Xứ Con Người

Xứ Con Người

Tác giả:
Thể Loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Bản dịch khác của Xứ Con Người là Cõi Người Ta, dịch giả: Bùi Giáng. Xứ con người là tác phẩm thứ ba, được xuất bản của nhà văn người Pháp Antoine de Saint-Exupéry, sau Thư phương Nam và Bay đêm. Cuốn sách mang đậm tính tự truyện này trước hết là bản hùng ca dành tặng các phi công của hãng Không Bưu, đặc biệt là hai đồng nghiệp của tác giả, Jean Mermoz và Henri Guillaumet. Văn phong phóng khoáng và lãng mạn, Xứ con người không chỉ thuật lại những chuyến phiêu lưu trên máy bay của chính Saint-Exupéry và các đồng đội qua mọi miền thế giới, mà là nơi ông chiêm nghiệm những vấn đề khác như tình bạn, triết học, định mệnh, tiến bộ công nghệ, những mâu thuẫn của loài người. Xứ con người đã đạt Giải Thưởng Lớn dành cho tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp, dù đây không phải là một cuốn tiểu thuyết. Tại Mỹ, dưới nhan đề Wind, Sand and Stars (Gió, cát và những vì sao, Xứ con người đã được Hiệp hội các nhà Sách nước này chào đón liệt nhiệt. *** Nhận định “Yêu thương tuyệt không phải là người này nhìn người kia, mà là cùng nhau nhìn về một hướng.”- Saint-Exupéry *** Ấy là năm 1926. Tôi vừa vào nhận việc, là người lái trẻ đường dài ở hãng Latécoère, hãng này bấy giờ đảm nhiệm chặng Toulouse-Dakar, trước hãng Aéropostale và hãng Air France. Tôi học nghề là ở đây. Như các bạn bè, tôi đến lượt trải qua thời kỳ tập sự mà những người trẻ phải trải qua trước khi được vinh dự lái chiếc bưu cơ. Bay tập thử các loại máy bay. Đi, về Toulouse và Perpignan. Những buổi học buồn tẻ về khí tượng tận cuối một nhà vòm giá lạnh. Chúng tôi sống trong mối e ngại về những ngọn núi ở Tây Ban Nha mà chúng tôi chưa được thấy, và với sự nể phục các bậc đàn anh. Các bậc đàn anh ấy, chúng tôi thấy họ trở về, thấy họ vào quán ăn, cau có, hơi cách biệt, rất kẻ cả ném cho chúng tôi những lời khuyên bảo. Và khi một người nào đó trong bọn họ, từ Alicante hay Casablanca mà về muộn, áo da sũng nước mưa, có trả lời ai trong bọn chúng tôi khi chúng tôi rụt rè hỏi về chuyến đi thì những câu trả lời ngắn ngủn của anh ta, vào những ngày bão tố, cũng dựng lên trong chúng tôi một thế giới y hệt trong thần thoại, đầy bẫy sập, đầy lưới bủa, đầy những ghềnh đá đột nhiên nhô ra, những xoáy nước có thể bứt vứt được những cây bách hương. Những con rồng đen canh gác lối ra vào các thung lũng, hàng bó chớp vây lấy các đỉnh núi như là vương miện. Các bậc đàn anh ấy biết nuôi giữ lòng kính trọng của chúng tôi. Nhưng lâu lâu lại có một người, trong bọn họ, trở thành thiên thu đáng kính trọng, không trở về. Như vậy đấy, tôi nhớ một chuyến trở về của Bury, sau này chết trong dãy Corbières. Người lái già ấy vừa ngồi xuống giữa bọn tôi, ăn uống mệt nhọc, chẳng nói năng gì, hai vai còn sễ vì đã dụng sức. Ấy là vào cuối một trong những ngày xấu mà từ đầu chí cuối đường bay, vòm trời úa vỡ, tất cả các đỉnh núi, trước mắt người lái, như vầy trong bùn ghét, giống các khẩu đại bạc cắn đứt được các dây chằng, cày nát sàn những chiếc thuyền buồm ngày trước. Tôi nhìn Bury và nuốt nước bọt trước khi đánh liều hỏi anh chuyến bay hôm nay có vất vả không. Không nghe thấy tôi hỏi, trán đầy nếp răn, Bury cúi gằm xuống đĩa. Trên những chiếc máy bay không mui, vào lúc trời xấu, phải nghiêng người ra ngoài kính chắn để thấy cho được rõ, những cái tát của gió còn rít mãi trong tai người lái. Một lúc lâu, anh mới ngẩng đầu, có vẽ đã nghe thấy, có vẻ nhớ lại và đột nhiên bật lên một tiếng cười khanh khách. Cái cười ấy khiến tôi kinh ngạc thán phục, vì Bury ít cười, và cái cười ngắn này làm cho nỗi mệt nhọc của anh như bừng sáng lên. Anh không giảng giải chút gì nữa về thắng lợi của mình, nghiêng đầu và tiếp tục yên lặng nhai. Nhưng trong không khí quán ăn mờ xám, giữa bọn công chức nhỏ không lấy gì làm mỏi mệt lắm đang ăn để lấy lại sức, người đồng nghiệp hai vai nặng trĩu kia bỗng nhiên đối với tôi có một vẻ cao quý khác thường: anh đã cho tôi thấy, qua cái vỏ ngoài cục mịch, vị thiên thần thắng được rồng tinh.