Trong the Clinic (Bệnh viện tư – bản dịch tiếng Việt của Nhà xuất bản Công an nhân dân năm 2007 là Ba nhát đâm bí ẩn), khi điều tra về cái chết của nữ giáo sư tâm lý học Hope Devane, Delaware đã xé toang tấm màn bao phủ số phận của Hope và bác sĩ giải phẫu Cruvic, những nhà khoa hoc đã lạm dụng khoa học để thực hiện những cuộc thí nghiệm, giải phẫu tàn bạo đối với con người. Những đao phủ sạch sẽ này là sản phẩm bệnh hoạn của gia đình họ, được nuôi dưỡng từ tuổi thơ ấu, nhưng cuối cùng chính họ sẽ lại trở thành mục tiêu trả thù cho cơn phẫn nộ từ một nạn nhân an uổng của họ…..
… Trinh thám của Kellerman đậm tính phân tích. Mỗi một câu chuyện trinh thám, suy cho cùng là một quá trình truy nguyên căn gốc hành vi đầy phức tạp, gay cấn….
Vậy J. Kellerman là ai?
Sinh năm 1949 tại New York, nhưng Los Angeles là nơi ông gắn bó, nơi ông thành đạt trong nghề nghiệp bác sĩ và với tư cách một tác gia tiểu thuyết. Khởi đầu công việc viết văn từ năm 22 tuổi, song phần lớn những năm tuổi trẻ ông dành để nghiên cứu tâm lý trẻ em. Năm 24 tuổi, ông nhận bằng tiến sĩ, chuyên ngành tâm lý trẻ em. Sau đó là những năm làm việc trong các bệnh viện, trung tâm bệnh trẻ em ở Los Angeles, điều trị tâm lý cho các trẻ em bị ngược đãi, lạm dụng… Năm 1980-1981, ông xuất bản những cuốn sách về y học liên quan đến trẻ em: Psychological aspects of childhood cancer và Helping the pearful child. Năm 1985, J. Kellerman xuất bản cuốn sách hư cấu đầu tiên When the bough breaks (Khi cành cây gãy – tên bản dịch tiếng Việt do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành năm 2007 là Ba bóng đen). Ngay lập tức cuốn sách trở thành hiện tượng bestseller được bầu chọn trên tờ New York times, và tác giả nhận được giải thưởng Edgar Poe và giải thưởng Anthony Boucher cho tiểu thuyết đầu tay hay nhất. Tiểu thuyết này năm 1986 được dựng thành phim truyền hình phát trên kênh NBC và đã thu hút 28 triệu người xem. Từ đó đến nay, mỗi năm một cuốn sách (có năm 2 cuốn), in ở nhiều nước trên thế giới và bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, tên tuổi Jonathan Kellerman liên tục có mặt trên bảng xếp hạng của New York times. The master of psychological suspense – bậc thầy của tiểu thuyết trinh thám tâm lý, báo chí nói về ông như thế khi lần đầu tiên ông xuất hiện trên văn đàn, và sự tôn vinh ấy đã không ngừng được nhắc lại hơn hai chục năm nay, trên các báo, trên các website, và quan trọng nhất, ông vẫn là một nhà văn không hề cũ đối với công chúng.
Nhân vật chính trong các tiểu thuyết của ông, Alex Delaware, phần nào đó là hình bóng của chính nhà văn. Nhận bằng tiến sĩ năm 24 tuổi, là bác sĩ tâm lý trẻ em, Alex khám phá ra đằng sau những sự cố của trẻ nhỏ luôn ẩn chứa những vấn đề của người lớn, của xã hội. Trong cuốn sách đầu tiên When the bough breaks, Alex Delaware 30 tuổi, sống độc thân và bắt đầu hẹn hò với Robin. Vì có người bạn thân là thanh tra Milo Sturgis ở trong Sở cảnh sát, anh được mời chữa trị cho các em nhỏ nạn nhân của một vụ xâm hại, rồi làm tư vấn đặc biệt cho cảnh sát. Vụ đầu tiên anh tham gia là vụ một bác sĩ tâm lý bị giết cùng người bạn gái là cô giáo dạy ở trường dành cho các trẻ có khiếm khuyết. Nhân chứng duy nhất của vụ án là một bé gái 7 tuổi bị bác sĩ cho uống quá liều thuốc an thần đã trở nên gần như ngơ ngẩn. Những ám ảnh của bé gái có ý nghĩa gì? Liệu thực sự cô bé đã chứng kiến một tội ác? Lần theo mối dây của các nạn nhân, Alex tìm tới một trung tâm từ thiện nuôi dạy các trẻ mồ côi và khuyết tật lớn ở Los Angeles. Xới tung hàng chục mối quan hệ, lần lại những trang hồ sơ cũ, đào bới quá khứ của những gương mặt đang hiện diện ở tầng thượng lưu của xã hội, Alex Delaware đã tìm ra sự thật về những con quỷ đội lốt người, những kẻ có xu hướng tình dục bệnh hoạn, những kẻ say mê quyền lực, những kẻ bị khống chế bởi quá khứ tội lỗi, đã biến trung tâm từ thiện kia thành hang ổ truy lạc, lạm dụng tình dục của hàng trăm trẻ nhỏ.
Trong Blood test (Thử máu – Nhà xuất bản Công an nhân dân 2005), khi cố gắng giúp đỡ cậu bé Woody mắc bệnh ung thư, Delaware phải đối mặt với hàng bao rắc rối và dò trong mớ bòng bong các quan hệ, anh đã đi đến tận cùng sự thật khủng khiếp trong gia đình cậu bé: những tín ngưỡng rùng rợn và quan hệ loạn luân được che đậy trong rất nhiều năm, mà bất hạnh đổ lên số phận những đứa trẻ là chị em và cũng là mẹ con Nona và Woody.
Trong Bad love (Tình yêu dối trá – Nhà xuất bản Công an nhân dân 2004), vụ án Delaware khám phá liên quan tới một hội nghị khoa học mà các nghi can đều là những nhà khoa học liên quan đến tâm lý – giáo dục trẻ em.
Trong The Clinic (Bệnh viện tư – bản dịch tiếng Việt của Nhà xuất bản Công an nhân dân năm 2007 là Ba nhát đâm bí ẩn), khi điều tra về cái chết của nữ giáo sư tâm lý học Hope Devane, Delaware đã xé toang tấm màn bao phủ số phận của Hope và bác sĩ giải phẫu Cruvic, những nhà khoa học đã lạm dụng khoa học để thực hiện những cuộc thử nghiệm, giải phẫu tàn bạo đối với con người. Những đao phủ sạch sẽ này là sản phẩm bệnh loạn của gia đình họ, được nuôi dưỡng từ tuổi thơ ấu, nhưng cuối cùng chính họ sẽ lại trở thành mục tiêu trả thù cho cơn phẫn nộ từ một nạn nhân oan uổng của họ.
Cộng tác với cảnh sát với tư cách là chuyên gia tâm lý, nhưng trong tất cả các vụ án, bác sĩ Delaware đã tham dự như một thám tử chuyên nghiệp, mà bên cạnh anh chàng thám tử to béo Milo Sturgin chỉ còn giữ vai trò bổ khuyết cho vai chính. Không giắt súng trong lưng, không có phương tiện hỗ trợ như một cảnh sát thực thụ, nhưng Delaware có sự mẫn cảm đặc biệt để dò ra những ngóc ngách tâm lý, những mối quan hệ của con người, dù quan hệ đó có được che giấu tinh vi thế nào đi nữa. Không có nhiều những pha bắn giết hay rượt đuổi, cách của J. Kellerman là bóc tách dần các chân dung, các quan hệ. Ông đẩy độ căng thẳng lên dần dần, ông lừa người đọc vào những cao trào khiến người ta lầm tưởng đó đã là cú cuối, song thực sự cú cuối chỉ nằm ở trang cuối, khi bạn đọc sắp sửa gấp sách lại. Kellerman thường bẫy người đọc trong những câu chuyện có vẻ rời rạc ban đầu, tung ra nhiều nhân vật, đưa nhiều lộ trình, tạo ra một mớ rối tung quan hệ, nhưng rồi những hướng rời rạc sẽ gắn kết ở một điểm, ở đó những gương mặt nhân vật, những lộ trình hành vi đột ngột sáng tỏ. Tuy nhiên, không như một tác phẩm trinh thám thông thường đích cuối của câu chuyện là vạch mặt thủ phạm, với J. Kellerman, thủ phạm không phải là sự thật ghê gớm nhất; sự thật shock nhất nằm ở cú vỡ bung cuối cùng soi sáng tận cùng nguyên do của tội ác. Blood test, Over the edge, Private eyes, Bad love, Devil’s Waltz – Vũ điệu quỷ, Nhà xuất bản Công an nhân dân 2007, cho đến cuốn sách mới nhất Gone, mỗi một vụ án là một ca tâm lý, mỗi một nhân vật là một dạng tâm bệnh che đậy, bắt đầu từ thời thơ ấu. Có thể thấy quan điểm của Kellerman, không có tội ác nào trong hiện tại lại không có nguyên do từ một hoàn cảnh bất thường hay một xu hướng bệnh hoạn trong thời thơ ấu. Những câu chuyện của ông chứa đựng một lời cảnh báo: hãy quan tâm đến trẻ nhỏ, bạo hành, stress, lạm dụng… đối với trẻ nhỏ, tức là đang gieo mầm cho bạo hành, lạm dụng, giết người… cho tương lai.
Trinh thám của Kellerman đậm tính phân tích. Mỗi một câu chuyện trinh thám, suy cho cùng là một quá trình truy nguyên căn gốc hành vi đầy phức tạp, gay cấn. Bối cảnh tiểu thuyết của ông là Los Angeles thời hiện đại, với đầy rẫy những bạo hành, stress, lạm dụng; một Los Angeles có vô vàn những vấn đề tâm bệnh, nơi mà xã hội thượng lưu khoác mặt nạ che đậy bên dưới hàng bao dối trá, dục vọng. Kellerman không mô tả tội ác ở những tầng lớp dân nghèo, ông nhằm vào phân tích sự mục ruỗng, méo mó nhân cách ở những tầng lớp trên, nơi những người có tiền, có quyền, có tri thức. Bằng vào sự nhạy cảm, khả năng phân tích, suy luận của nhân vật Alex Delaware, ông dò tìm những bí mật của tâm lý – hành vi ẩn dưới đời sống đĩnh đạc của những bác sĩ, giáo sư đại học, của những thẩm phán, luật sư, cha cố… Kinh nghiệm của một bác sĩ tâm lý đã giúp ông trở thành một nhà văn phân tích hành vi xuất sắc. Hành vi con người, đó là mối quan tâm của ông, là điều ông theo đuổi trong suốt cuộc đời và vì nó mà ông đã viết – trong một bài trả lời phỏng vấn, ông đã nói đại ý như thế.
Có thể nói, tiểu thuyết của Jonathan Kellerman là tiểu thuyết trinh thám – hành vi, một sự kết hợp tài tình giữa tiểu thuyết trinh thám điển hình và tiểu thuyết tâm lý. Nếu con đường của văn chương là khám phá bí mật về con người, thì J. Kellerman đang đi trên con đường đó, từng ngày, bằng những cuốn sách của mình, ông cuốn hút hàng triệu độc giả ở khắp hành tinh trong hành trình mê mỏi khám phá không ngừng nghỉ bí ẩn của hành vi con người.
Đó là một con đường tản bộ cong cong êm ái rợp bóng cây đu cạnh trường Đại học California – Los Angeles, hai bên là những bãi cỏ rộng có các xưởng máy và các khu nhà, mượt như mặt bàn bi-a mới.
Dưới một cây đu khổng lồ bên đường là nơi Hope Devane bị đâm chết. Nơi đó cách nhà bà một đoạn đường về phía Tây Nam.
Tôi ngó lại một lần nữa, chỉ thấy được lờ mờ dưới ánh trăng lười nhác. Sự yên lặng về đêm ở đây chỉ bị phá vỡ bởi những tiếng dế mèn và thỉnh thoảng là tiếng xe hơi đời mới tiếng nổ nhẹ như một làn khói.
Dân địa phương đang trở về sau buổi làm việc. Vài tháng nay, đã có nhiều người tò mò tới đây để ngó qua cái sân khấu này.
Milo châm điếu xì gà và phụt khói ra ngoài cửa kính xe.
Xoay cái cửa kính xuống, tôi tiếp tục nhìn cây đu ấy.
Một cái thân cây xoắn, to như cây cột điện cao thế bên Xa lộ. Tán lá của nó có bán kính rộng tới 18 mét, tối tăm. Những cành cây chắc chắn, tham lam hiện ra dưới ánh trăng băng giá, một số cành quá nặng, thỉnh thoảng lại quét xuống mặt đất.
Có lẽ phải đến 5 năm nay thành phố không cử người tới tỉa cành cho cây cối hai bên đường. Chắc là do thất thu thuế. Người ta nhận định rằng tên giết người đã núp dưới vòm cây, mặc dù không ai tìm thấy dấu hiệu hiện diện của hắn ngoài những vết xe đạp cách đó vài mét.
Ba tháng sau khi phát hiện ra xác chết, tất cả vẫn chỉ dừng lại ở nhận định, không có tiến triển gì.
Chiếc xe Ford cũ của Milo nằm cùng đoạn đường với hai chiếc xe khác, cả hai đều là Mercedes, đều bị phết phiếu đậu xe sai quy định ở trên kính chắn gió.
Sau khi xảy ra vụ giết người, thành phố đã hứa sẽ tỉa cành cho cây cối bên đường, nhưng lời hứa ấy đến nay vẫn chưa hề được thực hiện.
Có lần Milo cay đắng thông báo cho tôi về điều này, miệng không ngớt chửi rủa những nhà chính trị, nhưng lời nguyền rủa thực sự của anh lại nhắm vào vụ giết người máu lạnh này.
– Một vài bài viết về vụ án, rồi chấm hết.
– Các sự kiện thời sự giống như các món ăn nhanh ấy mà – Tôi nói – nhanh, dễ nuốt và dễ quên…
– Chúng ta là những người yếm thế quá chăng?
– Nghề của tôi là phải biết sống với những người bệnh hoạn mà.
Câu nói ấy đã làm Milo bật cười. Nhưng giờ thì anh đang nhăn trán, quệt tay vuốt những sợi tóc vương trên mặt, và thở ra những vòng tròn khói thuốc rung rung.
Nhích chiếc xe thêm một đoạn đường nữa, Milo cho dừng lại. Anh chỉ tay vào một trong những ngôi nhà nho nhỏ nhưng trông gọn ghẽ:
– Nhà bà ấy đấy.
Ngôi nhà có mặt tiền màu trắng, có bốn cột, các cánh cửa chớp màu đen, các đồ trang trí lấp lánh trên cánh cửa bóng loáng. Cao hơn lề đường ba bậc là lối nhỏ có lát đá xuyên qua bãi cỏ. Một cánh cổng có các mũi sắt nhọn chặn trên đường lái ô tô vào nhà.
Hai cánh cửa sổ tầng hai có màu hổ phách lấp phía sau các tấm rèm màu tai tái.
– Hình như có người ở nhà – Tôi nói.
– Xe của ông ấy đang đậu trên lối cho ô tô vào nhà đấy.
Một chiếc xe vừa chở khách, vừa chở hàng màu sáng đậu trên lối xe hơi vào nhà.
– Ông ta luôn ở nhà – Milo nói – Cứ về nhà rồi là ông ta không đi đâu nữa.
– Ông ta vẫn còn để tang ư?
Milo nhún vai:
– Bà ấy đi xe Mustang nhỏ màu đỏ. Bà ta trẻ hơn ông ấy khá nhiều.
– Nhiều là bao nhiêu?
– 15 tuổi.
– Điều gì ở ông ấy khiến anh quan tâm?
– Là hành động của ông ta khi nói chuyện với tôi.
– Ông ấy tỏ vẻ bối rối chăng?
– Không hợp tác. Paz và Fellows cũng nghĩ như thế. Nghĩa là chẳng có điều gì ông ấy nói giúp ích được cho cuộc điều tra.
Milo không đánh giá cao những điều tra viên đã tiến hành vụ này trước khi nó được trao cho anh. Với suy nghĩ rằng mình cũng sẽ rơi vào tình trạng bất lực như họ nên anh rất ưu tư.
– Mà này – Tôi nói – Phải chăng người chồng luôn là nghi can đầu tiên trong các vụ án? Cho dù đâm bà ta ở ngoài đường phố nghe có vẻ không tiêu biểu lắm.
Anh lấy tay dụi mắt:
– Đúng vậy. Đập nát óc bà ta trong phòng ngủ có lẽ tiêu biểu cho một vụ án hôn nhân hơn. Nhưng chuyện đã xảy ra rồi. – Milo xoay xoay điếu xì gà rồi tiếp – Cuộc sống dài lắm, mọi thứ đều có thể xảy ra.
– Chính xác những vết xe đạp đã được phát hiện ở chỗ nào?
– Ngay phía Bắc của cái xác nhưng tôi không coi trọng bằng chứng này nhiều. Mấy tay trong phòng thí nghiệm nói rằng những vết xe ấy có thể đã ở đó từ một cho đến mười ngày. Có thể đó là vết xe của một thằng nhóc hàng xóm, sinh viên hay một người luyện tập thể dục. Thêm vào đó, khi tiến hành xét hỏi từng gia đình ở khu vực này mọi người đều nói họ không nhìn thấy một người đi xe đạp lạ nào trong cả tuần đó.
– Một người đi xe đạp lạ nghĩa là sao?
– Nghĩa là một người nào đó không phù hợp.
– Ý nói một ai đó da không trắng phải không?
– Đại để là như vậy.
– Một khu vực yên tĩnh như thế này mà không ai nghe thấy hay nhìn thấy điều gì đó vào lúc 11 giờ đêm thì thật đáng ngạc nhiên. – Tôi nói.
– Điều tra viên nói rằng có thể là bà ta không kêu được. Không có vết thương chứng tỏ có sự phản vệ, vì vậy có lẽ bà ấy đã không kháng cự nhiều.
– Ra thế.
Tôi đã đọc các kết quả pháp y, hồ sơ, từ báo cáo sơ bộ của Paz và Fellows đến kết luận của nhà nghiên cứu bệnh học và tập ảnh khám nghiệm tử thi. Không biết tôi đã phải nhìn bao nhiêu ảnh loại này trong những năm qua. Đây là lần tôi có cảm giác tởm lợm nhất.
– Không kêu được chắc là do bị đâm đúng vào tim? – Tôi hỏi.
– Điều tra viên nói rằng có thể cú đâm đó đã làm cho tim bị nát khiến bà ta rơi vào tình trạng đột sốc.
Anh bật ngón tay thô kệch kêu một tiếng tách nhẹ rồi đưa cả bàn tay lên vuốt mặt. Nhìn nghiêng, khuôn mặt anh giống của một con hà mã, đầy hút trứng cá và mệt mỏi.
Anh rít thêm một vài hơi thuốc nữa. Tôi lại nghĩ tới những tấm ảnh chụp trước khi khám nghiệm tử thi: Xác Hope Devane trắng như băng dưới ánh đèn của điều tra viên; ba vết đâm sâu, tím bầm được chụp cận cảnh – một vết ở ngực, một vết ở đáy xương chậu, một vết ngay phía trên thận trái.
Kịch bản phía pháp y đưa ra là Hope đã bị đánh bất ngờ và ngất ngay lập tức bằng một cú đâm trúng tim, rồi tiếp đến là nhát đâm thứ hai ở âm đạo, cuối cùng bị đặt nằm sấp bên lề đường và đâm một nhát vào lưng.
– Một người chồng đã làm như vậy à. – Tôi nói – Chắc anh tưởng tượng ra điều còn tồi tệ hơn thế nhưng như thế thì chắc phải có nhiều sự tính toán đấy.
– Ông chồng này là một trí thức, phải vậy không? Một người biết nghĩ đấy chứ.
Khói thuốc phụt ra khỏi xe thành những dải nhỏ, tan biến ngay khi gặp cơn gió ban đêm.
– Anh Alex ạ, thực ra, tôi muốn kẻ giết người đó là Seacrest bởi những lý do cá nhân. Vì nếu không phải là ông ta thì vụ trời đánh này sẽ đúng là một cơn ác mộng.
– Có quá nhiều nghi can à?
– Chính vậy – Milo nói như hát – Có rất nhiều người có thể được xem là không ưa bà ấy.
Mời các bạn đón đọc Ba Nhát Đâm Bí Ẩn của tác giả Jonathan Kellerman.