Một số cây bút nổi tiếng trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã rất thành công khi dùng thể ký – chân thật, tin cậy, trữ tình – để dẫn dắt bạn đọc về vùng quê êm ả với “người bạn gái hiền giúp cho ta mộng tưởng”, hay lên núi rừng hoang sơ “suối tự nghìn năm reo nhạc đá người không biết tuổi, tháng ngày trôi”, hoặc xông ra mặt trận nơi đạn lửa chớp sáng ngang trời…
Nhưng chưa mấy ai như tác giả Hàm Châu có khả năng đưa ta “lãng dư” trong thế giới mênh mông của các nhà vật lý ở nhiều châu lục – một thế giới “bí ẩn” đối với những ai chưa sẵn có “hành trang khoa học”. Do hiểu biết vật lý đương đại, lại có mối quen biết thân tình lâu năm với nhiều nhà vật lý lớn ở trong nước và nước ngoài, tác giả mang đến cho ta một cái “nhìn từ bên trong”, chuẩn mực về khoa học, trữ tình về văn phong – điều mà những người viết quen “ăn xổi”, “cưỡi ngựa xem hoa” khó lòng làm nổi.
Tác giả thiên ký sự Đất Việt cuối trời xa dài 250 trang (chưa kể phần phụ lục và 28 tấm ảnh tư liệu có giá trị) là một nhà báo có uy tín, từng nhiều năm giữ trọng trách tổng biên tập, rồi phó chủ tịch hội đồng biên tập một số tờ báo và tạp chí ở trung ương, bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ông đã viết mấy nghìn bài báo, đã in mấy chục đầu sách, đã được tặng Giải Nhất báo chí toàn quốc năm 1982, được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa III. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội từ năm 1972 và nhiều lần được Hội tặng giải thưởng văn học. Không ít tác phẩm của ông đã và đang được đưa vào giảng dạy tại Khoa Báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).