Đông Nam Á là tên gọi một khu vực nằm ở phía đông nam lục địa Á – u, tiếp giáp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là cầu nối giữa lục địa Á – u với Ôxtrâylia và châu Đại Dương. Trong lịch sử, đây là khu vực có vị thế địa – chính trị quan trọng, nơi giao thoa của nhiều nền văn minh lớn, tài nguyên khoáng sản phong phú, nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ rộng lớn, nên đồng thời cũng là nơi các cường quốc thường xuyên cạnh tranh ảnh hưởng. Tuy nhiên, từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Đông Nam Á đã có sự vươn mình, các quốc gia lần lượt tuyên bố độc lập, ra sức xây dựng, phát triển đất nước theo những mô hình khác nhau và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, trở thành một trong những khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Đông Nam Á hiện nay gồm 11 quốc gia với lịch sử phát triển và nền văn hóa đặc sắc, đa dạng. Kể từ khi chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, Việt Nam đã thể hiện là một thành viên hoạt động tích cực và có vai trò quan trọng trong khu vực. Mấy chục năm trở lại đây, nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trong nước và quốc tế đã thành lập các bộ môn, khoa Đông Nam Á học, nghiên cứu và giảng dạy những kiến thức về khoa học xã hội nhân văn nói chung như địa lý, lịch sử; kinh tế, chính trị, ngoại giao; ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, lối sống và bản sắc dân tộc của các quốc gia Đông Nam Á…; trong đó ngôn ngữ là cầu nối không thể bỏ qua. Ngày càng nhiều công trình khảo cứu về Đông Nam Á học được công bố, nhiều tài liệu nghiên cứu trên nhiều phương diện của lĩnh vực này được ra mắt bạn đọc.
Mong muốn cung cấp cho đông đảo bạn đọc quan tâm một nguồn tài liệu tham khảo thú vị và hữu ích, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Đông Nam Á học – Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa của TS. Hồ Xuân Mai, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tập trung nghiên cứu sâu mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hóa, cuốn sách chủ yếu trình bày các kết quả khảo sát của tác giả về lịch sử phân bố, phát triển của các ngôn ngữ ở khu vực Đông Nam Á, những nghiên cứu bước đầu về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa cũng như một vài trăn trở, suy nghĩ của tác giả trước thực trạng sử dụng tiếng mẹ đẻ, nhất là ở một bộ phận lớp trẻ hiện nay.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 9 năm 2020
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com