Cơ thể bị chia cắt của một người đàn ông được tìm thấy Trong Kênh Saint-Martin. Gần với hiện trường, Maigret gặp chủ nhân ngầm của một quán cà phê, Aline Calas, và tự hỏi liệu cơ thể trong con kênh có phải là của chồng cô không. Như thường lệ, bản năng của Maigret là chính xác. Buộc phải điều tra thêm nhưng với thời gian trên tay khi anh đã giải quyết xong vụ án, Maigret bắt đầu đào sâu vào quá khứ của tất cả những ai quan tâm. Không giống như hầu hết các hư cấu thám tử, nơi tìm kiếm giải pháp là trọng tâm của câu chuyện, cuốn tiểu thuyết này khám phá các động cơ khác nhau có thể dẫn đến phạm tội. Đây là lý do tự thù hận đằng sau những hành động theo đó bạn có thể làm tổn thương và làm tổn thương những người thân thiết nhất với bạn. Simenon, thông qua Maigret, tuyệt vọng cố gắng để tìm ra ý nghĩa thực sự và tham vọng, tin rằng sự hiểu biết có thể dẫn đến sự tha thứ và tha thứ sẽ làm giảm ổ đĩa để phạm tội.
Nhà văn Georges Simenon sinh ngày 13.2.1903 mất ngày 4.9.1989. Năm 16 tuổi, Simenon là chàng phóng viên trẻ viết tin vắn cho tờ La Gazette de Liège. Mỗi ngày, ông đạp xe đến các bót cảnh sát, nhà băng, sở cứu hỏa, những cuộc thi thể thao để lấy tin cho báo. Năm 1922, ông tới Paris hoa lệ.
Tiểu thuyết đầu tay Trên Chiếc Cầu Vòm Cung được xuất bản tại Liège (Bỉ) với bút danh Georges Sun. Nhưng sự thành công chưa vội đến với cây bút trẻ có hàng chục bút danh khác nhau này (Jean du Perry, Gom Gut, Christian Brull…). Mười năm miệt mài viết như người lao động khổ sai giúp ông thành thạo trong “tốc độ” sáng tác. Đây chính là thế mạnh của tác giả “bậc thầy trinh thám” sau này. “Suốt thời kỳ 1928-1931, ông chỉ viết những tác phẩm về Maigret, trung bình mỗi tháng một cuốn”, ông nổi tiếng như cồn khi tiểu thuyết trinh thám Con Chó Vàng (Le chien jaune, 1931) được xuất bản, với tên thật Georges Simenon. 11 tác phẩm in năm đó thì 10 cuốn là tiểu thuyết với nhân vật sáng tạo Thanh tra Maigret.
Một đời văn với hơn 300 tác phẩm viết bằng tiếng Pháp đã được xuất bản, người ta không khỏi thán phục năng lực sáng tác bền bỉ và trí tưởng tượng phong phú của nhà văn Georges Simenon. Bậc thầy tiểu thuyết trình thám thật sự chinh phục hàng triệu người đọc tại nhiều nước trên thế giới. Hơn 80 tiểu thuyết Thanh tra Maigret không nằm trong thể loại truyện hình sự tầm thường. Giá trị văn học của tác phẩm đã được các nhà phê bình nhìn nhận. Sau ngày ông mất, Đại học Liège ở Bỉ đã thành lập Trung tâm nghiên cứu Georges Simenon và đã xuất bản các tác phẩm nghiên cứu về ông.
Cho đến nay, chưa có nhà xuất bản nào tại Pháp in toàn bộ tác phẩm của Georges Simenon. Mới đây, các tiểu thuyết của ông được Nhà xuất bản Ommious in thành 25 tập Tất cả Simenon nhưng chưa đầy đủ. Còn ở Việt Nam mới chỉ có khoảng chục cuốn thuộc thể loại trinh thám hình sự của Georges Simenon.
Không học cao, không đọc nhiều, không quan hệ rộng và cũng chẳng mấy khi đi đâu xa, thế nhưng Georges Simenon lại lập kỷ lục về số sách bán được và làm giàu nhờ những tác phẩm được chuyển thể điện ảnh. Bị một số người xem thường suốt thời gian dài, nhà văn viết nhiều và viết nhanh này lại được những đồng nghiệp danh tiếng như André Gide, Henry Miller hết mực kính trọng.
Làm thế nào một người rời trường học từ lúc 15 tuổi và thừa nhận mình chưa bao giờ đọc những tác phẩm văn học cổ điển lại trở thành nhà văn viết tiếng Pháp có nhiều người đọc nhất và có tác phẩm được dịch nhiều nhất trên thế giới? Văn phong của Georges Simenon không có gì đặc biệt, không hoa mỹ và không có những hình ảnh ấn tượng. Vốn từ vựng của ông cũng rất hạn chế. Tiểu thuyết của ông không có nhiều yếu tố lịch sử hay triết học. Mọi nhân vật trong truyện đều thuộc tầng lớp trung lưu, có cuộc sống bình lặng, những thị dân tiểu tư sản, chung thủy với vợ, ít ngao du, không tham vọng, không chính kiến rõ rệt. Thế mà không khí trong tiểu thuyết của ông khiến người đọc phải nhớ mãi. Trong 60 năm cầm bút, Georges Simenon trải qua nhiều trào lưu văn nghệ; chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa Marx và Tiểu thuyết mới, nhưng không trào lưu nào ảnh hưởng nơi ông. Để hiểu được phần nào bí quyết thành công của Georges Simenon, có lẽ cần trở lại thời thơ ấu của ông.
Gia đình sống quanh quẩn trong thành phố quê hương, chẳng mấy khi đi đâu xa. Để thay đổi số phận, năm 16 tuổi, Georges Simenon đến Paris. Vì sinh kế, chàng thanh niên trẻ làm đủ mọi công việc liên quan đến viết lách. Con người rất ít khi đọc sách ấy lại có một năng khiếu đặc biệt: Có thể cùng lúc là thư ký, nhà báo, nhà văn, và viết rất nhanh. Khi một nhà xuất bản yêu cầu một cuốn tiểu thuyết, câu hỏi đầu tiên của Georges Simenon luôn là: “Ông muốn có sách vào thứ sáu này hay tuần tới?” Ông viết nhiều và nhanh đến nỗi khi chưa đến 25 tuổi đã có rất nhiều bút danh. Tất cả các tác giả từng viết tiểu sử Georges Simenon đều nhận định: Để viết cuốn tiểu thuyết “Maigret” (tên vị thanh tra, nhân vật chính trong tiểu thuyết của Simenon), nhà văn chỉ cần 6 ngày và chỉ mất 9 ngày cho những tác phẩm khác mà ông gọi là “tiểu thuyết hắc” (romans durs). Cách viết nhanh như vậy giúp ông đạt được những thành công đầu tiên. Pietr le Letton (1931) là cuốn truyện mở đầu loạt truyện Maigret.
Trong vòng hai năm, ông viết hơn 20 tiểu thuyết, đem lại lợi nhuận lớn lao cho nhà xuất bản Fayard. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng, Maigret et monsieur Charles (Maigret và ông Charles) được xuất bản năm 1972. Những cuộc phiêu lưu của thanh tra Maigret trải dài trên 75 tiểu thuyết (với khoảng chừng 10 năm), mà nhân vật chính không già đi, trán không gợn một nếp nhăn. Từ tác phẩm đầu tiên cho đến tác phẩm cuối cùng, thanh tra Maigret vẫn ở tuổi 50. Các nhà nghiên cứu nhận thấy tên Georges Simenon được ký trên hơn 200 cuốn tiểu thuyết và ông cũng viết ngần ấy tiểu thuyết với những bút danh khác (40 bút danh) và gần 1.000 truyện ngắn. Les fiançailles de monsieur Hire (Lễ Đính Hôn Của Ông Hire) và Le Chien Jaune (Con Chó Vàng) là những tác phẩm củng cố danh tiếng của ông.
Những trí thức ở Paris không muốn nhắc đến “kẻ xa lạ” trốn tránh kinh đô Ánh sáng và xem thường những nghi thức của xã hội thượng lưu. Nhiều người phê phán Georges Simenon không có văn phong. Ngoại trừ nhà văn Pháp André Gide và nhà văn Mỹ Henry Miller, Georges Simenon không giao tiếp với ai nên bị giới văn học cho “ra rìa”. Ông cũng giữ thái độ mập mờ, không cộng tác với ai, cũng chẳng phản kháng ai. Khi nước Pháp thoát khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức, cũng như nhiều nhà văn khác, Georges Simenon bị buộc nhiều tội, trong đó hai tội chính: Ký hợp đồng với một nhà sản xuất phim người Đức để chuyển thể 9 cuốn tiểu thuyết của ông và Christian Simenon, em trai ông, ủng hộ phong trào chống chế độ đại nghị ở Bỉ, bị kết án tử hình vắng mặt.
Năm 1945, Georges Simenon rời châu Âu sang Mỹ, lưu lại đây 10 năm. Nhưng ở nơi sống mới, “nỗi ám ảnh viết lách” không hề dịu đi. Trái lại, trí tưởng tượng của ông càng thêm phong phú nhờ những chuyến phiêu lưu khám phá kinh đô điện ảnh Hollywood. Lúc này ở châu Âu, những lời lên án ông hợp tác với phát xít Đức đã nhạt đi. Georges Simenon sang Thụy Sĩ, sống trong một dinh thự mênh mông ở Epalinges, cách Lausanne 10km. Ông đã là một ngôi sao. Người tra tranh nhau đăng tiểu thuyết của ông trên các báo và chuyển thể thành phim. Từ La nuit du carrefour (1932) đến Monsieur Hire (1989), tổng cộng 56 tiểu thuyết chuyển thể.
Thêm một kỷ lục nữa: Georges Simenon trở nên giàu có nhờ số sách bán được và những bộ phim. Thoạt đầu, danh tiếng làm ông thích thú, nhưng rồi ông thấy chán ngán: “Tôi bán bản quyền và chẳng quan tâm nữa. Thậm chí tôi còn không đi xem phim”. Ở Epalinges, cuộc sống của ông rất bình lặng. Ông ít giao tiếp, dành toàn bộ thời gian để viết, đi dạo hai lần mỗi ngày, mỗi tháng gửi một bản thảo cho nhà xuất bản. Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến năm 1972, ông hầu như ngưng viết. Trước khi qua đời năm 1989, ông cho xuất bản 20 tác phẩm tự truyện. Sách của Georges Simenon được dịch sang 50 thứ tiếng. Trong bảng xếp hạng các sách được dịch nhiều nhất trên thế giới, sách của Georges Simenon và Agatha Christie chỉ xếp sau Kinh Thánh và các tác phẩm của Karl Marx.
Cùng với việc viết lách, phụ nữ là mối quan tâm lớn của đời ông. Có nhiều lời đồn đoán về “năng lực tình ái” phi thường của Georges Simenon. Ông từng khoe đã yêu 10.000 phụ nữ. Denyse, người vợ thứ hai, cho biết lúc tuổi xế bóng, Georges Simenon vẫn chăn gối 3 lần mỗi ngày. Bà bếp tiết lộ đã dan díu với ông chủ Georges Simenon trong một thời gian dài, và trong lúc đi dạo, cha đẻ của Maigret lại tìm quên trong vòng tay của một cô gái làng chơi. Sinh hoạt tình dục sôi nổi ấy lại không để lại một dấu vết nào trong tác phẩm của Georges Simenon. Bà Maigret là một phụ nữ tiểu tư sản, mờ nhạt và lệ thuộc, luôn ngưỡng mộ chồng. Điểm này cũng là một bí ẩn của Georges Simenon.
Ông kết hôn lần đầu tiên năm 19 tuổi với Tigy, có một con trai tên Marc. Marc kết hôn với nữ diễn viên nổi tiếng Mylène Demongeot, Georges Simenon cũng có quan hệ tình ái với ngôi sao nhạc kịch Joséphine Baker và suýt ly hôn với Tigy. Năm 1945, Georges Simenon gặp Denyse Ouimet, thoạt đầu là thư ký của ông, rồi trở thành người tình, người vợ, Georges Simenon và Denyse có 3 con: John, Mary và Pierre.
Khi trời vừa rạng sáng thì Jules Naud, người anh cả của hai anh em nhà Naud, xuất hiện trên sà lan, trước hết là cái đầu, tiếp đó đến đôi vai và sau cùng là tấm thân cao lều nghều của anh. Đưa tay lên vuốt mớ tóc màu sợi lanh chưa kịp chải, anh nhìn âu thuyền có bến cảng Jemmages ở bên trái và bến cảng Valmy bên phải. Anh vừa cuốn một điếu thuốc lá và châm hút trong buổi sáng còn se lạnh thì ngọn đèn của một quán rượu ở phố Recollets bật sáng.
Mặt tiền của quán rượu có màu vàng khè. Popaul, chủ quán, mặc áo không cổ, tóc chưa chải, đang đứng ngoài vỉa hè để tháo những cánh cửa lùa.
Jules đi trên tấm ván bắc làm cầu lên bờ và cuốn điếu thuốc thứ hai trong khi đó thì Robert, người em, cũng cao lớn như anh, đã thức giấc và lên trên boong tàu. Anh ta thấy Jules đang tì tay lên quầy hàng đợi chủ quán rót thêm rượu vào tách cà phê của anh.
Robert đang đợi đến lượt mình. Cùng với những cử chỉ như Jules, anh ta cũng cuốn một điếu thuốc lá. Khi người anh cả rời khỏi quán hàng thì người em cũng đã lên khỏi sà lan. Hai người gặp nhau ở giữa đường.
– Ta cho nổ máy đây – Jules bảo người em trai.
Có những ngày hai người không nói với nhau quá một chục câu theo kiểu ấy. Con tàu của họ mang tên Hai anh em. Họ đã lấy hai chị em sinh đôi của một gia đình sống trên bờ sông.
Robert cũng tì tay lên quầy hàng của ông Popaul béo lùn và đợi chủ quán rót rượu.
– Hôm nay đẹp trời – Popaul gợi chuyện.
Qua cửa sổ, Robert thấy trời đã chuyển sang màu hồng. Những ống khói trên các nóc nhà bắt đầu hoạt động, sương giá đọng trên các mái nhà lợp bằng đá bảng hoặc bằng ngói bắt đầu tan.
Người ta nghe thấy tiếng nổ của đầu máy đi-ê-zen. Phía sau sà lan phụt ra những luồng khói đen. Robert đặt tiền lên quầy hàng, cầm lấy chiếc mũ cát-két và đi khỏi quán rượu. Người phụ trách âu thuyền trong bộ đồng phục đã xuất hiện chuẩn bị cho việc mở cửa âu. Người ta nghe thấy những bước chân ở cảng Valmy nhưng không nhìn thấy người. Tiếng trẻ con bi bô trong những khoang tàu, nơi các bà mẹ đang chuẩn bị cà phê.
Jules đang cúi xuống nhìn mặt nước ở cuối sà lan. Người em thấy như có chuyện gì không ổn. Sà lan chở đá xây dựng từ Beauvais về. Chuyến này đá chở nhiều hơn thường lệ một vài tấn. Đêm qua sà lan từ bên La Vilette để đi vào kênh đào Saint-Martin.
Thông thường thì tháng Ba kênh đào có nhiều nước. Năm nay ít mưa nên bùn trong các con kênh sục lên khi sà lan đi qua.
Những cánh cửa âu thuyền được kéo lên. Jules ngồi bên vòng quay của bánh lái. Người em lên bờ tháo neo. Chân vịt bắt đầu quay tít, những bọt nước có bùn nổi lên.
Tì người vào cây sào, Jules đẩy sà lan tránh xa bờ kênh.
Bỗng nhiên chân vịt khựng lại, tiếng máy nổ rú lên và Robert thấy Jules đang cúi xuống máy.
Cả hai đều không hiểu đã có chuyện gì xảy ra. Chân vịt không sát xuống đáy sông. Chắc chắn đã có vật gì mắc vào nó. Có thể là rác đã bị cuốn lên.
Cầm một cây sào, Jules đến cuối sà lan và khuấy nước ở đấy lên. Chân vịt vẫn không nhúc nhích. Trong khi Jules đi tìm một chiếc móc bằng sắt thì Laurence từ khoang sà lan nhô đầu lên.
– Có chuyện gì vậy?
– Không biết.
Cái móc bắt đầu làm việc. Vài phút sau đó thì Charles Dambois, người phụ trách âu thuyền, bước tới. Ông ta không hỏi han gì mà chỉ lặng lẽ nhồi thuốc vào tẩu để hút.
Trên bờ kênh, người ta thấy nhiều y tá và hộ lý vội vã tới phố Cộng Hoà để làm việc tại bệnh viện Saint-Louis.
– Anh đã thấy vật đó chưa?
– Đã thấy.
– Một sợi dây cáp ư?
– Không biết.
Jules đã móc được vật ấy lên và chân vịt lại tiếp tục quay. Chiếc móc sắt được nhấc lên khỏi mặt nước và mắc vào đấy là một gói giấy báo buộc kỹ. Giấy báo ngâm nước đã mủn ra. Đấy là một cánh tay người, từ bả vai đến bàn tay, thịt đã xám lại như con cá chết.
***
Depoil, hạ sĩ cảnh sát của khu phố Ba, đã hết phiên trực đêm ở bến cảng Jemmages, đang chuẩn bị ra về thì gặp Jules chạy tới.
– Tôi ở âu thuyền Recollets cùng với chiếc sà lan Hai anh em. Chân vịt đã không quay được khi chúng tôi cho sà lan chạy và chúng tôi đã gỡ từ đó ra một cánh tay người.
Depoil đã làm việc ở quận Mười mười lăm năm, có phản ứng nhanh nhạy của người cảnh sát nên anh nắm ngay sự việc.
– Tay của đàn ông ư? – Depoil hỏi với vẻ hoài nghi.
– Phải. Cánh tay đầy lông màu hung và…
Thường thì người ta vớt được xác chết ở kênh đào Saint-Martin từ chân vịt của tàu thuyền. Hầu hết là xác nguyên vẹn, đại đa số là xác đàn ông, ví dụ như xác của một ông già lang thang quá chén hoặc xác của một thanh niên bị địch thủ cho một nhát dao rồi đẩy xuống dòng kênh.
Xác chết bị chặt ra từng khúc cũng không phải là không có, một năm trung bình một hai vụ, mà hầu hết là phụ nữ. Depoil có thể kể ra từng vụ một. Chín phần mười họ đều là gái bán dâm, đi lượn lờ trên bờ kênh vào ban đêm.
“Tội ác do những kẻ loạn dâm gây ra” – Báo cáo của anh thường kết luận như vậy.
Cảnh sát biết rõ những kẻ năng lui tới chốn này, họ có cả một danh sách những kẻ đáng nghi ngờ. Chỉ cần một vài ngày là đủ để tóm cổ được tác giả của vụ án cướp của giết người hoặc tấn công địch thủ bằng vũ khí.
– Anh đã mang nó lên bờ rồi chứ? – Depoil hỏi.
– Cánh tay người ư?
– Anh để nó ở đâu?
Mời các bạn đón đọc Xác Không Đầu của tác giả Georges Simenon & Trần Bình (dịch).