Ôn cố nhi tri tân
Chế-độ thực dân đã cáo chung ở Việt-Nam và đang chấm dứt ở hầu hết các thuộc địa trên thế-giới. Ngày nay, nhìn lại một giai đoạn đất nước bị ngoại bang thống-trị, chúng ta có thể rút ra được một bài học lịch sử về những chế-độ chính-trị.
Thực dân là một hành-động xâm lăng và duy trì sự xâm lăng bằng bạo lực nhằm khai-thác và chiếm đoạt những tài-nguyên của các nước bị thuộc-địa. Đó là một hình thức người bóc lột người, người đè nén người. Cho nên chế-độ thực dân là một chế-độ vô nhân đạo, phi chính nghĩa.
Vì không thể phơi bày tính chất vô nhân đạo một cách trắng trợn, nên chế-độ thực dân phải núp sau những lý-tưởng, những chủ-nghĩa giả dối để huyễn diệu người ta. Có thể gọi những ?? chủ-nghĩa thực dân tạo ra là huyền-thoại.
Nhưng sự bó buộc phải tạo ra huyền-thoại vì thiếu chính nghĩa cũng bày tỏ nhược điểm căn bản của chế-độ thực dân, dù nó có mạnh về quyền lực, võ khí, mưu trí… Chính-nghĩa là cái nền của một chế-độ, không có nền kiên cố thì dù mái tường nhà có chắc chắn đến đâu cũng không thể đứng vững lâu dài được. Trong lịch sử nhân loại, những chế-độ xây trên bạo tàn gian ác đều phải sụp đổ. Đó là một quy luật lịch sử, đồng thời cũng là một chân-lý cho phép những người bị áp bức tin-tưởng và hy-vọng trong sự chịu đựng và cuộc chiến đấu của họ : một chế-độ bạo tàn gian-ác không phải là một định-mệnh và không thể tồn-tại-vĩnh-viễn được.
*
Về chế-độ thực dân Pháp ở Việt-nam, hiện nay chúng ta chưa có những cố gắng biên khảo đầy đủ chính xác. Những vấn-đề lớn cần được khảo sát và đi sâu như : chính sách cai trị của người Pháp, tình trạng kinh-tế, thương nghiệp, y-tế, giáo dục xã-hội, sự hình thành các tầng lớp xã-hội (tư bản, mại bản, công nhân, v.v…) lịch sử các phong trào cách mạng Việt-nam, chính sách văn-hóa của người Pháp.
Riêng về văn-hóa, có thể chú trọng vào ba nhiệm-vụ chính : xét lại và phê phán những thành quả hoạt-động của trường Viễn-Đông bác cổ ; tìm hiểu những chủ-đích chính-trị trong những sách vở biên khảo rất ít giá-trị nghiên cứu khoa-học, nhưng lại rất nhiều dụng-ý chính-trị của một số quan lại thực-dân kiêm học giả và sau cùng, giới-thiệu phân-tách cái mà người Pháp gọi là « văn chương thuộc địa » ở Đông Dương.
Tập biên khảo này nhằm góp một phần thực hiện nhiệm vụ thứ hai đề ra ở trên. Vì chỉ muốn tìm hiểu những huyền-thoại, nên trọng tâm những suy tưởng của tác giả chủ yếu hướng về phân-tách huyền-thoại hơn là trình bày tổng quát và đầy đủ lịch-sử những tư-tưởng đường lối chính-trị của Pháp hay của các phong-trào cách-mệnh Việt-nam.
Tác giả nhận định rằng vai trò của những huyền-thoại mà thực dân tạo ra để biện chính cho chế-độ thuộc địa ở Việt-Nam chấm dứt sau thời kỳ mặt trận bình dân. Do đó, tác giả không nhắc tới những tư tưởng chính-trị chỉ đạo những sinh hoạt văn-hóa của các đảng phái, các nhóm văn-đoàn trong thời kỳ sau cùng từ 1936 đến 1945.
Về phía sách báo Pháp thuộc loại biên khảo có dụng ý chính-trị, thực ra cũng khá nhiều, nên tác giả cũng không biết có bỏ sót những tài liệu nào quan trọng liên-hệ đến vấn-đề huyền-thoại ở đây.
Dù sao, khi giới-thiệu luận văn này với các bạn độc giả, tác giả chỉ mong gây được những thắc mắc, làm khởi điểm cho những cuộc bàn cãi, tìm kiếm sâu rộng và đầy đủ hơn sau này.
Tác giả muốn được coi như một người đi đường trong cuộc hành trình tư tưởng. Với người đi đường, tất cả những gì mình thấy, đều chỉ là những nhận định, những giả thuyết, những đầu đề khơi mào câu chuyện, luôn luôn có thể xét lại hay xóa bỏ đi. Tác giả không mong bảo-vệ tư tưởng, nhất là những tư tưởng của mình, nhưng tha thiết muốn bảo vệ sinh hoạt tư-tưởng, cho mình và cho mọi người. Đó mới là cái cốt yếu.
Cho nên, qua tập luận văn này, nếu tác giả nêu lên được một vấn đề, bó buộc được các bạn đọc phản ứng, và phải bước vào cuộc hành trình tư-tưởng của mình, thì tác giả nghĩ rằng đã đạt được chủ-đích và có thể coi đó như một phần thưởng cho những cố gắng của mình rồi.
*
Muốn hiểu một cách xác đáng những chính sách văn-hóa cũng như tất cả những đường lối chính-trị, kinh-tế, giáo dục, v.v… của người Pháp ở Việt-Nam thời thuộc địa, thiết tưởng điều cốt yếu là phải tra hỏi dự phóng nền tảng của chế độ thực dân. Gọi là dự-phóng nền tảng, cái chủ-đích căn bản xác định việc đi thực dân là thực dân mà bất cứ chủ-trương gì hay chính-sách nào do thực dân đề ra đều phải nằm trong dự-phóng nền tảng đó. Dự-phóng nền tảng xuất-hiện như thế nào là tùy ở yếu tính, thực chất của nó.
Vậy sở dĩ không thể có một chủ-trương, một chính sách gì của thực dân, dù được ngụy trang khéo léo đến đâu đi nữa, cũng không thể trái ngược, chống lại với dự-phóng nền tảng của nó, vì chống lại với dự-phóng nền tảng là tiêu diệt thực chất, là chế-độ thực dân tự phủ nhận, không còn phải là thực-dân.
Dự-phóng nền tảng của chế-độ thực dân là khai thác của cải làm giàu và thực chất của nó là bạo-động ; bạo-động xâm lăng và bạo-động duy trì xâm-lăng. Cho nên, không nắm được dự-phóng nền tảng, thực chất của chế-độ thực dân không thể thấu hiểu một cách nghiêm chỉnh những chính sách đường lối thực sự của nó thường đội lốt, trá hình dưới những hình-thức có vẻ mâu-thuẫn với dự-phóng nền tảng, với thực-chất.
Sở dĩ, những chính-sách của thực-dân phải núp dưới những hình-thức có vẻ mâu-thuẫn với thực-chất của nó là vì thực-dân không thể phơi bày một cách lộ liễu thực chất đó.
Một huyền-thoại căn bản nhằm biện-chính hành-động thực-dân là niềm tin tính cách cao-đẳng của người da trắng, của nền văn-minh tây phương và do đó, quyền được bá chủ, thống trị các dân-tộc khác.
Khi các nước phương-Tây đi chiếm thuộc-địa đều tin-tưởng như thế. Đấy là một huyền-thoại có tính cách vị kỷ. Nó biểu lộ một thái-độ nhận-thức của người còn ở giai-đoạn chỉ biết mình và chưa biết người. Nói cách khác, người đi thực-dân mới đứng ở quan-niệm quyền lợi của mình để biện-chính hành-động thực-dân, biện-chính cho mình, với mình mà thôi.
Nhưng về sau, trước những chống đối của dư-luận thế giới và nhất là trước những kháng cự của người thuộc địa bản xứ, người thực dân bó buộc phải nghĩ tới người khác. Đó là giai-đoạn họ có ý-thức về tha-nhân (conscience d’autrui). Đến đây, người đi thực dân phải đứng ở cả quan-điểm quyền lợi của người thuộc địa để biện-chính hành-động thực dân.
Những huyền thoại khác được tạo ra, như huyền-thoại khai-hóa, Pháp-Việt đề huề, Pháp-Nam hiệp tác, Đông-Tây tổng hợp, v.v…
Tập biên khảo này chủ yếu nhằm phân tách những huyền-thoại trên.
Xét về nội dung, những huyền-thoại này chẳng có gì đáng để ý. Nhưng nếu tìm hiểu chúng ta đã hình thành trong một hoàn-cảnh chính-trị nào và nhằm đưa tới những tác dụng gì, vấn-đề trở thành lý-thú và đáng được nghiên-cứu.
Vì những huyền-thoại được tạo ra do những chống đối của người bản xứ, nên phải tìm hiểu xem thực dân đã phê phán và đánh giá thế nào những phong-trào cách-mạng Việt-Nam… Tác giả trình bày một lối nhìn cách-mạng Việt-Nam theo con mắt của người Pháp và thử đưa ra một vài nhận định giải thích lối nhìn đó. Nếu thực sự đó là lối nhìn của người Pháp, người ta sẽ thấy được nó sâu xa hay nông cạn ở điểm nào, đồng thời cũng thấy được đâu là chỗ mạnh, yếu của những phong trào cách-mạng Việt-Nam.
Nhưng trong cuộc giao tranh giữa thực dân và cách mạng, chỗ yếu của thực dân lại chính là chỗ mạnh của cách-mạng và đó là chỗ then chốt quyết-định thắng bại. Thực dân cố tìm cách che giấu chỗ yếu của mình, nhưng càng che giấu, càng để lộ cái muốn che giấu ; sau cùng, những huyền thoại được bày ra để che giấu lại tạo điều-kiện đánh đổ thực-chất và tiêu diệt huyền-thoại. Huyền-thoại tự xây mồ chôn mình và mồ chôn luôn cả chế-độ thực-dân.
Đó là số phận những huyền-thoại của chủ-nghĩa thực dân, đồng thời cũng là số phận của chính chế-độ thực dân.
Tháng 5-1963
***
TRONG cuộc chiến-tranh Việt-Pháp vừa qua, tôi đã có nhiều dịp thảo-luận với một số người Pháp về cuộc tranh-đấu giành độc-lập của người Việt-Nam bằng võ-lực. Tôi còn giữ một cảm-tưởng sâu-đậm qua nhiều buổi thảo-luận này là không thể làm cho những người Pháp đó hiểu được vấn-đề, mặc dầu, những người Pháp tôi đã gặp là ở nước Pháp, rất nhiều thiện-chí và đôi khi giàu lòng quảng-đại nữa, chứ không phải là hạng người Pháp thực-dân ngoan-cố, vị-lợi.
Họ không thể nhìn thấy thực-chất vấn-đề thuộc-địa vì tâm-trí họ bị đầu-độc bởi những hình-ảnh, lý-luận, hệ tư-tưởng mà tôi gọi chung là « những huyền-thoại » 1 của chế-độ thực-dân. Nhưng khi họ giác-ngộ, những người Pháp đầy thiện-chí và giàu quảng-đại đó sẽ không ngần-ngại về phe chúng ta và tranh-đấu ủng-hộ lý-tưởng của chúng ta như trường-hợp François Mauriac chẳng hạn. Tuy nhiên, chính François Mauriac cũng đã thú-nhận, sự giác-ngộ thật rất khó-khăn, khi cả đời đã chỉ được dạy-dỗ ở nhà trường, đã chỉ được đọc, nghe những sách-vở báo-chí trình bày thuộc-địa qua những « huyền-thoại ».
Do đó, trước một bất-lực không thể « giác-ngộ »,người Pháp tôi thường thầm nghĩ rằng chỉ có một cách làm cho họ hiểu là « Đánh ». Chế-độ thực-dân đã thành-hình và được duy-trì bằng bạo-động, thì cũng chỉ có thể bị tiêu-diệt bằng bạo-động và khi thực-chất đã bị tiêu-diệt thì những « huyền-thoại » cũng tất-nhiên đổ vỡ. Lúc đó họ sẽ hiểu.
Ngày nay, trên thế-giới, vấn-đề thuộc-địa đã hầu như trở thành một sự-kiện lịch-sử. Nói đúng hơn, công-cuộc giải-thực (decolonization) về chính-trị đang đi vào giai-đoạn chót và đã bước vào giai-đoạn hai là giải-thực về kinh-tế, xã-hội… Người Âu-châu bây giờ đã hiểu, không ai còn nói tới hay dám bênh-vực chế-độ thực-dân bằng những « huyền-thoại » nữa. Do đó, sự suy-nghĩ về thực-dân và những huyền-thoại của nó ở đây không nằm trong một chủ-đích tranh-đấu nhằm chấm-dứt chế-độ thực-dân và tiêu-diệt « những huyền-thoại » của nó, vì bây giờ, nhiệm-vụ tranh-đấu đã hoàn-thành và chế-độ thực-dân không còn nữa. Sự suy-nghĩ dưới đây chỉ là một nỗ-lực nghiên-cứu về một vấn-đề văn-hóa bao-hàm một ý-tưởng nhân-bản ; do đó, tính-chất của công-trình biên-khảo này là một suy tưởng triết-lý, tuy vẫn dựa vào lịch-sử. Tôi có ý nói rằng tôi không phải là một nhà sử-học, nhưng chỉ muốn căn-cứ vào lịch-sử để thử nhìn một vài vấn-đề về con người trong một viễn-tưởng triết-lý, nghĩa là trong những chiều-hướng đụng tới những khía-cạnh sâu xa và trường-tồn nhất của con người.
*
Khi trở lại thời Pháp-thuộc ở nước ta, chúng ta thấy người Pháp đã thường đưa ra những lý-tưởng, những sứ-mệnh, những bổn-phận rất cao-cả, linh-thiêng để biện-hộ cho chế-độ thuộc-địa của họ. Người Việt-Nam sáng-suốt, ngay trong thời-kỳ nô-lệ đều biết đó chỉ là lừa-bịp và không thể tin được. Nhưng chưa ai đi sâu vào vấn-đề thuộc-địa về phương-diện hệ-tư-tưởng của họ. Nói cách khác, chưa có một công-trình nghiên-cứu để xem xét những hệ-tư-tưởng ấy chỉ là « huyền-thoại » mà thực-dân đề ra đã góp phần vào việc bảo-vệ, củng-cố, duy-trì chế-độ thực-dân, đồng thời một mặt khác, xét xem chính những « huyền-thoại » đó, ngược lại, đã tạo những điều-kiện lũng-đoạn đưa tới chỗ đánh-đổ chế-độ thực-dân và do đó, đưa tới chỗ huyền-thoại tự tiêu-diệt như thế nào. Đặt trong viễn tưởng đó, vấn-đề thật đáng cho ta chú-ý tìm-hiểu.
Tại sao chế-độ thực-dân có những huyền-thoại ? Phải chăng, một cách sâu-xa hơn nữa, chế-độ thực-dân, trong dự-phóng căn-bản của nó, bó-buộc phải tạo ra huyền-thoại ? Dự-phóng căn-bản là cái làm cho chế-độ thực-dân có thể tồn-tại và tồn-tại theo yếu-tính của nó. Yếu-tính của chế-độ thực-dân là gì, lát nữa tôi sẽ xin bàn tới. Định-nghĩa một cách hình-thức, yếu-tính là cái xác-định một sự, một vật là nó và không thể là khác mà không tự phủ-nhận. Vậy có phải yếu-tính hay thực-chất của chế-độ thực-dân là gắn liền với huyền-thoại ? Tại sao ? Từ vấn-đề chủ-chốt đó, có thể suy-nghĩ tới những vấn-đề liên-hệ : Những huyền-thoại đã được thành hình thế nào ; chế-độ thực-dân ở Việt-Nam có những huyền-thoại gì và sau cùng những huyền-thoại phải đi tới chỗ xụp-đổ làm sao ? Có một biện-chứng thực-chất huyền-thoại và có thể căn-cứ vào lịch-trình của biện-chứng đó để tìm hiểu lịch-sử chế-độ thực-dân Pháp ở Việt-Nam qua những giai-đoạn chinh-phục, duy-trì, phát-triển và suy-sụp của nó.
Mời các bạn đón đọc Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp Ở Việt Nam (Quyển 1) của tác giả Nguyễn Văn Trung.