Cục diện chính trị thế giới cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI biến động và thay đổi nhanh chóng với nhiều sự kiện nổi bật có tác động không nhỏ, thậm chí còn làm xoay chuyển cán cân quyền lực tại nhiều quốc gia hay khu vực. Đông Á cũng không ngoại lệ. Diễn biến chính trị tại khu vực Đông Á luôn thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng quốc tế, giới học giả bởi đây là một điểm nóng về lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị; một khu vực địa chiến lược quan trọng của thế giới.
Năm 1991, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông u không chỉ có tác động to lớn đến nền chính trị thế giới nói chung mà còn làm thay đổi cục diện chính trị tại Đông Á nói riêng. Lúc này, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đóng vai trò chi phối nền chính trị khu vực. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh về kinh tế của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã đưa vị thế của các quốc gia này nổi bật trên bản đồ chính trị Đông Á. Giai đoạn 1991-2016, bản cở chính trị Đông Á biến động không ngừng bởi sự tham gia của ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Ấn Độ,… cũng như các tổ chức trong và ngoài khu vực như ASEAN, EU, WTO,… Vì vậy, các nước lớn trong khu vực luôn phải điều chỉnh chính sách để tăng tầm ảnh hưởng, nâng tầm vị thế của mình ở khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung, đồng thời lựa chọn những đối tác mang lại nhiều lợi ích nhất cho quốc gia. Trong khi đó, các nước vừa và nhỏ cũng tận dụng lợi thế mà khu vực mang lại để thu hút sự đầu tư của những cường quốc trên thế giới và liên kết với các nước lớn để tạo vành đai bảo vệ chính mình trước những biến động khôn lường của nền chính trị thế giới. Kết quả là nhiều mối quan hệ hợp tác, liên minh về quân sự, chính trị, kinh tế được hình thành như Mỹ – Nhật Bản, Mỹ – Trung Quốc, Liên minh chiến lược châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN),… đồng thời cũng xuất hiện những tham vọng dẫn đầu, những đối trọng chính trị khó giải quyết,… Tất cả đã góp phần làm sinh động hơn bức tranh mọi mặt của Đông Á cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.
Với mong muốn mang đến cho bạn đọc cái nhìn đầy đủ hơn về cục diện chính trị Đông Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ hai cuốn sách Cục diện chính trị Đông Á giai đoạn 1991-2016 (Sách chuyên khảo) của Tiến sĩ Trần Bách Hiếu. Đây là công trình nghiên cứu công phu với nhiều phân tích, lý giải chuyên sâu về những diễn biến chính trị nổi bật diễn ra tại Đông Á và những tác động, ảnh hưởng của những sự kiện này tới đời sống chính trị khu vực và thế giới giai đoạn này. Đặc biệt, tác giả cũng dành một phần của cuốn sách viết về tác động của cục diện Đông Á đến Việt Nam. Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc và những người quan tâm tới vấn đề này.
Nội dung cuốn sách thể hiện sự nghiên cứu nghiêm túc, tác giả đã có nhiều cố gắng trong việc sưu tầm tư liệu và dành nhiều tâm huyết để hoàn thành nhưng cuốn sách cũng khó tránh khỏi những thiếu sót. Một số nhận định, phân tích nêu trong cuốn sách có giá trị tham khảo tốt, nhưng vẫn còn những ý kiến, nhận xét của tác giả cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi. Để bạn đọc tiện theo dõi, tham khảo, Nhà xuất bản vẫn giữ nguyên các ý kiến, nhận xét của tác giả và coi đó là quan điểm riêng. Rất mong nhận được sự góp ý từ bạn đọc, các nhà chuyên môn để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.
Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 2 năm 2018
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT