Xa xóm Mũi là một trong số ít tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư viết cho thiếu nhi. Xen giữa những ồn ào, tấp nập của phố thị nườm nượp người xe; là tiếng nói cười rổn rảng của những xóm ấp nghèo luôn ấm áp, đượm tình người. Phảng phất, đâu đó là một ánh mắt buồn xa xăm đến nao lòng. Nơi đất Mũi thân thương ấy có nụ cười giòn tan của cậu bé tinh nghịch, chiều chiều vẫn lẻn đi tắm sông cùng chúng bạn. Đau đáu với ánh mắt của chú bé bị bỏ rơi năm nào nơi công viên vắng lặng mơ về một gia đình. Và ta cũng chẳng thể quên được bát canh bầu nấu tép bạc ngọt lịm từ đầu lưỡi của nội. Món canh giản dị nhưng quyến luyến con người ta hơn tất thảy cao lương mỹ vị trên đời. Dường như Nguyễn Ngọc Tư đã nâng niu những kỷ niệm ấu thơ của mình một cách rất cẩn thận để gói ghém vào con chữ. Chị “Tư Cà Mau” đã viết bằng cả tâm hồn của người miền Tây hồn hậu, chất phát. Trong những con chữ giản dị mà chan chứa tình người, bạn đọc nhỏ sẽ thấy cả một vùng sông nước mênh mang hiện ra trước mắt. Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn của người nghèo và những số phận bất hạnh. Dù viết cho thiếu nhi, tác giả vẫn muốn dành cho những đứa trẻ nghèo, những em bé kém may mắn một phép màu và rất nhiều hy vọng. Điều này được thể hiện rất rõ ràng trong truyện ngắn cảm động Xa xóm Mũi với nghị lực phi thường của Đức.