Xuất thân cảnh sát, hiện làm thám tử tư hay chính xác hơn là deleter chuyên nhận tiêu hủy đồ vật bí mật cho khách hàng sau khi họ chết – gã là Goo Dong Chi.
Sở hữu một cái tên lạ tai, một công việc lạ đời và một tính cách cũng nhiều phần quái lạ, ngày ngày Goo Dong Chi ngồi ở văn phòng trên tầng bốn tòa nhà Cá Sấu hờ hững chờ những cú gõ cửa đem tới đôi ba vị khách cùng một vài, hoặc rất nhiều, bí mật. Bí mật tìm đến gã không mong bị phanh phui mà cầu được lấp vùi. Gã lần theo bí mật không vì muốn vạch trần mà bởi cần chôn giấu. Nhưng một chuyến hành nghề lỗi, một chuỗi các mắt xích bung, một bí mật nằm sai chỗ đã xô gã ra khỏi vòng đuổi bắt an toàn mà gã vẫn ngỡ sẽ không bao giờ sai lệch, buộc gã phá vỡ các nguyên tắc của lý trí…
Đủ cứng và lạnh để gợi nhắc vị tiểu thuyết “đen”, vừa khéo hài hước để ấm áp mà không quá đà ủy mị, Cái bóng của bí mật là một món “lòng đào” – như chính Kim Jung-hyuk tự nhận – mới, lạ, khoái miệng, và thật nhiều dư vị.
Tôi thích thể loại trinh thám là bởi sự hồi hộp trong mỗi câu chuyện được kể. Người đọc cứ tò mò, cứ háo hức với từng lời dẫn dắt của tác giả để rồi đến tận cùng câu chuyện là sự vỡ òa về cảm xúc. Tôi chọn cuốn sách này cũng bởi tò mò sau khi đọc được vài dòng tóm tắt ở bìa sau. Càng tò mò hơn khi nhân vật chính trong truyện lại làm một nghề cực kỳ đặc biệt mà nếu không đọc cuốn sách này tôi sẽ không hề biết đến công việc đó – deleter.
Khác với một số truyện trinh thám tôi từng đọc, Cái bóng của bí mật hoàn toàn không có những chi tiết rùng rợn đáng sợ hay những tình tiết cần phải tư duy phán đoán theo kiểu hại não. Thế những tôi vẫn bị hút vào và hồi hộp dõi theo từng hành động của nhân vật chính cũng như diễn biến toàn bộ câu chuyện. Nhịp truyện có thể nói là khá chậm nên theo cá nhân tôi sẽ hợp với các bạn mới làm quen với thể loại trinh thám. Đây là lần đầu tôi tiếp xúc với văn học Hàn Quốc ở thể loại trinh thám và may mắn là đã có ấn tượng tương đối tốt.
Ngay từ lúc bắt đầu đọc tôi đã chú ý đến nhân vật chính là Goo Dong Chi, chuyên hủy các món đồ bí mật của các khách hàng sau khi họ chết. Không phải chỉ vì đó là nhân vật chính trong truyện mà vì tôi tìm thấy ở nhân vật này vài nét tính cách tương đồng với mình, thích ở một mình, có nhiều điểm khác biệt so với mọi người. Thế nên ban đầu tôi khá hào hứng với cuốn sách. Sự hào hứng đó còn tiếp tục cho đến gần cuối truyện khi bí mật của các khách hàng Goo Dong Chi nhận deleting cứ dần dần được hé mở. Nhưng càng về cuối thì sự hào hứng ấy bắt đầu giảm dần và cuối cùng cái kết lại làm tôi cảm thấy thất vọng, đặc biệt là chi tiết Goo Dong Chi quyết định dừng công việc deleting. Thật sự cho đến khi gấp cuốn sách lại tôi vẫn không hiểu tại sao Kim Jung – Hyuk lại chọn một cái kết nhạt nhòa đến như vậy, ngay cả hợp đồng cuối cùng Goo Dong Chi chọn làm với tư cách là deleter cũng hầu như không để lại được dấu ấn nào. Đó có lẽ là điều đáng tiếc nhất trong toàn bộ cuốn sách khi mà trước đó tác giả đã xây dựng được tuyến nhân vật và cốt truyện với vài nét độc đáo, khác biệt.
Thêm một điểm trừ nhỏ mà cá nhân tôi không thích đó là truyện có một vài chi tiết khá nhạy cảm có thể gắn mác 18+, mặc dù không xuất hiện quá nhiều nhưng lại đặc biệt được miêu tả rất kỹ và chi tiết khiến tôi có cảm giác hơi lạc điệu so với nội dung của cả cuốn sách.
Dù sao thì tổng thể cả cuốn sách vẫn khá ổn, chỉ hơi đáng tiếc ở cái kết mà thôi!
Review Bao Anh Tran
***
Mùi ngấm vào mọi nơi trong tòa nhà Cá Sấu. Chỉ cần gí mũi vào bất cứ chỗ nào và đợi một chút, mùi sẽ tỏa ra ngay. Thứ mùi ấy là không khí của tòa nhà Cá Sấu, là dòng máu chảy giữa những bức tường bê tông, đường ống nước và cầu thang chật hẹp. Bởi không nhìn thấy nên không thể nắm bắt được hình dạng của nó, không thể miêu tả bằng lời nên sự tồn tại của nó lại càng thêm mơ hồ. Từ lòng đất hay các kẽ tường, từ tầng một hay tầng bốn, không ai biết nó bắt nguồn từ đâu. Cả nhà hàng dưới tầng hầm, cả cửa hàng sắt thép tầng một, cả võ đường Hapkido* tầng hai, cả quán game online tầng ba, cả văn phòng tầng bốn, cả trên sân thượng, đâu đâu cũng có mùi, nhưng tất cả mọi người đều vờ như không biết nó, vờ như nó không tồn tại. Ban đầu ngửi thì có chút khó chịu, nhưng lâu rồi cũng thành quen.
Có người từng thử lý giải thứ mùi này. Người ta nói đấy là mùi do đồ ăn hỏng, xác động vật, nấm mốc, mồ hôi người và những món đồ gỉ sét, tất cả được chôn chung dưới một cái hố sâu, ủ rữa trong suốt năm mươi năm mà ra. Người ở tòa nhà Cá Sấu không đáp lời, chỉ gật đầu.
Nơi có ít mùi nhất là trên tầng bốn. Ở đây, mỗi ngày đều diễn ra một cuộc chiến giữa mùi của tòa nhà Cá Sấu và không khí bên ngoài. Vào những ngày đẹp trời ánh nắng chan hòa, không khí bên ngoài sẽ chiến thắng, còn những ngày mưa dầm hay ẩm ướt thì thứ mùi đặc trung của tòa nhà Cá Sấu lại nắm quyền thống trị.
Tầng bốn được chia làm hai hộ, chủ nhân của nhà 4-B là Goo Dong Chi. Trên cửa sắt nhà gã có treo một bảng hiệu nhỏ dài ghi dòng chữ “Văn phòng Goo Dong Chi”, ngay cả vị trí đặt tấm bảng hiệu này cũng thể hiện suy nghĩ sâu sắc của gã. Tấm bảng được treo ngang ngực, còn ở phía trên, ngang tầm mắt, được dán như kiểu danh ngôn mỗi ngày là một tấm biển nhỏ hơn với dòng chữ “Cốc! Cốc!”. Nếu theo tư duy thông thường đáng ra hai tấm đó phải đổi chỗ cho nhau, nhưng Goo Dong Chi thì nghĩ biển chỉ dẫn “Cốc! Cốc!” kia cần được ở phía trên bảng hiệu văn phòng. Gã cho rằng, đã lên đến tầng bốn thì đương nhiên là người ta tìm đến văn phòng gã rồi, vì vậy cái từ “Cốc!” kia nên nằm ở chỗ dể nhìn hơn mới phải. Goo Dong Chi không thể chấp nhận được việc người khác tự tiện vào văn phòng gã mà không gõ cửa. Nhưng ngay cả khi đã treo tấm biển “Cốc! Cốc!” ở trên, vẫn có rất nhiều người chẳng nói chẳng rằng cứ thế xoay nắm cửa đi vào. Văn phòng Goo Dong Chi hầu như luôn khóa của.
…
Mời các bạn đón đọc Cái Bóng của Bí Mật của tác giả Kim Jung Hyuk.