Một ngày nọ, nữ minh tinh Stella Lamar đã đột ngột tử vong giữa lúc đang quay một bộ phim trinh thám tại ngôi biệt thự ở Tarrytown.
Bác sĩ khám nghiệm cô không phát hiện ra bất cứ triệu chứng khác thường nào cả, nhưng thám tử – nhà khoa học Kennedy nhanh chóng phát hiện ra dấu hiệu cho thấy cô đã bị đầu độc. Kennedy và cộng sự Walter theo quá trình điều tra khám phá những mối quan hệ phức tạp trong làng điện ảnh. Rồi vụ những án mạng và mưu sát tiếp tục xảy ra. Danh sách kẻ tình nghi lên đến 9 người, thậm chí, hung thủ chưa chắc đã hành động một mình…
Tác giả Arthur B. Reeve cũng là một nhà khoa học, cùng với Richard Austin Freeman là những người đi tiên phong trong dòng trinh thám “thực chứng”. Dòng trinh thám này kết hợp suy luận logic với kiến thức khoa học để giải quyết vụ án. Nhịp truyện diễn ra từ tốn, nhưng không ù lì vì người đọc thường được thám tư Kennedy “giảng giải” những kiến thức khoa học và độc học thú vị. Và những xét nghiệm khoa học trong truyện không còn xa lạ với bạn đọc hiện đại nhưng viết cách đây 100 năm thì rất nể kiến thức của tác giả và chúng đã góp phần quan trọng vạch mặt thủ phạm.
Ngoài ra truyện còn cung cấp nhiều kiến thức thú vị về công nghệ làm phim thời đó cho những ai quan tâm. Chỉ tiếc một chút khi mình đã kì vọng sẽ có thêm twist xoắn hơn ở kết cũng như động cơ được nói kĩ hơn. Nhưng tổng thể truyện cũng khá đáng đọc, hợp với với ai thích khoa học-suy luận.
Điểm: 8/10
‘Vụ Án Phim Trường’ là một trong những cuốn trinh thám mà mình mê vì bối cảnh hơn là vụ án. Truyện được sáng tác vào thời kỳ đầu của điện ảnh, tức là thời kỳ phim câm và đen trắng. Tác giả đã bỏ công nghiên cứu quy trình quay phim, cách xưởng phim hoạt động, các mẹo lên hình sao cho ăn ảnh và các mối quan hệ yêu ghét lẫn lộn trong giới điện ảnh, tất cả những chi tiết ngoài lề này hết sức thú vị. Mỗi lần đến với tác phẩm trinh thám cổ điển, ngoài việc truy cầu một vụ án hay, mình còn mong muốn tìm được thứ văn chương giàu sức truyền cảm hay những câu chuyện bên lề của một thời đại đã qua.
Vụ án trong truyện ở mức ổn. Hung thủ thực sự có đầu óc, biết lên kế hoạch hiệu quả, biết đánh lạc hướng qua lại. Mình thích vụ phóng hỏa nhất vì nó rất kỳ công, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về hóa học và sự sáng tạo. Phía cảnh sát đối trọng thì có mấy pha xử lý hơi cồng kềnh. Tác giả để hung thủ gây án thêm nhiều lần nhằm đẩy mạch truyện lên cao trào, ok mình đồng ý, nhưng cái lý do ông để cảnh sát không ngăn chặn được thì thật ba chấm. Đúng là hung thủ được tạo điều kiện gây án hết mức. Điểm đột phá của truyện – việc phá án bằng khoa học – hẳn là gây ấn tượng mạnh với độc giả thời ấy hơn độc giả hiện đại, song nhà khoa học hình sự Craig Kennedy vẫn có vài mánh lới khác nên công tác điều tra không đến nỗi lỗi thời tẻ nhạt. Nếu phía cảnh sát hành động hợp lý hơn thì vụ án có thể lên được mức tốt.
Về phần nhân vật chính, có lẽ vì đây là cuốn thứ 13 trong series, Craig Kennedy không được miêu tả nhiều lắm, dù mình tưởng tượng trong đầu rằng anh này là một phiên bản ít cực đoan hơn của Sherlock Holmes. Anh cộng sự Walter Jameson thì đóng vai trò người kể chuyện và làm tất cả những việc mà mấy ông cộng sự thám tử khác vẫn hay làm: quan sát việc điều tra, trầm trồ thán phục, chạy loăng quăng để tỏ ra mình có ích, đưa ra vài giả thuyết nào đó rồi khăng khăng cho là mình đúng,… Lâu lâu mình muốn được đọc một người cộng sự có ích hơn hay bớt phiền phức hơn chút đỉnh.
Phải nói là mình hết sức hài lòng với trải nghiệm đọc này và sẵn sàng tìm đọc thêm vài cuốn trong series Craig Kennedy. Nhân tiện, thi thoảng mình mới thấy Cổ Nguyệt làm được cái bìa đẹp và đúng chủ đề như cuốn này.
Phan Quỳnh Lê
***
Ngôi sao nổi tiếng với sự nghiệp diễn xuất đang lên như diều gặp gió Stella Lamar gục xuống rồi lăn ra chết một cách quằn quại trong khi đang đóng những thước phim tiếp theo của bộ phim “Nỗi kinh hoàng màu đen”, không một dấu hiệu khác thường nào được bác sĩ tìm thấy trong quá trình khám nghiệm cho cô.
Cái chết của cô được coi là kì quái cho tới khi giáo sư Kennedy, một thám tử tư kiêm nhà nghiên cứu khoa học, cùng cộng sự của anh, phóng viên Walter Jameson của Thời báo Star được mời đến, và vết xước nhỏ xíu tới mức khó có thể nhận ra được Kennedy tìm thấy, nó được cho là nguyên nhân gây ra cái chết của nữ diễn viên lộng lẫy với vẻ đẹp ngọt ngào những năm 20. Số nghi phạm lên tới 9 và tất cả họ đều thuộc hoặc liên quan tới giới diễn xuất bao gồm đủ mọi công việc từ diễn viên, biên kịch, nhà quảng bá cho tới nhà đầu tư, những kẻ có thể khoác lên mặt mình những tấm mặt nạ hoàn hảo nếu họ thích. Bên cạnh đó, mọi chuyện trở nên khó khăn hơn với những chứng cớ ít ỏi, mong manh, những lời khai mập mờ và đầy sự nghi kị của người trong cuộc cùng những mánh khóe kín đáo, thủ pháp gọn gàng và thái độ bình tĩnh tới đáng sợ của hung thủ khi gây án. Liệu việc ứng dụng khoa học vào điều tra vụ án có thể giúp Kennedy và Walter vạch trần hung thủ?
Vụ Án Phim Trường không có nhiều twist, hung thủ khá dễ đoán.
Nhưng cách tác giả xây dựng bối cảnh, lồng ghép những chi tiết về phim ảnh và khoa học lại khéo léo một cách đáng ngạc nhiên và không có sự liệt kê, phô bày như thể đang chứng minh học thức.
Qua những trang sách của Vụ Án Phim Trường, vẻ lộng lẫy của những phim trường đen trắng với những bộ phim năm cuộn thời Chaplin, sự mĩ miều hoa lệ tới mức hào nhoáng của màn bạc với những chàng và nàng diễn viên, những cuộc viếng thăm, những mánh khóe con buôn của các nhà làm phim khi tranh thủ sự tài trợ, thậm chí là những ghen tuông, nghi kị lừa lọc và cạnh tranh phía sau màn ảnh, tất cả làm nên một bức tranh đầy đủ về thế giới điện ảnh những năm 20. Chúng không hề thừa thãi mà ngược lại còn làm cho câu chuyện có nét quyến rũ xa hoa, tôn lên một màu sắc, một không khí nhẹ nhàng tản mát rất phù hợp với tấm thảm kịch – nơi mà những con người tắm mình trong ánh sáng vàng son ấy của sự nổi tiếng, tưởng như nắm tất cả danh vọng trong tay, vậy mà giây phút ra đi không một ai thương tiếc họ, tất cả chỉ chạy theo lợi nhuận, theo khát khao nổi tiếng, dù có là máu lạnh, là vô tình.
Bên cạnh đó, không thể kể tới thủ pháp phá án riêng biệt của Kennedy. Khi đọc Vụ Án Phim Trưởng, người ta dễ nhận thấy của Sherlock Holmes nơi Kennedy Craig, và trong dáng vẻ vội vã hấp tấp của Walter, ta nhìn thấy một bác sĩ Watson cũng bộp chộp không kém. Thế nhưng Arthur B. Reeve đã thành công tách Kennedy thành một hình tượng riêng biệt, không chỉ dựa vào những phán đoán đơn thuần, Kennedy bắt đầu đi sâu vào sử dụng biện pháp khoa học để chứng minh một chứng cứ, hay giúp đỡ quá trình phá án. Và như đã nói ở trên, những kiến thức khoa học tuy khá dày nhưng không gây ngán, khá đồng đều và dễ hiểu. Đây có thể coi là một bước tiến lớn trong xu hướng trinh thám thời kì đó.
Nói chung, Vụ Án Phim Trường có tình tiết câu chuyện được xử lí gọn gàng không dàn trải, câu văn đơn giản, chậm rãi, dễ thấm, văn phong ổn định, mượt mà. Tuy vẫn chưa hài lòng với cái kết bỏ ngỏ, xong từng ấy điều cũng đủ khiến độc giả mong chờ tác phẩm tiếp theo về thám tử Kennedy.
Ngoài ra, nói về chất lượng sách thì bìa Cổ Nguyệt làm khá đẹp, in ấn cũng rất rõ ràng, chỉ tiếc mực in bị thấm, có thể nhìn thấy cả mặt sau, dàn trang chưa ổn, cỡ chữ hơi to.
Điểm: 7/10.
***
Vụ án phim trường mở đầu bằng cái chết của nữ diễn viên nổi tiếng Stella Lamar – một cái chết bất ngờ và kì lạ , và rồi từ đó mở ra 1 vụ án bí ẩn , mưu mô , ẩn giấu sau những rối răm của ánh hào quang Hollywood .
Ngay từ đầu tác giả B.Reeve đã lôi kéo thành công người đọc chìm vào trong câu chuyện với cái chết của Stella Lamar . Cái chết diễn ra ngay trước mặt của đoàn làm phim – nơi gần như kẻ thủ ác không có khả năng gây án . Nữ diễn viên gục xuống mà không có bất cứ thương tổn nào ngoài 1 vết xuốc nhỏ nơi cánh tay . Điều kì lạ từ thời gian , địa điểm , cách thức cho đến hung khí gây án , đã giúp vụ án trở nên thú vị và cuốn hút người đọc theo chân thám tử Kennedy và người cộng sự Walter lần theo từng manh mối để phá án .
Mở đầu bằng 1 án mạng , nhưng tiếp theo tiết tấu của truyện lại ko đc B.Reeve đẩy lên cao ngay lập tức – mà lại đc kìm lại , với 1 tiết tấu chậm , vừa phải của công việc điều tra , thẩm vấn , tưởng như sẽ khô khan và buồn ngủ . Thế nhưng không , công cuộc điều tra chậm rãi này , đã đc tác giả khéo léo sử dụng để xây dựng nên một mối quan hệ chồng chéo và rắc rối giữa các nghi phạm . Ẩn sau những mối quan hệ tưởng chừng như thân quen , lại là những mảng tối của ngành nghệ thuật thứ 7 . Nơi những kẻ thủ ác có thể khoác lên mình bất cứ khuôn mặt nào , từ một nhà quảng bá phim thành đạt nhưng đầy mưu mô , một nhà tư vấn tài chính tưởng chừng giàu có nhưng lại đang sắp phá sản , một nam diễn viên đẹp trai nhưng lại là kẻ ăn chơi ..v..v.. 9 kẻ tình nghi hiện lên với 9 khuôn mặt và các mối quan hệ chồng chéo , đan xen và xoay quanh nạn nhân Stella Lamar .
Cặp đôi thám tử Kennedy- Walter có lẽ đc xây dựng trên hình tượng cặp đôi nổi tiếng Holmes- Watson nên có rất nhiều nét tương đồng . Một thám tử tài năng xen chút lập dị , kết hợp vs người cộng sự nhiệt tình năng nổ nhưng đôi chút ngờ nghệch dễ dang gợi cho độc giả hình ảnh cặp đôi nổi tiếng người Anh . Thế nhưng Craig Kennedy cũng sự độc đáo của riêng mình . Vị thám tử tài hoa này đem lại cảm giác đó là sự kết hợp giữa Holmes và Lincol Rhymer . Kennedy áp dụng thành thạo các cơ sở lý luận đầy logic của Holmes , cũng như tin tưởng đầy chắc chắn vào phương pháp nghiên cứu khoa học từ những manh mối thu đc như Rhymer – sự kết hợp tốt cho hình ảnh 1 thám tử tài năng .
B.Reeve cũng đã thể hiện được kiến thức cho tác phẩm của mình. Các hung khí trong truyện đều được tìm hiểu tốt và độc đáo , không xuất hiện nhiều trong các tác phẩm trinh thám khác , cho thấy sự đầu tư và tránh lối mòn của tác giả . Ngoiaf ra , truyện cũng thể hiện khá rõ nét quy trình dựng phim vào đầu thế kỉ 20 , cung cấp thêm cho độc giả hình ảnh của Hollywood những năm 20 của thế kỉ trước .
Có thể khẳng định đây là 1 tác phẩm hay . Tuy nhiên , đáng tiếc rằng đoạn kết của truyện lại hơi cụt , khi tác giả để vụ án kết thúc hơi nhanh . Cũng như sự lí giải của thám tử về vụ án cho mọi người có chút ngắn , khiến cho 1 vài tình tiết trong truyện chưa được giải thích rõ ràng cho độc giả – tuy không ảnh hưởng đến nội dung nhưng lại đem tới chút tò mò và hụt hẫng . Hy vọng ở những tác phẩm sau của Arthur B.Reeve được xuất bản có thể khắc phục được điểm yếu này .
Trần Mạnh Hiệp
***
Stella Lamar, ngôi sao đang lên của ngành điện ảnh những năm 1920, đang trong cảnh quay thước phim trinh thám “Nỗi Kinh Hoàng Màu Đen” thì lăn ra chết đau đớn. Cảnh này không hề có trong kịch bản. Bác sĩ khám nghiệm xác không phát hiện ra bất kỳ điều gì khác thường. Giáo sư Kennedy, một thám tử tư, cùng cộng sự Walter Jameson được mời đến, và chính Kennedy là người phát hiện ra vết xước nhỏ tí trên cánh tay Stella và cho rằng nguyên nhân chết là bị đầu độc. Trong một đoàn làm phim đông đảo của hãng phim Manton Pictures, Kennedy cùng Walter phải tự lần mò qua những khúc quanh, những âm mưu, những lời dối trá của tận 9 nghi phạm vừa là diễn viên, đạo diễn, ông bầu, biên kịch v.v… Những kẻ luôn có khả năng diễn xuất siêu việt. Thêm vào đó họ còn phải hiểu biết cả nghệ thuật làm phim, dựng phim thời kỳ đó, vốn lạc hậu và khác xa so với bây giờ. Khi những cái chết ngày càng nhiều lên liệu Kennedy cùng Walter sẽ phải làm sao để vạch mặt chân tướng hung thủ?
Arthur B. Reeve đã dựng lên một bối cảnh tuyệt vời cho vụ án mạng. Bối cảnh điện ảnh những năm 1920 tuy vẫn còn lạc hậu so với bây giờ nhưng vẫn hào nhoáng, đẹp đẽ, lộng lẫy với danh vọng, với vinh quang và những dối trá, âm mưu, ghen tuông, thù hận. Những đoạn tả cảnh diễn xuất, bối cảnh trường quay và nghệ thuật làm phim rất sinh động. Có thể tác giả đã quá tham lam diễn tả những nghệ thuật này nhưng nếu so sánh nó với bối cảnh khám nghiệm bằng khoa học của Kennedy thì sẽ thấy rất thú vị. Hai bối cảnh hỗ trợ nhau, bằng cách nào đó như thể đang đối đầu với nhau. Bối cảnh phòng thí nghiệm của Kennedy thì đơn sơ, mộc mạc và xấu xí hơn nhưng giúp anh tìm ra chân tướng thực sự của hung thủ. Đọc truyện chúng ta dễ dàng thấy sự tương đồng giữa Arthur B. Reeve với Conan Doyle. Trong việc khám nghiệm hiện trường rất tỉ mỉ của Kennedy, trong cái vụng về, bộp chộp của Walter, trong cảnh suy luận vạch mặt hung thủ được đưa về cuối truyện. Truyện có rất nhiều đoạn suy luận sắc bén của Kennedy khi phân tích chất độc, khi bác bỏ những giả thuyết của Walter hay khi khám nghiệm hiện trường. Thêm vào đó nét tính cách của toàn bộ 9 con người kia hiện lên rõ nét. Phần nào vẽ lên môi trường điện ảnh ngày xưa vẫn tồn tại những hỉ nộ ái ố, những cạnh tranh trong nghề nghiệp và cả trong tình yêu của giới làm phim.
Tuy là tác phẩm trinh thám cổ điển nhưng văn phong của truyện lại rất mượt mà. Những đoạn Walter phải lòng Enid Faye, diễn viên thay thế Stella Lamar đọc rất vui. Bản dịch rất chuẩn khi dịch các kỹ thuật, công nghệ làm phim và kỹ thuật khoa học. Không biết khi dịch nó dịch giả có phải tra cứu nhiều không. Nói chung truyện đáng đọc!
Điểm: 8/10
Nguyen Quang Huy
***
Nói về cuốn trinh thám này, cuốn Vụ án phim trường của nhà văn Arthur Benjamin Reeve… Nhà văn lấy bối cảnh những năm 20s của thế kỷ trước. Đề tài nói về những thảm án tại phim trường, cái thời vẫn còn quay bằng từng thước phim ngắn âm bản, rồi rửa, rồi phơi, rồi in,… cái thời theo mình nghĩ là còn sơ khai của ngành điện ảnh. Cái thời mà mình nhớ không nhầm, nó cùng thời với Charlie Chaplin, cái thời phim còn đen trắng, diễn câm, lời thoại được lồng vào phim, các diễn viên cử động thì giật giật như công nông lên dốc vì lý do thời đó chỉ quay được khoảng 24 hình/giây, và trước đây cũng có một chương trình nói về phim ảnh trên kênh VTV3 cũng có tên là 24 hình/giây…
Có vẻ mình nói hơi miên man về phim ảnh, cái lĩnh vực mà ông tác giả cũng đánh vào hơi sâu, giải thích có thể nói là hơi quá mức trong cuốn sách này… nhưng cũng cho thấy sự tìm hiểu sâu xa để tác giả có thể đưa người đọc như đứng ngay tại phim trường ấy.
Tiếp đó là lời thoại cũng hơi nhiều, hay có vẻ do mình thích đọc kiểu suy luận hơn là thoại nhiều quá!
Cách thức giết người cũng tinh vi, xảo quyệt. Cách suy luận, thu thập chứng cứ, cách làm lộ mặt hung thủ cũng khá khoa học, hợp lý trong bối cảnh thời điểm đó.
Cái kết không quá khó đoán, nhưng cho người đọc thấy được sự tài tình của tác giả trong việc dẫn dắt câu chuyện và đưa ra sự hợp lý để vạch mặt hung thủ.
Nói chung, đây cũng là một cuốn trinh thám đáng đọc của nhà Cổ Nguyệt. Bìa sách đẹp, giấy tốt, nội dung ổn, lại nói về lĩnh vực phim ảnh thời kỳ những năm 20s của thế kỷ trước nên chắc chắn sẽ có nhiều người muốn tìm hiểu.
•••••••••
Đánh giá: 8/10
Dương Linh
***
Bối cảnh vào cuối những năm 1910 kỷ nguyên phim câm. Cô diễn viên Stellar Lamar đột ngột tử vong khi đang quay một bộ phim trinh thám. Nghi phạm đều trong giới làm phim và có mối quan hệ ân oán phức tạp với nạn nhân. Cảnh sát mời nhà khoa học – thám tử Craig Kennedy hỗ trợ điều tra…
Arthur B.Reeve cũng là một nhà khoa học, cùng với Richard Austin Freeman là những tác giả đi tiên phong trong dòng trinh thám “thực chứng”. Dòng trinh thám này kết hợp suy luận logic với kiến thức khoa học để giải quyết vụ án. Nhịp truyện diễn ra từ tốn, nhưng không ù lì vì người đọc thường được thám tư Kennedy “giảng giải” những kiến thức khoa học và độc học thú vị. Và những xét nghiệm khoa học trong truyện tuy không còn xa lạ với độc giả hiện đại nhưng viết cách đây 100 năm thì phải nể kiến thức của tác giả và chúng đã góp phần quan trọng vạch mặt thủ phạm.
Ngoài ra truyện còn cung cấp nhiều kiến thức thú vị về công nghệ làm phim thời đó cho những ai quan tâm. Chỉ tiếc một chút khi mình kì vọng sẽ có twist xoắn hơn ở cuối cũng như động cơ được nói kĩ hơn. Nhưng tổng thể truyện cũng khá đáng đọc, hợp với với ai thích khoa học-suy luận.
Chấm 7,75/10. Hy vọng sẽ còn được tái ngộ thám tử Kennedy ở cuốn sau với lĩnh vực phân tâm học.
Nam Do
Mời các bạn mượn đọc sách Vụ Án Phim Trường của tác giả Arthur B. Reeve & Nguyễn Thành Long (dịch).
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn