Giới thiệu, tóm tắt, review (đánh giá) cuốn sách Lời Hiệu Triệu Của Cthulhu của tác giả H P Lovecraft, cũng như link tải ebook Lời Hiệu Triệu Của Cthulhu miễn phí với các định dạng PDF, EPUB sẽ được ebookvie chúng mình chia sẻ trong bài viết này, mời mọi người đọc nhé
“Lời Hiệu Triệu của Cthulhu” không chỉ là một bộ sưu tập truyện ngắn, mà còn là một hành trình đáng sợ sâu vào tâm hồn con người, nơi sự kinh hoàng ẩn giấu và bùng nổ mạnh mẽ nhất. Đây thực sự là một tác phẩm không thể thiếu trong thư viện của những người đam mê thể loại kinh dị, và muốn khám phá những khía cạnh tăm tối nhất của trí tưởng tượng.
“Lời Hiệu Triệu Của Cthulhu”, một tác phẩm kinh dị nổi tiếng của H.P. Lovecraft, đưa ta vào một vòng xoáy bí ẩn đầy ám ảnh xoay quanh những giấc mơ kỳ lạ và sự tồn tại của một thực thể cổ xưa kinh hoàng.
Câu chuyện bắt đầu với Francis Wayland Thurston, một người đàn ông thừa hưởng di sản từ người chú là giáo sư George Gammell Angell, một nhà nghiên cứu về các nền văn minh cổ đại. Trong số di sản, Thurston tìm thấy những ghi chép kỳ lạ của người chú về một giáo phái bí mật tôn thờ Cthulhu, một thực thể vũ trụ hùng mạnh bị chôn vùi dưới đáy biển sâu.
Theo ghi chép, Cthulhu có hình dạng ghê rợn, là sự pha trộn giữa bạch tuộc, rồng và con người. Giấc ngủ của Cthulhu bị giam cầm bởi một thành phố cổ xưa chìm sâu dưới đáy biển. Khi các vì sao vào đúng vị trí, Cthulhu sẽ thức tỉnh, mang đến sự hủy diệt cho nhân loại.
Thurston ban đầu hoài nghi, nhưng những giấc mơ kỳ lạ về thành phố R’lyeh – nơi giam cầm Cthulhu – và những cuộc gặp gỡ với những người liên quan đến giáo phái Cthulhu đã khiến anh tin vào sự tồn tại của thực thể kinh hoàng này. Anh lần theo dấu vết của giáo phái, từ New Orleans đến vùng đất băng giá Nam Cực, để rồi đối mặt với sự thật kinh hoàng về Cthulhu và những tín đồ cuồng tín.
“Lời Hiệu Triệu Của Cthulhu” không chỉ là câu chuyện kinh dị đơn thuần, mà còn là lời ám ảnh về sự nhỏ bé của con người trước những bí ẩn to lớn của vũ trụ. Lovecraft đã xây dựng một thế giới đầy rẫy những sinh vật cổ xưa, những thế lực siêu nhiên vượt xa tầm hiểu biết của con người, gieo rắc nỗi sợ hãi về những điều chưa biết vào tâm trí người đọc.
Ưu điểm:
Nhược điểm:
Kết luận: “Lời Hiệu Triệu Của Cthulhu” là tác phẩm kinh điển của dòng văn học kinh dị, mang đến trải nghiệm rùng rợn, ám ảnh và kích thích trí tưởng tượng. Dù có một số hạn chế nhất định, đây vẫn là cuốn sách đáng đọc cho những ai yêu thích khám phá thể loại kinh dị vũ trụ và muốn tìm hiểu về phong cách viết độc đáo của H.P. Lovecraft.
HOWARD PHILLIPS LOVECRAFT sinh ngày 20 tháng Tám năm 1890 tại Providence, Rhode Island. Ông được coi là một trong những nhà văn kinh dị người Mỹ có ảnh hưởng nhất mọi thời đại.
H. P. Lovecraft được ghi nhận là người đã sáng tạo ra Huyền tích Cthulhu (Cthulhu Mythos) – vũ trụ hư cấu với các yếu tố cấu thành, nhân vật, bối cảnh và chủ đề chung được Lovecraft xây dựng và các nhà văn kinh dị khác sau này sử dụng. Ông đã giúp hình thành và lan truyền dòng văn “kinh dị vũ trụ” (tức ý niệm rằng vũ trụ là một nơi xa lạ và nguy hiểm, nằm ngoài khả năng lãnh hội đối với phần lớn người bình thường). Ông cũng thường xuyên pha trộn các yếu tố kinh dị và khoa học viễn tưởng vào nhau trong các tác phẩm của mình.
H. P. Lovecraft là một thần đồng, có thể đọc thơ từ năm hai tuổi và viết thơ khi lên sáu. Cha ông nhập viện sau khi bị loạn thần cấp tính trong một chuyến công tác và qua đời năm năm sau đó, để Lovecraft lại cho mẹ, dì và ông ngoại nuôi dưỡng. Người ông đã khuyến khích Lovecraft viết lách, và niềm ham thích những thứ “dị” của Lovecraft được cho là có thể đã xuất phát từ những câu chuyện kinh dị kiểu Gothic mà Lovecraft được ông mình kể cho nghe hồi nhỏ. Vì tuổi thơ thường xuyên ốm yếu cả về thể chất lẫn tinh thần, Lovecraft hiếm khi đến trường lớp trong những năm đầu đời và đã phải nghỉ học một năm hồi lên tám vì có bản tính vô kỉ luật và hay cãi vã. Ông theo học toàn thời gian trở lại ở tuổi mười ba nhưng không bao giờ nhận được bằng tốt nghiệp trung học do bị suy nhược thần kinh ngay trước khi tốt nghiệp.
Sau lần suy nhược thần kinh vào năm 1908, Lovecraft dành ra năm năm làm thơ và sống một kiếp đời gần như hoàn toàn ẩn dật, chỉ giao du với mẹ mình. Ông gia nhập UAPA (Hiệp hội Báo chí Nghiệp dư) vào năm 1914, sau khi Chủ tịch UAPA đọc thấy một bài tranh luận Lovecraft đăng trong tờ tạp chí rẻ tiền The Argosy, bàn về sự nhạt nhẽo của một câu chuyện do một nhà văn nổi tiếng của tờ tạp chí ấy viết. Lovecraft đã đóng góp nhiều bài tiểu luận và thơ cho UAPA nhưng lại quay sang viết tiểu thuyết vào năm 1917. Dagon – tác phẩm đầu tiên được xuất bản chuyên nghiệp của ông được đăng tải trên tờ Weird Tales vào năm 1923; và cũng chính qua tờ tạp chí này, ông bắt đầu trao đổi thư từ với nhà văn kinh dị Robert E. Howard.
Lovecraft gặp người vợ tương lai của mình – Sonia Greene, tại một hội nghị nhà báo nghiệp dư ở Boston. Mẹ ông đã qua đời chỉ vài tuần trước đấy, khi bị biến chứng do phẫu thuật túi mật trong cùng bệnh viện mà cha của Lovecraft qua đời vì suy nhược thần kinh hai năm trước. Sau khi kết hôn vào năm 1924, Lovecraft cùng người vợ mới chuyển đến Brooklyn, thành phố New York, nhưng do thiếu việc và tình hình kinh tế khó khăn, hai vợ chồng phải sống xa nhau để cố gắng tìm việc làm. Vài năm sau, khi vẫn đang sống riêng, hai vợ chồng họ cùng đồng ý li hôn – mặc dù vụ li hôn ấy chẳng bao giờ được hoàn tất. Trong thập kỉ cuối đời mình, Lovecraft quay trở lại Providence, và chính trong giai đoạn này, ông đã viết phần lớn những câu chuyện nổi tiếng nhất của mình. Ông qua đời vào ngày 15 tháng Ba năm 1937 vì bệnh ung thư đường ruột và suy dinh dưỡng, chưa đầy một năm sau khi người bạn Robert E. Howard của ông tự sát.
Lúc sinh thời, H. P. Lovecraft không bao giờ có thể kiếm được tiền để nuôi thân từ nghiệp viết văn. Các tác phẩm của ông thường sử dụng những chủ đề như tri thức cấm đoán, ảnh hưởng của những thực thể phi nhân đối với loài người và sự bất biến của định mệnh. H. P. Lovecraft hầu như không được biết đến trong suốt cuộc đời của mình, nhưng giờ đây lại được coi là một trong những tác giả quan trọng nhất của thế kỉ 20 về thể loại truyện giả tưởng kinh dị siêu nhiên. Vô số sản phẩm chuyển thể, lấy cảm hứng, hoặc chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm của Lovecraft với đa dạng loại hình khác nhau (phim, kịch, tiểu thuyết, trò chơi điện tử, âm nhạc…) thường xuyên xuất hiện. Các tác phẩm của H. P. Lovecraft đã truyền cảm hứng và ảnh hưởng tới rất nhiều nhà văn và nhà sáng tạo đương đại nổi tiếng như Stephen King, Neil Gaiman, Guillermo del Toro, Alan Moore, Junji Ito, Gou Tanabe…
TÔI VIẾT LẠI CÂU CHUYỆN NÀY TRONG TÌNH TRẠNG hết sức căng thẳng, bởi vì đến tối nay, tôi sẽ không còn trên cõi đời này nữa. Không một xu dính túi, và đến khi đã dùng hết sạch chỗ thuốc của mình – thứ duy nhất giúp cho cuộc đời này còn đáng sống, tôi sẽ không có khả năng chịu đựng nổi sự tra tấn nữa; và tôi sẽ gieo mình từ trên cái cửa sổ gác này xuống con đường dơ bẩn bên dưới. Xin đừng nghĩ rằng tôi là một kẻ yếu đuối hay suy đồi chỉ vì tôi là nô lệ của morphine. Một khi đã đọc xong những trang chữ ngoáy viết vội này, bạn sẽ có thể phỏng đoán được nguyên nhân tôi chỉ còn nước quên lãng hoặc chết đi, dẫu cho bạn sẽ không bao giờ hiểu được đầy đủ sự tình.
Tại một trong những vùng trống trải và ít người lai vãng nhất trên Thái Bình Dương bao la, con tàu chở thư nơi tôi nắm giữ cương vị quản lí hàng trở thành nạn nhân của đám cướp biển Đức. Thế Chiến khi đó chỉ vừa mới vào giai đoạn bắt đầu, và các lực lượng trên biển của người Hung vẫn còn chưa suy đồi hẳn như sau này. Thế nên tàu của chúng tôi trở thành phần thưởng hợp pháp(1), trong khi thuỷ thủ đoàn chúng tôi được đối đãi một cách công bằng và tôn trọng, theo đúng những gì mà tù nhân hàng hải đáng được hưởng. Những kẻ bắt giữ chúng tôi thả lỏng khuôn phép kỉ luật đến mức năm ngày sau khi bị bắt, tôi đã một mình trốn thoát được trong một chiếc thuyền nhỏ với đủ nước và nhu yếu phẩm để dùng trong một thời gian dài.
(1) Theo luật hàng hải xưa, khi xảy ra xung đột vũ trang, các thiết bị, phương tiện, tàu thuyền, và hàng hoá của phe đối nghịch bắt được có thể trao lại cho chính quyền sở tại để đổi lấy phần thưởng một cách hợp pháp.
Khi cuối cùng cũng có thể tự do trôi dạt, tôi chẳng áng định được mấy về khu vực xung quanh mình. Vì vốn chưa bao giờ là một hoa tiêu giỏi, tôi chỉ có thể căn cứ vào mặt trời và các ngôi sao để áng chừng mình bấy giờ đang ở đâu đó phía Nam xích đạo. Tôi không biết là kinh độ nào cả, và không có hòn đảo hay đường bờ biển nào trong tầm mắt hết. Thời tiết tiếp tục tốt lành, và suốt bao ngày, tôi trôi dạt vô định dưới ánh mặt trời thiêu đốt; chờ đợi một con tàu nào đó đi ngang qua, hoặc cập được vào bờ một mảnh đất có thể ở. Nhưng cả tàu lẫn đất đều không xuất hiện, và trong tình cảnh cô độc trên miền nước xanh dương mênh mông, dập dềnh, liền mạch của mình, tôi bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng.
Sự thay đổi xảy ra trong khi tôi ngủ. Tôi sẽ không bao giờ biết được cụ thể nó xảy ra thế nào; vì mặc dù giấc ngủ của tôi trằn trọc và đầy mộng mị, nó vẫn diễn ra liền một mạch. Khi cuối cùng cũng thức dậy, tôi phát hiện ra bản thân gần như đã bị hút vào trong một bãi bùn đen thẫm nhầy nhụa, ghê tởm, trải dài ngút tầm mắt khắp xung quanh mình theo những dải trập trùng đơn điệu, và con thuyền của tôi nằm mắc cạn cách đấy không xa.
Mặc dù hẳn ai cũng sẽ nghĩ rằng cảm giác đầu tiên của tôi là sửng sốt khi thấy cảnh vật biến đổi phi thường và bất ngờ đến nhường ấy, tôi thực chất thấy hãi hùng nhiều hơn là kinh ngạc. Bởi vì thấm đẫm trong bầu không khí cũng như lớp đất thối rữa là một nét nham hiểm làm tôi buốt lạnh đến tận cốt tuỷ.
Cả khu vực bị xác cá phân huỷ làm cho bốc mùi thối hoăng, chưa kể còn những thứ khác khó mô tả hơn mà tôi thấy nhô ra từ lớp bùn tởm lợm của cánh đồng bất tận. Có lẽ tôi nên từ bỏ hi vọng sẽ truyền tải được cái sự gớm guốc không bút nào tả xiết hiện đang ngự trị trong im lặng tuyệt đối trên vùng đất hoang bát ngát này bằng ngôn từ đơn thuần.
Không có âm thanh nào lọt vào tai, và chẳng có gì trong tầm mắt ngoại trừ một mảng chất nhờn đen bao la. Ấy nhưng chính sự tĩnh lặng và đồng nhất tột cùng của cảnh quan lại là thứ khiến tôi bị một nỗi khiếp đảm phát mửa nặng đè.
Mặt trời bấy giờ đang soi rọi xuống từ một bầu trời không mây tàn nhẫn, mà như tôi thấy thì gần như đen kịt; như thể phản chiếu cái đầm mực dưới chân tôi. Khi bò vào chiếc thuyền bị mắc cạn, tôi nhận ra rằng chỉ có một giả thuyết duy nhất đủ sức giải thích được cho vị trí của tôi. Thông qua một biến động núi lửa vô tiền khoáng hậu nào đấy, một phần đáy đại dương hẳn đã bị dâng lên bề mặt, để lộ ra các vùng vốn được ẩn giấu dưới những tầng nước sâu khôn lường bao triệu năm qua. Vùng đất mới đã trồi lên bên dưới tôi rộng lớn đến nỗi tôi chẳng tài nào phát hiện ra nổi cả những âm thanh mờ nhạt nhất của đại dương gợn sóng, bất chấp đã căng hết tai lên. Cũng không có bất kì con chim biển nào ăn thịt những thứ đã chết.
Suốt mấy tiếng liền, tôi chỉ ngồi suy nghĩ hoặc ủ ê trên thuyền. Con thuyền hiện đang nằm nghiêng và cung cấp cho tôi chút bóng râm trong khi mặt trời di chuyển trên bầu trời. Khi ngày dần trôi qua, mặt đất bớt lớp nhớp phần nào, và xem chừng đủ khô để đi lại trong một thời gian ngắn. Đêm đó tôi chẳng ngủ nghê được mấy, và ngày hôm sau tôi tự chế một túi đựng thức ăn và nước uống, chuẩn bị cho hành trình trên đất liền nhằm tìm kiếm biển cả đã biến mất cùng với khả năng có người giải cứu nữa.
Vào buổi sáng hôm thứ ba, tôi thấy đất đủ khô để đi lại dễ dàng. Mùi cá chỉ khiến tôi muốn phát rồ; nhưng vì còn quá mải bận suy nghĩ về những điều nghiêm trọng nên tôi chẳng buồn để bụng một thứ tồi tệ vặt vãnh đến vậy, và chẳng buồn để bụng một thứ tồi tệ vặt vãnh đến vậy, và hùng dũng lên đường tiến về phía một đích đến không xác định.
Suốt cả ngày, tôi đều đặn đi về phía Tây, được dẫn lối bởi một cái gò ở xa, vươn cao hơn bất cứ nơi nào khác trên cái sa mạc trập trùng này. Đêm đó tôi dựng trại nghỉ, và ngày hôm sau vẫn tiếp tục đi về phía cái gò, mặc dù cái vật đó dường như chẳng gần hơn chút nào so với lần đầu tiên tôi trông thấy nó. Sang tối thứ tư, tôi đến được chân của gò đất, và hoá ra nó cao hơn nhiều so với lúc nhìn từ đằng xa, cảnh quan thung lũng làm nó trông nổi bật hẳn so với nền đất chung. Quá mệt mỏi để leo lên cao, tôi ngủ trong bóng của gò đất.
Tôi không biết tại sao giấc mơ của mình lại hoang dại đến như vậy vào đêm hôm đó. Nhưng trước khi vầng trăng khuyết tuyệt vời còn chưa kịp nhô cao trên vùng đồng bằng phía Đông, tôi thức dậy trong tình trạng ướt đẫm mồ hôi lạnh, và quyết định sẽ không ngủ nữa. Những hình ảnh tôi đã trải nghiệm vượt quá sức chịu đựng của bản thân.
Và trong ánh trăng, tôi nhận thấy mình đã thật thiếu khôn ngoan khi di chuyển vào ban ngày. Nếu không vướng phải ánh sáng chói chang của mặt trời, hành trình của tôi đáng lẽ đã tiêu tốn ít năng lượng hơn. Bây giờ tôi thực sự cảm thấy mình hoàn toàn có thể thực hiện chuyến leo từng khiến bản thân phải bỏ cuộc vào lúc hoàng hôn. Tôi xách túi lên, bắt đầu leo về phía đỉnh gò đất cao.
Tôi ban nãy có nói rằng cái sự đơn điệu miên man của vùng đồng bằng trập trùng này đã mang lại cho tôi một cảm giác hãi sợ mơ hồ. Nhưng tôi tin cảm giác khiếp hãi của mình đã tăng lên gấp bội khi leo đến đỉnh của gò đất và nhìn xuống phía bên kia, vào trong một cái hố hay khe núi sâu khôn cùng, với những hốc đen mà mặt trăng chưa lên đủ cao để soi tỏ.
Tôi cảm thấy mình như đang ở bên rìa thế giới; nhìn qua vành mép vào một miền hỗn loạn ngoài sức lãnh hội của màn đêm vĩnh cửu. Giữa lúc đang kinh hãi tột cùng, xuất hiện trong tâm trí tôi là những hồi tưởng kì lạ về cuốn Thiên đường đã mất(1), và hành trình leo qua các cõi tối tăm vô hình vô dạng đây gớm guốc của Satan.
Nguồn: https://ebookvie.com