Chúng tôi nảy ra ý muốn nghỉ chiều và qua đêm tại lâu đài. Nhiều lâu đài ở Pháp đã biến thành khách sạn: một vùng cây cối lọt thỏm trong một vùng không gian trơ trụi, khô cằn; một khoảng nhỏ để đi dạo với chim muông, cây cỏ giữa một hệ thống đường cao tốc rộng lớn. Tôi đang lái xe, qua tấm kính hậu tôi nhận thấy một chiếc xe con chạy phía sau. Ngọn đèn nhỏ bên trái nhấp nháy, cả chiếc xe phả ra những làn sóng nôn nóng. Người tài xế đang tìm cơ hội để vượt qua tôi; anh ta quan sát lựa thời cơ giống như một con diều hâu lựa lúc lao xuống chụp con chim sẻ. Véra, vợ tôi, nói với tôi: “Cứ năm mươi phút lại có một người chết vì tai nạn giao thông ở Pháp. Nhìn mà xem, tất cả cái đám đông điên cuồng đang quay lượn quanh chúng ta. Đó cũng chính là những người đã tỏ ra thận trọng kinh khủng khi có một bà già bị móc túi ngay trước mặt họ ở trên phố. Làm sao họ lại không cảm thấy sợ hãi khi ngồi sau tay lái?” Tôi biết nói gì đây? Có thể là thế này: con người đang cúi gập mình trên chiếc xe máy chỉ có thể tập trung chú ý vào khoảnh khắc hiện tại anh ta đang lao xe đi; anh ta bị buộc chặt vào mảng thời gian bị cắt rời khỏi cả quá khứ và tương lai; anh ta bị dứt tung khỏi dòng chảy liên tục của thời gian; anh ta ở ngoài thời gian; nói cách khác, lúc đó anh ta đang trong trạng thái xuất thần, ở trạng thái đó anh ta không còn biết gì đến tuổi tác, vợ con, những nỗi âu lo của mình nữa cả, thế nên anh ta không thấy sợ, bởi vì nguồn gốc nỗi sợ là ở phía trước, phía tương lai, mà một người đã thoát khỏi tương lai thì không có gì phải sợ. Tốc độ là một hình thức xuất thần mà cuộc cách mạng kỹ thuật đã tặng cho con người. Ngược lại với người đi xe máy, người chạy bộ luôn luôn hiện diện trong cơ thể anh ta, buộc phải không ngừng nghĩ xem mình đã phồng chân, kiệt sức chưa; trong khi chạy anh ta cảm thấy trọng lượng, tuổi tác của mình, ý thức hơn bao giờ hết về bản thân và thời gian sống của mình. Mọi chuyện sẽ thay đổi khi con người giao phó khả năng tốc độ cho máy móc: kể từ khi đó, cơ thể riêng của anh ta bị đặt ra ngoài quá trình vận động, anh ta hiến mình cho cái tốc độ phi cơ thể, phi vật chất, tốc độ thuần túy, tốc độ tự nó, tốc độ xuất thần. *** Milan Kundera (sinh 1/4/1929 tại Brno, Cộng hòa Czech, định cư tại Pháp từ 1975là một nhà văn lớn thế kỷ XX, một nhà tiểu thuyết có lối viết độc đáo, khác lạ. Tác phẩm của ông đã vào Việt Nam từ cuối thập niên 1990. Tiểu thuyết “Sự bất tử” do tôi dịch đã đăng ở số 1 (1996tạp chí “Văn học nước ngoài” của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1999 tiểu thuyết này cùng hai tiểu thuyết khác của Milan Kundera (“Chậm rãi”, “Bản nguyên”cũng do tôi dịch đã được in thành sách dày 766 trang (Nxb Văn Học & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Nhà văn Nguyên Ngọc đã dịch của Milan Kundera ba tập tiểu luận – “Nghệ thuật tiểu thuyết” (1998, “Những di chúc bị phản bội” (2001, “Một cuộc gặp gỡ” (2013và một tiểu thuyết – “Lễ hội của vô nghĩa” (2015. Dịch giả Cao Việt Dũng đã dịch của Milan Kundera ba tiểu thuyết – “Cuộc sống không ở đây” (2003, “Điệu valse giã từ” (2004, “Vô tri” (2010, một tập truyện ngắn – “Những mối tình nực cười” (2009và một tập tiểu luận – “Màn” (2014. Dịch giả Trịnh Y Thư ở Mỹ đã dịch của Milan Kundera tiểu thuyết “Đời nhẹ khôn kham” (2002, cuốn này vừa được in trong nước đầu 2018. Hôm nay, sau đúng hai mươi năm ra sách lần đầu, tôi đón nhận bản dịch “Sự bất tử” (496 trangtái bản. Hai cuốn còn lại (“Chậm rãi” và “Bản nguyên”sắp tới cũng sẽ ra lại. Cả ba cuốn này đều do Nhã Nam làm. Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết ba cuốn tiểu luận của Milan Kundera ông dịch cũng đang được công ty sách Bảo An Books xúc tiến tái bản.
Nguồn: https://thuviensach.vn