"
Lời Hiệu Triệu Của Cthulhu PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Lời Hiệu Triệu Của Cthulhu PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Lời Hiệu Triệu Của Cthulhu - H.P. Lovecraft Nguyễn Thành Long dịch
≿————- ❈ ————-≾
Giới thiệu
“Cảm xúc cổ xưa và mạnh mẽ nhất của loài người là sợ hãi, còn nỗi sợ hãi cổ xưa và mạnh mẽ nhất chính là nỗi sợ những điều chưa biết.”
Hàng thiên niên kỉ trước, các Đại Cổ Thần cai trị hành tinh của chúng ta. Rồi họ chìm vào cơn mơ kể từ thời điểm đó. Nhưng khi cơn chấn động lớn ngoài biển làm thành phố đá cổ R’lyeh lộ diện một lần nữa, các Đại Cổ Thần cuối cùng cũng thức tỉnh… Hầu như không được biết đến trong suốt cuộc đời của mình, nhưng H. P. Lovecraft giờ đây được coi là một trong những tượng đài của thể loại truyện kinh dị. Ông đã vĩnh viễn thay đổi thể loại giả tưởng, kinh dị, và khoa học viễn tưởng với một kho tàng những câu chuyện đáng ghi nhớ có tầm ảnh hưởng rộng rãi tới nhiều nhà văn và nhà sáng tạo đương đại nổi tiếng như Stephen King, Neil Gaiman, Guillermo del Toro, Alan Moore, Junji Ito, Gou Tanabe… Chỉ có trí tưởng tượng phong phú của H. P. Lovecraft mới có thể tạo nên nỗi kinh hoàng lạnh gáy và sự lôi cuốn mà bạn sẽ tìm thấy trong các trang sách của tuyển tập LỜI HIỆU TRIỆU CỦA CTHULHU độc đáo này.
≿————- ❈ ————-≾
Về tác giả
HOWARD PHILLIPS LOVECRAFT sinh ngày 20 tháng Tám năm 1890 tại Providence, Rhode Island. Ông được coi là một trong những nhà
văn kinh dị người Mỹ có ảnh hưởng nhất mọi thời đại.
H. P. Lovecraft được ghi nhận là người đã sáng tạo ra Huyền tích Cthulhu (Cthulhu Mythos) – vũ trụ hư cấu với các yếu tố cấu thành, nhân vật, bối cảnh và chủ đề chung được Lovecraft xây dựng và các nhà văn kinh dị khác sau này sử dụng. Ông đã giúp hình thành và lan truyền dòng văn “kinh dị vũ trụ” (tức ý niệm rằng vũ trụ là một nơi xa lạ và nguy hiểm, nằm ngoài khả năng lãnh hội đối với phần lớn người bình thường). Ông cũng thường xuyên pha trộn các yếu tố kinh dị và khoa học viễn tưởng vào nhau trong các tác phẩm của mình.
H. P. Lovecraft là một thần đồng, có thể đọc thơ từ năm hai tuổi và viết thơ khi lên sáu. Cha ông nhập viện sau khi bị loạn thần cấp tính trong một chuyến công tác và qua đời năm năm sau đó, để Lovecraft lại cho mẹ, dì và ông ngoại nuôi dưỡng. Người ông đã khuyến khích Lovecraft viết lách, và niềm ham thích những thứ “dị” của Lovecraft được cho là có thể đã xuất phát từ những câu chuyện kinh dị kiểu Gothic mà Lovecraft được ông mình kể cho nghe hồi nhỏ. Vì tuổi thơ thường xuyên ốm yếu cả về thể chất lẫn tinh thần, Lovecraft hiếm khi đến trường lớp trong những năm đầu đời và đã phải nghỉ học một năm hồi lên tám vì có bản tính vô kỉ luật và hay cãi vã. Ông theo học toàn thời gian trở lại ở tuổi mười ba nhưng không bao giờ nhận được bằng tốt nghiệp trung học do bị suy nhược thần kinh ngay trước khi tốt nghiệp.
Sau lần suy nhược thần kinh vào năm 1908, Lovecraft dành ra năm năm làm thơ và sống một kiếp đời gần như hoàn toàn ẩn dật, chỉ giao du với mẹ mình. Ông gia nhập UAPA (Hiệp hội Báo chí Nghiệp dư) vào năm 1914, sau khi Chủ tịch UAPA đọc thấy một bài tranh luận Lovecraft đăng trong tờ tạp chí rẻ tiền The Argosy, bàn về sự nhạt nhẽo của một câu chuyện do một nhà văn nổi tiếng của tờ tạp chí ấy viết. Lovecraft đã đóng góp nhiều bài tiểu luận và thơ cho UAPA nhưng lại quay sang viết tiểu thuyết vào năm 1917. Dagon – tác phẩm đầu tiên được xuất bản chuyên nghiệp của ông được đăng tải trên tờ Weird Tales vào năm 1923; và cũng chính qua tờ tạp chí
này, ông bắt đầu trao đổi thư từ với nhà văn kinh dị Robert E. Howard.
Lovecraft gặp người vợ tương lai của mình – Sonia Greene, tại một hội nghị nhà báo nghiệp dư ở Boston. Mẹ ông đã qua đời chỉ vài tuần trước đấy, khi bị biến chứng do phẫu thuật túi mật trong cùng bệnh viện mà cha của Lovecraft qua đời vì suy nhược thần kinh hai năm trước. Sau khi kết hôn vào năm 1924, Lovecraft cùng người vợ mới chuyển đến Brooklyn, thành phố New York, nhưng do thiếu việc và tình hình kinh tế khó khăn, hai vợ chồng phải sống xa nhau để cố gắng tìm việc làm. Vài năm sau, khi vẫn đang sống riêng, hai vợ chồng họ cùng đồng ý li hôn – mặc dù vụ li hôn ấy chẳng bao giờ được hoàn tất. Trong thập kỉ cuối đời mình, Lovecraft quay trở lại Providence, và chính trong giai đoạn này, ông đã viết phần lớn những câu chuyện nổi tiếng nhất của mình. Ông qua đời vào ngày 15 tháng Ba năm 1937 vì bệnh ung thư đường ruột và suy dinh dưỡng, chưa đầy một năm sau khi người bạn Robert E. Howard của ông tự sát.
Lúc sinh thời, H. P. Lovecraft không bao giờ có thể kiếm được tiền để nuôi thân từ nghiệp viết văn. Các tác phẩm của ông thường sử dụng những chủ đề như tri thức cấm đoán, ảnh hưởng của những thực thể phi nhân đối với loài người và sự bất biến của định mệnh. H. P. Lovecraft hầu như không được biết đến trong suốt cuộc đời của mình, nhưng giờ đây lại được coi là một trong những tác giả quan trọng nhất của thế kỉ 20 về thể loại truyện giả tưởng kinh dị siêu nhiên. Vô số sản phẩm chuyển thể, lấy cảm hứng, hoặc chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm của Lovecraft với đa dạng loại hình khác nhau (phim, kịch, tiểu thuyết, trò chơi điện tử, âm nhạc...) thường xuyên xuất hiện. Các tác phẩm của H. P. Lovecraft đã truyền cảm hứng và ảnh hưởng tới rất nhiều nhà văn và nhà sáng tạo đương đại nổi tiếng như Stephen King, Neil Gaiman, Guillermo del Toro, Alan Moore, Junji Ito, Gou Tanabe...
≿————- ❈ ————-≾
DAGON
TÔI VIẾT LẠI CÂU CHUYỆN NÀY TRONG TÌNH TRẠNG hết sức căng thẳng, bởi vì đến tối nay, tôi sẽ không còn trên cõi đời này nữa. Không một xu dính túi, và đến khi đã dùng hết sạch chỗ thuốc của mình – thứ duy nhất giúp cho cuộc đời này còn đáng sống, tôi sẽ không có khả năng chịu đựng nổi sự tra tấn nữa; và tôi sẽ gieo mình từ trên cái cửa sổ gác này xuống con đường dơ bẩn bên dưới. Xin đừng nghĩ rằng tôi là một kẻ yếu đuối hay suy đồi chỉ vì tôi là nô lệ của morphine. Một khi đã đọc xong những trang chữ ngoáy viết vội này, bạn sẽ có thể phỏng đoán được nguyên nhân tôi chỉ còn nước quên lãng hoặc chết đi, dẫu cho bạn sẽ không bao giờ hiểu được đầy đủ sự tình.
Tại một trong những vùng trống trải và ít người lai vãng nhất trên Thái Bình Dương bao la, con tàu chở thư nơi tôi nắm giữ cương vị quản lí hàng trở thành nạn nhân của đám cướp biển Đức. Thế Chiến khi đó chỉ vừa mới vào giai đoạn bắt đầu, và các lực lượng trên biển của người Hung vẫn còn chưa suy đồi hẳn như sau này. Thế nên tàu của chúng tôi trở thành phần thưởng hợp pháp(1), trong khi thuỷ thủ đoàn chúng tôi được đối đãi một cách công bằng và tôn trọng, theo đúng những gì mà tù nhân hàng hải đáng được hưởng. Những kẻ bắt giữ chúng tôi thả lỏng khuôn phép kỉ luật đến mức năm ngày sau khi bị bắt, tôi đã một mình trốn thoát được trong một chiếc thuyền nhỏ với đủ nước và nhu yếu phẩm để dùng trong một thời gian dài.
(1) Theo luật hàng hải xưa, khi xảy ra xung đột vũ trang, các thiết bị, phương tiện, tàu thuyền, và hàng hoá của phe đối nghịch bắt được có thể trao lại cho chính quyền sở tại để đổi lấy phần thưởng một cách hợp pháp.
Khi cuối cùng cũng có thể tự do trôi dạt, tôi chẳng áng định được mấy về khu vực xung quanh mình. Vì vốn chưa bao giờ là một hoa tiêu giỏi, tôi chỉ có thể căn cứ vào mặt trời và các ngôi sao để áng chừng mình bấy giờ đang ở đâu đó phía Nam xích đạo. Tôi không
biết là kinh độ nào cả, và không có hòn đảo hay đường bờ biển nào trong tầm mắt hết. Thời tiết tiếp tục tốt lành, và suốt bao ngày, tôi
trôi dạt vô định dưới ánh mặt trời thiêu đốt; chờ đợi một con tàu nào đó đi ngang qua, hoặc cập được vào bờ một mảnh đất có thể ở. Nhưng cả tàu lẫn đất đều không xuất hiện, và trong tình cảnh cô độc trên miền nước xanh dương mênh mông, dập dềnh, liền mạch của mình, tôi bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng.
Sự thay đổi xảy ra trong khi tôi ngủ. Tôi sẽ không bao giờ biết được cụ thể nó xảy ra thế nào; vì mặc dù giấc ngủ của tôi trằn trọc và đầy mộng mị, nó vẫn diễn ra liền một mạch. Khi cuối cùng cũng thức dậy, tôi phát hiện ra bản thân gần như đã bị hút vào trong một bãi bùn đen thẫm nhầy nhụa, ghê tởm, trải dài ngút tầm mắt khắp xung quanh mình theo những dải trập trùng đơn điệu, và con thuyền của tôi nằm mắc cạn cách đấy không xa.
Mặc dù hẳn ai cũng sẽ nghĩ rằng cảm giác đầu tiên của tôi là sửng sốt khi thấy cảnh vật biến đổi phi thường và bất ngờ đến nhường ấy, tôi thực chất thấy hãi hùng nhiều hơn là kinh ngạc. Bởi vì thấm đẫm trong bầu không khí cũng như lớp đất thối rữa là một nét nham hiểm làm tôi buốt lạnh đến tận cốt tuỷ.
Cả khu vực bị xác cá phân huỷ làm cho bốc mùi thối hoăng, chưa kể còn những thứ khác khó mô tả hơn mà tôi thấy nhô ra từ lớp bùn tởm lợm của cánh đồng bất tận. Có lẽ tôi nên từ bỏ hi vọng sẽ truyền tải được cái sự gớm guốc không bút nào tả xiết hiện đang ngự trị trong im lặng tuyệt đối trên vùng đất hoang bát ngát này bằng ngôn từ đơn thuần.
Không có âm thanh nào lọt vào tai, và chẳng có gì trong tầm mắt ngoại trừ một mảng chất nhờn đen bao la. Ấy nhưng chính sự tĩnh lặng và đồng nhất tột cùng của cảnh quan lại là thứ khiến tôi bị một nỗi khiếp đảm phát mửa nặng đè.
Mặt trời bấy giờ đang soi rọi xuống từ một bầu trời không mây tàn nhẫn, mà như tôi thấy thì gần như đen kịt; như thể phản chiếu cái đầm mực dưới chân tôi. Khi bò vào chiếc thuyền bị mắc cạn, tôi nhận ra rằng chỉ có một giả thuyết duy nhất đủ sức giải thích được cho vị trí của tôi. Thông qua một biến động núi lửa vô tiền khoáng hậu nào đấy, một phần đáy đại dương hẳn đã bị dâng lên bề mặt,
để lộ ra các vùng vốn được ẩn giấu dưới những tầng nước sâu khôn lường bao triệu năm qua. Vùng đất mới đã trồi lên bên dưới tôi rộng lớn đến nỗi tôi chẳng tài nào phát hiện ra nổi cả những âm thanh mờ nhạt nhất của đại dương gợn sóng, bất chấp đã căng hết tai lên. Cũng không có bất kì con chim biển nào ăn thịt những thứ đã chết.
Suốt mấy tiếng liền, tôi chỉ ngồi suy nghĩ hoặc ủ ê trên thuyền. Con thuyền hiện đang nằm nghiêng và cung cấp cho tôi chút bóng râm trong khi mặt trời di chuyển trên bầu trời. Khi ngày dần trôi qua, mặt đất bớt lớp nhớp phần nào, và xem chừng đủ khô để đi lại trong một thời gian ngắn. Đêm đó tôi chẳng ngủ nghê được mấy, và ngày hôm sau tôi tự chế một túi đựng thức ăn và nước uống, chuẩn bị cho hành trình trên đất liền nhằm tìm kiếm biển cả đã biến mất cùng với khả năng có người giải cứu nữa.
Vào buổi sáng hôm thứ ba, tôi thấy đất đủ khô để đi lại dễ dàng. Mùi cá chỉ khiến tôi muốn phát rồ; nhưng vì còn quá mải bận suy nghĩ về những điều nghiêm trọng nên tôi chẳng buồn để bụng một thứ tồi tệ vặt vãnh đến vậy, và chẳng buồn để bụng một thứ tồi tệ vặt vãnh đến vậy, và hùng dũng lên đường tiến về phía một đích đến không xác định.
Suốt cả ngày, tôi đều đặn đi về phía Tây, được dẫn lối bởi một cái gò ở xa, vươn cao hơn bất cứ nơi nào khác trên cái sa mạc trập trùng này. Đêm đó tôi dựng trại nghỉ, và ngày hôm sau vẫn tiếp tục đi về phía cái gò, mặc dù cái vật đó dường như chẳng gần hơn chút nào so với lần đầu tiên tôi trông thấy nó. Sang tối thứ tư, tôi đến được chân của gò đất, và hoá ra nó cao hơn nhiều so với lúc nhìn từ đằng xa, cảnh quan thung lũng làm nó trông nổi bật hẳn so với nền đất chung. Quá mệt mỏi để leo lên cao, tôi ngủ trong bóng của gò đất.
Tôi không biết tại sao giấc mơ của mình lại hoang dại đến như vậy vào đêm hôm đó. Nhưng trước khi vầng trăng khuyết tuyệt vời còn chưa kịp nhô cao trên vùng đồng bằng phía Đông, tôi thức dậy trong tình trạng ướt đẫm mồ hôi lạnh, và quyết định sẽ không ngủ nữa. Những hình ảnh tôi đã trải nghiệm vượt quá sức chịu đựng của bản thân.
Và trong ánh trăng, tôi nhận thấy mình đã thật thiếu khôn ngoan khi di chuyển vào ban ngày. Nếu không vướng phải ánh sáng chói chang của mặt trời, hành trình của tôi đáng lẽ đã tiêu tốn ít năng lượng hơn. Bây giờ tôi thực sự cảm thấy mình hoàn toàn có thể thực hiện chuyến leo từng khiến bản thân phải bỏ cuộc vào lúc hoàng hôn. Tôi xách túi lên, bắt đầu leo về phía đỉnh gò đất cao.
Tôi ban nãy có nói rằng cái sự đơn điệu miên man của vùng đồng bằng trập trùng này đã mang lại cho tôi một cảm giác hãi sợ mơ hồ. Nhưng tôi tin cảm giác khiếp hãi của mình đã tăng lên gấp bội khi leo đến đỉnh của gò đất và nhìn xuống phía bên kia, vào trong một cái hố hay khe núi sâu khôn cùng, với những hốc đen mà mặt trăng chưa lên đủ cao để soi tỏ.
Tôi cảm thấy mình như đang ở bên rìa thế giới; nhìn qua vành mép vào một miền hỗn loạn ngoài sức lãnh hội của màn đêm vĩnh cửu. Giữa lúc đang kinh hãi tột cùng, xuất hiện trong tâm trí tôi là những hồi tưởng kì lạ về cuốn Thiên đường đã mất(1), và hành trình leo qua các cõi tối tăm vô hình vô dạng đây gớm guốc của Satan.
(1) Paradise Lost: Thiên trường ca của thi sĩ người Anh thế kỉ 17 John Milton (1608-1674).
Khi mặt trăng nhô lên cao hơn trên bầu trời, tôi bắt đầu thấy rằng các sườn dốc của thung lũng không đến mức dựng thẳng đứng như mình lầm tưởng. Các gờ và mỏm đá cung cấp những mấu khá dễ đặt chân cho một hành trình leo xuống, và sau khi leo xuống vài chục mét, độ dốc trở nên rất thoải. Bị một thôi thúc không thể phân tích cụ thể tác động, tôi khó nhọc trèo xuống những tảng đá và đứng trên con dốc thoai thoải bên dưới, nhìn xuống vực sâu thê lương nơi chưa tia sáng nào xuyên qua được.
Ngay lập tức, sự chú ý của tôi bị thu hút bởi một vật thể to lớn và kì dị ở sườn dốc đối diện, vươn thẳng lên khoảng một trăm mét phía trước mặt tôi. Một vật thể lấp lánh trắng dưới những tia sáng do vầng trăng đang lên ban tặng. Tôi sớm tự trấn an bản thân rằng nó chỉ đơn thuần là một mảnh đá khổng lồ; nhưng tôi cảm thấy một ấn tượng rất rõ ràng rằng đường nét và vị trí của nó không hoàn toàn do Tự Nhiên tạo thành.
Sau khi xem xét kĩ lưỡng hơn, tôi bị những cảm giác vô phương diễn tả xâm chiếm. Bởi bất chấp kích thước khổng lồ của nó cũng như vị trí trong một vực thẳm – nơi đã nằm dưới đáy biển từ thuở thế giới hãy còn trong trứng nước, tôi tin chắc rằng cái vật thể kì lạ kia là một tạo tác bằng đá nguyên khối với dáng hình tử tế, và tấm thân đồ sộ của nó đã từng được những sinh vật sống và biết tư duy chạm khắc ra, đồng thời có thể còn được sùng bái nữa.
Choáng váng và sợ hãi, ấy nhưng pha trộn kèm cả sự phấn khích tương tự như niềm vui của dân làm khoa học hoặc khảo cổ, tôi xem xét kĩ lưỡng hơn cảnh vật xung quanh mình. Mặt trăng, hiện đang ở gần thiên đỉnh, chiếu rọi sáng trưng đến kì lạ bên trên những sườn dốc cao chót vót vây ép cái vực thẳm, để lộ ra một dòng nước lớn ở dưới đáy, uốn lượn chảy khuất tầm mắt về cả hai hướng, và gần như vỗ vào chân tôi trong lúc tôi đứng trên dốc.
Ở phía bên kia vực, những con sóng nhỏ vỗ lên chân khối đá nguyên khối. Bây giờ, trên bề mặt của nó, tôi có thể nhìn thấy cả các câu khắc lẫn những tạo tác điêu khắc thô. Các câu chữ được viết bằng một hệ thống chữ tượng hình mà tôi không biết đến, và không giống như bất cứ thứ gì tôi từng thấy trong sách vở; chủ yếu bao gồm các biểu tượng thuỷ sinh giản thể như cá, lươn, bạch tuộc, động vật giáp xác, động vật thân mềm, cá voi và những thứ tương tự. Vài kí tự trông rõ ràng là đại diện cho những tạo vật của đại dương chưa được thế giới hiện đại biết đến, nhưng tôi đã trông thấy mớ xác thối rữa của chúng trên khu đồng bằng trồi lên từ đại dương.
Tuy nhiên, bức tranh khắc mới là thứ hớp hồn tôi mạnh mẽ nhất. Nhờ kích thước khổng lồ, hiển hiện rõ ràng bên kia dòng nước ngăn cách là một loạt các bức phù điêu, khắc hoạ những đề tài đủ khiến cho Doré(1) phải ghen tị. Tôi nghĩ rằng chúng miêu tả con người – hoặc ít nhất là một kiểu người nào đấy; mặc dù các sinh vật ấy được khắc hoạ trong trạng thái nô giỡn hệt như cá sống dưới làn nước của một hang động biển nào đó, hay tỏ lòng tôn kính tại một ngôi đền nguyên khối xem chừng cũng nằm ngầm dưới làn sóng.
Tôi không dám tả chi tiết khuôn mặt và thân mình của chúng; bởi chỉ cần đơn thuần nhớ lại thôi cũng đủ để làm tôi xây xẩm mặt mày
rồi. Với sự dị hợm mà ngay cả Poe(2) hay Bulwer(3) cũng chẳng đời nào mường tượng ra nổi, chúng rõ ràng là con người về mặt ngoại hình, bất chấp cặp tay chân có màng, đôi môi rộng và mọng nhũn đến sững sờ, cặp mắt lồi, đờ đẫn, cùng với các đặc điểm khác đáng
khó chịu hơn khi nhớ lại.
(1) Gustave Doré (1832 - 1883): Hoạ sĩ, nhà điêu khắc người Pháp.
(2) Edgar Allan Poe (1809 - 1849): Nhà văn, biên tập viên, nhà phê bình văn học người Mỹ. (3) Edward Bulwer-Litton (1803-1873): Nhà văn, chính trị gia người Anh.
Lạ lùng thay, chúng xem chừng được khắc với tương quan tỉ lệ lệch lạc hẳn so với nền cảnh; bởi vì một trong những sinh vật ấy, kẻ được khắc hoạ là đang giết một con cá voi, lại hơi nhỉnh hơn con cá một chút. Như đã nói, tôi đã để ý đến sự gớm guốc cũng như kích thước kì lạ của chúng, nhưng chỉ trong tích tắc đã rút ra kết luận rằng chúng đơn thuần là những vị thần tưởng tượng của một bộ lạc đánh cá hoặc đi biển nguyên thuỷ nào đấy – một bộ lạc với những hậu duệ cuối cùng đã diệt vong trước khi tổ tiên đầu tiên của người Piltdown (1) hay Neanderthal ra đời hàng bao niên đại.
(1) Hoá thạch người Piltdown là những mảnh vỡ gồm các bộ phận của hộp sọ và xương hàm, được công bố là đã thu thập vào năm 1912 từ một mỏ sỏi ở Piltdown, Đông Sussex, Anh Quốc. Các mảnh xương này đã được trưng bày như là hoá thạch của một người tiền sử chưa từng được biết đến. Nhưng vào năm 1953, các nhà khoa học xác định mẫu vật này là giả tạo, chỉ bao gồm xương hàm dưới của đười ươi cố tình kết hợp với hộp sọ của con người hiện đại phát triển đầy đủ. Nhà văn H. P. Lovecraft viết truyện ngắn Dagon này vào năm 1917 – thời điểm màn lừa đảo “hoá thạch người Piltdown" chưa bị phát giác.
Sững sờ vì bất ngờ được quan sát một quá khứ vượt xa ý niệm của ngay cả những nhà nhân học táo bạo nhất, tôi đứng trầm ngâm trong khi mặt trăng hắt những hình phản chiếu kì quái xuống con kênh im lặng trước mặt mình.
Rồi đột nhiên tôi thấy nó. Với chỉ một chút khuấy động nước để đánh dấu sự nổi lên bề mặt của mình, cái thứ ấy dâng vào tâm mắt, bên trên làn nước tối. To lớn, chẳng khác nào vị thần khổng lồ một mắt, và đầy ghê tởm, nó phóng tới chỗ khối đá như một con quái vật khủng khiếp bước ra từ những cơn ác mộng, vung cánh tay có vảy khổng lồ quanh đấy, trong khi cúi cái đầu gớm guốc của mình và
phát ra một số âm thanh đầy tính toán. Lúc ấy tôi cứ ngỡ mình phát rồ mất rồi.
Tôi chẳng nhớ mấy về chuyến leo điên cuồng lên dốc và vách đá hay hành trình mê sảng trở lại con thuyền bị mắc cạn của mình. Tôi tin mình đã hát rất nhiều, và cười phá lên một cách quái đản khi không thể hát được nữa. Tôi có những hồi ức không rõ ràng về một cơn bão lớn, ập đến sau khi tôi về lại thuyền chưa được bao lâu. Dù gì thì gì, tôi cũng biết rằng mình đã nghe thấy tiếng sấm sét và các âm điệu khác mà Mẹ Thiên Nhiên chỉ phát ra trong những lúc đang mang tâm trạng cực kì hoang dại.
Khi bước ra khỏi miền bóng tối, tôi thấy mình đang ở trong một bệnh viện tại San Francisco; được đưa đến đấy bởi vị thuyền trưởng của con tàu Mỹ đã cứu vớt thuyền tôi giữa đại dương. Tôi đã tiết lộ nhiều điều trong cơn mê sảng, nhưng phát hiện ra rằng lời lẽ của mình gần như chẳng được ai quan tâm đến. Những ân nhân của tôi chẳng biết gì về bất cứ vụ biến động đất đai nào ở Thái Bình Dương; và tôi cũng thấy không cần thiết phải khăng khăng kể lại một chuyện mà tôi biết họ không thể tin được.
Đã có lần tôi tìm đến chỗ một nhà dân tộc học nổi tiếng, và đặt ra cho ông ta những câu hỏi kì dị liên quan đến truyền thuyết cổ đại của người Philistine (1) về Dagon – vị Thần Cá; nhưng sớm nhận ra rằng ông ta tầm thường đến vô vọng, tôi không hỏi han thêm gì nữa.
(1) Một dân tộc cổ đại sống tại bờ Nam của Canaan (ngày nay là Liban, Israel, Palestine, phần phía Tây Jordan và Tây Nam Syria) từ thế kỉ 12 TCN đến năm 604 TCN.
Vào ban đêm, đặc biệt là khi mặt trăng khuyết, tôi lại trông thấy nó. Tôi đã thử morphine; nhưng món thuốc chỉ mang lại những khoảng lặng thoáng qua, lôi tôi vào nanh vuốt, và biến tôi như thành một kẻ nô lệ vô vọng của nó.
Thế nên bây giờ tôi sẽ chấm hết tất cả, sau khi đã viết lại đầy đủ câu chuyện để những người đồng loại của mình có thêm thông tin, hoặc một trò tiêu khiển để họ khinh miệt thưởng thức. Tôi thường xuyên tự hỏi có khi nào tất cả mọi thứ chỉ là một ảo mộng thuần tuý
hay không – một cơn sốt khi tôi nằm say nắng và mê sảng lảm nhảm trên chiếc thuyền sau khi thoát khỏi con tàu chiến của Đức.
Tôi tự hỏi mình điều này, nhưng bao giờ cũng vậy, một hình ảnh cực kì sống động luôn xuất hiện trước mắt tôi thay cho lời đáp. Tôi không thể nghĩ về biển sâu mà không rùng mình trước những thứ vô danh có thể ngay lúc này đây đang trườn bò và lượn lờ dưới cái đáy nhầy nhụa của nó, tôn thờ những pho tượng thần cổ của mình và khắc diện mạo đáng ghê tởm của bản thân lên những toà tháp đá hoa cương sũng nước ngầm dưới đại dương. Tôi mơ về cái ngày chúng có thể trồi lên trên những con sóng để kéo tuột các tàn dư hèn mọn, kiệt sức vì chiến tranh của nhân loại xuống trong bộ vuốt hôi thối của mình – về cái ngày khi mặt đất chìm xuống, và đáy đại dương tối tăm sẽ trỗi dậy giữa thời loạn lạc bao trùm khắp mọi nơi.
Hồi kết đã gần kề. Tôi nghe thấy tiếng động ở cửa, như thể một tấm thân trơn trượt khổng lồ đang lầm lũi đè vào. Nó sẽ không thể tìm được tôi đâu. Chúa ơi, cái bàn tay đó! Cửa sổ! Cửa sổ!
≿————- ❈ ————-≾
(Tìm thấy trong các giấy tờ của Francis Wayland Thurston quá cố, tại Boston.)
"Trong số những thế lực hay thực thể hùng mạnh trên đời, không loại trừ khả năng vẫn còn tồn tại... một thời đại cực kì cổ xưa. Trong thời đại ấy... có thể tâm trí từng khoác trên mình những dáng hình và dạng thức đã biến mất từ rất lâu, nhường chỗ cho sự trỗi dậy của con người... những dáng hình mà chỉ còn thơ ca và truyền thuyết là còn loáng thoáng nhớ, và đã gọi chúng là các vị thần, những con quái vật, sinh vật kì bí thuộc đủ thể loại..."
- Algernon Blackwood.
- I -
KHỐI ĐẤT SÉT KINH HOÀNG
TÔI TIN ĐIỀU NHÂN TỪ NHẤT TRẦN ĐỜI LÀ VIỆC TÂM trí con người vô phương xâu chuỗi nổi tất cả những gì thế giới chứa đựng lại với nhau. Chúng ta sống trên một hòn đảo vô minh đầy tĩnh lặng giữa những đại dương vô tận đen ngòm, và dong buồm ra ngoài khơi xa không phải là định mệnh của ta. Khoa học cho đến nay chưa gây tổn hại gì mấy cho ta, vì mỗi ngành đều gồng mình phát triển theo hướng riêng rẽ. Nhưng một ngày nào đó, khi các tri thức rời rạc được tích hợp lại với nhau, những khung cảnh đẩy hãi hùng của thực tại cũng như vị thế sởn gai ốc của chúng ta trong thực tại ấy sẽ được hé lộ, và ta hoặc sẽ hoá điên trước phát hiện của mình, hoặc là chạy trốn khỏi cái quầng sáng chết chóc kia để chui tọt vào trong cái miền thanh bình và an toàn của một thời kì đen tối mới.
Giới thần trí học đã đưa ra các phỏng đoán về sự kì vĩ phi thường của vòng chu kì vũ trụ, và trong đó thì thể giới của chúng ta cũng như loài người chỉ là những đốm phù du. Họ ám chỉ đến những tồn tại dị thường đến độ cần phải đắp thêm cho nó một lớp mã lạc quan đầy tính xoa dịu thì máu con người ta mới không trở nên buốt lạnh.
Nhưng họ không phải là người đã giúp tôi mơ hồ ý thức được về những niên kỉ cấm đoán ấy, một ý niệm mà chỉ nghĩ về nó thôi đã làm tôi thấy ớn lạnh, và nếu lỡ mơ đến nó thì tôi sẽ phát cuồng lên mất. Giống như mọi ý niệm đáng sợ khác về sự thật, ý niệm kia vụt xuất hiện sau khi tôi tình cờ chắp nối được một số dữ kiện tách biệt với nhau – trong trường hợp này là một bài báo cũ và các ghi chép của một ông giáo sư quá cố.
Tôi hi vọng rằng sẽ không ai khác chắp nối được như tôi; chắc chắn một điều là chừng nào còn sống trên đời, tôi sẽ không bao giờ tiết lộ ra mắt xích nào trong chuỗi liên kết gớm guốc nhường ấy một cách có chủ đích cả. Tôi nghĩ rằng vị giáo sư cũng có ý định giữ im lặng về những gì mình biết, và ông đáng lẽ đã tiêu huỷ những ghi chú của mình nếu như không đột ngột qua đời.
Tôi bắt đầu biết về chuyện ấy vào mùa đông cuối năm 1926 đầu năm 1927, với cái chết của ông chú tôi – George Gammell Angell, Giáo sư danh dự về ngôn ngữ Semit tại Đại học Brown (Providence, Rhode Island). Giáo sư Angell trứ danh là một chuyên gia trong lĩnh vực văn khắc cổ, và thường xuyên được giám đốc các bảo tàng nổi tiếng tham vấn. Chính thế nên nhiều người vẫn nhớ sự kiện ông qua đời ở tuổi chín mươi hai.
Dân tình địa phương thậm chí còn quan tâm hơn đến vụ việc bởi nguyên nhân tử vong đầy bí hiểm của ông. Giáo sư quỵ xuống trong khi đang trở về từ thuyền Newport. Các nhân chứng cho biết ông đột nhiên ngã lăn ra sau khi bị thúc trúng. Người thúc là một gã da đen, trông có vẻ giống dân thuỷ thủ, bước ra từ một trong những con hẻm tối tăm kì dị trên khu sườn đồi dốc, lối tắt dẫn từ cửa biển đến nhà của người quá cố tại phố Williams.
Các bác sĩ không thể phát hiện ra bất cứ chứng bệnh cụ thể nào, và sau một hồi ngẩn ngơ tranh luận, họ kết luận rằng nguyên nhân cái chết là một thương tật hiếm gặp nào đó về tim mạch, phát tác bởi ông cụ đã có tuổi mà lại leo đồi dốc quá nhanh. Lúc bấy giờ, tôi chẳng thấy có lí do gì để bất đồng với kết luận này, nhưng dạo gần đây tôi lại hay hồ nghi – và còn hơn cả hồ nghi nữa.
Bởi lẽ ông chú tôi goá vợ và không có con cái, nên tôi trở thành người thừa kế kiêm người thi hành di chúc của ông ấy. Tôi có nghĩa vụ xem xét kĩ các giấy tờ của ông; và để phục vụ mục đích ấy, tôi đã chuyển toàn bộ giấy tờ và thùng hộp của ông đến nhà riêng của mình ở Boston.
Phần lớn chỗ tài liệu mà tôi nhắc đến sau này sẽ được Hiệp hội Khảo cổ Hoa Kỳ (A. A. S.) xuất bản, nhưng có một cái hộp mà tôi thấy khó hiểu vô cùng, và tôi cảm thấy rất không muốn trưng ra cho người khác xem. Cái hộp ấy bị khoá, và tôi chẳng mò thấy chìa khoá đâu cho đến khi nảy ra ý tưởng kiểm tra chiếc nhẫn mà giáo sư luôn mang theo trong túi.
Sau đó thì đúng là tôi đã mở được cái hộp, nhưng xem chừng lúc làm được vậy, tôi lại phải đối mặt với một rào cản thậm chí còn lớn
hơn và bị khoá kĩ càng hơn. Ý nghĩa của bức phù điêu đất sét quái đản và những mẫu ghi chú, các đoạn lảm nhảm dông dài, cùng mấy bài báo rời rạc được cắt ra mà tôi tìm thấy này đây có thể là gì được cơ chứ?
Phải chăng trong những năm cuối đời, ông chú tôi đã cả tin tới mức bị cho vào tròng với ngay cả những trò lừa gạt giản đơn nhất? Tôi quyết tâm tìm bằng ra nhà điêu khắc lập dị xem chừng đã khiến một ông già không còn thanh thản được nữa.
Bức phù điêu là một hình chữ nhật thô, dày chưa đến ba phân và diện tích khoảng mười hai nhân mười lăm phân; rõ ràng có nguồn gốc hiện đại. Tuy nhiên, nếu xét về mặt ấn tượng mang lại cũng như những gì bức phù điêu khơi gợi lên, thiết kế của nó không hề hiện đại chút nào.
Vì mặc dù trường phái lập thể và vị lai không thiếu gì những ý tưởng quái chiêu, chúng chẳng mấy khi tạo ra được cái nét quy củ đầy bí hiểm vốn hay lẩn khuất trong các văn kiện tiền sử. Và chắc chắn một điều là thiết kế của bức phù điêu xem chừng cấu thành chủ yếu từ một loại chữ viết nào đấy; dẫu tôi không tài nào nhận diện nổi kiểu chữ này, hay thậm chí là nhớ được láng máng nó liên quan đến hệ chữ nào, bất chấp việc tôi biết rất rõ các tư liệu cũng như bộ sưu tập của ông chú mình.
Trên những kí tự hiển nhiên là chữ tượng hình này có một hình hài gì đấy, trông rõ ràng là tranh miêu tả, chỉ có điều lại bị khắc theo trường phái ấn tượng, khiến ta khó lòng xác định được rõ bản chất của nó. Đây dường như là một thứ quái vật, hoặc biểu tượng đại diện cho một con quái vật, với hình dạng mà chỉ một khối óc bệnh hoạn mới có thể hình dung ra nổi.
Kể cả nếu nói rằng trí tưởng tượng phần nào phong phú của tôi đã đồng thời khơi lên hình ảnh về một con bạch tuộc, một con rồng, và một phiên bản biếm hoạ của con người, tôi cũng sẽ vẫn mô tả khá chuẩn bản chất của cái hình hài kia. Đặt trên tấm thân dị hợm, phủ đầy vảy với cặp cánh giản đơn là một cái đầu đầy thịt mềm, thòi lòi xúc tu; nhưng chính cái nét diện mạo chung của cả khối tổng thể
mới là thứ khiến cho nó trở nên đáng sợ đến sững sờ. Đằng sau cái hình hài ấy là một phông nền hơi mang phong cách kiến trúc đá hộc.
Ngoài một chồng các bài báo được cắt ra, đi kèm với cái vật kì quặc này còn là những văn bản được viết bằng nét chữ gần đây nhất của Giáo sư Angell; và không lấy làm văn vẻ cho lắm. Thứ xem chừng là tài liệu chính có nhan đề “GIÁO PHÁI CTHULHU”, được tỉ mỉ ghi
bằng chữ in hoa để khỏi đọc sai một từ lạ lẫm đến như vậy. Bản thảo này được chia thành hai phần, phần đầu tiên có nhan đề “1925 – Mơ và các tạo tác trong mơ của H. A. Wilcox, số 7 phố Thomas, Providence, R.I.”, phần thứ hai là “Câu chuyện của Thanh tra John R. Legrasse, số 121 phố Bienville, New Orleans, La. (1), tại buổi họp mặt A. A. S. năm 1908 – Ghi chú về cùng đề tài ấy, & câu chuyện của GS Webb”.
Các tài liệu, bản thảo khác đều là những ghi chú ngắn, một số thuật lại các giấc mơ kì quặc của những người khác nhau, một số trích dẫn từ các sách và tạp chí thần học (trong đấy đáng chú ý nhất là cuốn Atlantis và lục địa Lemuria thất lạc của W. Scott-Elliot), và còn lại là bình luận về những hiệp hội bí mật cùng giáo phái ngầm đã tồn tại lâu đời, đồng thời nhắc đến các đoạn trích trong những cuốn sách căn bản về thần thoại và nhân học như Cành vàng của Frazer (2) và Phù thuỷ giáo ở Tây Âu của cô Murray (3). Những bài báo được cắt ra chủ yếu nhắc đến các ca bệnh tâm thần bất thường và những vụ bùng phát cơn điên hoặc cuồng loạn tập thể vào mùa xuân năm 1925.
(1) Tên viết tắt của bang Louisiana thuộc Mỹ.
(2) James George Frazer (1854 - 1941): Nhà nhân học xã hội và nghiên cứu dân gian người Scotland. Ông có ảnh hưởng lớn trong giai đoạn đầu của các nghiên cứu hiện đại về thần thoại và tôn giáo so sánh. Tác phẩm của ông được nhắc đến trong truyện có tên gốc là The Golden Bough.
(3) Margaret Murray (1863-1963): Nhà nhân chủng học, sử học và văn học dân gian người Anh-Ấn. Bà là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm giảng viên khảo cổ học tại Vương quốc Anh. Tác phẩm của bà được nhắc đến trong truyện có tên gốc là The Witch-Cult in Western Europe.
Nửa đầu của bản thảo chính thuật lại một câu chuyện rất kì dị. Vào hôm mùng 1 tháng Ba, 1925, một thanh niên gầy gò, da ngăm, trong tâm trạng loạn thần và kích động đã ghé thăm Giáo sư Angell, mang theo bức phù điêu bằng đất sét lạ thường kia, lúc bấy giờ hãy còn rất ẩm và mới. Danh thiếp của anh ta đề tên Henry Anthony Wilcox, và ông chú tôi đã nhận ra anh ta là con trai út của một gia đình danh giá mà mình từng nghe qua, dạo gần đây anh ta theo học điêu khắc tại Trường Thiết kế Rhode Island và sống một mình tại toà nhà Fleur-de-Lys gần trường.
Wilcox từ sớm đã trứ danh là một thanh niên thiên tài nhưng hết sức lập dị, và ngay khi còn nhỏ đã thu hút sự chú ý của dư luận với những câu chuyện kì lạ và các giấc mơ khác thường mà anh ta hay kể lại. Wilcox tự xưng là “nhạy về tâm linh”, nhưng những cư dân tỉnh táo của thành phố buôn bán sầm uất cổ kính ấy chỉ đơn thuần coi anh ta là người “kì dị”.
Vì anh ta gần như chẳng bao giờ giao du với người khác, công chúng đã dần lãng quên nhân vật ấy, và giờ thì chỉ còn một nhóm nhỏ dân nghệ sĩ từ các thành phố khác biết đến anh ta. Ngay cả Câu lạc bộ Nghệ thuật Providence cũng thấy Wilcox là một trường hợp vô vọng, mặc dù bản thân câu lạc bộ cũng rất kín tiếng.
Bản thảo của giáo sư ghi rằng trong lần ghé thăm ấy, nhà điêu khắc đã đột ngột muốn cậy nhờ vào kiến thức khảo cổ của vị gia chủ để xác định danh tính những chữ tượng hình trên bức phù điêu. Wilcox nói với một phong thái mơ màng, khoa trương, gây cảm giác con người này đang làm điệu làm bộ đây màu mè, khó có cảm tình nổi.
Và ông chú tôi trả lời với giọng điệu có phần gay gắt, vì trông bức phù điêu rõ ràng còn mới như thế thì chắc chắn nó hoàn toàn chẳng liên quan gì đến khảo cổ học hết. Anh chàng Wilcox trẻ tuổi đưa ra lời đáp khiến cho ông chú tôi ấn tượng đến mức ông đã hồi tưởng và chép lại nguyên văn câu ấy. Nó vô cùng văn vẻ, và hẳn là toàn bộ cuộc trò chuyện của anh ta đều mang phong thái như vậy, về sau tôi thấy đây là một nét rất đặc trưng của anh ta.
Wilcox nói: “Cái này đúng là mới thật, vì tôi vừa chế ra nó đêm qua sau khi mơ về những thành phố xa lạ. Và các giấc mơ thì vốn dĩ còn cổ xưa hơn cả thành phố Týros (1) trầm tư mặc tưởng, pho tượng Nhân Sư chìm trong suy ngẫm, hay Babylon với vườn tược bao quanh.”
(1) Một trong những đô thị tồn tại sớm nhất của người Phoenicia, từ khoảng 2000 năm TCN.
Sau đó, anh ta bắt đầu kể lại câu chuyện lảm nhảm từng bất chợt nảy sinh từ một kí ức mơ màng và đã hớp hồn ông chú của tôi. Có một trận động đất nhẹ vào đêm hôm trước, vụ lớn nhất người dân New England từng trải nghiệm trong vòng mấy năm qua; và nó đã
tác động mạnh đến đầu óc Wilcox. Sau khi đi ngủ, anh ta đã có một giấc mơ vô tiền khoáng hậu.
Anh ta mơ thấy các thành phố xây từ đá hộc khổng lồ và các công trình đá nguyên khối cao chọc trời, tất cả đều nhỏ tong tỏng thứ dịch màu xanh lục và tiềm ẩn một nỗi kinh hoàng đằng đằng sát khí. Chữ tượng hình phủ kín trên các bức tường và cột trụ, vọng lên từ một điểm bất định nào đó bên dưới là một cái giọng nhưng đồng thời cũng không phải là giọng nói. Nó là một cảm giác rất hỗn loạn mà chỉ có óc tưởng tượng mới phiên dịch nổi thành âm thanh, nhưng vẫn được Wilcox cố gắng diễn tả lại bằng một mở từ bòng bong, gần như vô phương phát âm: Cthulhu fhtagn.
Chỗ lời rối rắm này chính là yếu tố then chốt đã khiến Giáo sư Angell trở nên đầy phấn khích và lo lắng trong bản hồi ức này. Ông hỏi han nhà điêu khắc kia hết sức tỉ mẩn, hệt như đang thực hiện một nghiên cứu khoa học. Ông cũng săm soi như phát cuồng bức phù điêu, thứ đã được chàng thanh niên kia hì hục khắc trong tình trạng toàn thân buốt lạnh và chỉ mặc độc bộ quần áo ngủ trên người, sau khi đã hoang mang bừng tỉnh.
Theo lời Wilcox sau này thuật lại, ông chú tôi nói tuổi tác đã khiến cho ông mãi mới nhận ra được cả những chữ tượng hình lẫn dạng hình kia. Ông đưa ra nhiều câu hỏi mà như người khách kia thấy thì hết sức lạc đề, đặc biệt là những câu mang hàm ý muốn nói anh ta có dây mơ rễ với các giáo phái hay tổ chức kì lạ.
Wilcox không tài nào hiểu nổi việc ông cứ hứa lên hứa xuống với anh ta là mình sẽ giữ im lặng, đổi lại là xin anh ta hãy cho mình được trở thành thành viên của một tổ chức tôn giáo thần bí hay tà đạo lớn mạnh nào đó. Khi Giáo sư Angell tin rằng anh chàng nghệ sĩ điêu khắc quả thực chẳng hay biết gì về bất kì giáo phái hay bộ truyền thuyết bí hiểm nào, ông nằng nặc yêu cầu vị khách của mình nếu trong tương lai mà có mơ thấy gì thì hãy báo hết lại.
Yêu cầu này thường xuyên cho ra kết quả, vì sau cuộc trò chuyện đầu tiên kia, chàng trai trẻ ghé nhà ông hằng ngày, và bản thảo có ghi lại hết. Mỗi lần đến, anh ta đều thuật lại những hình ảnh vụn vỡ đáng giật mình từng xuất hiện giữa lúc đêm hôm, và nội dung của chúng luôn là một khung cảnh khủng khiếp, cấu thành từ đá hộc khổng lồ, với các tảng đá đen nhỏ dịch tong tỏng, một cái giọng hay thực thể có tri giác nào đó ngầm dưới lòng đất cứ đều đều hô vang những lời lẽ nện thẳng vào ý thức đầy bí hiểm, chỉ có thể được diễn tả lại bằng các câu chữ vô nghĩa. Hai âm thanh thường xuyên lặp lại nhất được thể hiện bằng mớ chữ Cthulhu và R'lyeh.
Bản thảo kể tiếp rằng vào ngày 23 tháng Ba, Wilcox không xuất hiện. Sau khi ông chú tôi dò hỏi tại nơi ở của anh ta thì hoá ra chàng trai ấy đã mắc phải một chứng sốt khó hiểu, và được đưa về nhà của gia đình mình ở phố Waterman. Anh ta gào lên giữa đêm, dựng dậy mấy nghệ sĩ khác trong toà nhà, và kể từ đó đến nay thì cứ hết bất tỉnh rồi lại lên cơn mê sảng.
Ông chú tôi ngay lập tức gọi điện cho gia đình anh ta, và từ đó trở đi theo dõi tình hình vụ việc rất sát sao; thường xuyên ghé qua văn phòng trên phố Thayer của bác sĩ Tobey, người chịu trách nhiệm chạy chữa cho Wilcox. Khối óc sốt hừng hực của chàng trai kia xem chừng cứ toàn nghĩ về những điều kì lạ; và cứ thỉnh thoảng thì bác sĩ lại bị một phen rùng mình khi anh ta nhắc đến chúng.
Wilcox không chỉ lặp lại những gì hồi trước mình từng mơ thấy, mà còn cuồng loạn nhắc đến một thứ không lồ “cao hàng mét”, đi lại hay lầm lũi lê chân khắp nơi. Anh ta không lần nào mô tả đầy đủ về vật này, nhưng căn cứ vào những lời lẽ hoảng loạn anh ta thốt ra mà bác sĩ Tobey đã lặp lại, giáo sư tin chắc nó chính là cái thứ quái
thai vô danh mà anh ta đã cố gắng khắc hoạ thông qua bức phù điêu tả cảnh mơ của mình.
Bác sĩ nói thêm rằng bao giờ cũng vậy, sau khi nhắc đến vật kia xong là chàng thanh niên lại chìm vào hôn mê. Lạ lùng thay, nhiệt độ của anh ta không cao hơn mức bình thường là bao; nhưng xét trên mọi phương diện khác, chứng bệnh của anh ta nhìn chung giống với sốt thực sự hơn là rối loạn tâm thần.
Vào ngày mùng 2 tháng Tư, khoảng ba giờ chiều, mọi vết tích của căn bệnh Wilcox nhiễm phải đột nhiên biến mất. Anh ta ngồi thẳng trên giường, ngạc nhiên khi thấy mình đang ở nhà và hoàn toàn không hay biết gì về những chuyện đã xảy ra kể từ đêm ngày 22 tháng Ba, dù là trong mơ hay ngoài thực tại. Được bác sĩ chẩn đoán là đã khoẻ mạnh, ba ngày sau Wilcox trở lại căn hộ của mình; nhưng anh ta không còn giúp đỡ được thêm gì cho Giáo sư Angell nữa.
Mọi dấu vết của giấc mơ kì lạ đều đã biến mất cùng với sự hồi phục của Wilcox, và ông chú tôi không còn ghi chép những suy nghĩ lúc đêm hôm của anh ta sau một tuần nhận được toàn những câu chuyện vô nghĩa và không liên quan, xoay quanh những giấc mơ hoàn toàn bình thường.
Phần đầu của bản thảo kết thúc ở đây, nhưng một số các ghi chép tản mát khác được nhắc đến làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều – nhiều đến nỗi thứ duy nhất còn khiến cho tôi tiếp tục nghi ngờ anh chàng nghệ sĩ kia chỉ là bản tính hoài nghi thâm căn cố đế, vốn cấu thành triết lí sống của tôi lúc bấy giờ.
Các bản ghi chép ấy mô tả lại giấc mơ của nhiều người khác nhau trong cùng giai đoạn anh chàng Wilcox trẻ tuổi thực hiện những chuyến ghé thăm kì lạ của mình. Có vẻ là ông chú tôi đã nhanh chóng triển khai hàng loạt cuộc điều tra với quy mô rất rộng, liên hệ với gần như tất cả những người bạn ông có thể hỏi han mà không sợ là mình bất lịch sự, nhờ họ thuật lại những giấc mơ của bản thân cùng ngày tháng của bất kì hình ảnh chiêm bao đáng chú ý nào mình từng thấy.
Xem chừng không phải ai cũng sẵn sàng tiếp nhận lời thỉnh cầu của ông; nhưng ít nhất thì ông hẳn cũng đã nhận được nhiều phản hồi đến mức không có thư kí thì không kham nổi. Thư từ gốc không được lưu, nhưng ông đã để lại một bản tóm tắt kĩ lưỡng và thực sự đáng chú ý thông qua các ghi chép của mình.
Những con người bình thường cả trên bình diện địa vị xã hội lẫn công ăn việc làm – các “công dân ưu tú” truyền thống của New England – gần như hoàn toàn không thấy gì hết, mặc dù vẫn có đôi ba trường hợp cảm thấy bất an trong đêm nhưng không có gì cụ thể xuất hiện rải rác, luôn trong khoảng giữa ngày 23 tháng Ba và mùng 2 tháng Tư – giai đoạn anh chàng Wilcox lên cơn mê sảng.
Các nhà khoa học chỉ bị tác động hơn một chút, mặc dù vẫn có bốn trường hợp mô tả lại rất mơ hồ những cảnh quan kì lạ mình láng máng trông thấy, và có một trường hợp còn đề cập đến cảm giác hãi sợ một thứ bất thường nào đó.
Câu trả lời đúng chuẩn nhất đến từ các nghệ sĩ với nhà thơ, và tôi biết rằng kiểu gì hoảng loạn cũng sẽ bùng nổ nếu họ có thể trao đổi đối chiếu thông tin với nhau. Vì không nắm giữ các bức thư gốc của họ, tôi phần nào nghi ngờ người biên soạn đã đưa ra những câu hỏi hòng mang tính dẫn dắt, hoặc chỉnh sửa thư từ sao cho chúng giúp chứng thực điều ông ngầm muốn thấy.
Đó là lí do tôi tiếp tục cảm thấy rằng Wilcox đã bằng cách nào đó biết được về chỗ dữ liệu cũ mà ông chú tôi sở hữu, và đánh lừa nhà khoa học già. Những lời phúc đáp từ giới nghệ sĩ này thuật lại một câu chuyện rất đáng quan ngại. Từ ngày 28 tháng Hai đến mùng 2 tháng Tư, phần đông bọn họ đã mơ thấy những điều rất kì quái, với độ mãnh liệt của những giấc mơ bị nhân lên gấp bội trong giai đoạn nhà điêu khắc trẻ lên cơn mê sảng.
Trong số những người báo lại rằng mình từng mơ thấy gì đó, hơn một phần tư đề cập đến các khung cảnh và những thứ na ná âm thanh tương tự những gì Wilcox từng miêu tả. Và một phần trong số những người mơ thấy thú rằng mình đã kinh qua một nỗi sợ hãi tột cùng trước một tạo vật vô danh khổng lồ, xuất hiện ở cuối giấc mơ.
Có một trường hợp rất đáng buồn đã được bản ghi chú mô tả đặc biệt kĩ lưỡng. Đối tượng của vụ việc, một kiến trúc sư hay tin vào thần học và huyền học nổi tiếng, đã loạn trí điên cuồng vào ngày anh chàng Wilcox trẻ tuổi đổ bệnh, và mấy tháng sau thì qua đời, sau khi không ngừng gào thét cầu xin được cứu rỗi khỏi một sinh vật đã đào thoát khỏi địa ngục nào đó.
Nếu ông chú tôi mà chỉ đích danh các vụ việc ấy ra thay vì chỉ sử dụng số hiệu, tôi đáng lẽ đã thử kiểm định lại và tự mình tiến hành điều tra; nhưng vì sự tình là như vậy, tôi chỉ truy ra được một vài vụ. Tuy nhiên, tất cả những vụ ấy đều góp phần chứng thực cho các ghi chú. Tôi vẫn thường băn khoăn liệu tất cả những người từng được giáo sư hỏi han có đều cảm thấy bối rối như nhóm này hay không. Cũng may là họ sẽ không nhận được lời giải thích nào.
Như tôi đã nói, các bài báo được cắt ra đề cập đến những vụ hoảng loạn, phát cuồng, và kì dị trong giai đoạn ấy. Giáo sư Angell hẳn đã thuê nguyên một đội điểm tin cắt báo, bởi lẽ số lượng tin bài được cắt ra nhiều vô kể và nguồn báo dàn trải khắp toàn cầu. Chẳng hạn có vụ tự tử trong đêm tại London, một người đang ngủ đã nhảy xuống khỏi cửa sổ sau khi rú lên một tiếng đầy sững sờ.
Tương tự là một bức thư lảm nhảm được gửi cho biên tập viên của một tờ báo tại Nam Mỹ, trong đó một gã cuồng tín đã dựa trên những ảo mộng mình trông thấy mà tiên đoán về một tương lai tàn khốc. Một công văn từ California miêu tả một cộng đồng thần học đồng loạt mặc áo choàng trắng để chuẩn bị đón “sự ứng nghiệm vẻ vang” mãi chẳng đến, trong khi các bài báo từ Ấn Độ thận trọng nhắc đến việc dân bản địa có động thái bất ổn nghiêm trọng trong giai đoạn cuối tháng Ba.
Số lượng các cuộc truy hoan tà thuật gia tăng ở Haiti, và các tiền đồn tại châu Phi báo rằng đang xuất hiện những lời rì rầm đáng ngại. Các sĩ quan Mỹ ở Philippines bị một số bộ lạc gây phiền phức trong khoảng giai đoạn này, và cảnh sát New York bị dân cận Đông quá khích vây đánh vào đêm ngày 22 – rạng sáng ngày 23 tháng Ba.
Khu miền Tây Ireland cũng rộ lên đầy những tin đồn và truyền thuyết hoang đường, một hoạ sĩ dị thường tên Ardois-Bonnot đã treo bức tranh Khung cảnh trong mơ đầy báng bổ trong triển lãm xuân tại Paris năm 1926. Và trong nhà thương điên, số lượng những vụ rắc rối xảy ra được ghi chép lại nhiều đến độ chỉ một phép màu mới có thể khiến giới y sĩ không nhận ra nổi những sự tương đồng kì lạ kia và rút ra các kết luận bí ẩn.
Nhìn chung thì đó là một mớ những bài báo kì dị; và lúc này, tôi khó lòng mà mường tượng nổi lí trí của mình từng giúp tôi gạt chúng sang bên một cách sắt đá đến nhường nào. Nhưng lúc bấy giờ, tôi cứ đinh ninh rằng anh chàng Wilcox đã biết về những vụ việc hồi trước mà giáo sư từng nhắc đến.
≿————- ❈ ————-≾
- II -
CÂU CHUYỆN CỦA THANH TRA LEGRASSE
CHỦ ĐỀ NỬA CÒN LẠI TRONG TẬP BẢN THẢO DÀI CỦA ông chú tôi chính là các vụ việc từng xảy ra trước đấy, thứ đã khiến cho giấc mơ cũng như bức phù điêu của anh chàng nghệ sĩ điêu khắc trở nên đáng chú ý đến vậy đối với ông.
Có vẻ Giáo sư Angell đã từng trông thấy dáng hình khủng khiếp của con quái vật vô danh, ngẩn người trước những chữ tượng hình bí ẩn, và nghe thấy những âm tiết rùng rợn mà chỉ có thể được ghi lại dưới dạng “Cthulhu”. Tất cả những điều này đều có chung một mối liên hệ mang tính khích động và kinh hoàng đến nỗi việc ông cứ liên tục hạch hỏi anh chàng Wilcox và đòi anh ta cung cấp dữ liệu chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả.
Vụ việc xảy ra vào năm 1908, mười bảy năm trước đấy, khi Hội Khảo cổ học Hoa Kỳ tổ chức cuộc họp thường niên tại St. Louis. Nhờ uy tín cũng như các thành tích của mình, Giáo sư Angell đóng vai trò quan trọng trong tất cả các cuộc thảo luận; và vì có vài người ngoài
ngành đã tranh thủ lúc hội nghị đang tổ chức để nêu câu hỏi với hi vọng sẽ được giải đáp chuẩn xác cũng như đệ trình các vấn để với mong muốn nhận được giải pháp từ các chuyên gia, giáo sư đồng thời còn là một trong những người đầu tiên được họ tham vấn.
Nhân vật nổi trội nhất trong số những người ngoài ngành ấy là một người đàn ông trung niên với diện mạo bình thường, và chẳng bao lâu sau anh ta đã trở thành trọng tâm của toàn bộ cuộc họp. Người
này cất công lặn lội từ New Orleans đến nhằm thu thập một số thông tin đặc biệt mà không nguồn nào tại địa phương cung cấp nổi.
Tên anh ta là John Raymond Legrasse, và nghề nghiệp là thanh tra cảnh sát. Anh ta đến đây để hỏi về bức tượng đá mình mang theo – một pho tượng dị hợm, gớm guốc, và có vẻ rất cổ xưa mà anh ta không tài nào xác định nổi nguồn gốc xuất xứ. Chớ lầm tưởng rằng Thanh tra Legrasse quan tâm gì đến khảo cổ học. Ngược lại, anh ta chỉ đơn thuần muốn được khai sáng vì đó là yêu cầu của công việc.
Bức tượng, vật thờ, ái vật, hay bất kể tên nó có là gì, đã bị tịch thu vài tháng trước tại vùng rừng đầm lầy phía Nam New Orleans, khi cảnh sát đột kích một cuộc họp được cho là do một hội phái tà đạo tổ chức. Xoay quanh bức tượng là những nghi thức dị thường và gớm guốc đến nỗi phía cảnh sát nhận thấy ngay rằng họ đã phát hiện ra một giáo phái hắc ám trước nay chưa từng được biết đến, và còn hung hiểm gấp bội phần so với cả những tổ chức tà thuật châu Phi xấu xa nhất.
Ngoài những câu chuyện rời rạc và khó tin moi được từ miệng các thành viên bị bắt thì cảnh sát hoàn toàn không khám phá ra được gì về nguồn gốc của bức tượng. Chính thế nên phía cảnh sát đang rất muốn tìm cho bằng ra một truyền thuyết cổ xưa nào đó có thể giúp họ xác định được danh tính cái biểu tượng đáng sợ kia, và từ đó truy ra ngọn nguồn của cái giáo phái này.
Thanh tra Legrasse chẳng lường nổi vật mình đem đến sẽ gây náo loạn đến nhường nào. Chỉ cần liếc qua nó thôi là hội đồng các nhà khoa học kia đã trở nên kích động vô cùng, và chỉ trong chớp mắt,
họ đã túm tụm lại khắp xung quanh anh ta để chiêm ngưỡng cái hình hài nhỏ xíu đó.
Với nét xa lạ cũng như vẻ cổ xưa tột cùng đây chân thực, nó hùng hồn khơi dậy hình ảnh về những khung cảnh xưa cũ chưa ai từng biết đến. Vật thể khủng khiếp này không thuộc bất kì trường phái
điêu khắc nào đã được ghi nhận, thế nhưng bề mặt xanh xỉn của khối đá bí hiểm đó lại như hằn ghi cả một quãng thời gian kéo dài bao thế kỉ, hay thậm chí là hàng thiên niên kỉ.
Cuối cùng, bức tượng ấy được các nhà khoa học chuyền tay nhau, hết người này sang người khác, để săm soi thật kĩ lưỡng và tỉ mẩn. Nó cao tầm mười bảy, hai mươi phân, và được chế tác bởi một nghệ nhân với tay nghề tinh xảo vô cùng. Nó khắc hoạ một con quái vật với dáng hình hao hao giống con người, nhưng sở hữu cái đầu trông như bạch tuộc với bản mặt thì là một khối xúc tu, kèm theo cơ thể đầy vảy, nhìn nhừa nhựa, ở cả chân sau và chân trước đều có những móng vuốt khổng lồ, sau lưng là đôi cánh vừa dài vừa hẹp.
Cái thứ này chừng như mang bản chất hiểm độc đáng sợ và dị thường, nhìn cứ ngỡ một cái thây trương phềnh, và ngồi xổm với phong thái đầy gian tà trên một khối hình chữ nhật hay bệ đỡ gì đấy, phủ kín các kí tự không thể giải mã được. Đầu chót cặp cánh chạm vào mép sau của khối bệ, phần mông đặt ở vị trí trung tâm, trong khi bộ vuốt dài, cong của cặp chân sau gập lại bấu vào cạnh trước và thòng thêm xuống một phần tư chiều dài bệ đỡ.
Cái đầu bạch tuộc chúi tới trước, khiến phân chót các xúc tu trên mặt cà vào mu cặp chi trước khổng lồ, bấy giờ đang túm chặt lấy hai đầu gối nhô lên của sinh vật thu mình. Nhìn tổng thể, trông nó giống thật đến bất thường, và thậm chí còn mang thêm cả một nét đáng sợ ngầm bởi gốc gác của nó hoàn toàn là một ẩn số. Rõ ràng là nó có tuổi đời lâu khủng khiếp, xa xôi khôn lường; nhưng nó lại chẳng mang nét gì liên quan đến bất cứ loại hình nghệ thuật nào từng tồn tại trong giai đoạn nền văn minh mới chớm phát triển – hay thậm chí bất kì thời đại nào khác.
Bức tượng hoàn toàn tách biệt và riêng rẽ, mà kể cả chất liệu của nó cũng là một bí ẩn. Kiểu đá như xà phòng, màu xanh đen với các đốm cùng vệt vân vàng hoặc ánh kim chẳng giống thứ gì giới địa chất hay khoáng vật học từng biết đến. Các kí tự dọc bệ đỡ cũng khó hiểu chẳng kém gì; và bất chấp việc các thành viên ở đây đại diện cho phân nửa số chuyên gia học thuật của thế giới trong lĩnh vực này, không một ai luận ra nổi chúng liên quan đến thứ ngôn ngữ nào.
Cũng như đối tượng được mô tả và chất liệu cấu thành bức tượng, các kí tự kia thuộc về thứ gì đó xưa cũ tột cùng và tách biệt hẳn so với nhân loại; một thứ không khỏi khiến cho con người ta liên tưởng đến những vòng đời cổ đại và vô thánh vô thần, không dính dáng gì đến thế giới của chúng ta hay sự hình thành của chúng ta.
Ấy nhưng, trong khi các thành viên lần lượt lắc đầu và thú nhận thất bại trước bài toán viên thanh tra đưa ra, có một người trong nhóm cảm thấy ngờ ngợ rằng khối hình và hệ chữ viết quái dị kia mang nét gì đó quen thuộc lạ kì, và lập tức rụt rè kể ra chút thông tin mọn mình biết.
Người này là William Channing Webb quá cố, Giáo sư Nhân chủng học tại Đại học Princeton, đồng thời còn là một nhà thám hiểm tiếng tăm. Bốn mươi tám năm trước, Giáo sư Webb được thuê cùng tham gia một chuyến thám hiểm Greenland và Iceland để tìm kiếm một số bia khắc cổ ngữ Rune, có điều họ chẳng khai quật được gì.
Khi đang ở tít trên bờ biển phía Tây của Greenland, ông đã giáp mặt một bộ lạc hay hội phái dị thường gì đó, gồm toàn dân Eskimo hủ bại. Giữa họ tồn tại một kiểu tôn giáo thờ phụng ma quỷ, sự khát máu cũng như bản chất đáng tởm đầy chủ đích của thứ tôn giáo ấy làm Giáo sư Webb đến buốt lạnh cả người. Đó là một đức tin mà những người Eskimo khác chẳng am tường mấy, và cứ đề cập đến là họ lại rùng mình, nói rằng nó đã được truyền lại từ những niên kỉ cổ đại tột cùng, khi thế giới thậm chí còn chưa được tạo ra.
Bên cạnh một số nghi thức vô danh và tục hiến tế người thì còn có cả một số lễ nghi gia truyền quái lạ, dành cho một đấng ác quỷ tối
cao nào đấy, hay tornasuk, theo cách gọi khác. Giáo sư Webb đã cẩn thận lưu lại một bản sao phiên âm của lễ nghi ấy do một angekok cao tuổi tức vị tư tế-pháp sư cung cấp. Ông đã cố gắng hết sức thể hiện các âm thanh dưới dạng chữ cái La Mã. Nhưng lúc bấy giờ, quan trọng nhất là cái ái vật mà giáo phái này thờ phụng và nhảy múa xung quanh khi quầng cực quang vươn mình trên các vách băng.
Ông giáo sư nói nó là một bức phù điêu bằng đá rất thô sơ, bao gồm một bức tranh gớm guốc và một số chữ viết khó hiểu. Theo như những gì ông có thể xác định được, tất cả các đặc điểm chính của nó cũng hao hao giống cái thứ quái thú hiện đang nằm trước mặt các thành viên buổi họp.
Những dữ liệu này được các thành viên trong buổi họp đón nhận đầy hồi hộp và ngạc nhiên, Thanh tra Legrasse thì còn thấy phấn khích gấp bội. Anh ta ngay lập tức dồn dập hỏi han người cung cấp thông tin. Vì đã ghi nhận và sao chép lại một nghi thức khấn miệng của đám tín đồ giáo phái trong đầm lầy đã bị người của mình bắt giữ, Legrasse khẩn cầu giáo sư cố gắng nhớ lại những âm tiết lão Eskimo tôn sùng ma quỷ từng ghi ra.
Sau đó là một màn so sánh rất thấu đáo các tiểu tiết, rồi đến một khoảnh khắc im lặng vì quá sững sờ khi cả vị thanh tra lẫn nhà khoa học đều nhất trí với nhau về sự tương đồng từ ngữ mà hai nghi thức đáng ghê tởm cách nhau cả vạn dặm đường trường sử dụng. Về cơ bản, cả các pháp sư Eskimo lẫn đám thầy tế đầm lầy Louisiana đều tụng với các vật thờ tương tự nhau một điệu rất giống thế này – cách phân chia từ được phỏng đoán dựa trên những khoảng ngắt nghỉ theo lệ khi câu ấy được xướng lên:
Ph'nglui mglwnafh Cthulhu
R'lyeh wgah'nagl fhtagn.
Legrasse biết hơn Giáo sư Webb một điều, bởi lẽ đã có mấy tên trong đám tù nhân mạt hạng cho anh ta biết ý nghĩa của những từ này, theo như những gì các tín đồ lớn tuổi đã tiết lộ cho chúng. Câu trên có nội dung đại khái như sau:
Cthulhu đã chết mơ màng chờ đợi
dưới mái nhà R'lyeh.
Và rồi, vì được tất cả mọi người hối thúc yêu cầu Thanh tra Legrasse thuật lại đầy đủ hết mức có thể trải nghiệm của mình với đám tín đồ trong khu đầm lầy. Tôi có thể thấy ông chủ của mình rất coi trọng câu chuyện anh ta kể.
Nó nghe chẳng khác nào những giấc mơ điên rồ nhất của giới sáng tác thần thoại cũng như dân thần học, đồng thời cho thấy óc tưởng tượng về vũ trụ phong phú đến đáng kinh ngạc của đám dân lai và phường cặn bã.
Vào ngày mùng 1 tháng Mười Một năm 1907, cảnh sát New Orleans nhận được tin cấp báo từ vùng đầm phá phía Nam. Đám dân cư trú trái phép ở đó, hầu hết là hậu duệ của lính tráng nhà Lafitte(1), hơi thiếu văn minh nhưng tính tình hiền lành, đang phải sống trong khiếp hãi vì bị một thứ bí hiểm nào đó lén lút khủng bố trong đêm.
(1) Jean Lafitte (1780 – 1823): Một tên cướp biển người Pháp ở khu Vịnh Mexico vào đầu thế kỉ 19.
Đó có vẻ là ma giáo, nhưng mà là một kiểu ma giáo khủng khiếp hơn những gì họ từng biết đến. Đã có một số phụ nữ và trẻ con trong cộng đồng họ bị mất tích kể từ khi tiếng trống hiểm ác bắt đầu thùng thùng vang lên không ngừng nghỉ từ tít bên trong khu
rừng hắc ám đầy ma quái, không một người dân nào dám đánh liều đặt chân vào nơi đó. Xuất hiện những tiếng la điên loạn và gào thét bi thảm, các câu tụng niệm buốt lạnh đến tận cốt tuỷ và ngọn lửa tà
ác bập bùng. Người báo tin khiếp đảm nói thêm rằng người dân không còn có thể chịu đựng được nữa.
Thế là một lực lượng gồm hai mươi cảnh sát, ngồi kín hai cỗ xe ngựa và một chiếc ô tô, đã xuất kích vào lúc chiều muộn dưới sự dẫn đường của người đàn ông bản địa run rẩy kia. Đến cuối phần đường xe có thể đi được, họ rời xe, và bì bõm lội hàng dặm liền trong im lặng, băng qua cánh rừng bách đáng sợ nơi ngày mới không bao giờ đến.
Những mớ rễ dị hợm cùng các mũi thòng lọng không khí tóc tiên hung tà treo lủng lẳng bủa vây đoàn người, và thi thoảng, một hố trũng do đủ loại cây quái gở và đảo nấm cùng hiệp lực cấu thành lại bị một đống đá ẩm ướt hay một mảnh tường mục nát khiến trông càng gớm guốc hơn, bởi lẽ chúng khơi gợi lên cảm tưởng về một nơi cư ngụ đầy bệnh hoạn.
Một hồi sau, khu định cư của đám dân chiếm đất – một cụm lều lụp xụp – nhô vào trong tầm mắt. Các cư dân đầy kích động chạy túa ra, túm tụm xung quanh mấy ngọn đèn lồng đong đưa. Giờ đây, đã có thể nghe thấy tiếng trống nghèn nghẹt văng vẳng lại từ rất, rất xa phía trước; và cứ đôi lúc lại có một tiếng thét buốt xương vọng đến môi khi gió đảo hướng.
Xem chừng còn có cả một ánh loá rực đỏ đang chiếu qua các bụi cây thấp nhợt nhạt ở bên kia những đại lộ trải dài bất tận của khu rừng đêm. Vì chẳng muốn lại phải rơi vào cảnh thân cô thế cô, toàn bộ đám dân chiếm đất khiếp nhược dứt khoát không chịu tiến thêm bất cứ phân nào nữa về phía khung cảnh thờ phụng báng bổ thánh thần kia.
Thế là Thanh tra Legrasse và mười chín người đồng nghiệp rốt cuộc phải tiếp tục đưa chân tiến mù, dấn thân vào trong những cung đường vòm đen ngòm đầy kinh hoàng, chốn chưa ai trong bọn họ từng đặt chân tới.
Khu vực đội cảnh sát hiện đang thâm nhập vốn là một chốn hắc ám khét tiếng, phân nhiều chưa được người da trắng khám phá và thăm dò. Tương truyền có một hồ nước bí mật mà người phàm trần chưa từng chiêm ngưỡng, và sống trong đó là một khối thực thể trắng khổng lồ, vô hình vô dạng, mắt rực ánh dạ quang.
Đám dân chiếm đất rỉ tai nhau rằng vào lúc nửa đêm, lũ quỷ cánh dơi sẽ bay ra từ các hang động ngầm dưới lòng đất để phụng thờ nó. Họ nói rằng nó đã tồn tại ở đó từ trước thời D'Iberville(1), trước thời La Salle(2), trước thời người da đỏ, và thậm chí còn trước cả thời chim thú lành xuất hiện trong rừng.
(1) Pierre Le Moyne D'lberville (1661 - 1706): Nhà thám hiểm người Canada gốc Pháp trong giai đoạn thế kỉ 17.
(2) René-Robert Cavelier, Sieur de La Salle (1643 – 1687): Nhà thám hiểm người Pháp thời thế kỉ 17 ở Bắc Mỹ.
Nó là hiện thân của ác mộng, và nhìn thấy nó cũng đồng nghĩa với gặp tử thần. Nhưng nó khiến cho con người ta mơ, và nhờ thế mà họ vẫn đủ hiểu biết để còn tránh xa. Dù đúng là cuộc truy hoan ma giáo hiện tại chỉ nằm ở ngoài rìa mép xa nhất của cái khu đáng ghê tởm ấy, vị trí đó vẫn rất tệ hại. Thế nên có khi bản thân cái nơi thờ phụng còn khiến đám dân cư trú trái phép này khiếp sợ hơn cả những âm thanh cùng sự kiện kinh tởm từng xảy ra.
Chỉ có thơ ca hay sự điên rồ mới đủ sức diễn tả chuẩn xác những âm thanh mà nhóm Legrasse nghe thấy trong hành trình lội qua bãi lầy đen để tiến về phía quầng sáng đỏ và tiếng trống nghèn nghẹt. Con người và thú vật đều có chất giọng riêng, chẳng gì đáng sợ hơn khi nghe thấy một chất giọng phát ra từ cái nguồn vốn lẽ thường sẽ không phát xuất nó.
Tại đây, sự cuồng nộ thú tính cùng những màn phóng túng trác táng đã bị đẩy lên đến tầm tột đỉnh bởi những tiếng tru và giọng gào quàng quạc ngất ngây. Chúng đâm xuyên và vang dội khắp cánh rừng đêm, chẳng khác nào những cơn bão tàn độc sâu dưới vực thẳm của địa ngục. Thi thoảng, tràng la hét loạn lạc lại ngưng, và rồi một tràng những giọng khàn khàn xem chừng đã qua tập dượt thuần thục sẽ nổi lên, ngân nga tụng vang cái câu hay nghi thức gớm guốc kia:
Ph'nglui mglwnafh Cthulhu
R'lyeh wgah'nagl fhtagn.
Thế rồi, khi đội cảnh sát ra đến chỗ cây cối thưa hơn, cảnh tượng kia bất chợt lọt vào mắt họ. Bốn người trong nhóm lảo đảo, một người lăn đùng ra ngất, và hai người run đến mức buột miệng thốt một tiếng rú đầy hoảng hốt, nhưng may mắn là bản hợp xướng hỗn tạp kia đã át cả đi. Legrasse hắt nước bãi lầy lên mặt người vừa
ngất xỉu, và tất cả bọn họ đứng đực ra đó, run lẩy bẩy và như bị hớp hồn vì hãi hùng.
Trong một khoảnh quang tự nhiên của đầm lầy là một hòn đảo cỏ, diện tích khoảng chừng bốn nghìn mét vuông, không có cây cối và khá khô ráo. Hiện đang nhảy vọt và vặn vẹo trên chỗ ấy là một đám người dị thường ngoài sức tưởng tượng, chỉ Sime(1) hay Angarola(2) mới đủ sức khắc hoạ. Bè lũ này không có lấy một mảnh vải che thân, bấy giờ đang la hét, gào rống, và quằn quại quanh đống lửa vòng cung khổng lồ.
(1) Sidney Sime (1865-1941): Nghệ sĩ người Anh giai đoạn cuối thế kỉ 19 – đầu thế kỉ 20, nổi tiếng với các tác phẩm nghệ thuật kì ảo và châm biếm.
(2) Anthony Angarola (1893 – 1929): Hoạ sĩ người Mỹ giai đoạn đầu thế kỉ 20.
Thi thoảng bức màn lửa lại tẽ ra, để lộ ra vật nằm ở chính giữa nó là một khối đá granit lớn, cao khoảng hai mét rưỡi; trên đỉnh khối đá chính là pho tượng chạm khắc nham hiểm kia, trông nhỏ bé đến lệch lạc. Mười giàn giáo được dựng cách đều nhau, tạo thành một vòng tròn rộng với tâm điểm là khối đá bị lửa quây, và treo trên đấy là thi thể vẹo vọ khác thường của những người mất tích, đầu gục xuống. Đám tín đồ nhảy nhót và gầm rú theo vòng tròn bên trong cái vành đai ấy, hướng dịch chuyển nhìn chung là từ trái sang phải, một đám rước trụy lạc kéo dài bất tận giữa vòng xác và vòng lửa.
Một viên cảnh sát gốc Tây Ban Nha dễ bị kích động, cứ đinh ninh rằng anh ta đã nghe thấy những lời ca đáp lại nghi lễ ấy từ một nơi xa xôi và tăm tối nào đó sâu hơn trong cánh rừng đầy những truyền thuyết và nỗi kinh hoàng cổ đại kia, dù có khả năng đó chỉ là do óc tưởng tượng và vọng âm khiến anh ta cảm thấy vậy.
Về sau tôi đã gặp gỡ và hỏi han người này, anh ta tên Joseph D. Galvez; và anh ta giàu trí tưởng tượng đến phát bực. Anh ta thậm chí còn nói có tiếng vỗ khẽ của những cặp cánh khổng lồ, và đằng sau những thân cây xa nhất là một đôi mắt rực sáng cùng một khối trắng to lù lù như núi – nhưng tôi đồ rằng anh ta đã lắng nghe hơi nhiều giai thoại mê tín dị đoan của đám dân bản địa.
Trên thực tế, đội cảnh sát chỉ chững lại vì kinh hoàng trong quãng thời gian tương đối ngắn. Nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu; và mặc dù cái đám ấy hẳn phải có đến gần một trăm tên tín đồ mọi rợ, phía cảnh sát vẫn tin tưởng súng ống của mình và cả quyết lao thẳng vào giữa bầy người phát lợm kia.
Suốt năm phút liền, cảnh huyên náo và hỗn loạn của hành động ấy thật không bút nào tả xiết. Đấm đá loạn xạ, súng nổ đùng đoàng, và có cả mấy pha đào tẩu; nhưng cuối cùng thì Legrasse đếm thấy mình đã bắt được tầm bốn mươi bảy tên mặt mày sưng sỉa, bị anh ta ép phải nhanh chóng mặc lại quần áo và xếp hàng giữa hai hàng cảnh sát. Năm tín đồ nằm chết ngắc, và hai tên bị thương nặng được đồng bạn khiêng đi trên cáng dã chiến. Tất nhiên, bức tượng trên khối đá được Legrasse cẩn thận gỡ ra và mang đi.
Sau một chuyến đi đầy căng thẳng và mệt mỏi, đám tù nhân được thẩm vấn tại trụ sở cảnh sát. Tất cả bọn chúng đều là dân nghèo hèn, đa chủng tộc, và có vấn đề thần kinh. Hầu hết là thuỷ thủ, điểm thêm mấy mống da đen và da màu, chủ yếu là dân Tây Ấn hoặc Bồ Đào Nha đến từ Brava, thuộc quần đảo Cape Verde, khiến cho giáo phái hỗn tạp này mang chút sắc tà thuật Phi châu.
Nhưng ngay cả khi chưa tra hỏi gì nhiều, cảnh sát đã nhận ra rất rõ rằng vụ này có liên quan đến một thứ gì đó thẳm sâu và cổ xưa hơn cái món bái vật giáo của đám tín đồ kia. Dù rất suy đồi và ngu dốt, chúng vẫn vững tâm tin vào tư tưởng chủ đạo trong tín ngưỡng tởm lợm của mình một cách nhất quán đến sững sờ.
Theo lời đám ấy, chúng tôn thờ các Đại Cổ Thần, những tạo vật từng sống trong thuở trước khi loài người xuất hiện rất lâu, và đã từ trên trời hạ giáng xuống thế giới hãy còn sơ khai hồi ấy. Các Đại Cổ Thần đó nay đã mất cả, nằm trong lòng đất và dưới đáy đại dương; nhưng thi hài của họ vẫn tiết lộ cho những con người đầu tiên biết về các bí mật của mình thông qua các giấc mơ, và những người ấy đã thành lập một giáo phái trường tồn đến tận bây giờ.
Đây chính là giáo phái đó, và đám tù nhân nói rằng giáo phái vốn luôn tồn tại và sẽ luôn tồn tại, lẩn khuất trong những miền đất
hoang và u ám xa xôi trên khắp thế giới, cho đến khi giáo sĩ Cthulhu vĩ đại trỗi dậy từ mái nhà tăm tối trong thành phố R'lyeh hùng tráng dưới đại dương của mình và lại thống trị dương gian. Một ngày nào đó, khi các vì sao đã sẵn sàng, ngài sẽ cất tiếng hiệu triệu, và giáo phái bí mật kia sẽ luôn chờ thời cơ giải phóng ngài.
Trong khi ấy thì không được phép tiết lộ thêm gì nữa. Có một bí mật mà ngay cả tra tấn cũng không khiến chúng khai ra nổi. Nhân loại không phải là tạo vật có ý thức duy nhất trên Trái Đất, bởi lẽ những tín đồ kiên trinh hiếm hoi sẽ được các dạng hình bước ra từ bóng tối thăm viếng. Nhưng đấy không phải là các Đại Cổ Thần. Chưa một ai từng diện kiến các Đại Cổ Thần.
Pho tượng thần chúng khắc là Cthulhu vĩ đại, nhưng không ai có thể khẳng định được liệu có còn ai hệt như ngài hay không. Giờ thì không ai đọc nổi thứ cổ ngữ kia nữa, nhưng có nhiều thứ được truyền miệng lại. Nghi lễ được tụng không phải là bí mật – lời tụng không bao giờ được lớn tiếng nói ra, chỉ tiết lộ qua những lời thì thầm mà thôi. Câu tụng chỉ có ý nghĩa như thế này: “Dưới mái nhà ở R'lyeh, Cthulhu đã chết chờ đợi một giấc mộng.”
Trong đám tù nhân, chỉ có hai tên là đủ tỉnh táo để đem đi treo cổ, lũ còn lại được tống vào nhiều trại thương điên khác nhau. Tất cả đều phủ nhận mình có nhúng tay vào các vụ giết người tế lễ, và một mực khẳng định rằng thủ phạm đằng sau những vụ giết chóc là các Hắc Dực Thần, đến với chúng từ chốn gặp mặt cổ xưa trong khu rừng quỷ ám. Nhưng không ai kiếm nổi lời thuật mạch lạc nào về những đồng minh bí ẩn đó. Những gì cảnh sát khai thác được, chủ yếu đến từ một ông lão dân lai già khọm tên Castro, tuyên bố rằng mình từng dong buồm đến những bến cảng lạ và trò chuyện với các giáo chủ bất tử của giáo phái kia ở vùng núi Trung Quốc.
Lão Castro già vẫn lõm bõm nhớ cái truyền thuyết gớm guốc kia. Chẳng suy đoán nào của các nhà thần trí bì nổi với cái truyền thuyết ấy, và nó làm cho cả loài người lẫn thế giới như mới chỉ xuất hiện và mang kiếp phù du vô cùng. Từng có những niên kỉ Trái Đất chịu sự thống trị của một số Tạo Vật khác, và Họ xây dựng được những thành phố kì vĩ. Lão nói đám người Trung bất tử đã bảo với mình
rằng thi hài của Họ vẫn có thể được tìm thấy dưới dạng các khối đá hộc ở các hòn đảo trên Thái Bình Dương.
Tất cả Họ đều đã chết từ hàng bao kỉ nguyên trước khi con người xuất hiện, nhưng có những thuật có thể giúp hồi sinh Họ khi các ngôi sao quay về lại đúng vị trí trong vòng chu kì vĩnh cửu. Bản thân Họ thực sự cũng đã đến từ các vì sao, và mang các hình ảnh của mình theo cùng.
Castro kể tiếp rằng các Đại Cổ Thần không được cấu thành hoàn toàn bằng xương bằng thịt. Họ có dạng hình vì chẳng phải bức tượng khắc đã chứng minh điều đó sao? - nhưng dạng hình ấy không cấu thành từ vật chất. Khi các vì sao đã vào vị trí thiên thời địa lợi, Họ có thể lao từ thế giới này sang thế giới khác trên khắp nền trời. Nhưng khi các ngôi sao ở lệch vị trí, Họ không thể sống được.
Ấy vậy mặc dù không còn sống, Họ sẽ không bao giờ thực sự chết đi. Tất cả Họ đều nằm trong những ngôi nhà bằng đá ở thành phố R'lyeh vĩ đại của mình, được bùa phép của Cthulhu vĩ đại bảo tồn, chờ ngày oanh liệt hồi sinh khi các ngôi sao và Trái Đất lại một lần nữa sẵn sàng chào đón Họ.
Nhưng vào thời khắc đó, phải có một thế lực bên ngoài giúp giải phóng cơ thể của Họ. Các bùa phép giúp bảo tồn nguyên vẹn Họ cũng khiến Họ vô phương thực hiện bất kì động thái đầu tiên nào, và Họ chỉ có thể nằm thao thức trong bóng tối, suy nghĩ trong khi hàng triệu năm trôi qua. Họ biết tất cả những gì đang xảy ra trong vũ trụ, nhưng phương thức giao tiếp của Họ là truyền ý nghĩ.
Ngay cả giờ đây, Họ cũng đang nói chuyện trong lăng mộ của mình. Thế rồi sau bao kỉ nguyên hỗn mang, khi những con người đầu tiên xuất hiện, các Đại Cổ Thần đã nói chuyện với những người cảm quan nhạy bén bằng cách nhào nặn các giấc mơ của họ. Đó là cách duy nhất để ngôn ngữ của Họ thâm nhập được vào tâm trí xác thịt của động vật có vú.
Castro thì thầm rằng sau đó, những con người đầu tiên kia đã thành lập giáo phái tôn thờ những bức tượng nhỏ mà các Đại Thần đã
trưng ra cho họ. Những pho tượng mang đến các niên đại tăm tối từ những vì sao hắc ám. Giáo phái đó sẽ không bao giờ lụi tàn cho đến khi các ngôi sao lại một lần nữa về đúng vị trí, và các giáo sĩ bí mật sẽ đưa Cthulhu vĩ đại ra khỏi nấm mồ của Ngài để hồi sinh các thần dân của mình và tiếp tục cai trị Trái Đất.
Thời khắc sẽ rất dễ nhận ra, vì đó là lúc loài người đã trở nên giống như các Đại Cổ Thần; tự do, hoang dã, vượt ra ngoài khuôn khổ thiện và ác, với luật pháp và đạo đức đều đã bị vứt bỏ và ai nấy cũng đều la hét, giết chóc và vui sướng truy hoan. Sau đó thì các Đại Cổ Thần đã được giải phóng sẽ dạy cho họ những cách la hét, giết chóc, truy hoan và tận hưởng mới.
Toàn bộ Trái Đất sẽ rực lửa hừng hực với một cuộc tàn sát tập thể đầy ngất ngây và tự do. Trong lúc chờ, giáo phái phải lưu giữ kí ức về những phong tục cổ xưa kia và ngầm tiên báo về sự trở lại của Họ bằng các nghi lễ phù hợp.
Thời xa xưa, một số người được chọn từng trò chuyện trong những giấc mơ với các Đại Cổ Thần đã bị chôn vùi, nhưng rồi một chuyện xảy ra. Thành phố R'lyeh vĩ đại cùng những khối đá và lăng mộ chìm xuống dưới những con sóng; và làn nước sâu, nơi chứa đựng đầy một bí ẩn nguyên thuỷ mà ngay cả ý nghĩ cũng không thể xuyên thấu, đã cắt đứt cuộc trò chuyện ma mị ấy.
Nhưng kí ức không bao giờ chết đi, và các tổng giáo sĩ nói rằng thành phố sẽ lại trỗi dậy khi các ngôi sao về đúng vị trí. Khi ấy, thoát ra từ trong lòng đất sẽ là những vong linh tà độc, ẩm mốc và tăm tối, mang theo vô số những tin đồn mập mờ lượm lặt được từ trong các hang động đã bị lãng quên dưới đáy biển. Nhưng lão Castro già không dám nói nhiều về Họ. Lão vội vã ngậm tăm, và bất kể có thuyết phục hay hỏi khéo đến đâu thì cũng chẳng khai thác được gì thêm về khoản này.
Lạ một điều là lão cũng từ chối đề cập đến kích thước của các Đại Cổ Thần. Về phần giáo phái, lão tin đầu não của nó nằm giữa những sa mạc không đường đi lối lại của Ả Rập, nơi Irem – Thành phố Muôn Trụ – nằm mơ màng, được giấu kín và không bị ai xâm phạm.
Giáo phái này không phải là đồng minh của giáo phái phù thuỷ châu Âu, và hầu như không được ai biết đến ngoài các thành viên của nó.
Chưa có cuốn sách nào từng thực sự nhắc đến giáo phái, mặc dù đám người Trung bất tử nói rằng cuốn Necronomicon của lão Ả Rập điên Abdul Alhazred có hai tầng ngữ nghĩa, và những ai từng được thụ giáo có thể tuỳ hứng đọc nghĩa nào cũng được, đặc biệt là cặp câu thơ rất hay được đem ra luận bàn:
Kẻ còn chưa khuất mãi ngủ yên chăng,
Qua niên kỉ lạ cái chết cũng chẳng vĩnh hằng.
Legrasse bị ấn tượng sâu sắc, nhưng cũng không khỏi hoang mang. Vị thanh tra đã điều tra về các mối liên hệ lịch sử của giáo phái nhưng rốt cuộc chỉ công cốc. Có vẻ Castro đã nói thật khi bảo rằng giáo phái được giữ bí mật tuyệt đối. Các chuyên gia tại Đại học Tulane không thể làm sáng tỏ thêm được gì về giáo phái hay bức tượng kia, và bây giờ thì viên cảnh sát đã tìm đến với các chuyên gia đầu ngành của cả nước và chẳng thu lượm được gì hơn ngoài câu chuyện về Greenland của Giáo sư Webb.
Sau này, thư từ trao đổi giữa các thành viên tham gia buổi họp cũng thể hiện rất rõ sự hứng thú của họ trước câu chuyện đã được bức tượng của Legrasse minh chứng; mặc dù các ấn phẩm chính thống của ngành gần như chẳng đả động gì đến nó. Đối với những người đã quen thỉnh thoảng lại phải đối mặt với các trò bịp bợm và lừa đảo, thận trọng luôn là ưu tiên số một.
Legrasse đã cho Giáo sư Webb mượn bức tượng một thời gian, nhưng sau khi ông giáo sư qua đời thì nó được trả lại cho anh ta và đến nay vẫn do anh ta giữ. Cách đây không lâu, tôi đã đến chiêm ngưỡng nó. Bức tượng thực sự là một tạo vật kinh khủng, và rõ là rất giống với tác phẩm điêu khắc bước ra từ trong mơ của anh chàng Wilcox.
Tôi không nghi ngờ gì việc ông chú mình đã rất phấn khích trước câu chuyện của nhà điêu khắc. Một khi đã biết đến những gì Legrasse từng tìm hiểu được về giáo phái, ông sẽ còn có thể nghĩ
được gì nữa đây khi nghe bảo một chàng trai trẻ nhạy cảm đã không chỉ mơ thấy cái hình nhân cùng những chữ tượng hình giống hệt bức tượng được phát hiện trong đầm lầy và trên phiến đá ma mị tại Greenland, mà còn bắt gặp trong giấc mơ của bản thân ít nhất ba từ không chút sai lệch trong cái câu mà cả đám Eskimo tôn sùng quỷ dữ lẫn bọn dân lai Louisiana đều tụng?
Việc Giáo sư Angell ngay lập tức bắt tay vào thực hiện một cuộc điều tra hết sức kĩ lưỡng hoàn toàn chẳng có gì bất thường hết. Mặc dù tôi thầm nghi ngờ rằng anh chàng Wilcox kia đã nghe nói về giáo phái theo một cách gián tiếp nào đó, và bịa ra một loạt các giấc mơ để thêm mắm dặm muối cho cái bí ẩn và nối tiếp nó nhằm lừa ông chú tôi.
Tất nhiên, những câu chuyện về các giấc mơ và các mẫu báo cắt mà giáo sư thu thập là những minh chứng rất mạnh mẽ. Nhưng bản chất duy lí của tâm trí tôi cũng như sự vô lí của đề tài này đã khiến tôi chấp nhận điều mình nghĩ là kết luận hợp lí nhất. Thế là sau khi nghiên cứu kĩ tập bản thảo một lần nữa và so sánh các ghi chép về thần học cũng như nhân học với câu chuyện về giáo phái của Legrasse, tôi đến Providence để gặp nhà điêu khắc và quở trách anh ta vì đã trơ trẽn đánh lừa một ông già thông thái đã có tuổi.
Wilcox vẫn sống một mình trong toà nhà Fleur-de-Lys ở phố Thomas, một công trình thời Victoria gớm guốc, nhái theo phong cách kiến trúc Breton thời thế kỉ thứ bảy, phô trương phần mặt tiền trát vữa của nó giữa những ngôi nhà thuộc địa yêu kiều trên ngọn đồi cổ xưa, và lại còn ngay dưới bóng toà tháp chuông Georgian đẹp nhất tại Mỹ nữa chứ.
Tôi thấy anh ta đang làm việc trong phòng, và khi nhìn vào những mẫu vật rải rác khắp xung quanh, tôi ngay lập tức phải thừa nhận rằng anh ta quả thật là một người hết sức tài ba. Tôi tin rằng rồi sẽ có ngày Wilcox được mệnh danh là một trong những nghệ sĩ vĩ đại của trường phái điêu tàn. Bởi lẽ thứ được anh ta kết tinh trong đất sét, và rồi một ngày nào đó sẽ được tạc lại trên đá cẩm thạch, là những cơn ác mộng và mộng tưởng mà Arthur Machen(1) vẫn gợi lên
bằng câu chữ, và Clark Ashton Smith (2) hay khắc hoạ trong những vần thơ và tranh vẽ.
(1) Arthur Machen (1863 – 1947): Bút danh của Arthur Llewellyn Jones, tác giả người Wales nổi tiếng với các tác phẩm kinh dị, siêu nhiên.
(2) Clark Ashton Smith (1893 – 1961): Nhà văn, nghệ sĩ người Mỹ giai đoạn đầu thế kỉ 20.
Anh chàng ngăm đen, mảnh khảnh, và phần nào luộm thuộm, uể oải quay lại trước tiếng gõ cửa của tôi và chẳng buồn đứng dậy mà hỏi tôi đến đây làm gì. Khi tôi cho Wilcox biết mình là ai, anh ta hơi có vẻ quan tâm; bởi lẽ ông chú tôi đã khơi dậy trí tò mò của con người này khi cứ dò hỏi về những giấc mơ kì lạ của anh ta, nhưng chưa bao giờ giải thích lí do đằng sau nghiên cứu ấy.
Tôi không cho anh ta biết thêm gì về khoản này, mà chỉ tìm cách kín đáo khơi anh ta mở miệng. Chẳng bao lâu sau, tôi đã tin chắc rằng Wilcox hoàn toàn chân thành, bởi anh ta kể về những giấc mơ theo cái cách khiến cho không ai có thể lẫn đi đâu được. Chúng cùng những tàn dư chúng để lại trong tiềm thức đã ảnh hưởng rất sâu sắc đến nghệ thuật của Wilcox, anh ta cho tôi xem một bức tượng bệnh hoạn khiến tôi suýt nữa rùng cả mình, bởi lẽ những đường nét của nó đen tối vô cùng.
Anh ta không thể nhớ nổi đã nhìn thấy nguyên mẫu của thứ này ở bất cứ nơi nào khác ngoài trên bức phù điêu trong giấc mơ của chính mình, nhưng những đường nét của nó đã vô thức hình thành dưới đôi bàn tay anh ta. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là cái bóng hình khổng lồ mà anh ta đã lảm nhảm nhắc đến trong cơn mê sảng.
Anh ta sớm thể hiện rõ rằng mình thực sự không biết gì về giáo phái bí mật kia, ngoại trừ những gì mà ông chú tôi đã để lộ ra trong cuộc thẩm vấn bất tận của mình. Và tôi lại một lần nữa cố gắng vắt óc nghĩ cho bằng ra cách anh ta ý thức được về những hình ảnh kì dị đó.
Anh ta nói về những giấc mơ của mình theo kiểu văn vẻ lạ lùng; làm cho tôi hình dung ra cái thành phố đá hộc ẩm ướt với những khối đá xanh lầy nhầy một cách sống động khủng khiếp. Với một giọng nghe
đến lạ, anh ta nói rằng toàn bộ dạng hình của nó đều rất trái lí, và anh ta cứ nơm nớp những tưởng mình sẽ nghe thấy tiếng gọi dai dẳng, phần nào điên rồ vọng lên từ dưới lòng đất: Cthulhu fhtagn, Cthulhu fhtagn.
Những từ này là một phần của cái nghi lễ đáng sợ, kể về Cthulhu trong hầm đá của mình ở R'lyeh, mơ màng canh gác dù cho đã chết, và bất chấp những niềm tin đầy lí trí của bản thân, tôi cảm thấy rúng động đến tận cốt tuỷ. Tôi tin chắc Wilcox đã tình cờ nghe nói về giáo phái, và chẳng bao lâu sau quên khuấy về nó vì còn mải đọc cũng sau như tưởng tượng hàng bao thứ không kém phần kì lạ.
Về sau, bởi vì nó quá ấn tượng, tiềm thức của anh ta đã để nó ngấm ngầm xuất hiện trong những giấc mơ, trong bức phù điêu, và trong bức tượng khủng khiếp mà tôi bấy giờ đang chiêm ngưỡng. Thế tức là anh ta hoàn toàn không có ý lừa gạt ông chú tôi. Anh chàng này thuộc kiểu người mà tôi không đời nào có thể mê nổi, vừa hơi màu mè lại vừa có chút thô lỗ; nhưng tôi vẫn sẵn lòng thừa nhận việc anh ta sở hữu cả một khối óc thiên tài lẫn bản tính trung thực. Tôi thân ái chào, và chúc anh ta sẽ gặt hái được mọi thành công mà tài năng của anh ta hứa hẹn sẽ mang lại.
Vụ việc giáo phái vẫn tiếp tục lôi cuốn tôi, và đôi khi tôi còn mường tượng ra cảnh mình trở nên nổi tiếng nhờ nghiên cứu về nguồn gốc cũng như các mối liên hệ của nó. Tôi đến thăm New Orleans, nói chuyện với Legrasse và những người khác trong nhóm đột kích thời xưa, ngắm bức tượng đáng sợ đó, và thậm chí còn thẩm vấn những tên tù nhân vẫn sống sót.
Thật không may, lão Castro già đã chết được mấy năm rồi. Niềm phấn khích của tôi lại tái bùng lên trước những điều bản thân giờ được trực tiếp mắt thấy tai nghe, mặc dù nó kì thực chỉ là một quá trình xác nhận chi tiết cho những gì ông chú tôi đã viết, không hơn không kém.
Nguyên do là bởi tôi cứ đinh ninh rằng mình đang lần theo dấu một tôn giáo rất thật, rất bí mật, rất cổ xưa, và một khi phát hiện ra chúng, tôi sẽ trở thành một nhà nhân chủng học đình đám. Tôi vẫn
giữ nguyên tư tưởng duy vật bất di bất dịch, dẫu rằng tôi chỉ ước giá mà mình vẫn còn giữ được tư tưởng ấy, và với một sự ngoan cố gần như không thể giải thích được, tôi gạt phăng sự trùng hợp giữa các bản ghi chép về những giấc mơ và mấy mẩu báo cắt kì quặc đã được Giáo sư Angell thu thập.
Tôi bắt đầu nghi ngờ một điều, và bây giờ tôi e rằng mình đã biết rất rõ sự tình chính là như vậy, ấy là ông chú tôi không chết vì nguyên nhân tự nhiên. Ông gục ngã trên con đường đồi hẹp dẫn lên từ một bến cảng cổ đầy đám dân lai ngoại quốc, sau khi bị một tay thuỷ thủ da đen bất cẩn thúc phải.
Tôi vẫn không quên việc các thành viên giáo phái ở Louisiana mang dòng máu lai, đồng thời còn là dân đi biển, và tôi sẽ chẳng lấy làm ngạc nhiên nếu được biết rằng trên đời có tồn tại một số kĩ nghệ bí
mật cũng như các mũi kim độc, tàn nhẫn và xưa cũ không kém gì mấy nghi thức và tín ngưỡng bí hiểm kia. Quả đúng là Legrasse và người của anh ta đã được để cho yên thân; nhưng ở Na Uy, một thuỷ thủ từng chứng kiến chuyện này chuyện nọ đã qua đời.
Có khi nào tin tức về các cuộc điều tra sâu hơn do ông chú tôi thực hiện sau khi nhận được dữ liệu từ nhà điêu khắc đã lọt đến tai những kẻ nham hiểm không? Tôi nghĩ Giáo sư Angell chết vì đã biết quá nhiều, hoặc vì ông có khả năng sẽ trở thành người biết quá nhiều. Khó mà khẳng định được liệu tôi có nối bước ông hay không, bởi vì tôi bây giờ cũng đã biết khá nhiều rồi.
– III – Cơn Điên Ngoài Biển
NẾU ÔNG TRỜI MÀ CÓ NHÃ HỨNG MUỐN PHÙ HỘ TÔI, xin hãy xoá bỏ hoàn toàn hệ quả của cái lần tôi tình cờ trông thấy một tờ giấy lót kệ nằm vạ vật. Đó không phải là thứ tôi sẽ tự nhiên bắt gặp nếu cứ sinh hoạt như bình thường, bởi vì nó là một số cũ của tạp chí Úc, tờ Sydney Bulletin, số ra ngày 18 tháng Tư, 1925. Nó thậm chí còn không lọt lưới công ty theo dõi tin tức từng tất bật thu thập tài liệu
để phục vụ nghiên cứu của ông chú tôi vào thời điểm bài báo được xuất bản.
Lúc bấy giờ, tôi gần như đã từ bỏ cuộc điều tra tổ chức mà Giáo sư Angell gọi là “Giáo phái Cthulhu”, và đang đến thăm một người bạn học giả ở Paterson (New Jersey), quản lí viên của bảo tàng địa phương kiêm một nhà khoáng vật học tiếng tăm.
Một ngày nọ, trong lúc đang nhìn ngắm các mẫu vật bị đặt bừa bộn trên các kệ lưu trữ trong gian phòng nằm ở khu sau của bảo tàng, tôi tình cờ trông thấy một bức ảnh lạ trên một trong những tờ giấy cũ trải dưới những viên đá. Đó chính là tờ Sydney Bulletin mà tôi đã đề cập đến, vì bạn tôi là người có quan hệ rất rộng ở mọi vùng miền hải ngoại; và nó đăng tải một bức ảnh nửa tông, chụp một bức tượng đá gớm guốc, gần như giống hệt thứ Legrasse đã tìm thấy trong đầm lầy.
Tôi hăm hở gạt bỏ mấy món hiện vật quý giá mà nó nâng đỡ, và đọc kĩ lưỡng bài báo. Tôi được một phen thất vọng khi thấy bài báo chẳng dài lắm. Tuy nhiên, nó chỉ ra một điều có ý nghĩa hết sức quan trọng với cuộc điều tra đang ngày một hạ nhiệt của tôi. Tôi cẩn thận xé bài báo ra để ngay lập tức bắt tay vào hành động. Nó có nội dung như sau:
PHÁT HIỆN TÀU VÔ CHỦ BÍ ẨN NGOÀI KHƠI
“Tàu Vigilant kéo theo du thuyền New Zealand có vũ trang vào bến. Trên tàu có một người sống sót và một thi thể. Câu chuyện về một trận chiến tuyệt vọng và thương vong ngoài biển. Thuỷ thủ được giải cứu từ chối thuật lại chi tiết trải nghiệm kì lạ của mình. Anh ta được phát hiện sở hữu tượng thờ kì lạ. Chuẩn bị tiến hành điều tra.
Tàu chở hàng Vigilant của Công ty Morrison, khởi hành từ Valparaiso, sáng nay đã cập bến tại cảng Darling, kéo theo một chiếc du thuyền hơi nước đã bị tấn công và vô hiệu hoá, dù được vũ trang đầy đủ. Đấy là thuyền Alert, khởi hành từ Dunedin, N. Z., được phát hiện vào ngày 12 tháng Tư tại vĩ độ 34° 21’ Nam, kinh độ 152° 17' Tây với một người còn sống và một người đã chết trên boong.
Tàu Vigilant rời Valparaiso vào ngày 25 tháng Ba, và đến mùng 2 tháng Tư thì bị giông bão dữ dội và sóng lớn đầy lệch hẳn về phía Nam so với lộ trình. Ngày 12 tháng Tư, Vigilant quan sát thấy chiếc thuyền vô chủ. Mặc dù trông có vẻ bị bỏ hoang, nhưng khi lên thuyền, thuỷ thủ đoàn Vigilant phát hiện ra một người sống sót trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh và một người đàn ông rõ ràng đã chết được hơn một tuần.
Người còn sống lúc bấy giờ nắm chặt trong tay một bức tượng thờ khủng khiếp bằng đá, không rõ nguồn gốc, cao khoảng ba mươi phân. Các chuyên gia tại Đại học Sydney, Hội Hoàng gia, và bảo tàng phố College đều nói họ hoàn toàn không thể xác định được bản chất của bức tượng, và người sống sót bảo rằng anh ta đã tìm thấy nó trong cabin thuyền, tại một cái miếu nhỏ được chạm khắc hoa văn không có gì đặc biệt.
Sau khi hồi tỉnh, người đàn ông đã thuật lại một câu chuyện hết sức kì lạ, có liên quan đến cướp biển và giết chóc. Anh ta là Gustaf Johansen, một người Na Uy có chút đầu óc, và từng là thuyền phó hai của con thuyền hai buồm Emma ở Auckland, dong buồm đi Callao vào ngày 20 tháng Hai với thuỷ thủ đoàn gồm mười một người. Anh ta nói thuyền Emma đã bị cơn bão lớn ngày 1 tháng Ba gây trì hoãn và đánh bạt hằn về phía Nam so với lộ trình gốc.
Vào ngày 22 tháng Ba, ở vĩ độ 49° 51′ Nam, kinh độ 128° 34' Tây, thuyền họ đã giáp mặt thuyền Alert, do một đám dân Kanak cùng những người lai kì quái, mặt mày bặm trợn làm chủ. Khi bị chúng
bắt phải quay đầu, thuyền trưởng Collins từ chối. Và thế là đám thuỷ thủ đoàn kì lạ bất chợt bắt đầu nổ súng dã man vào thuyền Emma bằng một loạt súng thần công hạng nặng khác thường mà thuyền của chúng được trang bị.
Người sống sót nói rằng thuỷ thủ đoàn Emma đã chống trả, và mặc dù những lỗ đạn bên dưới làn nước đã bắt đầu khiến con thuyền chìm xuống, họ vẫn xoay xở đưa tàu đến bên cạnh kẻ thù của mình và lên boong nó, vật lộn với đám thuỷ thủ mọi rợ trên boong du thuyền, và nhờ số lượng nhỉnh hơn chút ít mà đã giết được hết tất
cả. Họ buộc phải làm vậy bởi chúng chống trả cực kì tởm lợm và đầy tuyệt vọng, dù rằng khá lóng ngóng.
Ba người của thuyền Emma, gồm cả Thuyền trưởng Collins và Thuyền phó Green, đã bị sát hại; tám người còn lại dưới quyền của Thuyền phó hai Johansen quay sang lèo lái chiếc du thuyền đã chiếm được, đi theo hướng ban đầu của họ để khám phá lí do họ bị bắt phải quay lại. Có vẻ sang đến ngày hôm sau, họ trông thấy và cập bến một hòn đảo nhỏ, dẫu cho không hòn đảo nào được biết đến là có tồn tại ở vùng biển này. Và bằng cách nào đó, sáu người trong số họ đã chết trên bờ, mặc dù Johansen kín miệng khác thường về phần này của câu chuyện, và chỉ nói rằng họ đã rơi xuống một vực đá.
Dường như sau đó, anh ta và một người đồng hành đã leo lên chiếc du thuyền và cố gắng lái nó, nhưng đã bị cơn bão ngày 2 tháng Tư quật đi tứ tung.
Từ lúc đó cho đến khi được giải cứu vào ngày 12, Johansen chẳng nhớ gì mấy, anh ta thậm chí còn không nhớ William Briden, người bạn đồng hành, chết khi nào. Cái chết của Briden không có nguyên nhân rõ ràng, và có khả năng là do kích động hoặc bị phơi nắng.
Điện tín từ Dunedin báo cáo rằng Alert là một tàu buôn biển đảo mà dân ở đó rất nhẵn mặt, và khét tiếng khắp vùng bờ biển. Nó thuộc sở hữu của một nhóm người lai lạ kì, thường xuyên tụ họp và vào rừng giữa lúc đêm hôm, khiến thiên hạ hết sức tò mò. Chiếc thuyền đã vội vã dong buồm ra khơi ngay sau cơn bão và mấy trận địa chấn ngày 1 tháng Ba.
Thông tín viên tại Auckland của chúng tôi nói thuyền Emma cũng như thuỷ thủ đoàn của nó vốn có tiếng tốt, Johansen được miêu tả là một người rất tỉnh táo và đáng tin cậy. Bắt đầu từ ngày mai, Bộ Hải quân sẽ triển khai điều tra toàn bộ vụ việc, và sẽ cố hết sức làm Johansen khai ra nhiều hơn những gì anh ta đã tiết lộ đến nay.”
Đó là toàn bộ nội dung, cùng với bức hình của bức tượng đáng ghê tởm kia; nhưng chuỗi ý tưởng nó khơi dậy trong tâm trí tôi mới phi
thường làm sao! Đây là những kho dữ liệu quý giá mới về giáo phái Cthulhu, kèm theo bằng chứng cho thấy nó còn dính dáng đến những chuyện kì lạ ở cả ngoài biển lẫn trên đất liền. Động cơ nào đã khiến đám thuỷ thủ ra lệnh cho thuyền Emma quay đầu trong khi bản thân chúng thì đang lênh đênh trên biển với bức tượng thờ gớm guốc của mình?
Hòn đảo vô danh nơi sáu người trong số thuỷ thủ đoàn của Emma đã chết, còn Thuyền phó Johansen thì cứ giấu gia giấu giếm là gì? Cuộc điều tra do Toà án Hải quân thực hiện đã khám phá ra được
những gì, và người ta đã biết gì về cái giáo phái tà ác ở Dunedin? Và quái lạ hơn cả, mối liên kết sâu xa và bất thường giữa những ngày tháng ấy đã mang lại cho các sự kiện khác nhau từng được ông chú tôi ghi chép lại hết sức cần thận một tăng ý nghĩa đấy thâm hiếm và giờ đây là vô phương phủ nhận. Nó có thể là gì được đây?
Trận động đất và cơn bão đã ập đến vào ngày mùng 1 tháng Ba – tức ngày 28 tháng Hai theo Đường phân Ngày Quốc tế của chúng ta. Thuyền Alert và thuỷ thủ đoàn ồn ã của nó vội vã rời đi từ Dunedin như thể bị triệu tập khẩn cấp, và ở đầu bên kia thế giới, các nhà thơ và nghệ sĩ bắt đầu mơ về một thành phố đá hộc ẩm ướt kì lạ, trong khi một nhà điêu khắc trẻ nhào nặn lên hình hài của Cthulhu đáng sợ trong giấc ngủ.
Ngày 23 tháng Ba, thuỷ thủ đoàn Emma đặt chân đến một hòn đảo vô danh và khiến sáu người thiệt mạng; cùng ngày đó, giấc mơ của những người cảm quan nhạy bén trở nên sống động tột cùng, đồng thời còn thêm phần u ám với nỗi hãi sợ về việc bị một con quái vật
khổng lồ tàn ác săn đuổi, trong khi một kiến trúc sư đã phát điên và một nhà điêu khắc đột nhiên rơi vào mê sảng!
Và cơn bão mùng 2 tháng Tư ấy là gì – cái ngày mà tất cả những giấc mơ về thành phố ẩm ướt kia ngưng xuất hiện, và Wilcox bừng tỉnh khỏi cơn sốt kì lạ trong tình trạng không hề hấn gì? Tất cả những điều ấy nghĩa là sao và còn cả những manh mối lão Castro già đã cung cấp về các Đại Cổ Thần sinh ra trên những vì sao và nay chìm dưới đáy biển, cùng cả triều đại ngự trị sắp tới của chúng;
chưa kể còn giáo phái trung thành và khả năng làm chủ giấc mơ của chúng nữa?
Phải chăng tôi đang đứng mấp mé bên bờ vực của những nỗi kinh hoàng mang tầm vóc vũ trụ, vượt ngoài khả năng chịu đựng của con người? Nếu quả đúng vậy, những nỗi kinh hoàng ấy hẳn chỉ có thể tác động đến đầu óc thôi, vì bằng cách nào đó, ngày mùng 2 tháng Tư đã khiến mối đe doạ quái ác vừa bắt đầu bủa vây linh hồn của nhân loại kia phải dừng bước, bất kể nó có là gì.
Buổi tối hôm ấy, sau một ngày vội vã đánh điện và thu xếp, tôi chào tạm biệt vị gia chủ của mình và bắt chuyến tàu đến San Francisco. Chưa đầy một tháng sau tôi đã có mặt ở Dunedin. Tuy nhiên, tại đó, tôi phát hiện ra rằng chẳng ai biết gì nhiều về các thành viên kì lạ của cái giáo phái kia, dù chúng từng lảng vảng trong các quán rượu cũ ven biển.
Dân đầu đường xó chợ xuất hiện nhan nhản ở nơi bến bãi, thế nên chẳng có gì đặc biệt đáng chú ý cả. Mặc dù vẫn có đôi lời đồn đại nhỏ to về một lần lũ người lai kia đi vào sâu trong đất liền, và trong giai đoạn đó, thiên hạ để ý thấy có tiếng trống văng vẳng và ánh lửa đỏ xuất hiện trên những ngọn đồi xa. Tại Auckland, tôi được biết rằng lúc Johansen quay trở lại sau một cuộc thẩm vấn quấy quả và không dẫn đến kết luận cụ thể nào ở Sydney, mái tóc vàng của anh ta đã trở nên bạc trắng.
Johansen sau đó đã bán ngôi nhà của mình ở phố West rồi cùng vợ lên thuyền về nhà cũ ở Oslo. Ngay cả với bạn bè mình, anh ta cũng không tiết lộ gì mấy về trải nghiệm chấn động mà bản thân từng kinh qua, ngoài những gì đã thuật cho các quan chức Bộ Hải quân, và họ chẳng thể làm được gì ngoài cung cấp cho tôi địa chỉ ở Oslo của anh ta.
Sau đó, tôi đến Sydney và nói chuyện với các thuỷ thủ cũng như những thành viên trong Toà án Hải quân, nhưng chẳng gặt hái được gì hết. Tôi đã thấy chiếc Alert, nay đã được bán đi và hiện đang được sử dụng cho mục đích thương mại, ở bến tàu Circular tại Vịnh
Sydney, nhưng không thu lượm được gì từ tấm thân lầm lì của nó cả.
Bức tượng ngồi chồm hỗm với cái đầu mực nang, tấm thân rồng, cặp cánh có vảy cùng phần bệ khắc chữ tượng hình, được lưu giữ trong bảo tàng tại công viên Hyde. Tôi đã nghiên cứu bức tượng kĩ lưỡng suốt một hồi lâu, và thấy nó quả là một tạo vật tinh xảo kì lạ, chưa kể còn mang kèm cái nét bí ẩn tột độ, cổ xưa khủng khiếp, và được chế tác từ một thứ vật liệu lạ kì đến phi thường mà tôi từng thấy cũng xuất hiện ở mẫu vật nhỏ hơn do Legrasse nắm giữ.
Người phụ trách nói với tôi rằng bức tượng như một bài toán hóc búa khủng khiếp với các nhà địa chất; bởi vì họ thề rằng không có thứ đá nào như thế tồn tại trên đời cả. Thế rồi tôi rùng mình nghĩ đến những gì lão Castro già đã nói với Legrasse về các Đại Thần nguyên thuỷ: “Họ đến từ những vì sao, và đã mang hình ảnh của mình theo cùng.”
Cơn rúng động tinh thần mạnh mẽ chưa từng thấy làm tôi run lẩy bẩy, và giờ tôi quyết tâm đến thăm Thuyền phó Johansen ở Oslo. Sau khi đi thuyền đến London, tôi lập tức tiếp tục lên đường đến thủ đô Na Uy, và cập bến các cầu cảng ngay ngắn dưới bóng lâu đài Egeberg vào một ngày thu. Tôi đã phát hiện ra địa chỉ của Johansen nằm trong khu Phố Cổ, nơi đã giúp lưu giữ cái tên Oslo trong suốt bao thế kỉ thành phố giả dạng là “Kristiania”(1).
(1) Phố Cổ là khu dân cư nằm trong nội đô của Oslo. Khu vực này được gọi đơn giản là Oslo đến trước năm 1925, trong khi toàn bộ thành phố thời điểm đấy mang tên Kristiania.
Tôi bắt xe taxi đi một chuyến ngắn, và với con tim nện thình thịch, gõ cửa một toà nhà sạch sẽ và cổ kính, mặt tiền trát vữa trần. Một người phụ nữ mặc đồ đen, mặt buồn rười rượi mở cửa, và tôi đến
buốt cả lòng vì thất vọng khi cô bảo với tôi bằng thứ tiếng Anh ngắc ngứ rằng Gustaf Johansen đã qua đời.
Vợ Johansen nói rằng anh ta không sống được sau khi trở về, bởi lẽ những chuyện xảy ra trên biển năm 1925 đã huỷ hoại anh ta. Anh ta cũng chỉ tiết lộ với cô những điều mình đã kể với công chúng, nhưng đã để lại một bản thảo dài – theo như lời anh ta nói thì nội dung
xoay quanh “các vấn đề kĩ thuật” – viết bằng tiếng Anh, rõ ràng là để cô không vô tình đọc được.
Trong một lần tản bộ trên con ngõ hẹp gần bến tàu Gothenburg, một bó giấy rơi xuống từ một cửa sổ gác mái đã khiến anh ta ngã quỵ. Có hai thuỷ thủ Ấn Độ ngay lập tức đỡ anh ta đứng dậy, nhưng xe cứu thương chưa kịp đến thì anh ta đã chết rồi. Các bác sĩ không tìm thấy nguyên nhân qua đời thoả đáng, và quy nó cho bệnh tim và thể trạng suy yếu.
Giờ thì tôi bắt đầu cảm thấy một nỗi kinh hoàng tăm tối gặm nhấm gan ruột của mình. Nó sẽ đeo đẳng bám riết lấy tôi cho đến tận khi tôi cũng đã yên giấc ngàn thu; dù là theo kiểu “tình cờ” hay gì đó khác. Sau khi thuyết phục người goá phụ rằng tôi nên được nắm giữ tập bản thảo của chồng cô vì bản thân có liên quan đủ mật thiết đến “các vấn đề kĩ thuật” của anh ta, tôi mang chỗ tài liệu đi và bắt đầu đọc nó trên thuyền trở về London.
Nó là một bản thảo đơn giản, lan man – cuốn nhật kí hồi tưởng do một thuỷ thủ ngây thơ nỗ lực viết lại. Nó cố gắng tái hiện chuyến hải hành khủng khiếp cuối cùng đó, từng ngày, từng ngày một. Vì nó quá tối nghĩa và rườm rà, tôi không thể ghi lại nguyên văn toàn bộ, nhưng tôi sẽ thuật lại các ý chính thật đầy đủ, sao cho mọi người có thể hiểu rằng không phải ngẫu nhiên mà tiếng nước vỗ vào mạn thuyền lại trở nên ngoài sức chịu đựng đến nỗi tôi phải lấy bông ra bít vào tai.
Tạ ơn Chúa là Johansen không biết tường tận đầu đuôi mọi chuyện, cho dù anh ta đã nhìn thấy thành phố và Vật kia, nhưng tôi thì sẽ không bao giờ còn có thể ngủ ngon giấc được nữa mỗi khi nghĩ về những nỗi kinh hoàng đang không ngừng rình rập đằng sau trần thế, lẩn khuất trong không gian và thời gian, và về những thực thể báng bổ thánh thần đến từ các ngôi sao cổ nay đang nằm mơ màng dưới biển, được một giáo phái ghê rợn biết đến và yêu quý, và cái giáo phái ấy đang hăm hở chờ thời cơ thả bè lũ quái ác kia ra lộng hành ngoài cõi dương gian, bất cứ khi nào một trận động đất mới lại đẩy thành phố đá gớm guốc của chúng ra nơi chan hoà ánh mặt trời và không khí.
Chuyển hải hành của Johansen bắt đầu hệt như những gì anh ta đã nói với Bộ Hải quân. Thuyền Emma rời khỏi Auckland vào ngày 20 tháng Hai, không chở theo hàng hoá, và đã hứng chịu toàn bộ sự cuồng nộ của cơn bão sinh ra từ trận động đất kia. Hẳn cơn bão ấy chính là thứ đã nâng bao nỗi kinh hoàng lên khỏi đáy biển, để chúng ngập tràn những giấc mơ của con người. Sau khi đã lấy lại được kiểm soát, con thuyền có tiến độ hành trình tốt, nhưng rồi bị tàu Alert chặn lại vào ngày 22 tháng Ba, và tôi có thể cảm thấy sự tiếc nuối của viên thuyền phó khi anh ta viết về việc thuyền Emma bị bắn phá và đánh đắm. Khi kể về bọn tín đồ trên thuyền Alert, giọng anh ta đầy vẻ hãi hùng. Chúng mang nét gì đó kinh tởm khác thường, đến nỗi họ cảm thấy mình gần như có nghĩa vụ phải diệt trừ chúng, và Johansen đã sửng sốt ra mặt khi đoàn của anh ta bị phiên toà điều tra đưa ra cáo buộc là đã hành xử tàn nhẫn.
Thế rồi, dưới sự chỉ huy của Johansen, họ lèo lái chiếc du thuyền mình chiếm giữ được tới trước, bị óc tò mò thôi thúc. Bọn họ nhìn thấy một cột đá lớn nhô lên khỏi mặt biển, và ở vĩ độ 47° 9' Nam,
kinh độ 126° 43' Tây thì cập bến một bờ biển, toàn bùn nước lầy lội xen với đá hộc phủ kín cỏ dại. Đây chắc chắn chỉ có thể là thứ chất hữu hình cấu thành nỗi khiếp đảm tột đỉnh của Trái Đất – thành phố chết ác mộng mang tên R'lyeh, được xây dựng từ vô vàn niên kỉ trước khi lịch sử hình thành bởi những dạng hình khổng lồ, đáng kinh tởm, tràn xuống từ những ngôi sao đen tối.
Cthulhu vĩ đại và bầy đoàn của hắn đang nằm đó, ẩn giấu trong những gian hầm xanh lá nhầy nhụa và cuối cùng, sau bao chu kì bất tận, cũng có thể truyền đi suy nghĩ nhằm lan toả nỗi sợ hãi vào trong giấc mơ của những người nhạy cảm, đồng thời hống hách hiệu triệu lũ trung thần thực hiện chuyến hành hương với mục đích giải thoát và tái lập cho mình. Johansen không hề hay biết tí gì về tất cả những điều ấy, nhưng có Chúa chứng giám, anh ta sẽ sớm được thực mục sở thị thôi!
Tôi cho rằng chỉ có một đỉnh núi duy nhất, toà thành chóp đá gớm guốc nơi Cthulhu vĩ đại bị chôn vùi, thực sự trồi lên khỏi mặt nước. Khi nghĩ về quy mô của tất cả những gì có thể đang lầm lũi dưới đó,
tôi như muốn tự sát ngay tức khắc. Johansen và người của anh ta sững sờ đứng lặng bởi sự hùng vĩ của cái điện Babylon nhỏ nước tong tỏng, chốn cư ngụ của lũ quái vật cổ xưa này, và chắc hẳn chẳng cần ai nói thì cũng đoán được rằng nó hoàn toàn không thuộc về nơi đây hay bất cứ hành tinh bình thường nào.
Mọi dòng mô tả sặc mùi khiếp đảm của viên thuyền phó đều bộc lộ rõ sự kinh ngạc tột bậc trước kích thước không tưởng của các tảng đá xanh, trước chiều cao chót vót của khối đá chạm trổ khổng lồ, và trước sự tương đồng đầy choáng váng giữa các pho tượng cùng những bức phù điêu đồ sộ với bức tượng kì dị được tìm thấy trong cái miếu thờ trên thuyền Alert.
Dù chẳng biết gì về trường phái vị lai, Johansen vẫn viết ra được một thứ mang phong cách rất gần với nó khi nhắc đến thành phố này. Bởi lẽ thay vì mô tả bất kì cấu trúc hoặc toà nhà cụ thể nào,
anh ta chỉ xoáy sâu vào những ấn tượng chung chung về các cạnh góc và mặt đá rộng lớn – những bề mặt mênh mang đến độ không thể có chuyện thuộc về bất cứ thứ gì đúng mực hay tử tế trên địa cầu này, và đầy rẫy những hình ảnh và chữ tượng hình khủng khiếp, nghịch đạo.
Tôi đề cập đến lời mô tả về các cạnh góc của anh ta bởi lẽ nó gợi cho tôi nhớ lại một điều Wilcox đã kể về những giấc mơ dễ sợ của anh ta. Wilcox đã nói rằng cấu trúc hình học của cái chốn mình trông thấy trong mơ rất bất thường, phi Euclid, và tương đồng một cách đáng kinh tởm với mặt cầu cũng như các chiều không gian khác xa cõi trần của chúng ta. Bây giờ lại đến lượt một thuỷ thủ ít được học hành cũng cảm thấy như thế khi nhìn vào thực tại khủng khiếp đầy kinh hãi.
Johansen và người của anh ta cập bến ở một bãi bùn dốc trên cái thành Acropolis(1) quái dị kia, và trèo lên những khối đá nhớp nháp ngoại cỡ đầy trơn trợt, khó có thể là cầu thang của người trần được. Đến cả vầng dương trên trời dường như cũng bị bóp méo đi khi nhìn qua làn chướng khí phân cực bốc ra từ mảnh đất đồi bại ướt đẫm sóng biển này.
(1) Một toà thành cổ nằm trên một mỏm đá phía trên thành phố Athens.
Và soi mói quan sát họ là một mối hiểm nguy cùng cảm giác ngờ ngại đây bệnh hoạn, cứ lẩn khuất trong những cạnh góc bí hiểm đến phát rồ của đống đá khắc lúc lõm lúc lồi mỗi lần liếc nhìn.
Khi đoàn thám hiểm còn chưa trông thấy thứ gì cụ thể hơn đá với bùn lầy và cỏ dại, một xúc cảm rất giống nỗi hãi sợ đã xâm chiếm lấy cả đám bọn họ. Nếu không phải vì sợ bị những người khác coi
khinh thì hẳn ai trong số họ cũng đã tháo chạy rồi, và họ chỉ tìm xem có món đồ lưu niệm nào mang về được không theo kiểu rất nửa vời – và rốt cuộc là chỉ công cốc.
Trèo lên tận chân khối đá và hô lên thông báo về thứ mình tìm thấy là Bodriguez, một tay người Bồ Đào Nha. Những người còn lại bám theo gã, và tò mò nhìn ngắm cánh cửa mênh mang, trên chạm khắc
bức phù điêu rồng lai mực nay đã trở thành quen thuộc. Johansen nói trông nó giống như một cánh cửa chuồng lớn. Tất cả bọn họ đều cảm thấy đó quả thật là một cánh cửa bởi vì bao lấy nó là thanh ngang, ngạch, cùng dầm dọc được trang trí công phu, mặc dù họ không thể xác định nổi nó nằm phẳng ra như cửa sập hay chéo xiên như cửa hầm xây ngoài nhà.
Như Wilcox đã nói, cấu trúc hình học của nơi này lệch lạc hoàn toàn. Không ai có thể xác định được chắc chắn rằng biển và mặt đất nằm ngang, thế nên vị trí tương đối của mọi thứ khác đều trông cứ biến đổi đầy ma mị.
Briden thúc vào mấy chỗ trên phiến đá nhưng không ăn thua gì. Thế rồi Donovan tỉ mẩn lần mò khắp quanh mép nó, vừa đi vừa nhấn vào từng điểm một. Anh ta leo dọc cái khung đá dị hợm trải dài bất tận – dù gọi hành động ấy là leo sẽ chỉ đúng nếu nó không nằm ngang bè hẳn ra – và đám bọn họ tự hỏi sao trên đời lại có thể tồn tại một cánh cửa rộng lớn đến như vậy.
Thế rồi, rất nhẹ nhàng và chậm rãi, phần trên của cánh cửa bạt ngàn bắt đầu sụt vào trong; và họ thấy rằng nó nằm bằng phẳng. Donovan trượt hoặc đưa người xuống hay dọc theo dầm dọc cửa bằng cách nào đó, trở về với các đồng đội của mình, và tất cả bọn họ cùng theo dõi quá trình thụt vào hết sức kì khôi của cánh cổng
khắc ghê rợn. Nó di chuyển theo một kiểu chéo xiên đầy dị thường giữa khung cảnh ảo mộng méo mó như nhìn qua một lăng kính, khiến cho tất cả các định luật vật lí cùng góc nhìn đều như bị đảo lộn hết cả.
Trong khoảng hở ấy là một bóng tối đen đặc đến gần như hữu hình. Sự âm u đó kì thực là một điều tích cực. Bởi nó che khuất những phần tường bên trong đáng lẽ đã phải lộ ra, và bóng tối thậm chí còn phả ra như sương khói, thoát khỏi kiếp tù đày dài bao niên kỉ của mình, làm lu mờ hẳn mặt trời trên đường vỗ cặp cánh màng lén lút trốn vào nền trời teo tóp và gồ lồi. Mùi xú uế bốc ra từ khoảng sâu mới mở thật ngoài sức chịu đựng. Một hồi sau, anh chàng Hawkins với đôi tai nhạy bén tin rằng mình nghe thấy một thanh âm ác hiểm, bì bõm vọng lên từ dưới đó.
Tất cả bọn họ cùng dỏng tai nghe ngóng, và tất cả bọn họ vẫn cứ tiếp tục lắng nghe khi Nó lầm lũi đưa những bước chân nhớp nháp tiến vào trong tầm mắt, mò mẫm lách tấm thân xanh lá khổng lồ của mình qua ô cửa màu đen, tiến vào làn không khí bên ngoài của thành phố điên rồ độc hại kia.
Johansen tội nghiệp thiếu chút nữa thì rụng rời tay bút khi ghi lại chuyện này. Trong số sáu người không bao giờ về được đến chỗ con thuyền, anh ta nghĩ rằng hai người đã chết vì sợ hãi ngay trong cái khoảnh khắc đáng nguyền rủa ấy. Không thể miêu tả được cái Thứ ấy – trong ngôn ngữ không tồn tại thứ gì để khắc hoạ một sự điên rồ thẳm sâu đến cuồng loạn và thượng cổ như vậy, một nghịch lí ma quái đối với mọi thứ vật chất, nguồn lực, và trật tự vũ trụ như vậy.
Nó là một ngọn núi, lảo đảo lê chân. Ôi lạy Chúa! Có gì là khó hiểu không khi cách đấy nửa vòng Trái Đất, một kiến trúc sư lớn đã phát điên, và anh chàng Wilcox tội nghiệp lăn đùng ra sốt rồi lên cơn nói sảng trong thời khắc thần giao cách cảm ấy? Cái Thứ được các bức
tượng khắc hoạ, tạo vật xanh lá, nhớp nháp đến từ các vì sao đã thức tỉnh để đòi lại những gì của mình.
Các ngôi sao đã một lần nữa vào đúng vị trí, và một nhóm thuỷ thủ ngây thơ tình cờ thực hiện được điều mà một giáo phái lâu đời
không làm nổi, bất chấp đã cố gắng. Sau muôn triệu tỉ năm, Cthulhu vĩ đại đã lại được tự do, và thèm khát khoái lạc. Ba người bị bộ vuốt mềm hất văng đi trước khi bất cứ ai kịp quay người. Cầu Chúa cho họ được an nghỉ, nếu trong vũ trụ còn có chốn an nghỉ nào.
Mấy người ấy là Donovan, Guerrera, và Ångstrom. Parker bị trượt chân khi ba người còn lại đang điên cuồng cắm đầu cắm cổ chạy về xuồng, lao qua các dải đất bất tận đầy đá phủ xanh, và Johansen thề rằng anh ta đã bị nuốt chửng bởi một góc đá đáng lẽ phải không có ở đó; một góc nhọn, nhưng lại hành xử như thể nó là góc tù. Vì vậy, chỉ có Briden và Johansen đến được chỗ xuồng, và cuống cuồng chèo về phía thuyền Alert trong khi con quái vật khổng lồ lạch bạch bước xuống những hòn đá bầy nhầy và lúng túng ở bên mép nước.
Áp suất hơi nước đã không bị tắt hẳn, bất chấp toàn bộ thuỷ thủ đoàn đều đã rời thuyền để đổ bộ lên bờ; và chỉ mất vài tích tắc nháo nhào chạy lên chạy xuống giữa bánh lái và động cơ là thuyền Alert đã bắt đầu lên đường. Giữa những nỗi kinh hoàng lệch lạc của cảnh tượng không bút nào tả xiết đó, con thuyền bắt đầu chậm rãi khuấy động làn nước chết chóc.
Trong khi ấy, trên lớp đá của bãi tha ma không thuộc về Trái Đất kia, cái Thứ đồ sộ đến từ những vì sao nhỏ nước tong tỏng và lải nhải gì đó như Polyphemus nguyền rủa con tàu đang chạy trốn của Odysseus(1).
(1) Theo thần thoại Hy Lạp, Polyphemus là người khổng lồ một mắt (cyclops), con trai thần biển Poseidon. Trong sử thi Odyssey, Polyphemus được miêu tả là kẻ man rợ ăn thịt người và đã ăn thịt một số người trong đoàn của Odysseus khi họ cập đảo của hắn trong chuyến hành trình hồi hương sau cuộc chiến thành Troy. Odysseus bày mưu lừa được Polyphemus và trốn thoát.
Thế rồi, với một hành động táo bạo hơn gã khổng lồ một mắt trong truyền thuyết, Cthulhu vĩ đại nhầy nhụa trượt xuống dưới nước và bắt đầu truy đuổi, làm dâng cả sóng với những sải tay mạnh mẽ tột cùng. Briden quay lại nhìn và trở nên phát rồ, sằng sặc cười the thé, và về sau cứ thỉnh thoảng lại nổi cơn cười như vậy cho tới khi lăn đùng ra chết trong cabin vào một đêm nọ, khi Johansen còn đang mê sảng đi vẩn vơ trên thuyền.
Nhưng Johansen chưa gục ngã. Biết rằng chừng nào áp suất hơi nước còn chưa lên đến mức tối đa thì cái Thứ kia chắc chắn sẽ có thể bắt kịp thuyền Alert, anh ta quyết định đánh liều chơi một nước cờ tuyệt vọng. Sau khi gài động cơ ở tốc độ tối đa, anh ta phóng như chớp lên trên boong và quành ngược bánh lái lại.
Xoáy nước cùng bọt cuồn cuộn dâng giữa làn nước biển hôi thối, và trong lúc áp suất hơi nước gia tăng càng lúc càng cao, anh chàng người Na Uy gan dạ lái chiếc thuyền của mình lao thẳng vào khối thạch đuổi theo phía sau, bấy giờ đang nổi lên trên lớp bọt ô uế như đuôi của một chiến thuyền quỷ dữ. Cái đầu mực kinh tởm cùng mớ xúc tu oằn oại đã tiến gần đến cột buồm mũi của chiếc du thuyền vững chắc, nhưng Johansen vẫn không nao núng mà xông tới.
Có thứ gì vỡ toác như bong bóng bục tung, một mớ lầy nhầy tởm lợm văng tung toé như một con cá thái dương bổ đôi, một mùi hôi thối xộc vào mũi như thể cả ngàn ngôi mộ vừa toang mở, và một âm thanh mà tác giả nhất quyết không ghi lại vang lên. Trong thoáng chốc, con thuyền bị một đám mây cay xè màu xanh lá phủ kín, không thể thấy được gì, và rồi chỉ có duy nhất một bãi bọt độc sủi sùng sục phía sau đuôi thuyền.
Ôi lạy Chúa thiêng liêng! Tại đấy, khối mềm nhoét vương vãi tứ tung của thứ hậu duệ trời cao vô danh kia đang dồn tụ như mây khói, tái tổ hợp thành hình hài đáng ghét ban đầu của mình, trong khi khoảng cách giữa nó và thuyền Alert cứ giãn dần ra theo từng giây khi áp suất hơi nước gia tăng giúp thuyền có thêm sức đẩy.
Toàn bộ nội dung là vậy. Sau đó thì Johansen chỉ nghiền ngẫm bức tượng thờ trong cabin, lo nấu ăn cho bản thân và kẻ điên cứ cười ha hả đi cùng mình. Sau pha bỏ trốn táo bạo đầu tiên, viên thuyền phó không còn buồn điều khiển thuyền nữa, bởi lẽ pha phản công đã tước đi thứ gì đó trong tâm hồn anh ta.
Thế rồi cơn bão ngày 2 tháng Tư ập đến, và tâm trí anh ta như bị mây mù bao phủ. Viên thuyền phó cảm thấy như thể mình đang quay cuồng đầy ma mị qua những vịnh nước vô tận, cưỡi trên đuôi một ngôi sao chổi mà phóng đến chóng cả mặt mày qua những vũ
trụ quay cuồng, điên loạn phi từ dưới hố sâu lên tận mặt trăng rồi lại từ mặt trăng bổ nhào xuống hố. Góp vui cho tất cả là tràng cười ha hả của đám thần thánh cổ xưa, dị dạng đang rất lấy làm khoái trá và lũ tiểu quỷ xanh cánh dơi đầy móc mỉa của Tartarus(1).
(1) Trong thần thoại Hy Lạp, Tartarus là vực sâu thẳm, tối tăm nhất chốn âm giới của thần Hades.
Đang giữa lúc mơ màng, cứu trợ xuất hiện tàu Vigilant, Toà án Bộ Hải quân, đường phố Dunedin, và chuyến hải hành dài trở về ngôi nhà cũ cạnh Egeberg. Anh ta chẳng tài nào tiết lộ sự tình – họ sẽ
nghĩ anh ta là người điên mất. Anh ta sẽ ghi lại những gì mình biết trước khi tử thần đến gõ cửa, nhưng không thể để cô vợ hay biết gì cả. Nếu cái chết mà có thể xoá đi những kí ức thì nó sẽ chẳng khác nào một phước lộc.
Đó là tài liệu tôi đã đọc, và bây giờ thì tôi đặt nó vào trong cái hộp thiếc bên cạnh bức phù điêu cùng chỗ giấy tờ của Giáo sư Angell. Cất kèm vào đấy cũng sẽ là bản thảo này của tôi – bài kiểm tra sự tỉnh táo của chính tôi, bên trong đã xâu chuỗi lại được một điều mà tôi hi vọng sẽ không bao giờ còn được xâu chuỗi lại nữa.
Tôi đã chứng kiến tất cả những nỗi kinh hoàng vũ trụ chứa đựng, và từ đó về sau, ngay cả bầu trời mùa xuân lẫn những bông hoa mùa hè cũng sẽ trở thành thuốc độc đối với tôi. Nhưng tôi không nghĩ mình sẽ sống thọ. Giống như ông chú tôi từng bỏ mạng, giống như Johansen tội nghiệp đã lìa đời, tôi cũng sẽ chết. Tôi đã biết quá nhiều, trong khi giáo phái vẫn còn tồn tại.
Tôi đoán, cả Cthulhu cũng vẫn còn sống nữa, trong cái hang đá từng che chắn cho Hắn từ hồi vầng dương hãy còn trẻ. Thành phố đáng nguyền rủa của Hắn một lần nữa chìm xuống, vì tàu Vigilant đã đi qua chỗ ấy sau trận bão tháng Tư. Nhưng bè lũ tay sai của Hắn trên dương thế vẫn gầm rống, nhảy nhót và giết chóc quanh những khối đá tảng có gắn bức tượng thờ ở trên tại các miền hẻo lánh.
Hắn hẳn đã bị giam cầm bởi vụ chìm kia khi còn đang kẹt trong chốn địa ngục thẳm đen của mình, nếu không thì thế giới bây giờ đã
gào la thảm thiết vì sợ hãi và điên cuồng rồi. Ai mà biết được hồi kết sẽ ra sao? Những gì đã trỗi dậy có thể chìm đi, và những gì đã chìm đi có thể sẽ trỗi dậy.
Tạo vật tởm lợm chờ đợi và mơ màng dưới sâu, điêu tàn lan toả khắp những thành phố chênh vênh của con người. Rồi sẽ đến lúc – nhưng tôi không được phép và không thể nghĩ đến nó!
Tôi xin được cầu nguyện rằng nếu mình qua đời và để lại bản thảo này, những người thi hành di chúc của tôi sẽ hành xử thật thận trọng thay vì liều lĩnh, và đảm bảo rằng không một ai khác được nhìn thấy nó.
Nỗi Kinh Hoàng Tại Dunwich
“Gorgon(1), và Hydra(2), và Chimaera (3) - những câu chuyện tàn khốc về Celaeno và các Harpy (4) - có thể sẽ xuất hiện trong đầu óc của những kẻ mê tín dị đoan - nhưng chúng đã từng ở đó từ trước rồi. Chúng là các bản sao, loại hình - khuôn mẫu đã tồn tại sẵn trong chúng ta, và trường tồn bất diệt. Nếu không thì sao một câu chuyện lại có thể tác động được đến chúng ta, bất chấp khi thức tỉnh, ta biết rõ nó là chuyện bịa? Có phải ta cảm thấy kinh hãi trước những thứ như vậy theo bản năng, tin rằng chúng có thể gây ra thương tổn cho mình không?
Hỡi ôi, không hề đâu! Những nỗi kinh hoàng ấy có tuổi đời cổ hơn. Chúng có từ thời trước khi thân xác tồn tại - hay kể cả nếu không có cơ thể, chúng vẫn sẽ tồn tại như thế.... Việc những nỗi sợ hãi đề cập đến ở đây hoàn toàn mang tính tâm linh thuần tuý, việc chúng càng phi vật thể bao nhiêu thì lại càng mạnh mẽ bấy nhiêu, và việc chúng thống trị cái thuở trứng nước thánh thiện của chúng ta là những khó khăn mà nếu giải quyết được, có thể ta sẽ phần nào hiểu được tình cảnh trước thuở khai thiên lập địa của mình, đồng thời tối thiểu cũng sẽ nhìn thấu được vào trong miền đất tăm tối của thời tiền tồn tại, dù chỉ là cái liếc nhìn thoáng qua.”
- Charles Lamb: "Phù thuỷ và những nỗi sợ hãi khác của màn đêm"
(1) Gorgon: Quái vật trong thần thoại Hy Lạp có tóc là những con rắn độc, bất kì ai nhìn vào sẽ bị biến thành đá.
(2) Hydra: Con mãng xà nhiều đầu trong thần thoại Hy Lạp. Cứ mỗi khi có đầu bị chặt đi, Hydra sẽ mọc lại hai đầu mới.
(3) Chimaera: Quái vật lai giữa sư tử, dê, và rắn trong thần thoại Hy Lạp.
(4) Harpy: Quái vật nửa người và nửa chim trong thần thoại Hy Lạp, hiện thân của gió bão. Celaeno là tên của một Harpy xuất hiện trong thần thoại.
– I –
NẾU DU KHÁCH NÀO Ở MẠN TRUNG BẮC MASSACHUSETTS mà rẽ nhầm đường tại ngã ba của đại lộ Aylesbury, đoạn ngay quá Dean's Corners, họ sẽ đặt chân đến một miền quê hoang vắng và lạ lùng.
Nên đất dâng lên cao hơn, những bức tường đá bị thạch nam phủ quanh càng lúc càng ép sát vào rãnh mòn của con đường bụi bặm và quanh co. Mép rừng thường xuyên xuất hiện, và cây cối trong đấy cứ trông như thể to quá khổ, các chủng cỏ dại cùng bụi gai mang vẻ um tùm vốn ít khi thấy tại các khu vực có người sinh sống. Đồng thời, các cánh đồng được cày cấy cực kì hiếm thấy xuất hiện, và lại còn cằn cỗi đến lạ; trong khi những ngôi nhà phân tán rất thưa mang diện mạo cũ kĩ, dơ dáy, và lụp xụp đồng bộ đến đáng ngạc nhiên.
Chẳng rõ vì sao, ta sẽ ngần ngại không muốn hỏi đường những con người xương xẩu, đơn độc, thi thoảng vẫn dõi mắt nhìn ra từ trên những bậc cửa ọp ẹp hay đồng cỏ dốc, ngổn ngang đá. Những người đó im lìm và trông lấm la lấm lét đến mức ta không khỏi cảm thấy như thể mình đang giáp mặt với điều cấm kị nào đó, tốt nhất không nên dây dưa vào.
Ở những chỗ con đường dâng lên, khiến cho các ngọn núi phía trên khu rừng sâu lọt vào trong tầm mắt, cái cảm giác bất an kì lạ lại tăng thêm. Các đỉnh núi quá tròn và đối xứng, không gợi được cảm giác thoải mái và tự nhiên. Đôi khi hằn in hết sức rõ nét trên nền trời là các vòng tròn kì lạ cấu thành từ những cột đá cao, xuất hiện trên hầu hết các đỉnh núi.
Giao với con đường là bao hẻm cùng khe núi với độ sâu khó vượt, và cây cầu gỗ thô sơ nào trông cũng đều rất đáng ngờ về độ an toàn. Khi con đường lại dốc xuống, những vùng đầm lầy mênh mang trải ra trước mắt, làm ta bất giác thấy không ưa ngay tức thì, và thậm chí còn gần như hãi sợ lúc đêm buông, khi những con chim đớp muỗi chẳng ai thấy bóng ríu rít kháo chuyện nhau và lũ đom đóm túa ra với số lượng nhiều bất thường để nhảy theo cái giai điệu khàn khàn, dai dẳng đến sởn gai ốc của đám ễnh ương cứ nheo nhéo cất giọng. Đường nét mảnh mai, loang loáng của vùng thượng lưu sông Miskatonic trông giống mãng xà đến lạ khi nó uốn mình chảy gần chân những quả đồi hình vòm vây xung quanh.
Khi những ngọn đồi đến gần hơn, ta sẽ để ý đến các bên sườn đầy cây rừng nhiều hơn là phần đỉnh có đá dựng. Những bên sườn đó lù lù xuất hiện đầy tăm tối và cheo leo, đến nỗi ai cũng chỉ muốn tránh thật xa, nhưng không có tuyến đường nào cho phép ta trốn được khỏi chúng.
Ở đầu bên kia cây cầu có mái che, ta có thể thấy một ngôi làng nhỏ nằm giữa dòng suối và sườn dốc thẳng đứng của núi Round, lấy làm lạ trước cụm mái nhà hai mảng mục nát, cho thấy kiến trúc nơi đây bắt nguồn từ một thời kì xưa hơn khu vực lân cận. Thật chẳng mấy vững dạ khi nếu quan sát kĩ hơn, ta sẽ thấy hầu hết các ngôi nhà đều đã bị bỏ không và hoang phế, nhà thờ với tháp chuông đổ nát giờ đây là chốn ngự của một cửa hàng lôi thôi và cũng là duy nhất trong ấp.
Chẳng ai dám tin tưởng cái đường hầm tù mù của cây cầu, ấy nhưng không có cách nào để tránh nó hết. Một khi đã đi qua cầu, ta sẽ khó mà không ngửi thấy một mùi ô uế đầy tởm lợm phảng phất quanh đường làng, như thế mùi hương nấm mốc và mục ruỗng dồn
tụ lại suốt bao thế kỉ. Ai cũng nhẹ cả người khi được rời khỏi nơi này, men theo con đường hẹp quanh chân các ngọn đồi và băng qua vùng đồng quê bằng phẳng đằng sau nó cho tới khi về lại đại lộ Aylesbury. Sau đó, ta đôi khi được biết rằng mình vừa mới đi qua Dunwich.
Người ngoài hạn chế ghé thăm Dunwich hết mức có thế, và sau cái lần một chuyện khủng khiếp nào đó xảy ra, tất cả các biển hiệu chỉ hướng về nơi này đều đã bị gỡ xuống. Nếu nhìn nhận dưới bất cứ tiêu chuẩn thẩm mĩ thông thường nào, phong cảnh nơi đây đẹp đến khác lạ; nhưng giới hoạ sĩ hoặc du khách dịp hè lại không ồ ạt đổ về đây.
Hai thế kỉ trước, khi các câu chuyện về máu phù thuỷ, thờ phụng quỷ Satan, và những sự hiện diện kì lạ trong rừng hãy còn không bị cười nhạo, thiên hạ có tục nêu ra lí do để tránh khu ấy. Trong thời đại có nhận thức khôn ngoan của chúng ta bởi vì vụ việc kinh hoàng tại Dunwich hồi năm 1928 đã được những người muốn tốt cho thị trấn cũng như thế giới ém nhẹm đi – ai nấy đều xa lánh nơi này mà chẳng biết chính xác tại sao.
Có lẽ một lí do tiềm tàng – mặc dù chẳng thể gán lí do ấy cho những người lạ không hay biết gì hết – là đám dân bản địa hiện suy đồi đến phát tởm, đã tiến quá xa trên con đường phát triển thụt lùi vẫn hay thấy ở nhiều vùng quê tù túng tại New England. Họ đã tự mình hình thành một chủng tộc riêng, với những đặc điểm hết sức rõ rệt của sự thoái hoá và sinh sản cận huyết, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Mức độ thông minh trung bình của họ thấp thảm hại, trong khi lịch sử của họ đầy rẫy những câu chuyện dã man không chút úp mở cùng các vụ giết người, loạn luân, những hành động bạo tàn và suy đồi gần như không thể nêu danh chỉ được che đậy nửa vời. Giới tiểu quý tộc cổ, đại diện cho hai hoặc ba gia đình thân sĩ đã từ Salem đến đây hồi năm 1692, phần nào đỡ điêu tàn hơn đám quần chúng; mặc dù nhiều gia đình nhánh đã suy thoái, lún sâu vào trong đám dân bần tiện đến nỗi họ chỉ còn mỗi cái tên để cho thấy mình sa ngã từ đâu. Một số thành viên gia tộc Whateley và Bishop vẫn gửi con
trai lớn của họ đến Harvard và Miskatonic, mặc dù những người con trai đó hiếm khi quay trở lại sống dưới những mái nhà hai mảng đổ nát, nơi họ và tổ tiên của họ được sinh ra.
Không ai, kể cả những người biết sự thật về câu chuyện kinh hoàng vừa xảy ra gần đây, có thể xác định được cụ thể vấn đề của Dunwich; dẫu cho các truyền thuyết xưa có nhắc đến những nghi lễ và các buổi mật nghị báng bổ thánh thần của đám thổ dân da đỏ, nơi chúng triệu hồi những dạng hình hắc ám đấy cấm kị từ trong những quả đồi tròn khổng lồ, và thực hiện những lời cầu nguyện trác táng đầy hoang dại, với lời đáp được nhận lại là những tiếng nứt răng rắc và ầm ầm ồn ã vọng lên từ bên dưới lòng đất.
Vào năm 1747, Đức Cha Abijah Hoadley, linh mục mới đến nhà thờ Công giáo tại làng Dunwich, đã có một bài giảng đáng nhớ về sự hiện diện cận kề của Satan và lũ quỷ của hắn:
“Cần phải công nhận một điều là ai ai cũng đã biết về những hành động báng bổ của lũ quái vật đến từ ngục giới, không thể phủ nhận được gì nữa. Giọng lưỡi bị nguyền rủa của Azazel(1) và Buzrael(2), của Beelzebub(3) và Belial(4) từ dưới mặt đất được hàng chục nhân chứng đáng tin cậy trên dương thế nghe thấy, họ nay vẫn còn sống.
Cách đây không quá hai tuần, bản thân ta cũng đã nghe được rất rõ ràng một cuộc chuyện trò giữa những thế lực xấu xa ở ngọn đồi phía sau nhà mình. Hàng loạt những tiếng rầm rầm và lăn lộn, rên rỉ, nghiến ken két, và rít xì xì, các thanh âm mà không tạo vật nào trên cõi đời này có thể phát ra, và chúng hẳn phải bắt nguồn từ những hang động mà chỉ ma thuật hắc ám mới có thể khám phá ra, và chỉ ác quỷ mới có thể mở khoá.”
(1) Một Thiên thần sa ngã, kẻ đã cho con người biết các kiến thức cấm kị. (2) Một thuật ngữ do H. P. Lovecraft tự sáng tạo ra để chỉ quỷ.
(3) Trong các tài liệu thần học, chủ yếu là Cơ Đốc giáo, Beelzebub đôi khi là một tên gọi khác của quỷ, tương tự như Satan. Beelzebub được biết đến trong quỷ học là một trong bảy hoàng tử của Địa ngục.
(4) Thuật ngữ chỉ ác quỷ trong các tài liệu Do Thái và Cơ Đốc giáo.
Cha Hoadley biến mất ngay sau khi đưa ra bài giảng này; nhưng vì được in ở Springfield, nội dung bài giảng vẫn còn tồn tại. Hết năm này sang năm khác, người ta luôn báo lại rằng những tiếng ồn vẫn cứ tiếp tục xuất hiện trên các ngọn đồi, và chúng vẫn là một bài
toán hóc búa đối với các nhà địa chất và địa văn học.
Một số truyền thuyết khác thuật lại rằng có mùi hôi thối bốc ra gần các vòng tròn đá trên đỉnh đồi, và có thể loáng thoáng nghe thấy tiếng những thực thể hư vô lướt vù vù qua vào một số giờ nhất định, văng vẳng vọng đến từ các điểm đã định ở dưới đáy các khe núi lớn. Trong khi vài truyền thuyết khác cố gắng lí giải Devil's Hop Yard – một sườn đồi hoang vắng, tàn rụi, nơi không cây cối, bụi rậm, hay cọng cỏ nào mọc lên được.
Bên cạnh đó, dân bản địa cũng sợ chết khiếp đám chim đớp muỗi với số lượng đông vô kể, cất giọng rất ồn ã trong những đêm ấm áp. Người ta thề rằng lũ chim ấy là những kẻ hộ tống của âm thế, nằm chờ chực linh hồn của những người sắp chết, và chúng căn tiếng hót kì lạ của mình với hơi thở nặng nhọc của người hấp hối. Nếu có thể bắt được linh hồn thoát li trong lúc nó rời khỏi cơ thể, chim đớp muỗi sẽ lập tức bay đi, ríu rít cười cợt đầy ác hiểm; nhưng nếu thất bại, chúng sẽ dần dần chìm vào sự im lặng đầy thất vọng.
Tất nhiên, những câu chuyện này nay đã lỗi thời và lố bịch; bởi chúng được truyền lại từ thời rất xa xưa. Dunwich thực sự cổ xưa ngoài sức tưởng tượng – cổ hơn bất kì cộng đồng nào trong phạm vi gần năm mươi cây số quanh nó. Ở phía Nam ngôi làng, ta vẫn có thể quan sát được các bức tường hầm và ống khói của nhà gia tộc Bishop cổ, xây dựng trước năm 1700. Gần chỗ thác nước, những tàn tích của mấy nhà máy được xây dựng vào năm 1806 là công trình kiến trúc hiện đại nhất mà ta có thể nhìn thấy.
Công nghiệp không phát triển mạnh ở đây, và phong trào phát triển nhà máy xí nghiệp giai đoạn thế kỉ mười chín cũng chỉ sớm nở chóng tàn. Lâu đời nhất trong số đó là các vòng tròn lớn cấu thành từ những cột đá thô nhám trên đỉnh đồi, nhưng chúng thường được cho là do thổ dân da đỏ dựng lên chứ không phải dân đến định cư.
Những chỗ chôn hộp sọ và xương xẩu được tìm thấy trong các vòng tròn này cũng như xung quanh các tảng đá lớn giống như bàn thờ trên đồi Sentinel càng giúp củng cố điều thiên hạ thường vẫn nghĩ, rằng những chốn đó từng là nghĩa trang của bộ lạc Pocomtuc(1); mặc dù nhiều nhà dân tộc học vẫn dứt khoát tin rằng chúng là hài cốt của người da trắng, bất chấp việc giả thuyết ấy cực kì khó xảy ra.
(1) Một bộ lạc thổ dân da đỏ lớn từng sống ở các khu vực phía tây của Massachusetts ngày nay.
– II –
TẠI TỈNH LỊ DUNWICH, TRONG MỘT NÔNG TRẠI LỚN và neo người sinh sống được xây dựng trên sườn đồi cách ngôi làng hơn sáu cây số và xa gần hai cây số rưỡi với bất kì chốn có người cư ngụ nào khác, Wilbur Whateley được sinh ra vào năm giờ sáng Chủ Nhật, mùng 2 tháng Hai, 1913. Cái ngày ấy được ghi nhớ bởi lẽ nó rơi vào dịp Lễ Nến(2), mặc dù lạ một điều là người ở Dunwich lại kỉ niệm ngày lễ ấy dưới một tên khác; cũng bởi vì suốt đêm hôm trước, đủ thứ tiếng ồn ã đã rộ lên trên các quả đồi, và tất cả những con chó của miền đồng quê này cứ sủa liên hồi.
(2) Một ngày lễ thánh của Cơ Đốc giáo, được mừng vào ngày thứ 40 sau lễ Giáng Sinh, kỉ niệm ngày Chúa Jesus được dâng vào Đền Thờ Thánh.
Ít đáng chú ý hơn là việc người mẹ thuộc nhánh gia tộc Whateley đã suy thoái, một người phụ nữ bạch tạng ba mươi lăm tuổi, hơi dị dạng, không mấy xinh đẹp, sống với người cha già và nửa điên nửa khùng. Hồi người cha còn trẻ, thiên hạ đã nhỏ to đồn đại những câu chuyện hết sức đáng sợ về việc lão có dính dáng đến các trò ma pháp phù thuỷ.
Không ai biết chồng Lavinia Whateley là ai, nhưng theo phong tục của khu vực, cô ta không hề chối bỏ con mình; đám dân quê kia thích đoán già đoán non thế nào về phần bên nhà nội đứa trẻ thì
tuỳ, và quả đúng là họ đã làm vậy. Ngược lại là đằng khác, Lavinia có vẻ tự hào một cách kì lạ về đứa con đen đúa, trông cứ như dê, tương phản hoàn toàn với diện mạo bạch tạng ốm yếu và mắt hồng của mình. Thiên hạ nghe thấy cô ta lẩm bẩm nhiều lời tiên tri kì lạ về sức mạnh khác thường cũng như tương lai vĩ đại của nó.
Lavinia lẩm bẩm như vậy cũng chẳng có gì là lạ, bởi cô ta là một người lẻ loi, hay đi lang thang giữa những cơn giông bão trên đồi và cố gắng đọc mấy cuốn sách hăng hắc dày cộp mà cha mình được thừa kế, chúng cũ kĩ và đã bị mọt gặm lỗ chỗ đến mức rất dễ dàng bung hết ra. Những cuốn sách ấy được lưu truyền trong nhà Whateley này suốt hai thế kỉ nay.
Cô ta chưa bao giờ đến trường lớp nào, mà chỉ được tiêm nhiễm những giai thoại truyền thuyết cổ xưa rời rạc do lão Whateley già dạy. Cái nông trại xa xôi ấy luôn bị người đời hãi sợ bởi lẽ lão Whateley già vốn khét tiếng biết sử dụng ma thuật hắc ám, và cái chết do bạo lực đầy bí hiểm của bà Whateley hồi Lavinia mười hai tuổi càng không giúp cải thiện danh tiếng nơi đó.
Vì bị cô lập giữa những ảnh hưởng kì lạ, Lavinia rất thích mơ mộng về những thứ hoang dại và lớn lao, làm những chuyện dị thường. Trong một ngôi nhà từ lâu đã không còn bất cứ tiêu chuẩn nào về nền nếp ngăn nắp hay sạch sẽ nữa, cô ta cũng chẳng phải tốn quá nhiều thời gian chăm lo nhà cửa.
Vào cái đêm Wilbur được sinh ra, có một tiếng gào thét đáng ghê tởm vang vọng khắp nơi, át đi cả những âm thanh huyên náo trên đồi và tiếng chó sủa, nhưng không có bác sĩ hay bà đỡ nào ở bên khi thằng bé chào đời. Hàng xóm láng giềng chẳng hay biết gì về
đứa trẻ cho đến tận một tuần sau, khi lão Whateley già lái chiếc xe trượt của mình qua tuyết vào làng Dunwich và nói năng huyên thuyên với đám vô công rồi nghề tại tiệm bách hoá Osborn.
Lão dường như đã thay đổi – bộ não lú lẫn mang thêm nét gì đó đầy lén lút, ngầm biến lão từ một kẻ đáng sợ thành một kẻ hãi sợ – mặc dù lão vốn không phải là kiểu người dễ rúng động trước các sự kiện gia đình thông thường, bất kể đó có là gì. Trong lúc nói chuyện, lão
phần nào để lộ ra vẻ tự hào mà về sau người ta thấy con gái của lão cũng thể hiện, và đến cả bao năm sau, nhiều thính giả của lão vẫn nhớ những gì lão nói về cha của đứa trẻ.
“Tao không quan tâm thiên hạ nghĩ gì – nếu thằng cu của Lavinny mà trông hệt như ba nó, thằng nhỏ sẽ chẳng giống những gì tụi bây kì vọng chút nào đâu. Tụi bây chớ nghĩ dân quanh đây là những người duy nhất tồn tại trên đời. Lavinny đã đọc này đọc nọ, nhìn thấy những điều mà hầu hết tụi bây mới chỉ nghe kể đến. Tao tính chồng nó tử tế chẳng kém cạnh gì ai mà tụi bây có thể tìm được ở mạn này của Aylesbury đâu. Nếu tụi bây biết nhiều về những ngọn đồi như tao, tụi bây sẽ chẳng đòi hỏi một đám cưới nhà thờ nào tử tế hơn đám của nó đâu. Để tao cho tụi bây biết điều này – một ngày nào đó đám tụi bây sẽ nghe thấy một đứa con của Lavinny gọi tên cha nó trên đỉnh đồi Sentinel!”
Những người duy nhất nhìn thấy Wilbur trong tháng đầu đời của thằng bé là ông Zechariah Whateley già, bên nhánh gia tộc Whateley chưa lụi tàn, và Mamie Bishop. người vợ không hôn lễ của Earl Sawyer. Thật tình mà nói, Mamie ghé thăm chỉ vì tò mò, và những câu chuyện sau này bà ta kể lại cho thấy bà ta rất có mắt quan sát.
Nhưng Zechariah đến để dẫn theo cặp bò Alderney mà lão Whateley già đã mua từ cậu con trai Curtis của ông ta. Vụ việc này là mốc khởi điểm của quá trình mua gia súc do gia đình nhỏ của Wilbur thực hiện, và nó chỉ kết thúc vào năm 1928, khi sự kiện kinh hoàng tại Dunwich đã xảy ra và chấm dứt; ấy nhưng cái chuồng trại xiêu vẹo của nhà Whateley chẳng bao giờ trông có vẻ đông đúc gia súc.
Từng có một thời thiên hạ tò mò đến nỗi lén lại gần và đếm đàn gia súc gặm cỏ tại vị trí đầy chênh vênh trên sườn đồi dốc phía trên cái nông trại cũ, nhưng họ chẳng bao giờ thấy được nổi hơn mười hay mười hai con thú nhợt nhạt, nhìn thiếu máu. Rõ ràng là một chứng
bệnh hay đau ốm gì đó, có khả năng khởi nguồn từ đồng cỏ thiếu vệ sinh hay nấm mốc bệnh và gỗ của cái chuồng bẩn thỉu, đã khiến cho lũ động vật nhà Whateley chết hàng loạt.
Đám gia súc dân tình quan sát được xem chừng mang trên mình những vết thương hoặc vết loét kì lạ, trông có vẻ hơi giống các vết rạch; và một hay hai lần gì đó trong những tháng đầu, một số người ghé thăm cứ đinh ninh mình có thể trông thấy những vết loét tương tự quanh cổ họng lão già tóc bạc, râu ria xồm xoàm và cô con gái bạch tạng bẩn thỉu, tóc xù của lão.
Vào mùa xuân sau khi Wilbur chào đời, Lavinia lại tiếp tục lảm nhảm trên những ngọn đồi như thường lệ, bồng đứa trẻ đen đúa trên đôi tay quá khổ của mình. Mối quan tâm của thiên hạ đến gia đình Whateley bắt đầu lắng xuống sau khi hầu hết đám dân quê ấy đã nhìn thấy đứa bé, và không ai buồn bình phẩm về quá trình lớn thần tốc như diễn ra theo từng ngày của nó.
Sự phát triển của Wilbur thực sự rất phi thường, bởi lẽ nội trong vòng ba tháng sau khi sinh, thằng nhóc đã sở hữu kích thước và sức mạnh cơ bắp hiếm đứa bé dưới một tuổi nào nắm giữ. Các chuyển động và thậm chí là cả thanh giọng của nó mang một nét thận trọng và khoan thai hết sức lạ kì đối với trẻ sơ sinh. Chẳng ai thực sự lấy làm bất ngờ khi lúc bảy tháng tuổi, Wilbur đã bắt đầu loạng choạng biết đi mà không cần ai giúp đỡ, và thêm một tháng nữa thì nó đi vững vàng hẳn.
Sau đó ít lâu – vào dịp Halloween – người ta trông thấy một ngọn lửa lớn xuất hiện trên đỉnh đồi Sentinel vào lúc nửa đêm, nơi có hòn đá cổ với hình dáng hệt như cái bàn nằm giữa nấm mồ chôn mớ xương cốt xưa cũ của nó. Thiên hạ rộ lên bàn tán xôn xao khi Silas Bishop – thuộc nhánh gia tộc Bishop chưa suy thoái – nói rằng anh ta đã nhìn thấy thằng bé Wilbur chạy phăm phăm trước mẹ mình trên ngọn đồi khoảng một giờ trước khi ngọn lửa xuất hiện trong tầm mắt.
Silas bấy giờ đang lùa một con bò cái đi lạc đàn, nhưng anh ta thiếu chút nữa thì quên bẵng nhiệm vụ của mình khi thoáng thấy hai nhân vật kia trong ánh sáng tù mù của ngọn đèn lồng. Hai mẹ con nhà kia
phóng qua các bụi cây gần như êm ru, và người theo dõi đầy sửng sốt có cảm tưởng như họ hoàn toàn không mặc chút quần áo nào. Về sau thì anh ta không thể nhớ chắc được về thằng bé nữa. Có khả
năng lúc bấy giờ, nó đeo một chiếc thắt lưng tua rua và mặc quần cộc tối màu gì đó.
Từ đấy về sau, trong suốt quãng thời gian Wilbur sống trên đời, chẳng một ai còn thấy thằng bé trong tình trạng thiếu thốn phục trang hay ăn mặc không chỉnh tề. Nếu áo quần mà có bị xộc xệch hay có khả năng sẽ bị xộc xệch, thằng bé sẽ luôn trở nên tức giận và hoảng hốt. Riêng về khoản này thì nó trái ngược hẳn với người mẹ cùng lão ông dơ dáy của nó, và dân tình thấy đây là một điểm rất lạ, cho đến khi họ được sự kiện đầy ác mộng năm 1928 cung cấp những nguyên do cực kì chí lí.
Tháng Một năm sau, thiên hạ lại rộ lên bàn tán khá xôm về việc “thằng cu đen nhẻm của Lavinny” đã bắt đầu biết nói, trong khi tuổi đời mới chỉ mười một tháng. Phong thái nói năng của đứa trẻ cũng ít nhiều đáng chú ý, bởi lẽ nó không chỉ khác với chất giọng phổ thông của miền đấy mà còn không mắc phải cái kiểu ngọng nghịu của bọn trẻ sơ sinh. Ngay cả trẻ con ba hay bốn tuổi mà làm được như vậy thì cũng đáng tự hào lắm rồi.
Thằng bé không nói nhiều, nhưng mỗi khi mở miệng, nó dường như luôn bộc lộ tố chất bí hiểm nào đó mà Dunwich và các cư dân vùng này không hề sở hữu. Sự kì lạ không nằm ở nội dung những điều nó
nói, hoặc thậm chí trong những câu thành ngữ đơn giản nó sử dụng; mà xem chừng liên quan đến ngữ điệu hay các cơ quan nội tạng phát ra tiếng nói của nó.
Các đường nét trên mặt nó trông cũng già dặn đến lạ. Mặc dù nó cũng có một cái cằm lẹm như mẹ và ông mình, chiếc mũi mạnh mẽ và trưởng thành trước tuổi cùng nét biểu cảm trong cặp mắt to, đen sẫm, gần giống mắt dân Latinh của thằng bé tạo cho nó một vẻ hao hao người lớn và gần như thông minh siêu việt.
Tuy nhiên, bất chấp diện mạo tài ba của mình, nó vẫn cực kì xấu xí. Đôi môi dày, làn da vàng vọt với các lỗ chân lông to, mái tóc quăn thô nhám, cùng cặp tai dài khác thường trông cứ na ná dê hoặc thú vật. Chẳng bao lâu sau, thằng bé thậm chí còn bị ghét hơn cả mẹ và ông mình.
Mọi phỏng đoán xoay quanh nó đều được thêm mắm dặm muối với những câu chuyện về thứ ma thuật xa xưa mà lão Whateley già sử dụng, và cách những ngọn đồi từng có lần rung chuyển lúc lão rú lên cái tên Yog-Sothoth đáng sợ giữa một vòng tròn đá, trước mặt lão là một cuốn sách khổng lồ để mở trên tay. Lũ chó ghê tởm thằng bé, và nó luôn phải tìm đủ cách phòng vệ trước tiếng sủa của chúng.
– III –
TRONG KHI ẤY, LÃO WHATELEY GIÀ VẪN TIẾP TỤC MUA gia súc, dù rằng số lượng vật nuôi của lão không tăng thêm mấy. Lão cũng đốn gỗ và bắt đầu sửa chữa những khu không ai dùng trong nhà mình –
một ngôi nhà rộng rãi, mái nhọn, với chái phía sau bị xây thụt hẳn vào bên trong sườn đồi rải rác đá. Từ trước đến nay, lão và con gái vốn chỉ dùng ba phòng ít hư hại nhất ở tầng trệt mà thôi.
Lão già hẳn phải sở hữu một sức mạnh phi thường thì mới có thể cáng đáng được nhiều công việc lao động cực nhọc nhường ấy. Dù đôi lúc lão vẫn lải nhải như người mất trí, song công cuộc sửa sang nhà cửa của lão cho thấy lão xem chừng đã lường trước tính sau rất kĩ lưỡng. Công việc này bắt đầu ngay từ khi Wilbur ra đời, lúc một trong nhiều nhà kho dụng cụ đột nhiên được sắp xếp lại rất ngăn nắp, đóng ván che, và trang bị một ổ khoá kiên cố mới tinh.
Giờ đây, quá trình khôi phục lại khu tầng trên bị bỏ không của ngôi nhà cũng được lão già tiến hành cẩn thận chẳng kém. Lão chỉ bộc lộ cái chất gàn dở của mình khi đóng ván che kín mít tất cả các cửa sổ trong khu mới sửa – dẫu nhiều người bảo riêng việc phí công sửa lại khu ấy cũng đã đủ điên rồi. Bớt khó hiểu hơn là việc lão sửa lại một phòng khác ở dưới tầng cho đứa cháu trai của mình – vài người khách ghé thăm đã nhìn thấy căn phòng đó, dù không ai được cho lên khu tầng trên đóng ván.
Bên trong căn phòng này, lão đóng đẩy các kệ cao và chắc chắn; rồi lão bắt đầu xếp dần lên đấy tất cả những cuốn sách cổ mục nát cùng mấy tựa sách lẻ, hồi trước vốn bị lão chất đống bừa bãi ở đủ các góc phòng khác nhau, theo kiểu xem chừng rất quy củ.
“Tao có dùng đến chúng chút ít,” lão luôn nói vậy trong lúc loay hoay tìm cách dán một trang văn tự cổ bị rách bằng thứ hồ tự chế trên cái bếp lò gỉ sét, “nhưng thằng nhỏ rồi sẽ sử dụng được chúng hữu hiệu hơn. Cần phải sắp xếp ngăn nắp hết mức có thể cho thằng nhỏ, bởi tất cả những gì nó được học sẽ đều từ đấy mà ra cả.”
Khi Wilbur được mười chín tháng tuổi – vào tháng Chín năm 1914 – vóc dáng cũng như những gì thằng nhóc làm được đã lên đến ngưỡng đáng lo ngại. Nó lớn ngang một đứa trẻ bốn tuổi, đồng thời còn biết ăn nói rất trôi chảy và cực kì thông minh. Nó tự tung tự tác chạy rong trên khắp mọi cánh đồng và các quả đồi, luôn bám theo mẹ mình mỗi lần cô ta đi lang thang.
Lúc ở nhà, thằng bé sẽ cần mẫn xem những bức tranh và biểu đồ kì quái trong sách của ông mình, còn lão Whateley già hướng dẫn và giáo huấn nó suốt những buổi chiều dài và im ắng. Lúc này thì công cuộc sửa sang lại ngôi nhà đã hoàn tất, và ai nhìn vào cũng đều băn khoăn không hiểu tại sao một trong những cửa số tắng trên lại bị đóng thành cánh cửa gỗ cứng.
Đó là một cửa sổ ở phía sau đầu hồi đằng Đông, sát với ngọn đồi; và không ai mường tượng ra nổi tại sao ông lão lại xây thêm một đường lăn gỗ móc cọc chằng, dẫn từ mặt đất lên cái cửa đó. Vào khoảng giai đoạn công việc tu sửa được hoàn thiện, dân tình nhận thấy rằng cái kho dụng cụ cũ, vốn bị khoá chặt và bít kín cửa sổ kể từ khi Wilbur ra đời đến nay, đã lại bị bỏ không.
Cánh cửa đong đưa đầy bơ phờ, để mở toang hoang, và có một lần, khi Earl Sawyer bước vào trong đấy sau khi đến nhà bán gia súc cho lão Whateley già, gã choáng váng cả người trước cái mùi hôi thối dị thường mà mình đụng phải – gã khẳng định rằng trước giờ gã mới chỉ ngửi thấy cái mùi như thế ở gắn mấy vòng tròn của đám thổ dân da đỏ trên các ngọn đồi, và nó dứt khoát không thể bốc ra từ bất cứ
thứ gì lành mạnh hay tồn tại trên cõi đời này. Nhưng xét cho cùng, nhà cửa và kho lán của dân Dunwich vốn cũng chẳng nức tiếng thơm tho gì cho cam.
Những tháng tiếp theo không có sự kiện nào đáng chú ý cả, ngoại trừ việc tất cả mọi người đều thề rằng những tiếng ồn bí ẩn trên đồi đã gia tăng, chậm rãi nhưng đều đặn. Vào Đêm Thánh Walpurgis(1) năm 1915, xuất hiện những cơn rung chấn mà ngay cả người dân Aylesbury cũng cảm nhận được, còn Halloween năm sau thì xuất hiện những tiếng ầm ầm dưới lòng đất, trùng khớp đến lạ với những ngọn lửa bùng lên – “trò phù thuỷ do đám nhà Whateley làm đấy” – trên đỉnh đồi Sentinel.
(1) Đêm trước ngày lễ tưởng niệm của Thánh Walpurgis (1/5)
Wilbur cứ lớn lên theo một kiểu rất bất thường, khiến nó trông như một đứa bé mười tuổi khi mới sang năm tuổi thứ tư. Bây giờ nó tự đọc hau háu; nhưng ít nói hơn hẳn so với trước đây. Một bản tính trầm mặc đầy chín chắn xâm chiếm lấy nó, và lần đầu tiên thiên hạ bắt đầu bàn tán hẳn hoi về cái vẻ tàn ác đang dần xuất hiện trên khuôn mặt như dê của thằng nhóc.
Đôi khi nó sẽ lẩm bẩm một thuật ngữ lạ và tụng những vần vè kì quái, khiến một nỗi kinh hoàng không thể lí giải được dấy lên trong lòng người nghe, làm họ không khỏi ớn lạnh. Sự thù ghét của lũ chó đối với thằng bé giờ đã nghiêm trọng hết sức, và nó buộc phải mang theo một khẩu súng lục thì mới có thể được an toàn mỗi khi đi đây đi đó trên miền quê này. Việc thằng nhóc thỉnh thoảng vẫn phải sử dụng món vũ khí của mình khiến nó chẳng được giới chủ chó quý mến gì.
Những vị khách ít ỏi tại ngôi nhà ấy thường sẽ thấy Lavinia thui thủi một mình ở tầng trệt, trong khi những tiếng kêu la và tiếng bước chân kì lạ cứ vang lên trong cái tầng hai bị đóng ván bít kín. Cô ta chẳng bao giờ chịu tiết lộ cha và con mình đang làm gì ở trên đó, mặc dù đã có một lần, cô ta tái nhợt và lộ vẻ sợ hãi bất thường khi một người bán cá đùa giỡn thử mở cánh cửa dẫn lên cầu thang, lúc ấy đang được khoá chặt.
Người bán hàng nói với đám vô công rồi nghề chỗ cửa tiệm của làng Dunwich rằng ông ta chắc chắn đã nghe thấy tiếng một con ngựa giẫm đạp ở tầng trên. Đám vô công rồi nghề đăm chiêu ngẫm ngợi, nghĩ về cánh cửa và đường lăn, và về những con gia súc nhoằng một cái đã biến mất.
Thế rồi họ rùng mình khi nhớ lại những giai thoại về lão Whateley già hồi lão còn trẻ, và về những tạo vật kì lạ được triệu hồi lên từ bên dưới lòng đất nếu đem hiến tế một con bò thiến cho một số đấng thánh thần tà giáo nào đấy vào đúng thời điểm thích hợp. Được một thời gian, thiên hạ để ý thấy rằng lũ chó bắt đầu căm ghét và hãi sợ toàn bộ ngôi nhà của đám Whateley dữ dội chẳng kém gì thái độ của chúng với thằng bé Wilbur.
Năm 1917, chiến tranh bùng nổ, và điền chủ Sawyer Whateley, với tư cách là chủ tịch hội đồng quân dịch địa phương, phải rất chật vật tìm sao cho đạt số lượng trai tráng Dunwich đủ khoẻ mạnh để gửi đến trại huấn luyện. Lấy làm lo lắng trước những dấu hiệu cho thấy nguyên cả một vùng đã trở nên thoái hoá, chính phủ cắt cử một số sĩ quan và chuyên gia y tế đến để điều tra; triển khai một cuộc khảo sát mà các độc giả báo chí vùng New England hẳn vẫn còn nhớ.
Chính nhờ sự đình đám của cuộc điều tra này mà giới phóng viên mới biết đến gia đình nhà Whateley, và khiến tờ Boston Globe cũng như Arkham Advertiser đăng tải những bài báo Chủ Nhật cường điệu về sự phát triển thần tốc của thằng bé Wilbur, ma thuật hắc ám của lão Whateley già, những gian kệ chứa đầy các cuốn sách kì lạ, khu tầng hai bị bít kín của nông trại cổ, và sự kì lạ của cả cái miền này cũng như những tiếng ồn trên các ngọn đồi nơi đây. Wilbur hồi ấy bốn tuổi rưỡi, và trông như một thanh niên mười lăm tuổi. Môi và má nó phủ một lớp râu lơ thơ thô sẫm màu, và giọng thì đã bắt đầu vỡ.
Earl Sawyer đến nhà của gia đình Whateley cùng với hai nhóm phóng viên và phó nháy, và bảo họ hãy để ý đến cái mùi xú uế kì quái mà lúc bấy giờ dường như toả xuống từ khu tầng trên kín mít. Gã nói nó giống hệt cái mùi gã từng thấy xuất hiện trong kho dụng cụ bị bỏ không lúc ngôi nhà cuối cùng cũng được sửa xong; và nó
tương tự mấy cái hương phảng phất gã chắc chắn bản thân đôi khi vẫn ngửi thấy gần những vòng tròn đá trên núi.
Dân làng Dunwich đọc các bài báo khi chúng được đăng, và cười bò trước những sai lầm đầy hiển nhiên. Họ cũng không hiểu tại sao tác giả các bài báo lại cứ quan trọng hoá việc lão Whateley già luôn trả tiền cho đám gia súc bằng những đồng vàng có niên đại vô cùng cổ xưa. Gia đình Whateley đã tiếp đón các vị khách với thái độ khó chịu
không buồn giấu giếm, mặc dù họ không dám làm mọi chuyện thêm rùm beng bằng cách dùng bạo lực chống đối hay từ chối nói chuyện.
– IV –
TRONG SUỐT MỘT THẬP KỈ LIỀN, CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA gia đình Whateley chìm biến vào cuộc sống thường nhật của một cộng đồng bệnh hoạn vốn đã quá quen với các lề thói kì quái của nhà này và chai sạn trước những cuộc truy hoan trong Đêm Thánh Walpurgis và Halloween của họ. Mỗi năm hai lần, họ lại đốt lửa trên đỉnh đồi Sentinel, và vào những dịp ấy, núi sẽ lại ầm ầm rung chuyển với cường độ ngày một dữ dội hơn. Quanh năm suốt tháng, tại cái nông trại lẻ loi kia luôn có những chuyện kì lạ và đáng quan ngại diễn ra.
Trong quãng thời gian này, những người ghé thăm nhà họ đều nói là mình nghe thấy có âm thanh phát ra từ khu tầng trên đã niêm kín, ngay cả khi toàn bộ gia đình đều đang ở dưới tầng, và họ băn khoăn tự hỏi đám bò thường hay bị mổ thịt hiến tế một cách nhanh chóng hay lâu la. Người ta từng bàn tính sẽ khiếu nại với Hiệp hội Bảo vệ Động vật; nhưng rốt cuộc cũng chẳng đi đến đâu cả, vì dân làng Dunwich chẳng hào hứng gì với việc bị thế giới bên ngoài nhòm ngó.
Vào khoảng năm 1923, khi Wilbur đã lên mười và sở hữu khối óc, giọng nói, vóc dáng, cùng bản mặt râu ria lởm chởm của một người trưởng thành, ngôi nhà cổ lại được trùng tu sang sửa. Tất cả đều diễn ra bên trong khu tầng trên bị niêm kín, và dựa trên những mảnh gỗ vụn bị vứt bỏ, dân tình kết luận rằng thằng bé và ông của
nó đã đập hết tất cả các tường ngăn và thậm chí còn gỡ bỏ sàn tầng áp mái, chỉ để lại một khoảng trống lớn giữa tầng trệt và cái mái nhọn.
Họ cũng phá bỏ ống khói lớn ở giữa nhà, và gắn cho cái lò bếp gỉ sét một ống nung thiếc tồi tàn bên ngoài nhà. Vào mùa xuân sau khi chuyện ấy xảy ra, lão Whateley già nhận thấy ngày càng có nhiều chim đớp muỗi bay từ thung lũng Cold Spring đến để hót líu lo dưới cửa sổ phòng mình vào ban đêm. Lão coi đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, và nói với đám vô công rồi nghề tại tiệm Osborn rằng lão nghĩ số mình sắp tận rồi.
“Tụi nó giờ bỡn cợt hót theo nhịp thở của tao rùi. Tao đoán tụi này đang chuẩn bị tóm lấy linh hồn tao. Chúng biết nó sắp sửa thoát li rùi, và không định bỏ lỡ nó đâu. Sau khi tao chết, tụi bây sẽ biết chúng có túm được tao hay không. Nếu túm được thật, chúng sẽ ca hát và cười cợt cho tới bình minh. Nếu không thì chúng sẽ im tiếng. Tao tin tụi chim đớp muỗi và các linh hồn chúng săn lùng đôi khi cũng giằng co rứt căng.”
Vào đêm Hội Mùa Lammas(1), 1924, bác sĩ Houghton tại Aylesbury bị Wilbur Whateley hối hả gọi đến. Thằng bé đã vụt con ngựa duy nhất còn sót lại phóng qua màn đêm và gọi điện cho ông từ tiệm Osborn ở trong làng. Khi đến nơi, ông thấy lão Whateley già đang trong tình
trạng rất nguy ngập, tim đập loạn và hơi thở khò khè báo hiệu cái chết đã không còn xa nữa.
(1) Ngày lễ được tổ chức tại một số quốc gia nói tiếng Anh ở Bắc bán cầu vào ngày 1 tháng Tám, đánh dấu vụ thu hoạch lúa mì đầu tiên trong năm.
Cô con gái bạch tạng dị dạng và đứa cháu trai râu ria xồm xoàm đến lạ đứng cạnh giường, vọng xuống từ vực thẳm trống không phía trên đầu là một âm thanh đáng sợ, nghe na ná tiếng dâng trào hoặc óc ách nhịp nhàng nào đó, như những con sóng vỗ trên bãi biển.
Tuy nhiên, thứ làm vị bác sĩ thấy bất an nhất lại là tiếng ríu rít của những con chim đêm bên ngoài; một quân đoàn chim đớp muỗi chừng như bất tận cứ liên tục lặp đi lặp lại lời nhắn nhủ của mình, hiểm ác căn theo tiếng thở khò khè của lão già hấp hối Thật kì dị và
bất thường – bác sĩ Houghton thầm nghĩ rằng điều ấy cũng cực kì giống với toàn bộ cái khu này, nơi ông đã lưỡng lự đặt chân đến khi nhận được lời hiệu triệu cấp bách.
Lúc gần một giờ, lão Whateley già hồi tỉnh, và ngừng thở khò khè để nghèn nghẹn gửi gắm vài lời cho thằng cháu trai của mình.
“Thêm chỗ, Willi, sẽ sớm cần thêm chỗ. Mày lớn và nó còn lớn nhanh hơn. Nó sẽ sớm sẵn sàng phục vụ mày, con à. Mở cổng cho Yog-Sothoth với câu kinh dài ở trang 751 của phiên bản đầy đủ, sau đó châm lửa đốt nhà tù. Lửa Trái Đất không thể thiêu rụi nó đâu."
Lão hiển nhiên đã mất trí. Một khoảng lặng bao trùm, và đàn chim đớp muỗi bên ngoài điều chỉnh tiếng kêu cho khớp với nhịp thở vừa thay đổi trong khi các tiếng động kì lạ trên đồi văng vẳng vọng lại từ phía đằng xa. Sau đó thì lão bổ sung thêm một, hai câu nữa.
“Cho nó ăn thường xuyên vào, Willi, và nhớ để ý lượng đồ ăn; nhưng chớ để nó lớn quá nhanh so với cái chỗ ấy, nếu nó phá tung nhà hay ra ngoài trước khi mày mở cửa cho Yog-Sothoth, mọi thứ sẽ chấm dứt và không nên trò trống gì cả. Chỉ có các Đấng bên kia mới có thể nhân bản nó và khiến nó hữu dụng... Chỉ mình họ, các cổ nhân muốn quay trở lại..."
Nhưng bài nói lại một lần nữa phải nhường chỗ cho những hơi ức, và Lavinia hét lên trước cái kiểu bám theo sự thay đổi ấy của đám chim đớp muỗi. Cứ như vậy hơn một giờ liền, và rồi tiếng sặc lào khào cuối cùng cũng vang lên. Bác sĩ Houghton vuốt đôi mí hõm xuống cặp mắt xám mờ đục còn bầy chim huyên náo dần chìm vào im lặng. Lavinia khóc nức nở, nhưng Wilbur chỉ cười khúc khích trong khi những tiếng ồn trên đồi khẽ ì ầm.
“Chúng không bắt được ổng.” Nó lẩm bẩm với cái giọng trầm của mình.
Vào thời điểm này, Wilbur đã trở thành một học giả hết sức uyên bác theo cái kiểu phiến diện của mình, và nổi tiếng một cách khá kín đáo trong giới thủ thư vì đã trao đổi thư từ với nhiều người ở những nơi xa xôi, chốn lưu giữ những cuốn cấm kinh hiếm thời xưa.
Nó càng ngày càng bị người dân quanh Dunwich ghét bỏ và hãi sợ vì đã có một số vụ trẻ con bị mất tích, và thiên hạ cứ ngờ ngợ nó là thủ phạm. Nhưng nó luôn bưng bít được mọi cuộc điều tra bằng cách doạ nạt hay sử dụng chỗ vàng cổ thường xuyên được bỏ ra ngày một nhiều để mua gia súc, y như hồi ông nó còn sống.
Bây giờ thằng bé đã trưởng thành trên rất nhiều phương diện, và sau khi đã đạt đến giới hạn chiều cao của một người trưởng thành bình thường, nó xem chừng rồi sẽ còn phát triển vượt quá ngưỡng đó. Tính đến một ngày nọ năm 1925, khi một học giả tại Đại học Miskatonic từng trao đổi thư từ với thằng bé ghé thăm nó để rồi phải rời đi trong trạng thái nhợt nhạt và hoang mang, nó đã cao nguyên hai mét.
Trong suốt những năm ấy, Wilbur ngày một khinh miệt người mẹ bạch tạng phần nào dị dạng của mình, và cuối cùng thì nó cấm cô ta đi lên đồi cùng với mình vào Đêm Thánh Walpurgis và Halloween. Năm 1926, người phụ nữ tội nghiệp ấy phàn nàn với Mamie Bishop rằng cô ta sợ thằng bé.
“Có nhiều điều về nó mà tui biết nhưng không thể tiết lộ cho chị được, Mamie à. Dạo này thì có nhiều điều mà bản thân tui thậm chí còn không biết nữa chớ. Tui xin thề có Chúa, tui không biết nó muốn gì hay đang định làm gì”
Halloween năm đó, những tiếng ồn trên đồi nghe có vẻ ồn ã hơn bao giờ hết, và lửa vẫn vùng cháy trên đồi Sentinel như thường lệ; nhưng dân tình chú ý nhiều hơn đến tiếng kêu chói tai đầy nhịp nhàng của những đàn chim đớp muỗi, lưu lại muộn màng bất thường, chừng như túm tụm ở gần nông trại tối om của gia đình Whateley. Sau nửa đêm, những tiếng hót lanh lảnh của chúng rộ hẳn lên, chuyển thành một tràng cười hỗn loạn, tràn ngập khắp vùng quê, và mãi đến tận bình minh thì lũ chim cuối cùng mới chịu lắng xuống.
Thế rồi chúng biến mất, vội vã bay về phía Nam, nơi chúng đáng lẽ phải đến từ một tháng trước rồi. Mãi một thời gian sau, người ta mới hiểu được ý nghĩa của điều này. Xem chừng không có ai trong đám
dân quê này qua đời cả – nhưng Lavinia Whateley tội nghiệp, người phụ nữ bạch tạng dị dạng, đã biệt tăm biệt tích.
Vào mùa hè năm 1927, Wilbur sửa chữa hai nhà kho trong sân nông trại và bắt đầu chuyển những cuốn sách cùng đồ đạc của mình ra ngoài đấy. Không lâu sau đó, Earl Sawyer bảo với đám vô công rồi nghề tại tiệm Osborn rằng nông trại nhà Whateley lại tiếp tục được sửa sang. Wilbur đang bít kín tất cả các cửa ra vào với cửa số ở tầng trệt, và dường như đang gỡ bỏ các phần tường ngăn cách giống như nó và ông mình từng làm trên tầng bốn năm trước.
Nó hiện đang sống ở một trong mấy căn nhà kho, và Sawyer nghĩ thằng bé có vẻ lo lắng và rúng động lạ thường. Nhìn chung, thiên hạ nghi ngờ Wilbur biết điều gì đó về sự mất tích của mẹ nó, và bây giờ chẳng mấy ai dám lại gần căn nhà đó nữa. Chiều cao của thằng bé đã lên đến hơn hai mét mốt, và không có chút dấu hiệu nào là nó sẽ ngừng phát triển.
– V –
MÙA ĐÔNG NĂM SAU XẢY RA MỘT SỰ KIỆN HẾT SỨC KÌ LẠ, ấy chính là Wilbur lần đầu tiên rời khỏi vùng Dunwich. Việc trao đổi thư từ với thư viện Widener tại Harvard, thư viện quốc gia Pháp ở Paris, bảo tàng Anh, Đại học Buenos Aires và thư viện Đại học Miskatonic ở Arkham đã không giúp thằng bé mượn được một cuốn sách mà nó cực kì muốn.
Thế là một thời gian sau, Wilbur đích thân lên đường trong bộ dạng bê tha, bẩn thỉu, râu ria xồm xoàm, và giọng điệu quê kệch để tham khảo bản lưu giữ ở Miskatonic, nơi gần nhất về mặt địa lí với nó. Một ngày nọ, với chiều cao gần hai mét rưỡi, và mang theo một chiếc vali rẻ tiền mới mua từ tiệm bách hoá Osborn, pho tượng máng xối đen sì trông như dê ấy xuất hiện ở Arkham nhằm tìm kiếm cuốn sách đáng sợ được giữ kín tại thư viện của trường đại học – phiên bản tiếng Latinh cuốn sách Necronomicon gớm guốc của lão Ả Rập điên Abdul Alhazred do Olaus Wormius dịch, được in ở Tây Ban Nha vào thế kỉ thứ mười bảy.
Từ trước đến nay Wilbur chưa bao giờ nhìn thấy một thành phố nào, nhưng nó chỉ chăm chăm tìm đường đến khuôn viên trường đại học. Tại đấy, nó thậm chí còn băng qua chỗ con chó canh khổng lồ, nanh trắng ởn, thây kệ con chó sủa với vẻ hung hãn và thù hằn đầy bất
thường, điên cuồng kéo sợi xích căng cứng của mình.
Wilbur mang kèm theo bản dịch tiếng Anh của Dee mà ông nó đã để lại, vô giá nhưng không đầy đủ, và khi được phép tiếp cận bản tiếng Latinh, nó ngay lập tức đối chiếu hai phiên bản nhằm tìm kiếm một đoạn văn mà đáng lẽ phải nằm ở trang 751 trong cuốn sách khuyết nội dung mình đang sở hữu. Thằng bé khiếm nhã tiết lộ điều ấy cho người thủ thư – tức Tiến sĩ Henry Armitage uyên bác (Thạc sĩ tại Miskatonic, Tiến sĩ tại Princeton, Tiến sĩ Văn khoa danh dự tại Johns Hopkins), người đã từng ghé thăm nông trại, và giờ thì ông đang lịch sự hỏi han nó.
Wilbur buộc phải thừa nhận rằng mình đang tìm kiếm một công thức hoặc câu thần chú gì đó chứa cái tên Yog-Sothoth đáng sợ, và nó rất bối rối khi thấy có những đoạn không nhất quán, trùng lặp, và mơ hồ, khiến cho công việc xác định câu thần chú kia trở nên khó khăn. Trong lúc nó sao chép phiên bản công thức cuối cùng mình chọn, Tiến sĩ Armitage vô tình nhìn qua vai nó, trông thấy những trang để mở. Bên trong trang bên trái của phiên bản tiếng Latinh là những mối đe doạ khủng khiếp tột cùng với sự bình an và minh mẫn của thế giới. (Armitage thầm dịch trong đầu phần nội dung ông thấy.)
“Cũng không nên lầm tưởng rằng, con người là chủ nhân lâu đời nhất hay cuối cùng của Trái Đất, hoặc các khối thức sống và vật chất phổ thông là kẻ duy nhất tồn tại. Các Đại Cổ Thần đã, đang, và sẽ tồn tại. Không phải trong những vùng không gian chúng ta biết, mà là giữa những nơi ấy, Họ bước đi đầy thanh thản và nguyên sơ, phi không gian và tàng hình đối với chúng ta. Yog-Sothoth biết cánh cổng ấy.
Yog-Sothoth là cánh cổng ấy. Yog-Sothoth là chìa khoá và người bảo vệ cổng. Quá khứ, hiện tại, tương lai, tất cả đều là một trong Yog-Sothoth. Ngài biết các Đại Cổ Thần hồi trước từng vượt qua tại nơi nào, và Họ sẽ lại vượt qua ở đâu. Ngài biết Họ từng trải bước qua những cánh đồng nào trên Trái Đất, và Họ vẫn đang đi ở đâu, cũng như tại sao không ai có thể nhìn thấy Họ trong khi Họ bước đi.
Đôi khi con người có thể biết Họ đang ở gần nhờ mùi hương của Họ, nhưng không con người nào hay biết gì về diện mạo của Họ, trừ những đường nét của những tạo vật Họ đã sản sinh ra cho nhân loại; và các tạo vật ấy có rất nhiều chủng loại, với ngoại hình không giống nhau, từ hình mẫu lí tưởng nhất của con người cho đến cái bản thể vô hình vô dạng hệt như Họ.
Họ tàng hình và toả mùi hôi thối đi qua đi lại trong những miền lẻ loi, nơi Lời Lẽ được cất lên và các Nghi Thức gầm rú quanh năm suốt tháng. Gió lắp bắp với giọng nói của Họ, và mặt đất
rì rầm với ý thức của Họ. Họ bẻ cong rừng già và nghiền nát các thành phố, ấy nhưng cả rừng già lẫn thành phố đều không thể diện kiến bàn tay trừng phạt mình.
Kadath nơi miền hoang giá băng từng diện kiến Họ, nhưng người đời đã ai từng diện kiến Kadath hay chưa? Những hòn đá khắc ghi dấu ấn của Họ được lưu giữ tại sa mạc băng ở miền Nam và các hòn đảo chìm của đại dương, nhưng nào ai đã nhìn thấy thành phố đóng băng dưới sâu hay toà tháp cao bị niêm kín với rong rêu và hàu biển quấn quanh? Cthulhu vĩ đại là họ hàng của Họ, nhưng Ngài chỉ có thể lờ mờ theo dõi Họ.
lä! Shub-Niggurath! Ta sẽ nhận diện ra Họ nhờ một mùi xú uế. Bàn tay Họ siết quanh cổ họng ta, nhưng ta lại không thấy Họ. Dẫu vậy, nơi ở của Họ thậm chí lại còn chính là ngưỡng cửa mà
ta cần mật canh gác. Yog-Sothoth là chìa khoá của cánh cổng, nơi các tình cầu hội tụ với nhau. Con người hiện đang cai trị nơi Họ từng cai trị: chẳng bao lâu nữa Họ sẽ cai trị nơi con người hiện đang cai trị. Sau hè sẽ đến đông, và sau đông sẽ đến hè. Họ chờ đợi đầy kiên nhẫn và quyền uy, vì Họ sẽ lại trị vì nơi đây một lần nữa."
Sau khi liên hệ những gì ông đọc được với những điều đã nghe kể về Dunwich cũng như các thực thể tăm tối tồn tại ở đấy, và về Wilbur Whateley cùng khí chất hắc ám gớm guốc của nó, trải dài từ một gốc gác mập mờ cho đến việc có khả năng nó đã giết mẹ mình, Tiến sĩ Armitage cảm thấy cơn sợ hãi tràn qua người, hữu hình chẳng khác nào một luồng gió lạnh ẩm ướt phả ra từ một ngôi mộ.
Thằng bé khổng lồ gù người, trông như dê trước mặt ông nhìn cứ như hậu duệ của một hành tinh hoặc chiều không gian khác; giống như thứ chỉ tồn tại một phần là người và có dính dáng đến các vực thẳm chứa đựng sinh linh và thực thể đen ngòm, trải dài như các miền ảo ảnh mênh mông, vượt ra ngoài mọi giới của lực và vật chất, không gian và thời gian. Chẳng bao lâu sau, Wilbur ngẩng đầu lên
và bắt đầu nói theo cái kiểu kì lạ, vang vọng như thế các cơ quan phát ra giọng nói của nó không giống loài người.
đầu nói
“Ngài Armitage,” nó nói, "tui tính mình phải mang cuốn sách đó về nhà. Trong đó có những thứ tui phải đem ra thử trong một số điều kiện mà tui không thể tạo dựng được ở đây, và đề thủ tục hành chánh quan liêu ngăn cản tui thì quả là một trọng tội. Hãy để tui mang nó về nhà, thưa ngài, và tui xin thề sẽ không ai biết gì hết. Hẳn không cần nói ngài cũng biết tui sẽ giữ gìn nó cẩn thận. Tui không phải là người đã làm cho bản sách của Dee trở thành như thế này...”
Thằng bé ngừng lời khi nhìn thấy vẻ từ chối đầy kiên quyết trên khuôn mặt của người thủ thư, và các nét mặt như dê của nó trở nên xảo quyệt. Đang sắp sửa bảo thằng bé rằng nó có thể chép lại những phần mình cần, Armitage đột nhiên nghĩ về những hậu quả tiềm tàng và giữ mồm giữ miệng. Trao chìa khoá mở ra các thế giới báng bố thánh thần nhường ấy cho một kẻ như vậy là một trách nhiệm rất nặng nề. Whateley nhận ra tình hình, và cố gắng trả lời thật nhẹ nhàng.
“Hầy, thôi được rùi, nếu ngài cảm thấy như vậy. Có khi Harvard sẽ không quan trọng hoá mọi sự như ngài.” Rồi nó không nói thêm câu gì nữa, đứng dậy và bước ra khỏi toà nhà, khom người xuống ở mỗi ô cửa.
Armitage nghe thấy tiếng sủa man dại của con chó canh, và quan sát dáng đi như khỉ đột của Whateley trong lúc nó băng qua phần khuôn viên trường có thể được nhìn thấy từ cửa sổ. Ông nghĩ về những câu chuyện hoang đường mình từng nghe kể, và nhớ lại những bài báo Chủ Nhật cũ trong tờ Advertiser; ông biết được về những bài báo cùng với các truyền thuyết ấy từ đám dân quê cùng người làng Dunwich trong chuyến ghé thăm nơi đó.
Những thứ tàng hình không thuộc về dương thế – hay ít nhất là không phải dương thế ba chiều – phóng qua các thung lũng hẹp của New England một cách đấy ô uế và kinh khủng, tởm lợm nghiền
ngẫm trên các đỉnh núi. Vốn đã lâu nay, ông tin chắc rằng đó là sự thật. Bây giờ thì ông cảm thấy như thể một phần khủng khiếp nào đó của nỗi kinh hoàng len lỏi kia đang hiện diện ngay gần mình, và thoáng ngỡ tưởng cơn ác mộng cổ xưa và từng có thời án binh bất động ấy vừa tiến thêm một bước đây hung hiếm trên chặng đường
thống trị hắc ám của mình. Ông cất kin cuốn Necronomicon đi và rùng mình vì ghê tởm, nhưng căn phòng vẫn cứ tràn ngập một mùi hôi thối khó tả.
“Ta sẽ nhận diện ra Họ nhờ một mùi xú uế,” ông trích lại. Đúng rồi – cái mùi xú uế này cũng hệt như thứ từng khiến ông phát bệnh tại nông trại nhà Whateley chưa đầy ba năm trước. Ông một lần nữa nghĩ về Wilbur cùng diện mạo như dê, hắc ám của nó, và bật cười nhạo báng trước những tin đồn của làng về gốc gác thằng bé.
“Sinh đẻ cận huyết ư?” Armitage tự lẩm bẩm một mình. “Ôi lạy Chúa, thật là một đám ngớ ngẩn! Trưng ra cho cái ngữ đó cuốn Đại thần Pan của Arthur Machen và họ sẽ nghĩ đấy chỉ là một vụ bê bối Dunwich thông thường! Nhưng thứ gì – ảnh hưởng vô hình vô dạng đáng nguyền rủa nào trong hay ngoài cái thế giới ba chiều này có thể là cha của Wilbur Whateley đây? Sinh ra vào ngày Lễ Nến – chín tháng sau Đêm Thánh Walpurgis năm 1912, khi tin đồn về những tiếng ồn kì quái trong lòng đất lan truyền đến tận Arkham. Thứ gì đã bước đi trên những ngọn núi vào đêm tháng Năm ấy? Nỗi kinh hoàng Roodmas (1) nào đã đặt chân xuống hạ giới trong lốt máu thịt á nhân đó?"
(1) Ngày Lễ Thánh Giá của Công giáo.
Trong suốt những tuần sau đó, Tiến sĩ Armitage bắt tay vào thu thập tất cả dữ liệu có thể về Wilbur Whateley và các thực thể vô hình quanh Dunwich. Ông liên lạc với bác sĩ Houghton ở Aylesbury, người đã khám cho lão Whateley già trong lần lão đổ bệnh lúc cuối đời, và thấy những lời trăng trối của lão mà ông bác sĩ trích lại có rất nhiều điều đáng suy ngẫm.
Chuyến viếng thăm làng Dunwich không giúp ông khám phá ra điều gì mới mẻ cả; nhưng sau khi nghiên cứu tỉ mỉ cuốn Necronomicon, đặc biệt là những phần mà Wilbur đã hùng hục lùng tìm, ông có vẻ
đã tìm ra một số manh mối khủng khiếp mới, xoay quanh bản chất, phương pháp, cùng với mong muốn của cái thế lực xấu xa kì lạ đang mơ hồ đe doạ hành tinh này.
Sau khi nói chuyện với một số nghiên cứu sinh về truyền thuyết cổ xưa ở Boston kèm theo thư từ với nhiều người ở những nơi khác, ông được một phen sửng sốt vô cùng, và cứ dần dần thêm phần lo lắng, cho đến khi sự kinh ngạc ấy trở thành một nỗi sợ hãi tâm linh tột độ. Mùa hè càng đến gần, ông càng lờ mờ cảm thấy rằng cần phải làm gì đó về những nỗi kinh hoàng lẩn khuất tại vùng thượng thung lũng Miskatonic kia, và về cái sinh vật quái thai được thế giới loài người biết đến dưới cái tên Wilbur Whateley.
– VI –
VỤ VIỆC KINH HOÀNG TẠI DUNWICH XẢY RA VÀO giữa Hội Mùa Lammas và Thu phân năm 1928, Tiến sĩ Armitage là một trong số những người chứng kiến màn mở đầu quái dị của nó. Trong quãng thời gian ấy, ông đã hay tin về chuyến ghé thăm Cambridge quái đản của Whateley, và việc nó bấn loạn tìm cách mượn hoặc sao chép nội dung cuốn Necronomicon tại thư viện Widener.
Những nỗ lực đó chỉ như dã tràng xe cát, vì Armitage đã gửi những lời cảnh báo hết sức khẩn thiết đến cho tất cả các thủ thư chịu trách nhiệm cai quản cuốn sách đáng sợ này. Wilbur vô cùng bồn chồn tại
Cambridge; rất nóng lòng muốn có cuốn sách, nhưng nó gần như cũng nóng lòng muốn trở về nhà không kém, như thể thằng bé e sợ hệ quả của việc đi vắng quá lâu.
Đến đầu tháng Tám thì cái kết cục phần nào được dự đoán trước đã xảy ra. Vào giữa đêm hôm mùng 3, Tiến sĩ Armitage bị đánh thức đột ngột bởi tiếng sủa man dại, dữ dội của con chó săn hung hãn trong khuôn viên trường đại học. Những tiếng gầm gừ và sủa cứ vang lên mãi, trầm trầm và khủng khiếp, hằn học, như phát rồ phát dại; mỗi lúc một to hơn, nhưng lại có những khoảng lặng lớn đầy dị
"""