Vụ án Erwin (tựa nguyên bản Schlumpf Erwin Mord, sau đó là Wachtmeister Studer) là tác phẩm trinh thám đầu tiên của Friedrich Glauser. Nó cũng là một cột mốc đầu tiên của thể loại trinh thám hình sự phê phán xã hội. Thương gia Witschi bị bắn chết trong khu rừng ở rìa làng Gerzenstein ở Thụy Sĩ. Ông bị cướp tất cả tiền bạc mang theo người. Vào ngày hôm sau, người trong quán rượu “Bären” nhìn thấy Schlumpf Erwin, một anh chàng đã có tiền án trộm cắp, có rất nhiều tiền mang theo người. Schlumpf bỏ chạy trước khi cảnh sát đến tìm anh ta ở phòng trọ, nhưng rồi lại bị hạ sĩ Studer bắt được và đưa về trại tạm giam. Tại đây, Schlumpf toan treo cổ tự tử nhưng không thành vì Studer đã kịp thời cứu anh ta trong giây phút cuối cùng.
Trực giác cho Studer biết rằng anh chàng Schlumpf này vô tội. Nhưng khi về làng Gerzenstein để điều tra thì càng lúc vụ việc lại càng rối rắm hơn. Schlumpf lại yêu chính cô con gái của nạn nhân bị bắn chết. Người anh của cô và bà vợ của Witschi dường như giấu giếm điều gì đó. Không những thế mà cả ông già Ellenberger, ông chủ lao động của Schlumpf, ông trưởng làng, người thầy giáo làng, tất cả mọi người đều có dính líu như thế nào đó vào vụ việc này. Ai dường như cũng che giấu điều gì đó và đều muốn lái công cuộc điều tra của Studer đi theo một chiều hướng nhất định.
Đây là một quyển tiểu thuyết trinh thám khiến cho độc giả phải cùng suy luận, đoán xem ai là thủ phạm. Người đọc bị lôi cuốn theo những dấu vết sai lầm, được mớm cho những chỉ dẫn nào đó, ngạc nhiên vì những bước ngoặc mới trong cuộc điều tra, và thế là lại phải quay lại từ đầu. Căng thẳng, thú vị vâng, buồn cười xuất phát từ công việc điều tra của Studer, chứ không phải từ máu me, bạo lực hay rùng rợn như những tiểu thuyết hình sự hiện đại. Tuy vậy, tác phẩm vẫn có một kết cuộc khó lòng đoán trước, nhưng hợp lý và nhất quán.
“Vụ án Erwin” lôi cuốn người đọc cũng từ các tương phản trong nông thôn Thụy Sĩ những năm 30 của thế kỷ trước. Friedrich Glauser đã mang ít nhiều nét hiện thực của xã hội thời đó vào trong quyển tiểu thuyết, mô tả một ngôi làng với những người dân của nó, với nhiều mối quan hệ rối rắm phức tạp, những xung đột ngấm ngầm cũng như những số phận con người mà người ta không muốn hé lộ ra cho người ngoài biết. Không những là một quyển tiểu thuyết trinh thám đầy thú vị và nhiều bất ngờ, đây còn là một bức tranh hài hòa về tập tục và lối sống ở nông thôn Thụy Sĩ. Một quyển tiểu thuyết hình sự hay, với giọng văn miêu tả nổi bật, mang nhiều nét duyên dáng cũng như buồn cười bên cạnh câu hỏi gây đau đầu hầu như suốt cả tác phảm: Ai là thủ phạm?
Ngay từ lúc mới ra đời, Vụ án Erwin đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Ví dụ như nhật báo “Der Bund” vào ngày 10 tháng 12 năm 1936 đã viết rằng “Quyển tiểu thuyết này nổi bật lên trên mức trung bình của ‘văn học trinh thám’ quen thuộc, và không chỉ đơn giản là một vụ bí ẩn có sức lôi cuốn đến nghẹt thở theo một mô hình gương mẫu. Glauser còn nâng truyện của ông lên đến một mức nghệ thuật, mà người viết nhiều tác phẩm Edgar Wallace sẽ mãi mãi không sánh kịp và cả một Conan Doyle cũng chỉ ngang bằng trong những khoảnh khắc hiếm hoi. Là một bậc thầy trong phân tích, Glauser thêm vào đó còn là một nhà thơ có nhiều tình cảm nồng ấm và có tài quan sát tuyệt vời.” Vụ án Erwin đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và đã được chuyển thể phim ngay từ năm 1939.
Người cai tù có cái cằm ba ngấn và cái mũi đỏ lầu bầu điều gì đó nghe giống như “lúc nào cũng gấp rút”, – vì Studer lôi ông ta ra khỏi bữa ăn trưa. Nhưng ít ra thì Studer cũng là một hạ sĩ điều tra của Cảnh sát Tiểu bang Bern, vì vậy không thể cứ xua đuổi ông ấy đi như xua tà đuổi ma được.
Thế là cai tù Liechti đứng dậy, đổ đầy rượu vang đỏ vào ly uống nước, uống một hơi cạn cả ly, cầm lấy xâu chìa khóa và cùng đi đến chỗ tù nhân Schlumpf, người mà ông hạ sĩ vừa mới bàn giao cách đây chưa tới một giờ đồng hồ.
Lối đi… Những lối đi dài tối tăm… Những bức tường thật dày. Lâu đài Thun dường như đã được xây cho sự vĩnh cửu. Cái giá lạnh của mùa đông ở khắp nơi.
Thật khó tưởng tượng được, rằng ở ngoài kia đang có một ngày tháng Năm ấm áp ở trên hồ nước, rằng người ta đang đi dạo, thanh thản, rằng có những người khác đang nằm đong đưa trong những chiếc thuyền trên mặt nước, và phơi nắng để có được một làn da nâu.
Cửa phòng giam mở ra. Studer dừng lại ở ngưỡng cửa một khoảnh khắc. Hai thanh sắt ngang, hai thanh sắt dọc băng ngang qua cái cửa sổ nằm ở trên cao. Có thể nhìn thấy mái của một ngôi nhà – với những viên gạch ngói đen, cũ kỹ – và bầu trời bay phấp phới ở trên như một mảnh vải xanh sáng chói mắt.
Có một người bị treo lủng lẳng ở trên thanh sắt phía dưới! Chiếc thắt lưng da được cột chặt và tạo thành một nút thắt. Một thân thể tối tăm nổi bật trên bức tường được quét vôi trắng. Đôi chân nằm yên trên giường, vặn vẹo một cách khác thường. Và cái khóa thắt lưng sáng óng ánh ở sau gáy người bị treo cổ, vì có một tia nắng mặt trời chiếu vào nó từ ở trên cao.
“Trời ơi!”, Studer kêu lên, lao tới trước, nhảy lên giường – người cai tù kinh ngạc trước sự nhanh nhẹn của người đàn ông đã lớn tuổi – ôm chặt lấy thân hình đó bằng cánh tay phải, trong khi bàn tay trái tháo cái nút thắt ra.
Studer văng tục, vì bị gãy mất một cái móng tay. Rồi ông bước xuống giường và nhẹ nhàng đặt cái thân thể bất động đó xuống.
“Nếu như các anh không quá lạc hậu đến như thế này”, Studer nói, “và ít nhất là gắn lưới trước cửa sổ, thì những việc như thế này đã không xảy ra. – Này! Bây giờ thì hãy chạy đi, Liechti, và gọi bác sĩ lại đây!”
“Vâng, vâng”, người cai tù sợ sệt nói và khập khiễng đi ra.
Đầu tiên, ông hạ sĩ điều tra tiến hành hô hấp nhân tạo. Việc đó giống như một phản xạ. Một cái gì đó xuất phát từ thời mà ông còn học khóa cấp cứu. Và mãi năm phút sau Studer mới sực nhớ ra, đặt tai lên ngực của con người đang nằm đó và lắng nghe xem tim có còn đập không. Có, nó còn đập. Chậm. Nghe giống như tiếng tích tắc của một cái đồng hồ mà người ta đã quên lên dây cót; Studer tiếp tục bơm với hai cánh tay của người đang nằm. Chạy ngang qua ở dưới cổ, từ tai này qua đến tai kia, là một cái vạch đỏ.
“Schlumpf à!”, Studer nói nhỏ. Ông lấy cái khăn tay ra khỏi túi, lau trán mình trước, rồi lau qua gương mặt của anh chàng đó. Một gương mặt còn non nớt, trẻ, có hai nếp nhăn to trên sống mũi. Bướng bỉnh. Và trắng nhợt.
Đó chính là Schlumpf Erwin, người mà hôm nay người ta đã bắt giữ trong một cái làng ở vùng Oberaargau. Schlumpf Erwin, bị cáo buộc giết chết Witschi Wendelin, một thương gia và người đi bán dạo ở Gerzenstein.
Ngẫu nhiên mà người ta đã đến đúng lúc! Trước đây một giờ đồng hồ, người ta đã giao tên Schlumpf đúng theo quy định cho nhà giam, người cai tù với cái cằm ba ngấn đã ký tên – người ta có thể thong dong lên tàu hỏa trở về Bern và quên đi toàn bộ sự việc. Đó không phải là lần đầu tiên người ta bắt người, cũng sẽ không phải là lần cuối cùng. Tại sao người ta lại linh cảm là phải tới thăm Schlumpf Erwin thêm một lần nữa?
Ngẫu nhiên?
Có thể… Ngẫu nhiên là gì?… Không thể chối cãi được là người ta đứng đối diện đầy cảm thông với số phận của Schlumpf Erwin. Nói cho đúng hơn, người ta đã yêu mến Schlumpf Erwin… Tại sao?… Trong phòng giam, Studer dùng tay vuốt gáy vài lần. Tại sao? Vì người ta không có con trai? Vì người bị bắt cứ quả quyết là mình vô tội trên suốt cả chuyến đi? Không. Tất cả họ đều vô tội. Nhưng những lời quả quyết của Schlumpf Erwin nghe có vẻ thành thật. Mặc dù…
Mặc dù trường hợp này thật ra thì đã rõ hoàn toàn. Người ta tìm thấy thương gia kiêm người bán dạo Wendelin Witschi vào sáng ngày thứ Tư với vết đạn bắn ở phía sau tai phải, nằm sấp, trong một khu rừng ở gần Gerzenstein. Túi của nạn nhân trống rỗng… Vợ của người bị giết quả quyết rằng chồng bà có mang theo trên người ba trăm franc Thụy Sĩ.
Thế rồi vào tối thứ Tư, Schlumpf đổi một tờ một trăm franc trong quán trọ “Bären”…
Vào sáng ngày thứ Năm, cảnh sát muốn bắt anh ta, nhưng Schlumpf đã chạy trốn.
Vì vậy mà ông đại úy cảnh sát đã tới gặp hạ sĩ Studer trong phòng làm việc của ông này vào chiều tối ngày thứ Năm:
“Studer này, anh phải đi ra ngoài hít thở không khí trong lành. Sáng sớm ngày mai, anh đi bắt tên Schlumpf Erwin nhé. Sẽ tốt cho sức khỏe của anh thôi. Anh béo lên đấy…”
Đúng là như vậy, rất đáng tiếc… Tất nhiên, ở những vụ bắt giữ như thế này thì thường người ta gửi binh nhì đi. Nhưng lần này thì ông hạ sĩ điều tra phải đi… Cũng là ngẫu nhiên?… Số mệnh?…
Đủ rồi, người ta vướng vào anh chàng Schlumpf, và người ta đã yêu mến anh chàng này. Một sự thật! Người ta phải chấp nhận sự thật, ngay cả khi chúng chỉ liên quan đến cảm xúc.
Tên Schlump! Chắc chắn không phải là một người có giá trị cao! Ở Sở Cảnh sát Tiểu bang, người ta quá quen thuộc với hắn. Một đứa con ngoài giá thú. Chính quyền hầu như phải liên tục làm việc với hắn. Hồ sơ trong Sở An sinh Xã hội chắc chắn phải nặng ít nhất là một ký rưỡi. Lý lịch?
Mời bạn đón đọc Vụ Án Erwin của tác giả Friedrich Glauser & Phan Ba (dịch).