“Bài học Phần Lan 2.0” là cuốn sách của nhà cải cách giáo dục lừng danh người Phần Lan Pasi Sahlberg. Cuốn sách kể lại hành trình biến Phần Lan từ một nước có nền giáo dục kém cỏi những năm 1970 trở thành quốc gia số 1 về giáo dục trên thế giới, cho dù nền giáo dục của họ:
+ Chỉ có một kì thi phổ thông cấp quốc gia
+ Không cải cách mất hàng ngàn tỉ
+ Không loay hoay giữa thi hay không thi đại học, gộp hay không gộp hai kì thi phổ thông với đại học
+ Học sinh không phải làm bài tập về nhà
+ Giáo viên không bị Bộ Giáo dục đánh giá định kì
…
Hiểu về giáo dục Phần Lan chắc chắn rất có ích cho nền Giáo dục Việt Nam. “Bài học Phần Lan 2.0” có thể là cuốn sách mang sứ mệnh khai sáng nền giáo dục cải cách liên miên, đầu tư tốn kém nhưng vẫn nhiều bất cập của nước nhà.
***
LỜI GIỚI THIỆU
Tôi rất lấy làm vinh dự được viết lời giới thiệu cho ấn bản thứ hai của cuốn sách Bài học Phần Lan của tác giả Pasi Sahlberg, một trong những nhà giáo dục hàng đầu của Phần Lan. Cuốn Bài học Phần Lan của ông đến nay đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng. Tôi rất vui khi chứng kiến cuốn sách được xuất bản tại Việt Nam bằng tiếng Việt.
Vì đây là cuốn sách kể câu chuyện về hệ thống giáo dục Phần Lan, cho nên tôi muốn hướng độc giả chú ý tới vai trò vô cùng quan trọng của giáo dục trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Phần Lan. Đất nước tôi đã có sự chuyển mình đáng kể trong vài thập kỷ qua, từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và ngư nghiệp, trở thành một nước công nghiệp hiện đại nơi thành công được dựa trên nền móng của những tiêu chuẩn về “xuất sắc-ưu tú” rất khắt khe. Trong thời kỳ đầu của công cuộc công nghiệp hóa, kinh tế của Phần Lan dựa vào rừng, một nguồn tài nguyên rộng lớn. Kể từ đó, chúng tôi đã đa dạng hóa sản xuất, từ các mặt hàng như giấy, máy móc thiết bị, sản phẩm kim loại và hóa chất cho đến các thiết bị điện tử chuyên dụng tinh vi, các giải pháp công nghệ cao và thân thiện môi trường thế hệ mới, cùng các dịch vụ tư vấn.
Một trong những bí quyết, mà tôi có thể gọi là BÍ MẬT, đằng sau sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của Phần Lan là hệ thống giáo dục toàn diện và chất lượng cao. Quốc gia chúng tôi đặt chất lượng giáo dục tiên tiến lên hàng đầu, với xuất phát điểm đến nay là việc bảo đảm sự tham gia toàn diện và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người. Đối với một nước nhỏ bé như Phần Lan, việc huy dộng hiệu quả các nguồn lực trí tuệ trên toàn quốc là điều vô cùng cần thiết. Đây là một trong những yếu tố chủ chốt phía sau thành công của chúng tôi.
Việt Nam và Phần Lan có các quan hệ song phương tuyệt vời. Quan hệ ngoại giao bền chặt của chúng ta khởi đầu từ năm 1973, và trong hơn ba thập kỷ qua, chúng ta đã cùng phối hợp với nhau thông qua hợp tác phát triển. Quan hệ đối tác lâu dài với Việt Nam tạo dựng nên một nền tảng vững chắc cho hợp tác thương mại bền vững vì lợi ích chung của chúng ta trong tương lai. Chúng tôi rất mong chờ chúng ta tiến thêm một bước mới trong quan hệ song phương giữa hai bên và xây dựng quan hệ đối tác dựa trên thương mại, hợp tác kinh tế, tiếp xúc cấp doanh nghiệp-doanh nghiệp và hợp tác về mặt thể chế.
Trong tương lai, giáo dục là một trong những lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước chúng ta. Việt Nam đang trên đà phát triển kinh tế ấn tượng và những thành tựu của các bạn trong những thập kỷ qua thật ngoạn mục. Có thể thấy, cải cách hệ thống giáo dục là một trong những ưu tiên quốc gia hàng đầu tại Việt Nam.
Tôi hy vọng cuốn sách về giáo dục Phần Lan của Pasi Sahlberg có thể là một đóng góp quý báu mang lại những hiểu biết về quá trình phát triển của hệ thống giáo dục Phần Lan và là nguồn khích lệ cho cuộc thảo luận giáo dục tại Việt Nam.
Chúc các bạn có chuyến hành trình hứng khởi đến với thế giới của giáo dục Phần Lan.
ILKKA-PEKKA SIMILÄ
Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam
GIÁO DỤC PHẦN LAN:
MỘT NỀN GIÁO DỤC ĐỘC ĐÁO
Các bạn đang cầm trên tay cuốn sách về một nền giáo dục rất độc đáo trên thế giới: Nền giáo dục của Quốc gia Phần Lan thuộc bán đảo Scandinavia. Đây là một câu chuyện dài về quá trình hình thành và phát triển chính sách giáo dục Quốc gia trong hàng chục năm qua của quốc gia này.
Không phải ngẫu nhiên mà từ một quốc gia có thứ hạng không phải quá cao trên thế giới về giáo dục nhưng mới đây, lần thứ ba trong bốn năm, Phần Lan tiếp tục giữ vị trí số một về năng lực cạnh tranh trong bảng xếp hạng toàn cầu. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá Phần Lan có cơ chế quản lý kinh tế vĩ mô cực kỳ tốt. Thành tựu này có được là nhờ ở các hàng điện tử, đặc biệt là công nghệ thông tin. Kinh tế phát triển với nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn truyền thống, có sự chuyên môn hóa cao. Công nghệ hiện đại là chìa khoá của sự phát triển và Phần Lan là một trong các quốc gia hàng đầu thế giới về sử dụng Internet.
Với tỷ lệ Internet, điện thoại di động và giao dịch ngân hàng điện tử trên đầu người cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Phần Lan có một cơ sở hạ tầng thông tin đảm bảo cho việc hoạch định tương lai của mình. Với chỉ hơn năm triệu người, Phần Lan có tới 20 trường đại học hàng đầu, gần 26 trường đại học khoa học ứng dụng, nhiều trường kỹ nghệ tiên tiến, và rất nhiều tổ chức nghiên cứu uy tín, cung cấp một trong những lực lượng lao động được đào tạo tốt nhất thế giới.
Đằng sau những sự phát triển đó chính là nền giáo dục. Trong nhiều năm qua, câu chuyện về nền giáo dục Phần Lan đã trở nên nổi tiếng trên thế giới và gây nên sự tò mò đối với cả người Việt Nam. Khi đọc cuốn sách, tôi thấy rất thú vị và thán phục khi biết chi tiết lịch sử phát triển nền giáo dục độc đáo này… Tôi đã ngạc nhiên khi biết tất cả các giáo viên trong các trường học Phần Lan đều phải có bằng Thạc sỹ và nghề giáo là một nghề được ngưỡng mộ nhất, hơn cả bác sỹ, kiến trúc sư và luật sư, và đó không chỉ là khẩu hiệu, mà còn thể hiện ở những hành động thực tế khi lương giáo viên cao hơn mức lương chung các ngành khác chừng 10%.
Trong cuốn sách Bài học Phần Lan 2.0, tác giả đã cập nhật toàn bộ quá trình Phần Lan xây dựng một hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới trong suốt bốn thập kỷ qua. Với bổ sung đáng kể so với ấn bản đầu tiên năm 2011, phiên bản 2.0 này trình bày một cách có hệ thống tập trung vào giáo viên và lãnh đạo chuyên nghiệp, xây dựng lòng tin giữa các xã hội và trường học, và đầu tư vào giáo dục hơn là cạnh tranh, sự lựa chọn, và cải cách thị trường… Đó là những điều đưa các trường học Phần Lan trở thành một mô hình quốc tế thành công.
Như Diane Ravitch đã viết, cuốn sách Bài học Phần Lan 2.0 nhắc nhở chúng ta rằng một quốc gia nếu nhận thức được ý nghĩa của giáo dục và con người, quốc gia đó hoàn toàn có thể xây dựng một hệ thống trường học tốt đẹp.
Trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam đang tiến hành nhiều thay đổi mạnh mẽ, chúng tôi nỗ lực xuất bản cuốn sách này với mong muốn cung cấp chi tiết câu chuyện về cải cách giáo dục và thiết lập nền giáo dục Phần Lan để giúp các bậc phụ huynh và giáo viên, các nhà nghiên cứu giáo dục, và nhất là các nhà hoạch định chính sách tham khảo một mô hình giáo dục hiện đại và thành công, và tin rằng đây là nguồn tài liệu hữu ích cho những gì chúng ta đang theo đuổi.
Xin chân thành cám ơn Đại sứ quán Phần Lan đã giúp chúng tôi trong quá trình xuất bản cuốn sách này.
Tháng Mười một năm 2016
NGUYỄN CẢNH BÌNH
Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC)
Mời các bạn mượn đọc sách Bài Học Phần Lan 2.0 của tác giả Pasi Sahlberg & Đặng Việt Linh (dịch).
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn