Lịch sử bang giao của các vương triều phong kiến nước ta cho thấy, ngoại giao trong nhiều giai đoạn là một mặt trận đấu tranh không kém phần quyết liệt mà những vị quan được cử tiếp sứ hay đi sứ đều là những người “trí dũng song toàn”, nhạy bén về chính trị, dũng cảm trong mọi khó khăn, biết rõ đối phương và tuyệt đối trung thành với đất nước… Lê Văn Thịnh (thế kỷ XI), Đỗ Khắc Chung (thế kỷ XIII), Mạc Đĩnh Chi (thế kỷ XIV), Nguyễn Trãi (thế kỷ XV), Phùng Khắc Khoan (thế kỷ XVI), Giang Văn Minh (thế kỷ XVII), Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII), Ngô Thì Nhậm (cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX),… là những ví dụ cụ thể. Cốt cách, tài năng của họ làm cho kẻ đối diện phải kính phục.
Cùng với đấu tranh quân sự, hoạt động ngoại giao của tổ tiên ta cũng góp phần làm thất bại mưu đồ xâm lược của các thế lực ngoại bang, thể hiện phẩm chất tốt đẹp của một dân tộc anh hùng, đầy tính chiến đấu, đồng thời cũng rất yêu chuộng hòa bình, muốn thiết lập và duy trì quan hệ hữu hảo với láng giềng song kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước khi bị xâm phạm, nêu cao chính nghĩa, kiên trì nguyên tắc nhưng mềm mỏng, linh hoạt trong ứng xử ngoại giao.
Nhằm cung cấp thêm cho bạn đọc những tư liệu minh họa một số hoạt động ngoại giao thực tiễn của ông cha ta trong đấu tranh chống phong kiến phương Bắc để bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc và quốc thể nước ta, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho tái bản cuốn sách Các nhà ngoại giao trong lịch sử dân tộc. Các nhân vật ngoại giao được nêu trong cuốn sách cũng nói lên phần nào nền văn hiến lâu đời của dân tộc và phong cách ngoại giao Việt Nam thời xưa mà các sứ thần của nước ta là tiêu biểu cho tài cao, trí rộng và khí phách anh hùng của dân tộc.
Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 11 năm 2017
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT