21 Bí Mật Của Những Nhà Diễn Thuyết Tài Ba Nhất Lịch Sử

21 Bí Mật Của Những Nhà Diễn Thuyết Tài Ba Nhất Lịch Sử

Tác giả:
Thể Loại: Tâm Lý - Kỹ Năng Sống
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Abraham Lincoln, Winston Churchill, Martin Luther King, Margaret Thatcher… là những chính trị gia nổi tiếng trên thế giới. Họ được đông đảo công chúng biết tới vì những gì họ đã làm cho đất nước, cho lý tưởng họ theo đuổi hay những thành công trong sự nghiệp. Để thành công, họ không chỉ cần tài năng mà cần thành thạo những kĩ năng cần thiết của một nhà lãnh đạo. Một trong số đó là nghệ thuật diễn thuyết trước công chúng. Cuốn sách mỏng của Giáo sư về Ngôn ngữ và Lãnh đạo tại Đại học Nam Colorado, James C. Humes, người từng soạn các bài diễn văn cho năm vị Tổng thống của nước Mỹ, là tập hợp 21 kĩ năng trong nghệ thuật diễn thuyết, bao gồm nghệ thuật tạm dừng trước khi phát biểu, nghệ thuật nói lời mở đầu, nghệ thuật thể hiện phong thái, nghệ thuật thể hiện thông điệp… với nhiều câu chuyện minh họa thực tế, sinh động từ các diễn giả lừng danh trên thế giới. Demosthenes, vị diễn giả nổi tiếng nhất thành Athens, khi được hỏi đâu là ba thử thách dành cho một diễn giả vĩ đại đã trả lời rằng: “Hành động, hành động và hành động!”. Winston Churchill, chính trị giả nổi tiếng với vai trò Thủ tướng Anh, là một “chú Sư tử” mạnh mẽ. Khi nước Anh kiệt quệ do chiến tranh, ông đã biến ngôn từ của mình thành vũ khí và làm Đức quốc xã khiếp sợ, khiến chúng chùn bước không dám xâm chiếm Anh quốc. Chiếc kính gọng đen nặng mà ông đeo khi đọc diễn văn, điếu xì gà ve vẩy trên tay trái và ngón tay đặt hình chữ “V chiến thắng” được giơ lên bằng tay phải là những dấu hiệu mang tính chính trị rõ nét. Abraham Lincoln, vị Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, nổi tiếng với bài diễn văn Gettysburg chỉ dài hai phút, không hề đọc bài phát biểu viết sẵn, thậm chí cũng không hề nhìn vào tờ giấy. Ông tập trung vào khán giả và nói chuyện trực tiếp với họ, như thể những lời nói đó được lấy ra từ trái tim mình. Cùng với Benjamin Franklin, một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng của Hoa Kỳ và Ronald Reagan, vị Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, họ đều là những bậc thầy về kể chuyện. Martin Luther King, một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1964, người da màu trong thế giới da trắng của người Mỹ, đã tìm ra cách để được lắng nghe. Ông nổi tiếng với các bài phát biểu đậm chất thơ, nắm vững nghệ thuật nói lời kết cho các bài phát biểu… Napoleon, một trong những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử thế giới, bởi ngoài những ưu thế khác thì ông còn rất biết cách tạo sức thu hút đối với mọi người. Giống như Juarez, luật sư và chính trị gia của Mexico sống vào thế kỷ XIX, Napoleon không có lợi thế về dáng người, và khi truyền đạt với quân đội Pháp, ông nói bằng giọng đặc tiếng Ý của đảo Corse, hòn đảo nơi ông sinh ra. Nhưng ông thường đứng yên lặng trong khoảng 40 đến 50 giây trước khi phát biểu. Như thể cứ mỗi giây ông chờ đợi thì trong mắt binh lính ông lại cao thêm 1cm. Nhà quân sự -­­ chính trị này đã sử dụng nghệ thuật tạm dừng trước khi phát biểu như chiếc chìa khóa nâng cao tầm quan trọng cho thông điệp của mình. Cho dù họ là chính khách, nhà quân sự, diễn giả lừng danh hay nhà hoạt động xã hội… thì không phải tất cả những cá nhân đó đã vĩ đại ngay từ lúc sinh ra. Họ đều là những người nghệ sĩ không ngừng mài giũa các kỹ năng thuyết trình để củng cố thông điệp. Họ đều sở hữu những bí mật diễn thuyết tuyệt vời để thành công trong vai trò lãnh đạo, vượt qua nhiều rào cản chính trị và kêu gọi được sự ủng hộ đông đảo của công chúng.