Trần Trụi Với Văn Chương

Trần Trụi Với Văn Chương

Tác giả:
Thể Loại: Trinh Thám - Hình Sự
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Giới phê bình phương Tây gọi New York Trilogy là “tiểu thuyết trinh thám siêu hình”, là “giả tưởng phản trinh thám”, là “một biến tấu lạ lùng của thể loại trinh thám”, “một hỗn hợp của trinh thám và tân lãng mạn”, “một trò chơi chắp hình bằng thủy tinh”. Tất cả những cái đó khiến Paul Auster được liệt vào hàng văn sĩ hậu hiện đại. Tuy nhiên, khác với những văn phẩm hậu hiện đại điển hình vốn mang nặng phẩm chất “giả tưởng siêu hình” cùng các “yếu tố phản kháng”, New York Trilogy vẫn nhất quán trong lối kể chuyện, có cách nhìn tân hiện thực, và bộc lộ nỗi ưu tư đầy trách nhiệm của tác giả đối với những vấn đề xã hội và đạo đức. Có thể nói New York Trilogy là một dạng đặc biệt của tiểu thuyết trinh thám hậu hiện đại, vẫn dùng đến những yếu tố quen thuộc của tiểu thuyết trinh thám cổ điển, nhưng lại sáng tạo được một hình thức mới kết nối các đặc tính của thể loại này với các phẩm chất thử nghiệm, siêu hình và châm biếm mỉa mai của văn phong hậu hiện đại. Đó là ý kiến của giới phê bình Âu – Mỹ mà tôi chắt lọc từ nhiều nguồn khác nhau để bạn đọc biết New York Trilogy đã được đánh giá như thế nào, chứ còn ngay từ năm 1987, khi mới chân ướt chân ráo đến New York và đọc ấn bản đầu tiên của nó, tôi đã thấy nó rất hay, mà đã biết tí gì về văn chương hậu hiện đại đâu. Nhưng nói New York Trilogy hay như thế nào với bạn đọc ở đây thì thành chủ quan. Mà tóm tắt cốt truyện thì lại vô duyên, vì làm thế thì có khác gì mời bạn đi xem phim trinh thám rồi dọc đường đến rạp lại bô bô kể luôn ai bị giết ai bị bắt ai bị oan với những màn bất ngờ như thế nào mà cho đến giờ mình vẫn còn hồi hộp. Cho nên tôi chỉ xin phép nói mấy chuyện sau đây: Vừa rồi tôi có đọc cuốn Đường Kách mệnh, in trong tập 1 của bộ Văn kiện Đảng toàn tập ra năm 2005, và thực sự kinh ngạc và khâm phục ngôn ngữ sáng rõ của nó. Vấn đề gì cũng được nói đến một cách giản dị, sáng sủa, không thể ngờ vực gì được, như thể từ ngữ chính là linh hồn của cái mà chúng nói đến. Thế rồi tôi nghĩ đến hệ thống văn bản hiện nay, cái nào cũng cần hàng loạt những tài liệu hướng dẫn, những văn bản dưới luật, mà vẫn khó tìm thấy những tương đương của các câu chữ nọ trong thực tế. Và tôi tự hỏi: Ấy là vấn đề ngôn ngữ hay là vấn đề con người? Tại sao ngôn ngữ ngày càng mất tính chân xác và trở thành rối rắm như hiện nay? Làm thế nào để lại có thể ăn nói rõ ràng sáng sủa như trong Đường Kách mệnh? Chuyện đi tìm lại thứ ngôn ngữ chân xác này của con người này, lạ lùng thay, lại là một chủ đề cốt lõi của New York Trilogy. Dạo hè vừa rồi tôi có dịch cuốn Tham vọng Bá quyền, bàn về tình hình thế giới sau sự kiện 11/9 – tức là sau khi tòa tháp đôi vĩ đại ở New York bị khủng bố phá sập. Hôm nọ lại đọc tin bên Dubai đang xây dựng một tòa tháp lớn nhất thế giới cao đến gần một cây số, bèn liên tưởng đến tòa tháp Babel huyền thoại, rồi ngẫm đến lịch sử loài người, rồi bỗng nhận ra rằng cái hệ lụy bi thảm trong ngôn ngữ và văn chương của tham vọng loài người cũng lại là một chủ đề của New York Trilogy. Tháng trước thì đọc thấy trên mạng một loạt những bài viết và ý kiến nhân hội nghị lí luận phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Đồ Sơn. Hình như ai cũng cố đề cập đến công việc và nội tâm của những người sống bằng ngôn ngữ và nghề viết. Lúc ấy tôi đang dịch đến đúng đoạn giai thoại về cái bô đầy cứt trong phòng ngủ của nhà thơ Mỹ vĩ đại Walt Whitman và bộ óc của ông bị đánh rơi tung tóe xuống sàn phòng thí nghiệm (sau khi ông chết, rồi nhận xét của một nhân vật về hình thức tương tự giữa cái bô cứt và bộ óc của con người phi thường ấy. Nhân vật ấy kết luận rằng: “Chúng ta luôn nói đến chuyện cố thâm nhập vào bên trong một nhà văn để hiểu rõ hơn công việc của ông ta. Nhưng khi vào thẳng trong đó rồi thì lại chẳng thấy gì nhiều – nghĩa là nội tạng ai thì cũng vậy thôi, chẳng khác nhau là mấy”. Than ôi, đúng là chẳng khác nhau là mấy về hình thức, nhưng cái thế giới nội tâm của người sinh ra để viết văn vẫn cứ là một bí hiểm khôn lường. Và lạ lùng thay, hình như cái bí hiểm khôn lường ấy mới là chủ đề xuyên suốt của tập trinh thám siêu hình hậu hiện đại này. Thế rồi tôi chợt nhận ra rằng cả ba cái chủ đề trong New York Trilogy thực ra chỉ là triển khai của một ý niệm cơ bản duy nhất, ấy là tấn kịch bi tráng của giấc mộng và sự nghiệp văn chương khi người cầm bút phải loại bỏ mọi giả hình để trực giao trần trụi với bản thân và thế giới trên con đường đi tìm ngôn ngữ đích thực để diễn ngôn sự thật. Cái giá phải trả cho văn chương thật là ghê gớm! Lạ thay, đúng lúc ấy thì tôi nhận được email của biên tập, nói liệu có nên dịch cái đầu đề New York Trilogy là Bộ ba truyện New York hay không? Có thể đại đa số bạn đọc Việt Nam sẽ hiểu Bộ ba truyện New York là ba câu chuyện gì đó về thành phố hoặc tiểu bang New York ở bên Mỹ. Mà hiểu nhầm như vậy thì rất thiệt cho độc giả. Sau khi thảo luận tới 9 phương án khác nhau, chúng tôi mới quyết định đặt tên cho bản dịch tiếng Việt này của New York Trilogy là TRẦN TRỤI VỚI VĂN CHƯƠNG. Chúng tôi tin rằng đây là tên gọi gần gụi nhất với tấn kịch bi tráng mà Paul Auster đã mô tả rất lạ lùng trong ba câu chuyện hoàn toàn độc lập mà lại quan hệ chặt chẽ với nhau này. Để câu chuyện đậm đặc các vấn nạn hiện sinh của mình được chân xác, Paul Auster, cũng như các nhân vật của ông, đã viện đến nhiều giai thoại lịch sử về những số phận khác nhau, và cách viết này, cộng với cấu trúc nhiều nguồn của các câu chuyện, đã khiến cho Trần trụi với văn chương trở thành một văn phẩm mà người đọc cảm thấy không biết ai thực sự là tác giả. Chính Paul Auster cũng xuất hiện trong truyện, với tên thật của mình, tên vợ tên con thật của mình (Siri là vợ hiện nay của ông, và hai người con là Daniel và Sophie. Nhân vật xưng tôi trong Căn phòng khóa kín thì lại xưng là tác giả của cả Thành phố thủy tinh lẫn Những bóng ma; và còn nói rằng cả ba truyện trong tập này thực ra chỉ là một câu chuyện, diễn biến theo ba giai đoạn. Bạn cứ đọc đi đã rồi sẽ tự tìm ra được câu chuyện ấy. Phải chăng đó cũng là một đặc tính của văn chương hậu hiện đại: Đặc tính interactive – tương tác: Người đọc phải tham gia và tự tìm thấy câu chuyện cùng nghĩa lí của nó. Trần trụi với văn chương là một văn bản mở. Với một văn bản như thế này, bạn đọc nên coi mình cũng là tác giả, và nếu tác giả đã viết nó ý tứ và thận trọng như thế nào thì ta cũng nên đọc nó ý tứ và thận trọng như vậy, rồi sẽ ngộ được cái khoái cảm đặc biệt mà loại văn chương này mang lại. Để giúp bạn đọc thưởng thức tối đa cái khoái cảm đã hứa hẹn ấy, tôi có dùng một số giải pháp dịch thuật theo lí thuyết Skopos – đặt mục tiêu phục vụ người đọc lên hàng đầu – để vừa chuyển tải được hết ý vừa giữ được liền mạch văn của tác giả cũng như mạch đọc của độc giả; đồng thời cũng cố gắng chú thích hết những chi tiết mà tôi cho là bạn đọc có thể chưa biết, mà lại rất nên biết để thưởng thức câu chuyện đặc biệt này. Thành phố New York là nơi tôi đã trải qua những chuyện lạ lùng nhất trong đời mình. Có lẽ vì vậy mà từ lâu tôi đã muốn dịch New York Trilogy. Tôi xin có lời cảm ơn Công Ty Văn Hóa Phương Nam đã tin rằng công việc có động cơ cá nhân này sẽ giúp bạn đọc mở thêm một cửa sổ nhỏ nữa vào thế giới kì thú của văn chương Mỹ đương đại. Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn Carol Mann và Paul Auster đã không ngại trả lời nhiều câu hỏi của tôi trong khi dịch cuốn sách này.

Nguồn: https://thuviensach.vn