Thế giới đang trải qua một thời kỳ có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Các quốc gia không ngừng điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau nhằm gia tăng vị thế và lợi ích.
Kể từ sau Chiến tranh lạnh tới nay, lần đầu tiên Mỹ phải đối mặt với Trung Quốc – một cường quốc có quy mô kinh tế vượt Mỹ vào năm 2014 (tính theo ngang giá sức mua), không là đồng minh, không cùng hệ giá trị và có năng lực công nghệ trong một số lĩnh vực, như mạng di động 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) đủ để tạo ra thách thức đối với an ninh của Mỹ. Chính vì thế, khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc gia tăng sẽ kéo theo một cuộc đua khốc liệt về công nghệ giữa 2 nước. Về phía mình, Trung Quốc đã triển khai nhiều chiến lược “đi tắt đón đầu” để rút ngắn thời gian và khoảng cách về năng lực khoa học và công nghệ với Mỹ, như Kế hoạch “Made in China 2025” (MIC 2025 – “Chế tạo tại Trung Quốc 2025”) với trọng tâm là các ngành công nghệ cao và các sản phẩm như tàu cao tốc, rôbốt, AI, mạng di động 5G,…; chú trọng đầu tư nhân lực và vật lực cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ,… Nhiều tập đoàn, công ty công nghệ của Trung Quốc đã và đang cạnh tranh vị trí dẫn đầu thế giới như Tập đoàn Huawei, Trung Hưng (ZTE), Tencent hay China Mobile,… Về phía Mỹ, trước sự vươn lên mạnh mẽ đó của Trung Quốc, Mỹ buộc phải có những điều chỉnh chiến lược về công nghệ, thậm chí là những biện pháp mạnh mẽ như trừng phạt hay trả đũa Trung Quốc, đẩy mạnh việc ngăn chặn các thương vụ đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ của Mỹ hay việc các công ty của Trung Quốc mua lại các công ty công nghệ của Mỹ; áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, chủ yếu là các mặt hàng viễn thông, A; lôi kéo thêm đồng minh nhằm tẩy chay các công ty công nghệ, viễn thông của Trung Quốc, từ đó kiềm chế năng lực phát triển công nghệ của nước này;… Những hành động có vẻ “mạnh tay” của Mỹ đang khiến cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung Quốc trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến riêng Mỹ hay Trung Quốc mà còn dẫn đến nguy cơ về “một sự đứt gãy” của thế giới hay nói cách khác là nguy cơ “phân tách” trong kinh tế, tài chính và thậm chí là quân sự đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Để bạn đọc dễ hình dung được bức tranh toàn cảnh về cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung Quốc trong thời đại 4.0, những tác động và ảnh hưởng của nó đến tình hình thế giới cũng như những điều chỉnh cụ thể về chính sách, chiến lược công nghệ của Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia lớn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung Quốc thời đại 4.0 do TS. Nguyễn Việt Lâm và ThS. Lê Trung Kiên đồng chủ biên. Bên cạnh việc phân tích, đánh giá tình hình và triển vọng cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung, nhóm tác giả còn đưa ra những dự báo về xu hướng cạnh tranh, từ đó gọi mở hàm ý chính sách cho việc phát triển khoa học – công nghệ ở Việt Nam để lĩnh vực này thực sự là quốc sách hàng đầu cho phát triển nền kinh tế theo hướng hiện đại, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Cuốn sách sẽ là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm về vấn đề này.
Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 8 năm 2020
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT