mây” là tập truyện ngắn gồm 10 truyện của nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư - người đã nổi lên như một cây bút nữ có cách viết và điểm nhìn cuộc sống độc đáo, đặc sắc. Mỗi truyện của Nguyễn Ngọc Tư đều đặt ra, gợi mở nhiều vấn đề để người đọc suy ngẫm và phán đoán. 10 truyện ngắn trong tập này cũng nằm trong dòng mạch, cảm hứng, ý tưởng sáng tác đó của tác giả. Nhiều vấn đề về cuộc sống hiện tại và số phận con người, đặc biệt là những con người bình thường, trong đó nhân vật chiếm vị trí trung tâm vẫn là số phận người phụ nữ đã được đặt ra, có lúc gay gắt, thẳng thắn, có lúc ẩn chìm đòi người đọc phải tự suy đoán, phân tích, lý giải tiếp, khi truyện đã đi đến kết thúc. Từ đó, đặc điểm nổi bật của tập truyện này là có hai xu hướng thể hiện: một là bút pháp hiện thực và hai là xen kẽ giữa thực và ảo, giữa cái xảy ra và giấc mơ.
Ở xu hướng thứ nhất, ta tìm thấy trong 8 truyện phần lớn khai thác số phận nhiều khổ đau, éo le, diễn biến tâm lý phức tạp của con người trước những hoàn cảnh ngặt nghèo, ngang trái, trớ trêu... Cách viết như vậy vẫn “rất Nguyễn Ngọc Tư” từ thời “Cánh đồng bất tận”. Cũng theo điểm nhìn có phần quen thuộc của mình,
71 Phần I: Đọc
tác giả dành nhiều truyện về số phận người phụ nữ trong cuộc sống hiện thực, đời thường nhưng chứa chất trong đó biết bao vấn đề âm thầm mà gay gắt, nhức nhối đối với cả cuộc đời họ. Một người phụ nữ lặng lẽ chờ chồng, hy vọng rồi thất vọng, vì chồng mất tích ở biển khơi (“Những biển” - trang 5). Một người vợ đã ly hôn nhưng vẫn phải đón tiếp một người phụ nữ lạ của chồng cũ (truyện “Thấm mệt”). Một người con gái kiên quyết bỏ người yêu ở quê nhà để đi tìm một cuộc sống tốt hơn ở nơi xứ lạ (truyện “Cố định một đám mây”). Không trực tiếp viết về phụ nữ, nhưng có phần “ái nữ” khi tác giả kín đáo bảo vệ cho sự “chuyển giới” từ con trai sang con gái, trong đó tác giả vẫn miêu tả sự đổ vỡ, chia ly tình cảm gia đình, sự phản đối quyết liệt của người cha trước nhu cầu kỳ lạ, khó hiểu đòi chuyển giới của con trai mình.
Có truyện tác giả dành trọng tâm cho việc cố gắng khám phá thế giới nội tâm, diễn biến tâm lý đa chiều, phức tạp của con người trước tác động đầy trớ trêu của hoàn cảnh sống, như truyện “Con nước ngang qua”, “Bão đêm”. Riêng truyện “Lụt” (trang 157-170) được viết khá hóm hỉnh và nhân hậu. Nhân vật Lụt vì đi tìm người bán thuốc ghẻ cho gia đình mà bị lạc cả cuộc đời, song qua bao trắc trở, gặp được những người nhân hậu, Lụt, về già đã tìm lại được người em gái bị thất lạc nhiều năm trời.
Ở xu hướng thứ hai, có hai truyện viết theo mô thức tư duy sáng tạo mới, kết hợp giữa cái thực và cái ảo, cái đang xảy ra và giấc mơ. Đó là truyện “Vào ngày linh ái nở” và “Chớp mắt mịt mù”. Cái tiếng mìn nổ làm sập cầu do một người lính gác đêm gây ra vì đêm quá yên tĩnh. Không giải thích nổi, người lính bị nghi ngờ, bị bắt giam. Đó là thực hay là ảo, là mơ, vì chuyện xảy ra không giải thích nổi theo “lôgíc” thông thường. Tác giả cho nhân vật cảm nghĩ: “Nói cho cùng cái đời sống thực ấy có khác gì chiêm bao” (trang 101)
72 Đọc VÀNghĩ
và “nơi mình vừa bước vào có phải là phía khác của giấc mơ không” (trang 101). Một cô gái sắp làm lễ thành hôn bỗng bỏ đi một mình nhưng chính cô không biết đi về đâu, chỉ luôn luôn rẽ phải. Phía cuối là con sông, song cô cứ rẽ phải, đi hoài vào những con đường xa lạ (trang 151), coi đó là “cơn khát chân trời mà chính họ cũng không nhận ra” (trang 139) và cuối cùng chính cô cảm nhận, con đường và dòng sông “chỉ là ảo ảnh” (trang 155).
Phải chăng, đây là sự cảm nhận không tới về cuộc sống hay là sự tìm đường chưa ra của chính tác giả? Hãy tiếp tục tìm đi và tránh ảo ảnh.
Ghi chú thêm: Năm 2020, tôi có đọc và viết cảm nhận về tiểu thuyết mới của Nguyễn Ngọc Tư “Biên sử nước” (Nhà xuất bản Phụ nữ), nhưng do khuôn khổ có hạn nên không chọn in trong tập sách này.
Ngày 21/10/2018
- Gió Thượng Phùng
- Tác giả: Võ Bá Cường
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
“Gió Thượng Phùng” là cuốn tiểu thuyết lịch sử “gần”, viết về một địa bàn đã xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc chống quân bành trướng Trung Quốc năm 1979. Truyện chủ yếu xảy ra ở vùng cao Thượng Phùng, Mèo Vạc, nơi người Mông sinh sống lâu đời. Tuy chỉ tập trung vào một địa bàn nhỏ, cụ thể nhưng tác giả đã công phu sưu tầm tài liệu lịch sử, gặp gỡ nhiều nhân chứng và sống ở vùng biên giới này một thời gian để chuẩn bị cho cuốn tiểu thuyết. Đó là cơ sở cho những trang viết chân thật về một sự thật lịch sử mà một thời gian đã có xu hướng “lãng quên” hay “cho qua”.
73 Phần I: Đọc
Chuyện kể bắt đầu từ quan hệ gắn bó thân thiết giữa hai xóm: xóm Răng Ngựa (người Hán) trên đất Trung Quốc và xóm Mỏ Phàng (người Mông) trên đất Việt. Hai xóm chỉ cách nhau một con suối nhỏ, có quan hệ gắn bó từ lâu đời, trong đó có hai gia đình thân nhau như ruột thịt, hai đứa trẻ Lý Chi (người Hán) và A Tràng (người Mông) chơi với nhau như anh em một nhà. A Tràng có cô em gái xinh đẹp, ngoan, giỏi giang là Máy Mỉ. Lý Chi gắn bó với Máy Mỉ từ bé. Song, bất ngờ vì lý do từ trên cấp cao, hai xóm bắt đầu đề phòng nhau, và phía Trung Quốc, với những kẻ ngông cuồng như Lưu Văn Lèng đã xâm lấn đất của người Mông gây nên cái chết của bà con xóm Mỏ Phàng, Thượng Phùng. Lý Chi được đưa vào quân đội, đào tạo 4 năm và được giao làm gián điệp do thám cho quân Trung Quốc chuẩn bị xâm chiếm Thượng Phùng.
Cảnh giác trước âm mưu và tội ác của phương Bắc, cán bộ, nhân dân Thượng Phùng, với lòng yêu quê hương, yêu nước sâu sắc, được sự hỗ trợ của bộ đội, công an, biên phòng... đã vừa đấu trí, đấu lực, chịu nhiều hy sinh bảo vệ bằng được mảnh đất quê hương. Với truyền thống thượng võ và sự đoàn kết, nhân dân Thượng Phùng đã đánh thắng giòn giã trận tấn công quy mô lớn của quân Trung Quốc, bắt sống tướng Voòng Xình và nhiều tù binh. Voòng Xình và các tù binh được đối xử rất nhân văn...
Tham gia chiến tranh, làm gián điệp, nhưng nhận ra chính nghĩa và tình yêu với cô gái Việt (người Mông) là Máy Mỉ, Lý Chi đã đứng về phía Việt Nam. Song, do chiến tranh, hai người bạn thân từ thuở bé thơ - A Tràng và cả Lý Chi - đều chết trong cuộc chiến tàn khốc do Trung Quốc gây ra.
Do tìm hiểu sâu về lịch sử và đặc trưng của dân tộc Mông nên trong khá nhiều trang đã khắc họa rõ nét tính cách con người Mông, phong tục, tập quán, trong đó tác giả đã khá thành công khi miêu tả
74 Đọc VÀNghĩ
truyền thống thượng võ, cao thượng của người Mông. Những trang viết này mang âm hưởng sử thi.
Mặc dầu phê phán mạnh tư tưởng bành trướng, coi đó là nguyên nhân gây ra chiến tranh giữa hai dân tộc, song ý tưởng cuối của tác giả vẫn là mong muốn hai dân tộc sống trong hòa bình và tình hữu nghị. Sự “giác ngộ” của tướng Voòng Xình tuy diễn ra quá nhanh (chỉ qua một lần đối thoại với Máy Mỉ) nói lên ý tưởng ấy của tác giả.
Lấy vùng đất nhỏ Thượng Phùng để miêu tả cuộc chiến đấu là chính, song có vài chương, tác giả mở rộng phạm vi phản ánh, kể lại khái quát toàn cục cuộc chiến đấu ở biên giới phía Bắc dưới dạng sử liệu làm cho các chương này không ăn nhập với tiểu thuyết. Phải chăng, sự am hiểu của tác giả về quân đội Trung Quốc hiện tại còn thiếu nên cách viết, miêu tả vẫn ít nhiều có tính khái niệm? Ngoài ra, đưa những hiểu biết của mình về dân tộc Mông (lịch sử, văn hóa, đặc tính...) vào các đoạn đối thoại dài của nhân vật (Máy Mỉ chẳng hạn) có phần chưa hợp lý, gượng ép.
Cuốn tiểu thuyết “Gió Thượng Phùng” đã cố gắng làm rõ một sự thật về cuộc chiến đấu kiên cường bảo vệ quê hương của các dân tộc Việt Nam chống sự xâm lược đầy phi lý của quân bành trướng. Là người nhiều lần có mặt trong những năm này ở biên giới phía Bắc, tôi đồng cảm với tác giả.
Ngày 24/10/2018
- Ngày không nắng
- Tác giả: Tô Nguyên Ngã
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
“Ngày không nắng” là tập truyện ngắn và truyện ký của tác giả Tô Nguyên Ngã, gồm 10 truyện ngắn và 3 truyện ký.
75 Phần I: Đọc
Phạm vi hiện thực được phản ánh trong tập truyện là cuộc sống và số phận con người trong những năm chiến tranh chống Mỹ và trong cuộc sống hiện tại, chủ yếu ở miền Nam. Có thể phân loại, với nghĩa tương đối, 13 truyện trong tập sách thành ba cụm đề tài khá rõ nét.
Trước hết là những truyện viết về đường đời, số phận những con người bình thường, trải qua nhiều khó khăn, éo le nhưng gặp được những người tốt, họ sống tốt hơn, yêu thương, đùm bọc nhau; trong đó có ba truyện tác giả ngợi ca người chiến sĩ công an có lòng tốt, nhân hậu như truyện “Ghét quá đi thôi”, “Giọt trăng”, “Chiếc áo màu măng non”.
Cụm thứ hai là những truyện tác giả phê phán những kẻ xấu, cơ hội đã tìm cách lợi dụng những sơ hở trong xã hội để leo cao, giữ các chức vụ này khác, nhưng cuối cùng cũng bị “lật tẩy”, bị lên án như hai truyện “Ngày không nắng” và “Tiếng gọi gió”. Những truyện này được viết với thái độ phê phán quyết liệt, phản ánh một sự thật đã và đang diễn ra ở nông thôn.
Cụm thứ ba có 5 truyện viết về chiến tranh, trong đó có 3 truyện ký viết theo lời kể của các nhân vật có thật trong đời sống: Về những chiến sĩ quân y chịu nhiều gian khổ phục vụ chiến đấu và về chiến công của bộ đội đặc công. Có hai truyện ngắn không chỉ tái hiện quá khứ chiến tranh, mà nối quá khứ đó với hiện tại để nói về hậu quả của chiến tranh đối với những người lính như “Gió nồng nàn” và “Chuyện ông Chín Hùng”.
Qua tập truyện này, tác giả có tìm tòi cách viết mới và chắc rằng, theo hướng đó tác giả có triển vọng đi dài hơn, xa hơn, vì các truyện trong tập này thể hiện điều đó, tuy chưa có truyện nào thật đặc sắc.
76 Đọc VÀNghĩ
Ngày 10/2/2019
- Phép tính của một nho sĩ
- Tác giả: Trần Vũ
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn
“Phép tính của một nho sĩ” là tập truyện ngắn gồm 9 truyện của tác giả Trần Vũ - sinh năm 1962, sống ở Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 1979, sau đó sang Pháp làm việc và định cư tại Mỹ từ năm 2013.
Trần Vũ viết văn từ cuối những năm 80 thế kỷ XX với tập truyện ngắn “Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu” được Nhà xuất bản Thời Văn (Mỹ) xuất bản năm 1988, sau đó, vào các năm 1993, 1998, 1999, tác giả có một số tập truyện ngắn được in ở nước ngoài. Lần này, theo xu hướng khai thác và chọn lọc các tác phẩm của người Việt Nam xuất bản ở nước ngoài để giới thiệu với độc giả trong nước, Nhà xuất bản Hội Nhà văn phối hợp, liên kết với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã tuyển chọn trong các tác phẩm đã xuất bản ở nước ngoài của Trần Vũ để tập hợp và xuất bản 9 truyện ngắn trong cuốn sách này. Tuy không ghi năm viết từng truyện ngắn, nhưng đối chiếu với những tác phẩm đã xuất bản của Trần Vũ, 9 truyện ngắn này được viết chủ yếu trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến cuối thế kỷ XX, tức là truyện viết gần đây nhất đã cách đây khoảng gần 20 năm.
Đặc điểm chung của 9 truyện ngắn này là tác giả viết theo khuynh hướng khá hiện đại trong nhìn nhận hiện thực và số phận con người, trong cách viết và thủ pháp nghệ thuật, đặc biệt trong lựa chọn điểm nhìn khi đánh giá hiện thực, vì vậy, một số truyện để lại dấu ấn riêng của tác giả.
Có 3 truyện viết về đề tài lịch sử, tái hiện một số nhân vật lịch sử nổi tiếng như Chu Văn An, Trần Thủ Độ, Trần Thiếu Đế và
77 Phần I: Đọc
cuộc sống của người dân ở Huế thời nhà Nguyễn. Với đề tài này, tác giả có một số tìm tòi trong cách khắc họa tính cách các nhân vật, đặt họ trong đời sống với những biến cố lớn và trong đời thường. Những tìm tòi này thể hiện năng lực của người viết, có thể trao đổi về nghề nghiệp và tác giả không rơi vào quan điểm phủ định hay lật ngược lịch sử.
Nếu 3 truyện trên viết về quá khứ xa thì có 2 truyện viết về quá khứ gần, thời chống Pháp và chống Mỹ. Đó là “Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu” và “Phố cổ Hội An”. Ở 2 truyện này, tác giả không có ý định trực tiếp tái hiện những biến cố lớn của thời kỳ lịch sử sôi động, phức tạp này, mà nghiêng hẳn về việc nhìn nhận số phận của những người, những gia đình hình như đứng ngoài cuộc chiến, nhưng sóng gió cuộc đời cũng làm đảo lộn các quan hệ vốn tưởng như là đã định hình (Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu) và tác giả nhìn nhận Hội An với một nhận xét buồn khi khắc họa phố cổ này trong sự tàn lụi (Phố cổ Hội An). Có lẽ, tác phẩm này được viết cách đây vài chục năm?
Có 2 truyện viết về cuộc sống hiện tại (sau chiến tranh), vừa đặt con người trong đời thường, vừa gắn họ với quá khứ (truyện Nhã Nam) và miêu tả người say mê tìm lại nguồn gốc của nước mắm Phú Quốc. Cảm hứng gắn hiện tại với quá khứ chiếm vị trí nổi trội trong các truyện của Trần Vũ.
Khi miêu tả, tái hiện cuộc sống và số phận con người, tác giả quan tâm khai thác các mối tình, kể cả việc ngoại tình. Vấn đề tình dục được miêu tả khá bạo liệt như trong các truyện “Trưa nắng Hàn Ninh” và “Phố cổ Hội An” (các trang 174-175).
Vì tác giả xa nước từ năm 1979 nên khi viết về đề tài lịch sử, tác giả thiếu vốn tư liệu và kết quả nghiên cứu mới nên đã phải tự nhận xét là “chỉ biết qua sách vở” (trang 216). Cũng vì lý do trên,
78 Đọc VÀNghĩ
nên khi nhận xét về hiện tại đất nước, đôi khi tác giả có một vài cảm nhận bi quan, có phần thiếu khách quan như “trải qua bao thăng trầm, sóng gió, đảo điên trên xứ sở này” (trang 159).
Vượt ra ngoài các truyện ngắn của Trần Vũ, có một lời nhận xét trong bài giới thiệu đầu tập sách “nhắc đến thành tựu truyện ngắn đương đại mà không kể đến Trần Vũ là một thiếu sót lớn”. Đó là ý kiến riêng của người giới thiệu, ta không nên đánh giá. Nhưng coi người khác có ý kiến khác là “thiếu sót lớn” thì phải chăng, ý kiến đó cũng lại là một thiếu sót - không lớn mà cũng không nhỏ.
Ngày 4/4/2019
- Hà Nội không vội được đâu
- Tác giả: Lữ Mai
- Nhà xuất bản Văn học
“Hà Nội không vội được đâu” là tập tản văn và truyện ngắn của cây bút nữ trẻ Lữ Mai đã xuất bản lần đầu năm 2014. Tập sách gồm 34 tản văn và 4 truyện ngắn, nhưng dấu ấn riêng của tác giả thể hiện rõ hơn ở các bài tản văn.
Trong 34 tản văn có thể thấy rõ hai dòng cảm xúc chính lôi cuốn tác giả:
Một là, những bài viết về cuộc sống đời thường ở Hà Nội. Tuy là người từ vùng quê ra Hà Nội, tự coi là người “ở trọ” phải làm quen với nhịp sống đô thị, nhưng tác giả thể hiện một sự quan sát tinh tế, am hiểu và yêu mến những cái riêng có của Hà Nội, trong đó đặc biệt quan tâm đến thiên nhiên, nếp sống đặc biệt của người Hà Nội. Lữ Mai không đi vào những vấn đề “to tát” của Thủ đô, mà chăm chú tìm kiếm, phát hiện những vẻ đẹp nho nhỏ mà thú vị và rất đặc trưng của Hà Nội, từ các loại hoa, loại cây đến những biểu hiện