Erich Maria Remarque, nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm phản chiến đầy ám ảnh, đã đưa người đọc đến với một nước Đức khác trong “Bia mộ đen”. Không còn những chiến trường khốc liệt hay những binh lính gục ngã, “Bia mộ đen” là câu chuyện về thế hệ trẻ trưởng thành giữa hai cuộc thế chiến, những con người mang trong mình vết thương lòng và sự vỡ mộng.
Ludwig Bodmer, nhân vật chính của tác phẩm, là một thanh niên với trái tim lãng mạn và tâm hồn nghệ sĩ. Tuy nhiên, cuộc sống giữa hai cuộc thế chiến đầy bất ổn và hoang mang đã khiến anh chìm trong những mỉa mai và châm biếm. Ludwig chọn cách đối mặt với thực tại bằng thái độ hài hước và bất cần, nhưng sâu thẳm bên trong, anh vẫn khao khát tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
“Bia mộ đen” là một bức tranh ảm đạm về nước Đức thời hậu chiến. Bóng ma của chiến tranh vẫn còn ám ảnh, khiến con người trở nên vô cảm, ích kỷ và hám lợi. Giữa xã hội hỗn loạn ấy, Ludwig và những người bạn của mình cố gắng bấu víu vào những niềm vui nhỏ bé để tồn tại. Họ tìm đến nghệ thuật, tình yêu và tình bạn như những liều thuốc an ủi cho tâm hồn.
Cuốn sách là một lời ca ngợi những giá trị nhân văn cao đẹp. Tuy chìm trong bi kịch, Ludwig và những người bạn vẫn giữ gìn được lòng nhân ái, sự vị tha và niềm tin vào cuộc sống. Họ sẵn sàng giúp đỡ nhau, chia sẻ với nhau những khó khăn và cùng nhau vượt qua những thử thách.
“Bia mộ đen” là một tác phẩm văn học độc đáo và đầy ám ảnh. Với lối viết nhẹ nhàng, sâu lắng cùng những câu văn đầy chất thơ, Remarque đã vẽ nên một bức tranh chân thực về nước Đức thời hậu chiến và thế hệ trẻ đầy mộng mơ nhưng cũng đầy bi kịch. Cuốn sách là một trải nghiệm đọc đầy cảm xúc, khiến bạn suy ngẫm về cuộc sống, về tình yêu và về giá trị của lòng nhân ái.
Mời các bạn đón đọc Bia Mộ Đen của tác giả Erich Maria Remarque.
—
Nắng xâm nhập văn phòng thương cuộc “Henri Kroll và Con”, chuyên sản xuất đủ loại mộ bia và niệm tháp. Công việc đầu tiên buổi sáng của tôi là gỡ một tờ lịch, 28 tháng Tư 1923. Sống giữa mùa xuân, buôn bán chạy đều, chẳng có gì để buồn phiền. Chúng tôi bán, tiếp tục bán ra nhưng hỡi ơi! Chẳng làm giàu được. Cái chết quá khắc nghiệt nên không thể nói với khách hàng: “Xin vui lòng trở lại lần sau”. Ngoài gia đình người chết thường đòi hỏi… sa thạch, cẩm thạch và, tùy theo tầm mức của gia tài hoặc mức độ của sự tiếc thương người ta có thể đòi loại đá hoa cương Thụy Điển đen và mài nhẵn tất cả các mặt. Tang chế là điều không thể tránh! Có ở vào địa vị của tôi, sống luôn nhiều năm trong vùng mồ mả mới thấy được mùa Xuân và mùa Thu là những mùa có nhiều người chết hơn cả mùa Đông… và chúng tôi ăn nên làm ra vào những thời kỳ dó. Chết nhiều ở mùa Thu vì nhựa sống khô cạn, và ở mùa Xuân vì nhựa sống dâng tràn khiến những cơ thể suy yếu không chịu nổi, cũng giống như một tim đèn lớn làm tan chảy sáp đèn cầy. Đúng ra thì đây là lối diễn của nhân viên đắc lực nhứt hãng chúng tôi, lão phu đào huyệt Liebermann của nghĩa trang thị xã. Tám mươi tuổi, lão đã từng hạ huyệt trên mười ngàn quan tài. Nhờ tiền chôn người, lão ta mua được một ngôi nhà cạnh bờ sông với một khoảnh vườn nho nhỏ và một chỗ nuôi cá hương; thì giờ nhàn hạ, lão cung phụng cả cho ma rượu và đã tìm thấy trong chất nước cay xè đó, một thứ khôn ngoan êm ả tuy có hơi lạm dụng nhưng rất tốt. Trong đời, người phu đào huyệt này chỉ giận có mỗi một chuyện: lò hỏa táng của thị xã. Cạnh tranh bất chánh! Ngay cả chúng tôi cũng không chịu nổi. Liebermann thường sang trọng, nhắc đi nhắc lại “Nếu chú mày muốn giàu sang, đừng thèm làm những bình chứa di hài”.
Tôi nhìn đồng hồ: sắp mười hai giờ trưa. Mai là Chúa Nhật rồi, cần thu gọn đồ đạc: đậy máy chữ với cái nắp bằng tôn, khuân máy ảnh “Pres to” để sau màn, đẩy những mẩu đá vào góc bàn, lấy các tấm phim ra khỏi chậu nước thuốc. Đó là các bức ảnh chụp những đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, những cảnh sắt dành trang trí cho lăng mộ và những nhà mồ. Vì không có quyền hạn đặc biệt nào, một mình tôi phải kiêm nhiệm tất cả các phần việc: thơ ký, kế toán, họa viên và trưởng tổ quảng cáo.
Và bây giờ đến lượt phần thưởng của tôi. Nó đang nằm trong ngăn tủ. Sáng nay, gã chào hàng của “xưởng đúc nghệ thuật Wurtemberg” đã mang tới một bất ngờ. Anh ta đề nghị bán lại một lô súc vật bằng đồng, sứt mẻ đôi chút. Sau khi được lo lót xì-gà, tôi bảo sẽ nói lại với chủ. Xì-gà Ba Tây loại đen một món lợi từ Trời rơi xuống! Cũng như mọi hôm, không có diêm quẹt. Tôi cuốn tròn một tờ giấy mười Đức kim châm vào lò sưởi đốt thuốc. Thật ra thì thời tiết cuối tháng Tư không cần gì có lửa. Tuy nhiên. lò sưởi này là một mánh khóe của chủ tôi. Georges Kroll. Anh ta quả quyết rằng những kẻ chịu tang sẵn sàng bỏ tiền ra trong một gian phòng ấm cúng hơn là trong một tủ lạnh. Nếu bạn thêm vào cái giá buốt ở tâm hồn với sự lạnh lẽo ở bàn chân thì miệng túi không chịu ra. Chính vì vậy mà nhà buôn chúng tôi triệt để giữ nguyên tắc không bao giở thương lượng chuyện mả mồ tại một nơi lạnh lẽo. Luôn luôn phải ở trong một phòng ấm và, nếu có thể thì sau bữa ăn.
Tôi ném phần cháy dở còn lại của tờ giấy bạc vào lò sưởi. Giữa lúc đứng lên, tôi bỗng nghe tiếng mở của sổ của nhà đối diện, cẩn thận tôi nghiêng mình trên bàn dường như còn một vài việc cần đánh máy. Tôi kín đáo liếc xéo vào một tấm gương nhỏ đặt sẵn để quan sát cửa sổ bên kia. Chính Lisa, vợ của gã đồ tể Watzek đang vừa ngáp vừa vươn vai trần truồng như nhộng, chĩa sang tôi một cặp lê căng phồng màu cẩm thạch Carrare như một vú em đang phe phẩy đồ chơi trước một đứa bé còn bú. Thình lình, ả cười nhe răng, tay chỉ vào tấm gương. Hơi xấu hổ vì bị lộ tẩy nhưng tôi làm như chẳng có chuyện gì, và phà một cụm khói ra, tôi biến mất vào trong. Nhiều người bảo Lisa là nữ thần hôn nhân Junon và tôi biết có hàng tá người sẵn sàng chi vài triệu chỉ để được nhìn ả mỗi sảng. Tôi cũng vậy, tôi thích rửa mắt, nhưng con cá mòi ra khỏi giường vào buổi trưa đó khiến tôi lộn mửa. Trong khi ả say phờ sâm banh và dan díu tùm lum thì Watzek bận giết những con ngựa già trong lò sát sanh Werdenbruch.
Lisa vừa rời cửa sổ, chắc để điểm tâm. Nhưng không, ả lại xuất hiện với một bộ ria mép giả. Ả chào theo kiểu nhà binh về phía lão Thượng sĩ Knopf có phòng nhìn ra sân. Ả cũng ranh vặt để biết không một ai từ các nhà lân cận có thểnhìn thấy được.
Thình lình có tiếng chuông đổ. Nhà thờ Thánh mẫu ở đầu ngõ hẻm nên tiếng chuông rền như từ Trời giáng xuống. Ngay lúc đó, trước cửa sổ thứ tư nhì của văn phòng, hiện ra như một trái bí ngô ma quái… cái đầu sói của chủ tôi. Lisa làm một cử chỉ tục tằn khép cửa. Một lần nữa, tôi lại muốn làm đồ đệ Thánh Antoine.
Georges Kroll vừa chẵn bốn mươi, nhưng kể từ khi tôi biết anh ta cách nay quá năm năm, trán anh ta vẫn cứ bóng chói. Trong chiến tranh, khi chúng tôi núp dưới hầm, cấp trên phải ra lệnh đặc biệt là Georges phải luôn luôn đội nón kẻo cái trán bóng như gương của anh ta làm địch nộ khí thêm. Georges vừa bước vào, tôi đứng nghiêm báo cáo :
– Tổng hành dinh của thương cuộc Kroll và Con! Bộ Tham mưu quan sát. Chuyển động khả nghi của địch trong vùng Watzek.
– A! A! Mấy giờ rồi. Mười hai. Lisa lập thể dục buổi sáng. Hạ sĩ Bodmer nghỉ! Mẹ kiếp, tại sao chú không mang đồ che mắt như ngựa diễn binh để giữ đức hạnh. Chú có biết ba điều quý nhứt trong cuộc sống là gì không?
Tôi tiếp tục đùa, giữ mặt nghiêm :
– Thưa Ngài Chưởng lý làm sao tôi biết được trong khi tôi đang đi tìm cuộc sống?
– Nghe đây. Đó là: đức hạnh, giản dị và tuổi trẻ. Thời giờ trôi qua không bao giờ trở lại. Còn gì đáng buồn hơn tuổi già, kinh nghiệm và trí óc khô cằn?
– Nghèo đói, bệnh tật và cô đơn.
– Đúng, đó là điều tôi sắp nói ra.
Georges giựt điều xì-gà trên môi tôi, liếc nhìn rồi tuyên bố giọng của một nhà sưu tầm bươm bướm :
– Chiến lợi phẩm lấy được của xưởng đúc nghệ thuật Wurtemberg đây mà.
Y lấy ra một ống điếu xì-gà bằng bông đá màu vàng sẫm có bọc da cẩn thận rồi nhét điếu thuốc Ba Tây vào hút.
– Tôi không chống cách thức tịch thâu. Chỉ là lạm dụng quyền hạn thôi. Mọi người đều biết một cựu hạ sĩ quan rất khó trở nên người tao nhã. Nhưng, tại sao phải dùng ống điếu xì-gà. Tôi có bị đậu mùa đâu?
– Phần tôi, tôi phải lo giữ lấy.
– Vậy mà trong chiến tranh, khi tôi xoay xở được một chút xúp của hỏa đầu vụ, anh lại ăn bằng cái muỗng của tôi. Và cái muỗng tôi thường cắm trong giầy không bao giờ rửa.
Georges ra điều trịnh trọng :
– Chiến tranh đã chấm dứt bốn năm rưỡi. Hồi đó, sự khốn cùng biến chúng ta thành con người. Bây giờ
cuộc chạy đua tìm tài sản của thế giới biến bọn mình thành kẻ cướp. Mình phải che đậy bằng cung cách đẹp. À này, còn điếu nào nữa không? Chẳng lẽ xưởng đúc nghệ thuật Wurtemberg lại bủn xỉn khi cần hối lộ nhân viên của tôi. Coi chừng, lần sau hắn sẽ tặng chú một thanh ghế.
Tôi lấy trong ngăn ra một điếu xì-gà thứ hai :
– Trí khôn, kinh nghiệm và tuổi tác coi vậy mà được việc.
Georges cười nhẹ rồi đưa tôi một hộp thuốc điếu để bắt chuyện làm ăn :
– Có gì lạ không?
– Chẳng có gì cả, không một người chết. Nhưng, thưa ông chủ quý mến, xin ông cho lên lương.
– Nữa à? Còn hôm qua?
– Hôm qua nào? Anh muốn nói hồi chín giờ sáng này. Tám ngàn đồng, nghĩa lý gì? Tôi đồng ý là cho tới chín giờ sáng này, số tiền đó còn giá trị chút ít. Nhưng bắt đầu từ đó đồng Mỹ kim đã tự động đi con đường của nó, và ngay lúc này, thay vì đủ mua một cái cà vạt thì chỉ còn đủ mua một chai rượu chát thứ tồi.
– Giá đô-la hiện thời là bao nhiêu?
– Tới mười hai giờ trưa một Mỹ kim ăn ba mươị sáu ngàn đồng Đức. Hồi sáng chỉ có ba chục ngàn.
Georgesr Kroll ngắm nghía điếu xì-gà :
– Ba mươi sáu ngàn! Hối suất phi mã! Theo chú thì tình trạng sẽ tới đâu?
– Thưa Thống chế, phá sản chung. Trong khi chờ đợi, mình vẫn phải sống. Anh có đem tiền theo không?
Một va-li nhỏ cho bữa nay và ngày mai. Giấy mười ngàn, một ngàn và vài bó giấy một trăm cũ để cho đủ số. Cộng chung khoảng hai ký rưỡi giấy. Lạm phát quá nhanh, khiến cho ngân hàng Reichs không kịp in. Giấy một trăm ngàn vừa cho lưu hành cách nay nửa tháng, thế nào rồi cũng tới giấy một triệu. Chừng nào tớ giấy một triệu?
– Theo đà này, có lẽ chỉ vài tháng tới.
– Lạy Trời, xin thương xót dân Đức khốn khổ này. Còn đâu thời kỳ vàng son 1922? Từ 1 tháng Giêng đến lễ Saint-Sylvestre, Mỹ kim chỉ lên từ hai trăm năm mươi đến mười ngàn. Tôi không nói tới năm 1921, chỉ có ba trăm phần trăm.
Tôi nhìn qua cửa sổ mở ra đường, Lisa mặc áo mới có in hình những con két, đang chải đuôi tóc trước một tấm gương mắc vào nắm tay then cửa.
Tôi bảo Georges :
– Thấy không, mới hôm qua ả đâu có áo đó. Bằng lụa, mua cả thước. Thế mà tôi, muốn mua một cái cà vạt phải đắn đo.
Georges cười tự nhiên :
– Chú mầy là nạn nhân của buổi giao thời, còn Lisa thì phóng lướt trên các lượn sóng lạm phát. Người ta
không thể làm ra bơ trong mộ bia, nhớ kỹ đi cưng! Nên ghi tên vào nghiệp đoàn ma cô hay làm nghề đổi tiền như Willy chẳng hạn.
– Buồn thay! Tôi lại là người đa cảm. Mổ trái tim tôi ra người ta sẽ bắt gặp một tấm đá lót bằng cẩm thạch có dây xiềng bằng đồng. Còn tiền tăng lương đâu? Yêu nghệ thuật không có nghĩa là đừng trang sức.
– Thì cứ đợi đến mai cũng chẳng sao.
– Mai, Chúa Nhật. Không, tôi muốn có ngay chiều nay.
Georges ra phòng ngoài, tìm trong va-li. Y lục lạo rồi ném vào tôi hai bó bạc.
– Đủ chưa?
– Năm trăm gram nữa là vừa. Mới có năm ngàn thì làm được gì?
Georges gãi trán rồi ném thêm một bó nữa và nói :
– Cũng may là mai Chúa Nhậtt. Không ai định thời giá Mỹ kim. Lạm phát ngừng một ngày mỗi tuần. Có lẽ Chúa không nghĩ tới điều này khi ra lệnh nghỉ việc ngày thứ Bảy.
– Anh cho biết xem chúng mình đang ở trong tình trạng nào? Bên bờ phá sản hay hưng thịnh?
Georges hít một hơi dãi xì-gà
– Theo tôi thì không một ai ở nước Đức này biết mình sẽ ra sao. Ngay cả nhà đại kỹ nghệ chí kính của chúng ta là Stinnesn. Dĩ nhiên là những người có đồng lương cố định sẽ mạt vận. Công nhân, công chức, tiểu thương đều cùng đi một xuồng. Ngoại tệ, cổ phản, bất động sản, đó là bí quyết làm ăn. Hiểu chưa?
Tôi nhìn ra vườn, nơi có kho chứa :
– Các loại đá? Thú thật mình chẳng còn bao nhiêu trong kho. Sa thạch, một ít gang và đồng cũ mèm, cẩm thạch và đá hoa cương quá ít. Và ông anh của anh lạt cứ đem đi bán lỗ. Tốt hơn hết là đừng bán gì cả, chắc anh đã hiểu?
Tiếng chuông xe đạp làm Georges không trả lời. Tiếng bước chân và một cơn ho dữ dội. Chính là Henri Kroll, người chủ thứ hai của hãng, ông đã gây cho chúng tôi lắm buồn phiền.
Henri-Kroll – anh của Georges – là một người thấp béo râu mau rạ, quần có sọc luôn luôn kẹp ở ống phía trên cổ chân. Ông ta nhìn bọn tôi với đôi mất trách móc. Đối với ông ta, chúng tôi chỉ là những đứa vô tích sự, lúc nào cũng lười chảy ra. Còn ông ta thì luôn luôn hoạt động tiếp xúc bên ngoài. Kể ra thì không chê được! Từ sáng sớm, ông ta đã ra nhà ga, rồi với chiếc xe đạp, ông ta cót két đi qua những vùng quê xa tít, nơi đó có những đại diện của hãng, các phu đào huyệt hoặc những ông giáo làng cho biết nhà nào có đám tang. Thân hình tròn trịa cùa Henri dường như gây thêm tin tưởng. Do đó, ông ta không quên ăn dậm buổi sáng và lúc tối để giữ mãi đường cong của bụng. Dân quê thường hay dễ tin đối với những ngườí mập mạp. Y phục của Henri nói lên được đường lối của ông ta. Không áo lễ đen như người của Steimeyer – một hãng cạnh tranh – cũng không quần áo ra phố như những người cùa Hollmann và Klotz. Henri Kroll chỉ mặc quần dài có sọc, một áo giắc-kết kiểu xưa với một cà vạt nền đen. Trước khi sắm bộ y phục đó, Henri đã suy nghĩ khá nhiều. Áo lễ có lẽ sẽ không mấy xứng hợp với tầm vóc thấp xủng của Henri. Chính Nã Phá Luân còn trông lố bịch trong khi mặc áo đuôi cá thu.
Bởi thế Henri Kroll nhà ta trông như một trưởng ban tiếp tân của Thượng đế, và đó mới thật là tương xứng và cần thiết. Hai cái kẹp ở ống quần càng làm tăng thêm vẻ giản dị có tính toán: giữa thời đại xe hơi, một người đi xe đạp với kẹp quần nhứt định sẽ bán hàng với giá rẻ hơn.
Henri lột nón ra chậm trán, không phải vì đổ mồ hôi mà là muốn chứng tỏ ông ta làm việc cực như trâu còn chung tôi chỉ là kim ghim giấy.
Bằng một giọng khiêm nhường giả dối che không kín lòng tự đắc, ông ta tuyên bố :
– Đã bán xong cái tháp.
Tôi giựt mình, cố nuôi chút hy vọng :
– Cái nào? Cái nhỏ bằng cẩm thạch hả?
– Không. Cái lớn.
– Sao? Cái lớn bằng đá hoa cương Thụy Điển à? Có cả hai bệ và dây xiềng bằng đồng?
– Chính nó! Ngoại trừ mình còn một cái khác?
Hỏi quá ngu, nhưng Henri tự cho đã đùa đúng khớp. Tôi chán nản :
– Dĩ nhièn là mình chẳng còn cái nào nữa. Và chính vì vậy mới đen đủi cho bọn chúng mình. Đó là tháp cuối cùng.
Georges Kroll hỏi :
– Anh bán được bao nhiẽu?
Henri tằng hắng :
– Bảy trăm năm chục ngàn! Tiền khắc chữ, chuyên chở và gỗ bao quanh không tính.
– Trời!
Tôi và Georges cùng kêu một lượt.
Henri ném về phía chúng tôi một cái nhìn kiêu hãnh :
– Cuộc sống càng phải chiến đấu gay go.
Tôi buột miệng :
– Nhưng thà ông thua trận còn hơn.
– Sao?
– Ông đã nghe rõ rồi mà.
Ông ta nổi xung :
– Hả? Hả! Chú mầy nói sao?
Georges chen vào :
– Nó muốn là tốt hơn anh đừng nên bán món nào cả.
– Nó nói thật hả? A ha! Lạ chưa? Người ta làm việc như bò từ sáng tới tối, người ta bán được giá và thay vì cám ơn, các người lại trách móc! Sao các người không đi thử một vòng ở làng mạc để sáng mắt ra?
Georges cố nhịn để giảng giải :
– Henri, chúng tôi biết anh vất vả lắm. Hỡi ôi! Chúng mình đang sống trong một thời đại mà buôn bán chỉ làm cho nghèo đói thêm ra. May nắm rồi lạm phát không ngừng! Kể từ sau chiến tranh. Nhưng năm nay lạm phát đã gia tốc, cho nên những con số không còn có nghĩa gì cả.
– Chú muốn dạy đời hả? Tôi đâu phải thằng ngu.
Chúng tôi không trả lời. Chỉ có những kẻ ngu mới quyết như thế, chống lại là vô ích, những Chúa Nhật sống chung với người điên ở viện Tâm trí tôi đã thấy rõ điều đó. Henri đưa ra một cuốn sổ tay.
– Hồi mua, cái tháp chỉ có năm chục ngàn. Như vậy bán lại bảy trăm năm chục ngàn, bộ không có lời sao?
Ông ta lại giở trò móc họng ra. Ông ta nói với tôi vì ông ta biết rằng sau chiến tranh có một dạo tôi làm giáo làng tại một vùng khỉ ho cò gáy. Dạy chưa hết tam cá nguyệt thứ nhì, tôi đã bỏ lớp vì sư cô đơn của mùa Đông đuổi theo tôi bén gót như một con chó dại. Tôi chán nản hơn khi phải giải thích :
– Tiền lời sẽ nhiều hơn nếu, thay vì bán cái tháp mỹ miều, ông đem bán cái tháp Tiêm-bi [1] Ai Cập nằm ì ở ngoài cửa sổ kia. Người cha quá cố của ông, cách nay sáu mươi năm, từ ngày dựng xưởng lên, đã mua nó với một giá rẻ mạt, nghe đâu là năm chục Đức kim…
– Ai bảo? Ai bảo là sẽ bán cái Tiêm-bi Ai Cập đó? Không ai có quyền bán nó cả. Mọi người trong nhà đều biết rõ rồi.
– Cố nhiên! Bởi thế mình có bán cũng không mấy tiếc, còn cái tháp Thụy Điển kia, bán đi là phải mua cái khác với giá đắt hơn.
Henri thở mạnh vào, cánh mũi phồng lên :
– Theo ý các người thì một cái tháp loại đó phải mua vào thì cũng có tới bảy trăm năm chục ngàn đồng Mark?
Georges Kroll đáp :
– Rồi sẽ biết ngay. Mai này Riesenfield tới. Bọn này đã đặt hàng ở xưởng “đá hoa cương Odenwald”. Trong kho gần như không còn gì nữa.
Tôi thâm hiếm chêm vào :
– Còn cái Tiêm-bi Ai Cập.
Henri rống lên :
– Cặp nó vào nách rồi đem đi bán đi! A! A! Mai, Riesenfield tới. Tôi sẽ ở nhà và sẽ biết giá cả ra sao.
Georges trao đổi ánh mắt với tôi. Bằng mọi giá phải loại Henri ra khỏi cuộc gặp gỡ này, hoặc cho ông ta say khướt hoặc chế dầu xổ vào ly rượu buổi sáng của ông ta. Một người quá cổ hủ như Henri sẽ làm cho Riesenfield nghẹt thở với các mẩu chuyện chiến tranh và nhũng chuyện đời xưa, thời mà đồng Đức kim vẫn còn là một Đức kim, thời mà sự trung tín vẫn còn là biểu tượng cho danh dự – theo lời dạy của Thống chế Hindenburg, Riesenfield không ưa lối nói chuyện vòng vo đó. Đối với Riesenfield, sự trung tín là điều mà kẻ khác phải có khi cần ta giúp đỡ, đồng thời cũng là điều mà ta phải có khi cần trục lợi.
Georges thở ra :
– Vật giá thay đổi mỗi ngày, bàn cãi hoài vô ích.
– Vậy à? Bộ chú cũng muốn nói rằng tôi bán lỗ?
– Không, anh có đem tiền về không?
– Tiền? Chú nói cái gì vậy? Làm sao lấy tiền? Mình chưa giao hàng mà.
– Đúng ra mình phải lấy tiền cọc.
Henri nhăn mũi với tôi :
– Tiền cọc! Ông giáo làng định nói gì? Trước một gia đình đang chịu tang và những vòng hoa chưa kịp héo, chú có dám bảo người ta trả tiền trước về một món hàng chưa giao không?
– Phải nói chớ! Nếu không thì rồi họ sẽ suy nghĩ lại…
– Chú mầy biết cái gì? Họ là những người cứng như gỗ. Họ đã trả đủ thứ tiền: thầy thuốc, quan tài, thầy tế lễ, phu đào huyệt, vòng hoa, các bữa ăn đãi khách, vậy mà còn đòi họ trả trước. Mưởi ngàn đồng cũng không được, biết không, trái dưa chuột non? Phải để họ tỉnh táo lại. Và cái tháp, trước khi trả tiền họ muốn nó được dựng lên ở nghĩa trang trước đã chớ không phải chỉ thấy nó trong tập tranh ảnh, dầu là chính tay chú mày đã vẽ lấy bằng mực Tàu trên giấy vàng, có cả cảnh trí tang chế, nói cho chú mày biết.
Ông ta lại trật đường rầy. Cũng không sao. Đúng vậy, để tăng cường hiệu lực, tôi đã thêm vào một chút ngoại cảnh trong các hình vẽ thí dụ như: liễu rũ, những bó hoa tương tư, vài cây trắc bá và các góa phụ tưới nước mắt lên hoa. Các nhà buôn cạnh tranh với chúng tôi đã phải điên đầu. Ngay chính Henri lúc đó cũng nhìn nhận là sáng kiến lớn, nhứt là dùng giấy vàng. Thời kỳ đó, tôi vô cùng sung sướng: tất cả những tên nào tôi nhớ ra tôi đều cho chúng chết và ghi tên lên tháp trong tập hình mẫu. Từng là hạ sĩ quan tuyên huấn, tôi cũng chẳng đến nỗi nào: “Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Trung sĩ Karl Flumer, sau khi đã gánh chịu những cơn đau dai dẳng…” Flumer chính là anh chàng đã hai lần trong chiến tranh, đã tàn nhẫn bắt tôi đi thám sát với hy vong là tôi sẽ không bao giờ trở lại. Thế nhưng, tôi vẫn thoát hiểm. Bây giờ, nhớ tới hắn, tôi cho hắn chết… trên mặt giấy dưới bàn tay của tôi.
Tôi trả lời Henri với giọng châm chọc :
– Thưa ông Kroll tưởng cũng cần thiết để lượt qua tình hình cho ông dễ nhận ra. Những nguyên tắc chúng ta đã đề ra đều đáng ca ngợi, nhưng đối với hiện tình chúng sẽ đưa chúng ta tới chỗ sạt nghiệp. Kiếm ra tiền thì một thằng ngu nào cũng có thể làm, nhưng giữ được giá trị đồng tiền lại là chuyện khác. Vấn đề chính yếu không phải là bán ra mà là mua vào, và làm thế nào để được trả tiền càng sớm càng tốt. Chúng ta đang sống trong thời đại của những thực tế cụ thể. Tiền chỉ là một ảo giác. Mọi người đều biết, trừ mấy lên cứng đầu ngoan cố, nếu cứ theo đà hiện nay thì lạm phát sẽ đi tới chỗ tận cùng tuyệt đối. Số tiền bảy trăm năm chục ngàn mà ông bán được, nếu tới hai tháng sau người ta mới trả thì chỉ còn bằng năm chục ngàn bây giờ. Chấm hết!
Henri tím mặt :
– Tôi không phải là thằng ngu, chỉ biết những chuyện lẩm cẩm. Sống thực hành, tôi còn hơn chú mày nhiều. Nhưng thà chết trong danh dự còn hơn là sống nhờ vào sự ngoắt ngéo. Hễ tôi còn trách nhiệm bán hàng là phương pháp cũ không được thay đổi, và bây giờ, đủ rồi! Tôi biết rõ điều gỉ tôi biết, và tôi muốn người ta phải tôn trọng những cổ tục của người sáng lập. Tôi muốn lộn mửa khi bị người ta phá hư mất sự vui vẻ của tôi. Tôi đã làm được việc, còn chú mày, tại sao không làm giáo làng nữa đễ có dịp đá đít những thằng bé lêu lổng trong làng?
Ông lấy nón, bước mau ra và đóng sầm cửa lại. Từ cửa sổ Georges và tôi nhìn ông ta bơi trên đôi chân ngắn ngủn, dẫm mạnh lêm thềm đá với nhịp bước của một cựu chiến binh, ống quần bị kẹp phập phều. Ông ta hướng về phía quán rượu Blume.
Tôi bực mình không chịu được :
– Phải làm thế nào để tên cứng cổ đó biết làm việc thức thời! Làm cái nghề này mà không chó má một chút là mất cả xác lẫn hồn. Cái thằng cha bỉ ổi đó buôn bán với tử thần mà còn làm ra điều đạo đức.
Georges quá biết tính tôi nên cười xòa :
– Thôi, lấy tiền rồi dông đl! Bộ quên cái cà vạt định mua rồi hả? Mua ngay đi, tối nay họ không tăng giá được.
Georges lấy va-li bạc hững hờ để vào phòng ngủ của anh ta bên cạnh văn phòng. Tôi cuốn mấy gói bạc vào một mảnh giấy và hỏi Georges :
– Riesenfield có chắc tới không?
– Chắc, hắn đã điện thoại.
– Hắn muốn gì? Tiền hay chỉ là bán thôi?
Georges khép cửa văn phòng :
– Thế nào rồi cũng biết.
Chú thích:
[1] Tiêm-bi (obélisque): Tháp Ai Cập, bốn mặt hình chữ nhựt, cao và có chóp nhọn. Trên các mặt tháp có khắc hình thú vật.
Tiêm-bi thường thường được dựng trước các lăng tẩm hoặc ở các công trường.
Nguồn: https://ebookvie.com