“Cuối niên hiệu Nguyên Phong đời nhà Trần, ở Châu Mai có một nữ yêu tinh biến hiện nhiều hình quái gở. Khi nó hiện ra người đầu to bằng bánh xe, hoặc hai đầu sáu mình, ai trông thấy cũng chết khiếp. Khi nó biến thành gái đẹp, hoặc nhẹ như Phi Yến, hoặc béo tốt như Dương Phi, ai say mê tất phải thiệt mạng. Người địa phương bị khổ sở vì nó, đã dùng nhiều phép trừ yểm nhưng đều vô hiệu. Những đêm trăng sáng, nó thường ở trên không, ngâm rằng:
Muốn mặc văn bào chơi đế đô,
Lương nhân có biết cho?
Ngư ông khắp đất một sông hồ,
Mai thưa thớt, liễu gầy gò
Lục giáp, lục giáp, gặp chồng xưa.”
Một số nhà nghiên cứu căn cứ vào lối xưng hô trong sách (dùng đại từ nhân xưng “dư” = tôi), cho rằng cách gọi này phù hợp với lối tự xưng của Lê Thánh Tông trong Thiên nam dư hạ. Tác phẩm Thiên nam dư hạ đã được xác định của Lê Thánh Tông, nên Thánh Tông di thảo cũng phải là của Lê Thánh Tông.
Một số nhà nghiên cứu khác dựa vào tên đất như địa danh “Hà Nội” xuất hiện trong truyện Hoa quốc kỳ duyên, hay sự kiện lịch sử như nạn lụt năm Quý Tỵ trong truyện Lưỡng Phật đấu thuyết ký, hoặc các danh từ chỉ học vị Phó bảng, Cử nhân trong truyện Trần nhân cư thủy phủ, đi đến kết luận rằng tác phẩm này không phải của Lê Thánh Tông và sách chỉ có thể xuất hiện vào cuối đời Nguyễn, có khả năng sau năm Quý Tỵ (1893).
Lại có những nhà nghiên cứu dựa vào văn phong một số truyện mang tính khẩu khí thiên tử hoặc nội dung tư tưởng phản ánh sự thịnh trị thời Lê sơ bên cạnh một số truyện khác có nội dung tư tưởng xa lạ với tư tưởng của Lê Thánh Tông đã đi đến kết luận trong Thánh tông di thảo có một số truyện của Lê Thánh Tông, có một số truyện của người đời sau (từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19).
Thánh tông di thảo hiện có một bản chép tay lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm mang ký hiệu A.202. Sách gồm 2 quyển đóng thành 1 tập dày 198 trang khổ 31x21cm, 1 tựa, mỗi trang 9 dòng, mỗi dòng 19 chữ.
Thánh tông di thảo đã được Bùi Văn Nguyên và Nguyễn Ngọc San tuyển dịch 4 truyện (Hoa quốc kỳ duyên, Thử tinh truyện, Phú cái truyện, Lưỡng Phật đấu thuyết ký) in trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (Thế kỷ 10 đến thế kỷ 17), NXB Văn hóa và Viện Văn học, 1962. Đến năm 1963, NXB Văn hóa, Viện Văn học đã in bản dịch toàn bộ Thánh tông di thảo do Nguyễn Bích Ngô thực hiện.
Bản dịch dưới đây là của Nguyễn Bích Ngô, do Phạm Văn Thắm biên tập lại, chủ yếu là về mặt chuyển đổi địa danh và kỹ thuật trình bày.
TỰA
Khổng Tử không bao giờ nói những chuyện quái dị, thần kỳ vì những chuyện ấy mắt không trông thấy, mọi người sinh ra ngờ vực.
Nhưng thử nghĩ xem: trong bốn bể, biết bao núi thẳm, đầm to, thì những truyện quái dị, thần kỳ kể sao hết được? Kìa như những truyện Bá Hữu nước Trịnh, khi chết hóa thành quỷ dữ (1), Hoàn Công nước Tề trông thấy yêu quái trong núi (2), ông bạc đầu ăn thịt con trai, con gái (3), không phải là truyện lạ hay sao? Lại như hải khách với chim âu (4), Đinh Lệnh Uy cưỡi hạc (5), gió của Liệt Tử (6), bè của Trương Khiên (7), không phải là truyện dị thường hay sao? Nào nuốt trứng chim huyền điển rồi sinh ra ông tổ nhà Thương (8), nào ướm chân vào vết chân lớn rồi sinh ra ông tổ nhà Chu (9), nào nằm mộng thấy đi lại với thần rồi sinh ra ông tổ nhà Hán (10), những truyện ấy không phải là thần kỳ cả sao?
Những truyện ta chép ra đây như Hoa quốc kỳ duyên (Duyên lạ Hoa Quốc), Ngư gia chí dị (Truyện lạ nhà thuyền chài)… đều là những truyện có kê cứu, không giống những loại truyện Tề Hài (11). Những người chấp nhất cho những truyện ấy là có sự việc mà không có lý, hoặc có lý mà không có sự việc. Đó chỉ là kiến thức của bọn người ngồi đáy giếng, không đủ bàn đến những sự vật trong bầu trời rộng lớn.
Nay tựa.
Mời các bạn đón đọc Thánh Tông Di Thảo.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn