Khi Nhật Bản bắt đầu hồi sinh sau đệ nhị thế chiến, dân chúng Mỹ có cái nhìn vô tư hơn đối với cuộc chiến, và càng ngày càng có nhiều người bắt đầu đòi hỏi những câu chuyện xoay quanh cuộc chiến nầy được nói thẳng ra. Nhiều quyển sách có giá trị đã được một số cựu phi công Hải Quân Hoàng Gia viết, phản ảnh trung thực sự hiểu biết về những trận không chiến mà các tác giả đã từng tham dự.
Nhiều người bạn đã thúc giục tôi kể lại câu chuyện về hải chiến thời ấy. Đây không phải là một việc làm dễ dàng, bởi các thủy thủ khu trục hạm chỉ được huấn luyện để chiến đấu mà không được huấn luyện về viết văn. Thật vậy, quyển sách nầy không thể ra đời nếu không có sự hợp tác hết lòng của một số đông thân hữu mà tôi không thể nào đề cập hết ra đây. Tuy nhiên tôi có thể nói là tất cả những người có tên trong quyển sách nầy đã được tôi đích thân phỏng vấn, hoặc đã tình nguyện cung cấp chuyện riêng của họ cho tôi.
Tôi đặc biệt ghi ơn người bạn của tôi, Ko Nagasawa, giữ chức vụ Tổng Tư Lịnh của Tân Hải Quân Nhật khoảng thời gian từ 1954 đến 1958, là người không chỉ sẵn lòng cung cấp cho tôi các câu chuyện của chính ông, mà còn chỉ thị cho Phân Bộ Lịch Sử của hải quân hợp tác với tôi.Tất cả các sử gia của hải quân đã đóng góp rất nhiều vào quyển sách nầy bằng cách cho phép sử dụng các kết quả tìm tòi và nghiên cứu của họ, điều khiến tôi luôn luôn nhớ đến.
Tôi tin quyển sách nầy sẽ cung hiến một quan điểm trung thực của phía Nhật Bản, có thể bổ túc cho nhiều quyển sách giá trị của người Mỹ đã viết trước đây, nhưng có một điều đáng buồn là hầu hết các tài liệu liên quan đến Nhật Bản đều thiếu chính xác. Khi viết, các tác giả người Mỹ dựa vào các cuộc thẩm vấn những người còn sống sót hoặc cựu chiến binh, do chính những kẻ chiến thắng thực hiện vào thời gian sơ khởi của cuộc chiếm đóng, thành thử những chứng liệu của họ thường quá chủ quan.
Khi viết quyển sách nầy, tôi đã cố gắng tránh chủ quan càng nhiều càng tốt, và để làm như thế, tôi phải đưa ra sự phê phán nghiệt ngã, không chỉ đối với chính tôi, mà còn đối với những thân hữu đã giúp đỡ tôi hết lòng. Thói quen của con người, và cũng là sự thất bại của mọi sĩ quan trong quân đội, là thường cố che đậy mọi lỗi lầm nếu không của chính mình thì cũng của bạn bè. Thật vậy , tôi đã thấy khổ tâm khi phải tránh sự thất bại nầy.
Sự phê phán và sự chân thật của tôi có thể gây nhiều tổn thương cho các đồng nghiệp của tôi, và có thể cho những người đã chiến đấu chống lại tôi. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng những đọc giả như thể sẽ có một cái nhìn bao dung, và xin cố hiểu rằng thâm tâm tôi không muốn gây phiền lòng cho riêng ai một ai.
Được sống sót sau khi chiếc tuần dương hạm Yahagi của tôi bị đánh chìm ở Okinawa vào tháng 4 năm 1945, tôi được bổ nhiệm về trường huấn luyện Ngư Lôi Đỉnh Kawatana gần Sasebo và Nagasaki. Chức vụ chỉ huy mới của tôi là trông coi về công cuộc huấn luyện du kích chiến, dự phòng chống lại các cuộc đổ bộ của người Mỹ lên lãnh thổ của Nhật Bản.
Lịnh đầu hàng của Nhật Hoàng Hirohito ngày 15 tháng 8 năm 1945 đã đến tôi trong khi tôi đang đảm trách công việc huấn luyện một số thanh niên Nhựt cải trang thành phụ nữ hoặc tăng ni, cũng có mục đích dự phòng chận lại các lực lượng xâm chiếm, ở căn cứ Kawatana. Tôi đã giao nộp căn cứ nầy cho một lực lượng đặc nhiệm thuộc hải quân Hoa Kỳ, do Đại Tá Francis D.McCorkle chỉ huy, vào ngày 25 tháng 9 năm 1945.
Viên Đại Tá Hoa Kỳ đối xử tôi trong tư cách một người bạn hơn là một kẻ chiến thắng, điều nầy làm tôi ngạc nhiên. Ông ta yêu cầu tôi tặng ông ta một máy tính tốc độ của một trong những chiếc Ngư Lôi Đỉnh tự sát Shinyo đang đậu ở quân cảng Kawatana. Tôi bắt buộc phải làm hài lòng ông ta.
Từ khi chiến tranh chấm dứt, tôi làm việc cho một công ty chuyển vận muối. Hai đứa con gái lớn của tôi kết hôn năm 1954, chồng của chúng, một là sĩ quan hàng hải, một là công chức. Con trai tôi, Mikito, đã vào Đại Học, vợ tôi, Chizu, mạnh khỏe và hạnh phúc.
Đông Kinh, ngày 25 tháng 2 năm 1958
Toàn thể Hải Quân Hoàng Gia Nhật gồm: 25 hàng không mẫu hạm, 12 Thiết giáp hạm, 18 tuần dương hạm hạng nặng, 26 tuần dương hạm hạng nhẹ, 175 khu trục hạm và 95 tiềm thủy đỉnh.
Nhưng các khu trục hạm nhỏ bé, bất kì thời gian nào cũng không quá 130 chiếc, mới đích thực gánh mọi nặng nhọc nhất của cuộc chiến. Chúng là con ngựa của Hải Quân hoàng gia.
Những các khu trục hạm nhỏ bé này không chỉ đơn giản được giao nhiệm vụ của các tầu chiến mà còn phải lãnh nhiệm vụ hộ tống cho các cuộc chuyển vận và có khi phải hộ tống hàng nhiều tháng trong cuộc chiến, đặt biệt từ đầu năm 1943 đến giữa năm 1944, khi hầu hết các đại chiến hạm của Nhật được “giữ gìn cẩn thận” tại một địa điểm an toàn cách xa các khu vực chiến đấu.
Khu trục hạm Nhật đã từng tham dự rất nhiều trận hải chiến dữ dội và đạt nhiều thắng lợi vẻ vang vào những ngày đầu của cuộc chiến. Những chiến thắng này đã chứng minh tài điều động khu trục hạm của người Nhật vượt trội hẳn Đồng Minh.
Tuy nhiên, từ giữa năm 1943 các khu trục hạm Nhật đã hoạt động hết tháng này sang tháng khác mà không được bảo trì hoặc tu bổ đúng mức và vấn đề bồi dưỡng thủy thủ cũng khiếm khuyết cho nên các tàu chiến hữu hiệu này dần mất ưu thế trước các tàu chiến đồng loại của Đồng Minh. Hơn nữa, công việc phát triển các trang bị khoa học của Đồng Minh đã đạt đến mức độ đáng kinh ngạc, và họ hơn nữa đã dần dần nắm ưu thế trên không.
Tuy nhiên, các Khu Trục Hạm Nhật vẫn chiến đấu dũng cảm và ngoạn mục cho đến tàn cuộc chiến. Tôi nghĩ những thành tích của chúng đáng được ghi nhắc lại cho hậu thế. Mặc dầu những trận chiến của khu trục hạm không thể so sánh được với những trận hải chiến qui mô và lừng danh chẳng hạn như biển San Hô, Midway, Mariana hoặc Leyte Gulf có cả sự tham gia của phi cơ và các chiến hạm chủ lực, nhưng những nổ lực và thành công của các khu trục hạm trong các trận hải chiến hơn, đang dần dần bị quên lãng, cũng có tầm mức giá trị đáng kể cần phải được ghi lại chi tiết.
Các hàng không mẫu hạm đã giữ vai trò đầu trong trận Trân Châu Cảng, có thể nói một thành công, cũng như các cuộc hành quân qui mô song đã đưa đến thảm bại hoàn toàn cho Nhật ở Midway, Marianas và Vịnh Leyte.
Các tàu chiến lớn của Nhật được Bộ Tư Lệnh Tối Cao nâng niu và “giữ gìn” bằng mọi giá, cho dù ngay khi gặp phải những tình thế tồi tệ nhứt. Như đại chiến hạm Musashi 72400 tấn, tiêu thụ nhiên liệu gấp 80 lần chiếc khu trục hạm lớn, chỉ tham chiến một lần và bị đánh chìm ở vịnh Leyte mà không có dịp may để sử dụng 9 khẩu 450 ly nhằm vào bất kì một mục tiêu giá trị nào.
Yamato 72800 tấn chiếc tàu chị của Mushashi, chỉ tham chiến được 2 lần. Tại Leyte, chiếc tàu này bị các hàng không mẫu hạm hạng nhẹ của Hoa Kỳ chận đứng. Và cùng năm đó trên đường tham dự nhiệm vụ tự sát ở Okinawa, nó bị đánh chìm ở Đông Hải, cách bờ biển Nhật Bản hơn 100 dặm.
Chỉ có những khu trục hạm nhỏ của Nhật hoạt động liên tục trong suốt cuộc chiến và trong nhiệm vụ hộ tống các đại chiến hạm. Chúng đã đánh chìm nhiều chiến hạm, tàu ngầm, các chuyển vận hạm chuyển vận tiếp tế và binh sỹ của địch quân.
Nhiệm vụ thích thú nhất của tôi trong Hải Quân Hoàng Gia có lẽ là khoảng thời gian lênh đênh trên các khu trục hạm và cũng có thể nói đó là nhiệm vụ mà tôi theo đuổi trong suốt cuộc chiến. Lúc ấy các bạn hữu trong Hải Quân Hoàng Gia đã gọi tôi là “hạm trưởng huyền diệu” và chiếc khu trục hạm Shigure của tôi mang biệt danh “Kiên cố”. Tôi không nghĩ rằng tôi đáng được hưởng những lời khen ngợi nầy. Những sỹ quan thuộc 129 khu trục hạm của Nhật bị đánh chìm, cũng giống như nhiều lực lượng hải quân khác đã ra đi vĩnh viễn lúc tài ba của họ còn đang phát triển và nhiều người trong số nầy vượt xa tôi. Thật ra sự sống sót của tôi chẳng qua là vấn đề may mắn.
Giữa những kẻ sống sót như tôi, tôi tin rằng có những người tài ba bằng hoặc hơn tôi, nhưng họ không được đề cập đến các thành tích chiến đấu của họ, dĩ nhiên họ đã làm theo câu châm ngôn: “ Bại tướng không nên nhớ đến các cuộc chiến đấu của mình”.
Riêng tôi, tôi quyết định “thách thức” với câu châm ngôn này, không phải cho chính tôi, mà để những chiếc khu trục hạm và những người đã từng chiến đấu với chúng, mà gây cho họ niềm tin thích đáng. Cho họ thấy rằng cuộc bại trận nầy không hề gây tổn thương đến niềm tin và thành quả họ đạt được. Nếu quyển sách này có vẻ như đã nói về cái tôi quá nhiều, xin đọc giả hiểu một cách đơn giản là tôi chỉ muốn cố gắng thể hiện một “mẫu người khu trục hạm của Nhật Bản”, với những việc làm thích đáng, cũng như các lỗi lầm của hắn, ngoài ra chẳng còn hàm ý nào khác.
Quyển sách nầy không thể nào ghi lại tất cả câu chuyện của từng khu trục hạm một. Đặt biệt, tôi đã bỏ qua không để cập đến khu trục hạm Yukikaze, chiếc tàu đã dự tám cuộc hành quân và các trận hải chiến quan trọng trong những ngày cuối của cuộc chiến, nhưng vẫn còn tồn tại. Bởi lẽ theo ý kiến của tôi, các thành tích của Yukikaze trong khoảng thời gian từ 1941 đến 1944, đại tá Hải Quân Hoàng Gia Ryokichi Ranma, là người đủ tư cách để làm việc này. Tôi hi vọng ông sẽ viết đầy đủ chi tiết về chiếc Yukikaze qua các dữ kiện của riêng ông.
Mời các bạn đón đọc Yamamoto Và Những Trận Đánh Lịch Sử Trên Thái Bình Dương của tác giả Tameichi Hara & Nguyễn Nhược Nghiêm (dịch).