Đây là cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh về chiến tranh Thế giới thứ II kể về số phận một cô gái mù người Pháp và cậu bé mồ côi người Đức.
“Marie Laure sống cùng cha tại Paris, gần bảo tàng Lịch sử tự nhiên, nơi cha cô làm thợ khóa chính. Khi lên 6 tuổi, Marie Laure bị mù. Cha cô đã dựng một mô hình thu nhỏ hoàn chỉnh về khu phố hai cha con đang sống để cô có thể ghi nhớ bằng cách chạm và lần tìm đường về nhà. Năm Marie Laure 12 tuổi, Đức Quốc xã chiếm giữ Paris, cô cùng cha chạy trốn đến thành phố nằm trong tường thành, Saint-Malo, nơi ông chú thích ẩn dật của cha cô sống trong một ngôi nhà cao ven biển. Hai cha con họ đã mang theo một viên đá quý giá trị nhất và cũng nguy hiểm nhất viện bảo tàng.
Cậu bé mồ côi Werner lớn lên cùng em gái trong một khu mỏ than ở Đức. Cậu bị một chiếc điện đài thô sơ mà hai anh em tìm được thu hút, sau này Werner trở thành chuyên gia lắp ráp và sửa chữa những thiết bị thông tin. Tài năng ấy đem lại cho cậu một vị trí trong học viện tàn bạo của Đoàn Thanh niên Hitler, sau đó là nhiệm vụ đặc biệt theo dấu quân kháng chiến. Ngày càng nhận thức được cái giá sinh mệnh con người phải trả cho trí tuệ của mình, Werner đi qua trung tâm cuộc chiến, cuối cùng, đến Saint-Malo, nơi cậu gặp gỡ Marie-Laure.”
“Cảm nhận tinh tế về từng chi tiết vật chất và những phép ẩn dụ tài tình” của Doerr ( theo báo San Francisco Chronicle ) thật tuyệt vời. Khéo léo đan cài cuộc đời của Marie-Laure và Werner, ông đã làm sáng tỏ cái cách con người cố gắng đối tốt với nhau bất chấp bao khó khăn chồng chất. Mất đến 10 năm sáng tác, ” Ánh sáng vô hình” thực sự là một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời và vô cùng xúc động của Anthony Doerr – nhà văn của ” những câu chữ không bao giờ mất đi sức lay động” ( theo thời báo Los Angeles Times ).
***
Marie Laure, cô gái nhỏ người Pháp, năm lên 6 tuổi không may bị mù. Cha cô là thợ khóa và là người nắm giữ chìa khóa của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, ông làm cho cô một mô hình thu nhỏ của khu phố để cô có thể dễ dàng đi lại và tìm được đường về nhà.
Werner cậu bé mồ côi người Đức sống trong khu mỏ than, cậu bé là một thiên tài và có niềm say mê đặc biệt với việc sửa chữa các thiết bị thông tin. Chính nhờ tài năng ấy cậu được vào Học viện Quân sự Hitle.
Nhưng chiến tranh đã làm đảo lộn cuộc sống của hai con người trẻ tuổi này. Marie Laure mất đi người cha thân yêu của mình, cô sống trong niềm đau khổ và niềm thương nhớ với cha. Đối với cô chỉ có những lần được đi ra bãi biển Môle nhúng đôi chân trần của mình xuống dòng nước lạnh băng, lúc đó cô mới có được khoảng thời gian ngắn ngủi thôi không nghĩ về người cha yêu quý của mình.
Hai con người ở hai đầu chiến tuyến nhưng cái cách họ gặp nhau và đối xử với nhau cho ta thấy được tình người trong chiến tranh. Họ cùng nhau giúp đỡ nhau vượt qua những ngày tháng khốc liệt của bom đạn.
Cuốn tiểu thuyết viết rất hay về những chiếc điện đài, những mảnh vỏ ốc, thành phố Breton của Saint-Malo, về viên kim cương truyền thuyết và cái cách con người cố gắng đối tốt với nhau bất chấp bao khó khăn xung đột.
Ngòi bút tinh tế, giàu cảm xúc, đậm chất Mỹ của Anthony Doerr đã kết nối thành công suy nghĩ chân thực của hai nhân vật trẻ tuổi trong cuộc chiến tranh tàn khốc với độc giả. Ánh sáng vô hình cho thấy khả năng cảm nhận nhạy bén về những chi tiết vật lý và những phép ẩn dụ bóng bẩy của Anthony Doerr thật kinh ngạc. 10 năm cầm bút, tác phẩm này là một kiệt tác nghệ thuật, một cuốn tiểu thuyết vô cùng cảm động.
Tác phẩm cũng lọt vào danh sách 10 cuốn sách hay nhất năm 2014 của New York Times và được Hudson Booksellers chọn là Cuốn sách của năm 2014. Năm 2015, cuốn sách được trao giải thưởng danh giá Pulitzer cho tiểu thuyết hư cấu. Hãng phim 20 th Century Fox cũng đã nhanh chóng mua lại bản quyền phim của cuốn tiểu thuyết này.
Cuốn sách được nhiều nhà chuyên môn đánh giá cao về nội dung, lẫn giá trị nghệ thuật. Đây được coi là cuốn sách tốn nhiều giấy mực nhất của giới phê bình văn học.
Trịnh Dung – Zing.vn
Một cuốn tiểu thuyết lịch sử quá xuất sắc về nhiều mặt.
Nếu có một điều duy nhất nào mình không thích về cuốn sách này, đó chính là nó khá dài và diễn biến chậm. Nhưng không vì vậy mà mình cảm thấy chán nản khi đọc “Ánh sáng vô hình”.Lấy bối cảnh thế chiến II, với 2 tuyến nhân vật chính là Werner ở Đức và Marie-Laure bị mù ở Pháp – đều ở độ tuổi còn rất nhỏ, tác giả Anthony Doerr đã dựng nên một cốt truyện rất tài tình để rồi đưa hai tầm hồn này tới lại gần với nhau.
Đây không phải là bức tranh khắc họa một chiến tuyệt khốc liệt với nhiều tổn thất cho cả hai bên. Đây là những câu chuyện đầy thương cảm về cuộc đời 2 người còn trẻ bị cuốn vào vòng xoáy tưởng chừng không hồi kết của chiến tranh: Werner được huấn luyện để phục vụ cho Đức từ rất sớm, Marie-Laure phải sống một cuộc sống thấp thỏm lo âu với đôi mắt mù lòa. Bên cạnh mạch kể chính lại là những câu chuyện nhỏ lẻ hết sức sâu sắc, như cái cách dân Pháp ghét lính Đức đến mức tìm đủ mọi cách để chọc phá, hay tìm cách để truyền thông tin phục vụ quân Đồng minh bất chấp sự cấm đoán của quân Đức chiếm đóng.
“Ánh sáng vô hình”, mình ban đầu đã suy hết từ điều nọ sang thứ kia. Mình cho rằng nó là những “điều tốt đẹp nho nhỏ mà chúng ta không nhìn thấy trong thời điểm chiến tranh”, rằng cuốn sách này sẽ cho chúng ta rõ hơn về những điều ấy. Nào ngờ nó là một khái niệm đơn giản nằm ngay trong cuốn sách, một ẩn ý của tác giả: sóng radio (vật lý)! Trong cuốn sách này có hai hình ảnh biểu tưởng lớn nhất là viên đá Biển Lửa – tương truyền có khả năng khiến người ta bất tử và chiếc radio. Có lẽ ai cũng rõ, radio là một công cụ không thể thiếu trong các cuộc chiến tranh nói chung và Thế chiến II nói riêng, vậy nên đưa hình ảnh sóng radio vào tên sách cũng hợp tình hợp lý. Nhưng phải đọc hết cuốn sách này, các bạn mới vỡ lẽ ra tầm quan trọng của sóng radio, cách mà nó tạo nên mạch truyện, cách mà nó gắn kết các nhân vật với nhau! Quả là diệu kì, một cái tên mà mang bao ý nghĩa, một hình ảnh được sử dụng đầy sáng tạo!
Để nói hết về cuốn sách này quả thực là không thể. Một cuốn sách chứa chan cảm xúc, đậm tính nhân văn và tràn đầy nghị lực. Quả không hổ danh tác phẩm đoạt giải Pulitzer!
Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh về chiến tranh Thế giới thứ II kể về số phận một cô gái mù người Pháp và cậu bé mồ côi người Đức, nhưng lại khiến chúng ta phải nhìn nhận lại thời đại thông tin ngày nay.
Hiếm người biết rằng trong số những vật báu Đức Quốc xã săn lùng trong Thế Chiến thứ hai có cả một viên kim cương nguyên chất với sức mạnh làm cho người giữ nó bất tử nhưng lại đem đến xui rủi cho những người xung quanh. Giống như tất cả những lời đồn xoay quanh Đức Quốc xã, đây là một câu chuyện có màu sắc hư ảo, nhưng những chi tiết nghe qua càng phi lý thì người ta lại càng thấy đáng tin. Ai chứ quân Đức Quốc xã đi tìm kiếm sự bất tử thì có gì lạ?
Câu chuyện về viên kim cương Lửa Biển, tuy chỉ là chuyện trong cuốn tiểu thuyết Ánh sáng vô hình của Anthony Doerr, đủ cho ta thấy sức mạnh của những lời đồn đại. Trong một thời kỳ không biết nên tin vào ai hay vào cái gì, những luồng thông tin như thế có thể điều khiển người ta mù quáng đến mức quên mình, như những câu chuyện xảy ra xung quanh Werner Pfennig, một binh nhì Đức, trong Ánh sáng vô hình.
Giữa một thời đại mù mờ tin tức liên lạc như Chiến tranh Thế giới II, không có gì ngạc nhiên khi những nguồn tin chính xác trở thành tài nguyên quý giá. Werner được chiêu mộ vào quân đội chính bởi cậu là một thiên tài khoa học kỹ thuật, có thể lắp ráp sửa chữa mọi loại điện đài và dựa vào sóng điện đài để tính toán vị trí quân địch. Werner nắm trong tay sức mạnh của thông tin, và với sức mạnh ấy cậu đã gây ra nhiều cái chết. Khỏi phải nói những điều khủng khiếp nào có thể xảy ra bởi một sai lầm đơn giản trong tin tức của cậu.
Nhưng những tin tức bên ngoài thì không thiếu sai lạc. Những lời đồn thổi phồng về quân Đức Quốc xã đủ lan truyền sự sợ hãi từ khi chưa một bóng lính nào xuất hiện.
Quân Đức – người thợ làm vườn khẳng định – có sáu mươi nghìn máy bay chiến đấu; quân Đức có thể hành quân trong nhiều ngày mà không cần ăn; quân Đức giao cấu với bất cứ nữ sinh nào chúng gặp. Một phụ nữ đứng sau quầy bán vé nói rằng quân Đức mang lựu đạn khói và giắt súng chống tên lửa ở thắt lưng; quân phục của chúng, cô thì thào, được làm từ một chất liệu còn cứng hơn thép.
Và khi thành phố bị chiếm đóng, những lời đồn vẫn tiếp tục lan rộng, bóp nghẹt những cư dân trong sợ hãi.
Còn ở bên kia chiến tuyến, quân Đức theo đuổi cuộc chiến với niềm tin được củng cố bởi những lời đồn đại phần thực phần hư, những lời ca ngợi Lãnh tụ Hitler với khả năng vô song và những tin tức khẳng định thắng lợi ngay cả khi quân sĩ tử trận còn thường hơn cơm bữa.
Cùng lúc đó, việc trao đổi thông tin bị kiểm duyệt gắt gao. Những chiếc radio đúng tiêu chuẩn Đức không bắt được các kênh nước ngoài, trong khi sử dụng loại radio khác là bất hợp pháp. Những bức thư giữa Werner khi còn ở Học viện Chính trị Quốc gia và em gái cậu phải qua bộ phận kiểm duyệt của trường trước khi đến tay người nhận, và những thông tin không thích hợp sẽ bị bôi đen để không thể đọc được.
Quả là một sự mỉa mai khi không thể tiếp cận thông tin từ những người thân thuộc đáng tin mà chỉ được phép nghe những lời đồn không rõ căn cứ.
Rốt cuộc, giữa cuộc chiến đuổi bắt những bóng ma lời đồn, chỉ có sự thật bên trong là đáng để người ta tin vào. Những niềm tin mà Werner chia sẻ với em gái từ ngày còn bé, đó mới là ngọn đèn soi sáng cho cậu thoát khỏi cái bóng tăm tối của chiến tranh. Giữa những lời đồn, những thông tin sai lệch, lòng tin vào thiện tâm giữ cậu đi đúng hướng. Werner chọn tin vào cô gái mù người Pháp, chỉ từ một ngày quan sát cô, chỉ từ những lời của Jules Verne cô đã đọc để cậu bắt được trên điện đài, cậu đã quyết định giúp đỡ cô. Cậu thà đặt lòng tin vào một người gần như xa lạ còn hơn tiếp tục làm thuộc hạ của một đế chế giả dối.
Đế chế tạo dựng trên nền tảng những lời đồn thổi, những thông tin bưng bít thì không thể đứng vững quá lâu. Werner đã từng tin vào những cơ hội mà Lãnh tụ có thể cho cậu và nước Đức. Werner đã từng tận tuỵ lần theo sóng điện đài để tìm những bóng ma quân Xô Viết, “những kẻ nổi dậy hết sức nguy hiểm, có kỷ luật; chúng làm theo mệnh lệnh của những chỉ huy tàn bạo, hung ác,” để đến lúc ra trận mới nhận ra rằng những kẻ chống đối mà cậu tiếp tay kết liễu chỉ là “những kẻ khố rách áo ôm, những kẻ cố cùng liều thân chẳng có gì để mất.”
Khoảng cách giữa những lời tuyên truyền bên tai cậu và hiện thực mà cậu biết càng ngày càng lớn, cho tới khi cậu không thể bỏ qua được nữa. Hệ thống tin tức phi nhân cuối cùng đã không chiến thắng được lòng tin của con người.
Câu chuyện từ Thế Chiến thứ hai, nhưng cũng không hiếm trong thời đại thừa mứa thông tin ngày nay. Internet có thể giúp thổi phồng những tin đồn không ai bận tâm xác minh, và khiến người ta lao vào sát phạt nhau mà không cần biết mình làm tổn thương những ai. Thông tin thời nào cũng là quý giá, và nó có thể xé nát hoặc hàn gắn thế giới, tuỳ vào cách ta sử dụng. Khi một lời nói ra vô danh, chẳng ai phải chịu trách nhiệm về nó, và người ta lao vào phân tích, đánh giá cũng chẳng mất gì. Nhưng bạn à, hãy dùng niềm tin, nỗ lực và lòng tốt của mình một cách tỉnh táo.
Mời các bạn đón đọc Ánh Sáng Vô Hình của tác giả Anthony Doerr.