Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư, tác giả của cuốn tiểu thuyết 24 giờ lên đỉnh, Cháy đến giọt cuối cùng, các tập truyện ngắn: Vạn liên thanh cho Hải Quỳ, Không nhan sắc, Thiếu học phí làm người, Năm thằng cao kều, Hải tặc một mắt…
Khi mới gặp chị, tôi hỏi: Có gì mới không, đang viết gì? Này em làm thơ nhé (rúc rích), em làm thơ, sợ không? Thư cười trả lời tôi, rồi bấm điện thoại đọc thơ. Tôi bảo, chao ôi Tết nhất tưng bừng ngoài kia, mà hai “mụ” ngồi đọc, ngồi nghe thơ. Thơ của một nhà văn từng đoạt giải truyện ngắn hay của Tạp chí Văn nghệ Quân đội lúc 27 tuổi năm 1986, làm thơ ý tứ tỉnh như “sáo sậu”, tôi nén nghe câu thơ: Đường trần mỗi ngày mỗi tối/ loáng thôi sắp hết kiếp người.
Một năm ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, công việc Nguyễn Thị Anh Thư biên tập hàng trăm đầu sách, thơ, văn xuôi của các nhà văn và các tác giả chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp. Chị là bà đỡ cho rất nhiều tên sách như người mẹ đỡ đầu đứa con tinh thần vậy. Ví dụ như tên một bài thơ của cố nhà thơ Đồng Đức Bốn mới đầu lấy tên là Tân Cương, chị góp ý nên đổi là Tìm em ở bến sông Mê, tập thơ của tác giả Trần Văn Lan có tên Nghiêng 23 độ đổi thành tên Sông Ba mùa nhan sắc, hay tác giả Nguyễn Hoàng Kim Oanh có tập thơ mới đầu định đặt tên là Hồn quê chị góp ý đổi tên Khi hồng nhan hát thánh ca. Hoặc cũng tác giả này khi lần đầu tiên đến nhà xuất bản, chưa biết nên đặt tên tập thơ của mình là gì, chị đã sửa câu thơ Ngũ hành năm ngón tay hoa thành Ngũ hành năm ngón tài hoa rồi đặt tên cho tập thơ thành Nhũ ngọc tài hoa.
Tác giả Thế Dũng trong tác phẩm Bên dòng sông tình sử có kể lại việc chị đã tận tình biên tập tiểu thuyết Một nửa lá số của anh như thế nào. Anh đã viết rằng: “…Nhưng rốt cuộc chương 43 đã được biên tập viên của NXB đặt tên là Vĩ thanh. Tôi đã hơn 2 lần cảm ơn nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư vì điều này…”. Anh Thư đã từng thẳng thắn góp ý cho tác giả này bớt đi vài ba chương hoặc cắt đi vài trăm trang sách, để tác phẩm hay hơn, chặt chẽ hơn. Nhưng cũng có khi chị lại đề nghị tác giả khác viết thêm để tạo đất cho nhân vật sinh động, có hồn hơn (như Quyên của Nguyễn Văn Thọ).
Không chỉ có những tác giả đã kể trên mà còn rất nhiều nhà thơ, nhà văn khác, đã một lòng tin tưởng gửi tác phẩm đến cho nhà văn Anh Thư đều được chị chăm sóc nâng giấc đứa con tinh thần của họ rất kỹ càng. Và thành quả là nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng lớn của Hội Nhà văn, như Nguyễn Quang Thân với Con ngựa Mãn Châu, Nguyễn Văn Thọ với Quyên, Nguyễn Hữu với Cõi thực…
Tôi biết có những đêm dài mùa đông giá rét, chị ngồi lọ mọ cạo từng con chữ, cắt cắt, dán dán những tờ giấy can, để dùng đúng chữ như linh hồn của tác giả và tác phẩm. Ngày ngày chăm sóc đứa con tinh thần cho mọi người cầm bút, đó là công việc của cơ quan, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, thời gian còn lại cho riêng mình để sáng tác, Anh Thư chỉ còn mỗi cách cắt bớt giấc ngủ của chính mình.
Tôi cũng biết thời gian để hoàn thành tiểu thuyết 24 giờ lên đỉnh, chuông đồng hồ của chị luôn để hai giờ sáng. Chị ngồi viết đến 6 giờ, ngủ đến 7 giờ, rồi dậy đi chợ, làm cơm trưa cho chồng con, chuẩn bị bữa tối sẵn, rồi mới đi làm… Vòng tròn cuộc đời tối mắt tối mũi, ngày tiếp cộng tác viên, giải quyết hàng loạt bản thảo đến 5, 6 giờ chiều. Về nhà làm tròn nghĩa vụ làm mẹ, làm vợ, rồi vừa xem phim, vừa ngủ lơ mơ đến 9, 10 giờ đêm lại lôi các tập bản thảo dày, đòi hỏi phải yên tĩnh ra biên tập. Đêm lại đêm, bật dậy ngồi viết là niềm vui của chị.
Tôi nhớ năm 1993, hồi đó Nhà xuất bản Hội Nhà văn đang gặp khó khăn về kinh tế, nhà văn Nguyễn Kiên lúc ấy làm Giám đốc, chị Nguyễn Thị Anh Thư mới đi học thêm một bằng đại học thứ 2 (đại học xuất bản) về, chị tình nguyện ra ngồi bán sách ở cửa hàng giới thiệu sách. Ngày đó, tôi làm ở Báo Lao động Thủ đô gần đó hay chạy sang ngồi bán sách với chị. Có hôm hai chị em ngồi bán sách chỉ để xem một khách hàng mua sách mở hàng có may mắn không, có bán chạy sách văn học không. Có người tôi dự đoán sai, có người Thư dự đoán đúng qua cách nhìn chân tướng. Không ngờ cách quan sát trực tiếp tinh tế đã giúp chị Anh Thư viết văn ngày càng đằm thắm và tinh tế hơn.
Để viết cuốn tiểu thuyết 24 giờ lên đỉnh, để viết được về số phận của đàn bà, để viết về một vấn đề kinh tế đang nóng bỏng trong cuộc sống này, Anh Thư phải học, phải nghiên cứu rất kỹ mới dám đi vào nhân vật có nghề nghiệp không hề dán mác hay sắp đặt sẵn cho họ. Cái nhìn thấu tâm can đàn bà từ những câu chuyện như Không nhan sắc, đến Món giả cầy, cái khát vọng nhất mà Anh Thư đau đáu là nhân vật người đàn ông vừa tài hoa, lịch lãm, vừa biết trân trọng phụ nữ. Nhân vật như ước mơ ấy thì chỉ có văn chương xây dựng nên. Thật khó tìm trong đời thực.
Hãy để bạn đọc khát khao, hãy để bạn đọc cùng hy vọng dưới trang văn của mình, chỉ ra những cái tàn ác không nhìn thấy, không dễ thấy cũng là nhiệm vụ của nhà văn. Để bạn đọc đọc sách, ngấm, và rút ra kinh nghiệm ở đời.
Gần đây những bài thơ của Anh Thư làm gửi tôi đọc, tôi thấy chị còn run rẩy trước tình người, còn phẫn nộ trước cái ác như cây đàn một dây níu giữ trầm buồn. Thơ chị viết “tỉnh” như văn xuôi, nhưng tứ thơ lại biết dồn nén, nhà văn như Nguyễn Thị Anh Thư đã cày, đã vỡ vạc đất đai, để trồng cây như bao nhà văn Việt Nam gieo mùa vàng cho tác phẩm của mình
***
03 giờ 30 phút – 20 – 06 – 2008
Sáng sập cửa, nén giận – bật khoá – giập ga. Chiếc Mercedes Benz gầm cao đen bóng rú lên, quét một luồng ánh sáng đèn pha sáng loá, cắt toang mù sương trong cái sân lát gạch bát rộng thênh thang loáng đẫm sương đêm.
Anh đánh mạnh vô lăng.
Chiếc ô tô liệng một nửa vòng cuồng nộ lao ra cổng.
Sáng biết chắc: ông Thưởng – cha của anh – một lão nông đã bảy mươi bảy tuổi gầy gò, nhưng cao lớn và rất săn chắc, ánh mắt vẫn sáng quắc như mắt chim ưng; cứ ngồi tỉnh khô trong cái ghế đại sẽ không thèm đưa mắt nhìn theo thằng con mình.
Cái ghế đại chạm trổ lộng lẫy mà cha anh trong bộ đồ lụa Thái Tuấn màu nâu tây đang ngồi oai vệ trên đó là nằm trong bộ bàn ghế và trường kỷ làm bằng gỗ nu hay còn gọi là gỗ lut. Cây nu thuộc họ gõ đỏ, và đã được Unescô liệt vào sách đỏ vì sắp tiệt chủng.
Gỗ nu trở nên vô giá, vì quá hiếm. Người ta khi đã trộm được, thường hay xẻ chúng ra nâng niu đánh bóng chỉ dùng chúng làm vật liệu quý cho những bức tranh gỗ, dùng để trang trí nhà thờ hoặc làm giả những viên đá hoa cương lát nhà cho các triệu phú, tỉ phú Đô la trên thế giới ở.
Loại gỗ đó không có đường vân thành thớ hoặc lượn sóng như các loại gỗ cũng rất đắt đỏ khác. Gỗ nu có vân đặc biệt quý, chúng vặn xoắn những vòng ốc nhỏ xen kẽ thành từng mảng màu rất tách biệt, chỉ nhỉnh hơn đầu ngón tay màu đỏ thắm, màu nâu sậm, mầu vàng, màu ghi… Đôi lúc, màu sắc của chúng trông như những tảng hổ phách.
Mùa hè, chạm tay vào, gỗ nu lạnh mát như đá. Nhưng mùa đông, khi ngồi lên chúng, ta vẫn cảm như được ôm ấp, và đâu đó như có hơi gỗ ấm áp đang thở.
Vì vậy mà gỗ nu được định giá bằng tiền triệu trên từng kg, hoặc những trăm nghìn Đô trên mét khối tuỳ lúc và tuỳ thích.
Tuy nhiên, vì gỗ nu quá rắn. Gỗ nu quá quánh chắc, cân lên nặng như đá thật. Nhất là khi nó được cấu tạo chỉ bằng những chỗ u gồ lên trên thân cây, cho nên thao tác mỹ nghệ trên nó cực khó.
Nhưng bù lại, khi chế tác xong, đánh bóng lên, các hoa vân đặc biệt vặn xoắn dày đặc sẽ cho vật thể hoàn toàn là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ.
Trông món đồ gỗ lúc ấy sẽ trong suốt như thể được cấu thành từ tổng thể các loại ngọc long lanh màu đỏ sậm, màu nâu, màu vàng hổ phách. Đặc biệt quý là khi các mảng màu ấy được tách bạch bằng những đường viền như được dát kim loại vàng lấp lánh. Và chúng phát sáng bằng chính những đường ốc vân vẩy kỳ lạ đó. Vì thế lúc đó người ta gọi loại gỗ này là hổ bì tức là da hổ. Nhưng giá cả của chúng lúc đó thì…
Thôi!… Quên đi!… Cái giá trị của đẳng cấp nghệ thuật mới là vô giá!
Sáng vẫn thường có khát vọng được sở hữu những gì là đỉnh nhất, nên ngay lập tức anh mê hổ bì. Anh mê nó đến điên cuồng, mê ngay khi lần đầu tiên nhìn thấy nó.
Sáng cầu kỳ lặn lội đến gặp ông Vũ Văn Quý giám đốc công ty Hưng Long nổi tiếng tận làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh yêu cầu được chính kỹ sư hoạ sĩ Nguyễn Xuân Đức dựa theo mẫu Lu- y thế kỷ 16 của Pháp thiết kế sao cho bộ trường kỷ hổ bì của anh có thêm vẻ Việt Nam.
Nó phải vừa dân tộc mà vẫn hiện đại để các đời sau, con cái cháu chắt anh vẫn có thể nhảy đầm bên nó mà không lố.
Sáng đã mò mẫm tìm hiểu trên Internet, trong giới đồ gỗ mỹ nghệ và được biết chỉ riêng công ty đồ gỗ Hưng Long ở làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh mới có khả năng thu gom được đủ một số lượng lớn gỗ hổ bì để chế tác nổi một bộ đại trường kỷ.
Và cũng chỉ có Công ty này mới có bí quyết nhà nghề để thớ gỗ hổ bì trở nên mềm đi trong thời gian chế tác, còn sau khi hoàn thành rồi thì nó lại trở nên quánh chắc như đá thật. Tựa như bí quyết ngâm trứng vào dấm cho mềm vỏ cứng để trứng lọt dễ dàng qua miệng chai mà vẫn không vỡ lòng đỏ.
Cũng phải mất đằng đẵng gần năm trời chờ đợi Sáng mới có được một bộ độc bản đại trường kỷ cực kỳ lộng lẫy, mà chắc hẳn khó có được một bộ thứ hai giống vậy. Anh đã mang nó về cho cha anh – ông Phương Văn Thưởng ở làng Hoàng Ngôn, xã Kỳ Nguyên huyện Tĩnh Hà trưng bày trong nhà.
Và lúc này, cha Sáng đã lại ngồi thu chân, chễm chệ trên chiếc ghế vô giá đó. Cha anh cũng mê thích nó. Với anh, đó là niềm vui, lẽ đương nhiên của một người con hiếu thảo. Nhưng quá sớm! Đêm còn chưa qua, ngày còn chưa rạng.
Và muôn lần như một, trước mặt ông chẳng khi nào thiếu cái chén sứ đồ Giang Tây chưa bao giờ vơi một thứ nước sóng sánh màu nâu cánh gián của rượu thuốc không ngâm tay gấu thì cũng cao hổ cốt do thằng con trai út – chính là anh – Phương Quang Sáng đích tay ngâm biếu.
Giờ đây, ông súc miệng bằng thứ rượu quý ấy, kê mông lên chiếc ghế hiếm ấy, tay cầm chiếc điếu cày – vật bất ly thân tự tay ông gò bằng mảnh duyra thân chiếc máy bay – chiếc máy bay Mỹ đã bị chính ông cùng đội dân quân xã đã từng được phong là Đơn vị anh hùng các lực lượng vũ trang thời xa xưa bắn rơi trên cánh đồng làng Hoàng Ngôn; rúc lên hai hơi liền giòn tan nõ điếu cho ngây ngất tâm thần – để rồi thoả sức chê bai anh – cái thằng đã rước bằng được những cái thứ quý hiếm, độc nhất vô nhị đó về dâng ông ngự thưởng.
Sáng biết cha mình sẽ lại xoè mồi lửa vào nõ điếu, rít thêm một hơi thuốc lào Tiên Lãng cháy cổ, phà khói ra một cách khoái trá lần nữa, rồi ông mới liếc xéo cái ánh mắt vẫn quen lia nhanh như chớp theo hướng anh đi, vẻ vừa kinh thường vừa giận dỗi, bất cần: – Đi đi! Mang hết cả đi!
Sáng thừa biết cha mình đang nghĩ gì: “…Thôi, thôi, tôi xin ông! Ông muốn hành cái phép tắc, cái luật lệ, cái nghi lễ văn hoá văn hiếc, gì gì… của ông thì ông cứ mang đi đâu đó mà hành… nhé! Còn cái làng này nó chẳng thiết, mà tôi, tôi cũng chẳng cần.… Rõ là nhiễu sự! Rõ là… là… Cứ lớn chuyện ba cái thứ lặt vặt…Đang yên đang lành thì vẽ chuyện…”
Và thể nào một viên thuốc lào nữa cũng lóe lửa đóm, nảy tâng tâng trên nõ. Chiếc điếu duya ra lại rú rít lên, gay gắt, bực bội, rồi phun khói lên… thoả mãn.
Trời đất! Chuyện gì cha anh cũng cho là chuyện vặt, khỏi cần phải bày vẽ cho mệt người! Cha có biết rằng chính vì ý nghĩ lúc nào cũng ngại mệt, lúc nào cũng ngả theo cái chủ nghĩa tuỳ tiện được đến đâu hay đến đấy, việc gì cũng chỉ được nửa vời, không chịu cố gắng dồn tâm, dồn huyết để đi đến tận cùng ước mơ ấy như cha anh, của bao đời người ở cái làng bãi ngang này mà đã khiến cho cái làng Hoàng Ngôn của cha con anh chìm nghỉm, chẳng làm sao mọc mũi sủi tăm lên được trong thiên hạ không?
Chao ôi! Cha hãy nhìn ra những tỉnh ngoài mà xem, có biết bao nhiêu địa danh lừng lẫy tên tuổi vì bề dày lịch sử văn hoá: những đền Hùng, đền Mẫu cội nguồn dân tộc bao đời; những thành cổ Tây Sơn, thành nhà Hồ, Lam kinh; những chùa Bổ, chùa Và, chùa Mía, chùa Tây Phương… thâm nghiêm, cổ kính; những cổng làng cổ Đường Lâm, chùa Cầu Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Tháp Chàm…Kỳ lạ… đến tận cái xứ Đồng Văn xa mù hẻo lánh cũng có riêng cho mình cả một phố cổ… chưa nói tới kinh thành Huế, đến cố đô Thăng Long…
Cha có biết Bái Đính, Ninh Bình họ còn muốn vật sản văn hoá của địa phương mình có thứ vươn được lên đến tầm cỡ nhất Đông Nam Á không? Truyền thống văn hoá, di tích lịch sử vốn đã rất được những người dân các xứ ấy đời đời ngưỡng mộ, nâng niu, gìn giữ, vậy mà giờ đây họ vẫn chưa thoả, vẫn còn đang ra sức bồi đắp, khuếch trương rộng lớn thêm từng ngày.
Nhưng, buồn thay, cha đã bao giờ chịu bước ra khỏi cái làng Hoàng Ngôn vốn chỉ là một dải đất bãi ngang hẹp như cái dải áo, kẹt giữa đôi bên bờ cát chát mặn và đầm lầy nước lợ này, để mở to mắt ra mà nhìn các làng quê rộng lớn, giàu có, khang trang, sang trọng của thiên hạ để mà kính phục họ, thèm được như họ, và buồn cho mình đâu!
Sáng trút một hơi thở dài, cố xua ra khỏi người nỗi bực bội.
Và anh, anh nữa – một Phương Quang Sáng – nhà doanh nghiệp về bất động sản và cổ phiếu mới phất với tài sản vài ba triệu Đô la Mỹ – một Phương Quang Sáng có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh – Du lịch, hiện đang tu thêm một bằng Thạc sĩ nữa về Đông phương học – anh sống ở đâu mà chẳng được ở trong cái thế giới trọng Mỹ kim, thèm chất xám này chứ?
Vậy mà tại sao, tại sao anh vẫn không sao bỏ được cái làng Hoàng Ngôn nghèo nàn, khốn khổ này. Tại sao, tại sao chứ?
Vinh danh cho quê hương! Làm sao để có thể kêu gọi được tất thảy những con người cùng sống ở cái thôn Hoàng Ngôn vốn thâm căn cố đế đã có cái tính ương ương, gàn gàn này cùng có tâm huyết biến ý chí thành hành động tôn tạo vinh danh cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình?
Vậy mà, tiếc thay – cha anh – cái người thân thiết, ruột thịt gần gũi nhất của anh thì lại dường như cũng giống tất cả những người khác trong làng, cũng như chẳng hiểu gì, chẳng quan tâm gì đến điều tâm huyết của anh. Thậm chí ông lại còn có vẻ là một trong những người cảm thấy mệt mỏi và khó chịu nhất vì những việc anh đã làm.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com