Bạn đọc đang cầm trên tay một cuốn sách viết về cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á, hay nói đúng hơn là Đông Á. Cuốn sách là một tập hợp chọn lọc các bài viết của Võ Tá Hân, Vũ Quang Việt, Trần Quốc Hùng đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn trong hai năm 1998, 1999. Cả ba là bạn của nhau, cùng đi học nước ngoài một ngày về kinh tế và thương mại, và cùng là cộng tác viên thường xuyên của Thời báo Kinh tế Sài Gòn từ nhiều năm nay.
Ba tác giả này đang làm ăn, sinh sống tại ba châu lục khác nhau – người ở châu Á, người tại châu Mỹ, người ở châu Âu, và đương nhiên có cái nhìn không giống nhau hoàn toàn về cuộc khủng hoảng. Cách viết của họ cũng khác nhau, hai người thì trầm tĩnh, một người lại khá sôi nổi và dí dỏm. Điều đó khiến cho tập sách cùng thêm phong phú. Không những thế, những góc nhìn khác nhau của họ sẽ giúp bạn đọc có được bức tranh toàn cảnh về một cuộc khủng hoảng đã ghi đậm dấu ấn trong lịch sử hiện đại của châu Á.
Và vì các tác giả là người Việt Nam với tấm lòng luôn hướng về quê mẹ, khi viết về cuộc khủng hoảng, họ luôn luôn muốn qua đó tìm ra các bài học kinh nghiệm cho con đường phát triển của Việt Nam. Một cách gián tiếp. Nhưng đối với bạn đọc, biến những gì gián tiếp đó thành các hành động trực tiếp lại có thể là một khả năng hiện thực. Bởi lẽ tập sách đầy những thí dụ cụ thể ở cấp độ vĩ mô lẫn vi mô.
Để tiện cho bạn đọc theo dõi và tra cứu, cuốn sách được chia làm ba phần. Phần một đề cập đến một số vấn đề cần quan tâm trong cuộc khủng hoảng; phần hai nói về các bài học kinh nghiệm và tình hình sau khủng hoảng; và phần ba là các dự báo về tương lai kinh tế của châu Á.
Một tập hợp các bài viết vào một cuốn sách cho dù có kỹ lưỡng đến đâu đi chăng nữa chắc hẳn cũng sẽ không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được bạn đọc góp ý để chúng tôi có thể sửa chữa và hoàn thiện cuốn sách cho những lần tái bản sau này.