Yu Jin và Yu Jin, hai cô bé, một cái tên chung nhau và một đoạn đời ám ảnh chung nhau. Lên cấp hai, tình cờ họ gặp lại sau nhiều năm xa cách. Giờ đây, ở lứa tuổi đầy rắc rối và phức tạp, thế giới của hai em không chỉ giao nhau ở cái tên và vết thương xưa, mà còn là vô số biến cố không ngờ…
Đề cập trực diện tới một chủ đề nặng nề như sự xâm hại trẻ em, cuốn tiểu thuyết nhỏ của Lee Geum-yi đã sáng bừng lên bằng lối kể sinh động, thấu hiểu, đong đầy yêu thương. Như ý nguyện của chính tác giả:
“Tôi muốn nói với các em rằng ‘Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được từ bỏ việc yêu thương bản thân’. Yêu bản thân chính là bước đầu tiên giúp chữa lành vết thương. […] Vì mỗi em ở lứa tuổi này đều là một sự tồn tại có ý nghĩa và đáng quý như các vì sao trên trời vậy.”
Lee Geum-yi
***
Binh Boog Review sách YU JIN LỚN YU JIN BÉ
Không biết do dịch giả, lối viết của tác giả hay đất nước Hàn Quốc có một sự tương đồng về văn hoá mà Yu jin lớn – Yu jin bé gần gũi, chân thật đến vậy.
Lứa tuổi thanh thiếu niên là lứa tuổi rất khó để nắm bắt. Là lứa tuổi mà sự khẳng định bản thân có chút nổi loạn rất hay gặp phải.
Cha mẹ Hàn Quốc cũng rất giống cha mẹ Việt Nam, họ cũng đặt kỳ vọng ở con cái rất nhiều, mong con mình học hành với điểm số tốt, con mình nhất định phải vào đại học.
Không chỉ đề cập tới vấn đề của cha mẹ và con cái ở lứa tuổi dậy thì, mà Yu jin lớn và Yu jin bé còn đề cập tới một vấn đề nhạy cảm hơn đó là xâm hại trẻ em.
Tuy vấn đề có phần nhạy cảm nhưng bằng lối viết thấu hiểu, đầy yêu thương tác phẩm đem lại cho người đọc cảm giác tươi sáng, bình yên không quá nặng nề hay u uất.
Các bậc cha mẹ cũng như chính bản thân nạn nhân của xâm hại đều không mong muốn điều không hay xảy đến với mình nhưng cách để vượt qua vết sẹo đó mới là điều quan trọng.
Nếu như Yujin lớn may mắn có được sự yêu thương, chia sẻ từ cha mẹ, bạn bè để vết cắt đó lên da non, thành sẹo. Tuy có lúc nhói đau nhưng không đau đớn.
Thì Yu jin bé lại không may mắn được như vậy. Cô vẫn luôn ám ảnh không thoát khỏi cái bóng của quá khứ. Cha mẹ, gia đình đã ép cô phải quên đi nỗi đau đó, coi đó như một việc xấu xa mà lỗi đâu phải do cô.
Thế nên mới nói, cha mẹ chưa chắc đã hiểu về con cái và con cái cũng chưa chắc đã hiểu cha mẹ. Sự yêu thương, chia sẻ chính là liều thuốc tốt nhất để vượt qua nỗi đau.
Là vấn đề nhạy cảm nên họ cũng đau đớn, không muốn mọi người xì xào bàn tán về việc không may của con mình bởi đó là việc xấu hổ có tốt đẹp gì đâu.
Nhưng hãy lên tiếng, bởi chính sự lên tiếng của nạn nhân cũng như gia đình nạn nhân sẽ ngăn chặn được việc xấu không xảy đến với những nạn nhân tiếp theo.
Bị xâm hại khi còn nhỏ sẽ gây ra vết thương tâm lý không dễ gì vượt qua nhưng dù trong hoàn cảnh nào cũng không được từ bỏ việc yêu thương bản thân, bởi bạn không phải là người có lỗi trong việc này.
Sau bão tố, mặt biển sẽ xanh trong và lấp lánh hơn dưới ánh mặt trời.
***
“Biến những tổn thương hay khổ đau mình nhận lấy thành những tấm huân chương cuộc đời của riêng mình hay thành những vết vá chằng đụp đều do bản thân mỗi người tự quyết định. Không phải ư?” (lời nhân vật Hee Jung trong cuốn “Yu Jin Lớn – Yu Jin Bé”, tác giả Lee Geum Yi).
“Yu Jin Lớn – Yu Jin Bé” là là một cuốn sách hay viết về vấn nạn nhức nhối trong xã hội – nạn xâm hại tình dục trẻ em. Bằng tấm lòng tràn đầy tình cảm mến thương và đôi mắt có ánh nhìn dịu dàng mà sâu sắc, tác giả Lee Geum Yi đã lựa chọn cho mình một cách thể hiện rất riêng biệt: nói về nỗi đau các em nhỏ phải trải qua bằng cách hóa thân thành chính các em. Chính góc nhìn này đã khiến câu chuyện như được khoác thêm một lớp áo của tình yêu, tất cả câu chữ, lời kể đều thành lời tâm tình ngọt dịu. Những nỗi niềm đớn đau về cả thể xác và tâm hồn đều như được vỗ về, an ủi và một tương lai ngập tràn hi vọng cũng được mở ra trước mắt các nhân vật và cả người đọc.
Câu chuyện kể về hai cô bé đều có tên là Lee Yu Jin, học chung trường mẫu giáo và gặp lại nhau khi đang học cấp hai. Hai em đều phải trải qua một biến cố đau khổ trong những năm đầu đời của mình – bị Hiệu trưởng trường mẫu giáo xâm hại, biến cố này đã để lại những “’vết sẹo” mà có lẽ sẽ đi theo các em tới suốt cuộc đời. Tuy có những nỗi đau giao nhau, nhưng cách hai em đối mặt với vết thương của mình lại không giống nhau, bởi hai em được đặt trong những gia đình khác nhau, tiếp nhận sự giáo dục khác nhau. Nhìn thấy suy nghĩ và cách các em nhìn nhận về nỗi đau của mình mới thấy tầm quan trọng của gia đình, nhà trường và xã hội trong quá trình trưởng thành của mỗi người. Sự giáo dục các em nhỏ được nhận nên được xuất phát từ tình yêu thương, bởi có lẽ, phải nhận được tình yêu thì các em mới biết cách yêu: yêu người khác và yêu lấy chính mình.
Yêu thương, tha thứ cho tội lỗi của người khác cũng chính là cách để tự giải thoát cho những nỗi đau của bản thân. Yu Jin Lớn đã tha thứ cho “tên khốn đó”, Yu Jin Bé có lẽ cũng sẽ làm vậy. Các em cần học cách tự yêu thương chính mình. Giống như lời của nhân vật Hee Jung đã trích dẫn ở trên, chúng ta nắm trong tay quyền quyết định cuộc đời mình, nếu đã được chọn, thì hãy cứ tiến về phía trước mà chọn niềm vui vẻ và sự hạnh phúc. Dẫu biết thật khó khăn để làm mờ đi những vết sẹo trong lòng, song chúng ta phải thật kiên cường lên, tựa như chàng Icarus trong thần thoại Hy Lạp xưa vậy. Hãy chắp những thương tích thành một đôi cánh và bay cao tới tận Mặt trời mà chẳng màng tới cái kết cuối cùng. Chúng ta hãy sống và trân quý chính bản thân mình. Như vậy, cuộc sống này cũng sẽ trở nên tốt hơn.
– Vũ Khánh Huyền Review
***
Hành lang trường ngày đầu năm học mới nồng mùi đám bụi bị nhốt kín suốt cả kỳ nghỉ. Nhưng không ganh nổi với tiếng trò chuyện râm ran của bầy học sinh, cái mùi ấy chẳng mấy chốc đã bay biến sạch. Thứ âm thanh râm ran đáng gờm, hệt tiếng hàng nghìn con chim sẻ cùng lúc kêu chiêm chiếp, những muốn thổi bay cả nóc trường học chứ đừng nói gì mỗi đám bụi kia.
Đã không còn tìm thấy nét hồn nhiên và hân hoan như nắng mới sáng bừng của học sinh đầu cấp trên gương mặt đám học sinh khối Tám đang lê bước vào lớp sau khi dự lễ khai giảng ở sân thể dục. Chúng lên lớp với cái dáng vẻ uể oải ủ rũ, hệt gấu tay áo đồng phục đã hơi sờn cũ hay mông váy đã dần rệu rão. Chúng giờ đã trở thành ma cũ, không còn ngạc nhiên trước những truyền thuyết hay chuyện ma chuyện quỷ được đồn thổi khắp trường và cũng chẳng còn rúm ró sợ hãi trước những lời cảnh cáo hay hình phạt của các thầy cô.
Dĩ nhiên trong số “chúng” có cả tôi và So Ra. Sau một năm vụt lớn, đám học sinh khối Tám trông đã vừa vặn hơn trong bộ đồng phục. À không, với đứa như tôi thì cái bộ đồng phục đó chưa gì đã chật ních rồi. Không lớn kịp với chiều cao, da dẻ tôi rạn nứt khắp chỗ. Bảo tôi không dám gập cạp váy lên chỉ bởi những vết da nứt như mạng nhện ở khoeo chân thì cũng chẳng ngoa.
Bố thường nhìn tôi với ánh mắt long lanh, bảo: “Con gái bố cao nhanh như cây dương ấy nhỉ!” nhưng mẹ lúc nào cũng tặc lưỡi “Chỉ cao không thôi thì làm ăn gì? Cư xử vẫn cứ như con nít.” Có lẽ vì Hyung Jin con trai mẹ quá còi so với đám bạn đồng trang lứa, nên với mẹ cái đứa tồng ngồng như tôi lại càng khó chấp nhận. Thằng ranh Hyung Jin hễ hở ra lại réo tôi là “sào”. Hiển nhiên mỗi lần bị nó gọi thế tôi phải đốp lại ngay rằng: “Này cái đồ quýt tròn ung ủng, biến ngay trước khi chị mày xơi một miếng.”
“Yu Jin à! Thấy bảo chủ nhiệm mới lớp mình hay cho nhiều bài tập lắm đấy.”
Không biết từ bao giờ So Ra đã kịp nhắn tin với bà chị gái đang dự lễ khai giảng ở trường cấp ba và thu thập thông tin về giáo viên chủ nhiệm mới. Chị Bo Ra, chi gái của So Ra, mới tốt nghiệp cấp hai ở trường chúng tôi. So Ra là bạn thân nhất của tôi, tôi đã học cùng lớp với nó suốt từ hồi lớp Sáu, lên lớp Bảy rồi đến tận bây giờ.
Nhà tôi chuyển đến chỗ ở hiện tại từ kỳ nghỉ đông sau khi tôi học hết lớp Năm. Tôi chẳng thích thú gì việc phải rời xa nơi mình từng sống suốt mười hai năm cả, nhưng một đứa trẻ nít như tôi nào có cái gọi là quyền lựa chọn. Bố mẹ tôi, mặc dù đã trúng một suất mua căn hộ chung cư nhưng vì không có tiền nên phải đi thuê nhà ở suốt hai năm liền, hoàn toàn chẳng thèm đếm xỉa đến lời năn nỉ đợi tôi học xong tiểu học rồi hẵng chuyển đi đâu thì chuyển. Thậm chí, bố mẹ từng nói để tôi lên cấp hai thuận lợi thì chuyển đi vào thời điểm ấy là thích hợp nhất.
Tôi đã không thể gắn bó với trường mới. Bao kỷ niệm với trường cũ trong suốt năm năm trước đó càng khiến tôi khó hòa nhập. Khi ấy, người đã làm bạn với tôi chính là So Ra. Lên cấp hai chúng tôi lại được phân về cùng trường, và may mắn làm sao tôi với So Ra tiếp tục học chung một lớp. Tôi là chị cả trong nhà, còn So Ra là em út trong ba anh chị em.
Với một ông anh và một bà chị năm nay lần lượt vào đại học và lên cấp ba, So Ra cư xử cứ như thể nó đã đạt đến cảnh giới tường tận mọi sự trên đời. Ôm mộng làm nhà văn, So Ra rất ham đọc sách, hẳn cũng vì thế mà nó hiểu biết hơn tôi nhiều. Đặc biệt, tôi dám chắc nó am hiểu sinh lý bọn con trai hơn khối đám dân chơi trong lớp. Năm ngoái, trong giờ Nữ công gia chánh chúng tôi đã được học về những biến chuyển ở thanh thiếu niên tuổi dậy thì. Suốt lúc đám bọn tôi nuốt nước bọt dỏng tai nghe giải thích về những biến đổi sinh lý ở lũ con trai như bắt đầu mộng tinh này nọ thì So Ra chỉ trưng ra bộ mặt chán ngán, vẻ mặt So Ra lúc ấy chẳng khác gì mẹ nó, một bà mẹ đã nuôi ba con khôn lớn. Chắc cũng bởi vậy mà dù So Ra thấp hơn tôi, nhiều khi tôi vẫn coi nó như chị gái. Thêm nữa là sau kỳ nghỉ đông, ngực và mông So Ra đã nở nang thật cân đối nên trông nó lại càng người lớn hơn hẳn so với đứa chỉ cao lên chứ chẳng được cái nước gì như tôi.
So Ra nhắn tin với chị gái không ngơi nghỉ. Vì chỉ có một thằng em trai mười hai tuổi chẳng thể cùng sẻ chia bất cứ điều gì nên tôi rất ghen tị với chị em So Ra hở ra là cãi nhau về đủ thứ linh tinh như áo quần, giày dép hay cặp sách.
Giáo viên chủ nhiệm mới mà chúng tôi đã được giới thiệu trong lễ khai giảng vừa bước vào lớp. Cô đặt xấp tài liệu lên bàn giáo viên rồi viết tên mình lên bảng.
“Kim So Young”…
Mời các bạn đón đọc Yu Jin Lớn – Yu Jin Bé của tác giả Lee Geum Yi.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn