Võ Văn Kiệt – Một Nhân Cách Lớn, Nhà Lãnh Đạo Tài Năng Suốt Đời Vì Nước Vì Dân (Hồi Ký)

Võ Văn Kiệt – Một Nhân Cách Lớn, Nhà Lãnh Đạo Tài Năng Suốt Đời Vì Nước Vì Dân (Hồi Ký)

Tác giả:
Thể Loại: Văn Học Việt Nam
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

Ngày 11/6/2008, đồng chí Võ Văn Kiệt – tức Sáu Dân – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đột ngột qua đời trong niềm tiếc thương và nỗi đau buồn khôn xiết của đồng bào, đồng chí và nhân dân cả nước. Với 86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, gần 70 năm hoạt động không ngừng nghỉ cho độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự hùng cường của đất nước, một trái tim lớn đã ngừng đập, một nhân cách lớn đã ra đi.

Đồng chí Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long thuộc trung tâm của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, trong một gia đình nông dân nghèo. Mặc dù với học vấn chỉ đọc thông, viết thạo, đồng chí đã sớm dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp cứu nước, cứu dân. Ở tuổi 16 (1938), đồng chí tham gia phong trào Thanh niên phản đế, một năm sau đó, ở tuổi 17, đồng chí là đảng viên cộng sản. Ở tuổi 18, với cương vị là Bí thư chi bộ xã, Huyện ủy viên, đồng chí tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 ở Vũng Liêm – Vĩnh Long. Mặc dù bị thực dân Pháp dìm trong biển máu, nhưng cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn – Võ Nhai, khởi nghĩa Đô Lương – Nghệ An, khởi nghĩa Nam Kỳ là khúc tráng ca bất hủ, bước tập dượt quan trọng để tiến tới Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, do địch khủng bố gắt gao, lùng bắt những người lãnh đạo cho nên đồng chí được điều động về Rạch Giá hoạt động, được cử vào Tỉnh ủy lâm thời và tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Rạch Giá tháng Tám năm 1945.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên cương vị là Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng, đồng chí lăn lộn khắp chiến trường Tây Nam Bộ và trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của vùng đất này khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm 1950, đồng chí được điều động về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Cuối năm 1950, đồng chí được cử làm đại biểu của Đảng bộ miền Nam ra Việt Bắc dự Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng diễn ra đầu năm 1951 tại Tuyên Quang – Việt Bắc. Sau thời gian học tập, công tác và dự Đại hội II của Đảng, đồng chí trở lại Nam Bộ làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho đến ngày cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi.

Theo sự phân công của tổ chức, đồng chí không tập kết ra Bắc mà ở lại bí mật tổ chức cuộc đấu tranh của đồng bào, đồng chí Nam Bộ. Trong suốt 21 năm tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai vô cùng gian khổ, ác liệt để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, từ một cán bộ lãnh đạo đầy nhiệt huyết và dày dạn kinh nghiệm trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí trở thành một cán bộ chủ chốt của chiến trường Nam Bộ. Năm 1955, đồng chí được bầu làm Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, giữ chức Bí thư Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Từ năm 1959 đến năm 1975, đồng chí nhiều lần được cử làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định trong những thời điểm cam go, rồi làm Bí thư Khu ủy Khu 9 từ năm 1970 cho đến sau Hiệp định Pari năm 1973.

Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1961, thực hiện chủ trương của Đại hội III, Trung ương Cục miền Nam được thành lập thay cho Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí được chỉ định làm Ủy viên Trung ương Cục và từ năm 1973 là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam cho đến ngày cơ quan này hoàn thành nhiệm vụ sau ngày 30/4/1975. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đồng chí được Trung ương Cục phân công làm Bí thư Đảng ủy đặc biệt trong Ủy ban quân quản Sài Gòn. Sau giải phóng, đồng chí được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân rồi Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Có thể bạn thích sách  Hồn Bướm Mơ Tiên - Nửa Chừng Xuân

Từ năm 1960, suốt 37 năm liên tục đồng chí tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có 25 năm là Ủy viên chính thức. Sau khi đất nước thống nhất, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị rồi Ủy viên chính thức từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng và giữ trọng trách này suốt 21 năm cho đến khi thôi nhiệm tháng 12/1997 để làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương.

Về mặt Nhà nước, đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa VI, VIII, IX. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII diễn ra tháng 6/1987, đồng chí được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 3/1988, đồng chí được chỉ định làm Quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay đồng chí Phạm Hùng vừa đột ngột từ trần. Từ tháng 8/1991, đồng chí được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX, đồng chí được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ và đảm trách chức vụ này cho đến khi thôi nhiệm.

Trong cuộc đời cách mạng dài lâu từ thuở thiếu thời cho đến khi từ giã cõi đời, đồng chí Võ Văn Kiệt đã được giao nhiều trọng trách, là điển hình của lớp cán bộ trưởng thành từ cơ sở, từ lãnh đạo cấp xã cho đến khi trở thành người đứng đầu Chính phủ. Ở bất cứ giai đoạn cách mạng nào, giữ bất cứ cương vị gì, đồng chí đều nỗ lực hết mình, bộc lộ tài năng chói sáng và để lại dấu ấn khó phai mờ – dấu ấn Võ Văn Kiệt. Sau Hiệp định Pari, từ kinh nghiệm xương máu của Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đồng chí biết chắc chắn với bản chất ngoan cố và xảo quyệt, kẻ địch sẽ xóa bỏ hiệp định, tung quân đánh phá vùng giải phóng của ta. Trên cương vị là Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy lực lượng vũ trang Quân khu 9, với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, đồng chí thống nhất với Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh kiên quyết giáng trả và tiến công địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Bài học kiên quyết và chủ động tiến công địch của Khu 9 đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn và sáng tạo, được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đánh giá rất cao, kịp thời rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến trường xốc tới giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30/4/1975 lịch sử.

Sau mùa Xuân toàn thắng, trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban nhân dân rồi Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí lo toan ổn định tình hình ngổn ngang của thành phố vừa được giải phóng. Do những sai lầm trong tổ chức chỉ đạo thực hiện, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng. Chính từ trong khó khăn càng ngời sáng phẩm chất và tài năng của người lãnh đạo hết lòng vì nhân dân và sự phát triển của thành phố đông dân nhất nước. Chính từ thực tiễn “phá rào” tìm đường đổi mới cơ chế quản lý của Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương đã giúp Trung ương xác định con đường đổi mới tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng.

Từ khi được điều động về Trung ương công tác, đảm trách nhiều chức vụ quan trọng, nhất là từ khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ, tài năng của đồng chí càng thể hiện chói sáng, vừa là một trong những kiến trúc sư của sự nghiệp đổi mới, vừa là người tổ chức thực hiện thắng lợi con đường đổi mới trong 10 năm đầu rất gian khổ, để lại dấu ấn rất sâu đậm – dấu ấn Võ Văn Kiệt.

Có thể bạn thích sách  Hoa-Tiên Truyện

Trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ, đồng chí đã có những quyết sách cực kỳ quyết liệt và táo bạo thực hiện bằng được những chủ trương lớn của Đảng. Đường dây tải điện 500kV Bắc – Nam, Nhà máy thủy điện Trị An, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường cao tốc bắc Thăng Long – Nội Bài, đường Hồ Chí Minh, công trình cải tạo Tứ giác Long Xuyên và đồng bằng sông Cửu Long để nhân dân “sống chung với lũ”, và rồi cả việc cấm sản xuất, lưu hành và đốt pháo trái phép đã ghi dấu ấn Võ Văn Kiệt – một nhà lãnh đạo năng động và quyết đoán. Không phải ngẫu nhiên mà đồng chí Phạm Văn Đồng từng nói: Trong các đời Thủ tướng thì Võ Văn Kiệt – Sáu Dân là người làm được nhiều việc lớn nhất cho dân, cho nước. Đó là sự khâm phục và đánh giá chân thành của lớp người đi trước đối với lớp cán bộ lãnh đạo tiếp nối sự nghiệp chấn hưng đất nước.

Sau thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, nhất là từ sau khi chúng ta đưa quân vào Campuchia để cứu một dân tộc khỏi thảm họa diệt chủng, chủ nghĩa đế quốc câu kết với các thế lực phản động quốc tế tổ chức cuộc bao vây, cấm vận rất thâm độc hòng bóp nghẹt cách mạng Việt Nam, đất nước sau chiến tranh đã khó khăn lại càng khó khăn chồng chất. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ theo chủ trương của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng: Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, đồng chí đã nỗ lực cao độ lãnh đạo Chính phủ phá bỏ thế bao vây cấm vận của các thế lực thù địch để chủ động hội nhập quốc tế, trước hết là bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, xúc tiến gia nhập ASEAN và APEC theo lộ trình, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, đàm phán từng bước để đưa đất nước gia nhập WTO. Đây là thành quả ngoại giao to lớn ghi dấu ấn Võ Văn Kiệt. Bạn bè quốc tế ghi nhận Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo tài năng, thân thiện, chân thành, rất đáng tin cậy của nước Việt Nam đổi mới trong quá trình hội nhập toàn cầu.

Là người thắng trận nhưng đồng chí không mắc bệnh “kiêu ngạo cộng sản” như Lênin từng chỉ dạy mà đã nỗ lực hết mình để đoàn kết dân tộc sau chiến tranh, kể cả những người đã từng một thời ở bên kia chiến tuyến. Đồng chí là nhà lãnh đạo, một người bạn chân thành, tin cậy của các nhân sĩ, các vị chức sắc tôn giáo, trí thức, nhà văn, nhà báo và văn nghệ sĩ nói chung. Ở đồng chí có sức hút, quy tụ và sự lan tỏa kỳ lạ đối với mọi giai tầng. Đồng chí luôn lắng nghe, tin cậy mọi người và vì vậy mọi giới, mọi tầng lớp nhân dân đều quý trọng và mến yêu đồng chí. Tự thân trong huyết quản và được bồi tụ qua những chặng đường cách mạng chông gai, đồng chí là một nhà lãnh đạo tiêu biểu của sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, quy tụ xung quanh mình sức mạnh đoàn kết tất cả các giai tầng vì sự phồn vinh của đất nước.

Võ Văn Kiệt là con người của hành động, con người của những quyết sách mang tầm vóc lịch sử. Ngay cả khi đã thôi nhiệm, đồng chí vẫn luôn luôn trăn trở suy tư vì dân, vì nước. Dù ở tuổi 86, đồng chí vẫn lăn lộn với các vùng đất, theo dõi sát tình hình thời cuộc, đóng góp những ý kiến có trách nhiệm với các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về những vấn đề hệ trọng của quốc gia.

Sự nóng lên của trái đất dẫn đến tình trạng nước biển ngày càng dâng cao. Việt Nam là quốc gia ven biển, chịu tác động nặng nề của sự biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiều vùng ven biển sẽ bị xâm thực ngập mặn, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội của một bộ phận khá lớn cư dân ven biển và hải đảo nước ta. Trên thế giới, Hà Lan là quốc gia có nhiều thành tựu trị thủy và kinh nghiệm đối phó với nước biển dâng. Trong khi đang chuẩn bị những tài liệu cần thiết cho chuyến đi tìm hiểu kinh nghiệm của Hà Lan thì đồng chí đột ngột qua đời mang theo nỗi khắc khoải về điều cuối cùng chưa kịp làm được cho dân, cho nước.

Có thể bạn thích sách  Vang bóng một thời

Ngay khi đồng chí vừa qua đời đã có hàng trăm bài báo viết về cuộc đời – sự nghiệp của đồng chí đăng tải trên hầu hết các cơ quan truyền thông cả nước. Gần một chục cuốn sách về đồng chí đã được xuất bản.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức đội ngũ cộng tác viên đông đảo gồm nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng – Nhà nước, lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, những người cộng sự, văn nghệ sĩ, trí thức đã từng sống và làm việc viết về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí dưới dạng hồi ký. Bên cạnh đó, từ những bài báo, những bài viết đăng tải trên các phương tiện truyền thông, một số cuốn sách đã xuất bản, chúng tôi tuyển chọn những bài tiêu biểu, biên tập kỹ để đưa vào cuốn sách này.

Nội dung các bài viết rất đa dạng, chân thực và cảm động về cuộc đời, con người, sự nghiệp Võ Văn Kiệt – một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo tài năng và quyết đoán, một Thủ tướng để lại nhiều dấu ấn khó phai mờ – dấu ấn Võ Văn Kiệt. Nội dung các bài viết rất phong phú, để bạn đọc tiện theo dõi chúng tôi sắp xếp các bài thành các cụm chủ đề sau đây:

– Cụm bài của các đồng chí lãnh đạo Đảng – Nhà nước.
– Cụm bài về đồng chí Võ Văn Kiệt trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
– Cụm bài khi đồng chí lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. – Cụm bài khi đồng chí làm Thủ tướng Chính phủ.
– Cụm bài đồng chí với văn hóa, lịch sử dân tộc của trí thức, văn
nghệ sĩ.
– Cụm bài của quê hương và gia đình.

Ngoài các bài viết, cuốn sách còn có nhiều bức ảnh tư liệu quý phản ánh chân thực cuộc đời – con người – sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt.

Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản ấn hành lần đầu tiên vào năm 2012. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2022), nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo độc giả, Nhà xuất bản tái bản, có chỉnh sửa, bổ sung cuốn sách.

Mặc dù đã rất cố gắng trong việc đối chiếu, tra cứu những thông tin, nguồn tư liệu trong cuốn sách, nhưng khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Để bảo đảm tính lịch sử và tôn trọng ý kiến của các tác giả, chúng tôi cố gắng giữ nguyên thông tin trong các nguồn tư liệu cũng như những nhận định, đánh giá của tác giả, góp phần phản ánh một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn về cuộc đời và sự nghiệp của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc, Nhà xuất bản xin được trân trọng cảm ơn sự cộng tác, giúp đỡ đầy tinh thần trách nhiệm của đồng chí Vũ Quốc Tuấn, đồng chí Nguyễn Văn Trịnh là những cán bộ giúp việc trực tiếp, gần gũi của đồng chí Võ Văn Kiệt khi còn tại thế, cũng như gia đình đồng chí Võ Văn Kiệt.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Tháng 11 năm 2022
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT