Sau thời gian tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất, đại úy Hastings quay trở về Anh dưỡng bệnh. Ông được người bạn cũ, cựu luật sư John Cavendish mời về điền trang của gia đình ở Styles, Essex để nghỉ ngơi. Tại đây Hastings đã làm quen với đại gia đình của nữ chủ nhân Emily Inglethorp, một gia đình có nhiều người đáng mến nhưng cũng nhuốm điều gì đó kỳ lạ.
Sau vài ngày ở Styles, Hastings bất ngờ được chứng kiến một vụ án bí ẩn. Trong một đêm đẹp trời, bà Emily Inglethorp đột nhiên qua đời với những dấu hiệu của một người bị đầu độc strychnine. Tình cờ là trong khoảng thời gian đó thám tử Hercule Poirot, một thám tử lừng danh người Bỉ và là bạn cũ của đại úy Hastings, cũng đang sống lưu vong ở gần Styles. Poirot lập tức được John Cavendish mời về điều tra vụ án theo lời khuyên của Hastings. Ban đầu mọi nghi ngờ đều đổ dồn vào ông Alfred Inglethorp nhưng duy nhất chỉ có thanh tra Poirot tìm mọi cách bảo vệ cho ông khỏi bị bắt và đưa ra tòa. Một nghi phạm khác của vụ án, bác sĩ chuyên ngành độc dược Bauerstein hóa ra lại là một gián điệp người Đức trà trộn ở vùng đồng quê Anh. Cuối cùng sau thời gian liên tục khám xét tòa nhà và tìm kiếm bằng chứng, Sở Cảnh sát Anh Scotland Yard, đứng đầu là Chánh thanh tra Japp, đã bắt giam John Cavendish vì ông cựu luật sư gây ra nhiều sự nghi ngờ nhất. Tuy nhiên tại tòa, luật sư của John đã nhanh chóng bác bỏ được mọi lập luận của bên công tố vì không có bằng chứng trực tiếp nào chứng minh được John đã giết mẹ của ông.
Vụ án kết thúc một cách bất ngờ khi Poirot chỉ ra rằng chính ông Inglethorp đã cùng với cô Evelyn Howard, bạn thân của bà Emily, giết vợ mình với mưu đồ chiếm đoạt tài sản thừa kế. Cô Evelyn Howard trước đó luôn tỏ ra khinh ghét ông Inglethorp với lý lẽ để bảo vệ bà Emily, nhưng thực chất chỉ là để che mắt mọi người về quan hệ họ hàng của cô với ông Alfred. Còn ông Inglethorp đã tìm mọi cách để bị bắt và kết án ngay từ đầu chẳng qua vì ông ta tin rằng mình không thể bị kết tội lần đầu tiên do thiếu bằng chứng, và như thế sẽ không thể bị kết án lại theo luật Bất hồi tố của Anh. Viên thám tử thông minh cũng giải thích lý do ông để cho John Cavendish bị bắt và đưa ra tòa mặc dù ông có bằng chứng chứng minh sự vô tội của John, đó là vì ông muốn dùng hoàn cảnh đó để hàn gắn mối quan hệ rạn nứt giữa John và Mary Cavendish. Vụ án kết thúc với việc Cynthia, cô gái mồ côi, và Lawrence Cavendish trở thành một cặp tình nhân.
Nhân dịp Trẻ vừa phát hành thêm 2 cuốn mới về Poirot, xin được phép đăng review về lần xuất hiện đầu tiên của vị thám tử đầu quả trứng, coi như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng thân thiện để khuyến khích Trẻ xuất bản trọn bộ Agatha nhanh hơn. <(")
Truyện được bắt đầu với việc Arthur Hastings – người kể chuyện – một viên đại úy người Anh vừa trở về từ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, được một người bạn cũ là John Cavendish mời về nhà mình tại làng Styles nghỉ dưỡng. Tại đây, Hastings biết được rằng John cùng với em trai là Lawrence Cavendish là hai thằng ăn hại, sống nhờ trợ cấp của người mẹ kế hết sức giàu có là bà Emily Inglethorp, một người cực kỳ tốt bụng khi chẳng những không đuổi 2 cục nợ ấy đi mà còn rước thêm về 1 thằng ăn hại khác là Alfred, người chồng mới người kém bà khoảng chục tuổi. Không chỉ có đàn ông, tại điền trang này còn có thêm 2 người phụ nữ ăn hại khác là Mary, vợ của John và bạn thân của bà Emily là bà Evelyn Howard; cùng với đó là Cynthia Murdoch, con nuôi bà Emily, một y tá, tức người duy nhất có công ăn việc làm tại cái chốn toàn lũ ăn hại này. Và những diễn biến tiếp theo thì chắc ai cũng đoán được, bà Emily bị ám sát, đám ăn hại tất cả đều rơi vào diện nghi vấn vì sẽ được nhận thừa kế khi bà chết, rồi Poirot xuất hiện, đi phỏng vấn khắp 1 vòng, tìm ra những điểm bất hợp lý trong lời khai, vụ án được hóa giải. Hết.
Giống như Sherlock Holmes có Watson, Poirot cũng có Hastings bên mình, với vai trò “bạn thân” và “người kể chuyện”. Nhưng nếu Watson ít nhiều khiến người ta yêu mến bởi sự thành thật và trung tín của mình, thì Hastings là một con lợn không hơn không kém, vừa ngu vừa hám gái. Ôi thần linh ơi, ai lại an ủi một cô thiếu nữ mình vừa gặp vài ngày bằng cách nói “hãy cưới tôi” đi cơ chứ! Cả truyện chúng ta sẽ thấy Hastings lượn lờ khắp nơi, bày tỏ niềm ngưỡng mộ với nhan sắc của Cynthia và Mary (vâng, vợ bạn cũng không tha), đồng thời kiêm luôn vai trò thường dành cho đám thanh tra ăn hại với việc đưa ra các giả thuyết lung tung hòng tung hỏa mù khiến độc giả rối trí. Không có gì phải ngạc nhiên khi Agatha sớm cho Hastings biến khỏi cuộc đời Poirot chỉ sau 2 tập truyện, thỉnh thoảng mới lôi trở lại để nhắc cho độc giả biết rằng “à, hóa ra không phải ai cũng là siêu nhân như Poirot, vẫn có đứa ăn hại hơn mình!”
Về phần trinh thám thì truyện sẽ dẫn dắt bạn đọc theo kiểu “hắn chính là thủ phạm -> ồ, hắn không phải thủ phạm -> đệch, hóa ra hắn là thủ phạm thật”. Nói chung là dù không được đặc sắc như mấy tuyệt tác Vụ ám sát ông Roger hay Tàu tốc hành Phương Đông, nhưng vẫn rất xuất sắc, nhất là khi đây mới chỉ là tiểu thuyết đầu tay của Agatha Christie. Vậy nên, dù vẫn còn mấy điểm khá lấn cấn, ví dụ như việc thủ phạm tự giúp Poirot lật mặt mình, nhưng nhìn chung đây vẫn là một quyển sách mà mọi tín đồ của thể loại trinh thám đều nên có trên giá sách.
Điểm: 8/10
Người viết: Phô Ních
Agatha Christie sinh năm 1890 tại Torquay, Anh. Cha bà tên là Frederick Miller, nên tên khai sinh của bà là Agatha Miller. Hồi còn nhỏ, Agatha không được tới trường mà chỉ được gia đình thuê gia sư về dạy dỗ tại nhà.
Là một đứa trẻ nhút nhát, khó có thể diễn tả chính xác ý kiến của mình, ban đầu bà tìm đến âm nhạc như một cách giải tỏa tâm sự và sau này là viết sách. Năm 1914, bà kết hôn với Archie Christie, một phi công chiến đấu. Trong khi đức lang quân bận rộn chiến đấu ngoài chiến trường thì bà làm y tá trong bệnh viện. Chính trong thời kỳ này, ý tưởng viết tiểu thuyết trinh thám đã nảy sinh trong tâm trí bà. Chỉ một năm sau bà đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Những bí ẩn vùng Styles, nhưng phải tới 5 năm sau nó mới được xuất bản (1920).
Agatha Christie được mọi người tôn vinh là Nữ hoàng truyện trinh thám. Trong suốt cuộc đời mình, bà đã sáng tác 66 tiểu thuyết, rất nhiều truyện ngắn, kịch và hàng loạt tiểu thuyết tình cảm lãng mạn với bút danh là Mary Westmacott. Vở kịch Chiếc bẫy chuột của bà có lẽ là vở kịch trinh thám hay nhất thế giới. Một số tác phẩm của bà đã được chuyển thể thành phim, nổi bật là bộ phim Murder on the Orient Express (Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông) đã đoạt giải thưởng Hàn lâm năm 1974. Tác phẩm của bà được dịch ra hơn 100 thứ tiếng.
Trong suốt cuộc đời mình, nữ nhà văn Agatha Christie luôn căm ghét bạo lực và máu. Bà thường thú nhận rằng không biết gì về những công cụ giết người thông thường. Thậm chí bà cũng chưa từng một lần tiếp xúc với một kẻ giết người.
Mời các bạn đón đọc Vụ Án Bí Ẩn Ở Styles (Thảm Kịch Ở Styles) của tác giả Agatha Christie.