"Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp Ở Việt Nam (Quyển 1) - Nguyễn Văn Trung full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp Ở Việt Nam (Quyển 1) - Nguyễn Văn Trung full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử] Ebooks Nhóm Zalo Tên sách : CHỦ NGHĨA THỰC DÂN PHÁP Ở VIỆT NAM THỰC CHẤT VÀ HUYỀN THOẠI I. VĂN HÓA VÀ CHÍNH TRỊ Tác giả : NGUYỄN VĂN TRUNG Nhà xuất bản : NAM SƠN Năm xuất bản : 1963 ------------------------ Nguồn sách : tusachtiengviet.com Đánh máy : huongbi2910, thuhang1319, Vũ Đình Hào, gacondeptrai, Aprilicious, Đình Giao, TiMon, blacktulip161, Lê Gia Thụy, thienlinh252, Cua da, Thu Hà, nonliving, Thach Le, Mekhoaibi, nguyễn văn trọng, Robinson1412, Martian_K, Ngoc Ma, bacboo Kiểm tra chính tả : Phan Anh Quốc, Hà Huệ Chi, Bùi Hải Phong, Bùi Hải Phong, Nguyễn Đăng Khoa, Hoàng Thị Bùi Thu, Ngô Thanh Tùng Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 19/12/2019 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn tác giả NGUYỄN VĂN TRUNG và nhà xuất bản NAM SƠN đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. MỤC LỤC LỜI TỰA CHƯƠNG I : THỰC-CHẤT CỦA CHẾ-ĐỘ THỰC-DÂN I. THỰC-CHẤT 1) BẠO-ĐỘNG ĐỂ XÂM-LĂNG 2) MỘT CÁI THƠ ĐÁNG ĐỌC 3) BẠO-ĐỘNG ĐỂ DUY-TRÌ THUỘC-ĐỊA a) BẮT-BỚ, KHỦNG-BỐ b) TRA-TẤN c) TRẠI-GIAM d) ĐẦU-ĐỘC e) PHÁP-VIỆT ĐỀ-HUỀ f) KHAI-HÓA VĂN-MINH 4) BỌN BUÔN NÔ-LỆ DA VÀNG a) BUÔN NGƯỜI b) ĐỜI SỐNG Ở ĐỒN-ĐIỀN c) THƠ GỞI CHỦ-NHIỆM BÁO « ECHO ANNAMITE » SAIGON (17-9-1928) d) VỤ ÁN BAZIN e) LỜI NÓI CỦA QUAN TOÀN-QUYỀN f) TRÊN ĐƯỜNG CÁI QUAN g) MỎ THAN HÒN-GAI II. THỰC-DÂN 1) THỰC DÂN MỘT HÀNH-ĐỘNG THA-HÓA CON NGƯỜI 2) NGÔN-NGỮ, VĂN-CHƯƠNG BẠO-ĐỘNG 3) TRƯỜNG HỢP PIERRE LOTI a) CHIẾM THUẬN-AN, THEO ĐẠI-ÚY THOMAZI b) CUỘC ĐỔ-BỘ THUẬN-AN THEO PIERRE LOTI c) NƯỚC THỔ-NHỈ-KỲ HẤP-HỐI CHƯƠNG II : NHỮNG HUYỀN-THOẠI CỦA CHỦ-NGHĨA THỰC-DÂN I. KHÁI NIỆM HUYỀN-THOẠI 1) ĐỊNH NGHĨA HUYỀN-THOẠI 2) CÁCH CẤU-TẠO HUYỀN-THOẠI 3) XÃ-HỘI VÀ HUYỀN-THOẠI II. NHỮNG HUYỀN-THOẠI CỦA CHỦ-NGHĨA THỰC-DÂN Ở VIỆT-NAM 1) GIAI-ĐOẠN CHUYỂN TIẾP a) LYAUTEY b) ÂM-MƯU THÔN-TÍNH c) LANESSAN 3) GIAI-ĐOẠN HUYỀN-THOẠI ALBERT SARRAUT a) NHÌN VÀO THẾ-GIỚI b) VINH-NHỤC THỰC-DÂN c) SỰ PHÁT-HUY CỦA CHỦ-NGHĨA THỰC-DÂN ÂU-CHÂU d) NƯỚC PHÁP BÓ BUỘC PHẢI CÓ THUỘC-ĐỊA e) THÀNH-LẬP ĐẾ-QUỐC f) LÝ-THUYẾT THỰC-DÂN g) ƠN-HUỆ THỰC-DÂN h) NHỮNG LÀN SÓNG PHẢN-KHÁNG i) BỔN-PHẬN CỦA NGƯỜI DA TRẮNG j) BÀI DIỄN-THUYẾT Ở VĂN-MIẾU 3) HUYỀN THOẠI PHÁP VIỆT ĐỀ HUỀ a) XỨ ANNAM THUỞ XƯA b) MỘT VÀI Ý-TƯỞNG CHÍNH VỀ SỰ TƯƠNG-TỰ GIỮA XÃ-HỘI LA-MÃ CỔ VÀ XÃ-HỘI VÀNG c) VĂN-CHƯƠNG VÀ XÃ-HỘI TỘC-TRƯỞNG CHƯƠNG III : CHỖ YẾU MẠNH CỦA NHỮNG PHONG TRÀO CÁCH-MẠNG VIỆT-NAM GIAI ĐOẠN I : HỆ TƯ-TƯỞNG QUÂN-CHỦ PHONG-KIẾN GIAI ĐOẠN II : HỆ-TƯ-TƯỞNG PHẢN-ĐẾ, BÀI PHONG CÓ TÍNH-CÁCH HÌNH-THỨC 1) NHỮNG CUỘC VẬN-ĐỘNG VĂN-HÓA GIÁO-DỤC a) PHONG TRÀO ĐÔNG DU b) PHONG-TRÀO ĐÔNG-KINH NGHĨA-THỤC 2) NHỮNG ĐIỂM CHÍNH TRONG CUỘC VẬN-ĐỘNG CÁCH MẠNG VỀ TƯ-TƯỞNG a) ĐẢ KÍCH THÁI-ĐỘ HỦ NHO b) CẢI-TẠO HỌC-THUẬT, GIÁO-DỤC c) CỔ-ĐỘNG HỌC QUỐC-NGỮ d) CẢI-TẠO XÃ-HỘI e) VỀ VĂN HÓA f) VỀ XÃ-HỘI 3) NHỮNG ĐẢNG CÁCH MẠNG GIAI-ĐOẠN III : GIAI-ĐOẠN PHẢN-ĐẾ VÀ PHẢN-PHONG CÓ NỘI-DUNG THỰC-SỰ Ẫ CHƯƠNG IV : NHỮNG MÂU-THUẪN GIỮA THỰC-CHẤT VÀ HUYỀN-THOẠI I. NHỮNG MÂU-THUẪN GIỮA THỰC-DÂN VỚI THỰC-DÂN II. HUYỀN-THOẠI CHỐNG LẠI THỰC-CHẤT 1) VUA 2) QUAN LẠI 3) THÔN XÃ III. SỰ SỤP ĐỔ CỦA NHỮNG HUYỀN-THOẠI LỜI KẾT LUẬN CHÚ THÍCH SÁCH ĐỌC VÀ TRÍCH DẪN NGUYỄN VĂN TRUNG CHỦ NGHĨA THỰC DÂN PHÁP Ở VIỆT NAM THỰC CHẤT VÀ HUYỀN THOẠI I. VĂN HÓA VÀ CHÍNH TRỊ NAM SƠN XUẤT BẢN 36, Nguyễn-an-Ninh – SAIGON LỜI TỰA Ôn cố nhi tri tân Chế-độ thực dân đã cáo chung ở Việt-Nam và đang chấm dứt ở hầu hết các thuộc địa trên thế-giới. Ngày nay, nhìn lại một giai đoạn đất nước bị ngoại bang thống-trị, chúng ta có thể rút ra được một bài học lịch sử về những chế-độ chính-trị. Thực dân là một hành-động xâm lăng và duy trì sự xâm lăng bằng bạo lực nhằm khai-thác và chiếm đoạt những tài nguyên của các nước bị thuộc-địa. Đó là một hình thức người bóc lột người, người đè nén người. Cho nên chế-độ thực dân là một chế-độ vô nhân đạo, phi chính nghĩa. Vì không thể phơi bày tính chất vô nhân đạo một cách trắng trợn, nên chế-độ thực dân phải núp sau những lý tưởng, những chủ-nghĩa giả dối để huyễn diệu người ta. Có thể gọi những ?? chủ-nghĩa thực dân tạo ra là huyền-thoại. Nhưng sự bó buộc phải tạo ra huyền-thoại vì thiếu chính nghĩa cũng bày tỏ nhược điểm căn bản của chế-độ thực dân, dù nó có mạnh về quyền lực, võ khí, mưu trí… Chính nghĩa là cái nền của một chế-độ, không có nền kiên cố thì dù mái tường nhà có chắc chắn đến đâu cũng không thể đứng vững lâu dài được. Trong lịch sử nhân loại, những chế độ xây trên bạo tàn gian ác đều phải sụp đổ. Đó là một quy luật lịch sử, đồng thời cũng là một chân-lý cho phép những người bị áp bức tin-tưởng và hy-vọng trong sự chịu đựng và cuộc chiến đấu của họ : một chế-độ bạo tàn gian-ác không phải là một định-mệnh và không thể tồn-tại-vĩnh-viễn được. * Về chế-độ thực dân Pháp ở Việt-nam, hiện nay chúng ta chưa có những cố gắng biên khảo đầy đủ chính xác. Những vấn-đề lớn cần được khảo sát và đi sâu như : chính sách cai trị của người Pháp, tình trạng kinh-tế, thương nghiệp, y-tế, giáo dục xã-hội, sự hình thành các tầng lớp xã-hội (tư bản, mại bản, công nhân, v.v…) lịch sử các phong trào cách mạng Việt-nam, chính sách văn-hóa của người Pháp. Riêng về văn-hóa, có thể chú trọng vào ba nhiệm-vụ chính : xét lại và phê phán những thành quả hoạt-động của trường Viễn-Đông bác cổ ; tìm hiểu những chủ-đích chính trị trong những sách vở biên khảo rất ít giá-trị nghiên cứu khoa-học, nhưng lại rất nhiều dụng-ý chính-trị của một số quan lại thực-dân kiêm học giả và sau cùng, giới-thiệu phân-tách cái mà người Pháp gọi là « văn chương thuộc địa » ở Đông Dương. Tập biên khảo này nhằm góp một phần thực hiện nhiệm vụ thứ hai đề ra ở trên. Vì chỉ muốn tìm hiểu những huyền thoại, nên trọng tâm những suy tưởng của tác giả chủ yếu hướng về phân-tách huyền-thoại hơn là trình bày tổng quát và đầy đủ lịch-sử những tư-tưởng đường lối chính-trị của Pháp hay của các phong-trào cách-mệnh Việt-nam. Tác giả nhận định rằng vai trò của những huyền-thoại mà thực dân tạo ra để biện chính cho chế-độ thuộc địa ở Việt-Nam chấm dứt sau thời kỳ mặt trận bình dân. Do đó, tác giả không nhắc tới những tư tưởng chính-trị chỉ đạo những sinh hoạt văn-hóa của các đảng phái, các nhóm văn đoàn trong thời kỳ sau cùng từ 1936 đến 1945. Về phía sách báo Pháp thuộc loại biên khảo có dụng ý chính-trị, thực ra cũng khá nhiều, nên tác giả cũng không biết có bỏ sót những tài liệu nào quan trọng liên-hệ đến vấn-đề huyền-thoại ở đây. Dù sao, khi giới-thiệu luận văn này với các bạn độc giả, tác giả chỉ mong gây được những thắc mắc, làm khởi điểm cho những cuộc bàn cãi, tìm kiếm sâu rộng và đầy đủ hơn sau này. Tác giả muốn được coi như một người đi đường trong cuộc hành trình tư tưởng. Với người đi đường, tất cả những gì mình thấy, đều chỉ là những nhận định, những giả thuyết, những đầu đề khơi mào câu chuyện, luôn luôn có thể xét lại hay xóa bỏ đi. Tác giả không mong bảo-vệ tư tưởng, nhất là những tư tưởng của mình, nhưng tha thiết muốn bảo vệ sinh hoạt tư-tưởng, cho mình và cho mọi người. Đó mới là cái cốt yếu. Cho nên, qua tập luận văn này, nếu tác giả nêu lên được một vấn đề, bó buộc được các bạn đọc phản ứng, và phải bước vào cuộc hành trình tư-tưởng của mình, thì tác giả nghĩ rằng đã đạt được chủ-đích và có thể coi đó như một phần thưởng cho những cố gắng của mình rồi. * Muốn hiểu một cách xác đáng những chính sách văn hóa cũng như tất cả những đường lối chính-trị, kinh-tế, giáo dục, v.v… của người Pháp ở Việt-Nam thời thuộc địa, thiết tưởng điều cốt yếu là phải tra hỏi dự phóng nền tảng của chế độ thực dân. Gọi là dự-phóng nền tảng, cái chủ-đích căn bản xác định việc đi thực dân là thực dân mà bất cứ chủ-trương gì hay chính-sách nào do thực dân đề ra đều phải nằm trong dự-phóng nền tảng đó. Dự-phóng nền tảng xuất-hiện như thế nào là tùy ở yếu tính, thực chất của nó. Vậy sở dĩ không thể có một chủ-trương, một chính sách gì của thực dân, dù được ngụy trang khéo léo đến đâu đi nữa, cũng không thể trái ngược, chống lại với dự-phóng nền tảng của nó, vì chống lại với dự-phóng nền tảng là tiêu diệt thực chất, là chế-độ thực dân tự phủ nhận, không còn phải là thực-dân. Dự-phóng nền tảng của chế-độ thực dân là khai thác của cải làm giàu và thực chất của nó là bạo-động ; bạo động xâm lăng và bạo-động duy trì xâm-lăng. Cho nên, không nắm được dự-phóng nền tảng, thực chất của chế-độ thực dân không thể thấu hiểu một cách nghiêm chỉnh những chính sách đường lối thực sự của nó thường đội lốt, trá hình dưới những hình-thức có vẻ mâu-thuẫn với dự-phóng nền tảng, với thực-chất. Sở dĩ, những chính-sách của thực-dân phải núp dưới những hình-thức có vẻ mâu-thuẫn với thực-chất của nó là vì thực-dân không thể phơi bày một cách lộ liễu thực chất đó. Một huyền-thoại căn bản nhằm biện-chính hành-động thực-dân là niềm tin tính cách cao-đẳng của người da trắng, của nền văn-minh tây phương và do đó, quyền được bá chủ, thống trị các dân-tộc khác. Khi các nước phương-Tây đi chiếm thuộc-địa đều tin tưởng như thế. Đấy là một huyền-thoại có tính cách vị kỷ. Nó biểu lộ một thái-độ nhận-thức của người còn ở giai-đoạn chỉ biết mình và chưa biết người. Nói cách khác, người đi thực-dân mới đứng ở quan-niệm quyền lợi của mình để biện-chính hành-động thực-dân, biện-chính cho mình, với mình mà thôi. Nhưng về sau, trước những chống đối của dư-luận thế giới và nhất là trước những kháng cự của người thuộc địa bản xứ, người thực dân bó buộc phải nghĩ tới người khác. Đó là giai-đoạn họ có ý-thức về tha-nhân (conscience d’autrui). Đến đây, người đi thực dân phải đứng ở cả quan điểm quyền lợi của người thuộc địa để biện-chính hành động thực dân. Những huyền thoại khác được tạo ra, như huyền-thoại khai-hóa, Pháp-Việt đề huề, Pháp-Nam hiệp tác, Đông-Tây tổng hợp, v.v… Tập biên khảo này chủ yếu nhằm phân tách những huyền-thoại trên. Xét về nội dung, những huyền-thoại này chẳng có gì đáng để ý. Nhưng nếu tìm hiểu chúng ta đã hình thành trong một hoàn-cảnh chính-trị nào và nhằm đưa tới những tác dụng gì, vấn-đề trở thành lý-thú và đáng được nghiên cứu. Vì những huyền-thoại được tạo ra do những chống đối của người bản xứ, nên phải tìm hiểu xem thực dân đã phê phán và đánh giá thế nào những phong-trào cách-mạng Việt-Nam… Tác giả trình bày một lối nhìn cách-mạng Việt Nam theo con mắt của người Pháp và thử đưa ra một vài nhận định giải thích lối nhìn đó. Nếu thực sự đó là lối nhìn của người Pháp, người ta sẽ thấy được nó sâu xa hay nông cạn ở điểm nào, đồng thời cũng thấy được đâu là chỗ mạnh, yếu của những phong trào cách-mạng Việt-Nam. Nhưng trong cuộc giao tranh giữa thực dân và cách mạng, chỗ yếu của thực dân lại chính là chỗ mạnh của cách-mạng và đó là chỗ then chốt quyết-định thắng bại. Thực dân cố tìm cách che giấu chỗ yếu của mình, nhưng càng che giấu, càng để lộ cái muốn che giấu ; sau cùng, những huyền thoại được bày ra để che giấu lại tạo điều-kiện đánh đổ thực-chất và tiêu diệt huyền-thoại. Huyền-thoại tự xây mồ chôn mình và mồ chôn luôn cả chế-độ thực-dân. Đó là số phận những huyền-thoại của chủ-nghĩa thực dân, đồng thời cũng là số phận của chính chế-độ thực dân. Tháng 5-1963 CHƯƠNG I : THỰC-CHẤT CỦA CHẾ-ĐỘ THỰC-DÂN I. THỰC-CHẤT TRONG cuộc chiến-tranh Việt-Pháp vừa qua, tôi đã có nhiều dịp thảo-luận với một số người Pháp về cuộc tranh đấu giành độc-lập của người Việt-Nam bằng võ-lực. Tôi còn giữ một cảm-tưởng sâu-đậm qua nhiều buổi thảo-luận này là không thể làm cho những người Pháp đó hiểu được vấn đề, mặc dầu, những người Pháp tôi đã gặp là ở nước Pháp, rất nhiều thiện-chí và đôi khi giàu lòng quảng-đại nữa, chứ không phải là hạng người Pháp thực-dân ngoan-cố, vị-lợi. Họ không thể nhìn thấy thực-chất vấn-đề thuộc-địa vì tâm-trí họ bị đầu-độc bởi những hình-ảnh, lý-luận, hệ tư tưởng mà tôi gọi chung là « những huyền-thoại »1của chế độ thực-dân. Nhưng khi họ giác-ngộ, những người Pháp đầy thiện-chí và giàu quảng-đại đó sẽ không ngần-ngại về phe chúng ta và tranh-đấu ủng-hộ lý-tưởng của chúng ta như trường-hợp François Mauriac chẳng hạn. Tuy nhiên, chính François Mauriac cũng đã thú-nhận, sự giác-ngộ thật rất khó-khăn, khi cả đời đã chỉ được dạy-dỗ ở nhà trường, đã chỉ được đọc, nghe những sách-vở báo-chí trình bày thuộc địa qua những « huyền-thoại ». Do đó, trước một bất-lực không thể « giác-ngộ », người Pháp tôi thường thầm nghĩ rằng chỉ có một cách làm cho họ hiểu là « Đánh ». Chế-độ thực-dân đã thành-hình và được duy-trì bằng bạo-động, thì cũng chỉ có thể bị tiêu-diệt bằng bạo-động và khi thực-chất đã bị tiêu-diệt thì những « huyền-thoại » cũng tất-nhiên đổ vỡ. Lúc đó họ sẽ hiểu. Ngày nay, trên thế-giới, vấn-đề thuộc-địa đã hầu như trở thành một sự-kiện lịch-sử. Nói đúng hơn, công-cuộc giải-thực (decolonization) về chính-trị đang đi vào giai-đoạn chót và đã bước vào giai-đoạn hai là giải-thực về kinh-tế, xã-hội… Người Âu-châu bây giờ đã hiểu, không ai còn nói tới hay dám bênh-vực chế-độ thực-dân bằng những « huyền thoại » nữa. Do đó, sự suy-nghĩ về thực-dân và những huyền-thoại của nó ở đây không nằm trong một chủ-đích tranh-đấu nhằm chấm-dứt chế-độ thực-dân và tiêu-diệt « những huyền-thoại » của nó, vì bây giờ, nhiệm-vụ tranh đấu đã hoàn-thành và chế-độ thực-dân không còn nữa. Sự suy-nghĩ dưới đây chỉ là một nỗ-lực nghiên-cứu về một vấn đề văn-hóa bao-hàm một ý-tưởng nhân-bản ; do đó, tính chất của công-trình biên-khảo này là một suy tưởng triết-lý, tuy vẫn dựa vào lịch-sử. Tôi có ý nói rằng tôi không phải là một nhà sử-học, nhưng chỉ muốn căn-cứ vào lịch-sử để thử nhìn một vài vấn-đề về con người trong một viễn-tưởng triết-lý, nghĩa là trong những chiều-hướng đụng tới những khía-cạnh sâu xa và trường-tồn nhất của con người. * Khi trở lại thời Pháp-thuộc ở nước ta, chúng ta thấy người Pháp đã thường đưa ra những lý-tưởng, những sứ mệnh, những bổn-phận rất cao-cả, linh-thiêng để biện-hộ cho chế-độ thuộc-địa của họ. Người Việt-Nam sáng-suốt, ngay trong thời-kỳ nô-lệ đều biết đó chỉ là lừa-bịp và không thể tin được. Nhưng chưa ai đi sâu vào vấn-đề thuộc-địa về phương-diện hệ-tư-tưởng của họ. Nói cách khác, chưa có một công-trình nghiên-cứu để xem xét những hệ-tư-tưởng ấy chỉ là « huyền-thoại » mà thực-dân đề ra đã góp phần vào việc bảo-vệ, củng-cố, duy-trì chế-độ thực-dân, đồng thời một mặt khác, xét xem chính những « huyền-thoại » đó, ngược lại, đã tạo những điều-kiện lũng-đoạn đưa tới chỗ đánh-đổ chế-độ thực-dân và do đó, đưa tới chỗ huyền-thoại tự tiêu-diệt như thế nào. Đặt trong viễn tưởng đó, vấn-đề thật đáng cho ta chú-ý tìm-hiểu. Tại sao chế-độ thực-dân có những huyền-thoại ? Phải chăng, một cách sâu-xa hơn nữa, chế-độ thực-dân, trong dự-phóng căn-bản của nó, bó-buộc phải tạo ra huyền thoại ? Dự-phóng căn-bản là cái làm cho chế-độ thực-dân có thể tồn-tại và tồn-tại theo yếu-tính của nó. Yếu-tính của chế-độ thực-dân là gì, lát nữa tôi sẽ xin bàn tới. Định-nghĩa một cách hình-thức, yếu-tính là cái xác-định một sự, một vật là nó và không thể là khác mà không tự phủ-nhận. Vậy có phải yếu-tính hay thực-chất của chế-độ thực-dân là gắn liền với huyền-thoại ? Tại sao ? Từ vấn-đề chủ-chốt đó, có thể suy-nghĩ tới những vấn-đề liên-hệ : Những huyền-thoại đã được thành hình thế nào ; chế-độ thực-dân ở Việt-Nam có những huyền-thoại gì và sau cùng những huyền-thoại phải đi tới chỗ xụp-đổ làm sao ? Có một biện-chứng thực chất huyền-thoại và có thể căn-cứ vào lịch-trình của biện chứng đó để tìm hiểu lịch-sử chế-độ thực-dân Pháp ở Việt Nam qua những giai-đoạn chinh-phục, duy-trì, phát-triển và suy-sụp của nó. Điều làm cho ta chú-ý khi tìm-hiểu những huyền-thoại của chủ-nghĩa thực-dân là ở giai-đoạn chinh-phục, lúc người Pháp mới sang, chưa thấy nói tới sứ mệnh, bổn phận gì cả. Vấn-đề ý-thức-hệ, chủ-nghĩa về thực-dân chỉ đặt ra sau này. Cũng như chế-độ tư-bản : khi chế-độ này ra đời, có một lý-thuyết, chủ-nghĩa gì đâu. Mãi về sau, khi cần phải biện-hộ để tự-vệ và tồn-tại, mới dần-dần nảy ra một lý thuyết và do đó, biến tư-bản thành một hệ tư-tưởng, một chủ-nghĩa. Nhận-xét trên đưa chúng ta tới một quyết-đoán quan trọng trong việc tố-cáo « tính-cách phi giá-trị » của những chủ-nghĩa tư-bản và thực-dân : Khi những chế-độ tư-bản và thực-dân ra đời, chúng không phải đã xuất-phát từ những lý-thuyết, chủ-nghĩa, vì đã rõ, những lý-thuyết, chủ-nghĩa này đã chỉ có về sau này. Do đó, chúng ta dễ-dàng nhận ra bộ mặt thực của chế-độ tư-bản hay thực-chất của chế-độ thực-dân là con đẻ của chế-độ tư-bản khi nó chưa được che đậy, quét vôi sơn bóng bằng những hệ-tư-tưởng chỉ là « huyền-thoại ». Lịch-sử chế-độ thực-dân Pháp ở Việt-Nam, có thể chia làm 2 thời-kỳ : - Thời-kỳ thứ nhất : Từ lúc người Pháp sang xâm-lăng và đặt nền thống-trị ở Việt-Nam cho đến 1945. Lúc đầu, họ để lộ thực-chất của thực-dân. Rồi vì nhu-cầu tự biện-chính để chống lại với những phong-trào chống Pháp dần-dần những « huyền-thoại » được tạo ra… - Thời-kỳ thứ hai : Lúc người Pháp định trở lại hồi 1945- 1946… lại để lộ bộ mặt thực của thực-dân ; và đương-nhiên, những huyền-thoại trước 1945 tan biến… Từ 1949-1950, với lá bài Bảo-Đại và sự-kiện quân Trung-cộng tiến tới biên-giới Hoa-Việt, những « huyền thoại » mới ra đời để biện-hộ cho cuộc chiến-tranh mà những người Pháp tiến-bộ hồi đó gọi là một « chiến-tranh bẩn-thỉu » (sale guerre) : Nào là bảo-vệ tự-do, dân-chủ, nào là bảo-vệ văn-minh Thiên-chúa-giáo. Nào là sứ-mệnh của một « Thập-tự-quân » mới, để chống lại dã-man, mọi rợ hay lý-tưởng huyền-bí của một thứ « Thánh-chiến », v.v… 1954 : Mọi sự sụp-đổ. Chế-độ thực-dân cáo-chung. Hết huyền-thoại… Như thế đã rõ là khi người Pháp xâm-lăng đặt nền thống-trị và khi họ trở lại để tái chiếm, duy-trì sự thống-trị, họ không làm vì những mục-đích, lý-tưởng mà chỉ sau này họ mới tạo ra. Nhưng họ đã thực-hiện dự-phóng thuộc-địa theo đúng cái thực-chất của chế-độ thực-dân. Vậy thực-chất của chế-độ thực-dân là gì ? 1) BẠO-ĐỘNG ĐỂ XÂM-LĂNG Thực-dân là hành-động khai-thác bóc-lột kinh-tế bằng bạo-động ; do đó, tự bản-chất, nó là một tội-ác, một phi luân dù các nhà thực-dân hay các học-giả phương Tây có cố nặn ra những pháp-lý, luân-lý để biện-hộ cho nó cũng không che-đậy nổi cái thực-chất bất-nhân của nó, vì một lẽ rất giản-dị là những người đi thực-dân bất-chấp những luân lý, pháp-lý trên, và trong thực-tế, vẫn hành-động theo thực-chất của chế-độ thực-dân. Cho nên những lý-thuyết, luân-lý, những cuộc thảo-luận về tính-cách hợp-pháp, hợp-lý của chế-độ thực-dân hoàn toàn là những nguyên-tắc và vô-ích trong lịch-sử chế-độ thực-dân, không bao giờ những nguyên-tắc pháp-lý, luân-lý về thực-dân được tôn-trọng, thực-hiện ; không những vô ích mà còn tai hại nữa vì nó trở thành những « huyền thoại » mà bọn thực-dân lợi-dụng để che-đậy tính-cách phi luân và bất-nhân hành-động thực-dân của họ. Nhưng cũng có những quan cai-trị thực-dân đủ can-đảm nói thẳng ra cái thực-chất của chế-độ thực-dân. Augagneur viết : « Chúng ta hãy nên thẳng-thắn, cương-trực, chúng ta phải lột cái vỏ giả-dối đi : thực-dân là một việc làm vụ-lợi và không bao giờ là việc làm nghĩa-cử ». Maurice Violette cũng nói : « Chủ-trương rằng hiện-tượng thực-dân là do một ý tưởng vô-vị-lợi đem reo-rắc văn-minh chỉ-đạo là một giả hình ». Albert Sarraut, một tay thực-dân nổi tiếng là khéo-léo cũng phải thú nhận : « Thực dân, đó là một hành-động bằng võ-lực, vị-lợi, ích-kỷ, do người khỏe đè-nén người yếu ». Khi nói đến chế-độ thực-dân ở Việt-Nam, Philipe Devillers đã phơi-bày thực-chất của nó như sau : « …Chính vì một mục-đích kinh-tế mà người Pháp đã đến chiếm-cứ Việt-Nam. Điều đó thấy rõ trong mọi bản văn của thời-kỳ thuộc-địa, của Pallu, Grammont, Vial Aubaret, trong những thư-từ và bá-cáo của các quan cai-trị và bộ trưởng. Gần ta hơn, một đại-diện có thẩm-quyền trong các giới kinh-tế. Ông Paul Bernard, mà hai cuốn sách của ông đã là một phân-tách sáng-suốt nhất về những vấn-đề kinh tế Việt-Nam, cũng viết : Mặc dầu người ta muốn làm ra vẻ sao nhãng, nhưng thực ra không thể chối cãi được rằng mục-đích cốt-yếu của thực-dân trước hết là một mục-đích vật-chất. Mẫu-quốc phải tìm ở thuộc-địa : một chỗ giải-tỏa số dân đông-đúc và một chỗ tiêu-thụ số hàng-hóa sản-xuất quá dư ; một chỗ để đặt vốn ; một nơi cung-cấp những nguyên-liệu cần cho kỹ-nghệ hay những thực-phẩm mà đất mẫu-quốc không có ». 2 Lời giải-thích của Paul Bernard cho ta thấy hiện-tượng thực-dân gắn liền với chế-độ tư-bản ; hay nói một cách khác nó là con đẻ của chế-độ tư-bản. Ở đây, thiết-tưởng nên phân-biệt chế-độ thực-dân thoát thai từ chủ-nghĩa tư bản khác hẳn với công-cuộc thực-dân đã xẩy ra trong những thời-kỳ lịch-sử trước khi có chế-độ tư-bản vì những lực-lượng kinh-tế thúc-đẩy những chế-độ thực-dân đó không giống nhau. Cho nên như Baby nói : « Phải tránh sự so-sánh hời-hợt không làm cho ta hiểu được nội-dung mới của việc bành-trướng thực-dân ở thời-kỳ đế-quốc, nghĩa là ở thời-kỳ tư-bản độc-quyền ». 3 Trong đà phát-triển của chế-độ tư-bản, người ta nhận thấy một khuynh-hướng tất-yếu tập-trung tư-bản và do đó, tập-trung sản-xuất. Càng sản-xuất nhiều, càng đòi-hỏi sự tập-trung thành những xí-nghiệp lớn. Kết-quả là những xí- nghiệp lớn này nắm giữ độc-quyền ít hoặc nhiều ngành sản xuất. Chế-độ tư-bản chuyển từ tự-do cạnh-tranh sang độc quyền. Sự phát-sinh ra hiện-tượng độc-quyền là một định luật nội-tại của chế-độ tư-bản. Bắt đầu chớm nở từ cuối thế-kỷ XIX, giai-đoạn độc-quyền trở thành rõ-rệt từ đầu thế-kỷ XX, nhất là sau cuộc khủng-hoảng 1903 khi mà « các liên-đoàn » (cartels) trở nên một trong những cơ-sở của toàn-thể sinh-hoạt kinh-tế. Chủ-nghĩa tư-bản biến thành chủ-nghĩa đế-quốc. Một nhu-cầu của tư-bản độc-quyền, nhu-cầu giải-thích việc đi chiếm thuộc-địa, là phải giữ lấy càng nhiều càng hay những nguyên-liệu và thị-trường ; những nguyên-liệu và thị-trường đã biết là có hay những nguyên-liệu và thị trường có thể khai-thác và mở-mang về sau được. Vậy các nước tư-bản Âu-châu, khi bước vào giai-đoạn độc-quyền, cũng là lúc chia nhau và tranh nhau đi chiếm thuộc-địa một cách gay-gắt và quyết-liệt hơn thời-kỳ tư-bản tự-do, cạnh tranh. Trong thời-kỳ này, việc đi tìm thị-trường hay thuộc địa thường chỉ do những « sáng-kiến tư-nhân » được sự trợ cấp và ủng-hộ ít nhiều của chính-quyền, nhà nước. Nhưng sang giai-đoạn tư-bản độc-quyền, vấn-đề nguyên-liệu, thị trường trở thành một vấn-đề sống còn của sự phát-triển kinh-tế tư-bản, cho nên những thế-lực tư-bản phải gây áp lực vào chính-quyền, để biến hẳn việc đi chiếm thuộc-địa thành một chính-sách quốc-gia. Như thế có nghĩa là hiện-tượng thực-dân thực-chất là khai-thác kinh-tế và chủ-yếu là do ý-chí quyết-tâm xâm chiếm của nước đi thực-dân bằng điều-đình, võ-lực, chứ không phải do những vụng-về, lỗi-lầm của nước bị xâm chiếm. Cuộc xâm-lăng Việt-Nam của người Pháp cũng không thoát ra ngoài quy-luật chung đó. Ông Lê-thành-Khôi đã viết : « Cuộc xâm-lược của người Pháp chia thành nhiều giai đoạn tương-xứng với những thời-kỳ phát triển của tư-bản Pháp và chỉ đứt-quãng bằng những năm rỗng do những biến-cố nội-bộ. Nếu chính-phủ đã giữ một vai trò trội-bật, sự bành-trướng thuộc-địa cũng là do sáng kiến của những cá-nhân hoặc là sĩ-quan ham hoạt-động, hay là thừa-sai muốn chinh-phục một xứ phương-Đông cho nước Chúa mở rộng. Chỉ từ 1880, khi tư-bản tiến sang giai-đoạn độc-quyền và lúc bắt đầu có sự chia rẽ thế-giới thành những vùng khai-thác, Chính-phủ Paris, chịu ảnh-hưởng những giới kỹ nghệ và tài-chính, mới đem thực-thi một chính-sách thuộc địa hẳn-hoi ». 4 * Thiết-tưởng không một người Việt-Nam nào, khi tìm hiểu những nguyên-nhân cuộc xăm-lăng của người Pháp, lại nghĩ rằng người Pháp không có ý chiếm đất nước mình và sở-dĩ họ phải chiếm là vì dân-trí ta kém, binh-lực ta thô-sơ, hay là vì những vụng-về, chật-hẹp trong đường-lối ngoại giao của vua quan ngày xưa… Thực ra, chúng ta không chối những sự-kiện trên đã là dịp, cớ cho người Pháp xâm-lăng, nhưng chúng ta quả quyết nguyên-nhân chính thúc-đẩy người Pháp đặt nền đô- hộ ở Việt-Nam là ý-chí muốn chinh-phục đất-đai, nguồn-lợi bằng bất cứ cách nào, thương-lượng hay võ-lực, miễn là đạt được mục-tiêu thì thôi. Những nhà viết sử không phải mất công bao nhiêu để tìm-kiếm những bằng-chứng vì những bằng-chứng đó rất dễ tìm ra. Người Pháp cũng như người Âu-châu nói chung làm gì cũng có giấy tờ, ghi chép lại như thư-tín, báo-cáo, tham luận ở quốc-hội… và còn có đức-tính là biết giữ-gìn cẩn-thận những sử-liệu đó. Hơn nữa, sau một thời-gian nào đó, họ cũng sẽ can đảm cho công-bố trắng-trợn những thâm-ý, chủ-đích, sự thật về những biến-cố, hành-động mà họ đã chưa thể nói thật khi những sự việc đó còn là thời sự… Căn-cứ vào những văn-kiện mà một vài nhà viết sử có uy-tín đã dẫn-chứng trong các cuốn sử về Việt-Nam của họ mới xuất-bản gần đây 5, người ta dễ-dàng nhận rõ cái ý định nhất-quyết chiếm thuộc-địa, mở thị-trường của các cường-quốc Âu-châu, đặc-biệt là sau chiến-tranh nha-phiến. Cái ý-định vẫn có và không thay-đổi ; nhưng có lúc các chính-phủ Âu-châu tạm đình-chỉ những mưu-toan xâm chiếm vì những khó-khăn nội-bộ và có lúc thì quyết-liệt mưu-toan xâm-chiếm. Chính vì thế mà nẩy ra khuynh hướng giải-thích những cuộc chiến-tranh xâm-lăng là do « sáng-kiến địa-phương » (initiatives locales) và đặt chính phủ trước một sự thể đã rồi, chớ chính-phủ không chịu trách-nhiệm gây ra chiến-tranh. Chẳng hạn, việc quân Pháp ra đánh chiếm Bắc-kỳ lần thứ nhất. Luận-điệu trước kia vẫn cho rằng nguyên-nhân cuộc xung-đột này chỉ vì sự vụng-về của chính-quyền Nam-triều ở Hà-Nội và thái-độ thiếu khôn ngoan của Jean Dupuis – tên lái buôn và Francis Garnier. Nhưng sự thực hành-động của Dupuis chỉ là dịp mà Đề đốc Dupré đại-diện chính-phủ Pháp ở Nam-kỳ bấy giờ đang mong đợi để thực-hiện một xâm-lăng mới. Theo Chesneaux 6, những giới thương-mãi Pháp bấy giờ không thỏa-mãn về những cơ-sở buôn-bán đặt theo dọc sông Cửu-Long vì sông nầy khó đi lại. Trong khi đó, nhiều tài-liệu điều-tra do các Phái-đoàn quan-sát của các giới thương-mãi Pháp ở Lyon, Bordeaux, Marseille, đều cho rằng sông Hồng là một đường giao-thông thuận-lợi hơn cả với Trung-Hoa. Nhưng hiện những cửa sông ngòi Bắc-kỳ chưa mở cho lái-buôn Pháp đi lại. Vậy phải làm sao duyệt lại, bằng thương-thuyết hay võ-lực, thỏa-hiệp 1862. Dupré tán thành ý-kiến đó nên viết thư về Paris : « Việc chúng ta chiếm đóng một xứ ở cạnh nước Tàu, một xứ là cửa ngõ tự-nhiên của những tỉnh Miền Nam nước Tàu, theo tôi nghĩ là một vấn-đề sống chết cho tương-lai nền thống-trị của ta ở Viễn-Đông ». Sau khi xẩy ra vụ lôi-thôi do Dupuis gây nên ở Bắc-kỳ, Dupré sai Francis Garnier ra Bắc, mục-đích chính không phải là để dàn-xếp vụ Dupuis mà là để « bảo-vệ sự buôn bán bằng cách buộc phải mở xứ sở và sông ngòi cho mọi nước đi lại, dưới sự bảo-hộ của nước Pháp ». Như thế đã rõ là Pháp muốn chiếm Bắc-kỳ như bức điện lần thứ hai Dupré đánh về Paris đã chứng minh : « Xứ Bắc-kỳ đã mở cửa nhờ công-trình của Jean Dupuis vì tàu-bè của ông ta đã ngược sông Cái đến tận biên-giới Vân-Nam. Hậu-quả không thể lường được trong giới thương mại Anh, Đức, Mỹ. Tuyệt-đối cần thiết phải chiếm Bắc-kỳ trước khi xứ này có thể bị Trung-Hoa hay các nước Âu-châu khác xâm-chiếm mất, để đảm-bảo cho nước Pháp con đường độc-nhất này. Không xin viện-trợ gì cả. Tôi sẽ thực hiện bằng những phương tiện riêng của tôi. Thành-công đảm-bảo ». 7 Trong việc này, chính-phủ Pháp đúng thực là chưa muốn « thôn-tính Bắc-kỳ » ngay theo công-điện gửi cho Dupré : « Không được làm cho nước Pháp dây-vào việc xứ Bắc-kỳ vì bất-cứ một lý-do hay nguyên cớ gì ». Sở-dĩ như vậy là vì nước Pháp vừa thua trận (1870), đệ-tam cộng-hòa vừa khai-sinh, còn bận lo chấn-hưng kinh-tế, chỉnh-trang nội bộ ; tướng-lãnh còn lo tìm cách trả thù Đức hơn là đi viễn chinh, cho nên chính-phủ dè-dặt và không muốn bành trướng thêm thuộc-địa. Nhưng không phải vì thế mà chính phủ Pháp không còn ý muốn bành-trướng thuộc-địa. Chính sách của chính-phủ Pháp về thuộc-địa ở thời-kỳ xâm-lăng cũng như sau này ở thời-kỳ cai-trị, đều để cho những người đại-diện của họ ở thuộc-địa một tự-do khá rộng-rãi để hoạt động. Chỉ-thị của Paris thường chỉ tổng-quát như sau : « Cố giữ thuộc-địa và nếu được, phát-triển thêm. Miễn là làm sao không để mất thuộc-địa ». Thành ra, tuy việc đánh Bắc-kỳ lần thứ nhất là do « sáng-kiến địa-phương » nhưng những sáng-kiến địa phương đó vẫn nằm trong chiến-lược chung về thuộc-địa của chính-phủ Pháp : Dupré tự làm hay chính-phủ Pháp bảo làm thì có thay đổi gì trách-nhiệm về việc làm vì Dupré cũng là chính-phủ. Do đó, sự phân-biệt ở đây chỉ là một thủ-đoạn chiến-thuật mà chính-phủ có thể lợi-dụng để lẩn tránh phần nào trách-nhiệm khi « sáng-kiến địa-phương » không thành công… Nhưng việc đánh Bắc-kỳ lần thứ hai, thì quả là do chính phủ Pháp ra lệnh, không còn phải do « sáng-kiến địa phương » nữa. 10 năm sau cuộc phiêu-lưu ra Bắc-kỳ lần thứ nhất, nước Pháp đã trở nên thịnh vượng 8. Tư-bản cạnh-tranh nhường bước cho tư-bản độc-quyền. Năm 1880 đánh dấu cuộc khai sinh của chủ-nghĩa đế-quốc. Những nhà lý-thuyết thực-dân xuất-hiện như Leroy Beaulieu, tác giả cuốn « De la colonisation chez les peuples modernes », tác-dụng mãnh liệt vào tâm-trí những giới kỹ-nghệ thương-mại và chính quyền. Nhu-cầu tìm thị-trường trở thành gắt-gao. Trong một bài diễn-văn có thể coi như bản tuyên-ngôn của chủ nghĩa đế-quốc, Jules Ferry đã tìm ra những lý-do biện-minh cho việc đi chiếm thuộc-địa : về kinh-tế, cần thị-trường, nguyên-liệu ; về quân-sự, cần hải-cảng để phòng-thủ và tiếp-tế và sau cùng là vì uy-tín quốc-tế… Xứ Bắc-kỳ lúc đó làm cho thực-dân thèm-thuồng không những vì nó ở cạnh nước Tàu, mà vì còn có nhiều mỏ. Một « Sở Than Đông-Dương » được thành-lập… Tuy-nhiên, nước Tàu không nhận thỏa-hiệp 1874, loan-báo cho chính-phủ Pháp biết họ không chịu một sự thay-đổi nào khác nữa ở Bắc-kỳ. Gambetta bất-chấp. Khi nghe tin nhà vua sắp nhượng những mỏ than Hòn-Gai cho một công-ty Hoa-Anh, Gambetta cho lệnh Le Myre de Vilers, thống-đốc Nam-kỳ gởi viện-binh ra Bắc-kỳ. Henri Rivière ra Bắc với sứ-mệnh « bảo vệ kỹ-nghệ và tài nguyên » để « tìm ra những biện pháp đảm-bảo quyền-lợi nước Pháp ». Lần này như Chesneaux viết 9người ta không cần tạo ra một vụ lộn-xộn Dupuis khác, vì khi vừa tới Hà-nội, Rivière đã tuyên-bố « bị những sửa-soạn gây chiến đe-dọa » của người Việt-Nam và đánh chiếm thành… Cũng không thể đổ lỗi cho Rivière vụng-về đã gây chiến vì trước khi ra Bắc, chính-phủ Pháp quyết định bành-trướng thuộc-địa như hai đạo-luật sau đây được bỏ thăm và chấp thuận : Điều 1 : Cho Bộ Thủy-quân và Thuộc-địa một khoản tiền bổ-túc ngân-sách năm 1883 là 5 triệu ba trăm ngàn quan. Khoản tiền này sẽ được xếp ở phần 2, khoản thuộc địa, chương 9, khoản Bắc-kỳ. Điều 2 : Việc cai quản tối-cao sẽ được giao cho một Tổng Ủy-viên dân-sự của nền Cộng-hòa, có trọng-trách tổ chức-nền bảo-hộ. Đương-nhiên, chính-phủ Pháp quyết-định đặt nền bảo hộ mà không cần hỏi ý-kiến nước bị bảo-hộ như một nghị-sĩ đã phản-đối trong một phiên-họp của nghị-viện : « Như thế nghĩa là gì ? Phải gọi cách cư-xử như thế là gì ? Cách dúng tay vào việc cai-trị một xứ không thuộc về mình, một xứ chưa chịu nhượng-bộ hay bị chinh-phục ? Có phải các ông muốn thay-thế quyền-bính Việt-Nam bằng quyền-bính nước Pháp không ? »10 Làm sao nói rằng nước Pháp không muốn chiếm Bắc-kỳ khi chính-phủ Pháp chấp-thuận ngân-sách cho cuộc viễn chinh ở Bắc-kỳ ? Rồi đến việc bắn phá cửa Thuận-An. Cũng không phải là do De Courcy chưa hài lòng về hiệp-ước 1884 mà là do nước Pháp muốn chiếm luôn cả Trung-kỳ cho trọn vẹn như điện-tín của Bộ-trưởng Freycinet gửi cho Courcy : « Tôi cũng đồng ý với ông là không thể không trừng-trị thái-độ của Bộ-trưởng Chiến-tranh An-nam… khi viện-binh đã đến. Nhưng trước khi biểu-dương lực-lượng, ông hãy cho Triều-đình biết chúng ta không thể để cho Thuyết ở mãi ghế Phụ-chánh. Chỉ sau một thời-gian chờ-đợi, nếu ông không tiếp được thư trả lời có thể chấp-nhận được, lúc đó sẽ thi hành những biện-pháp quân-sự mà ông đã đề-nghị… » Được đảm-nhiệm thi-hành một chính-sách xâm-lược cố tình, người ta thấy De Courcy ngày 3-7-1883 đã đem quân đến Huế với một thái-độ khiêu-khích như thế nào và ai là người trách-nhiệm gây chiến. 2) MỘT CÁI THƠ ĐÁNG ĐỌC Trong Nam-Phong, số 33, có đăng một bài luận-thuyết dài của Tổng-đốc Thân-trọng-Huề nhan-đề : « Một cái thơ đáng đọc ». Trong bài, quan Tổng-đốc trích một bức thư của Le Myre de Vilers. Nguyên-soái Nam-kỳ, gửi cho Dực-Tôn làm tài-liệu để chứng-minh người Pháp không hề có ý xâm- chiếm Việt-Nam. Trong thư Le Myre de Vilers phàn-nàn vì Triều-đình bất-lực để trộm cướp hoành-hành, pháp-luật không được tôn-trọng, quan-lại tham-ô, dân-chúng nghèo khổ. Ngoài Bắc thì người Pháp đi lại không được bảo-vệ an ninh. Nước Pháp không thể để cho một tình-trạng như vậy kéo dài mãi được và bó-buộc phải dùng đến những biện pháp thích-nghi để bảo-vệ sự an-ninh của người Pháp. Tuy nước Pháp không muốn chiến-tranh, nhưng nếu phải dùng đến võ-lực, là chỉ vì bó-buộc mà thôi. Đấy là một tối-hậu-thư trong đó Le Myre de Vilers đưa ra những cớ « cổ-điển » mà mọi tối-hậu-thư của kẻ mạnh muốn đàn-áp kẻ yếu từ xưa đến nay vẫn dùng, để thôn tính nốt Bắc-kỳ và Trung-kỳ. Nhưng Tổng-đốc Huề, tay sai của Pháp đã giải-thích và bênh vực quan thày như sau : Lập-luận của quan-đốc là cho rằng những nguyên-nhân chính làm cho Tây lấy An-nam là do người An-nam. Trước hết là do tình-trạng suy-đồi của nước An-nam : Pháp-luật không được tôn-trọng, trộm cướp khắp nơi, chỗ nào cũng thấy trật-tự rối-loạn, những người có nhiệm-vụ bênh-vực dân mà bác-tước dân, rồi sau cùng là tài-sản hư hao, dân-tình cát-cứ… Đó là những cớ suy-đồi thuộc về nội chánh, chỉ khi nước Đại-Pháp bảo-vệ rồi, mới dẹp yên trộm cướp, vãn-hồi trật-tự ; điều đó chứng-tỏ nước Pháp cần can-thiệp như thế nào. Về ngoại-giao, các quan ta không biết luật ngoại-giao cho nên không biết đối-xử với sứ ngoại-quốc, không biết bỏ cái lễ-nghi của mình là nước bán-khai để theo lễ-nghi của người ta là nước văn-minh mà tiếp đón theo lễ-nghi của họ, cho nên, « lấy cách đãi trẻ con mà đãi người trưởng-thành thì người ta lấy làm nhục », không biết bảo-vệ người Pháp đi lại trong nước, dùng người Tàu, đi lại với họ sau khi đã ký hòa-ước với Pháp, dùng quân Cờ-đen là thất-sách, vì nếu trong nước không yên thì nhờ bảo-hộ, thế mà lại đi cầu cứu nước Tàu, làm mất lòng người Pháp. Rồi chính Triều-đình chẳng coi hòa-ước ra gì ; chỉ có Tây trọng và giữ, còn vua ta « xếp hòa-ước lại một nơi, để trong tủ Viện Cơ-mật », quan lại nhiều người không biết nước mình đã ký-kết với người Pháp. Chính vì những lỗi đó mà chính-phủ Pháp, người ta buộc lòng phải can-thiệp. Rồi quan-đốc tiếp-tục bênh vực tại sao người Pháp phải can-thiệp ở Bắc-kỳ qua những vụ Dupuis, Garnier, Rivière. Kể từ việc lần đầu tiên Pháp giúp Nguyễn-Ánh cho đến các lần xung-đột, chiến-tranh về sau, đối với quan-đốc, sự can thiệp của nước Pháp bao giờ cũng là vì « ngẫu nhiên cả » chứ nước Pháp không hề cố-ý chiếm-cứ Việt-Nam. Nhưng sở-dĩ phải can-thiệp là vì bó-buộc. Chẳng hạn, vì vua quan bắt-bớ các cố-đạo, không cho người ta tự-do truyền-giáo. Việc Garnier đánh Bắc-kỳ, niêm-yết hiểu-thị, bất-chấp luật lệ của ta, quan-đốc cũng phải nhận là làm bậy, trái với « quốc-tế công-pháp » nhưng quan-đốc lại bào-chữa cho Garnier : « còn trẻ tuổi, cho nên hành-động không được cẩn-thận ». Nhưng sở-dĩ ta thua là quân lính kém quá, Tây có 90 người mà lấy được thành Hà-Nội : « Xưa nay chưa thấy ai đến nước người ta, có ít quân lính mà lấy được thành dễ như vậy. Nghĩ đến lúc đánh giặc ở Bắc-kỳ như trò chơi trẻ con, kẻ học sử không hiểu lúc bấy giờ nước ta tổ-chức thế nào mà yếu đến thế ». Rồi khi nói đến chỗ De Courcy vào Triều không được mang gươm và chỉ mình Toàn-quyền được đi cửa giữa, còn các quan hầu phải đi cửa bên theo lễ-nghi của ta, De Courcy nói : « Không những tôi muốn các quan theo tôi đi cửa giữa, mà quân lính theo tôi cũng đi cửa giữa », quan đốc cũng cố bào-chữa cho De Courcy là không biết cách giao-thiệp của ta thôi, nhưng lòng ông vẫn chân-tình, như khi De Courcy không thèm nhận lễ-vật vì ông là « quan binh không biết lễ tặng » mà thôi… Sáng hôm sau, cờ Tam-tài đã được kéo trên kỳ-đài thành Huế. Tôn-thất-Thuyết đưa Hàm-Nghi đi trốn, Quan Tổng-đốc bình : « Ông Tôn-thất-Thuyết làm việc đêm mùng 4-7 rất giở. Nước Nam đã ký hiệp-ước bảo-hộ với Pháp mà khi Toàn quyền sang bảo-hộ nước Nam chưa yết-kiến Vua mà Vua đã bỏ chạy thì bảo-hộ ai. Người Pháp nói ông Thuyết không ưng bảo-hộ cho nên làm như vậy. Nhưng ông không ưng bảo-hộ là tình riêng của ông, ông không được phá tờ ước Vua đã duyệt-y. Có người nói ông sợ Toàn-quyền De Courcy bắt ông nên làm liều. Nhưng tại sao ông không sang bên Toàn-quyền mà giải-thích, biết đâu Toàn-quyền vẫn để ông làm Phụ-chánh, và nếu ông không được làm Phụ-chánh đi nữa, thì ông từ chức là thường tình khi không ưng-thuận một chánh-sách. Vậy tại sao vì việc riêng mà hại việc nước. Có người nói ông có tài dụng-binh, nhưng thực ra chỉ là hư danh : trước làm Tổng-đốc Bắc-Ninh, có bắt được vài đảng cướp, việc ấy ai cũng làm được. Khi về Triều, chức-tước tuy to, mà không làm được việc chi, chỉ lập được mấy đội « phấn-nghĩa » để đi theo võng ông. Rút lại, ông là người vô-học, tuy biết chữ mà không học-thức, chẳng may làm đến Phục-chính, cho nên làm bậy đến nỗi Vua vì ông mà phải mất ngôi, dân vì ông mà phải cực-khổ mấy năm, còn thân ông kết-cục phải bỏ nơi nước khác… » Quan Tổng-đốc kết-luận : « Xem các việc phô tự trên, thì nước Đại-Pháp nguyên không có lòng lấy nước Nam, như ông Le Myre de Vilers đã nói. Năm 1859 đến đánh Nam-kỳ là một sự ngẫu-nhiên ; năm 1873 ông Francis Garnire đã lấy 4 thành ở Bắc-kỳ giao lại là vì chính-phủ không ưng, đến khi tờ ước ngày 6-6-1884 đã định cuộc bảo-hộ rồi, mà dư-luận bên Pháp cũng không muốn lấy nước Nam ». Như vậy là Pháp bảo-hộ nước ta vì bó-buộc thôi. Mọi sự tại ta hết. Bây giờ nhờ công bảo-hộ giáo-hóa, ta mới thấy sự kém-cỏi của ta, và nếu trông vào Đại-Pháp mà chịu-khó học-đòi, bắt-chước, thì may sau này sẽ được tiến-bộ, văn minh tử-tế hơn… 3) BẠO-ĐỘNG ĐỂ DUY-TRÌ THUỘC-ĐỊA Người Pháp chiếm Việt-Nam, đặt nền đô-hộ, không phải để khai-hóa gì cả, nhưng để làm giàu và tìm địa-vị. Chiếm đóng bằng bạo-động, duy-trì sự chiếm-đóng để bóc-lột cũng bằng bạo-động. Đó là cái thực-chất của chế-độ thực-dân và người đi thực-dân như Avesne đã thú-nhận. Anatole France viết : « Trong những xứ dân-chủ, giàu-có là điều thần-thánh nhất. Tại sao tôi nghĩ đến thuộc-địa Đông-Dương của chúng ta khi đọc câu trên ? Là vì những hư-đốn của nền dân-chủ phơi-bày một cách lộ-liễu trắng-trợn ở xứ đó. Chưa bao giờ tôi được nghe nói tới tiền-bạc một cách hèn-hạ đến thế. Những công-tác được đánh giá tùy theo chỗ thu được nhiều hay ít lợi. Người ta ca-ngợi, tôn-trọng và thèm muốn những kẻ chiếm được chỗ : ngồi mát ăn bát vàng, lương-bổng dồi dào ; và khinh-chê những người chỉ làm việc vì bổn-phận mà không màng tưởng đến tiếng kêu loảng-xoảng của đồng-bạc. Trong số những người này, có bao nhiêu người quý-mến thuộc-địa ? Nhiều người, từ bậc thấp nhất đến bậc cao nhất, chỉ coi thuộc-địa như một chỗ tạm-trú, một bậc thang đưa tới những địa-vị Mẫu-quốc. Có người giàu nghị lực và hăng-hái hoạt-động trở thành một nhà cai trị đáng phục. Trong bốn năm, chỉ lo được nổi bật hơn là sáng tạo thực, người đó đã dựng nên cho thuộc-địa những công-trình vội-vã và rất khó hoàn-tất. Người khác là một người dân chủ thành-tín ở các nghị viện bên Mẫu-quốc, nhưng ở đây, thì tay cầm bản tuyên-ngôn nhân-quyền, còn lại chân đá vào đầu tên bản-xứ, bổ thuế tăng gấp ba lần… » 11 Chúng ta có thể soạn-thảo những cuốn sách về chế-độ thực-dân ở Việt-Nam một cách khoa-học để trình-bày đầy đủ 12 chính-sách bóc-lột và những hình-thức cai-trị, đàn áp để duy-trì thuộc-địa của người Pháp bằng cách căn cứ vào chính những tài-liệu của người Pháp vì không thiếu gì những người Pháp đã bày tỏ hoặc tố-cáo thực-chất của chế-độ thực-dân ngay trong thời người Pháp còn thống-trị ở đây. Những người Pháp cho ta biết sự thực về thực-chất của nền bảo-hộ có thể chia thành ba hạng người. Có những người Pháp, thực-dân chính-cống, nhưng cũng lên tiếng tố-cáo « thực-dân ». Chẳng hạn, trường-hợp L. de Monpezat, chủ bút tờ Volonté Indochinoise, tên trùm thực-dân nổi tiếng, có mỏ, đồn-điền ở miền Nam, đã tố-cáo và chống lại chính sách di-dân sang các đảo Thái-bình-Dương (đi Tân thế-giới). Đã hẳn, không phải vì nhân-nghĩa mà bọn này tố-cáo tính cách dã-man của chính-sách di-dân, nhưng vì chính-sách di-dân này đụng đến quyền-lợi của họ. Nếu bắt hết người bắc đi đầy, thì còn dân đâu để bọn họ mộ phu làm đồn-điền hay hầm mỏ… Cho nên như Paul Monet đã vạch mặt họ : « Chủ-trương một chính-sách thống-trị gay-gắt đối với người bản-xứ, ông ta (chỉ Monpezat) tự nhiên cảm thấy như bị một tiếng gọi tông-đồ lôi cuốn khi việc tuyển-mộ cu-li cho những cơ sở ở Thái-bình-Dương đe dọa việc mộ phu cho những cơ-sở Đông-Dương. Ông ta luôn-luôn giữ một thái-độ im-lặng trước những bạo-tàn ở Nam kỳ, nhưng khi mở chiến-dịch bài bác, bằng hết mọi lực-lượng, khi những sự việc không kém trầm-trọng nổ ra ở Tân-thế-giới hay quần đảo Hébrides ». 13 Tuy-nhiên, sự tố-cáo giữa bọn thực-dân với nhau mà báo chí Tây hồi đó phản-ảnh khá đầy-đủ và trung-thành, cũng làm cho ta biết được sự thực mà chính họ vì tranh chấp quyền-lợi đã vạch ra… Có hạng người Pháp, có thể gọi là « thực-dân lý tưởng » như Paul Monet. Họ tin rằng chủ-nghĩa thực-dân là tốt, hợp lý và có lẽ còn cao cả nữa và chỉ tố-cáo những lạm-dụng, vụng-về như thể lạm-dụng, vụng-về bạo-động chỉ là « chẳng may » (par accident) chứ không phải là gắn liền với thực-chất của thực-dân. Họ không hiểu rằng chế-độ thực dân trong bản-chất của nó, là bạo-động và bất-nhân, và những người đi thực-dân phải bạo-động bất-nhân theo một « lô-gic » nội-tại của dự-phóng thực-dân. Do đó, không thể sửa-chữa hay thay đổi vì thay-đổi là phủ-nhận mất cái thực chất của nó. Thuộc hạng này, cũng có những người Pháp tố cáo những lạm dụng, mà vẫn tin ở chủ-nghĩa thực-dân, nhưng không phải vì « lý tưởng » như Monet, mà vì « thực tế, lợi-ích » có thể gọi là thực-dân tế-nhị cao tay (haute politique) chống lại với bọn thực-dân thô-bỉ, hạ-cấp, không biết nhìn xa tính rộng. Họ tố-cáo những lạm-dụng, tội-ác vì biết rằng phạm nhiều quá thì có thể mất thuộc-địa. Họ vì lợi mà tố-cáo, do đó, cũng « vô-liêm-sỉ » không kém bọn thực dân hạ-cấp. Trường-hợp một Albert Sarraut chẳng hạn. Hạng người Pháp thứ ba, tố-cáo chế-độ thực-dân vì lên án nó là vô-nhân-đạo, phi-luân, không phải chỉ vì tố-cáo những lầm-lẫn, lạm-dụng, nhưng nhằm chính chế-độ, chủ nghĩa, tự bản chất của nó là xấu, do đó, phải tiêu-diệt tận gốc, toàn bộ chế-độ. Hạng này thật ít. Có thể kể những người như Francis Jourdan, André Viollis chẳng hạn… Chúng ta hãy nghe một vài minh-chứng của họ. Cái thời thực-dân đen tối hơn cả trong 80 năm đô-hộ có lẽ là quãng từ 1929 đến 1932. Đó là những năm kinh-tế khủng-hoảng, phong-trào cách-mạng chống Pháp dâng cao đến cực-độ, bộ máy đàn-áp, khủng-bố của người Pháp cũng tàn-ác, khốc-liệt hơn bao giờ hết. Đây là thời thực-dân phơi bầy tính-chất bạo-động của nó rõ-rệt hơn cả để duy-trì sự bóc-lột và thống-trị. Cho nên những minh-chứng nổi tiếng và làm xúc-động dư-luận đều là những minh-chứng phản ảnh thời-kỳ này. Trong số những tác-giả Pháp gây được xúc động nhất, chắc hẳn là Bà Andrée Viollis với cuốn « Đông Dương, cấp-cứu » 14. Bà là một nhà báo, đi cùng với phái đoàn Paul Reynaud, Bộ-trưởng Thuộc-địa bấy giờ, sang điều-tra về tình-hình Đông-Dương, đang ở trong một tình trạng khủng-hoảng trầm-trọng. Cuốn « Đông-Dương, cấp cứu » ghi lại những điều mà Bà đã tai nghe mắt thấy : a) BẮT-BỚ, KHỦNG-BỐ « Bà sắp thấy đứa sát-nhân, tên là Huy. Nó bị kết án tử hình và sắp đem xử. Một tên học-trò của trường Borodine ở Canton. Nó mới 17 tuổi : rất khốn-nạn, một con khỉ đực, một ác-thú. « Huy ngẩng mặt lên, khuôn mặt có đôi môi sung vù, trông hãy còn ngây dại một cách thê-thảm, liếc nhìn chúng tôi rồi thôi. Người gác tù lúc-lắc chùm chìa khóa của hắn. Viên công-chức cao-cấp đặt những câu hỏi thường-lệ. Im lặng. Tim tôi đập. Tôi cảm thấy xấu-hổ, khó chịu… Bàn tay bị treo lên kia có những ngón tay dần-dần nắm lại, làm thành quả đấm cứ ám-ảnh tôi mãi. Viên Giám-đốc cúi xuống, nhếch miệng cười : À, thằng nhãi ranh ! Vừa nói vừa đập nhẹ trên đầu đứa trẻ bị kết án. « Không bao giờ tôi quên được cái quật mình đột-ngột của một con vật bị kìm-hãm, cái nhìn đầy căm-thù, hãi hùng, và tiếng kêu khan-khàn, ghê sợ… « Rồi tôi đi tìm-hiểu câu chuyện cả ở phía cảnh-sát, cả ở phía An-nam. Đây là những gì đã xẩy ra hôm 8-2-1931, ngày Huy và các tù tội vừa thăm bị bắt. Một cuộc đá banh vừa xong, dân-chúng ra về. Một nhóm người trẻ tuổi tập họp lại, người thì trương một lá cờ đỏ có búa liềm, người thì lẩn vào đám đông phát truyền đơn ái-quốc. Huy nhẩy lên một chiếc ghế đẩu và bắt đầu nói. Bỗng nhiên, cảnh-binh đến đánh-đập tàn-nhẫn, tiếng kêu, đánh lộn… Người ta nói viên thanh-tra Legrand đẩy ngã diễn-giả và giày đạp anh. Một tiếng súng lục và viên Thanh-tra ngã gục. Nguy-hiểm của nghề-nghiệp. Theo lời viên giám-đốc : Ai bắn ? Không rõ. Huy vẫn nằm dưới đất, bất-tỉnh, những người biểu-tình chạy trốn ; 15 người bị bắt, có cả Huy. Họ cho anh là người tổ-chức và đáng tội hơn cả. Người ta bắt anh tố-cáo các bạn anh, khai các bí-mật của tổ-chức, và tên các học sinh trường Canton. Họ tra-tấn anh. Anh không trả lời, tự cắn đứt lưỡi để khỏi phải xưng. Anh bị kết án tử-hình như là thủ-phạm gây ra án-mạng mà theo nhiều nhân-chứng, anh không thể phạm được. Tôi đang ở Hà-Nội vào ngày 21-11- 1932 là ngày anh bị chém. Người ta đã đợi cho đến khi Bộ trưởng về Pháp để khỏi làm dao-động cuộc tiễn đưa. Sài Gòn xúc-động… đến nỗi phải tuyên-bố tình-trạng thiết quân-luật. Từ nhà giam, vang dội ra thành-phố tiếng kêu gào của những tù chính-trị đã dự buổi xử-tử và đã tiễn đưa đứa trẻ bằng những tiếng thét từ ngực và trái tim họ. Người ta đã phải gọi lính cứu-hỏa và quân-đội… Cái gì đã xảy ra trong những bức tường đó ? Trước máy chém, Huy đã muốn nói, nhưng hai tên sen-đầm nhẩy đè lên người anh. Người ta chỉ hơi nghe thấy tiếng hô bị bóp nghẹt : Việt-Nam. Ôi ! Dân-tộc An-nam. Tiếng kêu mà 13 người tù Yên-Bái đã phát ra trước khi chết. Nhưng Huy, bây giờ cũng như Phạm hồng-Thái, thủ-phạm vụ ám sát ở Canton, và biết bao người khác nữa, từ nay đã có chỗ trong số những chiến-sĩ tranh đấu cho nền độc-lập An-nam ». (Trang 40-41) b) TRA-TẤN « Có những lối tra-tấn cổ-điển như : bớt phần ăn còn có 30 gam gạo một ngày, đánh vào mắt cá, mu bàn chân bằng roi mây ; kìm kẹp vào hai thái-dương để làm cho mắt lồi ra ; treo người lên cách mặt đất chừng vài phân, châm kim vào bên trong móng tay, bắt nhịn nước, đặc-biệt cực-khổ cho những người bị tra-tấn sốt-rét. Có những lối tra-tấn tế nhị hơn, do Sở Mật-thám Chợ-Lớn phát-minh ra như lấy lưỡi dao cạo rạch nhiều đường da bàn chân, rồi nhét bông vào đốt cháy. Dùng từng quãng dây thép quấn như cái mở chai đút vào đường tiểu-tiện rồi rút thật mạnh ra… « Một hình phạt khác tương-tự : Tay bị trói quặt đàng sau lưng, tù-nhân bị đặt nằm trên một cái giường, rồi bất thình-lình kéo thật mạnh cánh tay theo hướng trên, qua đầu cho về vị-trí buông xuôi thường. Kẹp sườn để gây một phản-ứng của bắp thịt mà tù-nhân không còn cảm thấy (vì 99 lần trên 100, tù-nhân thường bất-tỉnh), phản-ứng này làm cho bật máu ra qua lỗ mũi, mồm, tai, hậu-môn. Cách tra-tấn này tù-nhân gọi là « lộn mề gà ». « Sau cùng là một lô những cách tra-tấn bằng điện : « - Cắm một đầu dây điện vào cánh tay, cổ chân, một đầu khác vào chỗ kín, rồi cho điện chạy. « - Nối liền roi bằng dây thép với dòng điện. Mỗi trận đòn bằng thứ roi này làm cho nạn-nhận đau-đớn đến nỗi phải xin tha hoặc thú-nhận… « - Buộc một bàn tay của nạn-nhân vào một dây điện. Mỗi lần cho chạy điện, điện chạy mạnh làm cho nạn-nhân khó lòng chịu nổi quá hai hoặc ba lần. « Đàn bà cũng chịu tra-tấn như trên. Đằng khác, họ còn bị những cực-hình làm cho họ xấu-hổ như bị giam chung với đàn ông. Những thiếu-nữ 16 đến 18 tuổi bị bắt ban đêm và dẫn tới trụ-sở, hiếp-dâm, treo ngược bằng dây buộc vào ngón chân, đánh đập vào đùi và bàn chân, đem để tổ kiến vào chỗ kín, trong khi tay chân bị trói cho đến khi thú nhận… » (Trang 53-54) c) TRẠI-GIAM « Bác-sĩ Z… sắp đi khám sức khỏe cho trại giam cách Vinh 50 cây số có từ 6 đến 800 tù chính-trị. Ông muốn tôi đi theo… Bác-sĩ nói cả tỉnh Vinh hiện nay có tới 2.000 tù chính-trị. Những trại giam xây không kịp và do đó không đủ điều-kiện… « Chúng tôi đến một khu rộng lớn có lính canh gác chung-quanh. Từng dãy nhà lá xếp hàng nối đuôi nhau. Khi chúng tôi vào một trong những căn nhà này, một tiếng kêu van rên-rỉ, đón tiếp chúng tôi đồng thời với một mùi thối tha xông lên và không chịu rời mũi chúng tôi nữa. Phải một lúc mới quen mắt vì nhà tối không có cửa sổ. Tôi nhận ra hai hàng dài tù-nhân, chân bị cùm, ngồi hay nằm sát chặt lấy nhau. Mỗi căn có 200 người. Tất cả đều nhìn chúng tôi bằng con mắt tuyệt-vọng và sốt nóng, vừa giơ bàn tay ra van nài… « Mặt của họ da đen-đét khô và má hóp, môi chảy ra và nứt nẻ, cánh tay thì đầy những mụn lở và vết thương. Hầu hết đều bị ghẻ, hoặc bị rận chấy dầy vò… Cả ngày người ta chỉ tháo cùm cho họ hai lần, mỗi lần mười phút, để lo việc cần. Họ chỉ có quyền rửa mặt mỗi tuần một lần… Trông người họ tiều-tụy đến nỗi nhiều người không chống lại nổi bệnh kiết-lỵ mà hầu hết đều bị. Mỗi sáng, người ta đến lấy những xác chết đem đi. Trung-bình có hai hoặc ba người chết mỗi ngày trong một căn… « Tại sao họ bị bắt ? Họ không thể nộp thuế. Họ đi lên huyện để xin giảm thuế và bị bắt. Bây giờ thì lính tráng đập họ. Họ không biết gì hơn nữa… » (Trang 148) d) ĐẦU-ĐỘC « Chợ-Lớn, thành-phố Tàu, 11 giờ đêm. Chúng tôi ra khỏi một tiệm cơm Tàu… Bỏ những đại lộ và đi vào những ngõ hẻm. Chúng tôi vào tiệm hút mà những người cu-li, phu khuân-vác bến tàu thường đi lại. « Một cánh cửa mở trông vào hàng hiên ; bên trái lối ra vào, có một « ghi-xê » bán ma-túy : 5 hào một hộp 5 gam. Từ ngoài cửa đã ngửi thấy cái mùi hôi-thối làm nghẹn tắc cổ họng. Hàng hiên chạy vòng bên này, vòng bên kia, đưa đến những phòng nhỏ tối om rồi lại ra hiên… Thật là một mê lộ… Tường ám khói, nhớp mỡ làm thành những xó nhỏ. Mỗi người nằm một xó. Không ai động-đậy khi tôi đi qua. Cũng không ai thèm nhìn tôi nữa. Người thì đang hút, chỉ khi họ khẽ hắt hơi mới làm tan sự im lặng. Người thì nằm im, bất động một cách ghê sợ, chân duỗi thẳng ra, tay giơ lên như bị sét đánh bất ngờ. Cũng như tác-dụng của hơi độc hồi chiến-tranh. Những bộ mặt gầy còm để nhô ra những hàm răng trắng hếu, con ngươi mầu đen ngà, mở rộng như nhìn trừng-trừng một cái gì. Mi không chớp, thỉnh-thoảng mới thoáng nhếch mép cười, cái cười bí-mật của người chết trên gò má da xanh xám và khô đét. Thật là một cảm-giác rùng rợn khi đi qua giữa các tử-thi. Ở Pháp, có một tiệm hút hay một vài viên phiện là có thể bị bắt tù vì phạm tội làm suy đồi dòng-giống Pháp. Nhưng ở đây, thuốc phiện bán công khai và mỗi năm làm lợi cho thương-chính giữ độc-quyền 15 triệu bạc. « Một bạn đường người An-nam nói với tôi : Nước Pháp cũng kiểm-soát cả rượu, thứ rượu nấu bậy-bạ, pha nhiều chất-độc để đầu-độc chúng tôi ». (Trang 60-61) e) PHÁP-VIỆT ĐỀ-HUỀ « Một bà Giám đốc trường nữ con gái ở Huế, lái xe ô-tô và làm ngã hai người nhà quê gánh rau vào thành-phố. Họ bị thương nhẹ. Buồn-rầu, bà đang định bồi-thường. Nhưng một viên thanh-tra khố-xanh, nổi-xung vì mấy đứa nhà quê hỗn-xược cả dám đòi tiền của một bà đầm, vừa đánh đập vừa la : « Nếu tao có súng lục, tao giết tụi bay ! Cút đi. Đừng vác mặt đến đây nữa nếu không tao cho biết tay » ! Những người đàn bà tội-nghiệp mất cả gánh rau vội lắt-lè lẩn trốn, mặt đầy máu, nhưng vẫn vui mừng vì được thoát khỏi… « Mỗi buổi sáng, từ khi tôi ở Huế, tôi bị thức-giấc vì những tiếng gắt khàn của một giọng nghiện rượu : « Đồ con vật, mày có đến không ?… Phải mất bao nhiêu thì giờ mới gọi được mày. Đến mau đây… » Đôi khi tôi thấy ghế đổ loảng-xoảng, giầy ném tứ-tung. Đó là một trong số những đồng-bào đáng-yêu của chúng ta ăn nói với bồi bếp của họ. Người bồi mang điểm-tâm cho tôi dừng lại nghe, nhìn tôi và cười một cách hóm-hỉnh. Đó là những gương chúng ta làm cho dân-tộc hiền-lành và lịch-sự này ». (Trang 14) * « Một tiệm ăn ở Đa-Kao. Một nhà báo An-nam trẻ tuổi, có cử-nhân luật đang ngồi ăn với vợ. Một lính lê-dương to lớn ăn ở bàn bên cạnh, đột nhiên đứng dậy, lôi người vợ ra ôm vào lòng và định hôn. « Người An-nam nói : « - Nhưng đấy là vợ tôi, vợ chính-thức của tôi ; vừa cố gỡ ra… « - Tao bất-chấp… Mày, mày là đứa nô-lệ. Tao, dân Tây, Tao, lính nước Pháp. Tao, đã đánh trận : Hãy coi đây, răng tao bị bọn Đức đánh gãy cả. Tao, có quyền lấy mọi đàn-bà An-nam, tất cả mày nghe ra chưa. « Nhà báo An-nam xô vào hắn. Nhưng anh mảnh-khảnh quá, thằng khốn lấy một chai rượu ở trên bàn đập vào đầu anh. Anh ngã quỵ, tai dướm máu và sắp đứt, vội-vã đứng dậy và dắt vợ chạy trốn. Một kỹ-sư mới vào muốn can thiệp. Nhưng những người Pháp khác không hề động-đậy. Họ cười sằng-sặc ». (Trang 153) f) KHAI-HÓA VĂN-MINH « Một bữa tiệc có những tay thực-dân và kỹ-nghệ Bắc kỳ dự, người bên phải tôi, chủ đồn-điền cao-su, phàn-nàn về những bài diễn-văn của mấy người An-nam ưu-tú trong đó có đưa ra những yêu-sách khiêm-tốn. « Thật là ngu để cho bọn đó ăn nói. Với cái học mà người ta nhét vào đầu chúng, với những ý-tưởng tự-do, bình-đẳng… chúng trở-thành bất-trị. Bây giờ không còn làm sao kiếm được nhân-công rẻ tiền. Chính chúng tôi, những người thực-dân kỹ-nghệ đã làm ra Đông-Dương và người ta làm hỏng cơ-nghiệp chúng tôi, người ta cắt cổ chúng tôi… « Tôi nhìn hắn ta, ngỡ ngàng… Rồi một giọng khác… Đấy, bà xem mọi sự xấu đều do mấy ông quan cai-trị mà người ta đã đặt trên đầu chúng tôi, với những bài diễn-văn điên-cuồng, những người đó đã tung ra nơi đám đông những ý-tưởng mới, đã làm nảy-nở những hy-vọng lố-bịch. Việc học đã được phát-triển một cách bậy-bạ, dù những người thực-dân đã phản-đối nhiều lần. Mấy ông tướng đó không để ý tới những nguy-hiểm mà chúng tôi đã cảnh-cáo luôn mãi : hễ khi bọn An-nam-mít có trong tay một mảnh bằng, dù chỉ là cái bằng tiểu-học, là chúng không muốn làm việc tay chân nữa, vì họ cho là suy-đồi ; do đó, tăng thêm số người bất-mãn… Tiếng nói giận-dữ tiếp-tục : Lợi-tức của chúng tôi chả còn gì… Toàn-quyền bỏ rơi… Mẫu-quốc bất xét… Chúng tôi sống ở đây để chết đói à ! » (Trang 112) * Những câu nói « thành-thực » của thực-dân phơi-bày cái thực-chất tàn-bạo của chế-độ thuộc-địa : Bóc-lột dân thuộc địa, đặc biệt là nông-dân và công-nhân. Càng muốn khai thác, làm giàu, càng phải bần-cùng-hóa dân quê để có công-nhân rẻ. Muốn thế phải đánh thuế thật nặng vào đất đai, nông-sản, vào chính con người (thuế-thân) để đặt nông-dân vào tình-cảnh « không đi phu, cu-li » thì chết đói. Viên thanh-tra hầm mỏ, Desrousseau, trong một bản báo-cáo mật gửi Toàn-quyền Đông-Dương có viết : « Có một sự thực không thể chối-cãi và một tâm-trạng không thể thay-đổi được là bọn nhà quê chỉ chịu bỏ làng đi làm khi họ sắp chết đói, cho nên phải đi tới một kết-luận ngụy-biện là để chúng ta thoát được nỗi khó-khăn hiện nay về tuyển-mộ phu, nhân-công, thì phải làm sao cho dân quê nghèo mạt ». Và nếu họ chết đói thì không giúp-đỡ như René Dumont, nhà kỹ-sư canh-nông, hiện nay chuyên-khảo về vấn-đề nông-nghiệp trong các nước chậm tiến đã thú-nhận : « Sau nạn đói mùa thu năm 1931, chung-quanh Vinh, và ở tỉnh Nghệ-An mà tôi phụ-trách về nông-nghiệp, nạn đói người ta cố-tình không chịu giúp-đỡ, và có lẽ đã làm cho 6.000 người chết, không thể còn ngồi yên được nữa ».15 Muốn cho dân bị nạn đói, đôi khi thực-dân còn tự-ý phá đê cho lụt-lội. Có lụt, thì dân mới chịu bỏ làng đi phu mỏ hay cu-li đồn-điền như L. Bonnafond đã nói trong « Ba mươi năm ở Bắc-kỳ » (Trente ans de Tonkin) : « Cả tỉnh Vĩnh-Yên chìm dưới nước. Sở Công-chính đã đóng một cống cách đồn Phủ Lỗ 8 cây số, cho nên đã tạo thành một hồ nước mênh-mông trên 10 cây số vuông, dìm cả vùng trong cảnh lầm-than đen tối. Ngày nào cũng có những đoàn đại-diện nông-dân đến Bắc-Ninh, lên tận Hà Nội nữa, để cúi xin chính-phủ đừng giết họ, đừng để cả vùng bị ngập, đừng đóng cống. Song chính-phủ vẫn làm ngơ và tàn-nhẫn nhìn cảnh-tượng cả tỉnh đang chết. « Ôi ! Có xứ nào trên trái đất này mà người ta lại như ở đây, nỡ tâm quyết-định một cách dễ-dàng để trong một vài phút cả một xứ phải chìm dưới 2 thước nước trong 6 tháng liền, xứ này chỉ có mỗi một tội là nằm trong kế-hoạch của một người kỹ-sư dốt. Dân-tộc nào, dầu là dã-man nhất, dân-tộc nào lại dám quyết-định như vậy ? » 16 4) BỌN BUÔN NÔ-LỆ DA VÀNG 17 Bần-cùng-hóa nông-dân để mộ phu. Do đó, ở thế-kỷ hai mươi còn xẩy ra cảnh-tượng buôn người. Paul Monet đã mô tả đầy-đủ cảnh-tượng đó trong cuốn « Những bọn buôn nô lệ da vàng ». Đây là tái-diễn cảnh buôn da đen (traite des Noirs) ngày xưa. a) BUÔN NGƯỜI « Ái-quốc gì ! Đó là thứ ái-quốc để cho nhà B… mà hẵng D. Frére ở đây là đại-diện, ăn lời 3.000 quan mỗi người khi họ bán lại những người đã nhập-cảng… Có phải cần-thiết cho lòng yêu nước Pháp khi D. và bè-lũ được phép xuất cảng một lúc 800 người bị tan-hoang cửa nhà vì bão-lụt, và được lời mỗi người 3.000 quan, nếu tính cả một chuyến đi, có thể tới hai triệu bốn trăm ngàn quan và có thể nói ba triệu quan cho chẵn… » (Trang 50) « Đó là một tái-diễn ở giữa thế-kỷ hai mươi, cái chợ buôn người… Sau cái giá thông-thường lúc đầu là 2.500 quan, người ta lên tới giá 5.000 quan mỗi người. Như thế cũng còn là rẻ… Dầu vậy, mỗi người bán được trung-bình cũng có 3.000 quan lời… Do đó, cứ 1.000 người đem xuất cảng, có thể thu được 30 triệu lời… Tôi đã nói tới việc buôn nô-lệ, thực ra còn tệ hơn nữa… Người chủ nô còn để ý săn sóc bầy vật của mình vì nó đáng giá… Trái lại, một người chủ mua một người Bắc-kỳ trong thời-gian 5 năm, mỗi năm thấy cái giá đồ của mình mua hụt đi một phần năm. Do đó, hắn cần phải khai-thác trong 5 năm tất cả những gì người nô-lệ có thể làm ích-lợi… bất-xét sau này nó hoàn-toàn hư hỏng, trở thành đồ bỏ đi… vì người chủ nô có thiệt đồng xu nào đâu… » (Trang 65) b) ĐỜI SỐNG Ở ĐỒN-ĐIỀN « Bên Pháp André Gide đã tố-cáo những hành-động dã man ở Congo ; người ta cho mở một cuộc điều-tra chính thức và kết-quả phù-hợp với những sự việc Gide đã vạch ra… Nếu Gide sang Đông-Dương, ông sẽ bó-buộc phải thuật lại những hành-động tàn-ác phạm tới người cu-li Đông Dương. Chúng tôi chỉ kể ra đây một trường-hợp. Trong một đồn-điền ; một người cu-li đau ốm bị trói trước phòng y-tế của làng, chân bị cuốn giẻ có tẩm dầu hỏa, rồi người ta châm lửa, hắn chết. Bây giờ chúng tôi hiểu tại sao có những can-thiệp. Chúng tôi biết tên đứa sát-nhân và sẽ vạch mặt khi cần đến ». (Argus indochinois, 19-12-1928) « Họ giết chúng tôi từng bọn 5, 6 người, và bao giờ cũng báo-cáo với tòa-án : « Chết vì sốt-rét ». Không, những người cu-li không phải chết vì sốt-rét. Họ bị giết như là bởi lũ chó sói, vì họ chỉ là một đoàn-cừu ngoan-ngoãn… Bọn chủ đồn-điền ở đây tàn-ác không thể tưởng-tượng được. Họ làm vua ở đây và không phải theo một luật-pháp nào ngoài sở-thích của họ. Họ coi chúng tôi như loài vật : con nai, con hươu, con chó, con mèo. Và giết chúng tôi như giết thú-vật. Họ đập dánh chúng tôi bằng những gót giầy sắt, không còn cho chúng tôi kêu ca, hoặc biểu-lộ sự đau-đớn bằng nước mắt… « Họ có bè bạn, người che-chở, những kẻ đồng-lõa rất thế-lực ở trong ngạch cai-trị, cho nên họ dám phơi-bày tội ác của họ mà không sợ-hãi gì… Một hôm, họ đem một con ngựa bất-kham ra và bắt chúng tôi buộc vào một cây gần suối, rồi họ bắn chết và để làm mồi cho hổ… Sau đó, họ nói với chúng tôi và tất cả bọn thư-ký, cai An-nam một cách tàn-nhẫn rằng những đứa nào trong chúng tôi không tuân theo lệnh của họ một cách mù-quáng cũng sẽ phải chịu một số-phận tương-tự… Họ cấm chúng tôi không được nói gì về thái-độ cư-xử của họ và nếu có phải trả lời thanh-tra, thì phải nói rằng cai chủ đối-đãi rất tử-tế. Nếu không làm thế, họ dọa sẽ bắn chết ». (Trang 208) c) THƠ GỞI CHỦ-NHIỆM BÁO « ECHO ANNAMITE » SAIGON (17-9-1928) « Tôi là Nguyễn-văn-Thơ, 46 tuổi, làm ruộng, nguyên quán ở Quảng-Nam… Xa lạ ở giữa những người xa lạ, tôi không biết nói với ai những tàn-ác mà chúng tôi phải chịu ở các đồn-điền… Xin ông bà ông vải phù-hộ cho tôi để tôi tin ở ngài mà không sợ nhầm-lẫn… « Đây là chuyện của tôi… « Có một người đến Trung-kỳ, tên là Xư-bá-Lệ, nói tiếng An-nam để tuyển-mộ cu-li cho một đồn-điền ở Nam-kỳ… Có hai người An-nam khác đi theo… Cả ba đều khoe-khoang những điều-kiện làm ăn : lương công-nhật ; 8 hào, 3 chai gạo trắng, cá khô, thịt luộc, nước mắm, có chỗ ở hẳn hoi, ốm-đau được săn-sóc, chỗ làm : cách ga Phan-Thiết ba ga, có thể dễ-dàng về làng lúc nào cũng được, khí-hậu tốt… « Bị những lời hứa-hẹn mê-hoặc, chúng tôi tình-nguyện đi làm cu-li mà không có giao-kèo gì cả. Tất cả có 140 người, 31 người cùng quê với tôi số còn lại là người Huế… « Đoàn người được xếp vào ba xe camiông. Xe đi như chạy trốn… Mỗi người được phát 5$ trước. Nhưng khi đã ngồi trên xe, người ta mới bỏ mặt nạ xuống. Thay vì cư-xử tử-tế, thì lại là những nhát ba-toong… Chúng tôi bị canh chừng cẩn-mật như đàn thú. Đến Nha-Trang, chuyển lên 4 toa xe hỏa. Quá ga Phan-Thiết, hai người cu-li nhảy tàu hỏa để thoát cái cảnh khốn-nạn đang chờ-đợi họ mà bây giờ mới chỉ là bắt đầu… Chúng tôi thấy hai người ngã, nằm bất-tỉnh dưới đất. Họ đã chết chưa hay chỉ bị ngất đi ? Làm sao biết được. « Sau ga thứ ba, kể từ Phan-Thiết, một người nữa nhảy tàu và ngã bất-tỉnh. Hai người khác xuống đứng ở thang tàu định nhảy, bị bắt lên và đánh đập bất-tỉnh rồi bị ném ra ngoài tàu… Những tàn-ác đó làm cho không còn ai dám trốn nữa… Chiều hôm sau, chúng tôi đến Biên-Hòa… ba ca-mi ông chở chúng tôi đến một miền gọi là Phú-Riêng… « Không phải là một miền khí-hậu lành như mơ-tưởng, cũng không phải chỉ cách Phan-Thiết có ba ga… Nhưng là một miền mất hút trong núi rừng và cách Phan-Thiết bằng 6 giờ xe lửa hay một ngày bằng ô-tô… « Những thất-vọng khác… thay vì tám hào, lương bị hạ xuống còn có 5 hào… đấy là chưa kể những cắt xén vì những lý-do không đâu. Thay vì 3 lít gạo trắng, chỉ có một ít gạo đủ sống với một thứ nước hẩm, thay vì nước mắm… « Trước 5 giờ, còn tối mịt, chúng tôi đã phải xếp hàng đi làm. Những người đến chậm hay còn ngái ngủ bị đánh đập bằng những cú ba-toong thật mạnh để đừng có đến chậm nữa… « Thay vì chỗ ở đủ tiện-nghi như đã hứa-hẹn, chúng tôi bị dồn vào những lều tranh. Chỗ nào cũng thấy nước chảy. Suốt đêm, chúng tôi phải ngồi xổm, không đèn đóm gì cả, và ướt lạnh thấu xương… « Sau một tuần-lễ sống ở địa-ngục này, tôi tìm cách trốn đi. Nhưng hôm sau, bọn mọi bắt tôi lại, đánh đập lột quần áo, đem nộp cho chủ đồn-điền để lãnh tiền thưởng… « Rồi, có một cuộc biểu-diễn võ, họ lấy tôi ra làm đích để tập đấm trước mặt các cu-li khác. Tôi bị giam tù cơm nguội và cùm chân tám ngày… » (Trích thơ gởi Báo Echo Annamite, tr. 225-226) d) VỤ ÁN BAZIN « Tôi muốn báo thù cho giống-nòi của tôi bị chà đạp, nô-lệ, còn hơn là thời xưa nữa. Những tội-ác phạm tới người bản-xứ bị xuất-cảng để làm giầu cho bọn tài-phiệt không còn đếm xuể nữa… « Những người đại-diện của dân-chúng Pháp đã kê-khai các tội-ác đó : Con gái bị hãm-hiếp đến chết và ném xuống biển cho cá mập ăn… Người An-nam bị què-quặt vì bị hành hạ, đánh-đập, hay bị bắn giết… Số người bị chết vì ngã nước, vì phải đày tới những miền chướng-khí là bao nhiêu. Tôi đã thấy những đoàn người sống-sót trở về, vừa lên bờ đã phải chở vào nhà thương mà đa-số sẽ chết ở đó… « Và còn biết bao người chết không bao giờ thấy lại quê-hương ? Hàng ngàn các ông biết như vậy, nhưng không nói ra… « Có hề gì đâu ! Các ông vẫn lập thống-kê gian-lận để chứng-minh rằng người An-nam có nhiều con. Và như vậy, còn gì phiền nữa, vì những người chết sẽ được thay-thế. Một câu của Napoléon khi đứng trước những người chết chồng-chất trong một trận lớn : « Một đêm của Paris đủ bù lại sự thiệt-hại đó ». « Không, tôi không muốn dân-tộc của tôi bị coi như một đàn vật mang đi làm thịt… « Chúng tôi đã nại đến lòng thương-xót của các ông… Vô-ích. « Rồi các ông cũng bỏ mặt nạ xuống khi các ông dám ấn-định số người đày đi mỗi năm. Và khi không thể giấu diếm được những tội-ác bị tố-cáo… các ông cũng không sợ ra thông-cáo chối-cãi rằng những tội-ác đó không có bằng cớ chắc-chắn. Trước những lầm-than của đồng-bào tôi, tôi động lòng thương-xót. « Máu trả máu… « Tôi đã giết người đồng-chủng với các ông, người đã tham-dự vào những cuộc tàn-sát đồng-bào tôi… « Chớ gì máu của hắn và máu của tôi, mà các ông có thể bắt được, sẽ là những giọt máu cuối cùng đổ ra vì cái công-cuộc khốn-nạn này ». (Trích bản-án của người ám-sát trong Volonté indochinoise, trang 246). e) LỜI NÓI CỦA QUAN TOÀN-QUYỀN « Nếu có một cuộc khủng-hoảng trong vấn-đề mộ phu, thì nguyên-nhân chính là nhằm nâng-cao mực-sống của dân-chúng… Sự làm việc ở Đông-Dương, trên những công trường cũng như trong những xí-nghiệp tư, đều hoàn-toàn tự-do ; và người thợ cũng như người chủ đều có thể quy định và đánh giá những điều-kiện của sự làm việc trên ». (Trích trong bản diễn văn của Toàn-quyền Pasquier đọc trước Hội-đồng Kinh-tài Đông-Dương ngày 22-10-1929). f) TRÊN ĐƯỜNG CÁI QUAN Một nhà báo khác đã mô-tả tình-cảnh công-nhân ở các hầm mỏ, đặc-biệt là mỏ than Hòn-Gai trong cuốn « Trên đường cái quan ». 18 « Người ta biết rằng tư-bản thực-dân là người có tiền vốn và lấy tiền đó mua đất-đai, hầm mỏ, dựng nhà máy. Nhưng muốn có lãi, phải cần nhân-công. Người thợ trong chế-độ tư-bản thực-dân, đa-số thường xuất thân từ nông dân, nhưng cũng có một phần từ những nghề thủ-công nhỏ : Khi một nhà máy xí-nghiệp lớn được dựng lên, tất nhiên chèn-ép, cạnh-tranh với những xí-nghiệp nhỏ thường là bằng tay, do đó, làm cho những nghề thủ-công này bị phá-sản và bó-buộc những người thủ-công trở-thành công nhân của xí-nghiệp lớn. Chẳng hạn, khi những nhà máy xay gạo của người ngoại-quốc mọc lên ở Sài-Gòn, Chợ-Lớn, thì tất-nhiên những cái cối xay, cối giã tay của người Việt phải bị phá-sản và những người thủ-công này muốn khỏi bị thất nghiệp, bó-buộc phải xin làm cu-li, thợ khuân-vác, người may vá bao bố, v.v… cho các ông chủ nhà máy gạo, hay xuất-cảng… Ở những nước thuộc-địa rất khó kiếm nhân công, nên thực-dân phải dùng những biện-pháp bạo-động để bắt sưu-dịch, mộ phu bằng cách để cho nông-thôn chết đói. Đó là chính-sách kiếm nhân-công bằng cách bần-cùng hóa nông-dân và vô-sản-hóa người thủ-công ». g) MỎ THAN HÒN-GAI « Chúng tôi đang đứng trước mỏ than Hòn-gai. Cát-Bà là Á-đông xưa cũ ; Hòn-gai là văn-minh : các bạn lựa chọn đi. Hình như là độc-nhất trên thế-giới này, vì ở Hòn-gai, người ta lấy than ngay ngoài trời… « - Tất cả đất-đai đó của ai vậy ? « - Của hầu-tước De Carabas. « Nhưng tôi không kể chuyện con mèo đi hia đâu. Hầu tước De Carabas ở đây là Sở than Bắc-kỳ. « Công-ty làm chủ tất cả : rừng, ruộng, nhà cửa, đường sá, cả đến lòng đất. Đường xe lửa kia là của công-ty ; hải cảng này cũng là của nó ; nhà thờ với tháp chuông nhọn, cái chợ-lớn có mái che kia là của công ty. « Trên 20.000 hec-ta, cái gì cũng là của công-ty, cả đến một que củi… « Một làng nào đó nằm trong kế-hoạch làm đường của công-ty, bất kể, nó cho cào cả làng đi… Và khi nó làm lại cái làng đó đàng kia, nó bắt dân phải trả một số tiền, như thế là họ bị gắn-bó với mảnh đất mới đó và không bỏ ra đi được nữa… « Và tìm ra cu-li, hằng nghìn cu-li rồi giữ họ lại ở Hòn gai không để cho trốn mất không phải là chuyện dễ… Người ta đã thử mọi cách vẫn không được. Hễ có vài đồng trong túi là người Bắc-kỳ bỏ ra về đồng ruộng. Vào dịp tết, hay sắp tới ngày mùa, ai cũng muốn về làng, và lúc đó, từng nghìn người bỏ trốn… « Làm thế nào được ? Người ta tìm đủ cách, dùng đủ mưu-mẹo để giữ công-nhân. Chẳng hạn, họ chỉ trả lương tháng trước vào trung-tuần tháng sau, làm cho người thợ bao giờ cũng còn tiền lương chưa lĩnh và vì thế bó-buộc phải ở lại. Tuy vậy, để thợ khỏi chết đói, và nếu thợ làm giỏi, thì cứ mỗi ngày họ trả cho một đồng bạc ; ở đây người ta gọi cách đó là « cho tạm trước »… « Một người quản-lý công-ty đã tìm ra một mưu hay hơn : tôn-giáo. Hắn nghĩ rằng nếu có linh-mục ở vùng mỏ thì sẽ giữ được ít ra người công-giáo ở lại. Do đó, hắn tìm được một cha An-nam, thuộc hội thừa-sai Tây-ban-nha. Một ngôi nhà thờ được dựng lên và xứ đạo vừa thành hình đã tụ-tập được 700 cu-li. Chỗ nào con dê bị cột, nó ăn cỏ ở đó ; chỗ nào người theo đạo có nhà thờ thì họ đọc kinh cầu nguyện ở đó và vô-tình ông cha da vàng làm lễ cho hầu tước De Carabas… « Những khi đê Hồng-Hà vỡ, ruộng đồng ngập lụt, toàn cõi đồng-bằng bị đói khát, thì dân quê kéo cả làng đi kiếm công-ăn việc làm ở khu mỏ vì ở làng không có gì để sinh sống ; lúc đó, có đến 20.000 cu-li giữa Cẩm-Phả và Nagôta. Đó là những năm may-mắn cho công-ty. « Khi tôi đi thăm Hòn-Gai, tôi thấy công-nhân lúc-nhúc ở các tầng mỏ. Đó là những sinh-vật áo quần tả-tơi… Những thợ cuốc với hai cánh tay gầy còm… Cả đàn bà nữa, miệng nhai trầu đỏ như đổ máu… Đàng sau những xe goòng nhỏ, những đứa trẻ trạc mười tuổi còng lưng đẩy. Thân hình bé nhỏ gầy khô, mắt, mũi nhọc mệt qua lớp bụi than. « Người hướng-dẫn tôi vừa chỉ vừa nói : 15 xu một ngày… Bụi than mà chúng vẫy-vùng ở trong đã đóng cho chân đi đất của chúng một thứ đế bằng than đá và quần áo của chúng cũng đen xịt cả. « Đó là những hoa chè và chàng Nguyễn chăn trâu, bây giờ đã thành như thế. Không còn nụ sen, miếu nhỏ, rào nở hoa, việc làm ngày nay không thích sự làm dáng, sở thích. Không còn lũy tre trước căn nhà : nhưng là chông cọc. Không còn hàng cau thẳng tắp, mảnh rẻ : nhưng là ống khói. Cái tiếng rầm-rầm như tiếng thác đổ là tiếng những máy sàng than chạy ; không phải hương-trầm phảng-phất, nhưng là những cục than luyện đỏ hồng : Than đá gầy, hắc và than luyện béo, ôi, đâu là lòng yêu thích cái xa-lạ quê người ! « Bạn cứ đem một làng nhỏ ở Pháp vào thế-kỷ XIII đặt trên bờ-biển Trung-Hoa và đào ở đó một hầm mỏ, bạn sẽ có Hòn-Gai… « Ai làm chủ ở đây ? Một ông quan ? Không, chẳng có gì quyến-rũ ông ta ở giữa đám cu-li này và Triều-đình Huế cũng chẳng thèm để ý đến họ. Một viên-chức người Pháp ? Bạn muốn cười : chỉ có một tên sen-đầm, mặc dầu hắn ta tự gán cho mình cái chức thật kêu : chánh-cẩm. Ông chủ độc-nhất của hầm mỏ. « Tất cả những gì tôi có thể nhận thấy, từ đỉnh đồi, đều thuộc về mỏ than. Mọi sự, kể cả cái vùng biển rộng lớn đã chôn vùi hằng chục triệu để xây dựng một bến tàu mà không bao giờ xây được… « Mỏ than cũng tự tạo cho mình mọi sự : xà-lan, dụng cụ, nồi xúp-de và ngay cả cân gạo của cu-li nữa… « Mỏ giàu lắm : 29 triệu lời năm ngoái, nghĩa là hơn cả vốn bỏ ra. « Đúng thế, mỏ giàu quá sức tưởng-tượng : 64 ngàn khẩu-phần lúc đầu trị-giá 16 triệu bây giờ lên tới hơn nửa tỷ… và bạn có biết xứ mỏ than này mang lại cho Đông Dương, nước Pháp bao nhiêu không ? « Không có gì hết. Tôi nói không có gì ráo trọi, vì tôi không đi đếm vài quan về tiền thuế phụ ; hay vài xu thuế mỏ. Đối với Sở than cũng như nhiều sở giàu có khác ở bên ấy : Những người vô-danh có thế-lực chia nhau lời lãi, hút đến tận tủy xứ này, còn thuộc-địa không được gì cả, và cả nước Pháp cũng thế, nước đã trả bằng giá máu đất xứ này… « Ít ra Hòn-Gai cũng cho Đông-Dương tất cả số than cần dùng ? Không hẳn vậy. Hầu hết than đều chở đi Nhật, vì Nhật trả giá cao. Còn Sài-Gòn yêu-cầu hoài, các nhà máy ở đó phải gửi « com-măng » ở tận Cardiff, và đường xe hỏa thì đốt bằng gỗ, do phá rừng mà có. Không tiền cũng không than : Hòn-Gai không đem lại cho chúng ta lợi-lộc gì cả, trừ mối căm-thù của hằng ngàn cu-li… » (Trang 93) * Và sau cùng, đây là một cảnh bán con dưới mắt L. Bonnafont – một người Pháp ở lâu năm bên Việt-Nam : « Trời xám và lạnh. Gió thổi não-nùng, qua phố tôi ở đã vắng người đi lại. Bây giờ là tháng chạp năm Ất Tý, chỉ còn vài ngày nữa Tết đến, bắt đầu một năm mới của người An nam, Tết là dịp linh-thiêng với những nghi-lễ tế tự cúng bái ông bà Tổ-Tiên. Tục-lệ cổ-truyền mà mọi người Á-đông còn rất tôn-trọng là dùng rượu cất bằng gạo do chính ruộng đất của Tổ-Tiên để lại để lễ bái. Từ bốn ngàn năm rồi, nghi lễ bắt-buộc như vậy và từ bốn ngàn năm, những người nhà quê nghèo nhất cũng cố xoay xở được vài cân gạo để nấu rượu bằng những phương-tiện thô-sơ. Vào tháng chạp năm Ất-Tý này (1906), những người nhà quê bất-hạnh vì bị nhà nước Pháp thả từng đoàn lính đoan, bọn chỉ điểm, về quê tầm-nã canh phòng, nên họ phải dùng những mưu-kế của người man-rợ để giữ gìn phong-tục. Nhưng bọn lính đoan vẫn theo dõi vì họ được huấn-luyện thành-thạo về cái nghề săn bắt đó. Mặc dầu các chức sắc trong làng làm ngơ và đồng-lõa, nhiều gia-trưởng cũng vẫn bị bắt vì nấu rượu lậu. Họ bị tù cùng với bọn đốt nhà, trộm cướp, giết người : Vì nhà nước Pháp ở Đông-Dương đã nhân-danh Công-lý bất dịch và bình-đẳng chí thánh để ấn-định coi một người bị bắt vì nấu rượu như một kẻ gian-ác nguy-hiểm cho an-ninh chung, trước khi bị đưa ra xử và kết-án. « Một trong số những người khốn-nạn trên, là cha một gia-đình 4 con, bị bắt và giam ở tỉnh. Anh ta rét run lập-cập và lên cơn sốt chờ đợi ngày bị đem ra xử, nghĩa là bị kết-án. Anh rất nhẫn-nhục, theo một thứ triết-lý của những kẻ yếu hèn, anh biết rằng nhà nước để cho bọn trộm cướp tự-do hoành-hành, nhưng bỏ tù và kết-án những người nhà quê vô tội chỉ muốn theo tục-lệ tỏ lòng thành-kính biết ơn Ông Bà Tổ-Tiên. « Trong lúc người chồng bị giam, người vợ đi dò la tin tức và được các chức sắc cho biết nếu có tiền lo-liệu thì chồng sẽ được tự-do. Người vợ về bán hai thùng lúa trong số 7, 8 thùng nhà có cộng với một đồng rưỡi tiền mặt, rồi dắt hai đứa con lên tỉnh để thăm chồng bị giam chung với bọn giết người. « Đến tỉnh, người vợ chỉ còn một đồng hai, và khi vào được thăm chồng, chỉ còn một đồng, hai hào kia đã biếu những người gác. « Người chồng hỏi vợ : « - Phải nộp bao-nhiêu mới được tha ? « Người vợ đáp : « - Phải 40, 50, 60 đồng và có thể hơn nữa, tùy ở người thu ngân ở đây, và tùy các ông lớn ở Hà-Nội Hải-Phòng. « Cả hai nhìn nhau câm lặng trước số tiền khổng-lồ. Một lúc sau, người vợ cúi xuống nhìn hai đứa con, một trai 16 tuổi và một gái 10 tuổi. Người chồng bảo : « - cứ thử xem, tôi ốm, đừng để tôi phải ăn Tết ở đây với bọn trộm cướp. Thằng bé kháu sáng dạ, không nên bán nếu không được ít nhất 25 đồng. Rồi chúng mình sẽ tính phải làm ăn ra sao, sau Tết. Chúng mình không có gì cả. Chẳng ai cho vay mượn. Chỉ còn cách đó. « Người vợ đưa cho người chồng vài xu. Cả hai cảm động ôm hai đứa con, chúng bỡ-ngỡ vì không quen được hôn âu-yếm. Rồi người Mẹ mắt ướt dắt hai đứa con ra ngoài. Mụ đi về phía bờ sông, lau rửa mặt mũi chân tay cho hai đứa con, cài cúc áo và sửa sang lại quần áo của chúng nó cho gọn-gẽ. Người bán hàng không được quên rằng hàng chỉ được giá nếu biết bày hàng đẹp mắt người mua. « Rồi người Mẹ mang hàng đi bán, vào từng nhà một của các phố lớn vắng-vẻ vì gió rét thổi mạnh dưới bầu trời xám đen. Tôi ở cái phố vắng đó. Người đàn bà trông thấy tôi, gọi người ở ra và nói : « - Nói với ông Tây tôi có hai đứa con buôn bán, chúng đây. Bảo ông ra xem. Chúng lớn và khỏe mạnh. « Tôi nghe thấy cả. Tôi đi ra. Đứa con trai khá xinh và có vẻ rất thông minh, cao dỏng, khỏe-mạnh, nhìn tôi một cách thẳng-thắn, có dáng điệu của một người biết mình sắp phải chịu một hy-sinh. Đứa con gái thì sợ-sệt, đứng sát vào Mẹ. Bà muốn bán bao nhiêu ? 40 đồng để nộp cho nhà đoan ! Đắt quá ! Xin ông thương, ba mươi đồng vậy. Nếu ông không mua cả hai, thì mua một đứa nào ông thích 15 đồng. Tôi cũng từ chối, chắc bà ta coi là Harpagon hà tiện ! Ôi ! Từ chối một đứa trẻ 13 tuổi và một đứa bé gái 10 tuổi vì ba chục bạc ! « Mụ đi ra, run lập-cập dưới những mảnh áo rách với hai đứa con cũng rét, mặt tái mét… Mụ đi đến những nhà người Tàu và An-nam để bán những con vật tính người. Nhìn người mẹ đó dưới bầu trời xám tháng chạp, đi từ nhà này sang nhà khác để bán con, người ta nghĩ tới những bảng kết-toán cuối năm, những mưu mẹo dùng để làm cân bằng sổ chi-thu. Trông vẻ buồn của ngày tàn, hình-ảnh những người rách-rưới run lập-cập trước các hiệu buôn Tàu tạo thành một bức-họa sống thực : bức-họa về những hậu-quả của chính-sách kinh-tế ở Bắc-kỳ. Có bao trẻ con ở Bắc-kỳ bị đem bán để có thể nộp tiền chuộc tháng này ? Chúng ta đã gieo vào lòng bao nhiêu người bản xứ sự thù oán người Pháp để cho bọn nhà thầu rượu có thể ngồi uống rượu vang hảo hạng ở những ngôi nhà tráng lệ ? « Đêm xuống, người mẹ trở lại nhà tôi để xin ở trọ vì không biết ngủ ở đâu được. Hai đứa con vẫn chưa bán được. « - Thế nào ? chưa bán được à ? « Người đàn bà khổ sở trả lời : « - Tôi tìm được một người mua, nhưng bọn Tàu muốn có một giấy chứng-nhận do chồng tôi ký. Phải như thế họ mới chịu mua. Tôi không biết chữ. Ngày mai, tôi phải trở về quê bán thêm hai thùng lúa để có tiền mua giấy, tem và sẽ mang lên cho bố chúng viết. « Tôi không biết nhà thương chính có một phòng khách hay không. Nếu có, tôi đề-nghị với ban giám-đốc mua một bức họa sau đây để đặt dưới bức họa nền Cộng-hòa : « Bức họa một người đàn bà An-nam bán con để có tiền chuộc ngày trước Tết » tháng giêng 1906. Bức họa này sẽ để trang hoàng phòng khách. Nó sẽ làm tăng uy-tín của chúng ta lên, và treo nó ở phòng khách quả thật là đúng chỗ ! » (Trente ans de Tonkin, trang 214) II. THỰC-DÂN SAU khi đã thấy chế-độ thực-dân, về thực-chất là bạo động ; bạo động để xâm-chiếm thuộc-địa, bạo-động để duy-trì thuộc-địa, người ta có thể dựa vào sự-kiện đó mà nhận-định về những tương-quan giữa người thực-dân với người bản-xứ thuộc-địa. Vấn-đề trụ cốt là : những tương-giao giữa người thực dân và người thuộc-địa có tính-chất nhân-loại không ? Vấn đề trụ-cốt vì những chuyện xây-dựng văn-hóa, sáng-tạo giá-trị tinh-thần, v.v… thực-sự có thể có thực hay không là tùy ở chỗ có thông-cảm, giao ngộ nhân-loại hay không giữa những người thực-dân và người thuộc-địa… 1) THỰC DÂN MỘT HÀNH-ĐỘNG THA-HÓA CON NGƯỜI Khi người Pháp sang Đông-Dương xâm-lăng hay làm ăn, họ muốn gì ? Cho ai ? Muốn khai-thác, vơ-vét của-cải, làm giàu cho mình. Người thực-dân chỉ nghĩ lợi cho mình. Dĩ nhiên, đôi khi họ cũng nghĩ đến quyền-lợi của người thuộc địa, nhưng không phải cho người thuộc-địa như mục-đích việc làm của họ, mà cũng là vì lợi-ích cho họ. Chẳng hạn, người Pháp phải mở trường dạy học, hay lập nhà thương trừ các bệnh dịch. Không phải là để giáo-hóa con người, bảo-vệ con người như cứu-cánh, nhưng vì người bản-xứ có được học và có sức-khỏe mới làm việc phục-vụ cho họ được, do đó, năng-suất, lợi-tức được tăng hơn… Vả lại, nếu không trừ bệnh thời-khí, để lan-tràn thì chính Tây cũng chết luôn. Sau cùng, những hành-động « tích-cực » này còn có công-dụng « biện-chính » chế-độ thực-dân như là một trong những « huyền-thoại » mà chúng ta sẽ nói đến sau này. Gọi là huyền-thoại vì nó che-giấu nguyên-nhân căn-bản và do đó, biện-chính cho sự-kiện. Chẳng hạn, về y-tế, vấn-đề căn-bản ở nước ta trong thời thực-dân chủ-yếu không phải là vấn-đề chống các bệnh truyền-nhiễm, nhưng là vấn-đề thiếu ăn (sous-alimentation) như Robequain đã nhận-định : « Trong những nguyên-nhân sâu-xa của tử-vong, thì sự lầm-than về sinh-lý, hậu-quả của sự đói ăn chắc hẳn là nguyên-nhân kinh-tởm nhất, trẻ con chết đói-lúc còn ít tuổi, không phải chỉ vì thiếu vệ-sinh mà còn là vì chỉ rút được ở vú người mẹ kiệt-lực một ít sữa không đủ no ». 19 Nói cách khác, chính sự bóc-lột kinh-tế là nguyên-nhân căn-bản của sự lầm-than vật-chất và thể-xác. Nhưng về sự bóc-lột đó, dĩ-nhiên, không bao giờ người ta nói ra. Do đó, công-trình y-tế được thực-hiện chỉ là « huyền-thoại ». Vậy dự-phóng thực-dân là một dự-phóng vị-kỷ. Người thực-dân chỉ biết mình và không biết người. Nói cách khác, có thế nói người thực-dân chỉ có ý-thức về mình mà không có ý thức về người khác. Cũng như đứa trẻ chỉ biết nhìn mọi sự, mọi người như những phương-tiện thỏa-mãn ước muốn của mình, người thực-dân cũng coi xứ-sở thuộc-địa, người thuộc-địa nằm bên trong nhãn-giới khai-thác, sử-dụng của họ. Như thế, không có tương-giao giữa người và người với tư-cách chủ-nhân nghĩa là người này nhìn-nhận người kia cũng là chủ cuộc đời mình, có thể dự-định như mình, và tôn-trọng sự nhìn-nhận đó. Nói cách khác, người thực-dân đã dùng võ-lực bắt người thuộc-địa phải nhìn-nhận mình là chủ, và vẫn sẽ dùng võ lực để duy-trì sự bắt-buộc đó. Vậy ngoài những liên-lạc có tính-cách bó-buộc với người thực-dân để phục-vụ những yêu-sách của họ (làm công, bàn giấy, v.v…) người thuộc-địa không có tương-giao với người thực-dân. Họ cũng ở trên một mảnh đất, nhưng mảnh đất này bị phân đôi làm hai thế-giới khác biệt và loại trừ nhau về mọi phương-diện ; một thành-phố thuộc địa thường chia làm hai khu : khu phố Tây, khu phố Ta, riêng biệt. Tây chơi với Tây, Tây lấy Tây, Tây ăn uống với Tây ; Ta chơi với Ta, Ta lấy Ta, Ta ăn uống với Ta… Nhưng bởi vì Tây làm chủ, Ta làm nô-lệ nên Tây giàu, Ta nghèo. Bên phố Tây nhà cửa cao-ráo, đường sá rộng-rãi, sạch-sẽ, ánh điện chan-hòa, dư thừa ; bên phố Ta nghèo-nàn, nhà cửa chen-chúc, lụp-xụp, phố-xá chật-hẹp, bẩn-thỉu ; khu phố Tây là khu biệt-thự xinh-đẹp, yên-tĩnh, khu phố Ta là khu buôn-bán, lao-động ầm ĩ. Mỗi khu có sinh-hoạt riêng. Tuy-nhiên, vì có sự cách-biệt, chênh-lệch hơn kém như thế, nên người thuộc địa thường trông sang khu phố Tây mà thèm muốn. Thèm được ăn cái bánh Tây, đi con đường Tây, ở nhà Tây, ngủ trên cái giường Tây, nói tóm lại, ước muốn cái địa-vị của người Tây, mơ được đi Tây xem cái nước Tây nó to lớn, đẹp-đẽ như thế nào. Vì bị bóc-lột nghèo-túng, nên người thuộc địa thấy mọi cái gì tốt đẹp, hay quý, đắt tiền, đều là « Tây » cả. Và ngược lại, cái gì tầm-thường, tồi-tàn, dễ hư hỏng, rẻ tiền đều là ta « đồ nội-hóa, lô-can ». Chữ « Tây » trở thành một hình-dung-từ xác-định giá-trị (ít ra là giá-trị vật-chất). Chẳng hạn, những đồ dùng : giầy Tây, dao Tây (có nghĩa là bền, tốt, sắc), nhà Tây, quần Tây, ăn cơm Tây, chơi lối Tây (có nghĩa là sang-trọng, đắt tiền, lịch-sự), thuốc Tây (có nghĩa là thật, không phải giả). Đã hẳn cũng có người thuộc-địa được giao-thiệp với Tây, ở khu phố Tây, ăn chơi lối Tây, nói tiếng Tây, hay đôi khi lấy Tây. Trong số người này có một ít thường hãnh-diện vì được vào « làng Tây » thực-thụ hay vào làng Tây theo nghĩa được sống gần Tây, sinh-hoạt như Tây. Họ là hạng người vong bản. 20 Dân-chúng khinh hạng người đó và đôi khi ghét họ hơn là ghét Tây. Nhưng nguyên-nhân sâu-xa của sự cách-biệt, hơn kém giữa người thực-dân và người thuộc-địa không phải chỉ ở chỗ giàu nghèo mà chính ở tại thái-độ khinh-bỉ người thuộc-địa. Người thực-dân không chấp-nhận lối sống của người thuộc-địa, không sinh-hoạt chung với người thuộc-địa, vì một thứ « kỳ-thị chủng-tộc ». Họ coi người thuộc-địa không phải là con người hay một giống hèn kém, xấu-xa, không những về phương-diện thể-xác mà cả về phương-diện tinh thần. Ngược lại, người thực-dân mới là người thực vì đủ mọi ưu-điểm, đức-tính tốt của con người. Do đó, họ sợ sự tiếp-xúc, giao-thiệp, chung sống không những có thể làm « bẩn » người họ (bẩn quần áo, tay chân, vì sự nghèo-đói bẩn-thỉu của người thuộc-địa) mà còn làm « bẩn » tinh-thần, luân-lý, các tổ-chức của họ như Meyer đã tuyên-bố ở quốc-hội Pháp : không nên làm nhơ-bẩn « Prostituer » nền Cộng-hòa bằng cách cho người Algérie có đại-diện. 21 Với con mắt thực-dân, cái gì ở người thuộc-địa cũng đều là xấu, không có, hay thiếu xót. Người thuộc-địa tiêu-biểu cho mọi nết xấu, và là một dòng-giống suy-nhược, hèn kém. Người thuộc-địa đần-độn, sợ-sệt, hèn-nhát, không biết sáng-kiến, hay ăn trộm cắp, nói dối, như Bonnetain viết về người Việt-Nam « Nhát gan, bẩn-thỉu, trộm cắp, gian hùng, đó là người An-nam ». Avesne cũng nhận-định rằng thường-thường người Âu châu hay khinh người An-nam : « Đó một hàng người bần-tiện, đểu-giả, hèn-hạ, chỉ có những bản-năng thấp kém ; nhất là lười-biếng ». Có người còn nói về người An-nam : « Nó khôn như con khỉ nhưng lại không nhận rằng nó có trí không sắc-sảo. Chính họ cũng bảo cho ta hay là không nên lý-luận với nó vì nó không hiểu được lý-lẽ : chỉ có roi mây, và làm nhục mới trị được nó thôi ». 22 Điều đáng chú ý ở đây là người thực-dân tạo ra một hình-ảnh người thuộc-địa theo con mắt thực-dân của họ, và họ lại lấy cái hình-ảnh mà chính họ đã tạo ra đó để biện-hộ cho chính-sách thực-dân. Nếu người Việt-Nam kém văn-minh, bán-khai, thì sự bảo-hộ của Pháp quả thật là « may-mắn » và chính-đáng. Nếu người Việt-Nam không có sáng-kiến, chỉ biết vâng phục, không tự mình làm gì nên, thì thật là có lợi cho chính người Việt là họ bị trị và dành quyền cai-trị lại cho Pháp. Nếu người Việt-Nam hay trộm-cắp, chỉ có những bản năng thấp kém thì cần phải có cảnh-sát, nhà tù đánh đập, tra-tấn, để đề phòng bảo-vệ an-ninh cho xứ-sở… Đó là luận-điệu người Pháp và tạp chí Nam-Phong trước đây vẫn thường nêu ra biện-hộ cho chế-độ bảo-hộ : « Nước ta kém, người Nam hèn nên nước Pháp có bổn phận phải khai-hóa, dìu-dắt cho ta ». Nhưng cái hình-ảnh về người thuộc-địa không phải là người hay là một giống người hạ-đẳng, người của những bản-năng mà thôi cũng còn đặt người thuộc-địa ra ngoài lãnh-vực pháp-lý, luân-lý. Nếu người thuộc-địa chỉ như con vật đáng khinh-bỉ, thì đánh đập tàn-nhẫn hay giết chết đi thì có hệ gì, vì cũng chỉ như đánh giết con vật ; do đó, lương-tâm người thực-dân không hề thắc-mắc ân-hận hay lo-ngại về pháp-lý, tòa án gì cả. Chính vì thế mà những người Pháp có thể « cười khoái trá » khi thấy tên lê-dương cướp vợ của nhà báo người bản-xứ và lấy chai đập bể đầu anh ta, vì người bản-xứ không phải là người, do đó, khỏi cần cư-xử nhân-đạo với họ. Andrée Viollis thuật lại trong « Đông-Dương cấp-cứu » câu chuyện một sĩ-quan thủy-binh già đã kể cho bà. Hồi sang xâm-lăng, ông ta cầm đầu một tiểu-đội đổ bộ. Vừa lên bờ, bọn lính thủy liền xông vào một làng không tự-vệ, dùng lưỡi lê tàn-sát đàn bà, trẻ con. Ông ta tức-giận, ra lệnh tập họp và nói : - Các anh không biết xấu-hổ sao ? Các anh có muốn thấy người khác xử như vậy với vợ con các anh không ? Một số cúi đầu không nói gì. Một số khác lên tiếng phản đối : - Đó là bọn Tàu, không phải là người như chúng ta, bọn Mọi, bọn ngoại-giáo.23 Sự đau-đớn của một người bị đánh đập làm cho người thực-dân cười khoái-trí, tiếng khóc của người mẹ trước cái chết của đứa con không gây nổi trong lòng họ một xúc động nhỏ, vì công-cuộc thực-dân là một sự tha-hóa con người. Nó xóa bỏ tất cả những gì là nhân-loại trong tương quan với người thuộc-địa và chính hành-động tha-hóa đó cho phép người thực-dân tha-hồ bạo-động vì không có luân lý, pháp-lý nào phải giữ đối với con người đã bị coi là con vật. Cho nên ở khởi điểm, nguồn-gốc tâm-lý người thực-dân, có một niềm tin chỉ giống da trắng là cao-đẳng, văn-minh và chỉ người Âu-châu mới là người thật. Nạn-nhân của thái độ « kỳ-thị chủng-tộc » này là các dân-tộc thuộc-địa. Nhưng như Aimé Césaire, nhà văn người da đen đã chứng minh, thế rồi một ngày kia đến lượt người Âu-châu chịu những hậu-quả của thái-độ « kỳ-thị chủng-tộc » mà chính họ đã gây ra. Trong cuốn « Diễn-văn về chủ-nghĩa thực dân » 24, Césaire đã nói với người Âu-châu rằng trước khi họ là nạn-nhân của chủ-nghĩa quốc-xã (Nazisme) thì họ đã đồng-lõa với chủ-nghĩa đó. Hitler ở ngay trong lòng họ. Ông viết : « Thực ra, điều người Âu-châu không tha-thứ cho Hitler không phải là tội ác vì là tội ác, nghĩa là tội ác phạm đến con người, không phải là sự sỉ-nhục con người với tư-cách là người, nhưng là tội-ác xúc-phạm đến người da trắng, sự sỉ nhục con người da trắng, và vì Hitler đã lấy những biện pháp thuộc-địa xưa nay chỉ thấy áp-dụng với người Ả-rập Algérie, với cu-li Ấn-độ và mọi Phi-châu đem áp-dụng với người Âu-châu ». Trước khi những Goebbels, Rosenberg, Hitler biện-hộ chủ-nghĩa quốc-xã, đã có biết bao những học-giả, nhà nhân-bản, đạo-đức Âu-châu biện-hộ cho « chủ-nghĩa quốc xã », đối với các dân-tộc Á-phi, với những người mà họ gọi là « hommes de couleurs ». Một vài câu trích dẫn sau đây, có khác gì những câu đã thốt ra từ miệng những lãnh-tụ quốc-xã mà các nhà học giả, nhân-bản Âu-châu kết án : « Chúng tôi mong đạt tới không phải sự bình-đẳng, nhưng sự bá-chủ. Xứ dòng-giống ngoại-lai sẽ trở nên một xứ nô-lệ, dân cày hay thợ máy. Vấn-đề không phải là xóa bỏ những bất-bình-đẳng giữa người với người, nhưng là làm tăng thêm và biến chúng thành một lề-luật… « Sự các dân-tộc kém-cỏi suy-đồi và bị các dân-tộc cao đẳng thống-trị là vâng theo một trật-tự thiên-hựu của nhân-loại. Người dân ở nước chúng ta thường bao giờ cũng chỉ là một người quý-phái bị mất địa-vị thôi ; bàn tay nặng- nề của người đó để cầm gươm hơn là để cầm dụng-cụ của kẻ nô-lệ. Người đó chịu chiến-đấu hơn là chịu làm việc, nghĩa là trở về tình-trạng sơ-thủy của họ, Regere imperio populos, đó là sứ-mệnh của chúng ta. Các bạn hãy mang hoạt-động đó áp-dụng vào những nước cần sự chinh-phục ngoại bang như nước Tàu chẳng hạn… « Tạo-hóa đã dựng nên một dân-tộc làm thợ, đó là dân Trung-Hoa rất khéo chân tay mà không hề có chút tinh-thần danh-dự ; các bạn hãy cai-trị họ một cách hợp lẽ phải, mà vẫn thu lợi cho chính-quyền cai-trị, dân-tộc đó cũng lấy làm thỏa-mãn ; một dân-tộc chỉ biết làm ruộng là người da đen, hãy tỏ ra tốt và nhân-đạo với họ, rồi mọi sự sẽ đâu vào đấy ; một dân tộc làm chủ và lính, là dân Âu-châu. Bắt dân cao-thượng này làm việc trong những hầm ngục giam tội nhân và nô-lệ thời La-Mã, như người da đen và Tàu, họ sẽ nổi loạn. Bất cứ một tên phản-loạn nào ở nước ta, đều ít nhiều là một quân-nhân mất việc, một người sinh ra để sống anh-hùng mà các bạn đã bắt làm một việc trái với bản-chất dòng-giống của anh ta, là một người thợ dở, nhưng là một người lính giỏi. Vậy mà, cuộc sống làm cho những người thợ của chúng ta nổi-loạn, chính cuộc sống đó làm cho người Tàu, người Phi-châu, là những người không phải làm nghề lính lấy làm sung-sướng. Ước mơ mỗi người làm cái mà mình sinh ra để cho được làm cái đó, mọi sự đâu sẽ vào đấy ». (Renan) 25 « Nhân-loại không thể để sự bất-lực, sự lười-biếng của những dân-tộc man-rợ làm cho những của-cải phí-phạm đi vì không có ai khai-thác sử-dụng, những của-cải mà Thiên- chúa đã giao-phó cho những dân đó để sinh lợi cho mọi người ». (L. M. Muller) « Thật rất đúng khi những người Âu-châu di-cư, vào thời Colombo, không muốn coi những bọn dân suy-đồi ở tân thế-giới như là người giống mình… Người ta không thể trông người mọi-rợ mà không đọc thấy lời nguyền-rủa họ không phải chỉ khắc vào lòng họ, mà ngay cả ở về bề ngoài thân hình họ ». (Joseph de Maistre) « Đứng trên phương-diện tuyển-lựa, tôi coi sự phát-triển quá nhiều những dân da vàng, da đen và sẽ rất khó tiêu diệt họ, như là tai-hại. Nếu sau này xã-hội sẽ được tổ-chức trên một căn-bản nhị-nguyên, gồm một giai-cấp lãnh-đạo là da trắng và một giai-cấp mầu da thấp-kém chỉ được làm việc tay chân thô-kệch thì việc đó có thể dành cho giống da vàng và da đen. Như thế, không có gì bất-tiện cho người da trắng mà lại là một lợi cho họ. Không nên quên rằng chế-độ nô-lệ không có gì khác thường cũng như việc kềm-chế con ngựa, con bò mà thôi. Do đó, có thể một ngày kia, chế-độ nô-lệ sẽ lại xuất-hiện dưới một hình-thức nào đó. Điều đó chắc-chắn khó lòng không thể xẩy ra nếu giải-pháp đơn giản này không can-thiệp vào « có một giống cao-thượng độc-nhất do sự tuyển-lựa mà ra ». (Laponge, trang 33) « Tôi biết rằng tôi phải tin là tôi hơn những bọn Bayas vùng Mambéré. Tôi biết rằng tôi phải có sự kiêu-căng đó trong máu tôi. Vì khi một người không tin mình hơn người, thực-sự hắn sẽ không hơn nữa. Khi một dòng-giống cao không còn tin ở dòng-giống được lựa-chọn, nó không còn là dòng-giống được lựa-chọn nữa ». (Psichari) « Người man-rợ cũng cùng dòng-giống với người La-Mã và Hy-Lạp. Đó là một người họ-hàng. Người da vàng, người da đen không phải là họ-hàng của chúng ta. Ở đây có một sự khác-biệt thực-sự, một cách-biệt thực-sự và thật lớn-lao, đó là sự cách-biệt và khác-biệt chủng-tộc. Thực ra, nếu nói tới văn-minh, thì từ xưa đến nay, chỉ có người da trắng là văn-minh… Nếu Âu-châu trở nên vững-chắc, đó sẽ là một thoái lui, một thời-kỳ ngu-dốt và hỗn-độn mới nghĩa là một thời trung-cổ thứ hai ». (Faguet, trang 33) Một học-giả thực-dân, đã từng làm giáo-sư ở Cao-Miên và ở Bắc-kỳ xưa đã xác-định thế nào là thái-độ thực-dân 26. Theo ông này : « Nguyên-tắc của chủ-nghĩa thực-dân là người bản-xứ không bình-đẳng với ta. Nguyên-tắc đó có thể làm gai mắt những người tiêm-nhiễm tinh-thần bản « Tuyên-ngôn nhân quyền » ; nhưng nếu không có nguyên-tắc đó, làm gì còn thuộc-địa. Người bản-xứ đã quen chịu độc-tài và coi độc-tài là tự-nhiên, cho nên người Âu-châu xử với họ ngang hàng tức-khắc người Âu-châu sẽ bị họ coi là kém. « Bởi vì thế nào cũng phải chọn một trong hai để chỉ huy, thì tốt hơn là người Âu-châu cai-trị, như thế có lợi ngay cả cho người bản-xứ, vì người Âu-châu tiêu-biểu cho một văn-minh cao-đẳng ; ít ra họ tin như vậy và cả người bản xứ cũng nghĩ như thế. Giả-sử người Âu-châu có lạm-dụng thì cũng ít tai-hại hơn người khác. Do đó, điều thứ nhất, là không nên vì lời nói, cử-chỉ làm mất uy-tín của người da trắng trước mặt người bản-xứ ; và điều thứ hai là cũng không nên làm gì có thể giảm uy-tín của những người da trắng khác trước mắt người bản-xứ (có quần áo bẩn thì phải giặt rũ giữa những người cùng dòng-giống thôi) ». * Không thể còn nói tới giao-ngộ, thông-cảm khi thái-độ đi tới người khác là thái-độ khinh-bỉ vì khinh-bỉ là từ-chối thông-cảm rồi. Muốn có thông-cảm phải có sự nhìn-nhận nhau trên căn-bản bình-đẳng và do đó, phải có sự tin-tưởng tín-nhiệm để cởi mở và đón nhận. Nhưng tương-quan giữa người thực-dân và người thuộc-địa là một tương-quan lực lượng : « Những tên phố, những tượng kỷ-niệm đặt tại các ngã tư công-viên toàn là tên những tướng-lãnh, quan cai-trị đã chinh-phục, dẹp loạn, cai-trị xứ này bằng lưỡi lê, súng đạn như có ý nhắc cho người bản-xứ biết : Chúng tao đến đây và ở lại đây bằng võ-lực và chúng tao là chủ ở đây ». Những tên đội xếp sen-đầm, thanh-tra sẽ có nhiệm-vụ bảo-vệ cái trật-tự đó. Đã phải dùng đến võ-lực để duy-trì sự có mặt, làm sao còn có thể tín-nhiệm để cởi-mở, giao-ngộ ? Ngược lại, người bản-xứ đâm ra sợ-sệt, khi bị đặt vào một tình-cảnh lệ-thuộc vì lâu ngày cũng tưởng rằng mình là như người thực-dân đã gán cho. Hoặc không sợ-sệt thì lại hằn-học, căm-thù. Nhưng, dù sợ-sệt hay căm-thù, người thuộc-địa luôn-luôn phải dè-dặt, kín-đáo và nếu cần phải tử-tế, lịch-sự, thì đó chỉ là giả đò, đóng kịch, chứ không bao giờ để lộ tâm-tính thực-sự của mình ra… Thông-cảm cũng là một giao-ngộ giữa hai người, nghĩa là đòi-hỏi sự nhìn-nhận mỗi người như một đơn-vị, có cá tính, sắc-thái riêng-tư của nó. Trong con mắt của người thực-dân, người bản-xứ xuất hiện như một lũ, một bọn đồng tính, đồng tình. Đó cũng là một hình-thức tha-hóa con người. Khi nói đến người thuộc địa, họ cho bọn chúng là thế nầy, là thế kia như tất cả mọi người thuộc-địa đều thế cả. Khi một người bồi của họ làm hỏng một việc gì, thay vì nói : « không thể tin ở hắn được », họ nói : « không thể tin ở bọn chúng được ». Khi sự giao-thiệp không còn đượm tính-chất nhân-loại, không thể nói tới trao-đổi văn-hóa, Pháp-Việt đề-huề, Đông-Tây gặp nhau, tự-do, dân-chủ, bình-đẳng, cần-lao, gia-đình, tổ-quốc… Đó chỉ là những danh-từ để lừa-bịp, những « huyền-thoại » để che-đậy thực-chất bạo-động. Đối với người thuộc-địa, tự-do là có miếng đất để có miếng cơm, tự-do là không phải đóng thuế thân, đi phu, đi xâu, bị bắt lính… Như Franz Fanon đã viết : « Điều người thuộc-địa thấy trên đất của mình, là người ta bắt mình một cách vô-lý, đánh đập mình làm cho mình chết đói và không bao giờ có một giáo-sư luân-lý hay một ông cha nào đến hứng lấy những cú đấm đá thay cho họ hay chia-sẻ cơm áo với họ ».27 Cho nên đối với đa-số dân thuộc-địa bị giam-hãm trong tình-cảnh nghèo-nàn, dốt-nát, họ không bao giờ được nghe thấy những danh-từ đó, còn nói gì đến thông-cảm trao-đổi. Trước mắt họ chỉ thấy ức-hiếp, đè-nén và bạo-động. Tây về làng, để hành-quân, bắt rượu, bắt lính… người dân sợ hết hồn, lo ẩn trốn không xong, nói tới Pháp-Việt đề-huề, Đông Tây gặp nhau thật là trò hề mỉa-mai… Đối với dân-chúng, chỉ có hai thái-độ : một là trước mặt Tây giả vờ khúm-núm, lễ-phép, sợ-sệt : ông Tây « quan lớn », hai là vắng mặt Tây, châm-biếm, chế-giễu, khinh-bỉ Thằng Tây với cái mũi lõ, râu xồm, mắt xanh lờ, da bạch (các cụ ngày xưa còn gọi là bạch-quỉ). Chỉ có thế thôi. Tuy nhiên, có một thiểu-số người thuộc-địa được Tây cho ăn học, có địa-vị, được vào giới Tây và do đó, có thể nói tới những giá-trị tinh-thần, ca-tụng Pháp-Việt đề-huề, Đông-Tây gặp nhau ; nhưng thực ra cũng chẳng làm gì có « trao-đổi » tương-lai vì những người thuộc-địa này « có » gì đâu mà trao-đổi. Họ đã là vong-bản, nghĩa là thành Tây rồi thì còn cái gì khác nữa đâu để đối thoại, trao-đổi. Nói như trên không có ý chối rằng trong thời-kỳ thuộc-địa, không bao giờ có những giao-ngộ thực-sự giữa người Việt và người Pháp. Chắc hẳn là có và những giao-ngộ này vượt tương-quan thực-dân bản-xứ. Nhưng những trường-hợp riêng-tư này không thay-đổi được gì hết thực-chất của chế độ thực-dân. Chính chế-độ thực-dân xóa bỏ giao-ngộ đích thực bằng cách làm hư-hỏng người Pháp khi họ bước chân tới xứ thuộc-địa. Rồi người Pháp biến thành người thực-dân lại làm hư-hỏng người bản-xứ. Rút cục chế-độ thực-dân là một quá-trình tha-hóa con người, làm cho con người mất hết tính-chất người, trở thành người vong-thân, cả người đi thực-dân lẫn người thuộc-địa. Ô Ộ 2) NGÔN-NGỮ, VĂN-CHƯƠNG BẠO-ĐỘNG Có một ngôn-ngữ, một văn-chương thuộc-địa phản-ảnh một cách rất rõ-rệt thái-độ thực-dân. Do đó, người ta có thể tìm-hiểu chế-độ thực-dân qua ngôn-ngữ mà những người thực-dân thường dùng để chỉ-thị cái thực-tại thuộc-địa. Ngôn-ngữ này theo kiểu nói của Fanon là một thứ ngôn-ngữ « động-vật » (langage zoologique) 28. Muốn gọi tên, chỉ định cái gì liên-quan đến thuộc-địa, người thực-dân dùng những tiếng thường vẫn để chỉ-định sự-vật hay loài-vật. Có những tiếng gọi chung khinh-bỉ hầu như là một lời chửi : nhà quê, sale Annamite ; những người làm cách-mạng chống Pháp đều là « làm giặc, quân cướp » (pirate, rebelle, bandits) ; những tiếng để chỉ người thuộc-địa là một đám như đàn ruồi, đàn chim (bande, multitude, hordes) họ rúc trong những ổ, tổ (repaire) và tràn ra (déferler). Họ không hành-động nhưng cử-động múa-máy (gesticuler). Từ khi người Pháp sang cho đến khi chế-độ thực-dân cáo-chung ở Việt-Nam có rất nhiều người Pháp đã viết hồi ký, sáng-tác tiểu-thuyết, làm thơ. Nếu rảo qua tất cả những tác-phẩm đó, người ra thấy cái kho-tàng văn-chương này phản-ảnh tâm-lý và thái-độ của người Pháp qua những giai đoạn « phơi-bày thực-chất » và giai-đoạn « che giấu thực chất » bằng những « huyền-thoại ». Malleret đã giới-thiệu khá đầy-đủ tất-cả cái kho-tàng đó trong cuốn : Exotisme indochinois dans la littérature Française depuis 1860 29. Nếu ta theo Malleret, đọc một vài tác-phẩm mô-tả những tiếp-xúc đầu tiên khi người Pháp mới đến xứ ta, ta thấy họ đã nhìn người Việt với con mắt thế nào. Chẳng hạn, đây là những ghi chép của một người lính : « Năm 1883, ngược dòng sông Hồng-Hà bằng thuyền, thiếu-tá Peroz đã mô-tả những người bản-xứ rách-rưới, bẩn-thỉu cũng lên thuyền với ông ta. Bằng một giọng khinh bỉ, ông phàn-nàn vì phải ngửi những mùi hôi-thối của nước mắm và mùi buồn nôn của thuốc phiện : Phải cố mà chịu đựng sự tiếp-xúc xấu-xa đó ». 30 Một cố-đạo nghĩ về tính-tình người Việt : « Tính-nết họ hay thay-đổi, nhẹ dạ lạ-lùng. Tôi tin rằng họ không hề theo-dõi một cách chăm-chỉ một ý-tưởng gì. Chính vì thế mà họ kém cỏi về mặt buôn-bán, kỹ-nghệ, văn-nghệ khi so-sánh với người Tàu mà họ đã vay mượn tất cả những gì là văn-minh bề ngoài… Thực ra, mặc dầu có cái vẻ bề ngoài lễ-nghi nghiêm-trang, họ vẫn còn là một dân tộc ấu-trĩ, hay thay-đổi, trái chứng như trẻ con. Cho nên phải xử với họ như với trẻ con, một chút nghiêm-khắc với một chút khoan-dung ». 31 Một người khác phê-bình nền văn-minh của ta : « Trong các nước tự-xưng là văn-minh, tôi không thấy có nước nào phong-tục thả-lỏng như thế. Xứ An-nam là một xứ có tổ-chức, không phải có văn-minh. Tính-cách văn-minh bề ngoài của nó là một sự phủ-nhận tuyệt-đối mọi văn minh vì văn-minh của nó chỉ là sự bóc-lột dã-man đa-số, do một thiểu-số thối-nát và thiếu mọi tư-cách ». 32 Một quan tòa viết : « Người An-nam ở bẩn kinh-khủng ; người họ đầy rận chấy và bị các bệnh ngoài da tàn-phá, làm mụn nhọt mủ, khắp mình ; lúc nào cũng gần-gũi với súc-vật ở ngay trong nhà họ… đàn bà đúng là thứ giống cái (femelle) của những người đó ». 33 Trong cuốn tiểu-thuyết : « Thuốc phiện » của Bonnetain, người đàn-bà Việt-Nam được mô-tả như là « một con vật với dáng đi kỳ-cục » với đôi hàm răng đen kinh tởm, « không có gì kinh-tởm hơn cái hàng những hột xương nhỏ mầu than đen bóng và tối-tăm giữa đôi môi rất mỏng hay quá đỏ ». 34 Cái mặt thì là mặt súc-vật : « Cái mặt súc-vật (Visage bestial) của người đó luôn luôn bất-động, im-lìm và như thể ngu-đần quá chừng ». 35 Không phải chỉ người mới xấu-xí, đáng ghét, nhưng cả cảnh-vật, sự-vật cũng không ưa được : « Phong cảnh chung ở Bắc-kỳ buồn-bã và đều-đặn. Người ta chỉ gặp toàn những đồng-bằng lầy-lội và ngập đến một nửa ». Mọi sự ở xứ này đều có vẻ lố-bịch cả : « Cái thuyền lố bịch có hình một cái thùng chữ nhật (navire grotesque en forme de caisse rectangulaire) ; những mái nhà tranh thì ghê-tởm, nước mắm thì có mùi thối thủm, còn chùa chiền thì lủng củng những đồ trang-hoàng… »36 Người ta thấy khi người Pháp mới sang, rõ ràng là họ từ chối thông-cảm. Và do đó, lý-do đưa họ sang đây, đã hẳn không phải để thông-cảm, trao-đổi văn-hóa, tình-tự dân-tộc gì cả, nhưng là để khai thác bóc-lột mà thôi. Nhưng để che giấu sự thực đó, họ nại tới sứ-mệnh giáo-hóa dựa vào hình ảnh về người Việt mà chính họ đã tạo ra như Malleret đã tự hỏi : « Đâu là lý-do của sự nhơ-bẩn không thể tưởng-tượng được kia, nếu không phải là vì tình-trạng suy-đồi của dân tộc này. Do đó, sự chinh-phục mặc một ý-nghĩa giải-thoát như bác sĩ Challan de Belval đã viết : Đàn ông, đàn bà đều có một nét mặt chịu-đựng nhẫn-nại và nghi-nan gian-lận, đó là những đặc-điểm của sự suy-đồi luân-lý. Đây là một dòng-giống nô-lệ cần phải dẫn-dắt lên chỗ nhân-phẩm. Đó là mục-đích của chúng ta, mục-đích của sự chinh-phục ». 37 Nhưng đó là nói dối. Thực-chất của thực-dân không nhằm mục-đích trên. Chính vì thực-chất của chế-độ thực dân là chống lại con người, phản nhân-đạo mà ta thấy không thể có một nền văn-chương thuộc-địa được. Malleret cũng như Pujarsnicle đều muốn xác-định những tiêu-chuẩn của thứ văn-chương đó, và tìm cách ca tụng nó trong khi giới-thiệu những thơ-văn do người Pháp viết về thuộc-địa Đông-Dương. Bằng chứng là có người Pháp nào bây giờ biết đến và thưởng-thức những tác-phẩm đó và công-nhận cho vào « văn-học sử-Pháp » ? Có thể nhận có một văn-chương ưa lạ (littérature exotique) chứ không thể có một văn chương thuộc-địa (littérature coloniale) đích-thực là văn- """