Tập truyện thứ tư trong bộ Biên niên sử xứ Prydain bắt đầu bằng một cuộc phiêu lưu quả cảm và gan dạ, nhưng chẳng bao lâu sau nó trở nên khó khăn hơn và có lẽ còn anh hùng hơn cả những cuộc phiêu lưu trước nữa. Bởi vì ở đây, Taran phải đối mặt với một kẻ địch không khoan nhượng: sự thật về bản thân mình. Không còn là Taran Phụ-Chăn Lợn nữa mà là Taran Người Lang Thang, cậu phải học cách xây dựng cuộc đời mình bằng những khả năng của chính bản thân; bởi vì khi tuổi thơ kết thúc thì cũng là lúc tuổi trưởng thành bắt đầu. Tập truyện này phải được coi là một câu chuyện nghiêm túc – cũng giống như mọi lời nói đùa đều là nghiêm chỉnh và mọi điều tưởng tượng đều là có thật – và nếu như không có một kết thúc có hậu theo đúng kiểu của các câu chuyện cổ tích thì kết thúc này vẫn tràn đầy niềm hy vọng đầy tính nhân văn. Điều này không có nghĩa là câu chuyện kém hài hước hay phong phú. Có lẽ nó còn hài hước và phong phú hơn là đằng khác, bởi vì cuộc hành trình của Taran đã dẫn cậu từ đầu này đến đầu kia của Prydain, từ khu Đầm Lầy Morva cho đến Vùng đất Tự do. Tuy nhiên, thay vì tiếng vũ khí của những đội quân va vào nhau loảng xoảng, cuộc xung đột ngấm ngầm giữa cái thiện và cái ác lại được nêu bật ở sự đấu tranh của từng cá nhân: Vua Smoit, với sức sống dữ dội; Morda, như kẻ đã chết, coi khinh toàn nhân loại; Dorath kẻ bất chấp luân lý; Annlaw Thợ Gốm người sáng tạo; Craddoc, chủ nhân của cái thung lũng hẻo lánh nơi Taran đã phải chịu đựng nỗi hổ nhục đau đớn. Còn Công Chúa Eilonwy thì, than ôi, chỉ hiển hiện trong ký ức mà thôi, nhưng mong rằng bạn đọc cũng sẽ nhớ cô không kém gì Taran – và không kém gì chính tác giả nữa.