Năm thành công rực rỡ vẫn chưa xuất hiện
Heather Kampf là một vận động viên điền kinh với bảng dài thành tích ấn tượng, bao gồm ba chức vô địch tại Mỹ ở hạng mục cự ly trung bình một dặm. Nhưng điều ấn tượng nhất ở cô chính là lần cán đích đầu tiên trong trận chung kết 600m tại giải Big Ten Indoor Track Championship sau khi bất ngờ bị ngã dúi dụi xuống đường đua. Đối với đường đua 600m, các vận động viên sẽ phải chạy ba vòng 200m quanh sân thi đấu. Tại thời điểm vòng đua cuối đang cận kề, Kampf đang ở vị trí thứ hai và sẵn sàng bứt phá lên vị trí dẫn đầu. Nhưng chỉ trong chớp mắt, mọi thứ đã thay đổi.
“Tôi đang cố di chuyển để vượt qua… và có lẽ là do không ước lượng đủ không gian cho sải chân dài của mình,” cô nhớ lại. “Tôi cảm thấy mình bị hụt chân, và một giây sau đó, tôi ngã xuống.”1 Hơn cả một cú ngã thông thường, Kampf lúc đó đã ngã sóng soài xuống đất. Cô trượt trên mặt đất, mặt cô chà xát lên đường đua màu đỏ trong khi hai chân bị hất ra phía sau. Khán giả há hốc miệng vì kinh ngạc. Cú ngã kinh hoàng đó ngay lập tức đẩy cô xuống phía cuối đoàn đua mà không có lấy chút hy vọng đuổi kịp những người khác.
Khi nói đến việc đạt được mục tiêu của chính mình, tôi biết rất nhiều người trong chúng ta cũng cảm thấy như vậy. Chúng ta bắt đầu một cách mạnh mẽ và tạo ra những bước tiến lớn lao, lấy thêm “đà” khi chúng ta bước đi. Rồi sau đó, chúng ta bị trật bánh hoặc rơi rớt đi hy vọng. Không phải lúc nào cũng vậy – nhưng rất thường xuyên rằng, hầu hết chúng ta có thể chỉ ra cả tá những thất bại với đủ thất vọng và tiếc nuối.
Không còn gì minh họa cho kiểu thất vọng này hay bằng những dự định cho năm mới. Mọi người năm nào cũng vậy, ghi ra một danh sách những dự định muốn làm. Nhưng chỉ một vài người còn làm điều đó đến tận bây giờ, trong khi phần lớn chúng ta thì lại làm điều này trong quá khứ – cứ mười người Mỹ thì sẽ có sáu người thiết lập mục tiêu trong ít nhất là vài năm.2 Nhưng không phải cái gì phổ biến cũng có nghĩa là nó sẽ có hiệu quả.
Một hệ thống sai lầm
Những hashtag như #mụctiêubịthấtbại thường bắt đầu thịnh hành trên các trang mạng xã hội vài giờ trước khi bước qua năm mới. Một phụ nữ còn đùa vào ngày 3/1 rằng: “Đã sẵn sàng đến phòng tập, khăn gói hết đồ cần dùng và rồi đi ăn humburger #mụctiêubịthấtbại.” Sang ngày khác lại có người còn nói rằng: “Đã mua đồ tập thể thao cho đứa em sinh đôi của tôi nhân dịp sinh nhật của cả hai và giờ chúng tôi thậm chí còn chưa nâng được cái tạ nào, ngoại trừ nĩa ăn.”3
Tôi cá là ai cũng nhận ra điều này. Rằng chúng ta thường chỉ nỗ lực cho những mục tiêu của mình một vài tuần. Rồi sau đó, chưa đầy nửa số đó gắng gượng cho đến tháng thứ sáu. Và cuối cùng, chưa đầy 10% là thành công.4 Trên thực tế, rất nhiều người trong chúng ta không còn đặt mục tiêu hay dự định nữa vì chúng ta từng thất bại trong việc hoàn thành chúng ở quá khứ. Vậy thì, chào mừng bạn gia nhập hội. Chúng ta cứ như những chú rùa con non nớt bùng nổ sự quyết tâm vượt qua những đụn cát để ra được đến bờ biển. Song sau đó, những con mòng biển sẽ bay tới và chén dần từng chú một. Nhờ đó mà ngân hàng làm lợi từ những thất bại của chúng ta. Các trung tâm thể hình ký hợp đồng theo năm với khách hàng và biết chắc rằng phần đông số họ sẽ chỉ đến được vài tuần rồi từ bỏ. NPR đã từng đưa tin rằng có một chuỗi trung tâm thể hình có đến 6.500 thành viên tại mỗi địa điểm nhưng chỉ có thể cung cấp dịch vụ cho đủ 300 người một lần.5 Các phòng tập thể hình có thể bán dịch vụ vượt quá khả năng của họ là vì họ hiểu rằng chúng ta rồi sẽ bị phân tâm hoặc nản lòng và từ bỏ. Bạn cảm thấy thế nào khi mọi người ngầm cho rằng bạn sẽ thất bại – và làm lợi cho họ khi chúng ta thực sự thất bại?
Việc này không còn đơn thuần chỉ là những dòng tweet vui vẻ hay số liệu thống kê đáng buồn nữa đâu. Hãy thành thực nào. Tại bất kỳ thời điểm nào mà chúng ta quyết tâm thay đổi và cải thiện cuộc sống của mình, các mục tiêu sẽ phản ánh rất nhiều những ham muốn quan trọng nhất của chính chúng ta. Hãy xem xét một vài mục tiêu, dự định mà mọi người hay đặt ra như sau:
• Giảm cân, ăn uống lành mạnh hơn
• Trở thành một người tốt hơn
• Chi tiêu ít hơn, tiết kiệm nhiều hơn
• Tin cẩn vào Chúa hơn nữa
• Dành thời gian cho bạn bè/gia đình hơn nữa
• Tập thể dục nhiều hơn nữa
• Học một thứ gì đó mới mẻ
• Làm nhiều việc thiện hơn
• Tìm tình yêu đích thực của cuộc đời
• Tìm kiếm công việc tốt hơn6
Nói tóm lại, chúng ta đang nói về sức khỏe, sự giàu có, các mối quan hệ và sự phát triển cá nhân. Tôi hiểu được điều đó. Giả định của tôi trong phạm vi cuốn sách này là, bạn là một người có học thức cao, luôn muốn cá nhân, nghề nghiệp, chuyện tình cảm, trí tuệ và tinh thần của chính mình phát triển, thăng hoa hơn nữa. Và điều đó rất quan trọng, bởi vì khi những người như các bạn chạm đến tiềm năng đích thực của mình, thế giới sẽ có nhiều cuộc hôn nhân hạnh phúc, bọn trẻ sẽ có bố và mẹ quây quần mỗi đêm, các doanh nghiệp sẽ được lãnh đạo bởi những con người đáng kính và từ đó gắng sức thi đua, và bạn sẽ có được sức khỏe và sinh khí để tiếp “nhiên liệu” cho những ước mơ của bản thân. Một khi đã sống có chủ đích, bạn sẽ khiến thế giới xung quanh trở nên tốt hơn.
Và đó chính là lý do tại sao chúng ta cần một kế hoạch tốt hơn. Những giấc mơ lớn lao như thế này không thể trông cậy vào một hệ thống sai lầm được.
Mời các bạn đón đọc Your Best Year Ever: Kế Hoạch 5 Bước Để Đạt Được Mục Tiêu – Michael Hyatt.