Binh pháp Tôn Tử là tác phẩm lý luận quân sự sớm nhất, vĩ đại nhất trong Vũ kinh thất thư (bảy cuốn binh thư được lưu truyền rộng rãi nhất) ở Trung Quốc, do Tôn Vũ soạn thảo vào năm 512 TCN thời Xuân Thu.
Trước tác chính của Binh pháp Tôn Tử là bộ binh pháp 13 thiên (13 chương), được viết bằng cổ văn tiền Tần, với hơn 5.900 chữ, chứa đựng những tư tưởng triết học quân sự sâu sắc và hoàn chỉnh, tổng kết những kinh nghiệm chiến tranh của Trung Quốc thời cổ đại, đúc thành một hệ thống lý luận quân sự tinh thâm uyên bác. Binh pháp Tôn Tử không chỉ có giá trị đối với chiến tranh thời cổ đại, mà còn rất có giá trị đổi với chiến tranh thời hiện đại, vì thế được thế giới đánh giá cao và dịch ra nhiều thứ tiếng.
Ở Việt Nam, Binh pháp Tôn Tử đã được vận dụng sáng tạo trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Phép dùng binh của ông Tôn Tử tuy đã lâu đời nhưng những nguyên tắc của ông đến nay vẫn còn rất đúng. Những nguyên tắc dùng binh của Tôn Tử chẳng những đúng về quân sự, mà dùng về chính trị cũng rất hay”. Trong những năm chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền và những ngày đầu cách mạng mới thành công, Người đã viết nhiều bài về cách dùng binh của Tôn Tử để huấn luyện cho dân chúng và bộ đội.
Nhằm cung cấp thêm cho bạn đọc tài liệu nghiên cứu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tuyển chọn và xuất bản cuốn sách Bàn về Binh pháp Tôn Tử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách bao gồm 9 bài được Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiên cứu sâu sắc, lược dịch, biên soạn trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là những tư liệu quý không chỉ để dùng vào mục đích quân sự mà dùng trong rất nhiều lĩnh vực khác như ngoại giao, kinh tế, chính trị, văn hóa…
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 7 năm 2021
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT