Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Mông Nguyên Thế Kỷ XIII – Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử]

Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Mông Nguyên Thế Kỷ XIII – Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử]

Tác giả:
Thể Loại: Lịch Sử - Chính Trị
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn
EPUBPDFĐỌC ONLINE

Việt Nam thế kỷ XIII: Chính quyền phong kiến Việt Nam bấy giờ là một chính quyền tập trung chứ không phải là phân tán như nhiều quốc gia châu Âu. Nó cũng không giống với chính quyền tập trung đang ngắc ngoải của Nam Tống. Sau khi chấm dứt được tình trạng hỗn chiến cát cứ cuối thời kỳ Lý, vương triều Trần đã xây dựng được một chính quyền tập trung mạnh mẽ. Đời sống của nhân dân được ổn định, mức sản xuất phát triển. Vào lúc Đế quốc Mông Cổ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, mâu thuẫn giữa giai cấp phong kiến Đại Việt và nông dân còn được hòa hoãn, chưa phải đã phát triển đến mức độ gay gắt. Đứng trước cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, giai cấp phong kiến Đại Việt đã đoàn kết được toàn dân đứng dậy kháng chiến cứu nước

***
CHƯƠNG MỞ ĐẦU: VỀ CÁC NGUỒN SỬ LIỆU
“Đến nay dân bốn biển
Nhớ mãi năm bắt thù” ( )
Phạm Sư Mạnh
Trong những bản thảo bộ Jami al – Tawàrìkh (Tập sử biên niên) viết bằng chữ Ba Tư của nhà sử học nổi tiếng thế kỷ XIII Ra Sit Ut – Đin (Fazl Alah Radsidud Din, 1247-1318), người ta đọc được những dòng sau đây về một nước Kiafca xa xôi:
“Nước đó có những vùng khó đi lại và nhiều rừng cây, giáp với Karajan ( ), một phần giáp Hindostan và biển.Ở đó có hai thành thị là Lujek(?) và jesam(?). Nước đó có quốc vương riêng, không thần phục hãn (vua Mông Cổ – T.G.) Tugan ( ) con trai của hãn, chỉ huy đội quân của Lukin Fu ( ) để bảo vệ miền Manzi cũng như để ngăn ngừa và chống lại những ai không khuất phục. Một lần, Tugan đem quân vào nước đó, chiếm lấy các thành thị ven biển và thống trị ỏ đấy trong một tuần lễ. Nhưng bỗng nhiên từ biển, từ rừng, từ núi, xuất hiện những đội quân nước đó đánh tan đạo quân của Tugan đang lo cướp bóc. Tugan trốn thoát và lại trở về đóng ở Lukin-fu”
Kifaca, có bản chép là Kiefce – Kue, chính là phiên âm tên Giao Chỉ hay Giao Chỉ quốc. Mặc dầu quá đơn giản và có chỗ sai lầm, nhà sử học Ba Tư đã nói đến cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống quân Nguyên vào thế kỷ XIII. Cuộc chiến đấu anh dũng và thần kỳ diễn ra khắp đất nước, “từ biển, từ rừng, từ núi”, đã đánh tan bọn xâm lược Thoát Hoan (Tô-gan) hung hãn. Hẳn chiến thắng oanh tiệt của Đại Việt (quốc hiệu Việt Nam bấy giờ) đã có tiếng vang lớn nên Ra Sít Ut – Đin, nhà sử học Thành Ha Ma Đan (Hamadhan) ở tận phía tây của châu Á mới chép vào bộ sử của mình những dòng trên.
Điều đáng tiếc là những dòng như vậy thật quá ít trong các sử liệu thế kỷ XIII của đế quốc Mông Cổ. Muốn nghiên cứu cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam thế kỷ XIII, phải dựa vào hai nguồn sử liệu chủ yếu: sử liệu Việt Nam và sử liệu Trung Quốc. Nhưng cả hai nguồn sử liệu này đều kém phong phú.
Bộ Trung hưng thực lục đời Trần chép các chiến công chống Nguyên nay không còn nữa ( ). Các sách binh pháp của nhà quân sự thiên tài Trần Quốc Tuấn như Binh thư yếu lược ( ), Vạn Kiếp tông bí truyền thư đã mất. Quyển Binh thư yếu lược hiện có chỉ là một quyển sách giả do người đời sau soạn. Ngay bộ Đại Việt sử ký tục biên do nhà sử học Phan Phu Tiên soạn năm 1445 chép tiếp Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu giai đoạn đầu từ đầu Trần đến Lê Lợi khởi nghĩa cũng không tìm thấy. Hiện nay, chúng ta chỉ còn đọc được những sử liệu về cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thế kỷ XIII trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư của nhà sử học Ngô Sĩ Liên soạn năm 1479. Chúng ta có thể tin chắc là khi chép về giai đoạn lịch sử này Ngô Sĩ Liên còn có trong tay những sử liệu đời Trần và bộ sử của Phan Phu Tiên. Vì thế, những điều ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư thật đáng quý. Tuy nhiên những tài liệu về cuộc kháng chiến chống Nguyên trong Toàn thư quá sơ sài ít ỏi, nếu chỉ dựa vào đấy thì thật là khó khăn trong việc khôi phục những trang sử vẻ vang của dân tộc thế kỷ XIII. Đấy là chưa kể ở nhiều chỗ Ngô Sĩ Liên đã lầm lẫn như chép rằng thuyền lương của Trương Văn Hổ bị đắm trong trận Bạch Đằng, Nguyễn Khoái bắt được Áo Lỗ Xích (Ayuruyci) hay Thoát Hoan (Toyan) cũng bị ta bắt ( )… Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán đời Nguyễn (hoàn thành năm 1859, hiệu đính năm 1871 – 1878, in năm 1884) đã tham khảo các tài liệu Trung Quốc như Nguyên sử, Nguyên sử loại biên, Thông giám tập lãm để đính chính những sai lầm trên của Toàn thư. Nhưng do thiếu thận trọng trong khi tham khảo tài liệu Trung Quốc, Khâm định Việt sử thông giám cương mục lại mắc những sai lầm khác. Chẳng hạn Cương mục đã chép trận Vân Đồn xảy ra vào tháng giêng, năm Trùng Hưng thứ 4 (3 tháng 2 – 3 tháng 3 năm 1288) lúc Ô Mã Nhi (Omar) đem thuyển đi đón Trương Văn Hổ, kỳ thực thì trận Vân Đồn xảy ra vào tháng 12 năm Trùng Hưng thứ 3 (5 tháng 1 – 2 tháng 2 năm 1288), lúc thủy quân Nguyên tiến vào đất nước chúng ta ( ). Sai lầm đó của Cương mục dẫn tới sai lầm của nhiều tác phẩm hiện nay viết về vấn đề này. Những sử liệu mới rút ra từ sách Trung Quốc do Cương mục bổ sung cũng không được bao nhiêu. Nếu chúng ta có trong tay các thư tịch Trung Quốc và Đại Việt sử ký toàn thư thì có thể không cần dùng đến Cương mục, một bộ sử xuất hiện muộn, để nghiên cứu cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thế kỷ XIII. Trong khi viết quyển sách này, chúng tôi lấy tài liệu ở Toàn thư mà không dựa vào Cương mục, trừ những chỗ cần so sánh.
Hiện nay ở Thư viện Khoa học Trung ương còn có một số sách chép tay bằng chữ Hán có liên quan đến cuộc kháng chiến chống Nguyên như Trần Đại vương bình Nguyên thực lục, Vạn yên thực lục, Trần triều thế phả hành trạng, Trần gia điển tích thống biên,… Những sách này đểu là được biên soạn về sau, phần lớn là đời Nguyễn, không có giá trị gì mấy, thường là chép lại các tài liệu ở chính sử, hoặc thêm thắt bằng truyền thuyết. Do đó chúng tôi rất ít dùng loại tài liệu này.
Hiện nay chúng tôi cố tìm các bi ký thời Trần để bổ sung cho nguồn sử liệu Việt Nam nghèo nàn về cuộc kháng chiến oanh liệt này. Nhưng việc tìm kiếm đó chưa có kết quả mấy. Bia công chúa Phụng Dương (vợ Trần Quang Khải) do Lê Củng Viên soạn năm 1293 có những chi tiết liên quan đến việc rút lui của vương triều Trần khỏi Thăng Long năm 1285 ( ). Chúng tôi cũng đọc được ở bài minh khắc trên quả chuông Thông Thánh quán Bạch Hạc năm 1321 những sử liệu về cuộc chiến đấu của Trần Nhật Duật ở Tuyên Quang trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (quả chuông này do chính Trần Nhật Duật coi việc đúc). ( )
Một tác phẩm quan trọng mà chúng tôi đã sử dụng là An Nam chí lược của Lê Trắc. Lê Trắc là môn khách của Chương Hiến hầu Trần Kiện, đã cùng chủ đầu hàng quân Nguyên năm 1285. Y soạn bộ sách này ở Trung Quốc vào những năm đầu thế kỷ XIV( ). Với một lập trường rất phản động, Lê Trắc đã để cao kẻ thù, bôi nhọ những trang sử vẻ vang của dân tộc. Về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, Lê Trắc luôn luôn chép kẻ địch thắng, nhưng mặc dầu vậy, y vẫn không che giấu nổi những thất bại nhục nhã của bọn cướp nước và bán nước. Vì đây là tài liệu của một kẻ hàng giặc nên phải vô cùng thận trọng khi sử dụng. Tuy vậy, An Nam chí lược vẫn là một tài liệu rất cần thiết đối với việc nghiên cứu cuộc kháng chiến chống Nguyên. Trong sách này, Lê Trắc đã chép được những thư từ qua lại giữa vua Trần và vua Nguyên cũng như thư của các sứ thần, quan lại (q.2 Đại Nguyên chiếu chế, q.5, Đại Nguyên chư thần vãng phục thư vấn, q.6 Biểu chương). Đấy là những tài liệu quan trọng để nghiên cứu quan hệ ngoại giao Việt – Nguyên trong giai đoạn đó. Những sứ bộ ngoại giao được chép trong quyển 3 Đại Nguyên phụng sứ và quyển 14 Trần Thị khiển sứ. Chúng ta còn có thể khai thác tài liệu về diễn biến các trận trong quyển 4 Chinh thảo vận hướng. Lê Trắc đã chép các sự kiện với ngày tháng rõ ràng, điều đó giúp chúng ta có thể đối chiếu với các tài liệu khác mà khôi phục được quá trình diễn biến các sự kiện theo trình tự thời gian. Những tiểu truyện, thơ văn của bọn hàng giặc và ngay cả bài Tự sự của Lê Trắc cũng cho chúng ta thấy được tinh thần khiếp nhược, tâm trạng hoang mang của những tên bán nước và sức chiến đấu mãnh liệt của quân dân ta. Chính vì thế, chứng tôi đã sử dụng An Nam chí lược, coi nó là một tài liệu cần thiết trong việc nghiên cứu cuộc kháng chiến chống Nguyên. Tất nhiên chúng tôi không tìm ở đây những trang tràn đầy tinh thần dân tộc như dưới ngòi bút của Ngô Sĩ Liên mà phải tìm lại hình ảnh cuộc chiến đấu của dân tộc qua bức màn đen của Lê Trắc. Những hình ảnh đó có chỗ vẫn hiện lên rõ nét và sinh động. Đó là điều Lê Trắc không muốn và không ngờ tới.
Nếu việc sử dụng An Nam chí lược gặp khó khăn do sự xuyên tạc của Lê Trắc thì việc sử dụng các thư tịch cũ của Trung Quốc có liên quan đến vấn đề này cũng như vậy.
Chính sử Trung Quốc xưa nhất có chép đến vấn đề này là Nguyên sử ( ). Nguyên sử được biên soạn đầu đời Minh, do Tống Liêm, Vương Vĩ và một số người khác (bài biểu dâng Nguyên sử của Lý Thiện Trường đề năm 1369). Các tác giả đã dựa vào các sử liệu thư tịch đời Nguyên còn lại ở Bắc Kinh để viết bộ sử này. Chúng ta có thể tìm thấy những sử liệu quan trọng liên quan đến cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông rải rác trong phần Bản kỷ Hiến Tông và Thế Tổ, trong một số truyện những viên tướng hay sứ giả ở phần Liệt truyện và tập trung ở An Nam truyện (q.209) và Chiêm Thành truyện (q.210) ( ). Điều đáng chú ý là các tác giả tuy là sử gia đời Minh nhưng khi viết Nguyên sử họ vẫn đứng trên lập trường phong kiến nhà Nguyên. Đứng về mặt phương pháp biên soạn mà nói, Nguyên sử là bộ sử kém nhất, chứa đựng nhiều điều sai lầm và hỗn loạn nhất trong 24 bộ sử Trung Quốc. Một số người nghiên cứu lịch sử sử học Trung Quốc đã cho rằng sở dĩ như vậy là tuy các tác giả có sử dụng các tài liệu đời Nguyên nhưng họ đều không hiểu tiếng Mông Cổ và phải soạn gấp trong một thời gian quá ngắn chưa đầy một năm theo lệnh Minh Thái Tổ. ( )
Chính vì thế mà nhiều sử gia về sau đã cố gắng bổ sung Nguyên sử. Đời Minh đã xuất hiện Nguyên sử tục biên của Hồ Tuý Trung, Nguyên sử bị vong lục của Vương Quang Lỗ, Nguyên sử kỷ sự bản mạt của Trần Bang Chiêm. Đến đời Thanh càng nhiều sử gia viết lại sử Nguyên như Thiệu Viễn Bình viết Nguyên sử loại biên (còn gọi là Tục Hoằng giản lục), Tiên Đại Hân viết Bổ Nguyên sử thị tộc biểu, Bổ Nguyên sử nghệ văn chí, Nguyên sử thập di… Uông Huy Tổ viết Nguyên sử bản chứng, Nguỵ Nguyên viết Nguyên sử tân biên, Hồng Quân viết Nguyên sử dịch văn chứng bổ, Đồ Kỳ viết Mông Ngột Nhi sử, Kha Thiệu Mân viết Tân Nguyên sử… Các sử gia trên đã tìm tòi thêm nhiều tài liệu Trung Quốc và nước ngoài để bổ sung cho lịch sử triều Nguyên ở Trung Quốc hoặc lịch sử đế quốc Mông Cổ nói chung. Nhưng đối với phần có liên quan đến Việt Nam thế kỷ XIII thì họ tìm được rất ít tài liệu mới, phần lớn là chép lại Nguyên sử. Vì thế đối với loại tài liệu này chúng tôi ít dẫn dụng, trừ những điều không chép trong Nguyên sử. Ngay đối với nhũng điều đó, chúng tôi cũng chỉ dùng sau khi đã phân tích hay đối chiếu với các tài liệu khác vì lý do là các quyển sử trên được biên soạn muộn về sau ( ).
Trong khi đó, chúng tôi chú trọng hơn đến các tài liệu khác tuy không phải là chính sử nhưng được biên soạn vào đời Nguyên. Một tác phẩm quan trọng là Hoàng triều kinh thế đại điển do Triệu Thế Diên và Ngu Tập soạn năm 1330-1331 dưới sự giám sát của viên quan Mông Cổ, Đác Khan Khác Kha Xun (Darqan Qarqasun). Đáng tiếc là bộ sách đã mất, nay chỉ còn lại vài phần trong bộ Vĩnh Lạc đại điển. Những sử liệu liên quan đến Việt Nam ở đây chỉ còn có đôi điều. May mắn là bài tựa, hay nói đúng hơn là đề cương chi tiết của bộ sách đó, với cái tên Kinh thế đại điển tự lục đã được một tác gia đời Nguyên là Tô Thiên Tước (1294-1352) chép lại trong bộ văn tuyển Quốc triều văn loại (còn gọi là Nguyên văn loại) của ông. Trong mục Chinh phạt của Kinh thế đại điển tự lục có các đoạn An Nam và Chiêm Thành. Đoạn An Nam tuy sơ lược nhưng bổ sung thêm một số tài liệu về cuộc kháng chiến chống Nguyên của nhân dân Việt không có trong Nguyên sử. Đoạn Chiêm Thành có nhiều tài liệu tốt, đặc biệt là chép rõ ngày tháng quá trình diễn biến cuộc kháng chiến của nhân dân Chàm, bổ sung được nhiều điểm cho Nguyên sử Chiêm Thành truyện.
Các sách do sứ Nguyên đã đến Việt Nam soạn là những tài liệu tốt để nghiên cứu tình hình Việt Nam và quan hệ ngoại giao lúc bấy giờ. Trong số các tác phẩm đó, chứng ta phải kể đến Thiên Nam hành ký (hay An Nam hành ký) của Từ Minh Thiện( ). Từ Minh Thiện đến Thăng Long năm 1289. Trong Thiên Nam hành ký, Từ Minh Thiện đã chép được một số thư từ trao đổi giữa vua Việt và vua Nguyên mà An Nam chí lược chép không đầy đủ hay không chép. Một tài liệu quý nữa là Trần Cương – trung thi tập của Trần Phu. Trần Phu đi sứ năm 1291, đến Việt Nam năm 1292( ). Tất cả những bài thơ viết về Việt Nam đều được chép trong Giao châu cảo tức tập 2 của Trần Cương -Trung thi ( ). Trong tập thơ đó có những bài có chú thích cẩn thận (như bài An Nam tức sự) là những tài liệu hiếm dùng để nghiên cứu kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XIII, một số bài khác nói lên sự hoảng sợ lo lắng của bọn sứ Nguyên ở Việt Nam (như bài Giao châu sứ hoàn cảm sự), một số bài có thể dùng làm tài liệu để xét một số địa danh hay ngày tháng (như bài Tư Minh cháu nguyên nhật, bài Ngày mồng 3 tháng 2 trú ở trạm Khâu Ôn thấy trăng mới giữa trời…). Cuối Trần Cương Trung thi tập còn có một phần phụ lục Nguyên phụng sứ dữ An Nam quốc vãng phục thư chép lại 8 bức thư trao đổi giữa Lương Tằng, Trần Phu và vua Trần Nhân Tông.
Ngoài những thư tịch trên, chúng tôi đặc biệt chú ý đến các bi ký soạn đòi Nguyên có liên quan đến vấn đề đang nghiên cứu. Một số bi ký đà được các tác giả đưa vào trong các tập văn thơ của mình. Trước hết chúng tôi muốn nói đến Mục Am tập của Diêu Toại (1238-1314). Chúng ta có thể đọc. trong đó những bi ký do ông soạn về những nhân vật có liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam như mộ chí Trương Đình Trân, tên sứ giả đến Việt Nam năm 1269, miếu bi Lý Hằng, tên tướng đánh Việt Nam năm 1285, bia A Lý Hải Nha (Ariq – Qaya), tên tướng chỉ huy đội quân xâm lược Việt Nam năm 1285… Một số bi ký khác như Dĩnh châu vạn hộ Đê công thần đạo bi (Diêu Toại soạn năm 1304) cũng có những sử liệu về việc quân Nguyên chuẩn bị xâm lược Chiêm Thành và Việt Nam( ).
Tô Thiên Tước (1294 – 1352) khi soạn quyển Nguyên triều danh thần sự lược cũng đã dựa vào nhiều bi ký của các tác giả đương thời. Trong Nguyên triều danh thần sự lược, ngoài những tài liệu liên quan đến vấn đề đang nghiên cứu, chúng ta còn có thể đọc được một số bi ký khác như bài miếu bi A Truật (Aju), viên tướng đã đánh vào Việt Nam năm 1258, do Vương Vận (chết năm 1304) tác giả Thu giản văn tập soạn, và bài bia nói về viên quan Mông Cổ là Khác Kha Xun (Qarqasun) do Lưu Mẫn Trung (1242 – 1318) soạn. Trong bài bia Khác Kha Xun có những sử liệu liên quan đến âm mưu xâm lược Việt Nam của bọn phong kiến Nguyên sau năm 1288.
Trong Từ Khê văn cảo của Tô Thiên Tước có bài bia Cô thừa sự lang Tương Sơn huyện doãn Lý hầu mộ bi do chính Tô Thiên Tước soạn, chép về Lý Thiên Hựu, viên quan đi theo thuỷ quân Nguyên vào Việt Nam năm 1288, bị ta bắt ở trận Bạch Đằng nhưng sau đó trốn thoát được. Trong bài bia đó có những sử liệu liên quan đến các trận Tháp Sơn (Đồ Sơn), Bạch Đằng.
Tài liệu tìm được trong các bi ký đời Nguyên tuy không phải là phong phú lắm nhưng chúng tôi cố gắng khai thác vì chúng được chép vào thời gian gần cuộc kháng chiến chống Nguyên hơn là Nguyên sử. Có những bi ký tuy không thêm được điều gì mới nhưng có thể dùng nó để xác minh những điểu chép trong các sách khác. Ví dụ theo Nguyên sử Tín Thư Nhật truyện thì tên vua nước Đại Lý (Vân Nam) Đoàn Hưng Trí sau khi đầu hàng quân Mông Cổ đã đem hai vạn quân người Thoán Bặc Vân Nam đưa quân Mông Cổ tiến vào Việt Nam năm 1258. Điều này được chứng thực trong bài bia chùa Đại Sùng Thánh ỏ Vân Nam do Lý Nguyên Đạo soạn năm 1325, bia này do viên tổng quản Vân Nam là Đoàn Long (thay Tín Thư Long), cháu Đoàn Hưng Trí dựng ( ).
Trên đây là những nguồn sử liệu chủ yếu mà chúng tôi dựa vào để nghiên cứu cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam thế kỷ XIII. Việc sử dụng các tài liệu đó không phải là dễ dàng vì nhiều chỗ mâu thuẫn với nhau và có những sai lầm cần phân tích phê phán. Điều khó khăn lớn là nguồn tài liệu Việt Nam quá ít, vì thế chúng tôi khó mà trình bày các cuộc hành quân, các trận đánh… của quân dân ta một cách cụ thể. Dầu hết sức cố gắng, chúng tôi biết rằng tập sách này vẫn còn nhiều thiếu sót vì trình độ của các tác giả và vì tài liệu chưa thu thập được đầy đủ.
****
Khi sử dụng các nguồn tài liệu Việt Nam và Trung Quốc nói trên, chúng tôi gặp rất nhiều tên nhân vật Mông Cổ và các dân tộc khác như người A-rập, người Ui-gua (Uigur), người Khíp Trắc (Qỹbcak), người Khang Lư (Qangli)… cũng như tên người Hồi giáo, Cơ Đốc giáo… Những người này có liên quan đến cuộc chiến tranh (hay ngoại giao) ỏ Việt Nam thế kỷ XIII. Các tác phẩm nghiên cứu về cuộc kháng chiến này trước đây thường chép tên người theo cách phiên âm Trung Quốc (đọc bằng âm Hán Việt) như Ngột Lương Hợp Thai, A Lý Hải Nha, Bột La Hợp Đáp Nhi,… Chúng tôi cho rằng cách phiên âm đó dễ gây lầm lần vì trong thư tịch cũ của Trung Quốc, một nhân vật Mông Cổ hay tộc khác được phiên âm bằng nhiều tên khác nhau. Chẳng hạn như Nguyên sử chép là Ngột Lương Hợp Thai, Ngột Lương Cáp Thai, Toàn thư chép là Ngột Lương Hợp Đải, An Nam chí lược chép là Ngột Lương Cáp Đải, Thông giám tập lãm chép là Ô Đặc Lý Cáp Đạt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn lại chép là Cốt Đải Ngột Lang… Ngay trong Nguyên sử, A Lý Hải Nha còn được chép là A Lạt Hải Nha, A Lỗ Hải Nha, A Lễ Hải Nha…, còn bi ký của Diêu Toại chép là A Lực Hải Nha. Nguyên sử cũng chép Bột La Hợp Đáp Nhi là Bột Lỗ Hợp Đáp Nhi, trong khi An Nam chí lược lại chép nhầm thành Lý La Hợp Đáp Nhi, Sách La Cáp Đáp Nhi,… Cách phiên âm đời Nguyên, Minh đã hỗn loạn, đến đời Thanh lại càng hỗn loạn hơn. Theo lệnh của Càn Long, năm 1781, một ủy ban được thành lập để soạn quyển Liêu Kim Nguyên tam sử ngữ giải, đem đổi tất cả những tên phiên âm vốn có trong Liêu sử, Kim sử và Nguyên sử thành những tên phiên âm mới.. Vì không hiểu quy luật phiên âm đời Nguyên Minh, các tác giả quyển sách đó đã thay đổi một cách tùy tiện và sai lầm. Ngột Lương Hợp Thai lại được đổi thành Ô Lan Cáp Đạt, A Lý Hải Nha đổi thành A Nhĩ Cáp Nhã,… Các bản in Nguyên sử hay các thư tịch khác nói trên vào sau đòi Càn Long thường bị sửa lại theo cách phiên âm mới (bộ Nguyên sử mà Khâm định Việt sử thông giám cương mục tham khảo cũng là bộ sách đã bị chữa theo cách phiên âm đời Thanh). Một số bộ sử soạn đồi Thanh như Tục tư trị thông giám của Tất Nguyên cũng theo cách phiên âm này. Do đó, việc phiên âm ngày càng gây ra nhiều lầm lẫn. Khi đọc những tài liệu trên, chúng ta có thể lầm một người thành hai hoặc nhiều người khác nhau. Chẳng hạn ông Hoàng Thúc Trâm trong Trần Hưng Đạo (Sài Gòn, 1950) ở trang 67, đã nói về A Truật, lại nói về một người khác là A Châu, kỳ thực A Châu chỉ là tên phiên âm đời Càn Long của A Truật (Aju).
Chúng tôi thấy rằng nếu theo cách phiên âm Trung Quốc tất phải chọn lấy một tên trong nhiều tên khác nhau, nhưng như vậy sẽ gây khó khăn cho người muốn tìm hiểu các sử liệu khác nhau. Vì các lý do trên, trong quyển sách này, chúng tôi quyết định không theo bất kỳ cách phiên âm Trung Quốc nào mà phiên âm theo đúng tiếng Mông Cổ trung đại (hoặc tiếng các dân tộc khác) ví dụ A Lý Hải Nha sẽ phiên âm là A Ríc Kha Y A (Ariq – Qaya), Ngột Lương Hợp Thai là Ư Ri Ang Kha Đai (Uriyangqadai), Bột La Hợp Đáp Nhi và Bôn Kha Đa (Bol-qadar),… Việc khôi phục lại tên người Mông Cổ và các tộc khác còn giúp chúng ta tránh được các sai lầm tách tên một ngưòi thành hai người hoặc nhập hai tên lại làm một. Chẳng hạn như Trần Trọng Kim tách Tích Lệ Cơ Ngọc thành Tích Lệ và Cơ Ngọc( ), nhà sử học Nhật Bản Yamamoto Tatsuro coi Hòa Lễ Hoắc Tôn là Hoà Lễ và Hoắc Tôn ( ), các dịch giả Việt sử thông giám cương mục đọc I Lặc Cát Đại thành I Lặc, Cát Đại ( ),… Thực ra Tích Lệ Cơ Ngọc trong Toàn thư là chép nhầm từ Tích Lệ Cơ Vương (theo Thiên Nam hành ký) và Tích Lệ Cơ là Sirăgi (Si-rê-ghi), Hoà Lễ Hoắc Tôn chỉ là Qorqao-sun (Khoóc-khô-xun), còn I Lặc Cát Đại là Ikiradai (I-ki-rê-đai), v.v…
Việc khôi phục lại các tên Mông Cổ và các tộc khác từ những tên phiên âm Trung Quốc không phải là dễ dàng, nhất là cho đến nay chưa ai chuyên nghiên cứu khôi phục toàn bộ những tên nhân vật có liên quan đến lịch sử Việt Nam. Tuy vậy, dựa vào tính chất trùng tên nhiều của người Mông Cổ trong các thư tịch cũ (xem Tam sử đồng danh lạc của Uông Huy Tổ), dựa vào Hoa di dịch ngữ (1389), Nguyên sử ngữ giải (1781), cũng như dựa vào các công trình của các nhà Mông Cổ học thế giới như P.Pelliot (Pháp), P.Poucha (Tiệp), M.Lewicki (Ba Lan) ( )…, chúng tôi cố gắng khôi phục lại tên tất cả các nhân vật Mông Cổ và các tộc khác có liên quan đến cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam thế kỷ XIII đã nhắc đến trong quyển sách này. Những tên đó được khôi phục lại bằng tiếng Mông Cổ trung đại theo cách ghi âm của các nhà Mông Cổ học thế giới và sau đó phiên âm ra chữ Việt. Đối với từng tên người, chúng tôi đều chú thích rõ các cách phiên âm Trung Quốc ở dưới trang. Tuy vậy, có một số tên như Hốt Tất Liệt (Qubilai), Toa Đô (Sogãtũ),Ô Mã Nhi (`Omar), Thoát Hoan (Toyan hay Toyon), vì đã quen với chúng ta, trong sách này chúng tôi không phiên âm thành Xô-ghê-tu, Ô-ma hay Tô-gan nữa mà chỉ chú thích để người đọc nắm được tên Mông Cổ của các tên tướng đó.
Một vấn đề khác được đặt ra khi nghiên cứu hai nguồn tài liệu Việt Nam và Trung Quốc là vấn đề lịch pháp. Có tìm hiểu và đối chiếu được lịch pháp của Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XIII mới xác định được thời gian xảy ra các sự kiện khi so sánh hai nguồn tài liệu.
Trong Bàn châu văn tập (quyển 16) của Hồng Quát đời Tống có chép bài “Sắc thư ban lịch cho Nam Bình vương Lý Thiên Tộ (tức Lý Anh Tông 1138 – 1175)”. Nguyên sử Bản kỷ chép rằng ngày Giáp Tý tháng 7 năm Chí Nguyên 2 (9-9-1265) “chiếu ban cho Quang Bính (tức Trần Thái Tông) lịch năm Chí Nguyên thứ 3”. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng năm Khai Thái thứ 1 (1324), “vua Nguyên sai Mã Hợp Mưu (Mahmùd), Dương Tông Thụy sang báo việc lên ngôi và cho một quyển lịch Thụ Thì” (q.6, t.42b). Đến năm Khai Hựu thứ 11 (1339), Đặng Lộ mới xin đổi lịch Thụ Thì trước đó thành lịch Hiệp Kỷ (q.7, t.9b).
Chúng tôi cho rằng như vậy ít ra từ cuối thế kỷ XII đến nửa đầu thế kỷ XIV, Việt Nam dùng lịch Trung Quốc. Để kiểm tra điều này, chúng tôi ghi lại tất cả những ngày âm lịch có ghi can chi được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư (thường là ngày có nhật thực, ngày xảy ra các sự kiện khác thi thường không được Toàn thư ghi rõ can chi) trong khoảng 50 năm cuối thế kỷ XIII (tức giai đoạn cần nghiên cứu( ) rồi đem so sánh với lịch Trung Quốc thì thấy hoàn toàn phù hợp ( ). Chỉ có một trường hợp duy nhất sai biệt với lịch Trung Quốc là chỗ Toàn thư (q.5, t.52b) chép tháng chạp năm Trùng Hưng 3 (Chí Nguyên 24) có ngày 30. Theo lịch Trung Quốc thì tháng này thiếu, chỉ có 29 ngày. Nhưng khi xét nội dung câu ở trong Toàn thư, chúng tôi thấy rằng ở đây đã chép nhầm sự kiện của tháng 11 ra tháng 12( ) chứ không phải là lịch Việt Nam khác lịch Trung Quốc. Do chỗ thống nhất lịch pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc ở thế kỷ XIII như vậy, chúng tôi thấy có thể xác định các sử kiện rút ra ở hai nguồn tài liệu theo trình tự thời gian chung. Mặt khác, có thể đổi các ngày âm lịch chép trong hai nguồn sử liệu ra ngày dương lịch theo một phương pháp chung. Chúng tôi đã dựa vào các sách Lưỡng Thiên Niên Trung Tây lịch đối chiếu biểu, Trung Tây Hồi sử nhật lịch để đổi các ngày âm lịch (hoặc ghi bằng can chi) ra dương lịch. Việc đổi ngày âm lịch ra dương lịch có thể đính chính lại một số điểm không chính xác trong các sách trước đây như cuộc kháng chiến chông xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất xảy ra vào năm 1258 chứ không phải năm 1257… Trong sách này, chúng tôi ghi cả ngày dương lịch và âm lịch để người đọc có thể kiểm tra lại sử liệu cũng như cách đổi ngày. Đối với những tháng âm lịch không ghi rõ ngày, chúng tôi ghi tháng đó bắt đầu từ ngày nào đến ngày nào của dương lịch.
*
* *
Trong sử liệu Việt Nam và Trung Quốc, các vua Trần được gọi bằng những tên khác nhau, dễ gây ra nhầm lẫn. Nhà sử học Nhật Bản Yamamoto Tatsuro đã khảo chứng khá công phu về vấn đề này trong chương Chinchò no omei ni kansuru kenkyũ (Nghiên cứu về tên vua triều Trần) ở đầu quyển An Nam Shikenkyũ (An Nam sử nghiên cứu) tập I của ông. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Yamamoto. Ở đây chúng tôi không lặp lại các chứng minh mà chỉ nêu ra những tên vua trong giai đoạn đang nghiên cứu:
Trần Thái Tông tên là Cảnh, tức Nhật Cảnh và Quang Bính trong sử liệu Trung Quốc, Trần Thánh Tông tên là Hoảng, tức Nhật Huyên trong sử liệu Trung Quốc. Trần Nhân Tông tên là Khâm, tức Nhật Tôn trong sử liệu Trung Quốc.
*
* *
Trong khi sưu tầm sử liệu để soạn tập sách, này, chúng tôi được đồng chí Sa Kính Phạm ở Trường đại học Bắc Kinh gửi cho những tài liệu Trung Quốc không có trong các thư viện trong nước, ở đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn.

Mời các bạn đón đọc Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Mông Nguyên Thế Kỷ XIII của tác giả Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm.

Có thể bạn thích sách  Tiểu Đoàn 59 - Anh Hùng Của Lòng Dân

Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn