Ngữ dụng học – một chuyên ngành mới của ngôn ngữ học quan tâm chủ yếu đến ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp và tác động qua lại giữa hoạt động giao tiếp và ngôn ngữ – tuy vào Việt Nam chưa lâu nhưng đã có được một vị trí xứng đáng trong Việt ngữ học. Các chương trình ngôn ngữ học ở các trường đại học Việt Nam, kể cả các trường Đại học ngoại ngữ, các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ ngữ văn đều có ngữ dụng học. Đã có khá nhiều luận văn cử nhân, thạc sĩ và luận án tiến sĩ Ngữ Văn về ngữ dụng học bảo vệ thành công. Hơn thế nữa, một số tư tưởng và khái niệm ngữ dụng học đã được đưa vào chương trình tiếng Việt ở các bậc học dưới đại học, từ Tiểu học đến Trung học phổ thông, góp phần đổi mới môn học này.
Đã có một số công trình ít ỏi xuất bản ở Việt Nam giới thiệu một cách đủ tin cậy những căn bản có tính dẫn luận về ngữ dụng học. Đến lúc cần những công trình viết về ngữ dụng học có tầm bao quát vấn đề rộng hơn, có độ sâu lý thuyết triệt để hơn ngõ hầu phản ánh được trạng thái phát triển hiện nay của ngữ dụng học thế giới. Những công trình như vậy ít nhiều sẽ có tác dụng thúc đẩy ngữ dụng học Việt Nam phát triển mạnh hơn, cố gắng tiến kịp với ngữ dụng học thế giới.
Được sự khuyến khích của trường Đại học sư phạm Hà Nội, công trình “CƠ SỞ NGỮ DỤNG HỌC” này được viết ra nhằm đáp ứng mục tiêu trên đây.
Các tác phẩm nước ngoài viết về ngữ dụng học quá lớn về số lượng và không dễ tiếp nhận về nội dung. Chắc chắn là, dù có cố gắng đến đâu cuốn sách này cũng không thể thâu tóm được tất cả những điều thiết yếu về ngữ dụng học được thảo luận hiện nay trên diễn đàn ngôn ngữ học các nước. Rất mong được nhận những góp ý của các nhà ngôn ngữ học và ngữ dụng học Việt Nam.
Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2002
Tác giả GS.TS ĐỖ HỮU CHÂU
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com