Vào ngày thứ 5, 6 tháng 3 năm 1862, một vụ án mạng đã làm ngôi làng La Jonchère thanh bình bị chấn động: bà quả phụ giàu có Lerouge bị sát hại dã man tạị nhà riêng. Điều tra viên Lecoq đã phải nhờ sự giúp đỡ của một thám tử nghiệp dư cũng là người thầy của mình, lão Tabaret, tham gia vào cuộc điều tra. Với sự cẩn trọng, tỉ mỉ, kĩ thuật phát họa tâm lí tội phạm xuất sắc cùng phương pháp suy luận chặt chẽ, tài tình, lão Tabaret đã lần theo manh mối và dễ dàng tóm được thủ phạm.
Khi vụ án tưởng chừng đã khép lại thì những bước ngoặt của số phận lại bất ngờ mở ra một hướng đi mới, khiến các điều tra viên phải xem xét lại toàn bộ những suy luận của mình. Những tình tiết mới xuất hiện sẽ đưa vụ án này đi đến đâu? Những bí mật đen tối nào đang bị lớp màn của thời gian che phủ.
BẤT NGỜ, HẤP DẪN là những gì độc giả nhận xét khi đọc cuốn tiểu thuyết trinh thám này của Gaboriau.
Giới thiệu tác giả Émile Gaboriau
Émile Gaboriau (1832 – 1873) là một trong những tiểu thuyết gia “mở màn” cho thời kỳ đỉnh cao của trinh thám Pháp, đưa trinh thám Pháp sánh ngang với trinh thám Anh, trinh thám Âu Mĩ. Bạn đọc ở Việt Nam biết đến ông với Hồ sơ số 113 và Tội ác ở Orcival.
Bằng việc xây dựng thành công hình tượng nhân vật thám tử tài ba, tài trí Lecoq, Émile Gaboriau đã trở thành một trong những nhà văn trinh thám kiệt xuất trên thế giới và được mệnh danh là “Ông tổ” của tiểu thuyết trinh thám Pháp.
***
“Liệu có gì ghê tởm hơn sự gán ghép hai ý nghĩ ấy với nhau, lòng căm hận và công lý! Không cần coi thường mình hơn so với những kẻ xấu xa mà mình đã kết án, liệu một quan tòa có thể cho phép nhớ rằng một kẻ tội nhân mà số phận đang nằm trong tay mình đã từng là kẻ thù của ông? Một Thẩm phán điều tra liệu có được phép sử dụng những quyền lực thái quá của mình để chống lại một bị can, khi mà sâu trong tâm can ông ta vẫn còn một giọt mật đắng?”
Một đoạn miêu tả tâm lý nhân vật thật xuất sắc với những đấu tranh nội tâm về việc có nên đem chuyện riêng tư vào phép công hay không? Thực chất, nếu đặt bản thân vào hoàn cảnh của nhân vật, chúng ta liệu có công tư phân minh được hay không? Hay cũng chỉ áp dụng quyền hành mà bản thân đang có để triệt tiêu tất cả những mối thù hận và căm hờn lên kẻ thù đang đứng trước mặt? Đôi khi đọc sách là thế, là khiến tôi phải suy ngẫm về những đoạn nhỏ trong sách để tự vấn lòng mình xem bản thân sẽ làm như thế nào với tình huống đó.
“Vụ án Lerouge” mở ra với bối cảnh làng La Jonchere bình yên, thế nhưng tất cả mọi người đã bị chấn động bởi cái chết của bà quả phụ Lerouge. Hàng loạt thắc mắc được đặt ra và người ta không hiểu tại sao bà ta bị giết, ai có thể ra tay tàn độc như vậy. Lần này, sự xuất hiện của ông thám tử nghiệp dư Tabaret là một điểm nhấn thú vị và rõ ràng là ông ta có phần tài giỏi hơn cả Lecoq khi sớm tìm ra được hung thủ. Ở nhân vật này, chúng ta sẽ thấy được bóng dáng của Holmes bởi khả năng quan sát mọi việc và tình tiết rất cẩn trọng. Một chút tự mãn được thêm vào tài năng phá án của lão đã tạo ra một cá tính hết sức riêng biệt, đôi chút hài hước và đôi chút khó ưa.
Thực ra, ở “Vụ án Lerouge”, việc hung thủ bị lộ diện không còn là yếu tố hút bạn đọc nữa. Điểm hay nhất chính là mối tình xưa cũ của nhân vật được tiết lộ khiến cho chúng ta thêm phần đồng cảm và thích thú nhiều hơn. Tình yêu bi ai được khai thác triệt để và rõ ràng sẽ lấy được nước mắt bạn đọc. Khổ trong tình yêu và tội ác được nảy sinh không phải là một mối kết nối quá mới nhưng với việc khai thác sâu sắc đã khiến cho câu chuyện thật sự thành công và đầy sâu sắc. Nếu những định kiến của xã hội và kiêu hãnh của con người có thể áp chế tình yêu thì sao nó không thể áp chế được luôn cả những bi kịch đã nảy sinh từ những uất ức đó?!
Nhìn chung, “Vụ án Lerouge” đã mang tới một câu chuyện đầy ai oán cho bạn đọc với sự lồng ghép tuyệt vời giữa miêu tả tâm lý nhân vật với những đoạn phá án khá kịch tính. Sự thật và những mâu thuẫn tâm lý đã đẩy câu chuyện đến mức cao trào nhất; đôi lúc, tôi còn cảm thấy bất ngờ như chính cảm xúc của nhân vật trong truyện vì không ai có thể ngờ mọi chuyện lại diễn biến theo chiều hướng ấy. Tham, sân, si của lòng người đều hiện rõ qua cách diễn đạt của tác giả Émile Gaboriau và nếu phải suy ngẫm về tình đời, tình người thì mọi chuyện đều diễn ra cay đắng quá, khó mà chấp nhận được.
(Trần Nguyễn Phước Thông, FB Trần Thông, 25-01-2020)
Trần Thông
***
Émile Gaboriau
Chắc các bạn chưa quên “trai đẹp” trong Hồ sơ số 113, “gái đẹp” trong Tội ác ở Orcival. Nay các bạn sẽ biết thêm “ông già” Tabaret rất thú vị.
Tại ngôi làng La Jonchere thanh bình, bà quả phụ Lerouge bị sát hại tại nhà. Ở một ngôi làng từ trước tới giờ luôn thanh bình, tại sao bà quả phụ Lerouge lại bị sát hại? Nguyên nhân khiến bà bị sát hại là gì?
Tất cả các câu hỏi đó được giải đáp nhờ sự trợ giúp của vị thám tử nghiệp dư, lão Tabaret. Người được gọi là thầy của anh chàng thám tử gà trống Lecoq.
Dưới con mắt của thanh tra Gevol, lão Tabaret là một ông già tự phụ như một con công, dễ nổi khùng, dễ mắc lừa, lão làm trinh thám chỉ để chứng tỏ tài năng của mình, giống như một nghệ sĩ không hơn không kém. Mặc dù đôi lúc có sự nhiệt tình thái quá nhưng không thể phủ nhận tài năng của lão Tabaret. Sự cẩn trọng, tỉ mỉ, khả năng quan sát, suy luận sắc bén. (Sự quan sát tỉ mỉ có bóng dáng của thám tử Sherlock Holmes quen thuộc).
Dĩ nhiên có sai lầm thì mới là con người, đâu phải ai cũng thông minh hoàn hảo. Lecoq “trai đẹp” chỉ là cameo trong tập này thôi. Sân khấu chính là lão Tabaret.
Không biết có phải do đọc kha khá trinh thám rồi nên “khôn” hơn hay do vụ án mà Boog đoán được cả hung thủ lẫn nguyên nhân gây ra tội ác nên không bất ngờ lắm về hung thủ.
Tuy nhiên, để lại cảm xúc ở vụ án này không phải ở khía cạnh trinh thám mà là khía cạnh tình cảm. Boog khá là xúc động, cảm thông cho mối tình bi ai của nhân vật. Tại sao yêu nhau không đến được với nhau, để giờ đây hai ta phải khổ đau. Những rào cản định kiến, sự ngăn cách của xã hội, sai lầm bồng bột của tuổi trẻ đã để lại một bi kịch mà lớp đất thời gian không thể chôn vùi.
Đánh giá cá nhân: 7,5/10
Binh Boog
***