“Vòng phấn Kavkaz” là một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của tác gia người Đức Bertolt Brecht (1898 – 1956). Trường phái sân khấu gián cách là một đặc trưng trong cách viết kịch của ông. Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên “Vòng phấn Kavkaz” được đưa lên sân khấu kịch với phong cách dàn dựng mới này.
Với vai trò là một nhà phê bình sân khấu, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết: “Người ta có nhiều cách khác nhau để xử lý một kịch bản của Bertolt Brecht trên câu chữ mà nó có. Và cách xử lý nào cũng cực kì đẹp. Cách xử lý của đạo diễn này rất hiện đại nhưng tôi vẫn bị ấn tượng bởi sân khấu của ông Steal Max nhiều hơn (đạo diễn dựng vở“Vòng phấn Kavkaz” từ thập niên 80 của thế kỉ trước trên sân khấu chèo Việt Nam) nhưng tôi vẫn công nhận là đạo diễn Dominik rất hiện đại. Ông sử dụng nhiều nhạc, đạo cụ hiện đại. Và hệ thống sân khấu này chủ trương vấn đề diễn viên không đi vào nhân vật, hòa cảm hoàn toàn cùng nhân vật mà vừa diễn vừa tách mình ra”.
Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh, Phó đạo diễn vở kịch “Vòng phấn Kavlaz” cho biết: Đây là cơ hội học tập, thử nghiệm của các diễn viên nhà hát Tuổi trẻ với trường phái kịch Bertolt Brecht. Khi diễn, các diễn viên diễn chủ động, bằng lời thoại của mình nhắc khán giả biết rằng họ đang xem kịch và đặt ra những câu hỏi, suy ngẫm cho khán giả từ các tình huống kịch:
“Vòng phấn Kavkaz” là tác phẩm đậm chất triết lý của tác giả Bertolt Brecht. Vở kịch này nói về sự ích kỉ của con người trong xã hội. Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn có những người không vì quyền lợi cá nhân, dám hi sinh cho những điều tốt đẹp và sống đúng với lương tâm của mình.