Vào thời Vua Louis XIV, các quý tộc có vợ được vì vua chuyên chế để mắt tới là cả một niềm vinh hạnh cho dòng tộc. Cái ngày mà Vị Vua-Mặt Trời này đưa cặp mắt tình đặt lên tấm thân ngọc ngà của nữ Hầu tước De Montespan, giới quý tộc ở Versailles đều chúc mừng sự may mắn của đấng phu quân. Nhưng đấy là họ chưa biết hết tính cách của Louis-Henri Pardailan, Hầu tước De Montespan! Là một người chồng hạnh phúc, yêu vợ đến mê muội, chàng không chịu nổi cảnh vợ mình rơi vào tay con người có quyền lực mạnh nhất toàn cầu hồi ấy. Nơi mà vợ chàng, người đàn bà đẹp nhất nước Pháp bấy giờ đã từng phải thốt lên với chồng : “Versailles là một thế giới khủng khiếp và sẽ chẳng có cái đầu nào không quay cuồng ở đó. Triều đình làm thay đổi cả những con người kiên định nhất”.
Ngay từ lúc khám phá ra điều bất hạnh của mình, chàng đã dùng mọi phương tiện, từ cao ngạo, hỗn xược đến ti tiện để chứng tỏ cho nhà vua thấy rằng ông ta chỉ là kẻ đớn hèn, lấy cắp vợ của kẻ khác. Hầu tước đã trở thành trò cười cho thiên hạ khi chàng cho trang trí trên chiếc xe tuyệt mỹ của mình một cặp sừng nguy nga. Chàng từ chối tước hiệu, bổng lộc, những cơ hội đầy hứa hẹn mà nhà vua hứa ban tặng nếu chàng để mắt làm ngơ trước cuộc tình của Vua và vợ mình. Chàng từ chối hết thảy, đơn giản là chàng không rao bán vợ mình. Bất chấp những thủ đoạn đê tiện liên tiếp được Vua tung ra, đến những vu cáo phải đưa ra tòa xét xử, đến những ngày ngồi tù, gia tài đình đốn, suy kiệt, và cả những âm mưu ám sát, chàng vẫn cứ tiếp tục đeo đuổi lòng hận thù đối với con người đầy quyền lực hòng lấy lại vợ mình.
Jean Teulé đã đằm mình vào trong quá khứ vinh quang của hoàng gia Pháp, bới tìm tất cả những thói thường diễn ra trong tầng lớp quý tộc. Những trò giả dối, đạo đức giả, lừa gạt tiền, tình… đằng sau những hào nhoáng là chất đầy những trò sa đọa, đàng điếm, con người luôn rình rập những thất thế của người khác để dè bửu, nhạo báng lẫn nhau. Tình cảm, tình thương yêu của con người đều được đem ra tính bằng chức tước bổng lộc. Tình vợ chồng mong manh…
Gấp lại cuốn sách, chúng ta phần nào thấy được quá khứ của xã hội Pháp, nhưng phải chăng điều ấy giờ đây vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Tác phẩm như một áng thơ ca, ca ngợi tình yêu, tình người bất diệt mà như tạp chí Nouvel Observateur đã viết: thật tài, đó như là một điều kỳ diệu của nền văn học Pháp. Bạn đọc có thể bị xáo trộn tâm hồn, bị đè nén, nhưng lại cười, cười với niềm hy vọng mạnh mẽ nhất.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Công ty CP sách An Tiêm.
Nhà Vua đã cho thúc trống dậy
Nhà Vua đã cho thúc trống dậy
Để nhìn tất thẩy các lệnh bà
Và người đầu tiên Người nhìn thấy
Đã khiến tâm hồn Người ngất ngây.
Hầu tước, nói đi, ngươi biết người ấy chứ?
Hầu tước, nói đi, ngươi biết người ấy chứ?
Lệnh bà xinh đẹp đó là ai?
Và Hầu tước đã tiếp lời:
«Tâu Bệ hạ, đó chính là vợ tôi…»
(Bài hát của Saintonge, thế kỷ XVII)
Thứ bảy ngày 20 tháng giêng năm 1663, vào quãng mười một giờ khuya, lúc ra khỏi Palais – Royal, nơi Đại công tử – em trai Vua – tổ chức một đêm khiêu vũ rầm rộ, thì hai thanh niên, được sáu người khác theo sau, lao vội vã vào trong phố. Họ mắng chửi nhau trong ánh sáng lóa của lông mũ và đăng ten.
– Fils de prêtre!
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn