“Những dấu chân của mẹ là tập 3 trong bộ ba tiểu thuyết Người kinh đô cũ (NXB Hội Nhà văn, 2004), Lửa kinh đô và Những dấu chân của mẹ (…). Hai nhân vật chính là Nguyễn Phúc Bửu Toàn và Đoan Thuận đã xuyên suốt tác phẩm. Bửu Toàn là một vương gia Tây học, làm Chánh văn phòng Tòa khâm sứ Trung Kỳ nhưng bí mật hoạt động cách mạng đã góp phần cùng nhân dân Huế và cả nước làm nên Cách Mạng Tháng Tám. Đoan Thuận là nữ sinh Đồng Khánh, nữ sinh Khải Định (thời đó trường Đồng Khánh chưa có ban tú tài), cô giáo trường Việt Anh đã tham gia cách mạng với lòng yêu nước thiết tha và nhiệt tình cháy bỏng của tuổi trẻ” (LTS của tạp chí Sông Hương).
Hà Khánh Linh xuất thân trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng ở Huế. Tên khai sinh của chị là Nguyễn Khoa Như Ý. Năm 20 tuổi, đang học dở dự bị đại học Khoa Học Sài Gòn thì chị quyết định bỏ học để gia nhập quân Giải phóng. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu chị đã từng đi dạy, làm phóng viên Đài phát thanh Giải Phóng, Đài phát thanh Bình Trị Thiên, làm biên tập, thư ký toàn soạn rồi phó tổng biên tập tạp chi Sông Hương. Chị quen biết và giao tiếp khá rộng từ các vị quan chức đến các vị đại đức, linh mục, trí thức… cùng những năm tháng gian khổ ở chiến trường Trị Thiên, những chuyến đi thực tế ở Campuchia… đã giúp chị có một vốn sống hết sức phong phú. Trong khoảng 40 năm cầm bút cho đến nay chị đã xuất bản tám tập tiểu thuyết, bảy tập truyện và ký, hai tập thơ. Chị là một nhà văn trưởng thành trong chiến tranh chống Mỹ nên đề tài chiến tranh là đề tài được chị quan tâm nhiều nhất (…). Mấy năm gần đây chị mở rộng đề tài. Chị muốn tái hiện lại một số giai đoạn lịch sử quan trọng của Huế qua các tác phẩm dài hơi như tiểu thuyết Người Kinh Đô Cũ (dày 576 trang), Con gái người cung nữ … Về mảng đề tài này chị cũng đã có những thành công nhất định (…) Hà Khánh Linh là một nhà văn làm việc không biết mệt mỏi. Chị đã vượt qua mọi chông gai, thử thách trên đường đời để tự khẳng định mình. Tôi rất đồng tình với điều mà chị tâm niệm: “Viết là một cách sống, một thái độ ứng xử trước cuộc đời”
Đi thăm cô Minh Lý về gần ngót hai tháng rồi mà Anh Thi vẫn chưa vơi được cảm giác bàng hoàng lâng lâng bay bổng rất thực mà lại như mơ. Nhất là những ngày bên cô Minh Lý tâm trạng Anh Thi lúc nào cũng chao đảo giữa hai thái cực: hạnh phúc và đau khổ, vui mừng và tuyệt vọng, thỏa mãn và bức xúc… Thậm chí, trong niềm thương yêu kính trọng vào cùng vào hạn đối với mẹ thỉnh thoảng lại cộm lên một chút giận hờn. Rồi giận ba, giận anh Vĩnh Tuấn và giận cả chính mình. Từ sau khi có được Anh Thi – đứa con yêu quý mà Đoan Thuận gửi cho – quan ngài Nguyễn Phúc Bửu Toàn cứ ở nhà đợi Đoan Thuận, chứ không hề cất công đi tìm kiếm như buổi ban đầu Đoan Thuận bỏ nhà ra đi… Vì sao ba hành xử như vậy hở ba? Còn anh Vĩnh Tuấn, những ngày anh ở Sài Gòn, cự ly giữa anh với “dì Đoan Thuận” rất gần mà anh không hề hay biết. Những lần anh qua lại trên đại lộ Lê Lợi thênh thang cái biển hiệu mỹ viện Phúc Toàn ít nhất cũng một lần đập vào mắt anh, mà anh không hề có một chút suy nghĩ liên tưởng gì sao? Chưa bao giờ anh có ý định đi tìm gặp “dì Đoan Thuận” hoặc mơ gặp “dì Đoan Thuận” giữa Sài Gòn hoa lệ một thời sao?!…
Khi những câu hỏi này được bật nên lời, thì anh Vĩnh Tuấn suy nghĩ một hồi lâu rồi cất giọng chậm rãi, rành mạch, mắt hơi trừng một chút với cô em gái Anh Thi – như thuở nào cô còn bé bỏng vậy:
– Chúng ta ai cũng thương nhớ, mong chờ, day dứt, đau đớn, khắc khoải… không biết dì Đoan Thuận còn hay đã mất, nếu còn thì đang ở đâu? Như thế nào? Ra sao?… Có thể nói mấy chục năm qua không khí gia đình ta chưa có lấy một ngày vui thật sự, vì tâm trạng ấy luôn đè nặng lên tâm thức của mỗi người. Còn dì Đoan Thuận thừa biết tất cả những tình cảm ấy của mỗi một người trong chúng ta dành cho dì, thừa biết chúng ta đang ở đâu, làm gì… Nhưng dì đã chẳng hề coi trọng điều đó. Đối với dì thì những nguyên tắc của Tổ chức là cao nhất! Phương thức sống mà dì chọn lựa là tốt nhất! Dì sống vì lý tưởng mà dì đã chọn, vì ước mơ mà dì đã đạt được, vì nghĩa vụ mà Tổ quốc đã tin tưởng giao phó cho dì… Tất nhiên thiếu dì Đoan Thuận cách mạng vẫn thành công, nhưng chính dì muốn trong bản đại hợp xướng chiến thắng của dân tộc phải có sự góp mặt của dì. Chính dì đã từng nói với ba là dì có thể chết được rồi sau khi ba tiếp nhận tình yêu của dì. Con người khôn ngoan ấy đã không muốn chết bình yên trên chiếc giường của mình, trong ngôi nhà của mình. Con người ấy muốn sống một cuộc đời bằng nhiều cuộc đời cộng lại, nếu không muốn nói là nhân lên! Dì Đoan Thuận là như thế đó! Nếu anh không nhầm thì ngoài hai mươi tuổi ít nhất có một lần dì Đoan Thuận xác định đi vào chỗ chết, nhưng vẫn không chết. Đó là khi dì quyết định gửi em về Huế cho ba nuôi. Lời thư của dì viết cho ba anh đã thuộc lòng, và hẳn là em còn thuộc và nhớ hơn cả anh “… Sắp sửa vào chiến dịch mới. Tôi sợ lần ra đi này có thể không trở về, nên tôi đành phải gửi con tôi cho ngài nuôi dạy giúp…” Đó là mùa hạ năm 1948. Dì xác định mình có thể hy sinh. Nhưng ông trời còn để cho dì sống trên đời hai mươi năm nữa. Dì đã đi du học – như ước nguyện của ba ngày xưa mà vì quá yêu ba, nên dì không rời xa ba để đi học được. Dì học một ngành khoa học để làm đẹp cho bao người đàn bà con gái khác không được đẹp như dì. Cùng lúc, dì trở thành một cán bộ cách mạng hoạt động hợp pháp giữa thủ đô hoa lệ Sài Gòn trong một thời gian dài mà kẻ địch không hề hay biết. Thông minh, từng trải, đầy năng lực và dày dặn kinh nghiệm, hẳn là dì đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng được giao, để rồi cùng với đồng chí đồng bào làm nên một tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 lịch sử. Ngày kết thúc chiến dịch, một tay dì đã cứu sống hai thương binh bị thất lạc, rồi sau đó tự tay đưa các anh ra vùng an toàn, khi trở về dì mới bị địch bắt. Dì mãn nguyện lắm rồi, em không biết đó thôi! Em trách anh ở Sài Gòn lâu sao không nhìn thấy biển hiệu Phúc Toàn, và nếu đã nhìn thấy sao không có chút suy nghĩ, liên tưởng, tìm tòi… Nói thật với em, dạo đó – và cả về sau này – thỉnh thoảng nhìn thấy chỗ của các bà các cô lui tới để làm đẹp, là anh vội vã tránh xa ra! Có thể nói đàn bà con gái cứ mãi lo trau chuốt cái dung nhan cho lắm vào, thì đầu óc càng rỗng tuếch!… Hẳn là dì Đoan Thuận hàng ngày đều có đọc báo Sài Gòn, anh luôn ký tên thật dưới các bài báo, lẽ nào dì không nhận ra? Sao dì không chủ động đến tòa soạn tìm anh? Em biết không, khi em lặn lội cả năm trời đi tìm dấu tích của mẹ – từ tập nhật ký của mẹ để lại – cho đến những vùng miền mẹ đã từng qua, anh thương em lắm, vừa thương ba không còn nữa để biết được tin về mẹ. Nhưng bây giờ anh nghĩ khác. Nếu ba còn sống đến ngày nay để biết tất cả những sự ứng xử như thế của dì Đoan Thuận, chắc chắn ba sẽ buồn lắm. Thà ba không biết được những điều đó. Thà ba nửa tin nửa ngờ rằng dì Đoan Thuận đang còn sống ở đâu đó, hoặc đã hy sinh vào cuối cuộc kháng chiến chống Pháp.
Mời các bạn đón đọc Những Dấu Chân của Mẹ của tác giả Hà Khánh Linh.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn