Cuốn tiểu thuyết tình báo “Chiếc khuy đồng” của Ô-va-lốp viết dựa trên một câu chuyện có thật, xảy ra tại thành phố Ri-ga, nước Cộng hòa Lét-tô-ni (Liên-xôtạm thời bị quân phát xít Đức chiếm đóng vào những năm đầu chiến tranh thế giới lần thứ hai. Câu chuyện lý thú phản ánh cuộc đấu tranh gay go, mạo hiểm, quyết liệt giữa cơ quan tình báo Liên xô và bọn gián điệp của các nước đế quốc; nêu lên những mâu thuẫn, xung đột tất yếu không thể tránh khỏi trong nội bộ bọn gián điệp đế quốc, phản ánh sự cấu xé vì quyền lợi và tham vọng giữa các nước đế quốc, dù lúc bấy giờ với danh nghĩa là đồng minh của Liên xô chống phát xít Hít-le. Hiện nay, bọn phản động bành trướng bá quyền Bắc Kinh đang ra sức cấu kết với đế quốc Mỹ, tiến hành một kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt đối với nước ta. “Chiếc khuy đồng” ra mắt lần này chắc chắn sẽ góp phần giúp bạn đọc nâng cao tinh thần cảnh giác Cách mạng, bồi dưỡng và củng cố thêm ý chí bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.*** Lời Tác giả: Tính đến nay đã gần tròn 20 năm, tôi có viết về Prô-nin, một cán bộ của Cục An ninh Quốc gia, và là người bạn của tôi, một tập truyện nhan đề là NHỮNG VIỆC MẠO HIỂM CỦA THIẾU TÁ PRÔ-NIN. Xuất bản tập truyện ấy chẳng được bao lâu thì cuộc Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc bùng nổ. Từ đó chúng tôi mỗi người một ngả, không liên lạc và cũng không hề gặp nhau. Trong quãng thời gian ấy, những sự kiện lớn lao đã bắt buộc một số người phải rút vào hoạt động bí mật.. . Rồi chiến tranh lại tan đi, công cuộc kiến thiết hòa bình trở lại trên khắp đất nước, người người lại sum họp và sau đó một thời gian mà tôi cho là dài lắm, cuộc sống lại trả hai chúng tôi về cảnh cũ. Đương nhiên tôi có hỏi về cái quá khứ của Prô-nin, tuy rằng anh không bao giờ thích để ai ca tụng mình. Anh đáp: “Tôi đã làm những gì thì chưa đến lúc phải kể lại, mà tôi cũng không có quyền nói hết những việc mình làm. Nhưng tôi có quyển nhật ký nhỏ của một đồng chí sỹ quan mà tôi có nhiệm vụ phải gặp gỡ trong những ngày đầu chiến tranh. Xin biếu anh đây. Đọc trong ấy tất anh sẽ biết được ít nhiều về tôi. Anh ta ghi quyển nhật ký này không phải để cho mọi người xem, nhưng nếu thấy thích, anh có thể phổ biến. Tất nhiên, những tên thật nên thay đổi đi “. Tôi đọc hết những dòng nhật ký đó và quyết định viết thành tiểu thuyết này. Lời lẽ quyển tiểu thuyết gần giống y như bản thảo nhật ký, tôi chỉ chữa lại một vài tình tiết ở đôi chỗ và thay đổi vài ba tên thật mà thôi.Tôi mở ngăn kéo bàn giấy lấy chiếc khuy đồng ra. Chiếc khuy đồng giản dị này là vật kỷ niệm duy nhất của tôi để ghi nhớ lại những sự việc lạ lùng nửa hư nửa thực mà tôi đã bị bắt buộc phải chứng kiến và tham dự vào… Cái vật bằng đồng nhỏ bé đó nằm gọn lỏn trên lòng bàn tay, gợi lại trong tâm trí tôi hình bóng ả đàn bà ấy, một hạng đàn bà kỳ dị hiếm có ở trên đời mà tôi đã quen biết trong những cảnh ngộ thật là éo le, khó hiểu. Đó là Xô-phi-a An-cốp-xcai-a. Nếu nói theo quan niệm thông thường của ta thì ả không phải là một trang tuyệt thế giai nhân: nét mặt không cân đối, thân hình chả lấy gì làm hoàn mỹ. Thế mà ả đã khiến cho nhiều kẻ mày râu phải “đổ quán xiêu đình” trước cái sóng khuynh thành của mình… Bạn thử hình dung ra một người đàn bà khá cao, tóc nâu sẫm, mặt hơi dài, trán dô gần như trán đàn ông với đôi mắt một mí màu gio mà trong cơn giận dữ thường biến sang màu xanh như mắt mèo và sắc như lưỡi dao cạo. Mũi hếch, cằm thon. Khác thường nhất là đôi môi đỏ chót, trề ra y hệt như môi trẻ con và có thể đột ngột mím chặt lại một cách dữ tợn, tái dần đến nỗi trắng nhợt ra. Hai vành tai quá rộng nói lên đặc khiếu thẩm âm của ả. Đôi má thỉnh thoảng mới ửng hồng, mái tóc mềm hơi uốn cong bên thái dương, hai cánh tay có vẻ quá mảnh khảnh nếu đem so với bộ đùi nở nang như đùi nhà thể thao chuyên nghiệp. Trong khi trò chuyện với ai ả chỉ nghe một bên tai, còn tai kia hình như đang mải lắng nghe một khúc nhạc hiu hắt từ cõi xa xăm nào vọng tới; nếu một mắt nhìn chòng chọc vào mặt người đối diện thì mắt kia hình như đang đăm chiêu soi vào khoảng không gian thăm thẳm. Và nếu tay phải ả dịu dàng vuốt ve anh thì tay trái có thể thình lình móc khẩu súng lục xinh xắn tối tân ở trong xắc ra để bắn chết anh trong nháy mắt. Phải chăng trong câu chuyện oái oăm này cũng phải có một nhân vật lạ đời như thế? Tôi là thiếu tá Ma-ca-rốp, sĩ quan tham mưu Liên Xô. Mấy tháng trước khi xảy ra chiến tranh, tôi được phái đến Ri-ga, một thành phố lớn và cổ kính nằm giữa hai miền Đông và Tây Âu… Nhiệm vụ của tôi là nghiên cứu chiến trường và chuẩn bị kế hoạch bố trí quân lực ở miền Tây Bắc để ngăn chặn một cuộc tiến công bất ngờ của quân địch khi chiến tranh bùng nổ. Công tác đó có tính chất hết sức bí mật. Lúc bấy giờ Ri-ga là một thành phố đông đúc và phức tạp. Những dãy nhà nguy nga tráng lệ ngất nghểu bên những phố xá tồi tàn đổ nát. Trước mắt chúng tôi đầy rẫy những nghịch cảnh giàu nghèo, sang hèn, vừa khêu gợi trí tò mò mà lại vừa kỳ lạ. Ri-ga là thủ đô của nước Cộng hòa xô-viết Lét-tô-ni vừa thành lập được ít lâu. Tôi sống khá kín đáo trong căn buồng riêng tại nhà đồng chí công nhân xưởng cơ khí tên là Xe-plít. Đồng chí là một đảng viên cộng sản lâu năm đã được tôi luyện trong thời kỳ hoạt động bí mật. Nhờ có chìa khóa riêng để ra vào cửa lớn nên tôi ít làm phiền đến chủ nhà. Tôi còn nhớ rõ đêm ấy vào khoảng cuối tháng sáu, sau khi báo cáo tình hình công việc hàng ngày với thủ trưởng, tôi bước ra khỏi tòa nhà đồ sộ sáng trưng ánh điện, đi qua một phố nhỏ rồi rẽ xuống đường bờ sông Đô-gáp xây bằng đá, rộng thênh thang. Mùa hè ở biển Ban-tích thật là êm dịu. Khí trời khô ráo nhẹ nhõm. Lòng tôi lâng lâng giữa biển hương thơm ngào ngạt dâng lên từ dòng sông và từ hoa cỏ dại đẫm sương… Đêm đã khuya. Bốn bề vắng ngắt. Tôi đội mũ dạ, mặc áo choàng màu sẫm, trong bóng tối khó mà nhận thấy. Một làn gió lạnh thoảng qua. Tôi rùng mình định kéo cổ áo lên chợt nghe tiếng gọi khẽ sau lưng.