“Sách Dẫn luận về Freud là một chuyên luận sâu sắc về học thuyết Freud bởi một người đồng cảm. Cuốn sách càng ấn tượng hơn nữa với văn phong đơn giản nhưng hết sức quyến rũ”.
(Christopher Brand, University of Edinburgh)
“Một dẫn luận tuyệt vời về các công trình của Freud”.
(G. Owens, Liverpool University)
“Một giải thích sáng tỏ, không thiên lệch, giúp độc giả hiểu đúng về các khía cạnh của học thuyết Freud”.
(D. Roger, University of York)
“Một cuốn sách đáng đọc: tác giả đã thành công khi đưa ra một tổng quan ngắn gọn và trình bày dễ hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Freud… Cách tiếp cận là phê bình xây dựng nhưng trân trọng những thành tựu lớn của Freud”.
(Hans W. Cohn, British Journal of Psychiatry)
***
Phân tâm học (Psychoanalysis) được sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 bởi nhà thần kinh học người Áo Sigmund Freud, đã được đánh giá, mở rộng và phát triển theo nhiều hướng khác nhau, phần lớn nhờ công của một số môn đệ của Freud như Alfred Adler (với tâm lý học cá nhân), Carl Gustav Jung (với tâm lý học phân tích) và sau nữa là những đóng góp từ các nhà phân tâm học mới như Erich Fromm, Karen Horney, Harry Stack Sullivan, Jacques Lacan…
Những luận thuyết cơ bản của phân tâm học bao gồm:
Dưới tầm ảnh hưởng rộng lớn của phân tâm học, đã có hàng chục nhánh lý thuyết nghiên cứu về sự phát triển của tâm trí con người. Phân tâm học cổ điển của Freud là một phương pháp trị liệu đặc thù, mà người được phân tích tâm lý sẽ nói ra các ý nghĩ của mình, qua những liên tưởng tự do, huyễn tưởng và giấc mơ, từ đó nhà trị liệu sẽ rút ra kết luận về những xung đột vô thức là nguồn gốc gây ra các triệu chứng và biểu hiện đặc trưng ở bệnh nhân, rồi diễn giải chúng để có giải pháp cho những vấn nạn tâm lý của họ.
Ngày nay, thuật ngữ “phân tâm học” cùng với tên tuổi của người sáng lập là Sigmund Freud đã trở nên quen thuộc trong nhiều lĩnh vực: tâm lý học, giáo dục học, y học, văn học – nghệ thuật, tôn giáo, đạo đức… 40 năm sau ngày mất của ông, tạp chí Newsweek đánh giá rằng tư tưởng của Freud đã đi sâu vào ý thức của chúng ta đến nỗi “khó mà tưởng tượng được thế kỷ XX lại thiếu ông”. Ông thuộc về số ít những nhà tư tưởng đã làm thay đổi căn bản cái nhìn của chúng ta về chính mình.
Dẫn luận của Anthony Storr sẽ mang lại những hiểu biết mới mẻ và sâu sắc về con người, lý thuyết và ảnh hưởng thực sự của Sigmund Freud trong thế giới ngày nay.
Sigmund Freud sinh ngày 6 tháng 5 năm 1856 tại thị trấn Freiberg ở Moravia, nay là Pribor thuộc Cộng hòa Séc. Mẹ ông là Amalie, người vợ thứ ba của Jacob Freud, một nhà buôn len người Do Thái, bà kém chồng khoảng hai mươi tuổi. Năm 1959, khi Sigmund Freud ba tuổi, gia đình ông chuyển tới Vienna. Trong 79 năm tiếp theo, Freud tiếp tục sống và làm việc ở thành phố này, nơi ông nhiều lần biểu lộ sự không ưa nhưng lại rất ngại rời đi. Năm 1938, ông buộc phải tìm nơi trốn tránh Đức quốc xã, và dành năm cuối của cuộc đời ở Anh. Ông mất ngày 23 tháng 12 năm 1939, chẳng bao lâu sau khi Thế chiến II bùng nổ.
Mẹ của Freud, một người đàn bà sôi nổi, quyến rũ và sống đến 95 tuổi, mới 21 tuổi khi Freud được sinh ra. Bà tiếp tục có thêm bảy người con khác, nhưng chỉ Freud – được bà gọi là “mein goldener Sigi” (nghĩa là “Sigi quý như vàng của mẹ”) – mới giữ được vị thế con cưng. Đây là hoàn cảnh được Freud cho là đã dẫn tới sự tự tin của ông. Freud cũng tin rằng thành công sau này của ông có liên quan trực tiếp đến việc ông là người Do Thái. Dù Freud chưa từng thực sự theo Do Thái giáo và cũng bỏ qua mọi niềm tin tôn giáo, coi là không thực tế, ông lại rất ý thức việc mình là người Do Thái. Ông không có nhiều bạn bè không phải là người Do Thái, thường xuyên tham dự những cuộc gặp gỡ của hội Do Thái tại địa phương, và không nhận tiền tác quyền những cuốn sách ông viết được dịch ra tiếng Yiddish và tiếng Hebrew, hai ngôn ngữ của người Do Thái. Ông quy sự tự chủ về tri thức của mình cho việc mình là người Do Thái, và viết rằng khi lần đầu tiếp xúc với chủ nghĩa bài Do Thái tại Đại học Vienna, sự kiện cộng đồng không chấp nhận ông đã khuyến khích khuynh hướng độc lập phê phán của ông.
Khi còn nhỏ, Freud sớm phát triển về trí tuệ và là một người học tập hết sức chăm chỉ. Trong nhiều năm liên tiếp, Freud đều đứng đầu lớp. Khi rời nhà trường, ông không chỉ có một kiến thức thấu đáo về tiếng Hy Lạp, Latin, Đức, Hebrew, mà đã học tiếng Anh, tiếng Pháp và cũng tự học những kiến thức cơ bản của các ngôn ngữ Tây Ban Nha và Italia. Ông bắt đầu đọc Shakespeare ở tuổi lên tám. Shakespeare và Goethe luôn là những tác giả yêu thích của ông. Từ những năm học đầu tiên, Freud đã là một học sinh nghiêm túc và chuyên tâm, được gia đình và thầy cô kỳ vọng trở thành người ghi dấu ấn trên thế giới, và bản thân ông cũng tin rằng mình được sinh ra để tạo nên một đóng góp quan trọng cho sự hiểu biết. Đời sống gia đình xoay quanh những nghiên cứu của ông. Ông ăn tối tách biệt với gia đình, và khi ông bị quấy rầy bởi âm thanh từ cây piano mà người em gái Anna đang tập chơi, cha mẹ ông đã đưa cây đàn ra khỏi căn hộ.
Mùa thu năm 1873, Freud đăng ký học khoa Y tại Đại học Vienna, và mãi đến ngày 30 tháng 3 năm 1881 mới tốt nghiệp. Mối quan tâm ban đầu của ông là nghiên cứu động vật học. Từ năm 1876 đến 1882, ông làm việc tại Viện Sinh lý học của Ernst Brücke, một chuyên gia được ông ngưỡng mộ và đã có ảnh hưởng đáng kể lên cung cách tư duy của ông. Brücke và các đồng nghiệp chuyên tâm hướng tới một ý tưởng khi đó chưa được chấp nhận rộng rãi, đó là mọi tiến trình của sự sống rốt ráo đều có thể được giải thích bằng vật lý và hóa học, qua đó loại trừ những khái niệm tôn giáo khỏi sinh học. Trong suốt cuộc đời, Freud luôn là người theo thuyết tất định, tin rằng mọi hiện tượng của sự sống, kể cả những hiện tượng như ý nghĩ, cảm giác và tưởng tượng đều được quyết định một cách cứng nhắc bởi nguyên lý nhân quả.
Freud hành nghề y khoa một cách miễn cưỡng, và chỉ mãn nguyện với việc dành cả cuộc đời cho hoạt động nghiên cứu. Nhưng vào năm 1882, ông đính hôn với Martha Bernays. Nếu vẫn làm việc ở phòng thí nghiệm của Brücke, ông sẽ không kiếm đủ tiền để nuôi gia đình, nên Freud miễn cưỡng rời bỏ sự nghiệp nghiên cứu, và dành ba năm tiếp theo tích lũy kinh nghiệm y khoa tại Bệnh viện đa khoa Vienna, sẵn sàng dấn thân vào y khoa. Năm 1885, ông được chỉ định làm giảng viên bệnh học thần kinh tại Đại học Vienna. Từ tháng 10/1885 đến tháng 2/1886, ông làm việc tại Bệnh viện Salpêtrière ở Paris dưới sự chỉ đạo của nhà tâm thần học vĩ đại Charcot, người với học thuyết về rối loạn phân ly (hysteria) đã đánh thức nơi ông sự quan tâm đến các vấn đề liên quan đến chứng nhiễu tâm (loạn thần kinh chức năng), nhằm phân biệt với những bệnh thực thể của hệ thần kinh. Tháng 4/1886, Freud mở phòng khám tư tại Vienna, và ngày 13 tháng 8 năm ấy, ông cưới Martha Bernays.
Đứa con đầu lòng của họ, Mathilde, sinh ra tháng 10/1887. Thêm năm đứa trẻ khác ra đời, con gái út là Anna Freud, sinh năm 1895, người con duy nhất của Freud sau này trở thành nhà phân tâm học. Vợ ông, Martha, hài lòng với việc dành trọn bản thân cho hạnh phúc của chồng và sáu đứa con trong suốt đời sống hôn nhân dài và bình lặng của họ. Từ những lá thư, chúng ta biết rằng đời sống tình dục của họ tụt dốc khá sớm, nhưng cuộc sống gia đình vẫn hòa hợp. Sau khi ông mất, bà đã viết cho một người bạn.
Thật khó khăn khủng khiếp khi không có ông ấy, khi tiếp tục sống mà không có sự nhân hậu và sáng suốt như vậy bên mình. Nhưng có một điều dễ chịu nhỏ, tôi biết rằng trong 53 năm đời sống hôn nhân, đã không có một từ ngữ giận dữ nào thốt ra giữa hai chúng tôi, và tôi luôn bằng mọi cách có thể để con đường của ông không bị chướng ngại bởi những khổ sở của đời sống thường ngày.
Từ giữa những năm 1890 trở về sau, cuộc sống của Freud trở thành lịch sử phát triển phân tâm học. Những nghiên cứu về rối loạn phân ly, được ông viết cùng Josef Breuer, đã xuất hiện năm 1895. Nếu xem xét ảnh hưởng của Freud lên tư tưởng đương đại, và nếu biết rằng những đóng góp của ông cho phân tâm học là lớn đến nỗi bộ Toàn tập