Đài Loan là một hòn đảo nằm ở phía đông nam Trung Quốc, với tổng diện tích 36 nghìn km2, dân số khoảng 23 triệu người, cùng với Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông được mệnh danh là bốn con rồng châu Á. Tiến trình hóa rồng của Đài Loan phải đi trên một chặng đường dài gian nan, gắn liền với đó là diễn biến chính trị đầy kịch tính, hấp dẫn nhiều học giả quan tâm nghiên cứu. Giáo sư Hoàng Gia Thụ, một chuyên gia về vấn đề Đài Loan, đã dành trọn năm năm biên soạn nên cuốn sách này. Với ngòi bút khách quan, khoa học, ông đã tái hiện một bức tranh toàn cảnh về Tiến trình hóa rồng của Đài Loan trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1988, dưới thời kỳ cầm quyền của một vương triều – “Vương triều Tưởng”.
Từ sau khi Tuyên bố Cairo được ký kết vào ngày 1 tháng 12 năm 1943, phần lãnh thổ của Trung Quốc do Nhật chiếm giữ như Mãn Châu, Đài Loàn, Bành Hồ… được trao trả về cho Trung Quốc. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, từ đây Đài Loan chính thức chịu sự tiếp quản của Quốc dân đảng, thế nhưng Quốc dâng đảng chuyển từ tiếp thu sang “cướp thu”, gây nên bao nỗi bất mãn cho người dân gốc Đài Loan mà đỉnh điểm là cuộc khởi nghĩa “28 tháng 2”. Để trấn an đồng bào Đài Loan, Quốc dân đảng nêu ra phương châm cai trị: “Mưu cầu phồn vinh trong yên ổn”, Tưởng Giới Thạch đưa Ngụy Đạo Minh lên làm Chủ tịch tỉnh Đài Loan, hàng loạt biện pháp cải cách được đưa ra, từ chính sách giá lương thực hạ cho đến cải cách tiền tệ, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, chủ yếu là tư bản Mỹ.
Đài Loan nằm trên tuyến đường giao thông quan trọng của khu vực Đông Á, các tập đoàn tài phiệt Mỹ đầu tư một lượng tiền lớn vào Đài Loan và đi theo đó là được hưởng những lợi ích đặc biệt, nên những nhà tài phiệt này luôn gây sức ép đối với Chính phủ Mỹ, phản đối việc Mỹ bỏ rơi chính quyền Quốc dân đảng. Mỹ giương ô bảo hộ Đài Loan, đây cũng chính là ước mơ tha thiết của Tưởng Giới Thạch, thế nhưng đồng thời với việc giương ô che chở, phía Mỹ đưa ra hai điều kiện kèm theo khiến cho nhà cầm quyền Đài Loan ngậm đắng nuốt cay trả giá cho sự “bảo hộ” đó: điều kiện thứ nhất là “Thuyết địa vị Đài Loan chưa xác định”, chỉ có như vậy Mỹ mới có thể danh ngôn chính thuận phái hạm đội 7 vào eo biển Đài Loan với tính chất không can thiệp vào nội bộ Trung Quốc. Điều kiện kèm theo thứ hai là yêu cầu Đài Loan thừa nhận “trung lập hóa Đài Loan”. Nghĩa là một mặt ngăn cản Trung Quốc dùng vũ lực ở eo biển Đài Loan, mặt khác cũng yêu cầu Đài Loan chấm dứt tập kích Đại Lục, điều này chẳng khác nào đánh cắp giấc mơ “phản công Đại Lục” của cha con Tưởng.
Trong bối cảnh chính trị rối ren, nền kinh tế Đài Loan vẫn có bước chuyển biến to lớn là một phần nhờ vào sự viện trợ ồ ạt của Mỹ, nhưng quan trọng hơn cả chính là hàng loạt cải cách mà Quốc dân đảng và cha con Tưởng Giới Thạch thi hành. Đầu tiên phải nói đến chính là “Cải cách ruộng đất”, chính quyền áp dụng phương thức “phóng lĩnh đất công” về cơ bản giải quyết được vấn đề “người cày có ruộng”, cải thiện đời sống của đại đa số người nông dân, xúc tiến nông nghiệp phát triển, tạo nền móng cho chấn hưng công nghiệp. Tiếp đến là nâng đỡ công thương nghiệp tự doanh, trong đó ngành dệt chiếm địa vị trụ cột, rồi đến chế độ phân phối định mức lương thực, chế độ tiền gửi dự trữ lãi suất ưu đãi khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân chuyển sang kinh doanh kiếm lợi bằng tài sản tiền tệ, dẫn đến tiền gửi định kỳ ở ngân hàng tăng mạnh, như vậy vừa giảm nhẹ áp lực thị trường, vừa tích lũy mở rộng tái sản xuất. Thông qua hàng loạt biện pháp này, cộng thêm viện trợ từ Mỹ lên đến hàng trăm triệu đô-la, cải cách ruộng đất lại kích thích nông nghiệp và các ngành công nghiệp nhẹ liên quan như dệt, phân bón hóa học, máy nông nghiệp… phát triển, làm cho nền kinh tế Đài Loan khôi phục toàn diện, tình trạng lạm phát cơ bản được xóa bỏ. Từ năm 1961 đến 1972, kinh tế Đài Loan phát triển ổn định ở mức cao, giai đoạn này được gọi là “thời đại hoàng kim” của phát triển tư bản tư doanh, làm nên cái gọi là “Thần kỳ Đài Loan”.
Cùng với việc cải cách kinh tế là công cuộc “cải tạo” chính trị. Từ hoàn thiện ba hệ thống lớn cho đến dần giảm bớt các lệnh cấm hà khắc trong thời chiến như cấm đảng, cấm báo, cấm sách; hủy bỏ thể chế giới nghiêm, trẻ hóa bộ máy lãnh đạo đảng; phá bỏ hàng rào gốc gác, quán triệt phương châm “bản thổ hóa” nhằm mở rộng đề bạt nhân sĩ gốc Đài Loan tham gia chính trị. Đài Loan dưới thời Tưởng Kinh Quốc đã có những chuyển biến vô cùng tích cực, “bánh xe đổi mới” bắt đầu chuyển động trên con đường “dân chủ hóa”. Thế lực Ngoài Đảng chính thức đột phá lãnh địa cấm Đảng đã tồn tại hơn 30 năm, buộc Quốc dân đảng phải thừa nhận đảng đối lập và tổ chức hội nghị “bắt tay” với giới nhân sĩ Đài Loan, khiến cho Đài Loan từ thế chính trị một Đảng lũng đoạn tiến tới đa nguyên cạnh tranh nhiều chính Đảng. Có thể nói hai năm cuối “Vương triều Tưởng”, tình hình chính trị Đài Loan xảy ra hàng loạt biến đổi, từ hủy bỏ giới nghiêm, Đảng đối lập được hợp pháp hóa, quan hệ giữa hai bờ eo biển ấm dần lên, vấn đề “Tam thông” (tức thông đường hàng không, đường biển; thông đường bưu điện, thư từ; thông thương buôn bán); “Tứ lưu” (tức thăm viếng người thân; trao đổi về du lịch; trao đổi học thuật và trao đổi văn hóa thể dục thể thao) về cơ bản đã đột phá được phương châm “ba không” – “không tiếp xúc, không đàm phán, không thỏa hiệp” của nhà cầm quyền Đài Loan. Vậy nên năm 1987- 1988, là dấu mốc lịch sử chính trị Đài Loan lật sang một trang mới; lịch sử Quốc dân đảng cũng đang lật sang một trang mới.
Đài Loan – Tiến trình hóa rồng là một bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế – chính trị – xã hội Đài Loan giai đoạn 1945-1988, hy vọng cuốn sách này sẽ mang lại cho độc giả Việt Nam một góc nhìn chân thực về lịch sử hòn đảo xinh đẹp – một trong bốn con rồng của châu Á.